Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam: Tìm kiếm sự tương tác hài hòa lẫn nhau của cá nhân và Nhà nước (phần 2)

Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam: Tìm kiếm sự tương tác hài hòa lẫn nhau của cá nhân và Nhà nước (phần 2)

05/11/2021

GS.TS. VÕ KHÁNH VINH

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Tóm tắt: Mối quan hệ của cá nhân và nhà nước là mối quan hệ cơ bản, cốt lõi trong các quan hệ xã hội. Chiến lược phát triển đất nước nói chung, chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam nói riêng, cần phải và có nhiệm vụ giải quyết mối quan hệ đó. Hiện nay Đảng và Nhà nước đã đưa ra chủ trương và đang tiến hành xây dựng chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước là biểu hiện, nội dung quan trọng trong mối quan hệ của cá nhân và nhà nước. Bài viết này góp phần xây dựng chiến lược đó bằng việc luận giải: chiến lược phát triển pháp luật là phương thức giải quyết, tìm kiếm sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước; nền tảng của sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước; các nguyên tắc xác định sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước; các lĩnh vực pháp luật thể hiện sựtương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước; vai trò của tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo pháp luật và khoa học pháp lý trong chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam; và giá trị của những hiểu biết đó đối với xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam hiện nay.

Từ khoá: Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam; sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước; tuyên truyền phổ biến, giáo dục; đào tạo pháp luật; khoa học pháp lý.

Abstract: The relationship between the individual and the state is a core social relation. National development strategy in general, and the strategy for legal development in particular, need to resolve this relationship. Until now, the Communist Party and State are working to develop a legal strategy for Vietnam in 2030, with a vision to 2045. The harmonious connection between individuals and the state is an important content in the relationship between the individual and the state. This article contributes to the development of such strategy by discussing these following issues: (i) the strategy for legal development is a method of solving and seeking for harmonious connection between individuals and the state; (ii) the foundation of the harmonious connection between the individual and the state; (iv) principles that define the harmonious connection between the individual and the state; (v) areas of law studies that represent the harmonious connection between the individual and the state; (vi) the role of public and professional legal education programs in Vietnam's strategy for legal development; and (vii) the value of such insights for the formulation and implementation of the current strategy for legal development.

Keywords: Strategy for legal development in Vietnam; the harmonious interplay of the individual and the state; propaganda, popularization, education; legal training; legal science.

 

(Tiếp số 08(99)/2021)

3. Các nguyên tắc xác định sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và Nhà nước trong chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam

Để bảo đảm sự hài hoà giữa cá nhân và Nhà nước trong chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam thì việc xác định sự tương tác lẫn nhau của cá nhân và Nhà nước cần phải dựa vào các nguyên tắc nhất định.

Đó là:

Thứ nhất, bảo đảm các tự do cá nhân và các tự do chính trị của cá nhân.

Chiến lược phát triển pháp luật có tính cấp thiết và quan trọng trong một khoảng thời gian dài đối với Việt Nam. Ở đây có thể mạnh dạn nhớ đến các tư tưởng của Mongtexkio về cân bằng và phân chia các nhánh quyền lực và chức năng phục vụ của chúng, nơi mà điều cơ bản là bảo đảm tự do cá nhân và tự do chính trị. Sự cân bằng các quyền lực, sự cân bằng có thể được tuân thủ hoặc bị vi phạm, không có mục tiêu tự thân hoặc là nhiệm vụ chiến lược. Chiến lược đầu tiên chính là giành cho và bảo hộ, bảo vệ tự do cá nhân và tự do chính trị một cách tự nhiên, đương nhiên trong tổng thể cân bằng các quyền và các nghĩa vụ của con người và công dân. Định hướng chiến lược đó là định hướng cơ bản trong nhận thức hiến định của Nhà nước. Nếu như định hướng đó được khẳng định thì có thể khẳng định về sự hiện diện của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về tính hiến định, tính ràng buộc của nó và sự hạn chế quyền lực bằng hệ thống các đạo luật để bảo đảm sự phồn vinh, hạnh phúc, an ninh của con người và của nhà nước. Chính định hướng đó đem đến cho xã hội vectơ phát triển xã hội và nhà nước, thúc đẩy sự chuyển động xã hội và nhà nước đến trạng thái pháp quyền.

Việc thực hiện các quyền và tự do của cá nhân đòi hỏi phải có sự vận hành của các cơ chế pháp lý bảo đảm cho quá trình đó. Đến lượt mình, các cơ chế pháp lý cần phải được luận chứng và phù hợp với khả năng hiện thực trong áp dụng pháp luật: với các yếu tố kinh tế, xã hội, đạo đức, văn hoá và các yếu tố khác. Không cân nhắc các yếu tố đó thì khó mà xác định được sự vận hành hiệu quả các cơ chế pháp lý để bảo đảm việc thực hiện các quyền và tự do của cá nhân. Ý chí của nhà làm luật đồng hành cùng với các điều kiện thể hiện nó, hơn nữa, các yếu tố thực hiện các quyền và các tự do có thể “phong toả”, cản trở việc đưa ý chí đó vào hiện thực. Dự định xây dựng luật, và chính tư tưởng làm luật không tồn tại ở bên ngoài sự cân nhắc các hiện thực xã hội. Chẳng hạn, nhiều quyền và tự do của công dân Việt Nam được ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật vẫn trên văn bản quy phạm pháp luật, bởi vì, vẫn chưa có các điều kiện tương ứng để thực hiện, tức là các thủ tục, các cơ chế, các bảo đảm để thực hiện chúng. Trên thực tế, xuất hiện các tình huống, pháp luật thì có, nhưng lợi ích, phúc lợi thì không có, đạo luật thì có hiệu lực nhưng các mục tiêu của nó thì không đạt được. Giữa lý luận và thực tiễn quyền con người, quyền công dân có một khoảng cách, một sự tách biệt không thể chấp nhận được. Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 có nhiệm vụ khắc phục hạn chế đó.

Trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam việc thực hiện các quyền và tự do của cá nhân cần phải được đặt ra trong sự thống nhất với các nghĩa vụ của Nhà nước. Điều đó có nghĩa rằng, củng cố, thực hiện các quyền, tự do cá nhân và các quyền, tự do chính trị của cá nhân phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Nhà nước. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của Nhà nước ta là bảo vệ trẻ em, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những người chưa thành niên.

