TS. Nguyễn Đình Đáp
Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Tóm tắt: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là vấn đề thách thức của Việt Nam. Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh 64.658 tấn CTRSH, trong đó chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Các chương trình phân loại CTRSH tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, mới chỉ mang tính phong trào, chưa đủ mạnh để duy trì lâu dài. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 đã quy định bắt buộc phân loại rác tại nguồn với các nội dung, lộ trình cụ thể. Một số giải pháp để thực hiện hiệu quả phân loại rác như áp dụng các biện pháp khuyến khích về kinh tế đối với người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, cải thiện hệ thống, phương tiện thu gom. Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức cho cộng đồng, có như vậy mới mong thực hiện hiệu quả quy định phân loại rác tại nguồn, góp phần BVMT và phát triển bền vững.
Từ khóa: chất thải rắn sinh hoạt, phân loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội đã làm gia tăng lượng chất thải, đặc biệt là CTRSH. Hiện nay vấn đề CTR đang là một trong những vấn đề môi trường bức xúc ở Việt Nam [1]. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tổng lượng CTRSH của Việt Nam là không lớn, nhưng điều đáng quan tâm là CTRSH không được phân loại từ nguồn trước khi xử lý [13]. Theo số liệu ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh trên 60 nghìn tấn, tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại bị chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt tiêu hủy thông thường [13].
Nếu tất cả các công đoạn trong quản lý chất thải được thực hiện tốt (phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý) sẽ góp phần tận dụng được những giá trị kinh tế từ chất thải, giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý, giảm ô nhiễm môi trường và đặc biệt có ý nghĩa cho doanh nghiệp, xã hội và cho cả nền kinh tế [2, 8].
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó Mục tiêu 12.5 đã nêu rõ “Đến năm 2030, giảm đáng kể lượng chất thải phát sinh, tăng cường giá trị kinh tế của nguồn tài nguyên chất thải thông qua việc phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải”. Trong những năm qua, nhiều địa phương ở nước ta đã nhận thức được những giá trị, lợi ích kinh tế từ chất thải nên đã thực hiện có nhiều mô hình phân loại CTRSH tại nguồn, có những giải pháp để tái sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm tái chế từ chất thải [3]...
Bài viết này sẽ làm rõ hơn thực trạng, lợi ích của việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn nhằm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế CTR ở Việt Nam, từ đó đưa ra những giải pháp thúc đẩy việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, góp phần thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Bài viết sử dụng các dữ liệu thứ cấp từ các công trình khoa học, các báo cáo đã được công bố có nội dung liên quan như Báo áo hiện trạng môi trường quốc gia, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia, các số liệu từ kết quả điều tra của nhiệm vụ môi trường "Điều tra, khảo sát hiện trạng và đề xuất mô hình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng tại một số đảo lớn ở nước ta” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì [10].
Phương pháp nghiên cứu chủ yếu được sử dụng là phương pháp tổng hợp và phân tích tư liệu. Trên cơ sở các tài liệu thu thập được, nhóm tác giả tiến hành tổng hợp, phân tích theo nội dung của chủ đề nghiên cứu. Ngoài ra, trên cơ sở kết quả xử lý, phân tích số liệu khảo sát được thực hiện của nhiệm vụ môi trường nói trên, tác giả tập trung làm rõ thực trạng, phân tích một số khó khăn và bước đầu đề xuất giải pháp thúc đẩy, tăng cường giá trị kinh tế từ chất thải.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Hiện trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam
Theo “Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016-2020” do Bộ TN&MT công bố (năm 2021), lượng CTRSH vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước, trung bình 64.658 tấn/ngày. Lượng CTRSH đô thị tăng trung bình 10-16%/năm (với tổng khối lượng phát sinh 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm) [1].
Việc phân loại CTR tại nguồn mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương và còn mang tính khuyến khích, chưa có tính cưỡng chế cao. Theo đó, chất thải hầu hết được phân loại thành chất thải có thể đốt được, chất thải có thể tái chế và các loại chất thải khác... Mặt khác, các địa phương chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại [5]. Do vậy, trong nhiều trường hợp chất thải được vận chuyển chung trong cùng thiết bị, phương tiện, dẫn đến việc phân loại tại nguồn chưa có hiệu quả. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp chất thải được phân loại tại nguồn trong khi cơ sở xử lý chỉ áp dụng một phương pháp xử lý chung nên hiệu quả của việc phân loại tại nguồn không cao [6].
Việc thu gom vận chuyển CTR được thực hiện khác nhau giữa đô thị và nông thôn, giữa các địa phương và thậm chí giữa các vùng trong cùng một địa phương. Tại đô thị, chất thải phát sinh tại các hộ gia đình thông thường được các đơn vị thu gom theo giờ nhất định, các phương tiện xe thủ công được người thu gom sử dụng để chuyển rác thải ra các điểm tập kết, từ đó đưa lên xe vận chuyển về cơ sở xử lý hoặc về trạm trung chuyển trước khi chuyển về cơ sở xử lý [9, 12]. Tỷ lệ thu gom CTRSH khu vực đô thị của các địa phương đạt từ 62% đến hơn 90%, một số địa phương đạt tỷ lệ thu gom cao như Bình Dương, Đồng Nai, Thái Bình, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội [2]. Theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2025 thì 90% tổng lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT [7].
Công tác vận chuyển CTRSH hiện còn gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường (hoặc giá dịch vụ thu gom, vận chuyển) thu từ các hộ gia đình hiện nay mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển. Ngoài ra, năng lực vận chuyển của một số địa phương còn hạn chế, phương tiện vận chuyển còn gây rò rỉ, rơi vãi chất thải trong quá trình vận chuyển [13].
Hiện nay, trên cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm 381 lò đốt, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh (khoảng 80%). Trên tổng khối lượng CTRSH được thu gom, có đến 70% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Trên cả nước hiện có 117 cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại đạt khoảng 90% (tăng 5% so với năm 2020), vượt chỉ tiêu đề ra cả năm (85%) [13].
Hiện nay tỷ lệ CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp là khoảng 71%. Trong 904 bãi chôn lấp hiện nay chỉ có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Các công nghệ xử lý CTRSH đang áp dụng ở nước ta (kể cả các công nghệ nước ngoài) ngày càng đa dạng nhưng hiệu quả thực tế chưa được tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ [1, 13]. Một số công nghệ trong nước đang triển khai áp dụng bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định. Các công nghệ được nghiên cứu trong nước hầu hết do các doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm nên việc hoàn thiện công nghệ cũng như triển khai ứng dụng trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn [8]. Các công nghệ nước ngoài khi sử dụng tại Việt Nam gặp một số khó khăn do CTR phần lớn chưa được phân loại tại nguồn, độ ẩm cao, điều kiện thời tiết nhiệt đới, lượng CTR tiếp nhận thấp hơn công suất thiết kế hoặc không ổn định, đầu tư khá cao dẫn đến chi phí xử lý cao [12].
3.2. Thực trạng phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Theo Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn trên phạm vi toàn quốc đã được thực hiện ở một số địa phương từ nhiều năm trước: Hưng Yên (2012-2014), Bắc Ninh (2014), Lào Cai (2016), Bình Dương (2017-2018), Đồng Nai (2016-2018), Đà Nẵng (2017), Hà Tĩnh (2019)... tuy vậy, hiệu quả thu về khá khiêm tốn [3].
- Hà Nội: đã thực hiện dự án phân loại rác tại nguồn (3R) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ từ năm 2006. Dự án được triển khai thí điểm trên tại 04 phường nội thành (Phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công và Láng Hạ). Từ năm 2006 đến hết năm 2009, 18.000 gia đình được tập huấn cách phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại CTRSH trên địa bàn Hà Nội không được duy trì. Nguyên nhân là chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm...
Trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn CTRSH. Ước tính, số rác thải của TP. Hà Nội tăng thêm khoảng 5% mỗi năm, dự tính đến năm 2030, mỗi ngày Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), công tác quản lý CTRSH của Hà Nội đang gặp nhiều vấn đề. Đó là việc chưa có quy hoạch hạ tầng, chưa đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom vận chuyển [7]. Việc bố trí quỹ đất cho các dự án đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình bảo vệ đã được quy định tại Khoản 6, Điều 78, Luật BVMT năm 2020 chưa sát với thực tế thu gom và xử lý rác nội đô… Một vấn đề nữa là kinh phí bố trí cho hoạt động môi trường còn khó khăn; chưa có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ đổi mới công nghệ trong công tác thu gom chuyển đổi rác. Công tác phân loại rác tại nguồn cũng chưa có kế hoạch thực hiện, không có quy hoạch hạ tầng đối với các cơ sở tập trung phân loại tái chế của Thành phố…
- TP. Hồ Chí Minh: sau nhiều năm thực hiện cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường, kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước" và thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Ngoài một số cơ quan, đơn vị, công sở, trường học, siêu thị, các chuỗi cà phê lớn… quan tâm triển khai thực hiện thì hầu hết người dân trên địa bàn Thành phố vẫn chưa thực sự chú ý đến việc phân loại rác tại nguồn [6].
Hầu hết tại các khu dân cư trên địa bàn Thành phố, các loại rác thải từ vô cơ, hữu cơ đến rác thải y tế (bông gạc, khẩu trang…) được tập kết vào các thùng rác cỡ lớn hoặc các vật dụng như thùng xốp, bao bì… Người dân đã quen với việc để chung các loại rác, nhiều người khi được hỏi đến việc phân loại thì tỏ ra bất ngờ hoặc thờ ơ.
Đồng Nai: hiện mỗi ngày TP. Biên Hòa phát sinh từ 500 - 700 tấn CTRSH, đa phần trong số này được thu gom và đưa đi chôn lấp. Tình trạng này đang gây quá tải cho công tác thu gom và xử lý rác [5]. Dù đã nỗ lực, nhưng hoạt động thu gom, xử lý, phân loại rác ở TP. Biên Hòa chưa đạt yêu cầu. Dù là đô thị loại I nhưng tại TP. Biên Hòa, rác sinh hoạt vẫn bị vứt bừa bãi ở nhiều nơi. Tại nhiều “bãi rác” tự phát ở TP. Biên Hòa có đủ loại rác, từ rác hữu cơ, đến chai lọ thủy tinh, bao bì nhựa, giấy, thậm chí cả rác cồng kềnh khó phân hủy (như: nệm, ghế salon cũ...).
Thực tế ở TP. Biên Hòa cũng là tình trạng chung của rất nhiều hộ gia đình Việt Nam. Đó là nhiều người ngại phân loại rác tại nguồn bởi việc bỏ chung tất cả rác vào một bịch thường nhanh gọn, tiện lợi hơn là việc phải lựa chọn từng loại cho vào những thùng rác, bao bì riêng. Mấu chốt vẫn là chưa hình thành được thói quen phân loại, đây chính là câu trả lời cho việc vì sao phân loại rác thải tại nguồn… chỉ thực hiện được một thời gian, dù đã được triển khai cả chục năm qua và triển khai rất nhiều lần.
- Quảng Ngãi: mỗi ngày huyện đảo Lý Sơn có từ 27 - 28 tấn rác sinh hoạt thải ra môi trường (cao điểm lên đến 40 tấn). Do đó, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ góp phần BVMT, giảm chi phí xử lý. Để giải quyết được bài toán này, cần triển khai đồng bộ ở nhiều khâu, trước tiên là người dân phải làm tốt việc phân loại tại nguồn, còn đơn vị xử lý rác phải thu, gom xử lý kịp thời, đáp ứng yêu cầu đặt ra [10].
Mô hình phân loại rác thải tại nguồn được huyện Lý Sơn thí điểm đầu năm 2019 tại khu dân cư số 1 thôn Đông An Vĩnh, khu dân cư số 3 thôn Đông An Hải với 520 hộ tham gia. Huyện Lý Sơn đã cấp phát gần 1.300 thùng rác và hàng ngàn poster phân loại rác; mở các lớp tập huấn hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho các hộ gia đình ở 2 khu dân cư trên. Thời gian đầu người dân hưởng ứng khá tốt, nhưng sau đó nhiều hộ bỏ ngang vì lý do Nhà máy xử rác Lý Sơn thuộc Công ty Đa Lộc không thu gom riêng biệt từng lọai rác được người dân phân loại, mà lại dồn chung nên nhiều người dân không còn phân loại. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, chỉ có 17% hộ gia đình còn duy trì việc phân loại rác tại nguồn. Người dân thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho rằng: "Bà con phân loại rác tốt, nhưng do Công ty nó không thực hiện được, nó cứ dồn chung một loại. Lúc đầu nó vẫn hứa cuối tuần thu một lần rác vô cơ, nhưng nó không thực hiện được, nó vẫn dồn chung hết nên người dân rất bức xúc không phân loại nữa” [10].
- Thanh Hóa: tại phố 6, phường Đông Sơn (TP. Thanh Hóa), tất cả các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn thu gom chung các loại rác, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền cũng như tâm lý người dân trong phân loại rác thải. Việc phân loại rác thải tại nguồn vẫn đang ở mức mô hình nên phần lớn gia đình chưa thực hiện. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có hơn 300.000 tấn rác vô cơ, hữu cơ, rác tái chế trộn lẫn phải chôn lấp, chiếm tới 68% tổng lượng rác phát sinh [6].
3.3. Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật BVMT 2020
Muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý. Phân loại tại nguồn sẽ cho rác thải một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.
Nhận thấy rõ yêu cầu bức thiết BVMT thông qua phân loại CTRSH tại nguồn, Luật BVMT năm 2020 đã dành 6 điều quy định rõ ràng về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH. Luật BVMT 2020 đã có sự thay đổi căn bản và vượt bậc trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang cho các chủ thể phát sinh tự chi trả. Luật đã thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTSH bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý. CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
1) Nguyên tắc phân loại:
Theo điều 75 Luật BVMT năm 2020, CTRSH (hay còn gọi là rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Phân loại CTRSH là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình.
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.
Bao bì đựng các loại CTRSH khác nhau có màu sắc khác nhau; bao bì đựng chất thải thực phẩm có màu xanh, bao bì đựng CTRSH khác có màu vàng. Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có thể quy định màu sắc khác, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh;
2) Thu gom, vận chuyển
Cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom và công bố rộng rãi. Đồng thời có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của CTRSH khác theo quy định.
3) Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý
CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải thực phẩm nếu không được phân loại thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý như đối với CTRSH khác.
UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
4) Lộ trình thực hiện:
Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ "quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT” có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 theo đó có quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH, không sử dụng bao bì chứa rác sẽ bị phạt tiền (tuy nhiên, việc xử phạt chỉ áp dụng từ sau ngày 31/12/2024).
Từ ngày 25/8/2022 đến 31/12/2024 là khoảng thời gian giúp cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải, làm quen với việc phân loại rác thải hàng ngày; hiểu và xem việc phân loại rác như một tập quán trong đời sống hằng ngày, xem rác như một nguồn tài nguyên, có lợi cho chính họ và cộng đồng xã hội.
Sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt và chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
3.4. Giải pháp thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Thực tế các dự án phân loại CTRSH tại nguồn của một số tