Đó là Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học (gọi tắt là Ban Nghiên cứu Sử - Địa - Văn). Ban Nghiên cứu Sử - Địa - Văn được thành lập trên đất Tân trào lịch sử, thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, theo Quyết định số 34/NQ/TW ngày 2/12/1953 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Ban này trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng(BCHTWĐ). Ban Nghiên cứu Lịch sử-Địa lý-Văn học từ giữa năm 1954 được đổi tên thành Ban Nghiên cứu Văn học - Lịch sử - Địa lý, gọi tắt là Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa.
Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa ra đời nhằm đáp ứng một số yêu cầu sau:
- Góp phần vào việc bồi dưỡng lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng của Đảng.
- Góp phần nâng cao tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản của nhân dân ta.
- Phê phán những quan điểm, tư tưởng phản động, sai lầm.
- Phát triển giao lưu, văn hóa, khoa học với các nước(2) .Đó là Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học (gọi tắt là Ban Nghiên cứu Sử - Địa - Văn).
Nhiệm vụ của Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa ghi rõ trong Quyết định thành lập do Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định như sau:
a) Sưu tầm và nghiên cứu những tài liệu lịch sử, địa lý và văn hóa Việt Nam và biên soạn những tài liệu về sử học, địa lý, văn học Việt Nam.
b) Nghiên cứu và giới thiệu lịch sử, địa lý, văn học các nước bạn(3)
Về mặt tổ chức, Ban Văn - Sử - Địa khi thành lập có 6 thành viên là Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Hoài Thanh(4) Minh Tranh, Vũ Ngọc Phan và Trần Đức Thảo, do nhà sử học Trần Huy Liệu là Trưởng ban, các vị khác là ủy viên của Ban. Ngoài ra còn có các cán bộ, nhân viên mà cho đến ngày về Thủ đô (4/11/1954), số cán bộ, nhân viên của Ban là 14 người (5). Nếu kể cả Trưởng ban, các ủy viên của Ban và cán bộ, nhân viên thì tổng số cán bộ, nhân viên của Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa lên tới 19 người.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, Ban Văn - Sử - Địa có điều kiện bổ sung cán bộ nghiên cứu ở trong nước và ở nước ngoài về. Ban tiếp nhận các nhà nghiên cứu từ Bộ giáo dục, nhất là từ Khu Học xá Trung ương của nước ta đặt tại Nam Ninh (Trung Quốc) trong những năm 1951-1955 trở về và một số cán bộ của quân đội ham thích Khoa học xã hội chuyển ngành sang, cùng với một số trí thức trong thành Hà Nội ở lại với chế độ mới và một số trí thức ở nông thôn ra(6). Nhờ vậy mà cán bộ của Ban lúc đầu là 6 thành viên, cuối năm 1954 tăng lên 19 thành viên và năm 1959 đã tăng tới hơn 50 thành viên.
Từ tháng 9 năm 1956, do yêu cầu phát triển các cơ quan khoa học, Đảng và Chính phủ quyết định chuyển Ban Văn - Sử - Địa trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng sang trực thuộc Bộ Giáo dục. Nhà xuất bản Văn - Sử - Địa cũng ra đời cuối năm 1956 thay thế cho Tổ xuất bản của Ban trước đây, còn in ấn do Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách(6).
Mặc dù cán bộ còn ít, nhưng Ban Văn - Sử - Địa rất chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nhất là khi chuyển từ Tân trào về Hà Nội, với phương châm tự vươn lên “ Vừa học vừa làm”, người đi trước dạy người đi sau, trước hết là bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin cho cả Ban. Đồng thời mỗi thành viên trong Ban phải phấn đấu trở thành các nhà nghiên cứu, thành chuyên gia trong từng lĩnh vực như lịch sử, văn học, địa lý hoặc cán bộ thư viện, tòa soạn tập san, tổ xuất bản.
Về tổ chức nghiên cứu Ban Văn - Sử - Địa lúc đầu có: Tổ Cổ sử, Tổ Lịch sử cận hiện đại, Tổ Văn học, Tổ Địa lý và Tổ Quan hệ quốc tế. Ngoài ra còn có Văn phòng Ban, Tòa soạn Tập san Văn - Sử - Địa.
Được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng nên các vấn đề nghiên cứu thời kỳ này của Ban bám sát yêu cầu thực tiễn:
Về sử học, giai đoạn 1953-1954 tập trung nghiên cứu các vấn đề về ruộng đất và nông dân trong lịch sử, giai đoạn 1958-1960 nghiên cứu giải đáp các vấn đề về công nhân và tư bản trong lịch sử, trong đó chú trọng nghiên cứu giai cấp công nhân Việt Nam và sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương, nghiên cứu chủ nghĩa tư bản và sự khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam. Tiếp đến nghiên cứu về trí thức, nhất là trí thức cách mạng Việt Nam; nghiên cứu về lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam, trong đó có nguồn gốc dân tộc, sự hình thành dân tộc Việt Nam, sự phân kỳ lịch sử xã hội, các hình thái kinh tế - xã hội phong kiến, nô lệ, tư bản chủ nghĩa trong lịch sử Việt Nam cùng với việc phê phán các quan điểm sai trái trong việc nhìn nhận lịch sử xã hội và con người Việt Nam. Nhiều công trình về lịch sử có giá trị được xuất bản trong thời kỳ này.
Về văn học, tập trung nghiên cứu văn học cổ điển và văn học dân gian Việt Nam trên các lĩnh vực như tục ngữ, dân ca, thần thoại, cổ tích, văn học trào phúng. Trong văn học cổ điển, đi sâu nghiên cứu về văn thơ thời Lý - Trần (tiêu biểu như Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, thơ văn Nguyễn Trãi), nghiên cứu thơ văn cách mạng từ các nhà văn thân Cần Vương, phong trào Duy Tân, Đông Du, Đông kinh nghĩa thục đến các áng văn thơ của các chiến sĩ cách mạng vô sản đã được sưu tầm, công bố. Văn học dân gian được quan tâm nghiên cứu trên nhiều khía cạnh, kể cả nghiên cứu từng tác phẩm của văn học dân gian Việt Nam (bao gồm cả những bài văn do người Việt Nam trước kia viết bằng chữ Hán). Vì vậy nhiều công trình có giá trị được sưu tầm, chỉnh lý và công bố được nhân dân ưa chuộng. Ngoài ra, lĩnh vực văn học còn đi sâu nghiên cứu các vấn đề phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam để hình thành Bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (5 tập) được xuất bản vào thời kỳ đó.
Về địa lý, tuy là ngành khoa học còn non trẻ, thiếu cán bộ, kể cả cán bộ đầu đàn(7) nhưng Ban Văn - Sử - Địa vẫn đặt nhiệm vụ biên soạn và xuất bản công trình Địa lý Việt Nam theo quan điểm mác xít phục vụ cho yêu cầu xây dựng miền Bắc, giảng dạy ở các trường đại học và trung học. Nhiều vấn đề khí hậu, phân vùng địa lý, tính chất bất thường của tự nhiên tác động đến sinh hoạt xã hội Việt Nam vv... được đặt ra nghiên cứu, thảo luận trong Ban và mời các cộng tác viên bên ngoài tham gia. Đồng thời, các công trình địa lý của ông cha để lại như của Nguyễn Trãi, Phan Huy Chú, vv… và của nước ngoài đã được dịch và công bố để tham khảo. Do sự chuẩn bị tích cực và việc nghiên cứu nghiêm túc và khẩn trương nên công trình Sơ thảo Địa lý Việt Nam, tập I, đã ra đời đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ thực tiễn lúc đó.
Ngoài hoạt động nghiên cứu, biên soạn các công trình khoa học, Ban Văn -Sử - Địa còn phục vụ yêu cầu của Trung ương Đảng và Chính phủ lúc đó trên phương diện lịch sử, văn học, địa lý. Đồng thời mở rộng dần quan hệ hợp tác nghiên cứu với một số nước bạn, chủ yếu với Trung Quốc và Liên Xô, tổ chức một số đoàn đi trao đổi, học tập kinh nghiệm của nước ngoài cũng như tiếp xúc trao đổi với các nhà khoa học, nhà quản lý tại các sứ quán ở Hà Nội.
Nhìn chung lại, tuy là thời kỳ đầu mới thành lập, đội ngũ cán bộ còn mỏng nhưng với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức nêu trên cùng với sự nỗ lực vươn lên, Ban Văn - Sử - Địa đã có nhiều đóng góp đáng kể về mặt khoa học: 36 đầu sách được xuất bản, 48 số Tạp chí Văn - Sử - Địa với gần 300 luận văn nghiên cứu trên các lĩnh vực lịch sử, văn học, địa lý của nước ta và trên thế giới đã được công bố. Điều đáng chú ý là nhiều công trình khoa học cùng với tên tuổi tác giả của nó trong thời kỳ này (1953-1959) và một số công trình của thời kỳ tiếp theo, là những công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc, đã được Đảng và Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (năm 1996) và đợt II (năm 2000) và Giải thưởng Nhà nước năm 2000. Những thành tựu về mặt khoa học của thời kỳ này trong thực tế đã góp phần quan trọng vào việc đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ đi đến thắng lợi, phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, đưa cả nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là thời kỳ hình thành, bước đầu xây dựng và phát triển của cơ quan tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay(1953-1959). Tại lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học, đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã khẳng định : “Thực tế đã chứng minh rằng, Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học Việt Nam là tổ chức tiền thân, đồng thời là hạt nhân của Ủy ban Khoa học xã hội sau này của nước ta”./.
(1) Xem bài phát biểu của đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nhân kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử-Địa lý-Văn học Việt Nam, Hà Nội, 1983.
(2) Trích quyết định số 34QN/TW ngày 2/12/1953 của BCHTW Đảng về việc thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử-Địa lý-Văn học Việt Nam.
(3) Ngày từ đầu những năm 1954, nhà văn Hoài Thanh đã xin không tham gia hoạt động của Ban để đảm nhận công tác văn học đang rất nặng nề lúc đó và được Ban tán thành nên từ đó công tác nghiên cứu văn học của Ban là do nhà văn Vũ Ngọc Phan, ủy viên của Ban chịu trách nhiệm.
(4) Số cán bộ, nhân viên 14 người này của Ban có danh sách, sơ yếu lý lịch, ảnh kèm theo và ngày vào ở Ban Nghiên cứu Văn-Sử-Địa được in trong cuốn “Ban Văn-Sử-Địa (1953-1959)” do Viện Sử học Việt Nam xuất bản năm 1993 (trang 98-99). Trong số cán bộ, nhân viên của Ban Văn-Sử-Địa lúc đó, cán bộ nghiên cứu có: Lê Toại (bút danh Hướng Tân), nghiên cứu về địa lý kiêm công tác hành chính; Nguyễn Đổng Chi (bút danh Bạch Hào), nghiên cứu về cổ sử; Phạm Trọng Điềm, phiên dịch về cổ văn kiêm công tác tài chính; Nguyễn Xuân Đào (bút danh Văn Tạo), nghiên cứu về lịch sử cận, hiện đại kiêm công tác tổ chức; Nguyễn Công Phan (bút danh Nguyễn Công Bình), nghiên cứu lịch sử cận, hiện đại; Phan Khôi, nghiên cứu về văn học, thuộc biên chế Hội Nhà văn, cộng tác viên thân cận của Ban; Lê Hằng Phương (bút danh Hằng Phương), thuộc biên chế Hội Nhà văn, công tác viên thân cận của Ban, làm tập san Văn-Sử-Địa; và cùng chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô còn có nhà báo Nguyễn Hữu Đang nhưng không thuộc biên chế Ban Văn-Sử-Địa.
(5) Từ Bộ Giáo dục sang có các nhà sử học Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, nhà địa lý học Lê Xuân Phương, nhà giáo dục Thành Thế Vĩ. Từ Ban Dân tộc Trung ương chuyển sang có nhà dân tộc học Lã Văn Lô. Từ khu Học xá Trung ương về có các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa như Văn Tân, Trần Văn Giáp, Trần Văn Khang, Nguyễn Lương Bích, Nguyễn Hồng Phong. Chuyển từ quân đội sang có các nhà nghiên cứu lịch sử học, văn học như Nguyễn Khắc Đạm, Phan Gia Bền, Mai Thế Hanh, Nguyễn Việt. Trí thức Thủ đô ở lại với chế độ mới có nhà nghiên cứu Hoa Bằng, nhà Hán học Cao Huy Giu. Trí thức từ nông thôn ra có nhà Hán học Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyễn Trọng Hân, các nhà nghiên cứu sử học Đặng Việt Thanh, Nguyễn Đức Đàn, Hồ Tuấn Niêm, các tập sự nghiên cứu có Mạc Đường, Dương Kinh Quốc, Nguyễn Danh Phiệt…Một số nhà phiên dịch Hán-Nôm gồm hơn 10 cử nhân, tú tài Hán học cũng được mời tham gia với chế độ hợp đồng. (Xem: GS. Văn Tạo: Trung tâm KHXH&NV QG40 năm xây dựng và trưởng thành – NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1995, trang 6 và cuốn “Ban Văn-Sử-Địa 1953-1959”, tài liệu đã dẫn.
(6) Nhà xuất bản Văn-Sử-Địa do nhà văn Vũ Ngọc Phan phụ trách. Đầu năm 1959 chuyển sang cho đồng chí Văn Tạo (nguyên là Chánh Văn phòng Ban) làm Chủ nhiệm để chuẩn bị chuyển sang thành Nhà Xuất bản Sử học.
(7) Lúc ở Tân Trào mới có 1 cán bộ nghiên cứu về địa lý là đồng chí Hướng Tân (tức đồng chí Lê Toại), khi về tiếp quản Hà Nội có thêm đồng chí Lê Xuân Phương từ Bộ Giáo dục chuyển sang làm Tổ trưởng Tổ Địa lý, sau đó tiếp nhận 2 nhà địa lý học lão thành từ miền Nam ra Bắc tập kết là Võ Văn Nhung và Võ Văn Nguyên.