Cùng đi với ngài Đại sứ Nhật Bản có ông Shimomura, Bí thư thứ hai; bà Shimomura Takahiro, Bí thư thứ hai, phụ trách đầu tư, thương mại và công nghiệp; và bà Nishimura Noriko, tùy viên. Cùng tiếp khách Nhật Bản với Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế, ThS. Lưu Ánh Tuyết, Phó Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế và ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng bộ phận tổng hợp, Thư ký Chủ tịch Viện.
Hai bên thông báo tóm tắt một số nội dung hoạt động chính trong năm 2012:
phía Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đó là những hoạt động và kết quả của chuyến công tác tháng 3/2012 của Đoàn cấp cao Viện Khoa học xã hội Việt Nam sang thăm và làm việc với một số đối tác Nhật Bản do Chủ tịch Viện dẫn đầu; về việc Phó Chủ tịch Võ Khánh Vinh tham gia đoàn công tác của Chính phủ sang Nhật Bản tháng 7/2012, do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu nhằm tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm Nhật Bản về sửa đổi Hiến pháp; về sự tham gia của Viện Khoa học xã hội Việt Nam trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chuẩn bị đưa ra lấy ý kiến công chúng từ tháng 1/2013; về việc tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ nhất về khoa học xã hội giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia tháng 7/2012, và đặc biệt là Hội thảo quốc tế lần thứ tư về Việt Nam học vừa diễn ra cuối tháng 11/2012 vừa qua. Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh đây là những tiền đề quan trọng cho việc phát triển quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong những năm tới, đặc biệt là trong năm 2013, đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, theo Chủ tịch Viện Nguyễn Xuân Thắng, luôn là mối quan hệ đặc biệt và đóng vai trò rất quan trọng cho sự cân bằng và phát triển trong khu vực, trước đây, hiện nay và trong tương lai.
Về phía Nhật Bản, ngài Đại sứ cũng nhấn mạnh một số hoạt động và quan tâm chính của Nhật Bản đối với Việt Nam. Đó là các vấn đề về cải cách pháp luật, cải cách tài chính, đối thoại chiến lược chính trị và an ninh. Đặc biệt, về vấn đề cải cách tài chính, Nhật Bản đã lập nhóm tư vấn tài chính do ông Mutoh đứng đầu và nhóm này sẽ sang Việt Nam vào tháng giêng năm 2013 để gặp Thống đốc Ngân hàng và Bộ Tài chính, và ngài Đại sứ sẽ đề xuất bố trí cuộc họp giữa Nhóm này với Nhóm tư vấn của Thủ tướng. Theo ngài Đại sứ, để Nhật Bản hỗ trợ cải cách tài chính tốt hơn thì Chính phủ Việt Nam nên cử 1 đầu mối làm việc, thay vì hiện nay Nhật đang phải cùng làm 1 lúc với 2 cơ quan là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Nhật Bản thấy có thể giúp huy động nhóm chuyên gia Nhật, sang làm việc dài hạn tại Ngân hàng Nhà nước để giúp Việt Nam lập kế hoạch, tính toán chi tiết nhằm giải quyết một số vấn đề về xử lý nợ, bán nợ…
Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất với ngài Đại sứ một số hoạt động trong năm 2013, trong đó có việc tổ chức một Hội thảo khoa học quốc tế đánh giá 40 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản và triển vọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… và mong nhận được sự ủng hộ của ngài Đại sứ cũng như của tổ chức JICA cho việc tổ chức Hội thảo này, coi đó là một trong những sự kiện quan trọng kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Ngài Đại sứ hoan nghênh sáng kiến này và đề xuất thêm, ngoài chủ đề quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, Hội thảo song phương này nên có thêm chủ đề đóng góp của Việt Nam và Nhật Bản cho sự phát triển quốc tế, ví dụ như trong khu vực Đông Á và Tiểu vùng Mekong, và một số chủ đề khác nữa…. với sự tham dự không chỉ của các học giả mà còn cả các chuyên gia, các chính khách của cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Ngài Đại sứ hứa sẽ trao đổi với Trưởng Đại diện JICA của Nhật Bản tại Hà Nội về việc tổ chức Hội thảo này.
ThS. Lưu Ánh Tuyết (Tổnghợp)