Bảo vệ các quyền và tự do của những người chưa thành niên là định hướng quan trọng nhất của chiến lược phát triển phát triển pháp luật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ở đây, đòi hỏi phải ban hành nhiều đạo luật rất quan trọng, trước hết, là các đạo luật bảo đảm sự bất khả xâm phạm cá nhân trẻ em. Nhưng vấn đề không phải là về số lượng các đạo luật (các đạo luật đã được ban hành rất nhiều), mà là thể hiện ở sự điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ cấp thiết với sự trợ giúp của các quy phạm pháp luật có trong các đạo luật đó, các quan hệ không thể được bảo đảm ở bên ngoài sự tác động pháp lý.

Thứ hai, khẳng định trong xã hội tinh thần chủ nghĩa hiến định, sự tôn trọng pháp luật, sự thượng tôn pháp luật.

Đó là các quá trình và các quan hệ xã hội không tách rời mà gắn liền chặt chẽ với hiện thực. Và điều đó được hình thành bằng hàng chục thập kỷ và hàng thế kỷ. Pháp luật dưới hình thức đạo luật cần phải và có thể có biểu tượng giá trị xã hội gắn liền với việc bảo đảm an ninh, tự do. Ở nghĩa đó, trước hết, cần phải khắc phục lối suy nghĩ đã hằn sâu trong trong ý thức của phần lớn mọi người rằng, pháp luật chỉ gắn liền với sự hạn chế, cưỡng chế và hình phạt. Cần phải thay đổi hình ảnh pháp luật chỉ với tư cách là cái thực hiện vai trò đe doạ, cưỡng chế mà về mặt xã hội đã trở thành thói quen, thành pháp luật với tư cách là cái thực hiện vai trò xã hội tiện lợi và xác đáng, thành thói quen. Với tư cách là hình thức cao nhất của xây dựng pháp luật, Hiến pháp là mô hình pháp luật được khách quan hoá trong ý thức của các cá nhân. Nếu như trong ý thức pháp luật diễn ra sự thay đổi mô hình đó bằng bộ máy sức mạnh, ý chí của một nhóm người nào đó và bằng các điều khác, thì lúc đó có thể nói về vấn đề của chủ nghĩa coi thường pháp luật (hư vô pháp luật) và các biến dạng khác của nhận thức pháp luật cả trong ý thức pháp luật thông thường lẫn trong ý thức pháp luật nghề nghiệp. Phương thức lối sống của pháp luật được thể hiện trong Hiến pháp với tư cách là cái tổng thể - lý tưởng. Bởi vì, các quy phạm hiến định ở đỉnh cao của thứ bậc các quy phạm pháp luật; do đó, thái độ đối với Hiến pháp đặc trưng cho thái độ đối với hệ thống pháp luật nói chung.

Tôn trọng pháp luật, bảo đảm sự thượng tôn pháp luật và khẳng định tinh thần của chủ nghĩa hiến định chỉ có thể thông qua công lý, công bằng và trật tự, thông qua sự hình thành thái độ tích cực và sự tin tưởng của công dân đối với quá trình xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật, đối với những người đại diện của các quá trình đó. Sự khẳng định trong xã hội chủ nghĩa hiến định với tư cách là một giá trị gắn liền với uy quyền của pháp luật công bằng, đạo đức cần phải được thể hiện về mặt thực tế.

Pháp luật là cần thiết, tất yếu, đối với con người, nếu như nó bảo vệ hàng ngày các quyền của con người và có hiệu quả. Nhưng để làm được điều đó nhà làm luật cần phải tiếp cận đến tất cả các mặt của hiện thực pháp luật. Ý nghĩa giá trị của chủ nghĩa hiến định thể hiện cả ở sự luận chứng mang tính quan điểm thống nhất được lập luận về mặt khoa học đối với xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật. Các quá trình hiện đại hoá và đổi mới sáng tạo có thể có được sự bảo đảm hiệu quả về mặt pháp luật và sự đồng hành trong thực hiện nguyên tắc mang tính quan niệm. Quan niệm trong lĩnh vực pháp luật dựa vào nền kinh tế, các khả năng của nền kinh tế, vào ý chí chính trị và được sản xuất bởi ý chí chính trị. Cần phải biết sử dụng các khả năng của pháp luật cho các quá trình công nhiệp hoá, hiện đại hoá và đổi mới sáng tạo. Như vậy, sự tôn trọng đối với pháp luật, sự thượng tôn pháp luật được hình thành thông qua các quyết định và hành động được luận chứng và thực hiện mang tính chiến lược, có tính nghề nghiệp và ý nghĩa pháp lý.

Thứ ba, xác định vai trò và vị trí của pháp luật trong mối liên hệ với sự hình thành nhà nước pháp quyền xã hội, xã hội pháp quyền ở Việt Nam.

Pháp luật được thể hiện với tư cách là các văn bản quy phạm pháp luật (luật pháp) không thể là cần thiết, ít cần thiết, rất cần thiết. Vấn đề về các ưu tiên, thông thường, được đặt ra trong thực tiễn xây dựng pháp luật. Do đó, tính ưu tiên trong phát triển các văn bản pháp luật (ngành pháp luật), đương nhiên có quyền tồn tại. Đồng thời, chúng tôi cho rằng, sự quan tâm quá lớn đến những vấn đề hiệu quả xây dựng pháp luật trong những lĩnh vực nhất định và sự thiếu sự quan tâm hoàn toàn đến hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật trong các lĩnh vực khác với tư cách là đạo luật là không đúng. Tất nhiên, cần quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực xã hội, trong đó có dịch vụ xã hội do nhà nước hỗ trợ, mà ở đó có khái niệm “dịch vụ tốt” được các nhà khai hoá văn minh biết đến, nhưng đối với người công dân đó vẫn là hiện tượng ít được hiểu biết trong cuộc sống của họ. Ở đây cần lưu ý rằng, thực tiễn về các mối quan hệ lẫn nhau của con người và nhà nước ở Việt Nam trước đây và hiện nay có đặc thù của mình mà ở đó “dịch vụ” được thể hiện. Nhà nước ở ý nghĩa yêu nước (ái quốc) - đó là liên minh bảo vệ, cũng cố sự đoàn kết, sự thống nhất dân tộc, sự tôn trọng lịch sử và hiện tại.

Vai trò nhà nước ở đây là ổn định và là tư tưởng và là hiện thực của sự thống nhất về mặt nhà nước, điều đó là cần thiết đối với cả nhà nước lẫn đối với cá nhân.

Vai trò của nhà nước với tư cách là tổ chức có nhiệm vụ củng cố nền tảng xã hội, sự ủng hộ xã hội và bảo vệ các công dân của mình là rất to lớn, quan trọng. Trong trường hợp này, trước hết, đó là vai trò của cơ quan quyền lực, cưỡng chế, tổ chức thực hiện các quyết định đối với tất cả mọi người. Nhà nước là công cụ. Ở nghĩa này, chúng tôi muốn nói đến chức năng xã hội của nhà nước, nhưng sứ mệnh định hướng về mặt xã hội của điều chỉnh nhà nước không chỉ thể hiện ở sự hiện diện của chức năng đó. Chính ở đây pháp luật ở nghĩa rộng lớn của nó thể hiện một cách tổng thể bản chất quy phạm, tư tưởng của các quan hệ giữa con người và nhà nước, với tư cách là pháp luật hiện hành, là quá trình xây dựng pháp luật, là quá trình áp dụng pháp luật, là học thuyết pháp luật. Ở đây các đặc điểm pháp luật quan trọng nhất của quan hệ đó là pháp luật không chỉ đơn giản hướng đến việc bảo đảm các điều kiện cho sự hiện diện của nó mà còn đến sự tái sản xuất “mở rộng” chức năng xã hội của nhà nước. Vấn đề là rất rõ ràng. Tất nhiên đối với quá trình hình thành nhà nước xã hội thì cách tiếp cận đó vẫn chưa đủ. Pháp luật xã hội hay pháp luật trong lĩnh vực xã hội phải được giám sát, theo dõi. Ở đây không chỉ cần phải tiếp tục xây dựng các dịch vụ xã hội và các dịch vụ văn hoá xã hội mà còn phải giải thích ý nghĩa, hiệu quả, tính hữu ích, có lợi của các dịch vụ đó đối với các công dân. Xã hội và nhà nước tương quan với nhau theo nhiều định hướng, nhưng lĩnh vực xã hội có ý nghĩa đặc biệt. Trong bộ phận bảo vệ công dân về mặt xã hội, sự bảo đảm xã hội được xem xét trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Đương nhiên, theo lôgic đó, pháp luật xã hội phải là một nội dung quan trọng của chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam.

Các chương trình xã hội được thực hiện trong các cơ cấu quản trị thành công về mặt kinh tế. Các chương trình xã hội quốc gia, đương nhiên, đòi hỏi phải có các nguồn lực kinh tế. Các nguyên nhân sâu xa của những khó khăn trong việc hình thành nhà nước xã hội không phải nằm ở mức độ phát triển của nền kinh tế, ở sự mâu thuẫn của phát triển kinh tế và phát triển xã hội mà ở sự đối lập vĩnh hằng của các nguyên tắc tự do và bình đẳng. Không thể có sự hài hoà đầy đủ của các nguyên tắc đó về mặt thực tế. Điều kiện để thực hiện các nguyên tắc đó là sự hạn chế cân bằng tự do hoạt động kinh tế một cách nghiêm khắc (phần lớn phải là bằng các phương pháp kinh tế chứ không phải bằng các phương pháp hành chính) và mong muốn thường xuyên nâng cao trình độ cuộc sống của mọi người với nhận thức không thể đạt được sự bình đẳng thực tế tuyệt đối. Điều đó được giải thích bằng các phẩm chất cá nhân của mọi người - các khả năng, tài năng, tính sáng tạo, tình yêu lao động, trạng thái sức khoẻ và tâm lý của họ. Do đó, mục tiêu của nhà nước xã hội không phải là khắc phục, loại bỏ mà là “san bằng” sự bất bình đẳng, khắc phục sự khác biệt rất lớn về tài sản, đề cao quy chế xã hội của cá nhân để bảo đảm phẩm giá con người(1). Để thực hiện được các mục tiêu như vậy của nhà nước các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội cần phải thẩm định các văn bản pháp luật về các hậu quả xã hội của chúng đối với con người. Sự thẩm định đó có thể hỗ trợ cho việc san bằng các chênh lệch vật chất rất lớn hay ngược lại sáng tạo ra sự tiếp tục phân hoá vật chất. Cùng với thẩm định các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, điều đó trở thành điều bình thường đối với xây dựng pháp luật, có thể chuẩn đoán về các hậu quả xã hội của việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ tư, sự ràng buộc lẫn nhau và sự phụ thuộc lẫn nhau của xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật trên nền tảng các giá trị thống nhất, các phương châm và các định hướng mục tiêu; sự kết hợp chặt chẽ, hữu cơ các giá trị và các phương châm và các định hướng mục tiêu đó.

Đạo luật không thể chỉ là sự thể hiện lợi ích nhất thời, tạm thời, sự phản ứng trực tiếp đối với tình huống đã được hình thành. Bên cạnh và cùng với các đạo luật còn có cả các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Về mặt lý tưởng, đạo luật cần phải hướng đến để phát triển các quyền và các tự do, giao cho các nghĩa vụ, hỗ trợ sự phát triển phồn vinh của nhà nước và phục vụ lợi ích xã hội. Ở một nghĩa nhất định, đạo luật là phương tiện được lập luận về mặt khoa học và là phương tiện dự báo của việc đạt được tự do cá nhân và tự do chính trị dựa trên nền tảng cân bằng các quyền và các nghĩa vụ.

Tiếp đến, cần phải nói về các nguyên tắc của xây dựng pháp luật và của áp dụng pháp luật. Điều cơ bản, quan trọng nhất trong những vấn đề xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật là duy trì định hướng nhân đạo, tính khả thi về mặt hiện thực, tính hợp lý, tính được bảo đảm về tài chính, tổ chức, tính khoa học, tính không thể tách rời với các quan niệm đạo đức đã bám sâu trong các nguyên tắc, nền tảng xã hội. Các nền tảng giá trị của xây dựng pháp luật thể hiện các thành tựu tổng hợp của xã hội loài người trong việc mỗi người tìm được sự tôn trọng, phẩm giá, nhân phẩm, danh dự.

Áp dụng pháp luật cũng cần phải được dựa trên các quan điểm như vậy. Trong trường hợp ngược lại, đôi khi điều đó đã xảy ra, chúng ta có được đạo luật vì đạo luật, còn thực tiễn áp dụng pháp luật sẽ đi theo con đường của mình khi tuân theo các khuôn mẫu đã được hình thành. Trong những năm gần đây các nghiên cứu khoa học ở nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định nhờ có việc sử dụng phương pháp luận, cách tiếp cận dựa trên quyền, coi con người là giá trị tự đầy đủ, là trung tâm của phát triển. Hoàn toàn hiểu được rằng, xây dựng pháp luật, ý chí của người xây dựng pháp luật không thể thờ ơ đối với các giá trị đang tồn tại trong xã hội, trong ý thức, lưu chuyển các vùng bảo vệ giá trị ra khỏi sự bất công, hỗn loạn, mọi thứ đều được phép làm. Các hàng giá trị mà với sự trợ giúp của chúng định hướng cho người xây dựng pháp luật, được lấy ra từ các truyền thống văn hoá tinh thần của xã hội. Trong quan hệ đó, “trường phái lịch sử về pháp luật” đã thực hiện một bước nhảy quan trọng trong nhận thức, tư duy về pháp luật với tư cách là một bộ phận của văn hoá, tồn tại mang tính thuộc tính trong các cội nguồn văn hoá xã hội của xã hội. Tuy vậy, hiện nay các quyền tự nhiên được nhận thức một cách rộng lớn, ít nhất, ở mức độ lý luận, không tự động chuyển đến các quy phạm pháp luật và các điều luật của văn bản quy phạm pháp luật.

Ý chí của người xây dựng pháp luật cần phải thể hiện ý chí của phần lớn xã hội, và về mặt lý tưởng, thể hiện được ý chí của toàn xã hội. Ý chí đó phản ánh các giá trị tồn tại trong xã hội. Theo thực chất, các giá trị cơ bản, đã có được sự thể hiện về mặt pháp lý, đều có trong Hiến pháp của quốc gia này hay quốc gia khác, được phản ánh trong hệ tư tưởng pháp luật của nó, ngay cả không được ghi nhận đúng nguyên văn, nhưng tồn tại một cách thầm kín trong tinh thần của các đạo luật và xây dựng pháp luật.

Trong chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam các giá trị pháp luật cần phải được ghi nhận rõ ràng, thể hiện tối ưu trong xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật. Thứ nhất, các giá trị đó phải được tích hợp và được cũng cố, được thể hiện rõ ràng và ai cũng hiểu được. Thứ hai, các giá trị đó phải được toàn bộ xã hội thừa nhận (đó là vấn đề phức tạp nhất), bởi vì rõ ràng rằng, không phải tất cả công dân, khi tác động đến các thủ tục thành lập, đều hiểu biết tốt các mệnh lệnh của pháp luật tự nhiên và có thể ngay cả tất cả công dân không tán thành với chúng, bởi vì, cân nhắc các khác biệt có thể có, ví dụ, với các giá trị tôn giáo. Thứ ba, các giá trị đó hiện diện ở tất cả các trình độ xây dựng pháp luật, nhưng được thể hiện theo trật tự ưu tiên bắt buộc ở mức độ Hiến pháp, các luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác, có các cơ chế bảo vệ để duy trì và tái sản xuất trong trường hợp có sự tác động vận động hành lang loại trừ định hướng giá trị đã được thừa nhận về mặt xã hội đối với việc thông qua các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.

4. Các lĩnh vực pháp luật thể hiện sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước trong chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam

Pháp luật là một lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến lượt mình, pháp luật với tư cách là một hiện thực có các lĩnh vực tồn tại, các hoạt động, trong các lĩnh vực và hoạt động đó luôn luôn có sự hiện diện của nhà nước. Mặt khác, cá nhân tồn tại trong xã hội, có mối liên hệ, tương tác với nhà nước thông qua các lĩnh vực, các hoạt động nhất định liên quan đến cả cá nhân lẫn nhà nước. Trước hết, đó là các lĩnh vực xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, ý thức pháp luật. Chiến lược phát triển pháp luật không thể không bao quát các lĩnh vực, các hoạt động pháp luật đó. Do vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để các lĩnh vực đó tạo ra, thể hiện sự tương tác lẫn nhau tốt nhất của cá nhân và nhà nước.

Trong điều kiện hiện nay pháp luật cần phải đáp ứng ba luận điểm cơ bản chất đầy nội dung nhân đạo sau đây để bảo đảm sự tương tác tốt nhất của cá nhân và nhà nước.

Thứ nhất, tiến hành xây dựng pháp luật sáng suốt và dựa trên cơ sở khoa học, các nhu cầu phát triển của thực tiễn, xuất phát từ các nhu cầu, lợi ích hiện thực của những người sống bằng sự hy vọng được bảo hộ và bảo vệ bằng pháp luật và có khả năng tự bảo vệ bằng pháp luật khi dựa vào các đạo luật hiện hành.

Xây dựng pháp luật là một lĩnh vực, một hoạt động pháp luật, ở phương diện đang nói ở đây, thiết lập nên nền tảng pháp luật cho sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước. Hơn nữa, xây dựng pháp luật là một giá trị pháp luật, là một giá trị xã hội, bởi lẽ, nó phản ánh và đáp ứng các nhu cầu phát triển xã hội, nhu cầu, lợi ích của nhà nước, của cộng đồng, của cá nhân. Xây dựng pháp luật ghi nhận, thể hiện các giá trị xã hội, các nhu cầu, lợi ích hiện thực, làm gia tăng các giá trị xã hội, các nhu cầu, lợi ích hiện thực, tái sản xuất ra các giá trị xã hội, các nhu cầu, lợi ích hiện thực, trong đó có sự tương tác lẫn nhau của cá nhân và nhà nước. Muốn vậy xây dựng pháp luật phải sáng suốt và dựa trên cơ sở khoa học.

Xây dựng pháp luật sáng suốt và dựa trên cơ sở khoa học là xây dựng pháp luật không chỉ được tiến hành theo đúng các trình tự, thủ tục, giai đoạn do luật định, mà còn cân nhắc được tất cả các nhân tố xã hội có liên quan, sự biến đổi và các xu hướng biến đổi của các nhân tố đó, trong đó có các nhân tố phản ánh sự tương tác lẫn nhau của cá nhân và nhà nước. Các nhân tố xã hội không thể không thay đổi mà thường xuyên biến đổi, tác động và không thể không tác động đến tính chất và ở một chừng mực rất lớn tác động đến nội dung, quá trình xây dựng pháp luật. Nếu như xã hội và nhà nước mà đại diện là các cơ quan làm luật coi thường các nền tảng giá trị, nền tảng đạo đức của đạo luật, thì có thể nói rằng, đó là sự sụp đổ văn hoá, và trước hết, của văn hoá pháp luật hoặc sự không phát triển, không hoàn thiện của nó. Do đó, mọi nhà làm luật cần phải cân nhắc một cách đầy đủ nhất các nền tảng giá trị, các nhu cầu, lợi ích hiện thực của cá nhân, nhà nước và xã hội, các nguyên tắc đạo đức khi xây dựng mọi đạo luật. Các đạo luật, với tư cách là kết quả của hoạt động pháp luật như vậy, là chỗ dựa pháp luật vững chắc để mọi người cậy nhờ được bảo hộ, bảo vệ và bảo vệ mình trong mối quan hệ với nhà nước.

Thứ hai, áp dụng pháp luật một cách hiệu quả, phản ánh được sự thống nhất các giá trị, nhu cầu, lợi ích, nguyên tắc được thể hiện trong các đạo luật, hiện thực hoá cụ thể sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước.

Áp dụng pháp luật là một lĩnh vực, một hoạt động pháp luật, ở phương diện đang nói ở đây, hiện thực hoá cụ thể sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước trong các quan hệ xã hội cụ thể. Nếu như xây dựng pháp luật phản ánh và đáp ứng các nhu cầu phát triển xã hội, nhu cầu, lợi ích của nhà nước, của cộng đồng, của cá nhân, ghi nhận, thể hiện các giá trị xã hội, các nhu cầu, lợi ích hiện thực, làm gia tăng các giá trị xã hội, các nhu cầu, lợi ích hiện thực, tái sản xuất ra các giá trị xã hội, các nhu cầu, lợi ích hiện thực, thì áp dụng pháp luật là hiện thực hoá trong trường hợp cụ thể các nhu cầu, lợi ích, giá trị hiện thực của các chủ thể cụ thể, do vậy, cũng tham gia vào quá trình làm gia tăng, tái sản xuất ra các nhu cầu, lợi ích, giá trị hiện thực đó, trong đó có sự tương tác lẫn nhau - sự tương tác cụ thể lẫn nhau của cá nhân cụ thể và nhà nước. Do vậy, áp dụng pháp luật cũng như xây dựng pháp luật là một giá trị pháp luật, là một giá trị xã hội.

Áp dụng pháp luật một cách hiệu quả, phản ánh được sự thống nhất các giá trị, nhu cầu, lợi ích, nguyên tắc được thể hiện trong các đạo luật là hoạt động áp dụng pháp luật không chỉ biết tuân theo đúng các trình tự, thủ tục, giai đoạn nhất định mà còn là áp dụng pháp luật hiểu được một cách sâu sắc các tư tưởng, quan điểm, giá trị, nhu cầu, lợi ích làm nền tảng và ẩn sâu trong các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã được ban hành được áp dụng trong thực tiễn, hiểu được một cách nhân văn các giá trị, lợi ích của đối tượng áp dụng pháp luật. Chính áp dụng pháp luật là cụ thể hoá sự tương tác lẫn nhau của cá nhân cụ thể và nhà nước mà đại diện là cơ quan nhà nước nhất định.

Thứ ba, bảo đảm trình độ ý thức pháp luật cao, liên kết các nỗ lực của những nhà làm luật và những người áp dụng pháp luật vào một dây chuyền chỉnh thể thống nhất.

Rõ ràng là ở mỗi cá nhân có các quyền của mình phù hợp với quy chế và các đòi hỏi pháp lý của nó trong lĩnh vực pháp luật. Các quyền của một cá nhân có thể mâu thuẫn, mâu thuẫn với các quyền của người khác, để giải quyết mâu thuẫn đó có đạo luật, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật với tư cách là các bảo đảm và chỉ ra các phương thức giải quyết các xung đột, các tranh chấp pháp luật. Và điều khác cũng hoàn toàn rõ ràng là các quyền của cá nhân và các quyền của các cộng đồng cá nhân, các tập thể cũng có thể mâu thuẫn với nhau. Để giải quyết các tranh chấp về các quyền cần phải có hiểu biết pháp luật. Không thể giải quyết các vấn đề phức tạp đó ở bên ngoài ý thức pháp luật cao, ở bên ngoài hệ thống giáo dục pháp luật được thừa nhận về mặt xã hội.

Các chủ thể của pháp luật - đó không chỉ là những người đại diện của tổng thể các quyền và nghĩa vụ. Chủ thể của pháp luật dưới dạng các thể nhân là những người đại diện của loại hành vi pháp luật nhất định. Chính các công dân với tư cách là những người tham gia các quan hệ pháp luật có tiềm năng văn hoá xã hội, trình độ văn hoá nói chung, điều đó đòi hỏi phải có các hình thức thể hiện khác nhau các quy phạm pháp luật trong đời sống. Các quy phạm pháp luật được trung chuyển bằng hành vi, hành động và hoạt động của những người đại diện nó thích ứng càng cao và càng chặt chẽ với môi trường thể hiện của nó bao nhiêu thì nó sẽ được thực hiện tương ứng và hiệu quả bấy nhiêu.

Do đó, xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật và ý thức pháp luật quyết định lẫn nhau. Những người đại diện cho trình độ và nội dung văn hoá và ý thức pháp luật nhất định tiến hành xây dựng và áp dụng đạo luật (pháp luật), trong trường hợp thứ nhất, đó là những người xây dựng pháp luật, trong trường hợp thứ hai, đó là những người áp dụng pháp luật. Đó là nhóm những người phát triển pháp luật chiến lược. Nhưng những người tiến hành xây dựng và áp dụng pháp luật phải dựa trên nền kinh tế, các bảo đảm tài chính - vật chất, cán bộ, không được mâu thuẫn mà phải cân nhắc, hoà hợp với các nền tảng đạo đức của chính pháp luật. Trong khía cạnh như vậy, pháp luật là hiện tượng được quyết định về kinh tế và đạo đức. Nó cũng phụ thuộc vào cả chính trị, ý chí và các quyết định chính trị. Như hiện thực lịch sử và hiện thực đương đại Việt Nam cho thấy, chính trị thống trị đối với pháp luật.

Như vậy, chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam có thể và cần phải phản ánh toàn bộ các phương diện pháp lý riêng có, văn hoá, xã hội, đạo đức gắn liền với sự nhận thức, sự phát triển và sự tái sản xuất pháp luật.

4. Vai trò của tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo pháp luật và khoa học pháp lý trong chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam

Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, khắc phục chủ nghĩa coi thường (hư vô) pháp luật.

Trạng thái tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong xã hội, trước hết đó là thái độ của con người và xã hội đối với pháp luật. Điều đó nói lên rằng, con người, về mặt cá nhân và được tổ chức thành các cộng đồng, sử dụng pháp luật như thế nào, dựa vào pháp luật như thế nào để luận chứng các hành vi, hoạt động có ý nghĩa pháp lý của mình. Sự tái sản xuất ra hệ tư tưởng pháp luật được ủng hộ, khẳng định và phản ánh các quan niệm về pháp luật công bằng, đạo đức ở nước ta hiện nay không thể được tiến hành ở bên ngoài tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên và tái sản xuất ra sự nâng cao vai trò của pháp luật trong đời sống cá nhân và các cộng đồng của nó.

Ở đây chúng tôi muốn nói đến việc tiến hành chính sách pháp lý - nhà nước tương ứng trong lĩnh vực này. Hành vi và ý thức pháp luật không tách rời nhau mà gắn liền chặt chẽ với nhau. Khi tác động đến ý thức, pháp luật không chỉ thông qua các kênh được tổ chức mang tính chính thức, nhưng trước hết, bằng các biểu hiện của hiện thực pháp luật, bằng cách đó chúng ta có được hành vi nhất định - hành vi đó có thể là hợp pháp hoặc không hợp pháp. Khi tập trung và thực hiện các nỗ lực cần thiết trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bằng cách đó chúng ta có được điều cơ bản nhất: tái sản xuất ra hành vi hợp pháp, giảm thiểu các rủi ro pháp luật, tình hình tội phạm, giảm thiểu được xu hướng trái pháp luật trong hệ thống và trong khối lượng quan hệ xã hội cá nhân - xã hội - nhà nước nói chung. Ở đây, đương nhiên, có rất nhiều điều phức tạp, bởi vì, văn hoá chủ thể hình thành nên các định hướng hành vi của mình.

Cuối cùng, tất cả vấn đề phát triển cá nhân, phát triển các cộng đồng của họ được quyết định bởi một trong các điều kiện của sự tồn tại và phát triển nền văn minh là văn hoá. Chính văn hóa tạo ra nền tảng cho sự phát triển văn minh, chính nội dung và các hình thức biểu hiện của nó sản xuất ra văn hoá xây dựng pháp luật, văn hoá áp dụng pháp luật, văn hoá ứng xử, giao tiếp dựa vào pháp luật và văn hóa pháp luật nói chung. Toàn bộ kinh nghiệm của các nước, của toàn bộ xã hội loài người chỉ ra một cách rõ ràng và thuyết phục rằng, các hệ thống pháp luật quốc gia - dân tộc thành công, có hiệu lực, có hiệu quả cho đến ngày nay chỉ khi trong thực tại, trong hiện thực, toàn bộ xã hội và mỗi thành viên cụ thể của nó có trình độ văn hoá cao (đặc biệt văn hoá chính trị và văn hoá pháp luật). Nền văn hoá như vậy sẽ được thiết lập (có thể có được) nếu như trong xã hội, trong nhà nước xác lập, khẳng định được và chiến thắng, chẳng hạn, trật tự, kỷ cương, tính tổ chức, tính kỷ luật. Trật tự, kỷ cương, tính tổ chức, tính kỷ luật được thiết lập thông qua hệ thống áp dụng pháp luật, việc thường xuyên tuân thủ pháp luật, trong đó nhờ có trình độ văn hoá pháp luật và ý thức pháp luật cao. Ý thức pháp luật là kết quả và đồng thời là quá trình tái sản xuất thường xuyên quan hệ, thái độ của con người đối với pháp luật và các giá trị của nó.

Chúng tôi cho rằng, sự hình thành thái độ đối với pháp luật được dựa trên các xuất phát điểm công bằng, đạo đức và văn minh cần phải được tiến hành từ trong các trường phổ thông. Giáo dục pháp luật được tiếp tục thực hiện không ngừng và lúc đó sẽ hiệu quả. Nhưng giáo dục pháp luật với tư cách là một giá trị, tất nhiên, không cần phải thông qua các cấu trúc lý luận - phương pháp luận mà bắt đầu từ những năm đầu của trẻ em bằng cách giải thích các khả năng mà pháp luật đem lại. Không có sự tổ chức giáo dục pháp luật trong trường phổ thông, sau khi tốt nghiệp phổ thông, trong các trường đại học không chuyên luật thì không thể khắc phục được chủ nghĩa coi thường (hư vô) pháp luật. Đó là quá trình rất lâu dài, phức tạp, vất vả, nhưng cần thiết. Ở đây không nói đến các bài giảng về pháp luật mà nói về sự chiếm lĩnh pháp luật với tư cách là một bộ phận cần thiết, không thể thiếu của tồn tại xã hội.

Tất nhiên, đó chỉ là một bộ phận trong các giải pháp mà nhà nước cần phải thực hiện. Ở đây điều có ý nghĩa quan trọng là cần phải nhận thức và đánh giá vai trò và

Ý nghĩa của toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (luật pháp), hệ thống pháp luật nói chung đã được hình thành và đang ở giai đoạn được hình thành. Trong mọi trường hợp, hệ tư tưởng pháp luật không thể được hình thành ở bên ngoài hệ tư tưởng nhà nước - quốc gia mà chỉ được hình thành trong tổng thể với hệ tư tưởng nhà nước - quốc gia. Trong điều kiện hiện nay với việc cân nhắc các luận điểm của Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam và các nỗ lực to lớn mà xã hội chi phí để khắc phục chủ nghĩa coi thường pháp luật, lối tư duy cũ về pháp luật với tư cách là công cụ đàn áp, cưỡng chế, hạn chế, trừng phạt, hệ tư tưởng quốc gia như vậy chỉ có thể là thế giới quan hiến pháp, chủ nghĩa hiến pháp mà bản chất của nó thể hiện ở việc thừa nhận các quyền và tự do không thể bị tước đoạt của con người với tư cách là giá trị cao nhất và là nền tảng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, đào tạo pháp luật và khoa học pháp lý

Đào tạo pháp luật, khoa học pháp lý, giáo dục, tuyên truyền pháp luật gắn liền chặt chẽ với nhau. Điều quan trọng là phải có truyền thống văn hoá pháp luật dựa trên tính không thể thiếu được các quyền và tự do của cá nhân. Sự sản xuất ra hệ tư tưởng pháp luật, trước hết, diễn ra ở trình độ nghề nghiệp, do đó, hệ tư tưởng như vậy không thể được thực hiện ở bên ngoài hệ thống giáo dục, đào tạo. Cùng với nhà nước, xét về tất cả các phương diện, là chủ thể có nghĩa vụ hình thành nên hệ tư tưởng nhất định trong lĩnh vực pháp luật, các cơ sở đào tạo pháp luật và các trung tâm nghiên cứu pháp lý lớn cần phải và có thể trở thành chủ thể như vậy.

Chính việc đào tạo các nhà luật học có trình độ cao là một trong các điều kiện bảo đảm cho xây dựng và áp dụng pháp luật có hiệu quả. Các cơ sở đào tạo pháp luật và các trung tâm nghiên cứu pháp lý lớn, có uy tín ở nước ta phải là nơi tạo ra môi trường đặc biệt để hình thành nên thái độ tôn trọng pháp luật, sự thượng tôn pháp luật sản sinh ra tư duy pháp lý theo bản chất của nó - thái độ tôn trọng pháp luật, sự thượng tôn pháp luật và tư duy pháp lý đó được những người tốt nghiệp tái sản xuất ra trong hoạt động nghề nghiệp pháp lý của mình.

Lĩnh vực đào tạo pháp lý cần phải được hiện đại hoá, phù hợp với các tiêu chuẩn và các đòi hỏi quốc tế, đặc biệt phù hợp với các tiêu chuẩn và các đòi hỏi chung của châu Âu. Đồng thời, cần phải duy trì, phát huy kinh nghiệm tích cực đã tích luỹ được của chúng ta trong lĩnh vực này. Cần phải ủng hộ việc áp dụng các hệ phương pháp đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, mở rộng các khả năng đào tạo với việc sử dụng các công nghệ máy vi tính, đánh giá một cách khách quan tối đa các hiểu biết cả ở bộ phận lý luận lẫn ở bộ phận thực tiễn.

Cần hình dung một cách rõ ràng về các phẩm chất, các hiểu biết sâu sắc như thế nào của nhà luật học. Cần phải xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn đào tạo quốc gia theo hướng đề cao chất lượng đối với đào tạo luật học và quy định tiêu chuẩn đó. Đặc biệt quan trọng là tiêu chuẩn đó phải được quy định làm sao để người tốt nghiệp đại học pháp lý duy trì và phát triển được các phẩm chất cá nhân để tự phát triển. Muốn vậy cần phải tăng cường đào tạo cách tư duy nhận thức, tư duy giải quyết vấn đề cùng với đào tạo kiến thức, kỹ năng. Như thực tiễn cho thấy, các văn bản pháp luật có khả năng được sửa đổi, bổ sung rất nhanh, do vậy, cần phải có khả năng làm việc với nội dung được thay đổi của các đạo luật, với các tình tiết áp dụng chúng, với các điều kiện của cuộc sống nói chung. Đào tạo coi trọng năng lực tư duy, năng lực giải quyết vấn đề sẽ đem đến cho nhà luật học tương lai khả năng đó.

Các cơ sở khoa học của đào tạo pháp luật là nền tảng và đồng thời là điều kiện phát triển pháp luật có triển vọng. Ở đây có một số khía cạnh trong tổng thể tạo thành đặc điểm của khoa học pháp lý đương đại có ý nghĩa rất quan trọng. Về vấn đề này, chúng tôi muốn lưu ý rằng, vấn đề quan trọng nhất là đối tượng, chủ đề của các công bố cụ thể, của các tài liệu phân tích, các tranh luận. Chúng tôi đề cập đến vấn đề này, bởi vì, triển vọng phát triển pháp luật không thể được thực hiện ở bên ngoài khoa học pháp lý. Các quá trình biến đổi toàn cầu không thể không tác động đến tư tưởng pháp lý ở Việt Nam. Về mặt thực tế, trong một khoảng thời gian ngắn các thông số kinh tế về sự phát triển xã hội và cá nhân đã được thay đổi. Sở hữu tư nhân sáng tạo ra sự phát triển và có lẽ cần đề cao, ưu tiên pháp luật tư. Điều đó không làm giảm các nỗ lực của những người đại diện các ngành pháp luật công. Tuy vậy, không gian khoa học là thống nhất, dường như, nó được toàn cầu hoá, và trong các lĩnh vực khoa học các nghiên cứu trong lĩnh vực pháp luật tư cần được đẩy mạnh và đó là đòi hỏi cấp bách. Trước đây, khoa học pháp lý Việt Nam chúng ta không công nhận bất kỳ điều gì trong lĩnh vực pháp luật tư, các công bố khoa học hầu như chỉ về các lĩnh vực pháp luật công. Hiện nay cần phải tư duy lại các nghiên cứu khoa học pháp lý theo hướng quan tâm ngày càng nhiều hơn đến lĩnh vực pháp luật tư để phục vụ sự phát triển đất nước.

Các cải cách chính trị - pháp lý lớn đã diễn ra ở nước ta và đã được ghi nhận về mặt pháp lý, các mục tiêu và nhiệm vụ của pháp luật đã được thay đổi, các đổi mới thể chế quan trọng, cơ bản mang tính chất nhà nước đã và đang diễn ra. Tương ứng, vị trí của khoa học pháp lý trong hệ thống pháp luật, mức độ tác động của nó đến các quá trình xã hội cũng được thay đổi. Các nhà khoa học pháp lý tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình xây dựng pháp luật. Các tư duy mang tính quan niệm từng bước được đưa vào các dự án văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.

6. Kết luận

6.1. Có đầy đủ các cơ sở để cho rằng, vấn đề về chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam hiện nay là rất cấp thiết, nhưng ít được nghiên cứu ở nước ta. Trong sách báo khoa học ở nước ta thời gian qua phần lớn nói về đổi mới, cải cách pháp luật, hệ thống pháp luật, sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Hiện nay, chúng tôi cho rằng, một trong những nhiệm vụ cấp bách của khoa học pháp lý Việt Nam là nghiên cứu, luận chứng các thông số cơ bản của chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam, làm cơ sở cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược đó. Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam được thể hiện trong xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật với/trong vai trò to lớn và ngày càng gia tăng của ý thức pháp luật trong đời sống pháp luật đương đại. Việc thể hiện, thực hiện trong chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam các nền tảng, các quan điểm, tính chất, các đặc điểm của sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

6.2. Mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước là mối quan hệ trụ cột, cơ bản trong xã hội nói chung, thể hiện sự tương tác lẫn nhau giữa cá nhân và nhà nước. Sự tương tác lẫn nhau giữa cá nhân và nhà nước cần phải được thiết lập bằng phương thức pháp quyền, tức là bằng pháp luật, dựa vào pháp luật với tất cả những gì pháp luật có. Chiến lược phát triển pháp luật là phương thức pháp quyền, hiến định với tư cách là phương thức văn minh nhất để thể hiện, thiết lập sự tương tác hài hoà của cá nhân và nhà nước trong xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền.

6.3. Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam hiện nay cần phải đồng hành cùng với sự hình thành và tái sản xuất tương ứng các quan hệ tối ưu, được trật tự hoá, vững chắc, cần thiết lẫn nhau đối với cá nhân và nhà nước. Nhà nước pháp quyền dân chủ văn minh đương đại không thể vận động trên thực tế ở bên ngoài các nhu cầu và lợi ích của cá nhân, của việc thực hiện các quyền và các nghĩa vụ. Đồng thời, địa vị pháp lý của cá nhân, việc thực hiện các quyền của cá nhân trong sự thống nhất với các nghĩa vụ là không vững chắc nếu thiếu sứ mệnh tương ứng của nhà nước trong việc bảo đảm từ phía mình sự tương tác đồng bộ lẫn nhau trong cặp đôi cần thiết lẫn nhau.

6.4. Sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước cần phải dựa trên các nền tảng nhất định. Đó là các nền tảng: học thuyết pháp luật quốc gia, hệ tư tưởng quốc gia, hệ tư tưởng pháp luật quốc gia, sự thống nhất về mặt chính trị của cá nhân và nhà nước (sự thống nhất của đất nước, quốc gia, dân tộc, cộng đồng xã hội), sự thống nhất về mặt xã hội (sự đoàn kết, sự đồng thuận), trình độ văn hoá pháp luật và ý thức pháp luật cao, được đặc trưng bởi hệ thống trách nhiệm lẫn nhau của cá nhân, xã hội và nhà nước.

6.5. Sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước được thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng trong đó, trước hết và trên hết, trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, ý thức pháp luật. Trong các lĩnh vực đó, sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước có các đặc điểm, nội dung cụ thể của mình, nói về mức độ của sự tương tác đó.

6.6. Sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước cần phải tuân theo các nguyên tắc nhất định. Đó là các nguyên tắc: bảo đảm các tự do cá nhân và các tự do chính trị của cá nhân, khẳng định trong xã hội tinh thần chủ nghĩa hiến định, sự tôn trọng pháp luật, sự thượng tôn pháp luật, xác định vai trò và vị trí của pháp luật trong mối liên hệ với sự hình thành nhà nước pháp quyền xã hội, xã hội pháp quyền ở Việt Nam, sự ràng buộc lẫn nhau và sự phụ thuộc lẫn nhau của xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật trên nền tảng các giá trị thống nhất, các phương châm và các định hướng mục tiêu; sự kết hợp chặt chẽ, hữu cơ các giá trị và các phương châm và các định hướng mục tiêu đó.

6.7. Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam, theo nguyên tắc phát triển toàn diện, bao trùm, ngoài các lĩnh vực đã nói ở trên, cần phải bao gồm cả hai bộ phận cấu thành quan trọng khác là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo pháp luật và khoa học pháp lý. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo pháp luật và khoa học pháp lý đóng vai trò quan trọng trong nhận thức, xác lập, thực hiện sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước.

___________________________

Chú thích:

1. Lukasheva E. A. (2013), Quyền con người và nhà nước xã hội pháp quyền// Quyền con người và nhà nước xã hội pháp quyền ở Nga. Mátxcơva, tr.22 (bản tiếng Nga).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Võ Khánh Vinh (2020), Chính sách pháp luật: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

2. Võ Khánh Vinh (2003), Lợi ích xã hội và pháp luật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.

3. Võ Khánh Vinh “Về giá trị học pháp luật”, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 7/2014.

4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

5. Lukasheva E. A., Quyền con người và nhà nước xã hội pháp quyền// Quyền con người và nhà nước xã hội pháp quyền ở Nga. Mátxcơva, 2013 (bản tiếng Nga).

6. Từ điển Triết học đương đại/ chủ biên Giáo sư V.E. Kemerov, Mátxcơva, 2004 (bản tiếng Nga).

7. Chirkin V.G. “Quan niệm về quyền lực công của nhân dân trong thế kỷ XXI”, Tạp chí Những vấn đề của luật học, 2010, Số 1 (5) (bản tiếng Nga).

 

Nguồn: Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội,  Số 9-2021.

 

Các tin đã đưa ngày: