Sau khi giải phóng miền Nam, theo yêu cầu của Trung ương Đảng, Ủy ban KHXH Việt Nam đã cử một đoàn cán bộ khoa học cốt cán thuộc các lĩnh vực KHXH&NV vào miền Nam góp phần cùng các ngành tuyên huấn, văn hóa, giáo dục của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiếp quản các cơ quan khoa học, giáo dục, trường đại học về KHXH ở miền Nam. Trong thời gian từ 18/5 đến 23/7/1975 đoàn cán bộ của Ủy ban làm việc với các cơ quan quản lý, tiếp xúc với các trí thức ở miền Nam vừa được giải phóng thuộc các Thành phố Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Lạt, Huế. Sau chuyến công tác, đoàn đã trình lên Trung ương Đảng Báo cáo về thực trạng và giải pháp tiếp thu, củng cố và phát triển ngành KHXH&NV ở miền Nam. Cũng trong thời gian này, Ủy ban KHXH Việt Nam xây dựng Tờ trình gửi lên Trung ương Đảng với chủ đề: Vị trí và trách nhiệm của KHXH đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Đi đôi với Tờ trình, Ủy ban còn chuẩn bị một bản gợi ý về xây dựng Dự thảo Đề cương Văn hóa cho miền Nam của Trung ương Đảng, trong đó nhấn mạnh truyền thống vốn có của các phong trào đô thị miền Nam, “phát huy tinh thần độc lập, lòng mong muốn hòa bình và ý thức bảo vệ danh dự dân tộc, bảo vệ phẩm giá con người”, “nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc sâu sắc và ý thức làm chủ”. Bản gợi ý cũng nhấn mạnh “tránh các bệnh đố kỵ, hẹp hòi, cô độc”, đồng thời “tránh hữu khuynh” trong việc tiếp thu, bồi dưỡng, sử dụng trí thức miền Nam. “Cần làm cho trí thức miền Nam hiểu biết cái vốn văn hóa to lớn của dân tộc, mà nhiệm vụ đó các ngành Lịch sử, Văn học, Triết học, Ngôn ngữ học, Khảo cổ học, Luật học, Dân tộc học đều có thể đóng góp”. Các bản báo cáo, gợi ý cũng như Tờ trình của Ủy ban KHXH Việt Nam nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị báo cáo Chính trị và các Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng.
Cũng sau ngày đất nước được thống nhất, Trung ương cục miền Nam đã có Quyết định số 13/QĐ/75 ngày 12/9/1975 về việc thành lập Viện Khoa học xã hội Việt Nam tại B2 (miền Nam) trên cơ sở sắp xếp lại các tổ chức nghiên cứu khoa học hiện có tại miền Nam. Nhiệm vụ chính của Viện lúc này là phổ biến rộng rãi những quan điểm Mác-Lênin về KHXH, đấu tranh chống những quan điểm sai lầm và phản động trên lĩnh vực này. Tổ chức nghiên cứu một số vấn đề KHXH có khía cạnh địa phương trong khuôn khổ chung của toàn quốc; tập hợp, sử dụng và bồi dưỡng những người làm công tác KHXH hiện có ở vùng mới giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị em có thể cống hiến tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước; góp phần đào tạo cán bộ KHXH mới ở miền Nam. Trong 2 năm hoạt động (1976-1977), Viện KHXH miền Nam vừa được xây dựng tổ chức vừa thực hiện nghiên cứu một số vấn đề cấp thiết đạt kết quả tốt. Đến năm 1978, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 95/CP ngày 27/4/1978 chuyển Viện Khoa học xã hội miền Nam thành Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam. Chức năng mới của Viện là “Tổ chức nghiên cứu những chuyên đề có tính chất địa phương, góp phần vào công tác nghiên cứu KHXH cả nước và trực tiếp phục vụ sự nghiệp cải tạo XHCN và xây dựng CNXH ở các tỉnh phía Nam”(1). Từ những năm 1978, hoạt động khoa học của Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy tác dụng rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển của khoa học xã hội và nhân văn nước ta; đồng thời cũng thể hiện là một Viện nghiên cứu mang tính chất tổng hợp, đa ngành, với chức năng nghiên cứu các vấn đề KHXH&NV có khía cạnh địa phương đặt trong khuôn khổ chung của cả nước. Bởi vậy, cơ cấu tổ chức của Viện có gần đủ các bộ phận nghiên cứu gần như tương ứng với các Viện nghiên cứu của Ủy ban KHXH Việt Nam thời kỳ đó. Điều này cũng đánh dấu một bước tiến mới về mặt tổ chức khoa học của Ủy ban KHXH Việt Nam lúc đó nhằm bổ sung cho hệ thống các Viện, Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành còn thiếu về mặt tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn theo vùng lãnh thổ.
Cũng trong năm 1975, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 93/CP ngày 8/5/1975 về việc thành lập Viện Thông tin Khoa học xã hội trên cơ sở thống nhất Thư viện Khoa học xã hội với Ban Thông tin Khoa học xã hội của Ủy ban KHXH Việt Nam.
Lãnh đạo Ủy ban KHXH Việt Nam thời gian này cũng có những thay đổi: Năm 1976, đồng chí Trần Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban được Trung ương Đảng điều động đi công tác khác. Đồng chí Phạm Huy Thông được Nhà nước bổ nhiệm là Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHXH Việt Nam. Năm 1977, để tăng cường cán bộ lãnh đạo cấp Ủy ban, Nhà nước đã bổ nhiệm các đồng chí Vũ Khiêu, Phạm Như Cương và Đào Văn Tập làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHXH Việt Nam. Đây là thời kỳ đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp Ủy ban đông đảo nhất, ngoài chủ nhiệm Nguyễn Khánh Toàn còn có 4 Phó Chủ nhiệm Ủy ban (Phạm Huy Thông, Vũ Khiêu, Phạm Như Cương và Đào Văn Tập).
Về mặt tổ chức, sau Đại hội IV của Đảng, Ủy ban KHXH Việt Nam cũng có bước phát triển mới. Năm 1977, Ban Xã hội học và Ban Địa lý kinh tế được Chủ nhiệm Ủy ban ra Quyết định thành lập và đi vào hoạt động. Năm 1979, Chính phủ đã ký Quyết định số 326/CP ngày 13/9/1979 thành lập Viện Nghiên cứu Hán Nôm trên cơ sở Ban Hán Nôm được thành lập từ trước. Và để đảm nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khoa học, Chủ nhiệm Ủy ban KHXH Việt Nam đã ký Quyết định tách Ban Kiến thiết cơ bản ra khỏi Văn phòng Ủy ban thành một đơn vị độc lập.
Năm 1980, Chủ nhiệm Ủy ban KHXH Việt Nam ra quyết định thành lập Ban thư ký khoa học, Ban Hợp tác Quốc tế, Ban Thanh tra và Ban Văn hóa Dân gian nhằm giúp Chủ nhiệm Ủy ban trong công tác quản lý khoa học, công tác thanh tra, mở rộng phạm vi nghiên cứu trong nước và quan hệ hợp tác quốc tế.
Năm 1981, Ban Trung Quốc học, Ban Kinh tế Thế giới, Ban Từ điển Bách khoa, Phòng Bảo vệ của Ủy ban KHXH Việt Nam được thành lập nhằm mở rộng các chuyên ngành khoa học không chỉ trong nước mà đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Từ năm 1980 đất nước ta cũng như nhiều nước XHCN khác lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng. Trong kế hoạch công tác 5 năm 1981-1985, Ủy ban KHXH Việt Nam đã nhận thấy cần phải tăng cường các hoạt động của KHXH&NV để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân tìm cách thoát ra khỏi khủng hoảng. Một mặt, Ủy ban KHXH Việt Nam đã đề cao tinh thần trách nhiệm về nhiều mặt nghiên cứu, làm rõ những căn cứ khoa học cho việc hoạch định các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặt khác cũng kiến nghị với Đảng và Nhà nước cho phép cán bộ KHXH trong quá trình nghiên cứu được phát huy tự do tư tưởng có tổ chức để đề ra những giải pháp góp phần giải quyết các yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ đã chủ động gặp gỡ, giao nhiệm vụ cho Ủy ban KHXH Việt Nam, một số cán bộ chủ chốt của Ủy ban được góp phần tham gia khắc phục một số vấn đề khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 1982, đồng chí Đào Văn Tập được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban KHXH Việt Nam thay đồng chí Nguyễn Khánh Toàn. Năm 1985, đồng chí Phạm Như Cương được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban KHXH Việt Nam thay đồng chí Đào Văn Tập.
Nhìn lại hơn 20 năm hoạt động, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban KHXH Việt Nam đã cụ thể hóa thành 5 nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn phát triển mới như sau:
a) Nghiên cứu những vấn đề lý luận và phương pháp luận của ngành KHXH, giảng dậy, truyền bá, góp phần làm cho hệ tư tưởng Mác-Lênin chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống xã hội nước ta.
b) Phát huy những truyền thống và giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc góp phần tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và xây dựng CNXH ở nước ta, làm phong phú thêm kho tàng lý luận Mác-Lênin.
c) Góp phần giải quyết những vấn đề do thực tiễn cách mạng nước đặt ra.
d) Đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ trên đại học.
e) Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trước hết là với Liên Xô và các nước XHCN khác(2).
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Ủy ban KHXH Việt Nam đã quyết định phương châm kế hoạch hóa đi đôi với quy chế hóa các hoạt động khoa học. Trong công tác chỉ đạo, đã tiến hành duyệt các đề tài đưa vào chỉ tiêu pháp lệnh, thực hiện quản lý khoa học theo quy trình nghiên cứu, xây dựng đơn giá cho các hoạt động khoa học, khuyến khích lao động sáng tạo theo tinh thần “lấy chất xám nuôi chất xám” mà Đại hội Đảng bộ Ủy ban KHXH Việt Nam đã đề ra. Một số quy chế quản lý được hình thành như quy chế Hội nghị khoa học, quy chế điều tra thực tiễn, quy chế hợp tác với nước ngoài, ngoài ra còn có quy chế thi đua khen thưởng, ký kết hợp đồng trong các hoạt động khoa học bắt đầu được thực hiện.
Về mặt tổ chức, đây là thời kỳ đáng chú ý trong lịch sử phát triển của Ủy ban KHXH Việt Nam. Năm 1983, để đánh dấu một bước trưởng thành mới và để khẳng định sự cần thiết phải phát triển và mở rộng phạm vi nghiên cứu khoa học, Chính phủ đã cho phép Ủy ban KHXH Việt Nam xây dựng Đề án nâng các Ban nghiên cứu khoa học hiện có của Ủy ban thành các Viện nghiên cứu khoa học. Ngày 9/9/1983, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 96/HĐBT thành lập 4 Viện nghiên cứu và 1 Vụ quản lý trực thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam. Đó là Viện Xã hội học, Viện Kinh tế Thế giới, Viện Văn hóa Dân gian, Viện Đông Nam Á và Vụ Kế hoạch - Tổng hợp. Ngày 10/10/1983, Chính phủ lại ban hành Quyết định số 11/HĐBT thành lập thêm 2 Viện nghiên cứu và 1 Vụ quản lý: Viện Châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở Ban Trung Quốc học, Viện Từ điển Bách Khoa và Vụ Hợp tác Quốc tế.
Để giới thiệu kết quả nghiên cứu về KHXH&NV của nước ta đối với các tổ chức nghiên cứu khoa học của các nước trong khu vực và trên thế giới, Ủy ban KHXH Việt Nam đã lập Đề án thành lập cơ quan ngôn luận chung và tháng 11 năm 1983, Tạp chí Việt Nam - Khoa học xã hội bằng 3 thứ tiếng: Nga, Anh. Pháp (trên thực tế chỉ 2 thứ tiếng Anh và Pháp). Cùng với sự ra đời của Tạp chí Việt Nam - Khoa học xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban KHXH Việt Nam cũng ra Quyết định thành lập Nhà in Khoa học xã hội.
Tính đến năm 1983, Ủy ban KHXH Việt Nam đã có 16 Viện nghiên cứu khoa học đã được hình thành, đánh dấu một bước phát triển khởi sắc về mặt tổ chức hệ thống các Viện khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta. Về nghiên cứu các vấn đề KHXH&NV ở trong nước đã có các viện: Viện Triết học, Viện Kinh tế, Viện Luật học, Viện Xã hội học, Viện Sử học, Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ học, Viện Dân tộc học,Viện Khảo cổ học, Viện Văn hóa Dân gian, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Từ điển Bách khoa, Viện Khoa học xã hội tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Về nghiên cứu các vấn đề quốc tế và khu vực có các viện: Viện Kinh tế Thế giới, Viện Đông Nam Á, Viện Châu Á - Thái Bình Dương.
Đi đôi với vấn đề tổ chức là công tác cán bộ cũng được tăng cường. Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày Viện Khoa học xã hội được thành lập, đội ngũ cán bộ được tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1959 mới có 100 cán bộ, thì năm 1977 là 737 cán bộ, năm 1980 là 979 cán bộ, năm 1982 tăng lên tới 1.112 cán bộ, trong đó cán bộ nghiên cứu 819 người (bao gồm 16 cán bộ lãnh đạo, quản lý), cán bộ phục vụ nghiên cứu 306 người (bao gồm 159 cán bộ thông tin - tư liệu - thư viện, 124 cán bộ tổ chức, hành chính; 23 cán bộ nghiệp vụ kỹ thuật).
Căn cứ vào thực trạng về tổ chức và cán bộ, về những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm thành công và chưa thành công trong hơn 20 năm hoạt động, Ủy ban KHXH Việt Nam đã xây dựng Tờ trình kiến nghị với Trung ương Đảng và Chính phủ, trong đó thể hiện những quan điểm lý luận, quan điểm xây dựng và phát triển tổ chức khoa học như sau:
- Khẳng định vai trò quan trọng của KHXH, tạo điều kiện cho việc phát triển và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ Khoa học xã hội trong sự nghiệp cải tạo và xây dựng CNXH.
- Quy định rõ mối quan hệ giữa các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy về KHXH và lập Ủy ban hay Hội đồng Trung ương để điều hòa phối hợp hoạt động giữa các cơ quan đó.
- Sử dụng cả bộ máy và tập thể cán bộ của Ủy ban KHXH Việt Nam vào việc nghiên cứu những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từng thời gian có nghe báo cáo, nhận xét và chỉ đạo thực hiện.
- Cho phép tăng cường biên chế và phát triển tổ chức để có thể đảm nhận những nhiệm vụ được giao.
- Về chính sách cán bộ: đề nghị sử dụng những cán bộ khoa học xuất sắc như là cố vấn có trách nhiệm trong các Bộ chuyên môn, các Ban của Đảng và các địa phương, đồng thời bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo cán bộ trong nước (bảo vệ luận án phó tiến sĩ theo chế độ đặc biệt) và gửi cán bộ ra nước ngoài học tập.
- Xác định chủ trương cụ thể hợp tác với các nước tư bản phương Tây, các nước trong khu vực Đông Nam Á(3).
Nhìn rõ xuất phát điểm và thực trạng của Viện KHXH Việt Nam, Ủy ban KHXH Việt Nam đã chủ động đặt ra phương hướng chiến lược dài hạn từ năm 1983 đến năm 1990 và chủ động đề ra kế hoạch đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ Đại hội lần thứ V của Đảng.
Việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ V được tiến hành từ trước khi công bố đề cương báo cáo chính trị. Trên cơ sở chức năng nghiên cứu của mình, Ủy ban KHXH Việt Nam đã tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị Quyết Đại hội IV, các Nghị quyết Trung ương khóa IV (kể cả các Nghị quyết của Bộ Chính trị) và tổng kết tình hình thực tế về các mặt kinh tế - xã hội trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội (1976-1980), từ đó nêu lên nhưng thành tựu đạt được, những bài học kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị và biện pháp khắc phục trình lên Tiểu ban chuẩn bị Văn kiện Đại hội.
Hệ thống đề tài nghiên cứu chuẩn bị cho những kiến nghị trình lên Tiểu ban Văn kiện Đại hội V gồm 16 đề tài về những vấn đề kinh tế - xã hội, như vấn đề phân kỳ và bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ ở nước ta, vấn đề cách mạng quan hệ sản xuất, vấn đề cơ cấu kinh tế, quản lý kinh tế, về con người mới, về nhà nước và pháp luật, vấn đề xã hội Việt Nam trong truyền thống và hiện đại…
Đi đôi với việc tập trung lực lượng chuẩn bị phục vụ Đại hội V, công tác nghiên cứu của các Viện thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam trong 3 năm: 1981 đến 1983 cũng tập trung nghiên cứu 15 đề tài, làm rõ những vấn đề cơ bản về lịch sử, văn hóa và văn minh Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần làm cơ sở cho việc giảng dạy, truyền bá, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho cán bộ, nhân dân ta.
Năm 1983, để rút kinh nghiệm đưa khoa học phục vụ cho việc chuẩn bị Đại hội V của Đảng, Ủy ban KHXH Việt Nam đã xây dựng kế hoạch dài hạn 1983-1990, nhằm trước mắt phục vụ Đại hội VI của Đảng và sau đó chuẩn bị xây dựng kế hoạch 5 năm 1986-1990 một cách hiệu quả. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, Ủy ban KHXH Việt Nam đã xác định phương hướng nghiên cứu dài hạn 1983-1990 bao gồm 5 lĩnh vực nghiên cứu lớn với 13 đề tài trọng điểm:
+ Về thời kỳ quá độ được xác định 2 đề tài lớn: Đặc điểm xã hội Việt Nam trước thời kỳ quá độ và đề tài Những vấn đề lý luận của thời kỳ quá độ ở Việt Nam.
+ Về những vấn đề lịch sử và văn hóa Việt Nam được xác định 3 đề tài lớn: Những công trình thông sử Việt Nam; Các lịch sử chuyên ngành và Các lịch sử địa phương.
+ Về những vấn đề tình hình quốc tế và đường lối đối ngoại của Đảng được xác định 3 đề tài lớn: tình hình và triển vọng các hệ thống thế giới và khu vực; Cục diện thế giới, ba dòng thác cách mạng, cơ sở chiến lược của cách mạng thế giới; Những cơ sở khoa học của đường lối đối ngoại của Đảng ta.
+ Về vấn đề đấu tranh trên mặt trận tư tưởng được xác định 2 đề tài lớn: Đấu tranh tư tưởng trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam và tuyên truyền phổ biến về chủ nghĩa Mác - Lênin
+ Về điều tra cơ bản và dự báo xã hội được xác định 2 đề tài lớn: điều tra cơ bản về tình hình kinh tế chính trị, văn hóa xã hội tại một số vùng trọng điểm (Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long; Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng; Tây nguyên và một số vùng miền núi); Dự báo về tình hình kinh tế - xã hội của thế giới và Việt Nam đến năm 2000.
Trên cơ sở định hướng nghiên cứu nêu trên, Ủy ban KHXH Việt Nam còn xác định các đề tài trọng tâm từ năm 1983 đến năm 1985 gồm 7 đề tài và nhiệm vụ. Ngoài ra còn xác định 58 đề tài chủ yếu của các khối Viện cho giai đoạn 1983-1985 (khối Kinh tế, khối Triết học, khối Sử học, khối Văn học, khối Nghiên cứu Thế giới).
Cuối năm 1985, khi xây dựng kế hoạch 5 năm 1986-1990 và cụ thể hóa kế hoạch năm 1986 nhằm phục vụ Đại hội VI của Đảng, Ủy ban KHXH Việt Nam đã quyết định “Tập trung lực lượng chuyên gia, tập trung thời gian và phương tiện cần thiết để bổ sung, hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng các bản kiến nghị và các công trình khoa học phục vụ kịp thời cho Hội nghị Trung ương 10 bàn về chiến lược kinh tế - xã hội và Đại hội VI của Đảng”(4).
Ủy ban KHXH Việt Nam đã chỉ đạo các Viện nghiên cứu, các chương trình đề tài do Ủy ban chủ trì thực hiện, tập trung xây dựng các kiến nghị gửi lên Tiểu ban chuẩn bị Đại hội VI, theo 8 lĩnh vực quan trọng sau đây:
-Về đặc điểm, phân kỳ, nội dung kinh tế - xã hội, hệ thống quy luật và vận dụng quy luật trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam.
- Về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trên từng vùng trọng điểm của nước ta.
- Về cơ chế quản lý và cơ cấu kinh tế hiện nay.
- Về các chính sách xã hội (dân tộc, dân số, dân cư, lao động, phụ nữ…).
- Về cách mạng tư tưởng văn hóa và chiến lược con người.
- Về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
- Về các vấn đề quốc tế (chiến lược kinh tế đối ngoại, tình hình và đối sách trong khu vực…).
- Về chiến lược phát triển khoa học xã hội.
Kết quả là, Ủy ban KHXH Việt Nam đã xây dựng được 40 bản kiến nghị gửi lên Trung ương, theo 8 lĩnh vực chủ yếu nói trên. Các kiến nghị này chủ yếu nhằm cung cấp luận cứ khoa học, góp phần xây dựng chủ trương, đường lối chính sách, đường lối đổi mới của Đại hội VI của Đảng./.
(1) Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện KHXH tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Ủy ban KHXH Việt Nam, số 534/KHXH ngày 5/7/1978, tr.1.
(2) Báo cáo công tác năm 1984 và Tờ trình về công tác của Ủy ban KHXH Việt Nam số 1702/KHXH năm 1985.
(3) Những đề nghị trong Tờ trình về công tác của Ủy ban KHXH Việt Nam gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng số 1702/KHXH năm 1982.
(4) Báo cáo công tác năm 1985 và phương hướng công tác năm 1986 của Ủy ban KHXH Việt Nam ngày 15/2/1986.