Sáng ngày 15/11/2023, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Viện Nghiên cứu Châu Mỹ (VIAS) đã có buổi Tọa đàm khoa học quốc tế về chủ đề "Kiến tạo một tương lai phục hồi bền vững". Tọa đàm do PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung (Viện trưởng VIAS) và Đại sứ Mexico tại Việt Nam, Ngài Alejandro Negrín Muñoz đồng chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ trong và ngoài VASS, các chuyên gia và nhà khoa học đến từ trường Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (Universidad Nacional Autónoma de México, tên viết tắt UNAM), đại học Hùng Vương (Việt Nam)... Tọa đàm được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp tại Việt Nam và trực tuyến với các nhà khoa học và chuyên gia tại đầu cầu Mexico.
 |
PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ (VIAS) phát biểu khai mạc Tọa đàm |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ (VIAS) đã nhiệt liệt chào mừng sự tham gia của các nhà khoa học và các chuyên gia của cả Việt Nam và Mexico và cho rằng Tọa đàm được diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực chung tay với các quốc gia, nhà lãnh đạo APEC luận bàn về những vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế thế giới và khu vực, những định hướng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác.
Từ phương diện là một đơn vị nghiên cứu, Phó giáo sư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu trong quan hệ hợp tác giữa VIAS và UNAM và cho rằng quan hệ giữa hai bên đã và đang ngày càng được thắt chặt và mở rộng theo hướng thực chất hơn với nhiều dự án hợp tác, trao đổi được thực hiện, nhất là việc hợp tác tổ chức chung các diễn đàn học thuật. Tọa đàm được tổ chức ngày hôm nay là một trong những minh chứng cho sự hợp tác ngày càng có hiệu quả giữa hai bên trong thời gian gần đây. Qua phát biểu, ông cho rằng những vấn đề được thảo luận tại Tọa đàm đang là những vấn đề thời sự rất quan trọng không chỉ có ý nghĩa trong nghiên cứu mà còn nhận được sự quan tâm rất lớn từ cấp chính phủ của cả hai quốc gia Việt Nam và Mexico, ông hy vọng rằng Tọa đàm sẽ gặt hái được nhiều thành công, nhận được nhiều ý kiến chia sẻ để hai bên có thể triển khai thêm nhiều những dự án hợp tác hơn trong thời gian tới, góp phần vào việc tư vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói riêng và mối quan hệ giữa hai quốc gia nói chung.
 |
Đại sứ Mexico tại Việt Nam, Ngài Alejandro Negrín Muñoz phát biểu tại Tọa đàm |
Tiếp lời Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Đại sứ Alejandro Negrín Muñoz cũng đánh giá cao ý nghĩa của Tọa đàm trong bối cảnh Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra từ ngày 14-17/11/2023 tại San Fransisco, Hoa Kỳ và cho rằng nội dung được thảo luận tại Tọa đàm là những vấn đề nóng bỏng, có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào những định hướng hợp tác giữa VIAS và UNAM nói riêng, cũng như có ý nghĩa thiết thực trong việc để các chuyên gia và nhà khoa học hai bên có điều kiện tìm hiểu về những tiềm năng, cơ hội, thách thức đang diễn ra với cả Việt Nam và Mexico hướng tới mục tiêu phát triển APEC - vì một tương lai bền vững.
Theo đó Tọa đàm đã được lắng nghe các tham luận về các vấn đề: Lợi thế và bất lợi của Mexico và Việt Nam khi đối diện chiến lược định vị thương mại khu vực mới (do TS.Claudia Maya, UNAM trình bày); Đa dạng hóa chuỗi cung ứng: Triển vọng cho quan hệ thương mại Việt Nam và Mexico (do TS. Lê Lan Anh, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ trình bày); Biến đổi khí hậu: hiệu ứng hệ thống và chính sách của Mexico(do TS.Sophie Avila Foucat, UNAM trình bày); Biến đổi khí hậu và du lịch Việt Nam: Trường hợp Hà Giang và Phú Quốc (do TS. Bùi Thị Phương Lan, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ trình bày).
 |
TS. Lê Lan Anh, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ trình bày tham luận tại Tọa đàm |
Các nội dung và ý kiến thảo luận tại Tọa đàm đã góp phần làm rõ những thuận lợi và thách thức còn tồn tại của cả Việt Nam và Mexico trong bối cảnh phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua xu hướng đưa sản xuất về gần - Reshoring và đa dạng nhà cung cấp - Supplier Diversity. Tài liệu khoa học cho thấy đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các nền kinh tế trong đó có APEC, khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu đã phải đối mặt với sự chậm trễ và thiếu hụt hàng tồn kho. Đại dịch này buộc các công ty phải đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ có đạt được hiệu quả và sự nhanh nhẹn trong trường hợp có sự cố. Một tập hợp các kế hoạch liên tục dựa trên cơ sở dự phòng được cung cấp nhằm hỗ trợ các công ty trang bị tốt hơn để giảm thiểu rủi ro bằng cách nhấn mạnh khả năng đáp ứng đối với sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng phức tạp.
Đại dịch cũng khiến cho Việt Nam đứng trước những thời cơ to lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển và tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu. Làn sóng này không chỉ tạo cho chúng ta cơ hội thâm nhập sâu hơn vào các mắt xích có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng, mà còn giúp chúng ta thu hút những dòng vốn FDI công nghệ cao, từ đó giúp cải thiện nền sản xuất trong nước và phát triển kinh tế quốc dân. Vì vậy, Việt Nam cần phát huy những điểm mạnh và khắc phục điểm yếu bằng những biện pháp kiên quyết, mạnh mẽ, nhằm tận dụng tối đa những thời cơ này, đưa nước ta tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như khẳng định một vị thế mới của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.
 |
Các chuyên gia và nhà khoa học đang thảo luận trực tuyến từ đầu cầu Mexico |
Về những diễn biến khác do tác động của biến đổi khí hậu, các chuyên gia và nhà khoa học của cả Việt Nam và Mexico cũng luận bàn về khả năng ứng phó cả hai quốc gia. Thông qua các số liệu phân tích các đại biểu cho rằng cả Việt Nam và Mexico đều đang rất nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khả thi trong việc giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, những tác động cụ thể đối với môi trường và sự phát triển của ngành du lịch... đã được các đại biểu tập trung làm rõ. Qua đó làm cơ sở cho việc đưa ra các khuyến nghị về mặt chính sách nhằm giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay...
 |
Toàn cảnh Tọa đàm |
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, Viện trưởng VIAS – Nguyễn Xuân Trung đã nhiệt liệt biểu dương các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và nhà khoa học, cảm ơn sự đóng góp nhiệt tình từ phía đầu cầu Mexico vì đã vượt qua sự khác biệt về thời gian giữa Việt Nam và Mexico để đóng góp vào sự thành công chung của Tọa đàm và cho rằng các trao đổi đã mở ra những sự hiểu biết mới đối với các nhà khoa học của cả hai bên. Đồng thời có ý nghĩa thiết thực trong việc cùng nhau triển khai các dự án hợp tác chung giữa VIAS, UNAM và các đơn vị khác trong thời gian sắp tới. Mặt khác, Tọa đàm còn có ý nghĩa góp phần vào việc tìm kiếm những định hướng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác mà Việt Nam và Mexico cùng quan tâm, vì một APEC phát triển và phục hồi bền vững.
Phạm Vĩnh Hà