Chính sách văn hóa của Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo tồn di sản từ năm 1960 đến nay

Chính sách văn hóa của Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo tồn di sản từ năm 1960 đến nay

01/01/2022

Phan Thị Oanh1

 

Tóm tắt: Bảo tồn di sản văn hóa là một trong những vấn đề then chốt trong chính sách văn hóa của mỗi quốc gia, bởi di sản văn hóa được coi là yếu tố cấu thành đặc trưng của nền văn hóa, là cốt lõi của bản sắc dân tộc. Với bề dày lịch sử 5.000 năm, hiện Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á đi đầu và xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, bất chấp lịch sử đầy biến động. Bài viết phân tích, đánh giá các chính sách bảo tồn di sản văn hóa, thực trạng bảo tồn di sản văn hóa của Hàn Quốc và đưa ra một số liên hệ với Việt Nam trong công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Từ khóa: Bảo tồn, di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể

Summary: Preservation of cultural heritage is one of the key issues in each country's cultural policy, because cultural heritage is considered as a characteristic constituent of the culture, the core of the identity of the people. clan. With a history of 5,000 years, Korea is currently one of the leading Asian countries in the field of cultural heritage conservation despite its volatile history. The article analyzes and evaluates cultural heritage conservation policies, the current situation of Korea's cultural heritage conservation, and gives some implications with Vietnam in the conservation of national cultural heritage.

 

1. Bối cảnh của chính sách[1]

Hậu quả của 30 năm bị Nhật Bản đô hộ (1910-1945), tiếp đến là cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khốc liệt khiến cho Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề. Với tư tưởng biến đất nước thành một quốc gia hùng mạnh, Chính phủ Hàn Quốc đã tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của bối cảnh an ninh, chính trị thế giới thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai cùng chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp nặng, tái cấu trúc nền kinh tế và hiện đại hóa nhanh chóng, nền kinh tế của quốc gia này bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, giai đoạn 1973-1996, tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 11,2%, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nền kinh tế lớn của khu vực và thế giới, làm nên “Kỳ tích sông Hàn”.

Sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế làm tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người gia tăng, kinh tế hộ gia đình được cải thiện,... Hình thái xã hội của Hàn Quốc cũng thay đổi từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp điển hình với trung tâm là các ngành công nghiệp, dịch vụ và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, xã hội Hàn Quốc cũng nảy sinh những vấn đề lớn như sự biến động về ngành nghề, dân số, mâu thuẫn thế hệ, giai cấp, khu vực, sự bất bình đẳng trong giáo dục, hiện tượng li nông xảy ra mạnh mẽ dẫn đến việc lực lượng lao động nông nghiệp thiếu hụt, năng suất lao động trong ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng, gây áp lực về dân số, cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội cho các đô thị... Đặc biệt, sự già hóa dân số diễn ra nhanh chóng cũng kéo theo nhiều hệ lụy, tác động mạnh tới xã hội Hàn Quốc.

Đồng thời với quá trình phát triển đất nước là sự phương Tây hóa mạnh mẽ khiến nền văn hóa truyền thống của Hàn Quốc thay đổi nhanh chóng, các di sản văn hóa được hun đúc, gìn giữ qua mấy nghìn năm lịch sử bị phá hủy, mất mát, các loại hình nghệ thuật, nghi lễ cổ xưa, ngành nghề truyền thống cũng vì thế mà mai một dần. Tuy nhiên, với tư tưởng chấn hưng văn hóa truyền thống, phát triển văn hóa nhưng phải gìn giữ bản sắc dân tộc, mục tiêu chính sách văn hóa của Hàn Quốc qua các thời kỳ tổng thống đều tập trung vào việc xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc biệt là kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc dựa trên nguyên tắc cơ bản bảo tồn nguyên trạng, quản lý có hệ thống và sử dụng có hiệu quả. Nhờ đó mà Hàn Quốc trở thành nước thành công trong công cuộc kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

2. Quá trình triển khai chính sách bảo tồn di sản văn hóa của Hàn Quốc

2.1. Các giai đoạn triển khai chính sách

Các di sản văn hóa và hệ thống bảo vệ di sản văn hóa của Hàn Quốc bắt đầu phát triển và mở rộng vào những năm đầu thập niên 1960 sau khi Tổng thống Park Chung Hee lên nắm quyền. Đây là thời kỳ mà nền tảng chính sách về bảo tồn di sản văn hóa được xây dựng và triển khai tích cực tại Hàn Quốc. Quá trình xây dựng và triển khai các chính sách này có thể được chia thành các giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1960-1980:

Năm 1961, Cục Quản lý di sản văn hóa được thành lập với vai trò là một tổ chức chuyên trách về bảo vệ di sản văn hóa, tiếp đó là sự ra đời của Luật bảo vệ di sản văn hóa và Ủy ban di sản văn hóa là cơ quan tư vấn về học thuật và chuyên môn về bảo tồn di sản văn hóa vào năm 1962. Năm 1963 tiếp tục đánh dấu sự ra đời của Luật kế toán đặc biệt quản lý di sản văn hóa, quy định về tổ chức, tài chính, khuôn khổ pháp luật để quản lý và bảo tồn di sản văn hóa. Như vậy, có thể nói khung pháp lý và thể chế cho việc bảo vệ các di sản văn hóa của Hàn Quốc về cơ bản đã được xây dựng trong mấy năm đầu của thập niên 1960. Đặc biệt, lần đầu tiên, kể từ khi thành lập nước Đại Hàn Dân Quốc (1948), Kế hoạch 5 năm tôn tạo, tu bổ di sản văn hóa (1964-1968) được xúc tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nền tảng chính sách di sản văn hóa và là tiền đề cho các dự án bảo tồn nguyên trạng di sản văn hóa[2].

Sự chuyển đổi và phát triển mang tính lịch sử của ngành quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hàn Quốc bắt đầu vào thập niên 1970 với việc Cục Quản lý di sản văn hóa được mở rộng và tổ chức lại, số lượng di sản văn hóa được công nhận tăng nhanh, ngân sách nhà nước dành cho công tác bảo tồn di sản tăng hơn 10 lần so với những năm 1960. Điều này cho thấy sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của Hàn Quốc[3]. Bên cạnh đó, nhiều điều khoản trong Luật bảo tồn di sản văn hóa (1962) cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Xuất phát từ Kế hoạch 5 năm phát triển di sản văn hóa (1969-1974), trong Kế hoạch 5 năm phát triển văn hóa lần thứ nhất (1974-1978), chính quyền Park Chung Hee đã dành tới 63,1% ngân sách, tương đương 30,1 tỷ won cho di sản văn hóa[4]. Với mục tiêu vực dậy truyền thống văn hóa của dân tộc và làm cơ sở để nuôi dưỡng tinh thần của nhân dân, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục triển khai Dự án 3 năm tu bổ di sản văn hóa (1977-1979)[5].

- Giai đoạn 1981-2000:

Đây cũng là thời điểm đặt nền móng cho sự sáng tạo nên một nền văn hóa dân tộc mới thông qua việc trùng tu và bảo tồn nguyên trạng các di sản văn hóa được lưu truyền qua lịch sử lâu đời với Chính sách văn hóa mới (1982-1986) của chính quyền Chun Do Hwan. Biện pháp mang tính đột phá về bảo tồn di sản văn hóa của Chính phủ Hàn Quốc trong thời kỳ này là việc xây dựng và thi hành Luật bảo tồn công trình kiến trúc truyền thống năm 1985. Tại thời điểm đó, 767 công trình kiến trúc truyền thống nằm rải rác trên cả nước được điều tra, trong đó những công trình có giá trị bảo tồn cao đã được công nhận và bảo tồn theo luật định[6].

Tuy nhiên, từ giữa thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, cùng với sự thay đổi quan niệm về “văn hóa”, quan niệm về bảo tồn di sản có sự thay đổi, từ phương diện bảo tồn trọng tâm tài sản văn hóa đơn vị ở thời kỳ trước sang bảo tồn toàn diện, tức là không chỉ bảo tồn di tích hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ mà bảo tồn cả khu vực xung quanh, môi trường và cảnh quan của di sản văn hóa. Nhờ đó mà việc công nhận di sản văn hóa cũng được mở rộng tới cả khu vực di sản văn hóa phụ cận của đình chùa truyền thống, làng truyền thống, các công trình kiến trúc truyền thống[7] với mục đích bảo vệ môi trường, cảnh quan xung quanh di tích khỏi những tác hại của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Đây cũng là giai đoạn giao lưu quốc tế về di sản văn hóa của Hàn Quốc được thể thức hóa, điển hình là sự kiện tham gia Công ước quốc tế về di sản văn hóa (1988) sau khi nước này tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á năm 1986 và Thế vận hội Olympic Seoul năm 1988.

Bước vào thập niên 1990, chính trị bước vào thời kỳ ổn định, kinh tế tăng trưởng đời sống của người dân có nhiều thay đổi, kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu văn hóa. Sự thay đổi về nhận thức và hoạt động tự phát của người dân để bảo vệ và hưởng thụ di sản văn hóa cũng phát triển. Trước tình hình đó, Chính phủ Hàn Quốc chọn năm 1997 là “Năm di sản văn hóa”, đồng thời triển khai nhiều dự án đa dạng nhằm thúc đẩy sự tham gia của người dân vào công cuộc bảo tồn di sản văn hóa, thay đổi nhận thức của toàn dân đối với di sản văn hóa. Hiến chương di sản văn hóa ra đời năm 1997 như một bản trường ca tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ người dân Hàn Quốc về việc bảo vệ các di sản văn hóa do tổ tiên truyền lại. Trước thềm thiên niên kỷ mới với những thay đổi của môi trường văn hóa trong và ngoài nước, năm 1999, Cục Quản lý di sản văn hóa được nâng cấp lên thành Tổng cục Di sản văn hóa có nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch cơ bản về bảo tồn, quản lý và sử dụng di sản văn hóa, đồng thời thực thi chính sách bảo vệ di sản văn hóa một cách có hệ thống.

- Giai đoạn từ năm 2001 đến nay:

Năm 2001, để bảo vệ di sản văn hóa cận hiện đại[8] Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng hệ thống đăng ký di sản văn hóa và thúc đẩy sự đa dạng hóa phương pháp bảo vệ[9]. Ngoài ra, chính phủ đã thực thi nhiều chính sách khác nhau nhằm tích cực khám phá các giá trị nội tại của di sản văn hóa và tái tạo chúng dựa trên quan điểm hiện đại, làm cho chúng trở nên gần gũi với người dân, có sức sống bền bỉ và giữ một vị trí mới với tư cách là hạt nhân của tài nguyên du lịch văn hóa. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc đối với các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và di sản văn hóa thế giới thông qua các dự án bảo vệ sau khi di sản văn hóa số một quốc gia Sungnyemun (Sùng Lễ Môn), kiến trúc gỗ cổ có lịch sử 600 năm tại Seoul bị thiêu rụi năm 2008.

Có thể coi đây là giai đoạn phát triển vượt bậc, có hệ thống trong công tác quản lý, bảo tồn di sản của Hàn Quốc với sự ra đời của các bộ luật liên quan như Luật bảo tồn cố đô (2004), Luật quỹ bảo tồn di sản văn hóa (2009), Luật phát triển viện bảo tàng và bảo tàng nghệ thuật, Luật liên quan đến tu bổ tài sản văn hóa (2011), Luật di chỉ văn hóa (2011), Luật bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể (2015), các kế hoạch trung và dài hạn về bảo tồn, quản lý và sử dụng di sản văn hóa như Kế hoạch 10 năm cơ bản về di sản văn hóa (2002-2011), Kế hoạch 5 năm cơ bản về di sản văn hóa (2012-2016), Kế hoạch cơ bản về di sản văn hóa (2017-2021)...

2.2. Các chính sách theo lĩnh vực bảo tồn

 a) Bộ máy hành chính và ngân sách

Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc (tiền thân là Cục Quản lý di sản văn hóa) được thành lập năm 1961. Đây là cơ quan chuyên trách về bảo tồn các di sản văn hóa của Hàn Quốc, đảm nhận công tác bảo tồn di sản văn hóa và các hoạt động khác như quản lý, nghiên cứu, khai quật, trùng tu các di tích văn hóa, đồng thời thực hiện chức năng công nhận các di sản văn hóa cấp quốc gia[10]. Cơ quan trực thuộc Tổng cục Di sản văn hóa gồm Viện Nghiên cứu di sản văn hóa quốc gia, Bảo tàng cung điện quốc gia, Trường văn hóa truyền thống Hàn Quốc,... Chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý di sản văn hóa quốc gia, công nhận và quản lý di sản văn hóa cấp tỉnh, thành phố, chia sẻ gánh nặng ngân sách với chính phủ trong quản lý, bảo tồn di sản văn hóa.

Cùng với việc xây dựng hệ thống quản lý hành chính, nền tảng pháp luật về bảo tồn di sản văn hóa, Chính phủ Hàn Quốc cũng quan tâm đầu tư ngân sách cho công tác bảo tồn, quản lý di sản văn hóa và đã triển khai rất hiệu quả. Nguồn kinh phí đầu tư tăng dần theo từng năm và quy định rõ ràng tỷ lệ đầu tư giữa chính phủ, chính quyền địa phương thông qua cơ sở luật pháp. Các loại di sản cũng được phân loại để có những chính sách ưu tiên đầu tư. Nguồn ngân sách được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư bài bản, quy mô, ngân sách chi cho lĩnh vực này tăng lên hàng năm. Năm 1962, nguồn ngân sách chính phủ dành cho công tác bảo tồn di sản văn hóa vẻn vẹn chỉ có 100 triệu won, kể từ sau đó con số này đã tăng lên đáng kể: năm 1970 là 1,9 tỷ won, năm 1980 là 10,9 tỷ won, năm 1990 là 36,7 tỷ won, năm 1999 là 139 tỷ won, năm 2002 là 299,4 tỷ won, năm 2004 là 350 tỷ won, năm 2005 là 341,5 tỷ won[11], tuy nhiên tỷ lệ chi so với tổng chi ngân sách của chính phủ chỉ chiếm chưa đầy 1%/năm (năm 2000 là 0,29%, 2002 là 0,28%, năm 2004 là 0,29%, năm 2005 là 0,26%...)[12].

Trong những năm gần đây, ngân sách chi cho việc quản lý, bảo tồn di sản văn hóa ở Hàn Quốc được phân bổ cụ thể trong từng lĩnh vực như sau:

Bảng: Phân bổ ngân sách quản lý, bảo tồn di sản văn hóa ở Hàn Quốc theo lĩnh vực (2012-2016)

(Đơn vị: trăm triệu won)

TT

Nhiệm vụ chính sách

2012

2013

2014

2015

2016

Tổng

1

Bảo vệ môi trường văn hóa lịch sử di sản

1.339

1.539

1.738

2.054

2.385

9.029

2

Tăng cường khả năng quản lý và bảo tồn an toàn di sản

535

639

799

853

953

3.779

3

Hệ thống hóa tu bổ và bảo tồn di sản

1.842

2.091

2.176

2.258

2.390

10.757

4

Thông tin hóa lưu trữ hiện đại về di sản

81

142

246

277

317

1.063

5

Công nghiệp hóa và phát huy giá trị di sản

913

956

993

1.072

1.163

5.097

6

Tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo về di sản văn hóa

580

816

933

868

757

3.954

7

Thúc đẩy giao lưu quốc tế về di sản

78

185

167

171

222

823

8

Đăng ký và quản lý, bảo tồn di sản thế giới

715

767

769

797

798

3.846

Nguồn: Tổng Cục di sản văn hóa, Kế hoạch 5 năm cơ bản về di sản văn hóa (2012~2016)

 

Trong tổng ngân sách dành cho việc quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, ngân sách nhà nước là 62,1%, ngân sách chính quyền địa phương là 18,7% và trích từ quỹ bảo tồn di sản văn hóa 19,2%[13]. Theo quy định, đối với di sản văn hóa cấp nhà nước sẽ được hỗ trợ 70% kinh phí của dự án, còn di sản cấp tỉnh, thành phố nhà nước sẽ hỗ trợ 50% kinh phí[14], tuy nhiên tỷ lệ này không cố định mà tùy thuộc vào tình hình thực tế. Qua đây có thể thấy, bảo tồn di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách của Chính phủ Hàn Quốc. Tuy nhiên, qua thực trạng đầu tư hàng năm của Hàn Quốc, có thể thấy rằng thứ tự ưu tiên của chính phủ đối với lĩnh vực này chưa cao, ngân sách chi so với nhu cầu thực tế vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với nhận thức của chính phủ về vai trò của di sản trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

b) Lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Di sản văn hóa phi vật thể là các sản phẩm văn hóa như kịch, âm nhạc, múa, kỹ thuật thủ công..., có giá trị lớn về lịch sử, nghệ thuật, học thuật[15]. Những di sản văn hóa phi vật thể này được nhà nước hoặc chính quyền cấp tỉnh, thành phố công nhận, kế thừa và bảo tồn nhằm tiếp nối sức mạnh văn hóa dân tộc, kế thừa tính chính thống văn hóa và sáng tạo ra văn hóa dân tộc mới. Trải qua nhiều biến động của lịch sử dân tộc cùng những ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phương Tây hóa nhanh chóng, nền văn hóa, nghệ thuật truyền thống vốn là sự thể hiện cuộc sống truyền thống của người Hàn Quốc có nguy cơ bị biến mất hoặc mai một. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và truyền dạy về các di sản văn hóa phi vật thể ngày càng trở nên khó khăn do dân số nông thôn giảm sút, người truyền dạy già hóa, trong khi đó lớp trẻ kế cận không mặn mà với nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống của cha ông, nguồn ngân sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương còn hạn chế,... Trước thực trạng đó, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng nhiều chính sách để đối phó nhằm đảm bảo việc kế thừa, bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của quốc gia, nỗ lực phát huy các giá trị của nó góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thứ nhất, chỉ định di sản văn hóa phi vật thể quan trọng và công nhận chủ sở hữu đối với di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm cả chủ sở hữu đoàn thể. Việc này được thực hiện hàng năm sau khi Ủy ban di sản văn hóa hoàn tất khâu thẩm định. Cùng với việc công nhận các di sản văn hóa phi vật thể, Hàn Quốc cũng đưa ra những chính sách tôn vinh, đãi ngộ con người/chủ thể nắm giữ di sản, “linh hồn” của di sản. Ngay từ những năm đầu thập niên 1960, Chính phủ Hàn Quốc đã tôn vinh họ, những nghệ nhân dân gian là Báu vật nhân văn sống[16]. Đến nay, Hàn Quốc đã tôn vinh danh hiệu Báu vật nhân văn sống ở 144 hạng mục với 166 chủ sở hữu cá nhân, 67 sở hữu tập thể, 17 chủ sở hữu danh dự, 280 trợ giảng trên toàn quốc[17]. Tính đến cuối năm 2019, tổng số di sản văn hóa phi vật thể quan trọng được Chính phủ Hàn Quốc công nhận là 146 di sản và chính quyền địa phương công nhận 572 di sản[18], trong đó có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của thế giới như tế lễ Tông Miếu và nhạc tế lễ Tông Miếu, dân ca Arirang, hát kể chuyện Pansori, lễ hội tết Đoan ngọ vùng Gangneung, tế lễ Yeongsan,...

Thứ hai, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động truyền dạy đối với các di sản văn hóa phi vật thể quan trọng, hỗ trợ tổ chức các sự kiện công khai, các buổi biểu diễn ở nước ngoài hay ở những khu vực tách biệt về văn hóa, hỗ trợ kinh phí mua nguyên liệu thủ công mỹ nghệ, tổ chức triển lãm bán các tác phẩm của trợ giảng, học viên vừa kết thúc khóa học truyền dạy... Theo đó, hàng tháng chính phủ hỗ trợ cho chủ sở hữu cá nhân và chủ sở hữu đoàn thể, trợ giảng và học viên xuất sắc một khoản gọi là chi phí hỗ trợ truyền dạy. Ngoài ra, đối với chủ sở hữu di sản gặp khó khăn trong cuộc sống cũng được chính phủ hỗ trợ một khoản phí gọi là phí hỗ trợ đặc biệt hoặc hỗ trợ mua tác phẩm của chủ sở hữu.

Thứ ba, xây dựng các trung tâm đào tạo để mở rộng cơ sở truyền dạy về di sản văn hóa phi vật thể. Chủ trương này đã được Chính phủ Hàn Quốc thực hiện từ năm 1974, tính đến năm 2016 cả nước đã có 153 cơ sở được xây dựng và hoạt động[19]. Nguồn kinh phí đầu tư bao gồm ngân sách của chính phủ và ngân sách địa phương.

Thứ tư, triển khai các dự án sáng tác tư liệu lưu trữ di sản văn hóa phi vật thể bằng việc sản xuất phim, chụp ảnh và phát hành sách để bảo tồn và kế thừa nguyên trạng những kỹ năng, bí quyết của chủ sở hữu di sản văn hóa phi vật thể, cung cấp tư liệu cho nghiên cứu học thuật. Cơ quan nghiên cứu chịu trách nhiệm ghi chép các hoạt động công tác và kiểm tra giám sát sự thay đổi của từng di sản văn hóa phi vật thể. Mặt khác, còn có các cơ quan, tổ chức luôn theo sát nghệ nhân, chủ nhân của di sản văn hóa giúp họ thực hành, để họ thấy có trách nhiệm hơn với di sản mình đang nắm giữ[20].

Thứ năm, chính sách hỗ trợ phát triển di sản văn hóa phi vật thể trở thành nguồn tài nguyên du lịch văn hóa quan trọng, hữu hiệu nhất để quảng bá văn hóa truyền thống của đất nước, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Minh chứng cho sự đúng đắn của chính sách này có thể kể đến cách thực hiện của thành phố Incheon. Incheon là quê hương của nghề gốm truyền thống, đây cũng là nơi có nhiều nghệ nhân về gốm với nhiều cửa hàng gốm sứ nhất Hàn Quốc. Hàng năm, lễ hội gốm truyền thống Incheon được tổ chức vào tháng 6, thu hút nhiều nghệ nhân gốm sứ và khoảng sáu triệu du khách tham dự. Du khách được trực tiếp tham gia các hoạt động lễ hội như tìm hiểu về nghề gốm truyền thống của vùng Incheon, tham gia các hoạt động trải nghiệm làm gốm, thưởng trà cùng các nghệ nhân, tham gia các sự kiện khác như triển lãm về gốm, bán hàng và biểu diễn nghệ thuật... Đó chính là cách làm để di sản văn hóa phi vật thể sống trong đời sống xã hội một cách tích cực và bền vững rất đáng học hỏi của Hàn Quốc.

c) Lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa vật thể

Di sản văn hóa vật thể là các sản phẩm văn hóa vật thể như công trình kiến trúc, điển tịch, thư tịch, văn tự cổ, hội họa, điêu khắc, đồ thủ công mỹ nghệ... có giá trị lớn về mặt lịch sử, nghệ thuật, học thuật[21]. Theo quan điểm của Hàn Quốc, di sản văn hóa vật thể được chia làm hai loại: di sản kiến trúc (công trình kiến trúc) và di sản văn hóa có thể di chuyển được (điển tịch, thư tịch, văn tự cổ, hội họa...).

Trong nửa đầu thế kỷ XX, đất nước Hàn Quốc phải hứng chịu sự khốc liệt do những thăng trầm của lịch sử nên nền văn hóa rực rỡ mà tổ tiên người Hàn dày công xây dựng không còn nguyên vẹn, có lẽ vì lý do đó mà người dân Hàn Quốc có ý thức hơn trong việc bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa của đất nước. Bước vào những năm 1960, các hoạt động tu bổ và phục hồi các di sản văn hóa càng trở nên sôi động hơn. Cùng với việc tu bổ, bảo tồn các di sản văn hóa, Chính phủ Hàn Quốc cũng tập trung vào việc quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống. Sự nỗ lực trùng tu, bảo tồn di sản của chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã được đền đáp xứng đáng khi các di sản này lần lượt được UNESCO đưa vào danh sách các di sản văn hóa thế giới động Seokgu và chùa Bulguk (1995), miếu thờ Jongmyo (1995), pháo đài Hwaseong (1997), cung Changdeok (1997), khu di tích lịch sử cố đô Gyeongju và cụm di tích mộ đá ở huyện Gochang, Hwasun và Ganghwa (2000), khu lăng tẩm triều đại Joseon (2009), hai ngôi làng lịch sử Hahoe ở Andong và Yangdong ở Gyeongju (2010),... Điều đó có nghĩa là những di tích cổ của Hàn Quốc chứa đựng cả kho tàng trí tuệ của người Hàn xưa đã được công nhận như là báu vật của thế giới. Đến cuối năm 2019, toàn quốc có 2.530 di sản văn hóa vật thể được chính phủ công nhận là quốc bảo và bảo vật, 3.757 di sản vật thể được chính quyền địa phương công nhận là di sản văn hóa vật thể cấp tỉnh, thành phố[22].

- Về di sản kiến trúc

Di sản kiến trúc tại Hàn Quốc gồm di sản kiến trúc bằng gỗ và di sản kiến trúc bằng đá. Hiện tại, trong tổng số 1.927 di sản kiến trúc có 759 kiến trúc bằng gỗ và 1.168 di sản kiến trúc bằng đá đã được Chính phủ Hàn Quốc công nhận là bảo vật quốc gia và bảo vật[23]. Các di sản kiến trúc này vừa bị tàn phá, hư hỏng, xuống cấp trầm trọng do yếu tố lịch sử, vừa bị bào mòn, phong hóa bởi thời gian, những tác động của môi trường hay của con người... gây ra những khó khăn cho việc lưu giữ, bảo tồn. Để có được những thành quả trong bảo tồn di sản kiến trúc, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách cụ thể. Một là tiến hành các dự án tu bổ, tôn tạo duy trì nguyên trạng di sản kiến trúc. Các dự án này được thực hiện sau khi Tổng cục Di sản hoàn tất việc điều tra cơ bản và kiểm tra an toàn đối với bảo vật quốc gia và bảo vật trên toàn quốc, sau đó phân chia thứ tự ưu tiên tôn tạo, tu bổ thành các cấp từ A đến D theo mức độ quan trọng và cấp bách của di sản. Đồng thời, tiến hành điều tra toàn bộ đối với các kiến trúc truyền thống chưa được công nhận là di sản, định kỳ hàng năm thực hiện việc công nhận là di sản văn hóa và đưa ra đối sách bảo tồn phù hợp. Hai là thực thi chế độ đánh giá năng lực thi công đối với các doanh nghiệp chịu trách nhiệm với việc tu bổ di sản nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng công trình tôn tạo, tu bổ di sản và lựa chọn ra những doanh nghiệp xuất sắc. Bên cạnh đó, chính phủ cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, thợ thủ công làm công tác tu bổ, tôn tạo di sản. Hàng năm, chính phủ tổ chức kỳ thi và cấp chứng chỉ quốc gia cho kỹ thuật viên và thợ thủ công trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di sản văn hóa. Năm 2016, chính phủ đã cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia cho 1.794 kỹ thuật viên trong 6 loại ngành nghề và 8.157 thợ thủ công hoạt động trong 24 nghề[24].

- Về di sản văn hóa di chuyển được

Di sản văn hóa di chuyển được (Dongsanmunhwajae) là các di sản văn hóa có khả năng di chuyển được như điển tịch, văn tự cổ, hội họa, điêu khắc, đồ thủ công mỹ nghệ, tư liệu khảo cổ, dụng cụ dùng trong nghi lễ Gut... thuộc loại hình di sản văn hóa vật thể, có giá trị lịch sử, nghệ thuật. Những di sản văn hóa này gồm bảo vật quốc gia, bảo vật, tư liệu dân gian quan trọng; tư liệu di sản văn hóa do tỉnh, thành phố công nhận và di sản văn hóa di chuyển được hiện chưa được công nhận chính thức.

Trên thực tế số lượng di sản này được công nhận tăng nhanh theo thời gian cả ở cấp nhà nước lẫn cấp địa phương. Hiện việc bảo tồn, quản lý các di sản này tại các bảo tàng quốc lập, công lập và một số bảo tàng tư nhân đảm bảo độ an toàn cho di sản, tuy nhiên, do số lượng nhiều, nơi lưu giữ đa dạng, loại hình khác nhau, chất liệu khác nhau nên việc nắm bắt thực trạng quản lý loại hình di sản này gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh đó những di sản quý giá còn gặp nguy hiểm do nạn trộm cắp, hư hỏng. Chính phủ Hàn quốc đã xây dựng và triển khai một số chính sách nhằm mục tiêu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản này một cách khoa học, có hệ thống. Hàng năm, Tổng cục Di sản văn hóa tiến hành điều tra tổng thể đối với các di sản văn hóa có thể di chuyển được; phân loại dựa theo tính đa dạng, tính đặc thù của từng loại di sản, từng nguyên liệu cấu thành nên di sản; định kỳ hàng năm tiến hành công nhận là di sản văn hóa các cấp cần được bảo vệ, bảo tồn và tăng cường hỗ trợ công tác bảo trì, tu bổ.

Thực hiện mục tiêu bảo tồn vĩnh viễn đối với các di sản quan trọng có thể di chuyển được. Hàng năm kể từ năm 1987, Chính phủ Hàn Quốc triển khai dự án phát hành ấn phẩm ảnh, ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng hình ảnh kỹ thuật số và xây dựng dữ liệu hình ảnh 3D, kết nối internet với các di sản để người dân có thể truy cập tìm hiểu về di sản của dân tộc. Ngoài ra, chính phủ còn thực thi chính sách hỗ trợ lắp đặt hệ thống phòng chống trộm cắp tại các cơ sở lưu giữ di sản; hỗ trợ xây dựng phòng triển lãm di sản đối với nơi lưu trữ số lượng lớn, cho mượn két đối với cá nhân lưu giữ di sản; tăng cường công tác điều tra, phối hợp với các cơ quan tố tụng, công an các tỉnh, thành phố trấn áp tội phạm di sản văn hóa,... để ngăn chặn các hành động trộm cắp, xâm hại di loại hình di sản “di động” này.

3. Một số nhận xét và liên hệ với Việt Nam

Có thể nói rằng, Hàn Quốc là một trong những nước trên thế giới đi đầu và thành công trong công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, đảm bảo được ba mục tiêu chính của chính sách bảo tồn di sản là: bảo tồn nguyên trạng, quản lý có hệ thống và sử dụng có hiệu quả các di sản. Từ đầu thập niên 1960, chính phủ đã bắt tay vào xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý, bảo tồn cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ tài chính để bảo vệ các di sản. Luật bảo vệ di sản từ khi ban hành đến nay luôn được bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tiễn. Song song với luật bảo vệ di sản là rất nhiều luật chuyên biệt được chính phủ ban hành liên quan đến công tác bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị của di sản văn hóa nhằm đáp ứng linh hoạt với tình hình thực tế. Hàn Quốc cũng đã xây dựng một hệ thống các chính sách bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, vì vậy việc bảo vệ di sản và truyền dạy đã và đang phát huy được hiệu quả. Đây cũng chính là một trong những lý do chương trình thiết lập Hệ thống Báu vật nhân văn sống của Hàn Quốc đã được UNESCO nghiên cứu tham khảo trong nhiều thập kỷ trước khi có Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn quan tâm đến chính sách đào tạo nguồn nhân lực trong bảo tồn và quản lý di sản thông qua việc thành lập các viện nghiên cứu, trung tâm thực hành, trường đại học, trường dạy nghề trên cả nước. Tính đến năm 2019, Hàn Quốc có hơn 13 nghìn di sản văn hóa được công nhận ở các cấp, trong đó có tới 48 di sản được liệt kê là di sản thế giới hoặc di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hoặc đã được đưa vào Sổ đăng ký Ký ức thế giới của UNESCO. Với quan điểm về bảo tồn “lấy cái cũ làm nền tảng xây dựng cái mới”, “cách bảo tồn tốt nhất là sử dụng nó thường xuyên”, Hàn Quốc đã bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị giúp cho các di sản “chuyển mình” một cách có hiệu quả cao trong quảng bá văn hóa truyền thống, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế và đóng góp vào phát triển kinh tế nói chung, phát triển du lịch, dịch vụ nói riêng.

Tại Việt Nam, cho đến nay hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Chính phủ Việt Nam đã từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về bảo tồn với việc ban hành Luật di sản (năm 2001) và các quyết định có liên quan, tổ chức sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, còn huy động được sự tham gia của toàn xã hội vào hoạt động bảo tồn và phát huy di sản... Nhiều di tích lịch sử văn hóa đã được tu sửa, tôn tạo, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống không những được phục hồi mà còn phát triển mạnh mẽ. Nhiều lễ hội dân gian truyền thống được khôi phục và trở thành những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc tạo ra những hiệu quả trong hoạt động kinh doanh phát triển du lịch. Cho đến nay, trong số hàng chục nghìn di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh ở Việt Nam, đã có 24 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được UNESCO vinh danh là di sản thế giới.

Song song với những thành tựu đạt được cũng tồn tại nhiều hạn chế. Trong thời gian qua, tuy chính phủ đã có nhiều biện pháp khác nhau để gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử, công trình kiến trúc và cảnh quan có giá trị nhưng những chính sách và biện pháp này còn thiếu hệ thống. Nhiều di tích chưa khắc phục được những hậu quả do chiến tranh để lại, nhiều công trình đã và đang bị chiếm dụng trái phép, tình trạng xâm phạm tại nhiều di tích vẫn tồn tại trong một thời gian dài, tình trạng du lịch hỗn tạp nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa phát huy được giá trị của di sản với vai trò là tài nguyên du lịch. Đồng thời, những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường đã và đang tạo nên những vi phạm không nhỏ đến bản thân các di tích cùng môi trường cảnh quan của các di tích lịch sử và văn hóa[25]. Không ít di sản văn hóa phi vật thể đang mai một dần, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Trên cơ sở nghiên cứu chính sách bảo tồn, quản lý di sản văn hóa của Hàn Quốc, một trong những quốc gia châu Á đi đầu và xuất sắc trong lĩnh vực này, có thể đưa ra một vài liên hệ với Việt Nam. Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là luật chuyên biệt đối với một số loại hình di sản đặc biệt như di sản văn hóa phi vật thể, thống nhất tổ chức bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hai là, xây dựng chính sách công nhận, tôn vinh và đãi ngộ nghệ nhân - người nắm giữ nội dung di sản văn hóa phi vật thể. Họ chính là “linh hồn”, là “báu vật sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ba là, đầu tư hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa theo hình thức chính phủ, chính quyền địa phương cùng làm, thậm chí có thể huy động thêm nguồn lực từ nhân dân. Cơ chế phân phối kinh phí bảo tồn di sản văn hóa theo kiểu chia đều kinh phí bảo tồn cho mỗi địa phương, không phân biệt đâu là dự án trọng điểm hay hoàn cảnh đặc thù của mỗi di tích, di sản văn hóa, mặt khác còn dẫn đến tâm lý trông chờ vào kinh phí của nhà nước trong việc bảo tồn si sản, không phát huy được tính tích cực trong các cộng đồng.

*

*    *

Trải qua những biến động của lịch sử cùng quá trình phát triển đất nước nhanh chóng, sự thâm nhập sâu rộng của văn hóa phương Tây đã kéo theo nhiều hệ lụy cho nền văn hóa truyền thống của Hàn Quốc, nhiều di sản văn hóa bị mai một hoặc biến mất. Song, với sự nhận thức kịp thời cùng những chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn hợp lý của chính phủ, kho tàng di sản văn hóa của Hàn Quốc đã hồi sinh và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Mỗi di sản văn hóa đều được xác định là tài sản, là báu vật của quốc gia và địa phương, do đó, chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã và đang nỗ lực để bảo vệ, nâng cao nhận thức về giá trị của nó, đưa nó trở thành công cụ nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước như một phần của “Sáng kiến xây dựng thương hiệu quốc gia” và điều này được chứng minh qua thực tế. Do vậy, những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong công tác bảo tồn và quản lý di sản văn hóa sẽ giúp Việt Nam nghiên cứu, tham khảo để vận dụng vào thực tiễn thành công.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trương Quốc Bình (2016), “Bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 32, Số 1S (2016) 68-76.

2. Dawnhee Yim (2004), “Living Human Treasures and the Protection of Intangible Culture Heritage: Experiences and Challenges”, ICOM NEWS, No. 4, 2004.

3. Haksoon Yim (2002), “Cultural Identity and cultural policy in South Koera”, The International Journal of Cultural Policy, 2002 Vol. 8 (1), pp. 37–48.

4. 이현경․ 손오달․ 이나연 (2019), 문화재에서문화유산으로: 한국의문화재개념 및 역할에대한 역사적 고찰 및 비판, 문화정책 논총 제33집 3호 (Lee Hyeon Gyeong, Son Oh Dal, Lee Na Yeon, “Từ tài sản văn hóa đến di sản văn hóa: Nghiên cứu và phê bình lịch sử về khái niệm và vai trò của tài sản văn hóa Hàn Quốc”, Chuyên san chính sách văn hóa, tập 33, số 3).

5. 장지정,한동수 (2013) 박정희 대통령 재임시기의 문화정책과 문화재 정비에 관한 연구, 「대한건축학회 학술발표대회 논문집」, 제33집 2호, 225-226 (Jang Ji Jeong, Han Dong Soo, “Nghiên cứu về chính sách văn hóa và tu bổ di sản văn hóa thời kỳ đương nhiệm của Tổng thống Park Chung Hee”, Tập san hội nghị công bố học thuật của Hiệp hội kiến trúc Hàn Quốc).

6. 송인범(2009), 우리나라의 문화재 정책현황과 과제, 공주대학교 백제문화연구소, 백제문화 40권0호 (Song In Beom, Thực trạng và giải pháp về chính sách văn hóa Hàn Quốc, Viên Nghiên cứu văn hóa Baekje, Trường Đại học Quốc gia Kongju).

7. 김 창 규 (2010), 문화재정책 및 법제의 미래지향적 발전방향, 法과 政策硏究 第10輯 第2號 (Kim Chang Gyoo, “Chính sách di sản văn hóa và phương hướng phát triển trong tương lai của pháp chế”, Luật nghiên cứu chính sách số 10, bài số 2).

8. 도중필 (2009), 문화재정책개론, 민속원, 2009, 408면 (Do Joong Pil, Khái luận chính sách di sản văn hóa, Viện Dân tộc).

9. 문화정책백서 각년 (Sách trắng về chính sách văn hóa của Hàn Quốc qua các năm).

 


Ghi chú:

[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt nam

[2] 장지정,한동수 (2013) 박정희 대통령 재임시기의 문화정책과 문화재 정비에 관한 연구, 「대한건축학회 학술발표대회 논문집」, 제33집 2호, 225-226 (Jang Ji Jeong, Han Dong Soo, Nghiên cứu về chính sách văn hóa và tu bổ di sản văn hóa thời kỳ đương nhiệm của Tổng thống Park Chung Hee, Tập san hội nghị công bố học thuật của Hiệp hội kiến trúc Hàn Quốc).

[3] 송인범(2009), 우리나라의 문화재 정책현황과 과제, 공주대학교 백제문화연구소, 백제문화 40권0호 (Song In Beom, Thực trạng và giải pháp về chính sách văn hóa Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu văn hóa Baekje, Trường đại học quốc gia Kongju).

[4] Dẫn theo 오명석 (1998), 1960-70년대의 문화정책과 민족문화담론, 서울대학교 비교문화연구소, 비교문화연구 14 호 (1998) (Oh Myeong Seok, Tham luận văn hóa dân tộc và chính sách văn hóa giai đoạn 1960-1970, Viện Nghiên cứu văn hóa Đại học quốc gia Seoul).

[5] Jang Ji Jeong, Han Dong Soo, Tlđd.

[6] 김 창 규 (2010), 문화재정책 및 법제의 미래지향적 발전방향, 法과 政策硏究 第10輯 第2號 (Kim Chang Gyoo, “Chính sách di sản văn hóa và phương hướng phát triển trong tương lai của pháp chế”, Luật nghiên cứu chính sách số 10, bài số 2).

[7] 도중필 (2009), 문화재정책개론, 서울: 민속원, 2009, (Do Joong Pil, Khái luận chính sách di sản văn hóa, Nxb Minsokwon, Seoul).

[8] Sách trắng chính sách văn hóa Hàn Quốc năm 2001 cho rằng: “Di sản văn hóa cận, hiện đại là những bằng chứng về kinh tế, xã hội và văn hóa xuất phát từ quá trình hiện đại hóa đã hình thành nên bản sắc văn hóa của con người hiện đại”, tr. 339.

[9] Dẫn theo Kim Chang Gyoo, Tlđd.

[10] Dẫn theo 김창규 (2005), 문화재보호법개론, 개정증보판, 동방문화사, 52쪽 (Kim Chang Gyu, Khái luận về luật bảo vệ di sản văn hóa, Bản sửa đổi, Nxb Văn hóa Đông Phương).

[11] 문화재청 (2002), 문화재 보존관리 및 활용에 관한 기본기획, 문화재 중장기 비전 2002년-2011년 (Tổng Cục di sản văn hóa, Kế hoạch cơ bản về bảo tồn, quản lý và sử dụng di sản văn hóa, Tầm nhìn trung dài hạn di sản văn hóa năm 2002-2011).

[12] Kế hoạch cơ bản về bảo tồn, quản lý và sử dụng di sản văn hóa, Tầm nhìn trung dài hạn di sản văn hóa năm 2002-2011, Tlđd.

[13] 문화재청 (2012), 문화재 보존관리 및 활용 5개년 기본 계획 (Tổng cục Di sản văn hóa, Kế hoạch 5 năm cơ bản về di sản văn hóa (2012~2016)).

[14] Kế hoạch cơ bản về bảo tồn, quản lý và sử dụng di sản văn hóa, Tầm nhìn trung dài hạn di sản văn hóa năm 2002-2011, Tlđd.

[15] Điều 2 Luật bảo vệ di sản văn hóa của Hàn Quốc bản tiếng Hàn, sửa đổi năm 2018.

[16] Khái niệm này được sử dụng ở Hàn Quốc từ năm 1963 do Lee Yong, phóng viên mảng văn hóa thời báo Hankook Ilbo đưa ra. Năm 1989, khái niệm này mới được UNESCO đưa ra trong Khuyến nghị về việc bảo vệ văn hóa cổ truyền và văn hóa dân gian được thông qua tại kỳ họp của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 25 ở Paris vào ngày 15/11/1989.

[17] 문화재청, 국가무형문화재 현황 (2019.6.30) (Tổng Cục di sản văn hóa, Thực trạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tính đến ngày 30/6/2019), https://www.cha. go.kr/cop/bbs/selectBoardArticle.do.

[18] 문화재청, 지정문화재총괄(표) (Tổng Cục di sản, Bảng tổng hợp các di sản văn hóa được chỉ định), https://www.cha.go.kr/html/HtmlPage.do?pg=/cultural_info/cultureTotal_ccrebasi_kor.jsp&mn=NS_03_07_03.

[19] 문화재청, 무형문화재과 (2017), 무형무화재 보전 및 진흥 기본계획 (Tổng Cục di sản, Cục Di sản văn hóa phi vật thể, Kế hoạch cơ bản về bảo tồn và chấn hưng di sản văn hóa phi vật thể).

[21] Điều 2 Luật bảo vệ di sản văn hóa của Hàn Quốc bản tiếng Hàn, sửa đổi năm 2018.

[22] 문화재청, 지정문화재총괄(표) (Tổng cục Di sản văn hóa, Bảng tổng hợp các di sản văn hóa được chỉ định), https://www.cha.go.kr/html/HtmlPage.do?pg=/cultural_info/cultureTotal_ccrebasi_kor.jsp&mn=NS_03_07_03.

[23] 문화재청 (2002), 문화재 보존관리 및 활용에 관한 기본 계획, 2002-2011(Tổng cục Di sản văn hóa, Kế hoạch cơ bản về bảo tồn, quản lý và sử dụng di sản văn hóa năm 2002-2011).

[24] 문화재청 (2016), 문화재수리기술자·수리기능자 현황 (Tổng cục Di sản văn hóa, Thực trạng kỹ thuật viên và thợ thủ công trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di sản văn hóa).

[25] Trương Quốc Bình (2016), “Bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 32, Số 1S (2016) 68-76.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11 năm 2020.

 

Các tin đã đưa ngày: