GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Ông GUO Weimin, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc (SCIO) tham dự Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn còn có: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch VASS; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội. Phía Trung Quốc còn có GS. WANG Linggui, Phó Giám đốc kiêm Tổng thư ký, Viện Chiến lược toàn cầu (NIGS, CASS); các học giả, nhà khoa học, đối tác đến từ Viện Chiến lược toàn cầu; Viện kinh tế; Viện Nghiên cứu Chính trị (CASS); Học viên Ngoại giao Trung Quốc; Đại học Quảng Tây Trung Quốc; Trung tâm nghiên cứu APEC, Đại học Nankai Trung Quốc; Viện Nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc. Phía Việt Nam, đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý của Việt Nam đến từ Học viện Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Hà Nội và đại biểu các bộ ban ngành trung ương và một số tổ chức nghiên cứu khoa học, các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam; đông đảo cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện kinh tế và chính trị thế giới, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á,... các cơ quan thông tấn, báo chí của hai nước Việt Nam và Trung Quốc tới đưa tin.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm - GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học hai nước Việt Nam và Trung Quốc có mặt tham dự Diễn đàn. Đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới, khu vực hiện nay đang có những thay đổi nhanh chóng, diễn phức tạp và có những biến đổi khó lường là nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa đến phát triển bền vững, hòa bình, ổn định trên thế giới và khu vực. Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa tiến hành tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIX, xác định Trung Quốc bước vào thời đại mới của tiến trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc với những nội hàm, định vị mới, thực hiện mục tiêu xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, cường quốc hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp.
|
|
Quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc hiện nay đang bước vào giai đoạn phát triển mới, cần có những chính sách, biện pháp mới để tiếp tục đưa quan hệ hai nước phát triển thực chất, lành mạnh, có hiệu quả... GS Chủ tịch VASS gợi ý và hy vọng thông qua Diễn đàn này, học giả hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ cùng nhau chia sẻ, làm rõ một số nội dung sau: Một là, những điểm mới của Đại hội XIX, đặc biệt trong việc Trung Quốc chủ động, tích cực tham gia quản trị toàn cầu và khu vực thời đại mới sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc; Hai là, một số điều chỉnh chính sách, biện pháp đối ngoại mới trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trên thế giới, ở khu vực và đặc biệt là giữa Trung Quốc với các nước láng giềng; Ba là, các giải pháp thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam và Trung Quốc phát triển thực chất, lành mạnh, hiệu quả, cùng có lợi phù hợp với mong muốn của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Trong diễn văn chào mừng, Ông GUO Weimin, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc, đại diện cho Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc, bày tỏ vui mừng được được cùng tham dự Diễn đàn. Ông GUO Weimin cũng đã điểm lại một số nội dung quan trọng trong các văn kiện Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua. Đó là sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ mới, xác lập địa vị lịch sử của Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình, đề ra phương lược cơ bản để phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, thực hiện phục hưng Trung Hoa, hướng đến cuộc sống ngày càng tốt đẹp cho nhân dân. Đại hội XIX còn đề xuất kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình, sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào việc cải cách và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy xây dựng khối cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại, cùng chung sức với nhân dân thế giới xây dựng một thế giới hòa bình, cùng phồn thịnh. Qua đó, Ông GUO Weimin mong muốn nâng tầm mối quan hệ láng giềng hữu nghị Trung - Việt.
Tại các phiên thảo luận tại Diễn đàn, có 15 diễn giả, nhà khoa học trình bày tham luận, được chia thành 01 phiên tổng thể và 03 phiên thảo luận, tập trung vào các nội dung chính:
Phiên Tổng thể:
PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và GS. FAN Zuojun, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Quảng Tây chủ trì. Tập trung thảo luận về chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc sau Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc; bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay; những đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Các diễn giả: GS. WANG Linggui, đến từ NIGS.CASS, Chia sẻ những trải nghiệm bước đầu trong việc học tập tinh thần Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc với các bạn Việt Nam; GS.TSKH. Võ Đại Lược, VASS - Quan hệ Trung Quốc với Thế giới: cái nhìn toàn cảnh; GS. BI Jiyao, đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc - Thúc đẩy sự hình thành cục diện mới mở cửa toàn diện của Trung Quốc; PGS.TS. Chu Đức Dũng, đến từ VASS - Việt Nam và APEC: Tình hình châu Á - Thái Bình Dương.
Phiên 1: Chính sách đối ngoại của Trung Quốc và hàm ý đối với ASEAN
PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, VASS và TS. GUO Yanjun, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Á, Học viên Ngoại giao Trung Quốc chủ trì.
Các diễn giả: GS. WANG Lisheng, đến từ Viện kinh tế, CASS - Tư tưởng của Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại mới; TS. Nguyễn Duy Lợi, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, VASS - Triển vọng quan hệ Tiểu vùng sông Mê Kông với Trung Quốc sau Đại hội 19; GS. FANG Ning, đến từ Viện Nghiên cứu Chính trị, CASS - Bốn kinh nghiệm chính trị cơ bản trong sự nghiệp hiện đại hóa của Trung Quốc.
Phiên 2: Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới
TS. Hoàng Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, VASS và GS. FAN Zuojun, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quảng Tây Trung Quốc chủ trì.
Các diễn giả: GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, VASS - Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trước và sau Đại hội 19; GS. LI Haijian, Viện Kinh tế công nghiệp, CASS - Xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại ở Trung Quốc - một khung giải thích; TS. Phạm Bích Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, VASS - Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam: Thực trạng, vấn đề và tác động; TS. GUO Yanjun, Viện Nghiên cứu Châu Á, Học viện Ngoại giao Trung Quốc - Xây dựng cộng đồng vận mệnh và hàm ý của nó đối với quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Phiên 3:Tăng cường hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trong khuôn khổ APEC
PGS.TS. Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, VASS và TS. GUO Yanjun, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á, Học viện Ngoại giao Trung Quốc chủ trì.
Các diễn giả: PGS. LIU Qing, đến từ Viện Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong khuôn khổ APEC; PGS.TS. Phạm Thái Quốc, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới, VASS - Triển vọng Quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc trong khuôn khổ APEC; GS. LIU Chenyang, Trung tâm nghiên cứu APEC, Đại học Nankai Trung Quốc - APEC và Hợp tác Kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam; TS. Hà Hồng Vân, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, VASS - Quan hệ Kinh tế - Thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Những tham luận, ý kiến đóng góp tích cực của các học giả, nhà khoa học tại Diễn đàn sẽ góp phần gợi mở đối với các nhà hoạch định chính sách, giới học thuật hai nước, hỗ trợ đắc lực cho việc thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, mở ra một “sân chơi” quan trọng cho các chuyên gia, học giả hai nước Việt - Trung tiến hành giao lưu, đối thoại ở trình độ cao, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, Diễn đàn học giả Việt Nam - Trung Quốc là “kênh 2” quan trọng, là nhịp cầu hợp tác và hữu nghị giữa hai nước.
Trong phần Bế mạc, GS. WANG Linggui, Phó Giám đốc kiêm tổng thư ký, Viện Chiến lược toàn cầu (CASS) và TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc (VASS) đã đánh giá cao những kết quả đạt được sau một ngày thảo luận sôi nổi, có tính chuyên môn cao giữa các chuyên gia và các đại biểu hai nước. Các học giả đã trao đổi về những điểm mới, điểm nhấn của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc; những cơ hội và thách thức đối với APEC; thực trạng và các giải pháp thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trong khuôn khổ APEC. Các vấn đề được trình bày và thảo luận tại Diễn đàn sẽ là những gợi mở quan trọng, góp phần đề xuất các khuyến nghị đối với việc hoạch định và thực thi chính sách của mỗi nước, làm cơ sở cho các hợp tác nghiên cứu tiếp theo. Các học giả cũng đưa ra nhiều đề xuất, gợi mở cho việc thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh.
Nguyễn Xuân Khoát