Tham dự cùng với Chủ tịch Cho Dong- Chul có Ông Lee Mi – yeon, nghiên cứu viên cấp cao; Ông Kim Bo- Jeon, nghiên cứu viên cấp cao; Ông Yoon Sang Key, Tham tán công sứ; Bà An So Yeon, phiên dịch viên.
Cùng tiếp với Chủ tịch Phan Chí Hiếu có TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; TS. Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành, Viện Kinh tế Việt Nam; ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế.
|
Mở đầu buổi làm việc, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, TS. Phan Chí Hiếu nhiệt liệt chào mừng đoàn đại biểu KDI đã đến thăm và làm việc tại VASS. Đồng thời chủ tịch giới thiệu sơ lược cơ cấu chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu chính của VASS. Theo đó 04 chức năng chính, đó là: Nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học để hoạch định đường lối, chính sách cho Đảng và Nhà nước; tư vấn chính sách về khoa học xã hội và nhân văn; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm chú trọng đến các nghiên cứu khu vực và quốc tế trong đó có Hàn Quốc, điều này được thể hiện qua các Báo cáo tư vấn được trình đến Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong từng tháng. Qua đó, Chủ tịch trân trọng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa VASS với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và các đối tác Hàn Quốc trong suốt nhiều năm qua.
|
Đáp lời Chủ tịch VASS, Chủ tịch Cho Dong Chul Cho bày tỏ niềm vui khi cùng đoàn công tác KDI đến thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm. Chủ tịch KDI trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của VASS. Trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, KDI mong muốn, hai cơ quan cần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác khoa học trên nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu các vấn đề kinh tế vĩ mô, toàn cầu; cùng thảo luận chính sách về kinh tế giữa hai nước và phối hợp chặt chẽ với VASS hỗ trợ đào tạo nhân lực hai bên theo các phương án (học tập ngắn hạn tại Hàn Quốc). Đặc biệt là chương trình KSP (chia sẻ tri thức) của Hàn Quốc tại Việt Nam, Chủ tịch Cho Dong Chul mong muốn, VASS tận dụng tối đa ưu đãi và phương thức hợp tác của chương trình KSP để triển khai hiệu quả tại VASS trong thời gian tới.
Thảo luận về kế hoạch hợp tác khoa học trong thời gian tới, Chủ tịch Phan Chí Hiếu và Chủ tịch Cho Dong Chul bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong tiến trình phát triển của hai cơ quan, cùng đóng góp ý kiến đối với VASS trong việc xây dựng Đề án tăng cường năng lực xây dựng Viện Hàn lâm trở thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó là cùng đề xuất định hướng nghiên cứu chung về các nội dung: Chiến lược, định hướng ngoại giao Hàn Quốc đối với các nước thuộc khu vực Nam Á trong đó có Việt Nam; lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo; Biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, Chuyển đổi số và học hỏi kinh nghiệm thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa tại Hàn Quốc….Qua đó thúc đẩy mạnh mẽ mối giao lưu học thuật và trao đổi học giả giữa hai cơ quan trong thời gian tới.
|
Buổi làm việc giữa VASS và KDI có ý nghĩa quan trọng và cùng thảo luân cụ thể các vấn đề trọng tâm cần hợp tác sâu rộng, đặc biệt là các vấn đề kinh tế quốc tế nhằm hướng tới xây dựng niềm tin với các quốc gia vì nền hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới.
KSP (Knowledge Sharing Programme), Chương trình chia sẻ tri thức, là sáng kiến chia sẻ tri thức tiêu biểu của Hàn Quốc nhằm hỗ trợ cho phát triển của các nước đối tác (các nước tiếp nhận chia sẻ tri thức) thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc.
Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc (MOSF) bắt đầu thực hiện Chương trinh Chia sẻ tri thức của Hàn Quốc (KSP) với các quốc gia đang phát triển từ năm 2004 với mục đích chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc và qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở các quốc gia đối tác của chương trình. Chương trình KSP bao gồm nghiên cứu chính sách, tham vấn phát triển và tăng cường năng lực và nhằm mục tiêu hỗ trợ các quốc gia đối tác phát triển thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua kinh nghiệm của Hàn Quốc.
|
Nguyễn Thu Trang