COP 28: Cơ hội cuối cùng cho mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu và những hành động của Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính

COP 28: Cơ hội cuối cùng cho mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu và những hành động của Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính

02/02/2024

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã chính thức khép lại với một số kết quả nổi bật. Lần đầu tiên, COP đưa ra một văn bản gợi lên một “sự chuyển dịch” dần dần theo hướng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

PHẦN 1:

COP 28: Cơ hội cuối cùng cho mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu

 

COP28 được coi là cơ hội "cuối cùng" để các nước trên thế giới thực hiện được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Bối cảnh COP28

Hệ thống khí hậu toàn cầu gần đến giới hạn đỏ. Trong một năm nóng nhất lịch sử đương đại, băng đang tan nhanh chưa từng có. Nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, sạt lún, sạt lở, cháy rừng đang trở nên tàn khốc hơn. Nhiều lãnh thổ, cộng đồng có nguy cơ bị ngập lụt, nhấn chìm. An ninh lương thực, an ninh năng lượng bị đe doạ, thành quả phát triển có nguy cơ bị đẩy lùi. Bên cạnh đó, vấn đề già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên là những vấn đề cộng hưởng làm gia tăng khó khăn, thách thức cho toàn cầu. 

Việt Nam đã thực hiện được rất nhiều việc và đã rất nghiêm túc triển khai thực hiện các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP26

Tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh những năm qua càng chứng tỏ đây là vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến toàn cầu, vấn đề của toàn dân. Chúng ta phải có nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, chủ động, tích cực, thiết thực, hiệu quả hơn và hành động thống nhất mang tính toàn cầu. Mỗi quốc gia phải có trách nhiệm quản lý thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa sức mạnh nội sinh của dân tộc mình là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp với sức mạnh đoàn kết quốc tế là quan trọng và đề cao chủ nghĩa đa phương; lấy người dân, lợi ích chung toàn cầu là trung tâm, chủ thể, không để bất cứ quốc gia nào, người dân nào bị bỏ lại phía sau. Đa dạng hóa huy động nguồn lực, kết hợp công và tư, kết hợp trong và ngoài nước; song phương và đa phương và các nguồn lực hợp pháp khác, nhất là nguồn lực từ tư nhân. 

COP28 được coi là cơ hội "cuối cùng" để các nước trên thế giới thực hiện được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Có người coi mục tiêu này là "cuộc chiến sinh tồn". Bởi trong tuần qua, việc thống nhất các giải pháp để đạt được mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng thêm 1,5 độ C đã khó. Có được các cam kết tài chính để thực hiện được mục tiêu này cũng là một vấn đề gian nan. 

Việc tham dự COP28 là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris. Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng các quyết định và hoạt động của Hội nghị COP28, bảo đảm nguyên tắc công bằng, công lý trong ứng phó với BĐKH và lợi ích của các nước đang phát triển trên cơ sở hài hòa với quyền lợi của các quốc gia khác, nhất là với các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam.

Thông qua COP28, Việt Nam đã chia sẻ đến cộng đồng quốc tế về những thách thức và tác động tiêu cực của BĐKH đối với Việt Nam, vai trò chủ động và tích cực của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH. 

Có thể khẳng định, Việt Nam đã thực hiện được rất nhiều việc và đã rất nghiêm túc triển khai thực hiện các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP26, COP27. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam đưa ra tiếng nói mạnh mẽ về các vấn đề có liên quan đến thực hiện cam kết, chuyển đổi năng lượng - là những nội dung quan trọng tại Hội nghị COP28 năm nay.

Những trọng tâm thảo luận của COP28

Tiếp nối các kết quả tại COP27 năm 2022, COP28 thảo luận xây dựng tuyên bố loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng như là biện pháp trọng tâm thực hiện giảm phát thải để đạt mục tiêu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ. Về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Hội nghị tiếp tục hoàn thiện khung mục tiêu thích ứng toàn cầu và tiếp tục thảo luận về các giải pháp để giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại, cơ chế vận hành và đóng góp nguồn lực cho Quỹ Tổn thất và thiệt hại đã được thành lập tại COP27.

Về tài chính khí hậu, Hội nghị tiếp tục xem xét tiến độ thực hiện mục tiêu huy động 100 tỷ đô la mỗi năm lẽ ra phải đạt được vào năm 2020; thảo luận mục tiêu huy động nguồn lực đến năm 2025 và dài hạn. Bên cạnh đó, các Bên sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo Thỏa thuận Paris.

Tạp COP28, lần đầu tiên các Bên đánh giá tiến độ thực hiện Thỏa thuận Paris một cách toàn diện trên toàn thế giới. Hội nghị COP28 cũng thảo luận kết quả tổng hợp nỗ lực thích ứng với BĐKH, giảm phát thải KNK, đóng góp về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực thực hiện ứng phó với BĐKH đã được các quốc gia đệ trình thông qua các báo cáo quốc gia, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) để thấy được tiến triển và những khoảng trống trong thực hiện các mục tiêu toàn cầu về ứng phó với BĐKH.

Thành công nhất là hội nghị COP28 đã đạt được thỏa thuận lịch sử về chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch, tạo tiền đề mới cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Được mô tả là kế hoạch dựa trên khoa học, thỏa thuận khí hậu vừa đạt được tại COP28 không sử dụng thuật ngữ "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch, mà thay vào đó kêu gọi "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách thỏa đáng, có trình tự và hợp lý, tăng tốc hành động trong thập kỷ then chốt này".

Thỏa thuận cũng nêu rõ quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính toàn cầu bằng 0 vào năm 2050, trong đó giảm 43% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 2019. Văn bản này cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.

Việc hội nghị đạt được thỏa thuận quan trọng về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch này được cho là sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch - điều mà các nhà khoa học cho rằng là cơ hội tốt nhất cuối cùng để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.

Ngoài thỏa thuận lịch sử về giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, COP28 cũng ghi nhận một số kết quả nổi bật khác, đặc biệt là về tài chính khí hậu như: COP28 đã huy động được khoảng hơn 80 tỷ USD cam kết tài chính khí hậu dành cho các chương trình nghị sự biến đổi khí hậu khác nhau.

Quỹ Khí hậu Xanh - tập trung vào việc hỗ trợ các nước đang phát triển trong hành động khí hậu, đã nhận được khoản tăng thêm 3,5 tỷ USD cho lần bổ sung thứ hai, với cam kết tài trợ 3 tỷ USD từ Mỹ. Ngoài việc hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu, quỹ còn tài trợ cho các dự án giúp các nước chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Các dự án này sẽ được triển khai trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2027.

Bên cạnh đó, hơn 120 nước đã ký vào Tuyên bố về khí hậu và sức khỏe: COP28 là năm đầu tiên hội nghị Bộ trưởng về sức khỏe được tổ chức và đã tạo ra sự liên kết giữa các lĩnh vực môi trường-biến đổi khí hậu-sức khỏe. Cùng với đó, 63 quốc gia cam kết tham gia vào Tuyên bố làm mát toàn cầu, hay còn gọi là Tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, hơn 130 nước thông qua Tuyên bố nhấn mạnh ưu tiên phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuyên bố khẳng định các nước sẽ tăng cường chuyển đổi hệ thống thực phẩm, gắn nỗ lực này với kế hoạch quốc gia về giảm khí thải.

Việt Nam phát triển mạnh năng ượng tái tạo.

Những bất đồng cần vượt qua

Vấn đề năng lượng hóa thạch

Trọng điểm của thỏa thuận là lời kêu gọi “từ bỏ nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, một cách công bằng, có trật tự và hợp lý… nhằm đạt được (mục tiêu) phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phù hợp với (khuyến nghị của) giới khoa học". Cam kết vẫn còn điểm mơ hồ, nhưng đây là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế cùng bày tỏ mong muốn thoát khỏi kỷ nguyên dầu mỏ. Điều này đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ đến thị trường tài chính.

Rõ ràng, một lời hứa như vậy sẽ không làm giảm tiêu thụ dầu hoặc giảm giá trong ngắn hạn. Nhưng nếu nó tạo ra những thay đổi tiến bộ trong chính sách nhà nước và định hướng lại các khoản đầu tư, thì sẽ dẫn đến một sự chuyển dịch lớn trong hệ thống năng lượng toàn cầu.

Về tiến trình thực hiện

Thỏa thuận này là một thỏa hiệp. Để được các nước khai thác dầu khí bật đèn xanh, thỏa thuận cần phải tạo điểm nhượng bộ họ, vì các nước trên sẽ phản đối bất kỳ đề cập nào về việc thoát dần dần khỏi nhiên liệu hóa thạch. Do đó, văn bản thừa nhận tồn tại của những công nghệ có khả năng làm giảm tác động của dầu, khí tự nhiên và than đối với bầu khí hậu - chủ yếu là công nghệ thu giữ CO2 mà các nước lắp đặt nhằm ngăn chặn khí nhà kính đi vào bầu khí quyển trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Trong số những biện pháp khuyến khích các quốc gia thực hiện nhằm chống biến đổi khí hậu, có: “Tăng tốc (phát triển) các công nghệ không phát thải và phát thải thấp, bao gồm công nghệ tái tạo, năng lượng hạt nhân, công nghệ giảm thiểu và loại bỏ như thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon”.

Công nghệ thu giữ carbon đã có từ lâu, nhưng trong một số lĩnh vực, lắp đặt vẫn còn rất tốn kém. Bản thân công nghệ cũng chưa được chứng minh như một biện pháp phù hợp nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, các nước khai thác dầu vẫn tiếp tục dùng giả thuyết về “những cải thiện tiềm năng trong ngành công nghiệp” làm lập luận chính nhằm bảo vệ quyết định tiếp tục tiêu thụ dầu khí của họ. Theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, tại bàn đàm phán, quốc gia được xem là lãnh đạo OPEC, Ả Rập Xê-út, đã lên tiếng nhấn mạnh rằng các nước đều có một "danh sách" hành động khả thi nhằm tự đi theo con đường riêng của họ.

Ngân sách cho thực hiện

Ngay cả những phái đoàn hài lòng nhất với thỏa thuận trên cũng thừa nhận vấn đề này. Cụ thể, không có nguồn tài trợ bổ sung nào được cung cấp nhằm giúp các nước đang phát triển đối phó với lượng chi phí khổng lồ phát sinh từ hoạt động loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Thỏa thuận này không có quy định về việc cấp kinh phí cần thiết nhằm giúp các nước nghèo và dễ bị tổn thương thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu.

Ông Sabre Hossain Chowdhury - Đặc phái viên về khí hậu của Bangladesh, nhấn mạnh: “Thích ứng thật sự là một vấn đề sống còn. Chúng ta không thể thỏa hiệp về khả năng thích ứng. Chúng ta không thể thỏa hiệp về cuộc sống và sinh kế”. Tuy nhiên, những câu hỏi này sẽ phải chờ. Chúng có thể sẽ xuất hiện trong chương trình COP29, diễn ra vào năm tới tại Baku, Azerbaijan - một quốc gia khai thác dầu khí khác. Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán tại Dubai đã dạt được bước đột phá, với việc công bố thành lập quỹ “Thiệt hại và mất mát” nhằm giúp các nước nghèo ứng phó với thiên tai gây ra bởi biến đổi khí hậu.

Tính khả thi của mục tiêu 1,5° 

Nhìn chung, Liên minh châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia bày tỏ hài lòng với kết quả đàm phán. Họ cho rằng thỏa thuận đạt được ở Dubai sẽ giúp duy trì cơ hội hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5oC so với mức bình quân thời tiền công nghiệp. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn nhằm đạt được điều này: Nó đòi hỏi phải cắt giảm gần một nửa lượng khí thải CO2 chỉ trong 6 năm và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Dự thảo kêu gọi các nước làm như vậy, nhưng Liên minh Các Quốc đảo nhỏ (AOSIS) - bao gồm những nước có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao, nói rằng điều này sẽ không xảy ra vì mọi thứ đã quá trễ. Bà Anne Rasmussen đến từ Quốc đảo Samoa - Đại diện AOSIS tại Dubai, cho biết vào cuối COP rằng thỏa thuận đã không đề cập được “điều chỉnh cần thiết" cho tham vọng đó.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đã cùng nhau đối mặt với thực tế và đưa thế giới đi đúng hướng. Chúng ta đã đưa ra một kế hoạch hành động mạnh mẽ để giữ mục tiêu 1,5 độ C trong tầm tay. Đó là một kế hoạch tổng thể giúp giải quyết vấn đề phát thải, thu hẹp khoảng cách về khả năng thích ứng, định hình lại nền tài chính toàn cầu và giải quyết những mất mát và thiệt hại”.

 

PHẦN 2:

Cam kết giảm phát thải khí nhà kính: Những hành động của Việt Nam

Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và đang tích cực triển khai các hành động khí hậu, kêu gọi các nước phải thực hiện các cam kết bằng những hành động cụ thể để đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu.

Sáng kiến, nỗ lực của Việt Nam

Quan điểm Việt Nam tham dự Hội nghị COP28 là ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tăng cường đoàn kết toàn cầu, thống nhất tầm nhìn mới, có tư duy mới mang lại đột phá trong triển khai, đưa ra quyết tâm mới để hành động quyết liệt, hiệu quả và thông qua giải pháp toàn cầu toàn diện, đổi mới và sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại phía sau bất cứ một quốc gia, cộng đồng hay người dân nào. Đồng thời kêu gọi các quốc gia, tổ chức, tập đoàn cần thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

 Việt Nam sẽ giảm dần nhiệt điện than.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu hết sức quan trọng tại COP28, trong đó khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Thủ tướng đã kêu gọi các bên cần có sự phối hợp tốt hơn, các nước phát triển cần phải tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển đặc biệt là về tài chính và chuyển giao công nghệ, để các nước đang phát triển có đủ nguồn lực cũng như năng lực trong thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu ra những nỗ lực của Việt Nam cũng như kết quả đã đạt được kể từ khi cam kết tại COP26. Thủ tướng cho biết, thời gian tới sẽ đưa ra hành lang pháp lý, chính sách cụ thể hơn nữa, như xây dựng hệ thống truyền tải điện thông minh, đưa ra hợp đồng chuẩn về mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp… Đây là những động thái rất rõ ràng và trực tiếp để đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam cam kết và quyết tâm thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, Việt Nam mong muốn thu hút các khoản đầu tư lớn hơn nữa, đầu tư chất lượng hơn trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng.

Ngày 1/12/2023 trong khuôn khổ COP28, Việt Nam chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế, gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Canada, Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy. Kế hoạch huy động nguồn lực tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ: 

(1) Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; 

(2) Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; 

(3) Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo; 

(4) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 

(5) Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; 

(6) Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải; 

(7) Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; 

(8) Bảo đảm công bằng. Các dự án, nhiệm vụ sẽ tiếp tục được Ban Thư ký, các Nhóm Công tác hỗ trợ triển khai thực hiện JETP cùng các đối tác tiếp tục rà soát, cập nhật và hoàn thiện.

Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP

Việt Nam và các thành viên Nhóm IPG đã thông qua Tuyên bố JETP tháng 12/2022. Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Trong đó, 7,75 tỷ USD do Nhóm IPG cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại. Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cam kết huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế; trong đó có 340 triệu là nguồn hỗ trợ không hoàn lại.

 Cần nguồn tiền lớn để thực hiện các cam kết.

Trong năm 2023, Việt Nam đã thành lập Ban Thư ký thực hiện JETP do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là Trưởng ban; Phó Trưởng ban là Thứ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính. Sau khi được thành lập, Ban Thư ký đã cùng các đối tác quốc tế (IPG) xây dựng và hoàn thành Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP và đã được Việt Nam công bố trong khuôn khổ Hội nghị COP28.

Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP xác định 250 dự án đầu tư cần thực hiện từ nay tới 2030 và khoảng 60 dự án/nhóm dự án cần hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực thực hiện gần 200 tỷ USD tới năm 2030. Nguồn lực JETP mà IPG hỗ trợ sẽ được sử dụng cho các dự án mang tính đột phá và tạo điều kiện để huy động nguồn lực từ khối doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện chuyển đổi năng lượng. “Huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam không chỉ giới hạn trong khuôn khổ các đối tác tham gia JETP mà mở rộng cho tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp, định chế tài chính trong và ngoài nước và được thực hiện theo quy định của Việt Nam” 

Để đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 135 tỷ USD nên con số 15,5 tỷ USD không phải lớn so với nhu cầu của Việt Nam nhưng nó là con số ban đầu để kích hoạt và huy động thêm nguồn lực quốc tế, khối tư nhân để chúng ta có thể phát triển ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo ở Việt Nam ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Kế hoạch cũng tạo điều kiện để Việt Nam liên kết và thúc đẩy phát triển một ngành kinh tế mới, đòi hỏi chúng ta củng cố về mặt thể chế, pháp lý để tạo nền tảng thu hút đầu tư FDI chất lượng hơn vào kinh tế xanh. Đồng thời, giúp Việt Nam đầu tư vào nghiên cứu và phối hợp các nước nghiên cứu chuyển giao công nghệ lĩnh vực này.

Đặc biệt, trong kế hoạch huy động nguồn lực JETP, Việt Nam đã nhấn mạnh, để đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng thì công bằng và bình đẳng là giá trị cốt lõi để chuyển đổi năng lượng thành công ở Việt Nam. Trong tuyên bố cũng đưa ra các quan điểm rõ ràng phải đảm bảo cung cấp điện với giá phải chăng, đáng tin cậy cho người dân và người thu nhập thấp.

Tiếp theo liên quan đến các chính sách về xã hội, để đảm bảo các nhóm công nhân, nhóm xã hội đang làm việc trong lĩnh vực năng lượng ( điện than, mỏ than) có các kỹ năng để chuyển sang ngành kinh tế mới. Đồng thời, đảm bảo cung cấp các lợi ích tối đa cho các bên: Địa phương- người dân, doanh nghiệp – Nhà nước trong việc phân phối lợi ích đảm bảo công bằng.

Thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Thỏa thuận cuối cùng của COP28 mở đường cho việc giảm mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu. Thỏa thuận trên đặc biệt kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thỏa thuận cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.

Việc hội nghị đạt được thỏa thuận quan trọng này sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.

Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đi đôi với chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý. Những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ đóng góp đáng kể cho nỗ lực giảm khí nhà kính toàn cầu. Đây cũng là sự quan tâm của các đối tác tại COP28. Sự tham gia tích cực của Việt Nam, hành động của Việt Nam có tác động đáng kể cho thành công của Hội nghị và nỗ lực ứng phó BĐKH toàn cầu.

Việt Nam cũng sẽ xem xét tham gia một số sáng kiến khác như: Cam kết về hiệu quả năng lượng và tái tạo toàn cầu COP28; Tuyên bố COP28 về Khí hậu và Sức khỏe; Nhóm các nước ủng hộ hành động vì BĐKH liên quan đến văn hóa tại Công ước Khung Liên hợp quốc về BĐKH; Tuyên bố về Hệ thống thực phẩm linh hoạt, Nông nghiệp bền vững và Hành động về khí hậu; Chuyển đổi công bằng có trách nhiệm giới và Đối tác hành động vì khí hậu...

Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và đang tích cực triển khai các hành động khí hậu, kêu gọi các nước phải thực hiện các cam kết bằng những hành động cụ thể để đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu.

 

TS. Nguyễn Đình Đáp 

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Tài liệu tham khảo

1.     Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại COP28.

2.     Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023). Tài liệu tham gia Hội nghị COP28 của Việt Nam.

3.     Chu Thanh Hương (2023). COP 28: Kế hoạch đầu tư chuyển đổi năng lượng công bằng tại các nước đang phát triển. Đưa tin từ Hội nghị COP28, UAE, Báo Tài nguyên và Môi trường.

4.     Thu Hường (2023). Bốn kết qủa nổi bật của Việt Nam tại Hội nghị COP28. Báo Công Thương.

5.     Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam (2023). Bế mạc COP 28: Việt Nam phải làm gì để thực hiện các cam kết?

6.     Phương Nam (2023). COP28 đạt thỏa thuận lịch sử về nhiên liệu hóa thạch. Sài Gòn Giải phóng online.

7.     Ngọc Duyên (2023). Tổng kết những kết quả đạt được tại COP28. Năng lượng quốc tế, Chuyên trang của Tạp chí Petrotimes.

Nguồn: Tác giả

và https://vietnamnet.vn

 

Các tin đã đưa ngày: