|
Công tác thu gom rác trên sông do đoàn TN CSHCM thực hiện đang được nhân rộng trên hầu hết các địa bàn nhằm góp phần làm sạch và lưu thông dòng chảy |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn chia sẻ: Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ rất nhanh. Ngoài các nguyên nhân do tự nhiên thì các hoạt động của con người chính là một trong những tác nhân trực tiếp có ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của tự nhiên. Trong bối cảnh hiện tại, các dự án phát triển kinh tế - xã hội đã xâm hại đến hàng loạt diện tích rừng và lớp phủ tự nhiên khiến cho mật độ bao phủ của rừng ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mất chức năng bảo vệ. Đây chính là nguyên nhân gây nên các hiện tượng thiên tai và thời tiết cực đoan ngày một gia tăng, nhất là ở khu vực đầu nguồn, các trận lụt lớn xảy ra ở miền Trung là một ví dụ.
Trên thực tế cho thấy, nếu không có những nghiên cứu thực chứng, cung cấp cơ sở lý luận cho những chính sách về quy hoạch, các kế hoạch phát triển sẽ bị “lệch tâm”, điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ chúng ta sẽ phải hứng chịu hậu quả khôn lường do mất đi sự cân bằng giữa mối quan hệ con người và tự nhiên. Đặc biệt là đối với những nước đang phát triển, kinh tế dựa vào tài nguyên như ở Việt Nam thì điều này càng cần phải đặc biệt chú trọng.
|
Các phương tiện giao thông đang là "thủ phạm" gây ra phát thải nhiên liệu lớn nhất, ảnh hưởng tới chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung |
Hiện trạng giảm chất lượng không khí ở các đô thị, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang là “vấn nạn” xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Sự gia tăng các nguồn ô nhiễm trong không khí, khiến cho chất lượng không khí vượt ngưỡng cho phép đã ảnh hưởng lớn đến đời sống con người luôn được cảnh báo trong các bảng tin thời tiết trong thời gian gần đây. Theo một số báo cáo được ghi nhận, chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; tỷ lệ chôn lấp chiếm hơn 70%, chủ yếu là không hợp vệ sinh; vẫn còn gần 36,5% chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn chưa được thu gom, xử lý có ảnh hưởng vô cùng lớn tới môi trường. Theo PGS. TS. Lưu Thế Anh (Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên nhân gây suy thoái môi trường ở nước ta thời gian qua, trước hết là do quy mô nền kinh tế và dân số nước ta ngày càng tăng, mức độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày càng cao; khai thác tài nguyên thiên nhiên ồ ạt và thiếu kiểm soát, phát sinh nhiều nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng tăng về thành phần và khối lượng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý chất thải còn thiếu và không được đầu tư đồng bộ, dẫn đến các áp lực lên môi trường ngày càng cao, tác động xấu đến chất lượng môi trường, nhất là dẫn đến suy thoái các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Khảo sát thực tế từ các nghiên cứu về môi trường và phát triển bền vững cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta còn chồng chéo, nhiều vấn đề bất cập còn tồn tại nảy sinh trong quá trình thực thi chính sách; các công cụ quản lý môi trường chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả; cách tiếp cận và công cụ quản lý mới chưa được thể chế hóa kịp thời và không theo kịp với những diễn biến nhanh của các vấn đề về môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Một thực tế nổi lên được các nghiên cứu chỉ rõ là mô hình tổ chức cơ quan quản lý về môi trường từ trung ương đến địa phương còn bất cập và hạn chế về năng lực (đặc biệt là cấp cơ sở), chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý đối với một số lĩnh vực lớn, phức tạp, nhạy cảm đang gia tăng. Nguồn tài chính đầu tư cho bảo vệ môi trường từ ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp còn eo hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu cơ chế đột phá để huy động nguồn tài chính cho công tác này.
|
Chất thải công nghiệp chưa được xử lý thải ra trực tiếp trên sông cũng đang là bài toán làm đau đầu các nhà quản lý |
Bên cạnh đề cao việc thực hiện các nghiên cứu trọng điểm, TS. Nguyễn Song Tùng cũng cho rằng: Nếu không có sự đầu tư đúng đắn trong công tác nghiên cứu nhằm đề xuất giải pháp phục hồi hệ sinh thái và thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học của Việt Nam cũng như tăng cường tuyên truyền, phổ biến để toàn dân hiểu được vai trò, ý nghĩa của việc giữ gìn, phục hồi các hệ sinh thái và đa dạng dạng sinh học thì không thể nâng cao nhận thức và ý thức tự giác trong công tác bảo vệ môi trường nhất là ở các địa phương... Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường; Cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, đưa các nội dung về tài nguyên môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; ưu tiên xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện cụ thể của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn… nhằm giảm thiểu các nguy cơ tác động của các hoạt động phát triển đến thiên nhiên và môi trường, góp phần xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Phạm Vĩnh Hà