Chỉ số bình đẳng giới của Liên minh Châu Âu

Chỉ số bình đẳng giới của Liên minh Châu Âu

25/01/2022

Chỉ số bình đẳng giới (GEI) là một công cụ để đo lường sự tiến bộ về bình đẳng giới ở Liên minh Châu Âu (EU) do Viện Châu Âu về Bình đẳng giới (EIGI) xây dựng và phát triển từ năm 2013. Mục tiêu của GEI là đo lường và phân tích thực trạng bình đẳng giới theo thời gian và không gian ở các quốc gia thành viên EU và một số nước Châu Âu. Từ đó, cung cấp cái nhìn trực quan hơn về tình trạng bình đẳng giới, hỗ trợ đánh giá hiệu quả việc thực hiện các biện pháp và chính sách bình đẳng giới ở EU.

Tại Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có chỉ số bình đẳng giới tổng hợp đánh giá thực trạng bình đẳng giới và cung cấp dữ liệu để nhận diện tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới quốc gia. Bàn về vấn đề này TS. Trần Thị Hồng (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) cho biết: Hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã giao cho Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp Bộ “Xây dựng chỉ số về bình đẳng giới”. Đây là nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học cấp Bộ “Xây dựng bộ chỉ số đảm bảo an sinh quốc gia” do Viện Hàn lâm là cơ quan chủ trì. Thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Chỉ số bình đẳng giới của Liên minh Châu Âu nhằm tìm hiểu quá trình xây dựng, nền tảng lý luận, các chỉ số thành phần của bộ chỉ số…Đồng thời, rút ra một số bài học cho việc xây dựng chỉ số bình đẳng giới ở Việt Nam.

Chỉ số đo lường tình trạng bình đẳng giữa nam và nữ trên toàn cầu (WBL) đã được cải thiện đáng kể trong 10 năm qua khi tăng từ 70-75. So sánh giữa các khu vực, Nam Á là khu vực đạt được tiến bộ lớn nhất. Hình trên bao gồm 8 chỉ số phụ được WBL công bố tại Báo cáo Bình đẳng giới năm 2019

Tiến sĩ cho biết thêm: GEI được Liên minh Châu Âu công bố lần đầu vào năm 2013 với 8 chỉ số đo lường bình đẳng giới trên các lĩnh vực liên quan đến toàn bộ dân số gồm: công việc, tiền bạc, thời gian, sức khỏe, quyền lực, kiến thức, bất bình đẳng giới đan xen, bạo lực. Sau khi ra đời, GEI tiếp tục được điều chỉnh nhằm phản ánh tố hơn tiến trình hướng tới bình đẳng giới ở EU và cập nhật những thay đổi trong đời sống xã hội. Từ năm 2019, GEI được cập nhật hàng năm để đóng góp kịp thời vào hệ thống giám sát chính sách ở EU. Báo cáo GEI hàng năm bổ sung thêm các chủ đề phân tích sâu gắn với một chỉ số thành phần nhất định trong GEI. Chủ đề phân tích sâu cũng được xây dựng dựa trên một tập hợp các chỉ số đơn được bổ sung để đo lường. Các chỉ số này có tính liên kết về mặt khái niệm và phương pháp thống kê nhưng không được tính toán trong chỉ số GEI tổng hợp. Ví dụ chủ đề của báo cáo năm 2019 là cân bằng giữa công việc và cuộc sống được phân tích qua 3 lĩnh vực lớn gồm: công việc, giáo dục và đào tạo (EIGI. 2019). Báo cáo năm 2020 lại tập trung vào ảnh hưởng của quá trình số hóa đến công việc và những hậu quả đối với bình đẳng giới. Chủ đề này đặc biệt liên quan đến đại dịch Covid 19 và cách thức mà nam giới và phụ nữ làm việc (EIGI, 2020).

Chia sẻ thông tin liên quan đến nền tảng lý luận xây dựng chỉ số bình đẳng giới của GEI, ThS. Nguyễn Hà Đông (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) cho biết: Nền tảng lý luận xây dựng chỉ số bình đẳng giới bao gồm: (1). Các lý thuyết về bình đẳng giới và cách tiếp cận năng lực; (2). Hệ thống chính sách, chiến lược của EU và quốc tế về bình đẳng giới. Trong đó, các lý thuyết về bình đẳng và công bằng được sử dụng để xây dựng GEI gồm khung phân tích về bình đẳng xã hội của Baker và cộng sự (2004), khung phân tích về bình đẳng giới của Pascall và Lewis (2004) và khung phân tích về giới do Fraser (1997) đề xuất. Các lý thuyết này cung cấp một nền tảng vững chắc để thao tác hóa khái niệm bình đẳng giới phù hợp với bối cảnh chính sách của EU.

Cùng với các lý thuyết về bình đẳng giới những thay đổi trong các khái niệm ở các văn bản chính sách, chiến lược của EU và quốc tế cũng được xem là cơ sở quan trọng để xác định các thành phần cơ bản của GEI. Thông qua 8 thành tố cơ bản được nêu rõ như trên các nhà khoa học cũng khẳng định: Chỉ số bình đẳng giới của Liên minh Châu Âu đã được xây dựng dựa trên các phương pháp luận minh bạch, chắc chắn, nguyên tắc thống kê đúng đắn, tin cậy. Có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ người ra quyết định trong việc đánh giá xem một quốc gia thành viên còn bao xa để đạt được bình đẳng giới. Đồng thời giúp chỉ ra những kết quả khác nhau bởi tác động của chính sách từng quốc gia và chính sách chung của Châu Âu đối với phụ nữ và nam giới, cho phép phân tích, so sánh giới trên các lĩnh vực khác nhau, hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chính sách và pháp luật về bình đẳng giới.

Do đó, việc xem xét, tìm hiểu, nghiên cứu quy trình xây dựng GEI, đặc biệt là kinh nghiệm phát triển khung lý thuyết có ý nghĩa quan trọng cho việc xây dựng chỉ số bình đẳng giới ở Việt Nam trên những phương diện như: Cơ sở lý thuyết, các tiếp cận để xác định các chỉ số “thực chất”; các vấn đề cần nhận diện đang tồn tại ở Việt Nam. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để xác định chỉ báo đo lường các vấn đề giới đang tồn tại, cần được giải quyết trong giai đoạn hiện nay; các vấn đề giới đang được Việt Nam chú trọng hướng tới việc giải quyết theo các chương trình, chính sách, chiến lược quốc gia, cam kết quốc tế cũng như dựa trên các quan điểm bình đẳng giới trong các văn bản của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay./.

Phạm Vĩnh Hà (Tổng hợp)

 

Các tin đã đưa ngày: