Tham dự buổi họp báo có: PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm; GS.TS. Võ khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội (Học viện); GS.TS. Vũ Dũng, Tổng biên tạp Tạp chí Tâm lý học, Trưởng khoa Khoa Tâm lý – Giáo dục; GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Trưởng khoa Khoa Ngôn ngữ; PGS.TS. Hồ Sĩ Sơn, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Hồ Việt Hạnh, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Trần Minh Tuấn, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ; PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học; cùng nhiều phóng viên đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Trả lời các câu hỏi đã được một số báo nêu ra trong thời gian vừa qua về chỉ tiêu, quy trình, chất lượng và số lượng các tiến sĩ đã được đào tạo tại Học viện, GS.TS. Võ khánh Vinh, Giám đốc Học viện cho biết, hàng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ cho Học viện 350 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, nếu chia đều cho 36 ngành đào tạo thì mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu; trong khi đó, có một số ngành rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nhưng thực tế chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ vẫn còn rất ít. Thực tế, hằng năm số ứng viên dự tuyển so với số chỉ tiêu thường nhiều gấp đôi; vì vậy, Học viện có cơ sở để tuyển chọn được những ứng viên tốt nhất cho công tác đào tạo tiến sĩ. Học viện hiện có 412 giảng viên đang tham gia giảng dạy trong đó có 19 Giáo sư, 175 Phó Giáo sư, số còn lại là Tiến sĩ. Ngoài ra, Học viện còn mời khoảng 2000 chuyên gia trong cả nước (gồm cán bộ giảng dạy của Học viện (lấy từ Viện Hàn lâm) và mời bên ngoài) tham gia đào tạo dưới những hình thức khác nhau (chấm chuyên đề, tham gia hướng dẫn, tham gia Hội đồng chấm luận án cấp Cơ sở và cấp Học viện, phản biện độc lập). Tất cả điều đó nói lên chất lượng đào tạo của Học viện. Như vậy, số lượng chỉ tiêu đào tạo hiện nay của Học viện là khiêm tốn so với khả năng của Học viện và nhu cầu của xã hội.
|
|
|
|
|
Học viện luôn tuân thủ quy trình đào tạo tiến sĩ rất chặt chẽ. Ngoài Thông tư 15 theo quy định của Bộ GD-ĐT, Học viện còn trực tiếp cụ thể hóa các quy định nghiêm ngặt tại Học viện. Việc bảo vệ phải thực hiện đúng niên hạn, nghiên cứu sinh nào quá hạn sẽ bị gửi trả về cơ quan công tác, nếu học lại sẽ phải thi lại đầu vào. Với phương châm “Chất lượng, Thân thiện, Hiệu quả”, Học viện đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cuả Học viện.
Về quy trình đào tạo tiến sĩ, GS.TS. Võ Khánh Vinh khẳng định: Học viện có quy trình phản biện kín, người phản biện không biết ai là nghiên cứu sinh, ai hướng dẫn và phản biện kín luôn là chuyên gia bên ngoài Viện Hàn lâm. Học viện được đánh giá cao trong khâu phản biện kín. Trước khi bảo vệ cấp Học viện, nghiên cứu sinh phải công bố luận án lên website để xã hội - từ người dân bình thường đến chuyên gia sàng lọc, đánh gíá. Trước khi bảo vệ 10 ngày, Học viện công bố trên báo Nhân dân và Quân đội nhân dân về thời gian, địa điểm và đề tài bảo vệ để ai quan tâm có thể biết để đến tham dự, giám sát. Nội dung và tóm tắt của luận án, thông tin về buổi bảo vệ được công bố công khai hóa toàn bộ trên website của Học viện các sự kiện bảo vệ trước, trong và sau. Đó là những bộ lọc chuyên môn, xã hội, đạo đức để đánh giá chất lượng của luận án.
Học viện đã đạo tạo được 784 Tiến sĩ. Họ hiện là giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, phổ thông; là cán bộ của các cơ quan Trung ương và địa phương. Một số trường đại học hiện nay thiếu giáo viên trình độ Tiến sĩ và họ đã chọn Học viện để học tập, nghiên cứu.
Một số câu hỏi của các phóng viên đề cập tới những đề tài luận án đang được dư luận quan tâm đã được các giáo sư của Học viện trả lời một cách thuyết phục:
GS.TS. Vũ Dũng khẳng định, đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã" là đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn tốt. Bởi vì:
Toàn cảnh buổi làm việc
1. Về lý luận, đề tài nghiên cứu về vấn đề giao tiếp - vấn đề quan trọng hàng đầu đối với con người và xã hội.
Đối với con người, giao tiếp là yếu tố quyết định của sự hình thành và phát triển con người. Không có giao tiếp không có con người.
Ví dụ: Đầu thế kỷ XX ở Ấn Độ, người ta tìm thấy trong hang sói một đứa trẻ khoảng 7 tuổi. Đó là đứa trẻ bị lạc trong rừng được bầy sói đưa về nuôi. Đến 7 tuổi đứa trẻ này không biết đi bằng 2 chân, đi bằng 4 tứ chi như là chó, không biết nói mà chỉ biết kêu gâu gâu như chó, không biết ăn bằng tay mà chỉ biết lấy mồm cắn như chó. Điều đó nói lên rằng, đứa trẻ này không được sống và giao tiếp trong xã hội của con người, mà chỉ sống trong xã hội của loài chó, giao tiếp với loài chó thì không thể trở thành một con người. Đây cũng là đề tài để ra đời bộ phim về người rừng Tắcgiăng nổi tiếng.
Giao tiếp giúp các cá nhân tiếp nhận các tri thức, kinh nghiệm xã hội. Giao tiếp là cơ sở để hình thành nhận thức, tình cảm, thái độ và hành vi của con người.
Mặt khác, đây là một đề tài còn rất ít được nghiên cứu ở Việt Nam, nếu không nói đây là đề tài đầu tiên. Chính vì vậy, kết quả nghiên cứu của luận án góp phần bổ sung một số vấn đề lý luận về giao tiếp của nhóm cán bộ quản lý cấp cơ sở.
2. Về thực tiễn, đây là đề tài có ý nghĩa thực tiễn thiết thực. Bởi vì:
Thứ nhất, ở nước ta có một số lượng xã lớn. Tính đến ngày 11 tháng 5 năm 2015, Việt Nam có 11.164 đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh có nhiều xã nhất là Thanh Hóa với 585 xã, tiếp theo là Nghệ An với 437 xã và Hà Nội với 401 xã. 10 tỉnh và thành phố có số xã lớn nhất (từ 207 xã đến 586 xã) chiếm 1/3 số xã của cả nước. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta có 11.164 chủ tịch cấp xã. Một số lượng lớn cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở như vậy rất cần, rất đáng để nghiên cứu.
|
Thứ hai, xã là cấp cuối cùng trong hệ thống chính trị ở nước ta, là cấp gần dân nhất, trực tiếp với dân (còn cấp huyện, tỉnh, thành phố Trung ương mang tính gián tiếp hơn). Cấp xã/phường là cấp triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân. Các chính sách của Đảng và Nhà nước có trở thành hiện thực hay không trước hết là do cấp xã, có đến được với dân hay không trước hết là do cấp xã. Đối với cấp xã, đối với việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở cấp xã thì chủ tịch xã là một trong những người đóng vai trò quan trọng nhất. Chủ tịch xã có triển khai các chủ trương, chính sách hiệu quả hay không, có thu phục được người dân hay không, có tập hợp được người dân hay không, có hiểu được nhu cầu, tâm tư nguyện vọng, những khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt của người dân hay không phụ thuộc rất nhiều vào giao tiếp của chủ tịch xã với người dân.
Thứ ba, trong thời gian gần đây dư luận xã hội có nói đến một số hạn chế trong giao tiếp của cán bộ cơ sở với người dân như quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa dân… Vậy thực hư vấn đề đó như thế nào thì cần phải nghiên cứu, cần phải có cơ sở khoa học, chứ không thể nói một cách cảm tính được.
Với các lý do trên ta thấy đề tài luận án này có ý nghĩa thực tiễn thiết thực.
3. Một điểm nữa cần phải nêu ra là, nhiều khi người ta vẫn hiểu đề tài luận án là vấn đề gì to tát, ghê gớm lắm. Nhưng không phải như vậy, ở các nước có nền giáo dục phát triển khoa học nói chung và khoa học xã hội nói riêng luôn gắn liền với thực tiễn cuộc sống, giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra. Cho nên đề tài luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ rất cụ thể. Ở Việt Nam, trong nhữg năm gần đây khoa học xã hội, trong đó có Tâm lý học đi theo hướng này. Các đề tài nghiên cứu, các đề tài luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ đi giải quyết những vấn đề rất thiết thực, cụ thể của cuộc sống. Chính điều này mới mang lại những giá trị đích thực cho các nghiên cứu.
4. Quy trình xác định tên đề tài, thực hiện luận án theo quy trình rất chặt chẽ, công phu. Một luận án để đưa ra bảo vệ cấp Học viên phải qua 8 vòng kiểm duyệt và sang lọc nghiêm ngặt. Đó là:
1) Thi đầu vào
2) Hội đồng xác định tên đề tài
3) Hội đồng góp ý đề cương chi tiết
4) Hội đồng đánh giá các chuyên đề tiến sỹ
5) Hội đồng tư vấn góp ý luận án trước khi bảo vệ cơ sở
6) Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở (3 người trong, 4 người ngoài)
7) Phản biện kín
8) Hội đồng đánh giá luận án cấp Học viện (3 người trong, 4 người ngoài)
Với một quy trình nghiêm ngặt như vậy không thể có một một luận án mà tên đề tài luận án không có ý nghĩa gì thiết thực hay không xứng tầm với một luận án Tiến sỹ.
Về đề tài luận án ngôn ngữ học, GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án “Hành vi nịnh trong tiếng Việt", cho rằng, để hiểu hành vi nịnh trong tiếng Việt, cần hiểu lý thuyết hành động ngôn từ do J.L. Austin (nhà triết học ngôn ngữ người Anh) khởi xướng vào những năm 50 thế kỉ XX. Với lý thuyết này, Austin đã thấy được bản chất xã hội và khía cạnh liên nhân hay khía cạnh ý nghĩa xã hội của các phát ngôn. Theo Austin, khi ta nói là ta đã thực hiện một hành động bằng lời (speech act), phát ngôn sẽ có những dấu hiệu tường minh để biểu thị hiệu lực của phát ngôn, hay ý nghĩa đích thực của phát ngôn.
Trong giao tiếp hằng ngày, có rất nhiều hành vi ngôn ngữ, nhưng có thể quy về 5 nhóm chính: xác tín, cầu khiến, cam kết, tuyên bố, biểu cảm. Hành vi nịnh, cùng với các hành vi khác như khen, chê, chúc mừng, chia buồn... thuộc về nhóm biểu cảm (expressives). Nịnh của người Việt vừa có cái chung vừa có cái riêng, được áp dụng trong thực tiễn giao tiếp. Cũng như các hành vi ngôn ngữ khác, hành vi này có những đặc trưng chung cho nhân loại, có những đặc trưng riêng cho từng dân tộc, gắn với những nét riêng về văn hóa, về cách tư duy của dân tộc. Việc nghiên cứu này luôn giá trị lý luận và thực tiễn tốt. Nó giúp chúng ta hiểu thực trạng hành vi nịnh trong xã hội hiện nay để hạn chế, để phê phán nhằm giúp cho ứng xử giữa người với người trong đời sống xã hội văn minh hơn, có văn hóa hơn.
GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp cho biết thêm, “luận án có chất lượng khá tốt. Đề tài có tác động thực tiễn lớn đối với xã hội. Đừng nên hiểu một cách dung tục là làm luận án về hành vi nịnh là để cổ súy cho hành vi này, mà phải hiểu ngược lại mới đúng".
Về vấn đề công bố các kết quả nghiên cứu ra quốc tế, GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp khẳng định, đây là một việc hết sức khó khăn không phải do chất lượng các nghiên cứu mà do chúng ta không có kinh phí để chi trả cho việc xuất bản trên các tạp chí quốc tế.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS. Trần Thị An, chia sẻ, theo thống kê chưa đầy đủ, trong những năm gần đây, Viện Hàn lâm có hơn 400 công trình nghiên cứu khoa học được công bố ở nước ngoài.
Kết luận buổi làm việc, PGS.TS. Phạm Văn Đức, khẳng định sau hơn 2 tiếng làm việc hết sức cởi mở, Học viện và Viện Hàn lâm đã trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên, không né tránh bất cứ vấn đề gì mà phóng viên đã nêu lên, các câu hỏi đều được trả lời thỏa đáng, thuyết phục. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm mong rằng, với tinh thần trách nhiệm chung, cùng nhau góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, hi vọng các nhà báo sẽ có những thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về hoạt động của Học viện Khoa học xã hội với xã hội./.
Nguyễn Thu Hà