|
|
|
Đoàn chủ tịch tại buổi thuyết trình “Cục diện chính trị và trật tự kinh tế mới ở châu Á” |
|
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng trong buổi thuyết trình về “Cục diện chính trị và trật tự kinh tế mới ở châu Á”, tại New Delhi |
Tại New Delhi, GS. Nguyễn Xuân Thắng đã có buổi thuyết trình về “Cục diện chính trị và trật tự kinh tế mới ở châu Á”. Tại Kolkata, GS. Nguyễn Xuân Thắng đã đến đặt hoa tại tượng đài Hồ Chí Minh, thăm Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal và có buổi thuyết trình về “Động thái chính sách gần đây của các nước Đông Á và môi trường an ninh khu vực”.
Các buổi thuyết trình của GS. Nguyễn Xuân Thắng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chính khách, nhà nghiên cứu, học giả, nhà báo và phóng viên Ấn Độ. Tại New Delhi, Đại sứ nước CHDCND Lào, Đại sứ Vương quốc Campuchia, đại diện ngoại giao đoàn của một số nước Đông Nam Á, Đại sứ Nguyễn Thanh Tân cùng các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tới nghe thuyết trình của Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng.
Về cục diện chính trị và trật tự kinh tế ở châu Á, GS. Nguyễn Xuân Thắng phân tích trong thập niên tới, kết cấu quyền lực vẫn được duy trì theo hướng đa thứ bậc và đa tầng nấc song trong hệ thống kinh tế đang có những chuyến dịch lớn với sự nổi lên của các nền kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ. Các nước này muốn dựa vào sức mạnh kinh tế của mình để thể hiện một vai trò lớn hơn trong quan hệ quốc tế. GS. Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh, môi trường an ninh khu vực đang chịu tác động bởi những điều chỉnh chính sách và cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, đặc biệt các động thái gần đây của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng trong tranh chấp trên biển Đông.
|
|
|
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đến đặt hoa tại tượng đài Hồ Chí Minh ở Kolkata |
|
Ông Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal tiếp đón GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam |
Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, với việc thúc đẩy chính sách “hướng Đông”, Ấn Độ đang thể hiện mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong thập niên tới, có nhiều khả năng Ấn Độ sẽ trở thành một trong bốn nền kinh tế hàng đầu thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Ấn Độ có tiếng nói độc lập trên trường quốc tế và sẽ đóng vai trò quan trọng hơn đối với an ninh của khu vực Đông Nam Á, nhất là an ninh hàng hải và tiếp tục là một nhân tố quan trọng trong xác lập trật tự quyền lực tại châu Á-Thái Bình Dương. Trong thời gian tới, mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hai nước sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn như thương mại, đầu tư, giáo dục, tập trung vào một số ngành then chốt như nông nghiệp, dược phẩm, công nghệ thông tin./.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng