Tóm tắt: Tháng 3/2020, làn sóng Covid-19 lần đầu xuất hiện tại Vương quốc Anh và gây tác động nặng nề đến nền kinh tế đất nước. Thị trường lao động là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi sự suy thoái của nền kinh tế. Trong bối cảnh toàn quốc bị “phong tỏa ”, nhiều lao động phải chịu cảnh mất việc hoặc nghỉ việc tạm thời hoặc giảm số giờ làm việc, đồng thời với việc giảm lương của người lao động. Để ứng phó với tình hình mới, Chính phủ Anh đã công bố một chương trình hỗ trợ chưa từng có dành cho người lao động - Kế hoạch duy trì việc làm trong thời kì Coronavirus (CJRS), đồng thời cung cấp các khoản vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa biết kế hoạch này sẽ đem lại hiệu quả hay không khi mà dịch Covid-19 vẫn cứ kéo dài và chính phủ không thể cứ hỗ trợ mãi.
Từ khóa: Covid-19, Anh, thị trường lao động
Abstract: In March 2020, the Covid-19 wave appeared for the first time in the UK and caused a heavy impact on the country's economy. The labor market is one of the sectors most strongly affected by the recession of the economy. n the national "blockade" context, many workers suffer from job loss or temporary leave or reduction of working hours, at the same time with the reduction of workers' wages. In response to the new situation, the UK government announced an unprecedented worker assistance program - the Coronavirus-era Employment Maintenance Plan (CJSS), which also provided loans and subsidies for businesses. However, it is not known whether this plan will be effective or not as the Covid-19 translation continues and cannot be supported forever by the government.
Keywords: Covid-19, United Kingdom, labour market
1. Thị trường lao động Anh trong bối cảnh Covid-19
Covid-19 ngay từ khi xuất hiện, đã gây ra một cú sốc tới nền kinh tế Vương quốc Anh. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Anh đã ban hành lệnh “phong tỏa” toàn quốc khiến cho nhiều doanh nghiệp, cửa hàng không thiết yếu phải tạm thời ngưng hoạt động, kéo theo việc suy giảm nhu cầu mua sắm và dịch vụ của người dân.
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), trong các tuần từ ngày 6 - 19 tháng 4 năm 2020, 23% doanh nghiệp Anh đã tạm thời đóng cửa hoặc tạm ngừng giao dịch, với khoảng 60% doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh báo cáo doanh thu giảm. Để bù đắp cho sự sụt giảm về doanh thu, các doanh nghiệp Anh buộc phải sa thải nhân viên hoặc cho nghỉ việc tạm thời. Ước tính, trong thời gian ngừng hoạt động, có khoảng 7,6 triệu việc làm gặp rủi ro - tức là sa thải vĩnh viễn, giảm lương tạm thời, giảm giờ làm và lương[1].
Việc làm
Theo các số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), Từ tháng 3 đến tháng 9/2020, đã có 673.000 người lao động bị cắt giảm việc làm, và mức tăng lớn chưa từng có các đơn xin thất nghiệp là 1,5 triệu người, tương đương với mức tăng 115% chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2020[2]. Cùng với đó, số lượng vị trí tuyển dụng giảm kỷ lục trong gia đoạn tháng 4-6/2020 so với thời điểm tháng 3-5/2020, từ 476.000 vị trí xuống còn 343.000. Sang tháng 7/2020, khi tình hình Covid-19 có dấu hiệu dịu lại, số lượng vị trí tuyển dụng dần tăng trở lại: quý III đã tăng 144.000 vị trí so với quý trước đó. Mặc dù vậy, số lượng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đã ghi nhận trước đại dịch. Tính trung bình trong quý III, cứ mỗi vị trí việc làm lại có 3,3 người thất nghiệp, tăng từ 1,7 người thất nghiệp trên mỗi vị trí tuyển dụng trong quý I.
Các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 là những ngành mà có số lao động bị sa thải nhiều nhất, có thể kể đến: ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn có tới 300.000 người phải nghỉ việc; lĩnh vực bán lẻ cũng phải cắt giảm 160.000 lao động kể từ khi bắt đầu đại dịch... Covid-19 cũng gây ra những ảnh hưởng khác nhau lên các nhóm tuổi cụ thể. Kể từ khi bắt đầu đại dịch tới nay, mức độ việc làm của những người từ 16-24 tuổi và 65+ đã giảm 343.000 người, tương đương với 7%. Trong khi đó, mức độ việc làm của những người trong độ tuổi 25-64 cũng giảm, nhưng ít hơn nhiều ở mức 140.000, tương đương 0,5%. Tỉ lệ thất nghiệp đặc biệt tăng mạnh trong nhóm 18-24 tuổi trong tháng 9/2020 - lên mức 20% (tương đương với khoảng 750.000 người) khi so với mức 10% thời điểm tháng 2/2020[3].
Hình 1. Tỷ lệ thất nghiệp theo nhóm tuổi ở Anh
Nguồn: Mike Brewer, Nye Cominetti, Kathleen Henehan, Charlie McCurdy, Rukmen Sehmi & Hannah Slaughter, 10/2020.
Số giờ làm việc
Ngoài những thay đổi về việc làm, cuộc khủng hoảng cho đến nay đã ảnh hưởng đáng kể đến số giờ làm việc của người lao động. Trong giai đoạn tháng 4-6/2020, tổng số giờ làm việc của người lao động đã giảm xuống còn 842 triệu giờ, mức thấp nhất kể từ năm 1994. Không có gì đáng ngạc nhiên khi số giờ làm việc giảm đột ngột, chủ yếu là do sự gia tăng số lao động tạm thời nghỉ việc được trả lương (furlough). Mức tăng này rất mạnh và gần như ngay sau thông báo “phong tỏa”, số lao động tạm thời nghỉ việc đã tăng gấp 3 lần, lên mức 7,7 triệu người so với trước thời điểm “phong tỏa”.
Số giờ làm việc của tất cả các nhóm tuổi đều giảm đáng kể, tuy nhiên, lao động trẻ tuổi có tỉ lệ phần trăm giảm thấp hơn đáng kể (27,6%) so với lao động lớn tuổi. Mặt khác, tác động tới lao động nam và lao động nữ cũng có nhiều khác biệt đáng kể khi số giờ làm việc của phụ nữ giảm trung bình 1,4 giờ - thấp hơn so với lao động nam.
Với việc nới lỏng quy định hạn chế đi lại vào tháng 6 và tháng 7 và những thay đổi đối với kế hoạch làm việc, số giờ làm việc trong tháng 6^8/2020 tăng so với quý trước. Đặc biệt là khi so với giai đoạn tháng 3-5/2020, tổng số giờ làm việc thực tế hàng tuần ở Anh đã tăng kỷ lục 20 triệu giờ, tương đương 2,3%, lên 891,0 triệu giờ. Sự gia tăng tổng số giờ làm việc thực tế hàng tuần trong quý chủ yếu là do sự gia tăng tổng số giờ làm việc của nam giới (tăng 17,2 triệu giờ)[4].
Tiền lương
Từ tháng 8 đến tháng 10/2020, tốc độ tăng trưởng tiền lương hàng năm là 2,7% đối với tổng tiền lương và 2,8% đối với mức lương cố định. Tỉ lệ tăng trưởng tổng tiền lương và mức lương cố định là 2,9% trong giai đoạn từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020 - ngay trước khi có bất kỳ tác động nào từ đại dịch coronavirus; sau đó giảm mạnh trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6/2020 xuống -1,3% cho tổng lương và - 0,1% cho lương cố định trước khi tăng trở lại vào giữa tháng 7 và tháng 10/2020. Theo điều kiện thực tế, tổng lương hiện đang tăng với tốc độ nhanh hơn lạm phát, ở mức dương 1,9% và tăng trưởng lương thường xuyên theo thực tế cũng dương, ở mức 2,1%.
Từ tháng 8 đến tháng 10/2019 và tháng 8 đến tháng 10/2020, tăng trưởng lương trung bình thay đổi theo khu vực ngành. Lĩnh vực tài chính và dịch vụ kinh doanh có mức tăng trưởng tổng lương ước tính cao nhất, ở mức 4,6%. Lĩnh vực xây dựng tăng trưởng âm, ước tính âm 2,2%. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, khách sạn và nhà hàng, ước tính tăng trưởng dương 1,6% và sản xuất, ước tính 0,3%[5].
2. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 có tác động sâu sắc đến toàn bộ lao động trên thị trường lao động Anh. Trong giai đoạn này, cụm từ được nhắc đến nhiều nhất chính là “furlough” - nghĩa là “nghỉ việc tạm thời”. Ước tính có tới 70% số lao động Anh phải nghỉ việc tạm thời hoặc nghỉ việc luân phiên từ khi Chính phủ Anh ban bố lệnh “đóng cửa” đầu tiên. Thế nhưng, có vẻ như nghỉ việc tạm thời vẫn còn là điều may mắn, bởi có rất nhiều lao động đã bị mất việc, mất thu nhập và gặp khó khăn trong công cuộc tìm kiếm công việc mới. Phần lớn đây là những đối tượng dễ tổn thương trong xã hội bao gồm: cộng đồng dân tộc thiểu số, người da màu, phụ nữ, lao động trẻ và lao động lớn tuổi.
Lao động thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số (BAME)
Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19, hay còn gọi là “các ngành ngừng hoạt động” có tỉ lệ lao động thuộc nhóm dân tộc thiểu số cao hơn mức trung bình. Theo khảo sát của tổ chức Resolution, 58% lao động thuộc nhóm BAME đã bị ảnh hưởng về việc làm kể từ khi đại dịch bắt đầu, so với 47% lao động da trắng. Trong số đó, những người gốc Bangladesh bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có tới 80% phải thay đổi hoàn cảnh việc làm của họ. Ngoài ra, 63% lao động châu Phi da đen hoặc người Anh da đen, 58% lao động gốc Pakistan, và 55% công dân Ân Độ sống tại Vương quốc Anh cũng chịu tác động bởi Covid-19[6]. Mặt khác, những lao động trưởng thành gốc Phi cũng thường xuyên là đối tượng bị giảm giờ làm việc, giảm thu nhập và ít có khả năng được nghỉ việc tạm thời hơn so với các lao động da trắng.
Nhóm lao động nữ
Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, lao động nữ là những đối tượng dễ chịu tác động hơn so với nam giới, bởi phần lớn lao động nữ ở Anh làm việc trong các ngành nghề phải tạm dừng hoạt động do lệnh phong tỏa (như khách sạn, bán lẻ...). Theo báo cáo của Hạ viện Anh, tỉ lệ lao động nữ làm việc trong các lĩnh vực hiện đã ngừng hoạt động cao hơn khoảng 1/3 so với nam giới. Đồng thời, các bà mẹ có nguy cơ bị mất việc cao hơn 1,5 lần so với các ông bố và cũng có nhiều khả năng phải nghỉ việc tạm thời hơn kể từ khi lệnh “phong tỏa” bắt đầu được ban bố[7].
Cũng cần phải nói rằng những công việc cho phép phụ nữ làm việc tạm thời tại Anh đa phần là thuộc những lĩnh vực mà phụ nữ chiếm ưu thế, ví dụ như lĩnh vực giáo dục - các giáo viên có thể giảng dạy trực tuyến khi mà trẻ em nước Anh phải nghỉ học trong thời kì “phong tỏa”. Trong khi đó, những công việc mà đàn ông chiếm ưu thế như xây dựng, sửa chữa, sản xuất. lại là những công việc không thể làm việc tại nhà. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi mà có khoảng 29% nam giới nhưng chỉ 11% phụ nữ đang làm những công việc không thể làm được tại nhà, ngay cả khi công việc đó không thuộc diện trực tiếp chịu lệnh “phong tỏa”[8].
Lao động trẻ và lao động lớn tuổi
Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, lao động trẻ và lao động lớn tuổi cũng phải chịu nhiều áp lực về việc làm và tiền lương, đặc biệt là những người có độ tuổi trẻ nhất của lực lượng lao động. Các số liệu từ tháng 5 đến tháng 7/2020 cho thấy tỉ lệ việc làm cho thanh niên từ 18 đến 24 tuổi giảm nhiều nhất trong bất kỳ quý nào được ghi nhận, với mức giảm 146.000 người so với ba tháng trước đó. Mặt khác, thanh niên từ 16 đến 24 tuổi có tỉ lệ việc làm giảm 156.000 xuống còn 3,63 triệu so với quý trước[9]. Một phần lý do của tác động không cân đối đối với lao động trẻ là do sự phân bố tuổi tác không đồng đều trong các lĩnh vực khác nhau. Khảo sát Lực lượng Lao động của Viện Nghiên cứu Thuế cho thấy rằng, trong số những lao động trong các lĩnh vực ngừng hoạt động (đặc biệt là trong các ngành bán lẻ, sửa chữa ô tô, dịch vụ lưu trú và ăn uống...), gần một nửa dưới 35 tuổi. Đồng thời, số lao động dưới 25 tuổi làm việc trong lĩnh vực hiện đã ngừng hoạt động cao hơn khoảng 2,5 lần so với các lao động khác[10].
Trong khi đó, theo cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Thuế của Anh, gần 1/4 lao động trong độ tuổi từ 54 trở lên, những người đang làm việc trước cuộc khủng hoảng, đã phải tạm thời nghỉ việc trong giai đoạn tháng 6-7/2020 và 1/5 phải làm việc ít giờ hơn. Trong số những người làm việc tự do từ 54 tuổi trở lên, 1/3 không còn làm việc và trong số những người đang làm việc chỉ 1/5 số người có thể tiếp tục công việc của mình như bình thường[11]. Ngoài ra, 6% trong số những người ở độ tuổi 66-70 và 11% trong số những người 71 tuổi trở lên đang làm việc ngay trước cuộc khủng hoảng hiện đã nghỉ hưu, và một nửa trong số họ không có ý định làm như vậy.
3. Chính sách khuyến khích việc làm trong thời kỳ COVID-19
Nhằm đối phó với tình trạng thất nghiệp đang ngày càng tăng, Chính phủ Anh đã đưa ra công bố Chương trình duy trì việc làm trong thời kì virus Corona (CJRS). Mục đích của chương trình này là cung cấp các khoản trợ cấp cho người sử dụng lao động để đảm bảo rằng họ có thể giữ chân và tiếp tục trả lương cho nhân viên, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chính phủ sẽ trả 80% tiền lương cho số giờ mà mỗi nhân viên không làm việc, đến tối đa là 2.500 bảng Anh. Trong khi đó, người chủ sử dụng lao động sẽ trả cho nhân viên số tiền bảo hiểm (NIC) và phần đóng góp lương hưu.
CJRS được áp dụng từ ngày 1 tháng 3 năm 2020 và Chính phủ Anh hy vọng có thể loại bỏ dần chương trình này cho đến mùa thu cùng với việc nới lỏng các lệnh hạn chế ra ngoài và cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào dịp lễ Giáng sinh. Để đạt được mục tiêu đó, CJRS đã yêu cầu các khoản đóng góp của người sử dụng lao động tăng dần từ tháng 8 đến tháng 10/2020, trong khi khoản trợ cấp cho lao động tự do đã bị cắt giảm đáng kể sau tháng 10/ 2020. CJRS ban đầu đã được ấn định sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 10 năm 2020 để được thay thế bằng Chương trình Hỗ trợ việc làm. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh và thị trường lao động chưa thể quay trở lại sự ổn định, Chính phủ Anh đã phải nhiều lần gia hạn. Lần gia hạn mới nhất sẽ kết thúc vào tháng 4/2021. Theo chương trình CJRS mở rộng, một số quy tắc đã được thay đổi để cho phép chính sách nghỉ việc tạm thời của người lao động linh hoạt hơn - có nghĩa là người sử dụng lao động có thể yêu cầu nhân viên làm việc theo bất kỳ hình thức nào (như làm việc bán thời gian, làm việc tại nhà...) và yêu cầu CJRS trợ cấp cho bất kỳ giờ nào không làm việc.
CJRS là một sáng kiến chính sách sáng tạo và thành công của Chính phủ Anh. Đây có thể xem là một phương tiện cứu cánh cho cả các doanh nghiệp lẫn người lao động. Trong cơn khủng hoảng, các doanh nghiệp phải chịu một cú sốc lớn về thu nhập. Nhưng với kế hoạch hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp vừa có thể duy trì lợi nhuận ở mức tối thiểu, vừa có thể giữ lại nguồn tài sản quan trong nhất của doanh nghiệp - đó chính là con ngựời.
Dù vậy, bản thân kế hoạch CJRS cũng còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong các cuộc suy thoái trước đây, các doanh nghiệp thường phải sa thải một lượng lớn lao động để giảm gánh nặng về chi phí. Tuy nhiên, lần này nhiều lao động đã được giữ lại. Đây là một tin tốt cho nền kinh tế, nhưng điều đó cũng có nghĩa là các doanh nghiệp đang phục hồi vẫn phải đáp ứng chi phí lao động của lực lượng lao động đầy đủ. Nếu những khoản này đến hạn trả quá sớm, trước khi một doanh nghiệp kiếm được thu nhập cần thiết, thì rủi ro là nhiều công ty sẽ rơi vào khủng hoảng dòng tiền, vì hóa đơn tiền lương hàng tháng vượt quá mức phục hồi.
Điều quan trọng hơn nữa là khả năng tồn tại lâu dài của kế hoạch. Ban đầu, Chính phủ Anh hy vọng về một sự phục hồi “hình chữ V”. Điều này chỉ có thể làm được khi lệnh “phong tỏa” đã được gỡ bỏ và nền kinh tế trở lại bình thường. Tuy nhiên, với việc phát hiện chủng mới của virus corona và Chính phủ Anh một lần nữa lại phải “phong tỏa” đất nước, khó có thể nói khi nào nền kinh tế Anh mới có thể phục hồi. Thời gian kéo dài kế hoạch càng dài, thì gánh nặng về tài chính công càng lớn. Ước tính, mỗi tháng, Chính phủ Anh đã tiêu tốn 14 tỉ bảng Anh cho chương trình CJRS[12].
Mặt khác, mặc dù Chính phủ đang hỗ trợ khu vực tư nhân các khoản vay được trợ cấp và miễn thuế, nhưng các hạn chế về đời sống kinh tế càng kéo dài thì càng có nhiều công ty ngừng giao dịch. Điều này dẫn đến khả năng các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lực lượng lao động hoặc gia tăng tỉ lệ người lao động làm việc trong thời gian hạn chế. Ngành bán lẻ, du lịch khách sạn, giải trí và vận tải là những ngành chịu tác động lớn nhất. Ví dụ như hãng máy bay British Airways, sau khi tính toán rằng sẽ mất nhiều năm để du lịch hàng không phục hồi trở lại mức trước khủng hoảng, đã đưa ra kế hoạch cắt giảm 12.000 lao động.
4. Một số thách thức của thị trường lao động Anh trong năm 2021
Triển vọng thị trường lao động năm 2021 ở Anh phụ thuộc phần lớn vào việc vắc xin và các biện pháp y tế công cộng khác chế ngự đại dịch nhanh như thế nào. Trong ngắn hạn, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức và một số doanh nghiệp sẽ không vượt qua được giai đoạn này.
Theo “Báo cáo triển vọng việc làm” của tập đoàn Manpower Group, triển vọng việc làm ở Vương quốc Anh yếu nhất ở châu Âu với sự không chắc chắn của Brexit và ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ hai vẫn còn lớn. Cơ hội tìm được việc làm trong lĩnh vực bán lẻ và khách sạn hiện đang kém hơn so với đợt “phong tỏa” toàn quốc đầu tiên vào đầu năm 2020. Cuộc khảo sát của Manpower Group với 1.300 nhà tuyển dụng cho thấy nhiều doanh nghiệp có kế hoạch giảm việc làm hơn là thuê nhân viên mới trong ba tháng đầu năm 2021, bất chấp các dấu hiệu cho thấy ý định tuyển dụng trong lĩnh vực tài chính và xây dựng đang tăng lên.
Chính sách di cư mới - chính sách hạn chế người nhập cư của Chính phủ, cùng với tác động của Brexit, có thể tạo ra một số lượng lớn cơ hội việc làm trong những lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư của EU. Đặc biệt có thể có sự gia tăng đáng kể về nhu cầu đối với lao động Vương quốc Anh trong các lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Nhưng vấn đề là liệu lao động Anh có đáp ứng đủ các kỹ năng cần thiết cho những công việc đó hay không? Các kỹ năng có sẵn của người lao động có phù hợp với các kỹ năng mà các doanh nghiệp cần hay không. Vương quốc Anh hiện đang thiếu hụt trầm trọng lao động có kĩ năng, đặc biệt là lao động thuộc nhóm ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) ở mọi cấp độ, từ sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ cao đến kỹ thuật viên cấp 3 hoặc 4 - tương đương với trình độ A và cao hơn. Nếu như trong bối cảnh nền kinh tế hoạt động bình thường, những vị trí còn thiếu sẽ được bổ sung bằng những lao động mới ra trường. Nhưng Covid-19 kéo dài khiến cho việc tiếp nhận và đào tạo những học viên hoặc sinh viên mới gặp nhiều khó khăn. Và các sinh viên cũng sẽ có xu hướng kéo dài thời gian học tập để tránh gặp phải tình trạng thất nghiệp.
Tài liệu tham khảo
1. ONS (2020), “Employment in the UK: October 2020”, https://www.ons.gov.uk/employmentandlabo urmarket/peopleinwork/employmentandempl oyeetypes/bulletins/employmentintheuk/octo ber2020
2. Tera Allas, Marc Canal, Vivian Hunt (2020), “COVID-19 in the United Kingdom: Assessing jobs at risk and the impact on people and places”, https://www.mckinsey.com/industries/public -and-social-sector/our-insights/Covid-19-in- the-united-kingdom-assessing-jobs-at-risk- and-the-impact-on-people-and-places#
3. M.Brewer, N.Cominetti, K.Henehan, C.McCurdy, R.Sehmi & H.Slaughter (2020), “Jobs, jobs, jobs: Evaluating the effects of the current economic crisis on the UK labour market”,
https://www.mckinsey.com/industries/public-and-social-sector/our-insights/Covid-19-in-the united-kingdom-assessing-jobs-at-risk-and-the-impact-on-people-and-places#
4. TURN2US (2020), “BAME workers take biggest financial hit from corona virus pandemic”, https://www.turn2us.org.uk/About-Us/Media-Centre/Press-releases-and-comments/BAMEworkers-take-biggest-financial-hit-from-coron
5. Claudia Hupkau, Barbara Petrongolo (2020), “Work, care and gender during the Covid-19 crisis”, A CEP Covid-19 analysis, Paper No.002, https://cep.lse.ac.uk/pubs/download/cepCovi d-19-002.pdf
6. Fiona Simpson (2020), “Young people worst hit by the impact of Covid-19, ONS reveals”, https://www.cypnow.co.uk/mws/article/youn g-people-worst-hit-by-impact-of-Covid-19- on-jobs-market-ons-reveals
7. Rowena Crawford, Heidi Karjalainen (2020), “The coronavirus pandemic and older workers”, The Institute for Fiscal Studies, 9/2020, https://www.ifs.org.uk/publications/15040
8. Ken Mayhew, Paul Anand (2020), “COVID-19 and the UK labour market”, Oxford Review of Economic Policy, Volume 36, Issue Supplement_1, 2020.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 1 (244) -2021
* Ths., Viện Nghiên cứu Châu Âu
[2] Rui Costa, Stephen Machin (2020).
[3] M.Brewer, N.Cominetti, K.Henehan, C.McCurdy, R.Sehmi & H.Slaughter (2020).
[7] Brigid Francis-Devine, Andrew Powell, Niamh Foley (2020).
[8] Claudia Hupkau, Barbara Petrongolo (2020).
[9] Fiona Simpson (2020).
[10] Brigid Francis-Devine, Andrew Powell, Niamh Foley (2020),
[12] Ken Mayhew, Paul Anand (2020).