Đây là thời kỳ đòi hỏi đất nước ta phải phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ nói chung, KHXH&NV nói riêng. Nghị quyết BCHTW Đảng lần thứ 14 khóa II (1958) đã chỉ rõ: “Từ hòa bình lập lại, miền Bắc đã bước vào thời kỳ quá độ tiến lên CNXH… nhưng lúc đầu chúng ta chưa quán triệt nhiệm vụ cách mạng ấy trong toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng”. Vì vậy “Việc giáo dục tư tưởng XHCN làm chậm…”. Trong 7 công tác lớn mà Nghị quyết đề ra, có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tư tưởng và văn hóa, làm cho tư tưởng XHCN chiếm ưu thế, nâng cao dần trình độ văn hóa và kỹ thuật của nhân dân lao động. Cho nên, đồng thời với nhiệm vụ phát triển khoa học kỹ thuật, Nghị quyết trên còn nêu rõ: “Về mặt Khoa học xã hội cần chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu về kinh tế, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ,v.v… giúp ích thiết thực cho công cuộc cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa” (1). Về mặt Nhà nước, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa I (từ ngày 16 đến ngày 29/4/1958) cũng thông qua Nghị quyết về xây dựng CNXH ở miền Bắc, trong đó có việc quyết định “thành lập Ủy ban Khoa học, phụ trách nghiên cứu Khoa học xã hội và khoa học tự nhiên” (KHXH&KHTN). Đề án thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội được hoàn thành ngày 20 tháng 11 năm 1958 và sau đó được công bố rộng rãi để nhiều người thấy rõ thực trạng của nền khoa học Việt Nam lúc đó cũng như tính chất bức thiết phải xây dựng một tổ chức khoa học chung của nước ta. Ngày 4 tháng 3 năm 1959, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký sắc lệnh số 01/SL thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Nhiệm vụ của Ủy ban Khoa học Nhà nước lúc này là “giúp Chính phủ xây dựng và lãnh đạo công tác khoa học về mọi mặt, nhằm phục vụ sự nghiệp kiến thiết XHCN ở miền Bắc, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà và sự nghiệp hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc..”(2).
Trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban Khoa học Nhà nước lúc bấy giờ đứng đầu là đồng chí Trường Chinh (1959-1960), đồng chí Võ Nguyên Giáp (1961-1963), đồng chí Nguyễn Duy Trinh (1964-1965), Ban Khoa học xã hội (KHXH) do đồng chí Trần Quang Huy làm Trưởng ban(3). Ngoài đồng chí Trần Quang Huy, lãnh đạo Ban Khoa học xã hội còn có một số đồng chí khác. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban KHXH lúc này là tập trung thực hiện các vấn đề sau đây:
- Xây dựng tổ chức, đặt nền móng cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sau này.
- Tích cực tham gia nghiên cứu một số vấn đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
- Gấp rút đào tạo cán bộ cho KHXH.
- Mở rộng quan hệ quốc tế về KHXH.
- Giúp Ủy Ban Khoa học Nhà nước trong việc quản ký KHXH(4).
Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Ban KHXH đã đệ trình Chính phủ Đề án kiện toàn tổ chức và nhận được một số Quyết định của Chính phủ về việc thành lập một số Viện nghiên cứu trực thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Ngày 6/2/1960, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Kinh tế, Thư viện Khoa học Trung ương và cử các đồng chí Trần Huy Liệu giữ chức Viện trưởng Viện Sử học, Bùi Công Trừng Viện trưởng Viện Kinh tế, Đặng Thai Mai Viện trưởng Viện Văn học và Ca Văn Thỉnh Giám đốc Thư viện Khoa học. Tiếp đó là hình thành một số tổ nghiên cứu như Tổ Triết học, Tổ Luật học để chuẩn bị thành lập Viện đó sau này. Các tập san khoa học cũng được đổi thành tạp chí nghiên cứu khoa học như Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Văn học, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế… Đây là lần đầu tiên Nhà nước phê chuẩn về việc ra đời một số Viện nghiên cứu khoa học, trong đó có Khoa học xã hội và nhân văn do yêu cầu của sự nghiệp cách mạng cũng như yêu cầu của thực tiễn đất nước đòi hỏi.
Công tác nghiên cứu khoa học của Ban Khoa học xã hội lúc này là tiếp tục triển khai các công trình trọng điểm được đặt ra từ cuối thời kỳ 1953-1959 chuyển sang trong lĩnh vực lịch sử, văn học, địa lý. Ngoài ra còn bắt đầu triển khai một số công trình trong lĩnh vực kinh tế, luật học, triết học…
Đi đôi với sự phát triển về tổ chức, đội ngũ cán bộ khoa học và phục vụ khoa học của Ban KHXH cũng được tăng nhanh. Từ 50 cán bộ nhân viên thời kỳ Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa năm 1959, đến năm 1964 được tăng lên 100 cán bộ, trong đó có 70 cán bộ nghiên cứu, 30 cán bộ phục vụ nghiên cứu, từ một số ngành như giáo dục, trường đại học chuyển sang, một số khác từ các địa phương và ở nước ngoài về. Trong số đội ngũ cán bộ Khoa học xã hội, nhiều cán bộ đã trưởng thành. Được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, một số cán bộ cốt cán của Ban KHXH đã được tham gia góp phần vào việc chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Ngoài việc tham gia tổ chức học tập cho giới văn nghệ sĩ và giới trí thức, góp phần chuẩn bị Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II, kịp thời viết các bài lý luận phục vụ các yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng đăng trên các tạp chí sử học, văn học và các tạp chí khác, Ban KHXH lúc bấy giờ còn mở nhiều lớp đào tạo trên đại học về các lĩnh vực triết học và kinh tế chính trị học cho đội ngũ cán bộ có chuyên môn về triết học, kinh tế học, sử học, văn học trong và ngoài Ban KHXH. Hầu hết cán bộ cốt cán về nghiên cứu và giảng dạy thuộc Ban KHXH và các trường đại học đều tham gia các lớp học này, đều qua khảo sát thực tiễn và được cấp chứng chỉ công nhận trình độ tối thiểu của nghiên cứu sinh. Ngoài ra, ban KHXH còn cử cán bộ đi đào tạo ở Liên Xô và một số nước XHCN khác. Quan hệ hợp tác quốc tế của Ban KHXH ngày càng được mở rộng trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo cán bộ, bắt đầu đón tiếp các nhà khoa học của các nước XHCN vào làm việc. Lãnh đạo Ban KHXH cũng như một số cán bộ của các Viện nghiên cứu về KHXH bắt đầu được cử đi trao đổi, nghiên cứu và làm việc ở các nước XHCN(5).
Trong khoảng 6 năm (1959-1965), Ban KHXH thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước đã tiếp tục được sự nghiệp phát triển các ngành KHXH&NV kể từ khi Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa đặt nền móng. Đây thực sự là một bước chuẩn bị quan trọng cho việc ra đời một cơ quan Khoa học xã hội độc lập (xứng đáng với một lĩnh vực khoa học quan trọng của đất nước). Đó là việc thành lập Viện Khoa học xã hội, rồi Ủy Ban Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Khoa học xã hội Việt Nam sau này, và nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta ngày càng quyết liệt. Cả nước đều “Vì miền Nam ruột thịt”, vì Tổ quốc quyết hi sinh để bảo vệ nền tự do và độc lập của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, những tư tưởng xét lại đã nảy sinh trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đòi hỏi các ngành KHXH nước ta, đặc biệt là triết học, kinh tế, chính trị học, luật học…phải trực tiếp tham gia nghiên cứu, đề xuất ý kiến. Do yêu cầu phát triển của đất nước cũng như yêu cầu phát triển của các ngành khoa học nói chung, Khoa học xã hội và nhân văn nói riêng, ngày 11/10/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thường lệ dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh có sự tham gia của các vị đại diện của Hội đồng Chính phủ, của Toàn án Nhân dân Tối cao và của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trao đổi về mặt tổ chức các ngành khoa học. Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước ta đã quyết định tách Ủy ban Khoa học Nhà nước thành 2 cơ quan độc lập: Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Viện Khoa học xã hội (Quyết định số 165/TVQH ngày 11/10/1965 của Quốc hội)(6).
Đội ngũ cán bộ của Viện Khoa học xã hội lúc này được bổ sung nhanh bằng lực lượng sinh viên đã tốt nghiệp đại học thuộc các khóa đào tạo từ năm 1960 đến năm 1965 về KHXH, trong đó có một số được đào tạo ở Liên Xô về nước. Các tổ chức nghiên cứu của Viện KHXH cũng được mở rộng dần phạm vi nghiên cứu. Ngoài các Viện đã được thành lập từ trước như Viện Văn học (1960), Viện Sử học (1960), Viện Kinh tế (1960), Viện Triết học (1962) còn được bổ sung thêm các tổ nghiên cứu như Tổ Ngôn ngữ học,Tổ Luật học, Tổ Từ điển Bách khoa, Tổ Dân tộc học, Đội Khảo cổ học. Cán bộ khoa học và phục vụ cho khoa học được tăng lên gấp 4 lần. Nếu như năm 1959, Ban KHXH thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước chỉ có 100 cán bộ, thì năm 1965 khi thành lập Viện Khoa học xã hội đã có 345 cán bộ khoa học (bao gồm 47 cán bộ lãnh đạo quản lý, 298 cán bộ nghiên cứu). Ngoài ra còn có 83 cán bộ nhân viên phục vụ khoa học đưa tổng số cán bộ, nhân viên của Viện KHXH đạt tới 428 người.
Các tạp chí thuộc các Viện nghiên cứu về Khoa học xã hội và nhân văn lúc bấy giờ được thành lập gồm có Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Văn học, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và một số tờ thông báo khoa học của một số Viện khác. Một số Viện nghiên cứu về KHXH&NV như Viện Kinh tế, Viện Triết học được chú trọng đầu tư phát triển cả về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của đất nước. Đồng thời xúc tiến mọi điều kiện để xây dựng Viện Luật học, tích cực chuẩn bị để sớm đưa các tổ nghiên cứu như nói ở trên trở thành Viện nghiên cứu khoa học.
Theo Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn, chức năng và nhiệm vụ nghiên cứu chủ yếu của các ngành KHXH&NV nước ta lúc bấy giờ được xác định là: “Dưới ánh sáng của tư tưởng Mác-Lênin, tổng kết những kinh nghiệm về đấu tranh xã hội của nhân dân ra, dân tộc ta, từ đó rút ra những kết luận, những nguyên lý có tính chất cơ bản để góp phần vào việc bổ sung, xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về các mặt hoạt động, đặng thúc đẩy toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta tiến lên mạnh mẽ hơn nữa”(7). Rõ ràng là, chức năng, nhiệm vụ của KHXH&NV trong giai đoạn này không chỉ thuyết minh đường lối, mà đã góp phần vào việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Trên thực tế, Viện Khoa học xã hội, tuy mới chỉ hình thành chưa đầy 2 năm, nhưng đã có nhiều đóng góp về mặt khoa học đối với sự nghiệp xây dựng miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Một số công trình khoa học đã được xuất bản và hàng loạt bài báo đăng tải trên các Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Văn học, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và các Thông báo khoa học về Triết học, Luật học… đã góp phần thuyết minh, lý giải, làm sáng tỏ các chủ trương, đường lối, các chính sách lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong giai đoạn các mạng Việt Nam lúc bấy giờ.
Trước những đòi hỏi bức xúc của sự phát triển cũng như quản lý phát triển của KHXH&NV ở nước ta, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Quyết định số 47/TVQH ngày 19/6/1967 về việc chuyển Viện Khoa học xã hội Việt Nam thành Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Ủy ban KHXH Việt Nam). Đây không phải là sự chuyển tên đơn thuần mà chính là sự tăng cường trách nhiệm và quyền hạn của ngành KHXH&NV nước ta đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Ngày 31/7/1967, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 117/CP quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban KHXH Việt Nam là: “Trung tâm nghiên cứu và quản lý việc nghiên cứu của Khoa học xã hội nước ta. Nhiệm vụ chung của nó là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để nghiên cứu những vấn đề Khoa học xã hội nhằm góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta ..”, “là Trung tâm tập hợp cán bộ nghiên cứu Khoa học xã hội của cả nước, là một chỗ dựa của Trung ương Đảng và Chính phủ về mặt nghiên cứu lý luận chính trị, là một chỗ dựa của các cơ quan giảng dạy và truyền bá Khoa học xã hội”(8).
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban KHXH Việt Nam lúc mới thành lập gồm có: Viện Triết học, Viện Kinh tế, Viện Sử học, Viện Văn học, Viện Luật học, Thư viện Khoa học xã hội, Văn phòng, Vụ Tổ chức cán bộ và một số đơn vị sự nghiệp do Ủy ban quản lý. Nhưng chưa đầy 1 năm sau, sự phát triển về mặt tổ chức của Ủy ban KHXH Việt Nam đã có bước phát triển mới, nhất là về các tổ chức nghiên cứu khoa học. Ngày 16/5/1968, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 59/CP, một số Viện nghiên cứu mới thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam đã được thành lập. Đó là các Viện Ngôn ngữ học, Viện Dân tộc học, Viện Khảo cổ học. Riêng Nhà xuất bản Khoa học xã hội, việc chuẩn bị tách khỏi Nhà xuất bản Khoa học đã được tiến hành từ năm 1965 nhưng cho đến năm 1967 mới có quyết định (số 01-VH/QĐ ngày 16/1/1967 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám ký) thành lập với nhiệm vụ “Xuất bản các công trình nghiên cứu về Khoa học xã hội, đặc biệt chú ý các công trình nghiên cứu về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, …xuất bản các sách công cụ tra cứu (các loại từ điển,…), xuất bản những công trình phổ cập kiến thức Khoa học xã hội”.
Ủy ban KHXH Việt Nam lúc này do đồng chí Nguyễn Khánh Toàn là Chủ nhiệm, các đồng chí Trần Huy Liệu, Trần Phương là Phó Chủ nhiệm Ủy ban. Mặc dù đã có một bước tiến quan trọng về mặt tổ chức nêu trên, nhưng lãnh đạo của Ủy ban KHXH Việt Nam vẫn coi trọng việc tăng cường và củng cố về mặt tổ chức nghiên cứu khoa học, nhất là về đội ngũ cán bộ chủ chốt, không ngừng đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và công tác quản lý. Năm 1970, Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam được Chủ nhiệm Ủy ban KHXH Việt Nam ký quyết định thành lập để quản lý công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản và khai thác các di sản văn hóa Hán Nôm quý giá của ông cha ta để lại. Năm 1973, một số lĩnh vực khác của Ủy ban KHXH Việt Nam cũng đã được Chủ nhiệm ra quyết định thành lập mới như Ban Thông tin KHXH, Ban Đông Nam Á, Ban Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ.
Cùng với những chuyển biến mới về tổ chức, phương hướng và phương pháp nghiên cứu của Ủy ban KHXH Việt Nam cũng có những khởi sắc mới. Để khắc phục tình trạng nghiên cứu chưa tập trung và sát với yêu cầu thực tiễn của đất nước, Ủy ban KHXH Việt Nam đã thực hiện yêu cầu nghiên cứu Khoa học xã hội phải tập trung vào những đề tài thiết thực phục vụ 3 cuộc cách mạng ở miền Bắc - mà chủ yếu là cuộc đấu tranh tư tưởng và văn hóa và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam (9). Với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai để đáp ứng yêu cầu của đồng bào miền Nam ruột thịt” như Bác Hồ đã kêu gọi, Ủy ban KHXH Việt Nam đã đề ra phương châm hành động “thiết thực, tập trung và dứt điểm”. Để thực hiện phương châm này, ngoài việc thực hiện kế hoạch chuyên môn của từng lĩnh vực, nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban, là phải biên soạn xong các công trình cấp Nhà nước đã đặt ra từ thời kỳ trước. Đó là Bộ Lịch sử Việt Nam; Bộ Lịch sử Văn học Việt Nam; Bộ Từ điển tiếng Việt; Công trình Ngữ pháp tiếng Việt. Đồng thời, tuy chưa có một tổ chức nghiên cứu địa lý, nhưng do đòi hỏi bức bách của thực tiễn, Nhà nước vẫn giao cho Ủy ban KHXH Việt Nam biên soạn sớm để công bố công trình Địa lý Việt Nam. Công việc này được bắt đầu từ năm 1969 và xúc tiến mạnh vào những năm sau đó.
Để tăng cường tính chủ động đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước cũng như sự nghiệp khoa học, Ủy ban KHXH Việt Nam đã trình lên Trung ương và Chính phủ 10 đề nghị(10) nhằm cải tiến sự lãnh đạo khoa học, tăng cường đào tạo và bố trí cán bộ cho khoa học xã hội. Đó là:
- Trao việc phê bình văn học cho Đảng đoàn Văn hóa, văn nghệ.
- Trao việc cấp giấy phép khai quật khảo cổ (trước kia là cho Bộ Văn hóa) cho Viện Khoa học xã hội Việt Nam (như ở Liên Xô trao cho Viện Hàn lâm).
- Các Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Dân tộc, Khảo cổ… nên đặt bên các Viện nghiên cứu của các ngành này.
- Cho thi hành cải tiến chữ quốc ngữ.
- Trang bị cho Phòng Ngữ âm thực nghiệm ở Viện Ngôn ngữ.
- Nhà nước có chế độ bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ khoa học xã hội.
- Lập 3 khoa: Kinh tế Chính trị học, Triết học, Luật học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có các Viện tương ứng của Ủy ban KHXH Việt Nam tham gia.
- Khi phân phối sinh viên đại học các ngành Khoa học xã hội ra trường, cần ưu tiên cho các Viện nghiên cứu những sinh viên giỏi.
- Cử các Viện phó phụ trách hành chính cho các Viện nghiên cứu.
- Bổ sung các thành viên cho Ủy ban KHXH Việt Nam.
Các đề nghị trên thể hiện tính năng động và tinh thần trách nhiệm của Ủy ban KHXH Việt Nam trước nhiệm vụ mới. Những đề nghị này về cơ bản đã được chấp nhận và thực hiện trong những năm tiếp theo.
Cuối năm 1969, để chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm 1971-1975, Ủy ban KHXH Việt Nam đã xây dựng Dự thảo phương hướng nghiên cứu khoa học xã hội, đồng thời trình lên Trung ương dự án kế hoạch 5 năm nói trên. Dự thảo khẳng định: “Khoa học xã hội thực chất là khoa học chính trị, cho nên phương hướng đúng đắn của khoa học xã hội Việt Nam là phải xuất phát từ thực tế của Việt Nam, từ đường lối của cách mạng Việt Nam mà đặt mục tiêu nghiên cứu để phục vụ cách mạng Việt Nam” (trích Dự thảo). Đồng thời Dự thảo nêu rõ 2 phương hướng chính là:
- Nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và xây dựng con người mới - con người XHCN và cộng sản chủ nghĩa.
- Nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Dự thảo còn xác định cần nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và nêu rõ “cả ngành khoa học xã hội làm công tác nghiên cứu lý luận phục vụ cách mạng Việt Nam, tựu trung là để vận dung đúng đắn lý luận Mác-Lênin vào thực tế Việt Nam, góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho đường lối cách mạng của Đảng và phát triển lý luận Mác-Lênin vào thực tế Việt Nam. Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã vận dụng lý luận ấy một cách thiên tài, sáng tạo trong đường lối cách mạng Việt Nam và trong thực hiện đường lối ấy. Vì vậy chúng ta phải khai thác triệt để di sản của Người về các mặt: Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng; Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng; Hồ Chí Minh là tiêu biểu cho đạo đức cách mạng”.
Phương hướng nghiên cứu khoa học xã hội tiếp tục đề cập đến phương châm, phương pháp triển khai thực hiện “thiết thực, tập trung và dứt điểm” trong thời gian tới như nói ở trên. Đồng thời đề cao yêu cầu sáng tạo trong vận dụng lý luận Mác-Lênin. Dự thảo nêu rõ “Tuy lý luận Mác-Lênin vẫn là cái gốc những khi vận dụng nó thì bao giờ cũng phải căn cứ vào điều kiện của ta về mọi mặt, nghĩa là những khả năng hiện có và những đòi hỏi cấp thiết của đất nước ta, nhân dân ta”; “ta xây dựng con người XHCN Việt Nam phải là con người phát triển toàn diện, những có sắc thái Việt Nam, có tính dân tộc, nghĩa là đức và trí phải phù hợp với những đòi hỏi của đất nước, hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam”.
Những quan điểm đúng đắn về học thuật trên đây được quán triệt trong xây dựng kế hoạch nghiên cứu giai đoạn 1971-1975. Kế hoạch này còn được bổ sung trên tinh thần của Nghị quyết Trung ương lần thứ 19, khóa III (tháng 2/1971) là: “Nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn quân, toàn dân ta lúc này… và nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa phải nhằm bảo đảm yêu cầu của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, bảo đảm đời sống nhân dân, xây dựng và bảo vệ cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH, từng bước xây dựng cơ cấu sản xuất lớn XHCN, chuẩn bị cho sự phát triển kinh tế sau này” (trích Nghị quyết). Nghị quyết cũng cho thấy triển vọng thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam mặc dù khó khăn gian khổ còn nhiều. Vì vậy, kế hoạch nghiên cứu 1971-1975 của Ủy ban KHXH Việt Nam lúc này đã dự kiến 2 khả năng:
- Hoặc là chiến tranh còn rất ác liệt và kéo dài thì vẫn là tiếp tục các công tác lớn như cũ.
- Hoặc là tình hình chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi thì phải có kế hoạch bổ sung. Song bất kỳ như thế nào, đều phải có đề tài nghiên cứu về miền Nam và những công trình chuẩn bị cho miền Nam. Cần phải sớm chuẩn bị cho miền Nam khi có chính phủ Liên hiệp và cả sau này(11). Công tác đào tạo cán bộ cũng phải sát sao và khẩn trưởng, phải đi trước một bước. Đề nghị của Ủy ban KHXH Việt Nam về việc mở thêm các khoa Kinh tế, Triết học, Luật học và Hán Nôm tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã được thực hiện nhằm để bổ sung cán bộ khoa học xã hội không chỉ cho hiện tại mà còn để cho miền Nam sắp tới.
Tháng 2/1971, trong khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, Ủy ban KHXH Việt Nam tiếp nhận được ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng qua bài phát biểu nhân kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng và bài của đồng chí Tố Hữu - Ủy viên Bộ Chính trị (phụ trách công tác tư tưởng lý luận và khoa học xã hội) nhân đợt kết nạp đảng viên Khóa Hồ Chí Minh, đã bổ sung, hoàn chỉnh chương trình nghiên cứu 1971-1975 với quan điểm, phương hướng nhiệm vụ là: “Các khoa học xã hội phải xuất phát đầy đủ từ toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta hiện nay mà nghiên cứu về mặt lý luận trong việc xây dựng đường lối cách mạng của Đảng và trong việc xây dựng con người mới, với 3 nhiệm vụ cụ thể là:
- Nghiên cứu nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, chống lại những quan điểm sai lầm như xét lại hiện đại cũng như giáo điều, biệt phái và vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhằm phát hiện ra những cơ sở khoa học cho việc xây dựng đường lối chủ chương của Đảng và Nhà nước. Sau khi Trung ương và Chính phủ đã ra quyết định thì nghiên cứu trình bày làm sáng tỏ cơ sở khoa học của đường lối, chủ trương để mọi người nắm vững mà vận dụng cho đúng.
- Dưới ánh sáng đường lối chủ trương của Đảng, tiến hành tổng kết các mặt đấu tranh xã hội của nhân dân ra trước đây và ngày này, khai thác một cách có hệ thống toàn bộ giá trị văn hóa và tinh thần của ông cha để lại, nhằm kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp vào sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng con người mới thấm nhuần bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt Nam.
- Nghiên cứu tình hình kinh tế và văn hóa của một số nước trên thế giới, trước hết là các nước XHCN anh em và các nước tư bản đế quốc có quan hệ trực tiếp đến nước ta để tiếp thu một cách sáng tạo những thành tựu khoa học mới nhất của loài người tiến bộ và để ngăn ngừa, chống lại, quét sạch những ảnh hưởng của những tư tưởng phản động và văn hóa nô dịch, đồi bại” (12) .
Ba nhiệm vụ có tính chất chiến lược nêu trên đã thể hiện tính đúng đắn, khách quan, đồng thời thể hiện sự sáng tạo trong nghiên cứu KHXH&NV. Chẳng hạn nhiệm vụ thứ nhất không chỉ đòi hỏi khoa học xã hội phải thuyết minh các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, mà trước khi hình thành chủ trương, đường lối phải có nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc định ra các chủ trương, đường lối đó. Còn nhiệm vụ thứ ba, không chỉ nghiên cứu kinh tế, văn hóa của các nước XHCN mà còn phải nghiên cứu các nước tư bản đế quốc có quan hệ trực tiếp đối với nước ta, cũng không chỉ ngăn ngừa, chống lại những ảnh hưởng của tư tưởng phản động và văn hóa nô dịch, mà còn để tiếp thu có chọn lọc một cách sáng tạo những thành tựu khoa học mới nhất của loài người tiến bộ.
Cũng chính nhờ những quan điểm, phương hướng nghiên cứu trên đây mà giai đoạn 1971-1975, Ủy ban KHXH Việt Nam đã có nhiều công trình khoa học phong phú và đa dạng, không chỉ trên các lĩnh vực lịch sử, văn học, địa lý, như trước đây, mà còn cả trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, quan hệ quốc tế. Một số công trình biên soạn và công bố trong thời kỳ này cũng được Đảng và Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I và đợt II và Giải thưởng Nhà nước năm 1996 và năm 2000./.
(1) Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 BCHTW Đảng khóa II (11/1958). Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xuất bản, trang 7, 16,46.
(2) Công báo số 9 năm 1959, tr.137.
(3) Theo GS. Văn Tạo, ngày 19/9/1993, đồng chí Trần Quang Huy cho biết lúc đó đồng chí nhận được công văn của Bí thư Trung ương Đảng cử làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước phụ trách KHXH (xem: GS. Văn Tạo, tài liệu đã dẫn, tr.38).
(4) Xem: GS.Văn Tạo, tài liệu dẫn, tr. 38.
(5) Xem: GS.Văn Tạo, tài liệu dẫn, tr. 41.
(6) Công báo số 14 ngày 1/11/1965, tr. 205, 206.
(7) Nguyễn Khánh Toàn, Tạp chí Học tập, số 5/1967.
(8) Công báo số 7, tháng 8/1967, trang 106.
(9) Báo cáo kiểm điểm công tác năm 1967 và phương hướng nhiệm vụ năm 1968 của Ủy ban KHXH Việt Nam (Báo cáo số 158/KHXH).
(10) GS.Văn Tạo, tài liệu đã dẫn, tr. 57.
(11) GS.Văn Tạo, tài liệu đã dẫn, tr. 59-60.
(12) GS.Văn Tạo, tài liệu đã dẫn, tr. 61-62.