ĐẶNG THỊ HOA
PGS.TS., Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tóm tắt: Gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng, luôn góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển cho một quốc gia, dân tộc. Với gia đình dân tộc thiểu số ở Việt Nam, những đặc trưng văn hóa tộc người đang còn bảo lưu mạnh mẽ, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa hiện nay, nhiều vấn đề đang đặt ra đối với gia đình dân tộc thiểu số như sinh nhiều con, đói nghèo cao, trẻ em và phụ nữ thất học, ít được hòa nhập cộng đồng. Nhiều chức năng truyền thống của gia đình ít có sự thay đổi như hoạt động kinh tế tự cung tự cấp khép kín, các chức năng chăm sóc, xã hội hóa chủ yếu vẫn dựa vào gia đình. Tính cố kết, bảo thủ trong gia đình, cộng đồng một phần là rào cản cho sự phát triển. Nhiều vấn đề đang được đặt ra đối với gia đình dân tộc thiểu số như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, kết hôn xuyên biên giới, vấn đề buôn bán và sử dụng ma túy,…Các chính sách về gia đình dân tộc thiểu số cần được triển khai cụ thể và bám sát hơn với thực tế của gia đình các tộc người nhằm phát huy được vốn văn hóa, vốn nội lực trong gia đình của các dân tộc trong phát triển.
Từ khóa: Gia đình, dân tộc thiểu số, văn hóa dân tộc, dân tộc và phát triển
1. Đặt vấn đề
Gia đình với chức năng là tế bào của xã hội, là nơi bảo đảm sự ổn định và phát triển cho cộng đồng làng xã, tộc người, quốc gia. Cũng như gia đình Việt Nam nói chung, gia đình các dân tộc thiểu số đang có những chức năng hết sức quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định và phát triển của toàn xã hội. Gia đình luôn giữ được những vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất kinh tế, giáo dục và nuôi dưỡng, bảo lưu và phát huy các giá trị văn hoá của cộng đồng tộc người. Đặc biệt, với đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình luôn là vỏ bọc an toàn cho mỗi thành viên trong gia đình trước những nguy cơ xâm hại của các yếu tố bên ngoài, góp phần quan trọng giữ vững sự bình yên cho cộng đồng các tộc người thiểu số và toàn xã hội. Địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Bên cạnh những khó khăn trong đời sống sinh hoạt, đời sống kinh tế đồng bào các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều hạn chế khi tiếp cận với các dịch vụ hiện đại như giáo dục, y tế, văn hoá,... Trong khi đó, những yếu tố tác động bên ngoài có xu hướng làm phá vỡ sự ổn định và phát triển của mỗi cộng đồng các tộc người thiểu số nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Trước những tác động của xu hướng kinh tế thị trường, đô thị hoá và toàn cầu hoá, nhiều vấn đề đang đặt ra trong xu thế phát triển như: tệ nạn ma tuý, buôn bán trẻ em, ... gia đình đang có nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh mẽ.
Cho đến nay, về cơ bản vẫn chưa có những nghiên cứu, điều tra, khảo sát một cách tổng thể mang lại sự hiểu biết một cách có hệ thống và đầy đủ về gia đình các dân tộc thiểu số ở nước ta. Ngay cả trong các cuộc điều tra quy mô quốc gia về gia đình Việt Nam được thực hiện trong thời gian gần đây, gia đình các dân tộc thiểu số cùng chưa được khảo sát một cách đầy đủ. Điều này đã dẫn tới một thực trạng là, trong bức tranh chung về gia đình Việt Nam, mặc dù nước ta có 53 dân tộc thiểu số nhưng mảng mầu về gia đình các dân tộc thiểu số vẫn đang còn là khoảng trống. Ở góc nhìn chuyên sâu về lĩnh vực Dân tộc học, xã hội học, hầu hết các nghiên cứu cơ bản về gia đình các dân tộc thiểu số được thực hiện cách đây từ 20 đến 30 năm về một số ít tộc người và chỉ mang tính nghiên cứu trường hợp. Do vậy, để có một cách nhìn tổng thể, chuyên ngành thì việc nghiên cứu gia đình các dân tộc thiểu số chưa theo kịp với những gì đang vận hành và biến đổi trong cuộc sống hiện nay.
2. Tổng quan các nghiên cứu về gia đình dân tộc thiểu số từ Đổi mới đến nay
Về những vấn đề lý luận trong nghiên cứu gia đình, một số nhà nghiên cứu đã bày tỏ quan điểm của mình trong các vấn đề về khái niệm dòng họ, lý thuyết về gia đình, dòng họ qua các dẫn chứng dân tộc học (Robert Pakin (1997), Kinship: An introduction to basic concepts, Malcen Blackwell Publishers); hướng nghiên cứu về gia đình qua các nguồn tài liệu nhân học xã hội và nhân học lịch sử với các góc độ sự hình thành các loại hình gia đình, vai trò của gia đình, phân công lao động trong gia đình (Martine Segalen (2002), Historical anthropology of the family, Cambridge Cambridge University Press; T. N. Madan (2002), Family and Kinship: A study of the Pandits of rural Kashmir, New Delhi Oxford University Press). Đáng chú ý là công trình nghiên cứu về gia đình trong chuyển đổi đã đề cập đến nhiều vấn đề đang đặt ra đối với gia đình trong bối cảnh chuyển đổi hiện nay(Arlene S. et al, 2009).
Nghiên cứu về gia đình các dân tộc thiểu số được nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam quan tâm. Trong các thập niên 80, 90 của thế kỷ 20, khá nhiều nhà nghiên cứu Dân tộc học, xã hội học quan tâm nghiên cứu gia đình các dân tộc thiểu số dưới nhiều góc độ.
Về phân loại gia đình, một số tác giả đã trình bày quan điểm của mình trong cách phân loại các gia đình ở Việt Nam: Gia đình phụ hệ, gia đình mẫu hệ, gia đình song hệ,... (Phạm Quang Hoan, 1985; 1988; 1990; Đặng Nghiêm Vạn, 1991).
Một số công trình nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu về đặc điểm gia đình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đặc trưng cấu trúc gia đình các tộc người được phản ánh qua các chỉ số về số cặp vợ chồng, số thế hệ, số nhân khẩu, số con cái và các mối quan hệ trong gia đình là thân tộc hay thích tộc. Mô hình sống chung nhiều thế hệ (3 đến 4 thế hệ; nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trong một mái nhà của gia đình các dân tộc thiếu số đang dần thay đổi sang gia đình mở rộng chỉ còn từ 2 đến 3 thế hệ (Phạm Quang Hoan, 1990; Đỗ Thúy Bình, 1992; Sần Cháng, 1998,...).
Phân tích các yếu tố tác động tới những đặc điểm cấu trúc của gia đình, một số nghiên cứu cho rằng số con trong gia đình các dân tộc thiểu số nhiều hơn gia đình người Việt là do chế độ hôn nhân của các dân tộc thiểu số còn chịu ảnh hưởng nặng nề của nhận thức, quan niệm, đặc trưng văn hóa tộc người, phong tục tập quán,... (Phạm Quang Hoan, 1992, Đỗ Thúy Bình, 1992, 2004; Đào Trang Thái, 1997)
Dưới góc độ nghiên cứu về phân công lao động trong gia đình, một số nghiên cứu đã đi sâu phân tích về những bất cập trong phân công lao động giữa các thành viên trong gia đình (Đỗ Thúy Bình, 1998); thực trạng lao động trẻ em trong gia đình dân tộc thiểu số (Nguyễn Hồng Quang, 2002).
Đặc biệt, khá nhiều công trình nghiên cứu trong những năm gần đây tập trung về lĩnh vực hôn nhân gia đình các dân tộc và tập quán sinh đẻ, chăm sóc và nuôi dạy con cái (Đỗ Thúy Bình, 2004; Nguyễn Ngọc Thanh, 2005; Đỗ Ngọc Tấn, Đặng Thị Hoa, 2005; Nguyễn Văn Chính, 2006; Vi Văn An, 2006; Nguyễn Thị Song Hà, 2010; Hoàng Phương Mai, 2011; Nguyễn Thị Minh Phương, 2011). Trong các nghiên cứu này, các tác giả đi sâu nghiên cứu về những đặc điểm trong hôn nhân, gia đình, quan hệ hôn nhân, quan hệ thân tộc, thích tộc của một số dân tộc và biến đổi của nó trong giai đoạn hiện nay. Một số công trình đi sâu mô tả về các nghi lễ trong gia đình (Nguyễn Thị Song Hà, 2010; Lê Hải Đăng, 2011).
Điểm lại các nghiên cứu về gia đình các dân tộc thiểu số cho thấy, các công trình nghiên cứu đã được thực hiện trong thời gian khá dài nhưng đều là những côgn trình nghiên cứu nhỏ, lẻ của từng tác giả mô tả ở một số ít tộc người, không mang lại những hiểu biết tổng thể và toàn diện về gia đình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây.
3. Những vấn đề đặt ra với gia đình dân tộc thiểu số hiện nay
3.1. Những đặc điểm, chức năng cơ bản của gia đình dân tộc thiểu số hiện nay
3.1.1. Chức năng kinh tế
Một trong những chức năng quan trọng của gia đình truyền thống là tạo ra của cải vật chất và nuôi sống con người. Đối với gia đình dân tộc thiểu số ở Việt Nam, chức năng này vẫn luôn được duy trì cho tới hiện nay. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, hộ gia đình dân tộc thiểu số vẫn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm lương thực và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số chậm nhất và là lõi nghèo của cả nước. Một trong những lý do cơ bản là hộ gia đình dân tộc thiểu số vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất lương thực. Những tiến bộ về tăng trưởng chung chưa đủ để xóa nghèo cho người dân tộc thiểu số. Đáng chú ý là các hộ người dân tộc thiểu số có tốc độ tăng bình quân chi tiêu thấp hơn đáng kể. Sau khi kiểm soát các đặc điểm vùng, tình trạng việc làm và đặc điểm nhân khẩu của chủ hộ, các hộ người dân tộc thiểu số ở nhóm 40% nghèo nhất có tốc độ tăng tiêu dùng thấp hơn 12,6 điểm phần trăm so với các hộ người Kinh và người Hoa (WB, 2016). Thu nhập từ canh tác nông nghiệp của hộ gia đình chiếm một phần tư (24%) thu nhập hộ gia đình bình quân trên toàn quốc và 46% thu nhập của người nghèo, trong khi đó ở vùng dân tộc lại chiếm đến 84% số hộ và chiếm 92% trong thu nhập của người nghèo dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tự tiêu dùng trong hộ (tiêu dùng tự cung tự cấp của hộ gia đình) đạt cao trong cơ cấu tiêu dùng của các hộ nghèo. Cụ thể, tự tiêu dùng chiếm bình quân 35% tiêu dùng của người nghèo và 26% tiêu dùng của nhóm 40% nghèo nhất. Nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp diễn thì đến năm 2020, 84% những người nghèo còn lại, theo định nghĩa về chuẩn nghèo của Tổng cục thống kê và Ngân hàng thế giới, sẽ chỉ gồm những người dân tộc thiểu số (WB, 2016).
Trong cơ cấu việc làm của hộ gia đình dân tộc thiểu số đến nay vẫn gắn với trồng trọt và chăn nuôi là chủ đạo. Một bộ phận hộ gia đình chuyển sang nghề trồng rừng, phát triển lâm nghiệp. Có tới 83,81% hộ gia đình có thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp, cao gấp hơn 2 lần so với hộ người Kinh. Trong khi đó, phần lớn lao động người DTTS vẫn áp dụng kỹ thuật sản xuất phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, năng suất sản lượng thấp, chưa chuyển đổi cây trồng và mùa vụ dẫn tới nguồn thu nhập của hộ gia đình rất thấp. Quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình và sản phẩm làm ra cũng chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình.
Tình trạng thiếu việc làm diễn ra khá phổ biến trong các gia đình DTTS. Nhiều nơi các lao động chính trong hộ gia đình chỉ làm việc 3 đến 4 tháng trong 1 năm. Ngoài thời gian mùa vụ, nhiều lao động chính DTTS không có việc làm, không có thu nhập dẫn tới tình trạng tìm việc làm qua biên giới, di cư đi làm ăn xa ở một số địa phương khá phổ biến. Tuy nhiên, ở một số dân tộc, các nhóm dân tộc có tỷ trọng việc làm trong nông nghiệp cao thì tỷ lệ thất nghiệp càng cao và tỷ lệ đói nghèo ở các dân tộc này cũng rất cao như: Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cơ Lao, Xinh Mun, La Chí, Mông, La Hủ, Phù lá,…
Bảng 1: Tỷ lệ hộ nghèo DTTS chia theo dân tộc
STT
|
Dân tộc
|
Hộ nghèo
|
Hộ cận nghèo
|
Tỷ lệ lao động giản đơn
|
STT
|
Dân tộc
|
Hộ nghèo
|
Hộ cận nghèo
|
Tỷ lệ lao động giản đơn
|
1
|
Tày
|
15.5
|
14.9
|
78.0
|
23
|
Gié Triêng
|
40.3
|
11.1
|
93.3
|
2
|
Thái
|
28.4
|
15.9
|
83.9
|
24
|
Co
|
65.8
|
18.0
|
93.7
|
3
|
Mường
|
18.9
|
20.1
|
72.6
|
25
|
Chơ Ro
|
8.8
|
4.9
|
65.9
|
4
|
Khmer
|
15.2
|
10.0
|
47.4
|
26
|
Xinh Mun
|
52.4
|
7.8
|
99.1
|
5
|
Hoa
|
6.6
|
4.9
|
30.6
|
27
|
Hà Nhì
|
36.2
|
9.7
|
73.7
|
6
|
Nùng
|
19.6
|
14.5
|
80.7
|
28
|
Chu Ru
|
4.6
|
7.2
|
85.5
|
7
|
Mông
|
46.0
|
13.4
|
94.7
|
29
|
Lào
|
25.5
|
10.7
|
80.8
|
8
|
Dao
|
30.0
|
16.8
|
90.2
|
30
|
La Chí
|
30.3
|
26.4
|
96.4
|
9
|
Gia Rai
|
25.5
|
12.3
|
79.6
|
31
|
Kháng
|
46.2
|
13.7
|
98.0
|
10
|
Ê Đê
|
17.5
|
10.1
|
62.5
|
32
|
Phù Lá
|
41.6
|
22.3
|
97.2
|
11
|
Ba Na
|
37.6
|
12.7
|
86.7
|
33
|
La Hủ
|
84.2
|
2.9
|
62.7
|
12
|
Sán Chay
|
20.1
|
18.9
|
82.9
|
34
|
La Ha
|
47.7
|
11.5
|
97.7
|
13
|
Chăm
|
14.5
|
7.5
|
51.2
|
35
|
Pà Thẻn
|
27.0
|
17.6
|
92.8
|
14
|
Cơ Ho
|
9.3
|
8.5
|
83.0
|
36
|
Lự
|
18.4
|
5.0
|
60.1
|
15
|
Xơ Đăng
|
44.8
|
11.5
|
93.4
|
37
|
Ngái
|
5.9
|
6.6
|
56.0
|
16
|
Sán Dìu
|
8.7
|
11.1
|
69.2
|
38
|
Chứt
|
75.3
|
14.1
|
89.3
|
17
|
Hrê
|
33.4
|
12.5
|
94.0
|
39
|
Lô Lô
|
35.9
|
10.9
|
93.1
|
18
|
Raglay
|
24.0
|
20.2
|
61.1
|
40
|
Mảng
|
80.2
|
4.4
|
62.8
|
19
|
Mnông
|
34.2
|
13.0
|
80.8
|
41
|
Cơ Lao
|
35.0
|
16.0
|
90.0
|
20
|
Thổ
|
22.7
|
19.0
|
80.3
|
42
|
Bố Y
|
16.2
|
24.9
|
88.4
|
21
|
Xtiêng
|
11.8
|
7.5
|
82.4
|
43
|
Cống
|
38.2
|
17.3
|
77.5
|
22
|
Khơ mú
|
60.1
|
13.7
|
94.2
|
44
|
Si La
|
43.0
|
18.0
|
71.6
|
23
|
Bru Vân Kiều
|
42.9
|
14.1
|
82.9
|
45
|
Pu Péo
|
22.9
|
14.5
|
80.6
|
24
|
Cơ Tu
|
41.2
|
8.0
|
69.9
|
46
|
Rơ Măm
|
28.7
|
13.0
|
94.1
|
25
|
Giáy
|
13.7
|
12.9
|
83.3
|
47
|
Brâu
|
10.2
|
3.9
|
93.1
|
26
|
Tà Ôi
|
21.1
|
13.1
|
41.5
|
48
|
Ơ Đu
|
66.3
|
-
|
94.5
|
27
|
Mạ
|
16.8
|
7.5
|
85.9
|
|
|
|
|
|
Nguồn: UBDT, Tổng cục Thống kê, Điều tra KT-XH 53 dân tộc thiểu số, 2015
Theo kết quả điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 cho thấy, ở một số dân tộc, tình trạng thiếu đất sản xuất xảy ra khá phổ biến. Diện tích đất nông nghiệp bình quân hộ dân tộc Khơ me là 4.724,2m2, khá tương đồng với hai cộng đồng cư trú ở đồng bằng là người Hoa và người Chăm nhưng thấp hơn đáng kể so với mức bình quân của 53 dân tộc thiểu số là 7.268,0m2/ hộ. Tuy nhiên, điều đáng nói là có đến 72,7% số hộ dân tộc Khơ me có nhu cầu cần thêm đất nông nghiệp, chứng tỏ nguồn vốn tự nhiên này chưa đáp ứng nhu cầu sinh kế của hộ. Với qui mô trung bình là 4,1 nhân khâu/hộ thì bình quân mỗi nhân khâu chỉ đạt 1.152m2, rõ ràng là ít khi sinh kế của hộ chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Xu hướng mất đất, thiếu đất sản xuất vẫn tăng lên do mật độ dân số tăng, do chuyển đổi chức năng của đất, và do cả những khó khăn trong cuộc sống.
Mặc dù các chính sách về xóa đói, giảm nghèo ở vùng DTTS đã tạo những chuyển biến tích cực trong hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, sản xuất manh mún mang tính chất tự cung tự cấp của hộ gia đình vẫn mang tính chủ đạo thì khó có thể tạo ra được vùng sản xuất hàng hóa hay tạo các giá trị nông nghiệp lớn để làm thay đổi bộ mặt kinh tế của vùng DTTS. Từ nhiều năm nay, các hộ gia đình nông dân phải đối mặt với một thực tế là sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, đặc biệt vào thời điểm mùa vụ. Cơ chế hỗ trợ vốn vay và bảo hiểm rủi ro sản xuất còn nhiều bất cập. Năng lực quản lý kinh tế của hộ gia đình còn yếu và chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức (Đào Đoan Hùng, 2019). Một trong những rào cản chính là kiến thức và năng lực tiếp cận thị trường của chủ hộ DTTS thấp. Hiện nay, việc tiếp cận thị trường của các hộ gia đình rất hạn chế do thiếu những kiến thức căn bản về kinh tế thị trường, do đó sản phẩm của các hộ sản xuất ra dù chưa nhiều mà vẫn không tiêu thụ được. Số liệu điều tra sâu tình hình hộ gia đình nông thôn của CIEM và IPSARD tại 12 tỉnh cho thấy, có đến 51% số hộ nông dân vẫn tự sản, tự tiêu là chính. Vì vậy, đói nghèo và nguy cơ tái nghèo vẫn luôn rình rập họ, bất chấp mọi nỗ lực để thoát nghèo của bản thân các hộ gia đình và xã hội
Về thực hiện chính sách đất đai tư liệu sản xuất chủ yếu tế hộ gia đình DTTS cho thấy, mặc dù nguồn sinh kế chính của các hộ gia đình dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất nông nghiệp sử dụng cho sản xuất của các hộ gia đình hầu hết là manh mún, nhỏ lẻ. Đất đai là phương tiện sản xuất chính, tạo nên sự thành công cho người nông dân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và phát huy hiệu quả vốn vay do thiếu kỹ năng, kiến thức quản lý, kinh doanh. Với đặc trưng về sở hữu diện tích đất nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế của các hộ, kinh tế hộ gia đình DTTS đang đối mặt với trở ngại mang tính cơ cấu, khó khắc phục từ chính tư liệu sản xuất, nguồn lực của hộ gia đình DTTS. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ gia đình DTTS thiếu đất sản xuất; bên cạnh đó đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung ruộng canh tác và đất rừng đi đôi với tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hộ và giữa hộ với doanh nghiệp. Để khắc phục hạn chế về quy mô sản xuất manh mún, nâng cao hiệu quả kinh doanh của kinh tế hộ theo hướng bền vững.
3.1.2. Chức năng sinh sản
Trong sản xuất hộ gia đình, do tính chất lao động thủ công nên vẫn cần nhiều đến lao động cơ bắp. Đây là lý do các hộ gia đình DTTS vẫn sinh nhiều con với mong muốn có thêm sức lao động, thêm người làm việc. Tập quán sinh nhiều con vẫn còn khá phổ biến ở nhiều tộc người thiểu số. Đáng chú ý là, những dân tộc có tỷ lệ nghèo đói cao thì vẫn có tỷ lệ sinh rất cao. Tập quán sinh nhiều con không chỉ là rào cản trong xóa đói giảm nghèo mà cũng là một trong những trở ngại trong chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Nhiều bà mẹ DTTS sinh con sớm, sinh dày và có nhiều con với tần suất mang thai dày. Trong điều kiện nguồn thức ăn khan hiếm, thiếu dinh dưỡng dẫn tới sức khỏe của mẹ và trẻ nhỏ bị giảm sút nghiêm trọng. Những đứa trẻ sinh ra ở gia đình đông con thường bị suy dinh dưỡng, thất học và ít có cơ hội phát triển.
Bảng 2: Quy mô hộ gia đình DTTS tại thời điểm 1/7/2015
STT
|
Tên dân tộc
|
Số hộ (hộ)
|
Số người bình quân hộ (người/ hộ)
|
STT
|
Tên dân tộc
|
Số hộ (hộ)
|
Số người bình quân hộ (người/ hộ)
|
1
|
Tày
|
443,492
|
4.0
|
28
|
Gié Triêng
|
15,149
|
4.0
|
2
|
Thái
|
391,823
|
4.4
|
29
|
Co
|
9,255
|
4.2
|
3
|
Mường
|
335,807
|
4.2
|
30
|
Chơ Ro
|
6,785
|
4.2
|
4
|
Khmer
|
313,709
|
4.1
|
31
|
Xinh Mun
|
5,917
|
4.6
|
5
|
Hoa
|
178,968
|
4.5
|
32
|
Hà Nhì
|
4,931
|
5.0
|
6
|
Nùng
|
242,317
|
4.2
|
33
|
Chu Ru
|
4,476
|
4.7
|
7
|
Mông
|
225,411
|
5.6
|
34
|
Lào
|
3,717
|
4.5
|
8
|
Dao
|
179,023
|
4.7
|
35
|
La Chí
|
2,866
|
5.1
|
9
|
Gia Rai
|
96,343
|
4.9
|
36
|
Kháng
|
3,239
|
4.7
|
10
|
Ê Đê
|
75,719
|
4.9
|
37
|
Phù Lá
|
2,522
|
4.6
|
11
|
Ba Na
|
54,782
|
4.9
|
38
|
La Hủ
|
2,379
|
4.7
|
12
|
Sán Chay
|
45,848
|
4.1
|
39
|
La Ha
|
2,081
|
4.6
|
13
|
Chăm
|
37,902
|
4.4
|
40
|
Pà Thẻn
|
1,544
|
5.0
|
14
|
Cơ Ho
|
38,531
|
4.9
|
41
|
Lự
|
1,344
|
4.8
|
15
|
Xơ Đăng
|
44,244
|
4.4
|
42
|
Ngái
|
252
|
4.0
|
16
|
Sán Dìu
|
40,879
|
4.1
|
43
|
Chứt
|
1,612
|
4.3
|
17
|
Hrê
|
38,881
|
3.7
|
44
|
Lô Lô
|
893
|
4.8
|
18
|
Raglay
|
30,561
|
4.4
|
45
|
Mảng
|
882
|
4.9
|
19
|
Mnông
|
24,972
|
4.8
|
46
|
Cơ Lao
|
647
|
4.7
|
20
|
Thổ
|
19,955
|
4.1
|
47
|
Bố Y
|
608
|
4.4
|
21
|
Xtiêng
|
19,374
|
4.7
|
48
|
Cống
|
529
|
4.9
|
22
|
Khơ mú
|
17,402
|
4.9
|
49
|
Si La
|
195
|
4.2
|
23
|
Bru Vân Kiều
|
18,709
|
4.7
|
50
|
Pu Péo
|
176
|
4.5
|
24
|
Cơ Tu
|
17,191
|
4.1
|
51
|
Rơ Măm
|
132
|
3.8
|
25
|
Giáy
|
14,412
|
4.4
|
52
|
Brâu
|
138
|
3.4
|
26
|
Tà Ôi
|
11,790
|
4.2
|
53
|
Ơ Đu
|
101
|
4.4
|
27
|
Mạ
|
10,541
|
4.4
|
Chung
|
|
4,4
|
Nguồn: UBDT, Tổng cục Thống kê, Điều tra KT-XH 53 dân tộc thiểu số, 2015
Kết quả bảng 2 cho thấy, có 5 dân tộc có số người trung bình trong hộ trên 5, trong đó dân tộc Mông có quy mô đông nhất 5,6 người/ hộ gia đình. Có 7 dân tộc có quy mô trung bình 4,7 đến 4,9 người, cao hơn rất nhiều so với trung bình chung cùa toàn quốc. Có sự khác biệt đáng kể giữa các dân tộc. Ở các dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như La hủ, Chứt, Cống, Mảng thì bình quân số con của phụ nữ trên 4 con. Trong khi đó ở một số dân tộc có điều kiện kinh tế khá như Hoa, Nùng, Sán Chay thì số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khá thấp.
3.1.3. Chức năng xã hội hoá
Một trong những chức năng quan trọng của gia đình là dạy dỗ và xã hội hóa con cái và các thành viên trong gia đình. Đối với dân tộc thiểu số hiện nay, chức năng xã hội hóa vẫn được thực hiện khá tốt trong cộng đồng. Tuy nhiên, có rào cản rất lớn đối với gia đình DTTS là một bộ phận chủ hộ (bao gồm cả ông bố và bà mẹ) không biết chữ, không biết đọc, biết viết và biết tiếng phổ thông đã ảnh hưởng đáng kể tới quá trình xã hội hóa con cái của họ và hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt đối với phụ nữ DTTS có một tỷ lệ đáng kể 26,4% không biết chữ, không biết tiếng phổ thông nên không thể giao tiếp được với người ngoài cộng đồng. Trong gia đình, nhiều khi trẻ em được đi học lại trở về dạy lại cho bố và mẹ những kiến thức mà các em được học ở trường hoặc nắm bắt ngoài xã hội. Chức năng xã hội hóa chỉ đáp ứng được nhu cầu truyền tải những kiến thức truyền thống trong phạm vi cộng đồng tộc người mà không thể mở rộng, hòa nhập với xã hội bên ngoài trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay. Phụ nữ và trẻ em gái DTTS vốn quen môi trường giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, khép kín trong cộng đồng lại càng ít cơ hội hơn học hỏi kiến thức bên ngoài và hòa nhập với xã hội đang ngày càng phát triển. Cũng vì thế mà phụ nữ DTTS ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào vai trò của nam giới trong cuộc sống cá nhân và trong gia đình.
Theo số liệu khảo sát, có 12 dân tộc có tỷ lệ hộ nghe được các phương tiện thông tin đại chúng như ti vi, đài phát thanh của trung ương và địa phương ở mức 30- 40%. Có 7 dân tộc (Bru Vân Kiều, La ha, La Hủ, Kháng, Khơ mú, Mảng, Ơ đu) chỉ có 20% phụ nữ nghe được các phương tiện thông tin đại chúng, còn lại 80% chỉ nghe và hiểu được qua truyền tải từ người khác trong gia đình.
Có thể thấy rõ, tình trạng tiếp cận kém với giáo dục và các phương tiện truyền thông dẫn tới phụ nữ DTTS luôn có khoảng cách đáng kể và họ luôn bị tụt lại phía sau trong quá trình phát triển. Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển mô hình sản xuất ở địa phương khó đến được với người phụ nữ khi mọi thông tin đến với họ lại qua lăng kính của người đàn ông trong gia đình. Do vậy, người phụ nữ DTTS luôn chấp nhận các khuôn mẫu và kế hoạch sản xuất của gia đình theo quyết định và sắp đặt của người đàn ông.
3.1.4. Chức năng chăm sóc
Đối với chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ DTTS, mặc dù cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các trạm y tế xã, cụm xã; bệnh viện tuyến huyện đã được tăng cường đáng kể. Nhưng hầu hết phụ nữ DTTS ở miền núi phía Bắc vẫn sinh con tại nhà với sự giúp đỡ của người thân. Đây là thói quen trong phong tục tập quán và rất khó thay đổi.
Bảng 3: Tình hình chăm sóc sức khoẻ sinh sản đối với phụ nữ DTTS
|
Dân tộc
|
Kinh
(n=46)
|
Thái (n=103)
|
Mường (n=51)
|
Khơ mú (n=49)
|
Kháng (n=49)
|
Hmông (n=103)
|
Phù Lá (n=46)
|
Dao (n=64)
|
Nơi sinh của sản phụ ***
|
|
|
|
|
|
Cơ sở y tế
|
97,8
|
51,5
|
78,4
|
10,2
|
12,2
|
3,9
|
56,5
|
23,4
|
Ở nhà
|
2,2
|
41,7
|
19,6
|
69,4
|
77,6
|
96,1
|
43,5
|
73,4
|
Ở ngoài nhà (trên nương hoặc ngoài rừng)
|
0
|
1,0
|
0
|
10,2
|
6,1
|
0
|
0
|
3,1
|
Người đỡ đẻ khi sản phụ không đến cơ sở y tế ***
|
|
|
|
Bà mụ vườn
|
25,0
|
2,2
|
0
|
0
|
0
|
3,0
|
0
|
14,6
|
Người thân trong gia đình
|
0
|
43,0
|
45,5
|
74,5
|
63,3
|
96,0
|
100
|
83,3
|
Nhân viên y tế
|
50,0
|
4,3
|
45,5
|
8,5
|
28,6
|
1,0
|
0
|
2,1
|
Dụng cụ cắt rốn khi sinh tại nhà***
|
|
|
|
Dao sắt, liềm sắt
|
75,5
|
47,3
|
72,7
|
36,2
|
89,9
|
94,9
|
93,8
|
47,9
|
Cật tre, nứa
|
0
|
2,2
|
9,1
|
44,7
|
2,0
|
5,1
|
6,2
|
39,6
|
Không khử trùng dụng cụ khi cắt rốn ***
|
0
|
22,6
|
18,2
|
40,4
|
12,6
|
60,6
|
13,3
|
38,8
|
Thời gian sản phụ tham gia làm việc nhà sau khi sinh con***
|
|
Dưới 5 ngày
|
0
|
6,9
|
5,8
|
20,4
|
0
|
5,0
|
4,2
|
6,2
|
Từ 6 đến 15 ngày
|
6,5
|
9,8
|
28,8
|
30,6
|
34,7
|
26,7
|
4,2
|
48,4
|
Từ 16 đến 30 ngày
|
78,3
|
63,7
|
55,8
|
40,8
|
57,1
|
64,4
|
65,5
|
32,8
|
Trên 30 ngày
|
15,2
|
19,6
|
9,6
|
8,2
|
8,2
|
4,0
|
29,2
|
15,4
|
Nguồn: Viện Dân tộc học, Điều tra cơ bản về các dân tộc ở Việt Nam, 2012
Mức ý nghĩa thống kê: *<0,1; **<0,05; ***P<0,001
Các kết quả nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới vừa được thực hiện năm 2017 và 2018 cũng cho thấy, tỷ lệ phụ nữ các dân tộc Hmông, Dao sinh con tại nhà vẫn phổ biến.Có tới 80,8% phụ nữ Hmông và 81,5% phụ nữ Dao sinh con tại nhà mà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Khi sinh con tại nhà, người phụ nữ Hmông, Dao thường nhờ sự giúp đỡ của người thân, thường là bố mẹ chồng và chồng của họ. Tùy theo phong tục tập quán của mỗi tộc người, sản phụ khi sinh được chăm sóc trong khoảng thời gian từ 3 ngày đến 1 tháng với mức độ kiêng kỵ và chế độ ăn bồi dưỡng riêng. Tuy nhiên, trong quá trình sinh đẻ, sản phụ thường lựa chọn sinh con tại nhà với tâm lý mong muốn được người thân giúp đỡ, đặc biệt là chồng và những người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình. Có tới 46,4% đối với người Hmông và 25,7% đối với người Dao có mẹ chồng đỡ đẻ khi sinh con, 10,1% là chồng và 10,4% là người thân, họ hàng đỡ đẻ.
Thực trạng này cho thấy, gia đình vẫn là đơn vị chăm sóc sức khỏe quan trọng đối với đồng bào DTTS, đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Điều này cũng thể hiện, tình trạng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số chưa có cải thiện đáng kể, đặc biệt đối với các tộc người cư trú ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa với những phong tục tập quán còn nhiều hạn chế. Một trong những trở ngại lớn nhất là những thói quen, tập quán của người Mông, Dao trong chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Trong quan niệm truyền thống, các bà mẹ mang thai thường không được ăn nhiều, nhất là các chất bổ dưỡng vì sợ thai nhi to, sản phụ và đứa trẻ sẽ gặp rủi ro trong quá trình sinh đẻ. Chính từ quan niệm đó, hầu hết phụ nữ Mông và Dao khi mang thai thường phải làm việc nhiều do sức ép từ những người phụ nữ cao tuổi trong gia đình. Người Mông và người Dao có khá nhiều kiêng kỵ đối với phụ nữ trong quá trình mang thai như không được ăn nhiều, phải làm việc, lao động nặng với quan niệm làm việc nhiều thì mới dễ đẻ. Sản phụ thường không có thời gian nghỉ ngơi và không được ăn uống, bồi dưỡng thêm cho mẹ và thai nhi.
Sự phân công lao động trong gia đình và các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng là một trong những trở ngại trong chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai. Các sản phụ trong quá trình mang thai thường có tuổi đời trẻ từ 16- 35 tuổi. Trong khoảng thời gian này thường còn ở chung với bố mẹ chồng. Các hoạt động sản xuất và ăn uống trong gia đình thường do người đàn ông hoặc người phụ nữ cao tuổi trong gia đình quyết định. “Trong gia đình, ông bố là người quyết định, sắp xếp mọi việc trong nhà từ việc phân công ai làm việc gì, làm nương, cắt cỏ vào lúc nào. Nhưng bố ít nói nên không sợ bằng mẹ. Mẹ rất hay nói và thường bắt dậy sớm đi cắt cỏ từ lúc 5 giờ sáng. Nhiều hôm trời tối lắm mẹ đã bắt dậy đi làm rồi. Lúc đầu mới về làm dâu em cũng sợ nhưng rồi quen dần. Bố mẹ khó tính nên em sợ không dám nói lại. Nhiều lúc mệt và đói lắm nhưng cố chịu, nếu có nói là sẽ bị mắng” (PVS phụ nữ Dao, 23 tuổi, đang mang thai 6 tháng).
Do bị ràng buộc bởi nhiều tập tục theo tập quán tộc người, tình trạng sinh con tại nhà vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt ở một số tộc người cư trú ở vùng cao như Hmong, Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, La Hủ,… Có tới 25 dân tộc có tỷ lệ sinh con tại nhà chiếm gần 50%, thậm chí có một số dân tộc, tỷ lệ sinh con tại nhà lên tới 90% như La Ha, La Hủ, Si la, Lự, Mảng.
Do không đến các cơ sở y tế khám thai, theo dõi thai kỳ và sinh con tại nhà dẫn tới tỷ lệ phụ nữ DTTS tử vong khi mang thai và khi sinh rất cao. Tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản trung bình toàn quốc là 299/ 100.000 ca đẻ sống. Riêng các tỉnh ở vùng miền núi phía Bắc có số lượng bà mẹ tử vong rất cao: Điện Biên 676, Lai Châu 459, Gia Lai 369, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai (ước tính) 333 …
3.2. Những vấn đề đặt ra
Trong bối cảnh hiện nay, một số vấn đề đang đặt ra hết sức cấp bách đối với gia đình các dân tộc thiểu số, do vậy, rất cần thiết phải nghiên cứu một số vấn đề như:
3.2.1. Tảo hôn và sinh con tuổi vị thành niên: rất chú ý với một số tộc người có dân số ít, tộc người cư trú vùng sâu vùng xa, một số tộc người có truyền thống tảo hôn như Hmông, Dao, Nùng, Pu Péo, Lô Lô,… Các yếu tố tác động tới tuổi kết hôn như phong tục tập quán, quyền quyết định trong hôn nhân, phạm vi, không gian kết hôn, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ hội tìm kiếm hôn nhân, trình độ học vấn,……; Những hệ luỵ đối với một số tộc người thiểu số do tảo hôn: ảnh hưởng sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, suy dinh dưỡng, trẻ em bỏ học, không có đủ kiến thức nuôi dạy và chăm sóc con cái.
Tập quán tảo hôn khá phổ biến trong cộng đồng các dân tộc Hmông, Dao. Theo phong tục, con gái khi mới lớn bố mẹ đã lo cho việc gả chồng. Trước đây người Dao thường xem tuổi, xem lá số để tìm vợ dựng chồng cho con. Trong những năm gần đây, người Dao ở Sủng Máng không còn so lá số, so tuổi để ép con lấy vợ, lấy chồng. Tuy nhiên, tập quán tảo hôn cũng đã ăn sâu vào nhận thức và thói quen, nếp nghĩ của người Dao, kể cả các cháu vị thành niên. Tuổi kết hôn ở người Dao khá thấp và do vậy, tuổi sinh đẻ của phụ nữ Dao cũng khá sớm. Trong số 77 trường hợp sinh con của phụ nữ người Dao ở xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc năm 2016, có tới 29 phụ nữ có tuổi đời dưới 19 tuổi (đang ở tuổi vị thành niên). Trong số 29 sản phụ đó, có 3 trường hợp dưới tuổi 19 nhưng đã sinh con lần thứ 2. Có tới 18 trường hợp trẻ ở tuổi 16, 17 tuổi đã sinh con lần đầu (Số liệu từ sổ theo dõi sinh của Trạm y tế xã Sủng Máng). Do kết hôn sớm, mang thai và sinh con khi còn ở tuổi vị thành niên, những sản phụ này chưa thể có được những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản và phụ thuộc khá nhiều vào lời khuyên, dạy bảo của những người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình. Các hành vi chăm sóc sức khỏe sinh sản và dinh dưỡng thường phụ thuộc vào người khác và chưa có được những kiến thức hay tự quyết định trong sinh hoạt cá nhân của mình.
Bảng 4: Tình trạng tảo hôn chia theo dân tộc
STT
|
Tên dân tộc
|
Chia ra
|
Tỷ lệ tảo hôn (%)
|
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu
|
Tảo hôn
|
Không tảo hôn
|
Tất cả các dân tộc
(ĐT DSGK 2014)
|
|
|
|
24.9
|
Người dân tộc thiểu số theo ĐT DTTS 2015
|
55,894
|
154,303
|
26.6
|
21.0
|
7
|
Mông
|
14,467
|
9,784
|
59.7
|
18.9
|
9
|
Gia Rai
|
3,365
|
4,643
|
42.0
|
20.2
|
11
|
Ba Na
|
1,594
|
2,671
|
37.4
|
20.7
|
18
|
Raglay
|
908
|
1,464
|
38.3
|
20.2
|
22
|
Khơ mú
|
603
|
758
|
44.3
|
19.3
|
23
|
Bru Vân Kiều
|
534
|
839
|
38.9
|
20.4
|
31
|
Xinh Mun
|
302
|
234
|
56.3
|
18.8
|
32
|
Hà Nhì
|
143
|
185
|
43.6
|
19.6
|
33
|
Chu Ru
|
146
|
218
|
40.1
|
20.7
|
34
|
Lào
|
109
|
176
|
38.2
|
19.3
|
36
|
Kháng
|
88
|
129
|
40.6
|
18.9
|
37
|
Phù Lá
|
67
|
93
|
41.9
|
19.9
|
38
|
La Hủ
|
83
|
99
|
45.6
|
19.4
|
39
|
La Ha
|
67
|
60
|
52.8
|
19.1
|
41
|
Lự
|
31
|
33
|
48.4
|
18.7
|
43
|
Chứt
|
38
|
55
|
40.9
|
20.5
|
44
|
Lô Lô
|
32
|
41
|
43.8
|
20.3
|
45
|
Mảng
|
22
|
26
|
45.8
|
20.5
|
46
|
Cơ Lao
|
11
|
12
|
47.8
|
19.8
|
49
|
Si La
|
8
|
11
|
42.1
|
20.7
|
Nguồn: UBDT, Tổng cục Thống kê, Điều tra KT-XH 53 dân tộc thiểu số, 2015
Tảo hôn là một trở ngại lớn cho sự phát triển của phụ nữ DTTS vẫn tiếp diễn và có xu hướng phổ biến hơn ở một số tộc người
Tảo hôn trong những năm gần đây đã trở nên phổ biến hơn với độ tuổi kết hôn có xu hướng giảm đi. Đây là một rào cản, một thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của phụ nữ DTTS, đặc biệt là các dân tộc có tỷ lệ nghèo cao, tỷ lệ trẻ em gái đến trường thấp. Theo kết quả điều tra MICS 2014, tỷ lệ trẻ em kết hôn trước 18 tuổi ở người DTTS cao gấp hơn nhiều lần so với người Kinh (23,1% so với 9,2% ở người Kinh).
Theo số liệu điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2014, có 6 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn trên 50% như Ơ Đu, Hmong, Xinh Mun, La Ha. 12 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn từ 30 đến 40%, chủ yếu là các dân tộc cư trú ở vùng miền núi phía Bắc. Sơn La là một trong những tỉnh có tỷ lệ trẻ em gái kết hôn đặc biệt cao, có tới 608/734 trẻ em kết hôn trong năm 2014.
Bảng 5: Tỷ lệ người DTTS kết hôn ở độ tuổi trẻ em chia theo giới tính, tính đến 1/8/2015
|
Số người DTTS kết hôn ở độ tuổi trẻ em (dưới 16 tuổi) (người)
|
|
Tổng
|
Nam
|
Nữ
|
Chung 53 DTTS
|
2,991
|
685
|
2,306
|
Trung du và miền núi phía Bắc
|
2,020
|
590
|
1,430
|
Tây Nguyên
|
446
|
48
|
398
|
Tỉnh/TP
|
|
|
|
Từ 100 trường hợp trở lên
|
|
|
Sơn La
|
734
|
125
|
608
|
Hà Giang
|
332
|
162
|
169
|
Gia Lai
|
281
|
27
|
254
|
Lào Cai
|
217
|
111
|
106
|
Cao Bằng
|
206
|
74
|
132
|
Lai Châu
|
198
|
79
|
119
|
Đắk Lắk
|
117
|
21
|
96
|
Thanh Hóa
|
112
|
31
|
81
|
Điện Biên
|
112
|
13
|
99
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Ủy ban Dân tộc, Điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, 2015
Tảo hôn sớm dẫn tới tỷ lệ mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên ở vùng dân tộc thiểu số đặc biệt cao, nhất là ở vùng miền núi phía Bắc. Tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên của Việt Nam năm 2014 là 45/1.000 phụ nữ tuổi 15 - 19. Khu vực nông thôn có tỷ lệ mang thai tuổi vị thành niên cao hơn thành thị, đáng chú ý là vùng miền núi phía Bắc có tỷ lệ cao nhất, gấp gần 3 lần tỷ lệ của các khu vực khác. Đây là hậu quả của tập tục tảo hôn trong các tộc người thiểu số sống ở khu vực này vẫn còn tiếp diễn.
Biểu 1: Tỷ lệ sinh vị thành niên (ABR), phân theo nơi cư trú, khu vực, dân tộc
Các tập quán truyền thống như kéo vợ, lấy vợ sớm đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của nhóm thanh niên ở tuổi xây dựng gia đình. Trong quan niệm của một số tộc người cho rằng, con gái ở tuổi 17,18 mà chưa đi lấy chồng được coi là ế (Dao, Mông, Sán Chay,...). Áp lực phải lo tiền thách cưới dường như không ảnh hưởng nhiều đến việc trai gái ở các tộc người đến 14 đến 15 tuổi đã lo đi tìm bạn đời. Chính vì vậy, hiện tượng tảo hôn vẫn xảy ra và không có dấu hiệu giảm ở nhiều tộc người thiểu số vùng miền núi phía Bắc hiện nay. Đối với trẻ em gái khi phải kết hôn sớm, các em phải gánh thêm gánh nặng làm mẹ sớm khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ, chưa đủ kiến thức để nuôi và chăm sóc con nhỏ. Thêm vào đó là gánh nặng phải lo sinh kế cho gia đình khiến cho một bộ phận khá lớn các trẻ em gái ở nhiều tộc người thiểu số đã bỏ học giữa chừng. Vòng quanh luẩn quẩn khiến cho các em cả trai và gái dân tộc thiểu số không thể thoát ra khỏi đói nghèo và có được những kiến thức, trình độ hiểu biết nhất định, đáp ứng được các yêu cầu về chuyển đổi nghề nghiệp và chuyển đổi loại hình lao động thoát ra khỏi sản xuất nông lâm nghiệp như hiện nay.
3.2.2. Vấn đề kết hôn cận huyết thống: tập trung chú ý một số dân tộc có truyền thống kết hôn cận huyết: Lô Lô, Hà Nhì, Pu Péo, Hmông, Dao, Ê đê, Raglai,… Các nguyên nhân và hệ luỵ của kết hôn cận huyết thống
Bảng 6: Số lượng và tỷ lệ người dân tộc thiểu số đã từng kết hôn năm 2014 chia theo tình trạng hôn nhân cận huyết và dân tộc
STT
|
Tên dân tộc
|
Tổng số người từ 12 tuổi trở lên đã từng kết hôn
|
Chia ra
|
Tỷ lệ hôn nhân cận huyết (%o)
|
Có hôn nhân cận huyết
|
Không hôn nhân cận huyết
|
KXĐ
|
Tổng số
|
7,318,337
|
47,224
|
7,192,611
|
78,502
|
6.5
|
4
|
Khmer
|
741,166
|
11,736
|
724,273
|
5,157
|
15.9
|
7
|
Mông
|
591,292
|
6,631
|
575,112
|
9,549
|
11.4
|
10
|
Ê Đê
|
182,168
|
2,092
|
179,739
|
337
|
11.5
|
13
|
Chăm
|
82,431
|
1,282
|
80,648
|
501
|
15.6
|
14
|
Cơ Ho
|
90,194
|
1,595
|
87,952
|
647
|
17.8
|
19
|
Mnông
|
53,318
|
2,134
|
51,005
|
179
|
40.2
|
21
|
Xtiêng
|
44,285
|
1,620
|
42,487
|
178
|
36.7
|
22
|
Khơ mú
|
41,782
|
1,029
|
40,228
|
525
|
25.0
|
23
|
Bru Vân Kiều
|
39,700
|
564
|
38,844
|
292
|
14.3
|
24
|
Cơ Tu
|
36,636
|
1,008
|
35,363
|
265
|
27.7
|
26
|
Tà Ôi
|
24,716
|
250
|
24,338
|
128
|
10.2
|
27
|
Mạ
|
22,703
|
994
|
21,538
|
171
|
44.1
|
33
|
Chu Ru
|
10,219
|
116
|
10,067
|
36
|
11.3
|
35
|
La Chí
|
8,181
|
80
|
7,896
|
205
|
10.1
|
36
|
Kháng
|
8,041
|
128
|
7,891
|
22
|
16.0
|
43
|
Chứt
|
2,832
|
47
|
2,750
|
35
|
16.8
|
45
|
Mảng
|
1,814
|
78
|
1,717
|
19
|
43.6
|
Nguồn: UBDT, Điều tra KT- XH 53 dân tộc thiểu số, 2015
3.2.3. Vấn đề quan hệ gia đình, kết hôn đồng tộc/ khác tộc xuyên biên giới: Đánh giá thực trạng và các yếu tố tác động của kết hôn đồng tộc/ khác tộc xuyên biên giới. Chú ý một số vùng, tộc người có nhiều trường hợp kết hôn đồng tộc/ khác tộc xuyên biên giới: Hmông, Dao, Tày, Nùng, Thái,… Lợi dụng tập quán kết hôn này đã xảy ra nhiều trường hợp buôn bán phụ nữ, trẻ em gái qua biên giới….
Một trong những đặc điểm nổi bật của gia đình DTTS là quan hệ thân tộc, gia đình xuyên biên giới. Với 53 dân tộc thiểu số, có tới 27 dân tộc cư trú ở vùng biên giới và có mối quan hệ xuyên biên giới.
Do đặc điểm văn hóa, lịch sử tộc người, phần lớn các tộc người cư trú xen kẽ dọc các tuyến biên giới có mối quan hệ đồng tộc, quan hệ họ hàng thân thích. Phần lớn trong các nhóm cư dân này có chung nguồn gốc, tương đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán và đặc biệt là cư trú trong một khu vực địa lý cận kề. Chính vì vậy, vấn đề kết hôn với người đồng tộc ở bên kia biên giới là vấn đề đã xuất hiện từ trong lịch sử. Trước đây, các cuộc hôn nhân xuyên biên giới được xem là chuyện bình thường trong mối quan hệ chặt chẽ giữa các cộng đồng đồng tộc hai bên biên giới
Ở vùng giáp biên thuộc tỉnh Hà Giang, Lào Cai, các cộng đồng tộc người thuộc các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Hà Nhì, Giáy, Nùng vốn có mối liên hệ mật thiết với đồng tộc ở bên kia biên giới. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 1980 - 1990, các cuộc viếng thăm giảm đi khá nhiều do mối quan hệ hai nước. Từ sau hiệp định biên giới được ký kết (1991), các quan hệ tộc người giữa hai đường biên giới Việt - Trung bắt đầu phục hồi. Những năm gần đây, nhiều tộc người có xu hướng tăng cường hơn các mối quan hệ tộc người xuyên biên giới như thăm thân, tham gia lễ hội, đặc biệt là kết hôn xuyên biên giới. Một số hộ gia đình do có người thân ruột thịt sống ở bên kia biên giới, họ vẫn thường xuyên giữ liên lạc và qua lại thăm hỏi nhau. Chính điều này cũng đã góp phần thúc đẩy hôn nhân xuyên biên giới của các tộc người này. Mối quan hệ huyết thống và thân thích ở bên kia biên giới đã tạo nên sợi dây liên kết giữa các gia đình, các dòng họ, các thế hệ người dân và cộng đồng với nhau. Quan hệ họ hàng của các tộc người thuộc nhóm Mông- Dao, Tạng Miến thường được duy trì thông qua các hoạt động thờ tự, hiếu hỉ và được phát triển nhờ các cuộc hôn nhân. Nói cách khác những quan hệ huyết thống và thân thích được duy trì, củng cố chủ yếu bởi tình cảm và trách nhiệm tâm linh.
Các tập quán trong hôn nhân và gia đình cũng là mối liên hệ đặc biệt quan trọng gắn kết các mối quan hệ tộc người qua biên giới. Hầu hết các hộ gia đình của các tộc người thiểu số có người thân, họ hàng, người quen ở bên kia biên giới. Trong quá trình sản xuất, tham gia các hoạt động cộng đồng hay thăm thân, các mối liên hệ với người thân ở bên kia biên giới luôn được giữ gìn và gắn kết chặt chẽ. Cũng từ các mối quan hệ thân thiết trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, các cuộc hôn nhân mới được nảy sinh và cũng từ đó mở đầu cho một chu kỳ gia đình mới với những mối quan hệ thân tộc, thông gia, họ hàng mới. Đối với các tộc người thiểu số ở khu vực biên giới Việt - Trung, các hoạt động tinh thần của gia đình, dòng họ, cộng đồng luôn có ý nghĩa và tạo cho họ niềm tin với người thân, đồng tộc của mình ở bên kia biên giới. Do vậy, từ các mối quan hệ này, cùng với đặc điểm cư trú liền kề, gần gũi đã tạo nên các mối quan hệ tình cảm, việc làm, kinh doanh, buôn bán hàng hóa hay liên kết hôn nhân khá phổ biến ở nhiều tộc người vùng biên giới. Chẳng hạn, từ năm 2004 đến 2009, thôn Lao Chải 1 có tất cả 10 trường hợp phụ nữ lấy chồng đồng tộc ở Trung Quốc; chỉ riêng năm 2009 có 4 trường hợp. Quan hệ gia đình, dòng họ xuyên biên giới cộng thêm điều kiện làm ăn, buôn bán mở rộng khiến cho cơ hội hôn nhân xuyên biên giới của phụ nữ Hà Nhì có cơ hội phát triển. Thêm nữa, theo tập quán của người Hà Nhì, nếu trai gái yêu nhau mà bố mẹ không đồng ý, chàng trai có quyền “bắt” cô gái về nhà mình rồi thông báo cho gia đình nhà gái sau. Bởi vậy, một số trường hợp phụ nữ Lao Chải 1 bị nam giới Trung Quốc “bắt” về làm vợ có thể trong bối cảnh này (Vương Xuân Tình, 2011).
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang, chỉ tính riêng từ năm 2010 đến năm 2014, trên địa bàn biên giới của tỉnh này đã có 55 trường hợp phụ nữ ở phía Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng và làm ăn sinh sống tại đó. Riêng điểm nghiên cứu được chọn là huyện Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang, theo báo cáo của Công an huyện Đồng Văn, từ năm 2009 đến nay trên địa bàn toàn huyện có 102 trường hợp phụ nữ bỏ địa phương sang Trung Quốc lấy chồng. Trong đó, trong năm 2009: 20 trường hợp; năm 2010: 14 trường hợp; năm 2011: 17 trường hợp; năm 2012: 36 trường hợp; năm 2014: 15 trường hợp. Có thể nói, tình hình hôn nhân xuyên biên giới Việt- Trung ở trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Hà Giang rất phức tạp, do diễn ra ở các địa phương thuộc biên giới với dân tộc chủ yếu là Hmông, Hà Nhì và Lô Lô.
3.2.4. Vấn đề bạo lực trong gia đình
Bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình đối với phụ nữ DTTS đang là vấn đề nổi cộm. Bạo lực giới vẫn còn là đặc điểm đặc trưng của những cộng đồng nhiều dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm các dân tộc theo chế độ phụ hệ như: Hmông, Lô Lô, Hà Nhì, Pu Péo,... Tình trạng lạm dụng trong hôn nhân cũng dẫn tới bạo lực khi người phụ nữ và trẻ em gái phải gánh trên mình quá nhiều công việc, từ lao động sản xuất tạo ra sản xuất đến các hoạt động chăm sóc gia đình.
Bảng 7 : Lý do bị bạo lực đối với phụ nữ do chồng và bạn tình gây ra
Lý do
|
Kinh
|
Dân tộc thiểu số
|
Đi chơi mà không nói với chồng
|
9,1
|
15,0
|
Bỏ bê con cái
|
19,5
|
28,7
|
Cãi lại chồng
|
13,8
|
21,2
|
Từ chối quan hệ tình dục với chồng
|
3,2
|
6,3
|
Nếu không làm việc nhà
|
5,7
|
11,7
|
Nếu bị phát hiện không chung thủy
|
43,9
|
49,8
|
Bất kỳ lý do nào trong 8 lý do
|
48,5
|
58,6
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Báo cáo MICS Việt Nam 2014
Các lý do dẫn tới bạo lực đối với phụ nữ dân tộc thiểu số lại là những công việc hàng ngày của họ như làm việc nhà, chăm sóc con cái hay chính là nghĩa vụ phải đáp ứng tình dục của chồng bất kỳ lúc nào mà chồng muốn.
Tỷ lệ bạo lực thể chất và/hoặc bạo lực tình dục ở các nhóm DTTS (trong 12 tháng qua) ở mức khoảng 35% (đối với dân tộc Mường) và 8% đối với dân tộc Hmong. Khoảng 22,3% phụ nữ DTTS cho biết trong đời đã từng chịu đựng quan hệ tình dục không mong muốn với bạn tình, so với tỷ lệ chung cả nước là 13,3%. Phụ nữ DTTS thường chịu đựng nhiều hơn khi bị bạo lực, chẳng hạn có 22,3% phụ nữ DTTS cho biết trong đời đã từng chịu đựng quan hệ tình dục không mong muốn với bạn tình, trong khi tỉ lệ cả nước hiện nay là 13,3%. Tỉ lệ bạo lực tinh thần đối với phụ nữ DTTS do người chồng gây ra là 48,8%, trong khi tỉ lệ chung hiện nay là 28,9%. Nhiều phụ nữ DTTS có thái độ chấp nhận bạo lực do người chồng hoặc bạn tình gây ra hơn là phụ nữ người Kinh. 58,6% phụ nữ DTTS thuộc độ tuổi từ 15 đến 49 cho rằng việc người chồng đánh đập người vợ vì các lý do khác nhau là chấp nhận được, trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ Kinh là 48,5% (UBDT và UN Women, 2015) .
Bảng 8: Hành vi bạo lực gia đình đối với người trả lời chia theo dân tộc
Dân tộc
|
Hành vi bạo lực đối với người trả lời
|
|
Sỉ nhục, lăng mạ***
|
Tát, đánh, đấm, bóp cổ***
|
Dùng vũ lực cưỡng ép QHTD**
|
Sử dụng hay lấy 1 phần thu nhập
|
Ngăn cấm gặp gỡ bạn bè**
|
Bắt chi tiêu theo quyết định của mình***
|
Bạo lực gia đình là nguyên nhân kiến phải đi làm ăn xa***
|
Kinh (n=149)
|
32,9
|
18,8
|
4,0
|
10,1
|
7,4
|
7,4
|
-
|
Tày (n=324)
|
32,6
|
8,6
|
2,2
|
8,0
|
7,4
|
4,0
|
24,3
|
Nùng (n=304)
|
39,5
|
5,3
|
0,7
|
1,6
|
3,3
|
1,3
|
25,7
|
Thái (n=166)
|
34,9
|
9,6
|
5,4
|
5,4
|
13,3
|
6,0
|
31,3
|
Hmông (n=328)
|
35,7
|
5,8
|
1,5
|
4,3
|
10,4
|
4,6
|
18,7
|
Dao (n=25)
|
36,0
|
20,0
|
8,0
|
28,0
|
24,0
|
20,0
|
-
|
Xơ Đăng (n= 98)
|
37,8
|
17,3
|
7,1
|
8,2
|
13,3
|
9,2
|
8,2
|
Gia Rai (n=101)
|
50,5
|
15,8
|
1,0
|
11,9
|
10,9
|
5,9
|
14,9
|
Lô Lô (n=22)
|
31,8
|
4,5
|
0
|
9,1
|
13,6
|
13,6
|
27,3
|
Chung (n=1536)
|
36,7
|
9,6
|
2,5
|
6,4
|
8,7
|
5,0
|
22,5
|
Nguồn: Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Kết quả khảo sát thực địa đề tài cấp nhà nước KX02/21 năm 2014 - 2015
Ghi chú: Mức ý nghĩa thống kê: * p<0,1; **p<0,01, *** p<0,001
Có thể thấy, bạo lực gia đình đối với các dân tộc thiểu số là khá nghiêm trọng. Có nhiều hành vi được coi là chấp nhận được trong phong tục tâp quán như kiểm soát không cho đi gặp bạn bè, kiểm soát chi tiêu hay bắt phải quan hệ tình dục theo ý muốn.
Vấn đề buôn bán phụ nữ và trẻ em gái đang diễn ra rất phức tạp
Vấn đề buôn bán phụ nữ và trẻ em gái luôn gây nhức nhối trong cộng đồng, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số. Lợi dụng phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiếu số thường thiếu tự tin, ít hiểu biết và ít giao tiếp với xã hội, những kẻ buôn người thường dễ dàng lôi kéo và đưa người phụ nữ trở thành nạn nhân buôn bán tình dục, lấy chồng người nước ngoài hay buôn bán mại dâm.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2012 - 2017), có khoảng hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán, trong đó, 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người, trong đó, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn...
Hàng năm có tới hàng nghìn vụ bắt cóc, mua bán người bị phát hiện, hàng nghìn nạn nhân trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em bị đưa sang Trung Quốc và các nước khác đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Điện Biên…. Ngoài ra, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…) tiếp cận, rủ rê, lôi kéo nạn nhân
3.2.5. Vấn đề sử dụng và buôn bán chất ma tuý:
Một trong những điểm đáng quan tâm ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay, đó là nguy cơ xảy ra các tệ nạn buôn bán, vận chuyển hàng cấm đặc biệt là ma tuý. Hiện tượng buôn bán và sử dụng ma túy thường diễn ra trong một số gia đình, có quan hệ họ hàng, dòng tộc. Các tội phạm thường đi kèm vợ chồng, con, cháu trong một gia đình hoặc có quan hệ gia đình. Dọc biên giới Việt – Trung và Việt – Lào là những điểm nóng về phòng chống buôn bán ma tuý và buôn bán, vận chuyển hàng hoá bất hợp pháp qua biên giới. Lợi dụng các mối quan hệ thân tộc, các nhóm tội phạm đã tạo ra mạng lưới trao đổi thông tin, vận chuyển hàng ma tuý rất tinh vi. Thực trạng này luôn diễn ra và gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng an ninh bảo vệ biên giới.
4. Một số nhận xét
Trong khuôn khổ bài viết này, vẫn có rất nhiều vấn đề của gia đình dân tộc thiểu số chưa được đề cập một cách đầy đủ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu có thể thấy gia đình dân tộc thiểu số là một trong những đề tài còn ít được nghiên cứu. Trong bối cảnh xã hội đang có nhiều chuyển đổi hiện nay, gia đình dân tộc thiểu số đang gặp rất nhiều thách thức. Những chức năng cơ bản của gia đình vẫn được bảo lưu và phát huy mạnh mẽ. Tuy nhiên, để đảm bảo được các chức năng của gia đình phù hợp với bối cảnh đang chuyển đổi mạnh mẽ hiện nay, chính sách hỗ trợ và phát triển gia đình DTTS cần được nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện một cách bài bản, quy mô và hiệu quả. Vùng DTTS hiện đang là vùng lõi nghèo của cả nước, tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại và nghèo đa chiều được đánh giá một cách đầy đủ hơn. Với những yêu cầu của công cuộc đổi mới hiện nay, nghiên cứu về gia đình DTTS và xây dựng, hoạch định chính sách đối với gia đình DTTS là một việc làm cấp bách và cần thiết. Gia đình vẫn đảm bảo là một thiết chế, là tế bào của xã hội thì cần phải có những chính sách tương ứng để đảm bảo quá trình phát triển của nó không bị tụt lại phía sau và theo hướng bền vững./.
Tài liệu tham khảo
1. Arlene S. , Jerome H. Skolnick, 2009, Family in Transition,FIFTEENTH EDITION Skolnick New York University, New York University
2. Engels, F. (1984), Nguồn gốc của gia đình của sở hữu tư nhân và của Nhà nước, Tuyển tập Marx-Engels, tập 6, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
3. Evant, Grant (chủ biên) (2001), Bức khảm văn hóa châu Á - Tiếp cận nhân học, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
4. J.U. Sêmênốp (1975), Nguồn gốc của hôn nhân và gia đình, Nxb. Tư tưởng Matxcơva, Bản dịch tiếng Việt, Viện Dân tộc học
5. Đặng Thị Hoa, 2015. Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi nước ta. Đề tài cấp Nhà nước KX02.21/11-15.
6. Phạm Quang Hoan và Nguyễn Ngọc Thanh (1992), “Gia đình và hôn nhân”, trong: Các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Nam, Viện Dân tộc học, Hà Nội.
7. Phạm Quang Hoan (1993), “Vài suy nghĩ về hôn nhân và gia đình của các dân tộc ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Dân tộc học, số 2.
8. Nguyễn Doãn Hương (1997), Giáo dục trong gia đình truyền thống của người Thái ở miền Tây Nghệ An, Luận văn Thạc sĩ.
9. Vũ Đình Lợi (1996), Gia đình và hôn nhân truyền thống của các dân tộc Malayô-Pôlynêxia Trường Sơn - Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
10. Nguyễn Doãn Hương (1997), Giáo dục trong gia đình truyền thống của người Thái ở miền Tây Nghệ An, Luận văn Thạc sĩ.
11. Vũ Đình Lợi (1996), Gia đình và hôn nhân truyền thống của các dân tộc Malayô-Pôlynêxia Trường Sơn - Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
12. Lâm Bá Nam (2013), Vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc: giao thoa từ góc nhìn địa văn hóa và tộc người, http://bienphongvietnam.vn/, 12/7/2013 10:41.
13. Bùi Xuân Đính, Nguyễn Ngọc Thanh .2012. Một số vấn đề cơ bản về kinh tế - xã hội ở các tỉnh biên giới Việt Nam. Đề tài cấp Bộ lưu tại Thư viện Viện Dân tộc học.
14. Trung tâm nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng, 2013, Báo cáo đánh giá giữa kỳ dự án Cải thiện sức khoẻ bà mẹ và trẻ em DTTS thông qua hành vi có lợi cho sức khoẻ
15. Tổng cục Thống kê, Điều tra mức sống hộ gia đình, 2014
16. Tổng cục Thống kê và UNICEF, 2015, Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam
17. WB, 2016, Báo cáo đánh giá Quốc gia Việt Nam
Nguồn: Bài đăng kỷ yếu hội thảo (tác giả cung cấp)