Tham dự Hội thảo, về phía Viện Hàn lâm có: PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; TS. Lê Đức Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; TS. Trần Thị Lan Hương – Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiền, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông.
Hội thảo cũng có sự tham gia của các vị Đại sứ của các nước Châu Phi – Trung Đông tại Việt Nam: Ngài Mohamed Berrah – Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Algeria; Ngài Youssef Kamal Botros Hanna, Đại sứ quán Cộng hòa Arab Ai Cập; Ngài Azzeddine Farhane, Đại sứ quán Vương quốc Morocco; Ngài Akif Ayhan, Đại sứ quán Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và Ngài Saadi Salama, Đại sứ Nhà nước Palestine; một số đại diện ngoại giao, khách quốc tế khác cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành cơ quan Việt Nam và các cơ quan trực thuộc Viện Hàn lâm.
|
|
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Viện Hàn lâm, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu. Phó Giáo sư nhấn mạnh, thế giới hiện đại đã chứng kiến nhiều cuộc di cư của loài người, nhưng chưa khi nào có một cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất và phức tạp nhất như hiện nay xuất phát từ khu vực Bắc Phi – Trung Đông. Nội chiến, xung đột, bất ổn và di dân đã tạo ra nhiều áp lực về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc gia đối với các nước láng giềng, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan và nhiều nước Châu Âu trong việc tiếp nhận người tị nạn từ Syria và các nước Bắc Phi – Trung Đông. Cuộc khủng hoảng di cư lần này ở Bắc Phi – Trung Đông đang đặt ra cho khu vực Bắc Phi – Trung Đông một thách thức nặng nề hơn cả, đặc biệt khi khu vực này đang phải khó khăn vượt qua khủng hoảng chính trị từ Mùa xuân Arab, từ các phong trào cực đoan, từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và từ sự nhận diện lại sức mạnh và quyền lực của mỗi quốc gia trong khu vực. Phó Chủ tịch khẳng định, chủ đề về làn sóng di dân từ khu vực Bắc Phi – Trung Đông luôn là mối quan tâm chung của thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh mong muốn, với phương thức thảo luận thẳng thắn, khách quan, khoa học và xây dựng, Hội thảo hôm nay sẽ là một diễn đàn hoàn toàn khoa học với các mục tiêu sau:
Thứ nhất, trao đổi các kết quả nghiên cứu, thảo luận về di cư, di dân, các làn sóng di cư lớn trong lịch sử Trung Đông – Bắc Phi;
Thứ hai, trao đổi các kết quả nghiên cứu và thảo luận về thực trạng di dân từ khu vực Bắc Phi – Trung Đông sau mùa xuân Arab và các tác động của nó đối với khu vực và thế giới;
Thứ ba, trao đổi các vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế, quan hệ quốc tế về vấn đề di cư từ Bắc Phi và Trung Đông;
Thứ tư, dự báo tình hình di cư ở Bắc Phi – Trung Đông và đề xuất các kênh, các phương cách để các nghiên cứu học thuật của hội thảo có tác động tích cực đối với các quyết sách của thế giới, khu vực và quốc gia đối với vấn đề đang được quan tâm.
|
Sau bài phát biểu khai mạc của PGS. TS. Đặng Nguyên Anh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và bài dẫn luận của PGS.TS. Lê Phước Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, các báo cáo tập trung thảo luận với các chủ đề tiêu biểu như sau: Làn sóng di cư từ một số nước Bắc Phi – Trung Đông sau mùa xuân Arab: Tác động và những giải pháp ứng phó –TS. Trần Thị Lan Hương, Phó Tổng biên tập Tạp chí IAMES; Những làn sóng di dân từ các nước Bắc Phi – Trung Đông: Cách tiếp cận của Algeria – Đại sứ Mohamed Berrah, Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Algeria tại Hà Nội, Việt Nam; Cuộc khủng hoảng di dân Trung Đông, Châu Phi: Nguyên nhân và giải pháp – Đại sứ Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại UAE; Quan điểm của Ai Cập về làn sóng di dân Bắc Phi – Trung Đông – Đại sứ Youssef Kamal Botros Hanna, Đại sứ quán Cộng hòa Arab Ai Cập tại Hà Nội, Việt Nam; Cội nguồn những làn sóng di dân lớn trong lịch sử Trung Đông – Bắc Phi – PGS.TS. Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng, IAMES; Quan điểm của Morocco về vấn đề di dân tại Trung Đông và Châu Phi – Đại sứ Azzeddine Farhane, Đại sứ quán Vương quốc Morocco tại Hà Nội, Việt Nam; Tình hình di cư từ Bắc Phi – Trung Đông và mấy suy nghĩ về giải pháp – Đại sứ Phạm Sỹ Tam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập; Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về làn sóng di dân Bắc Phi – Trung Đông – Đại sứ Akif Ayhan, Đại sứ quán Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam; Làn sóng di cư từ Bắc Phi – Trung Đông và vai trò của luật quốc tế - Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế; Bàn về nguyên nhân dẫn tới làn sóng di cư lớn nhất kể từ thế chiến II từ Bắc Phi – Trung Đông – Đại tá Lê Thế Mẫu, Viện Chiến lược quân sự, Bộ Quốc phòng…
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, thẳng thắn, tập trung vào các vấn đề chủ yếu như nguyên nhân dẫn đến làn sóng di dân; thách thức mà di dân mang đến; tác động có lợi và bất lợi của di dân và phải làm sao tránh khủng hoảng không cần thiết. Đặc biệt, các ý kiến đều nhấn mạnh để giải quyết vấn đề di cư cần có công bằng thông qua việc thúc đẩy thực thi luật pháp quốc tế.
Hồng Nhung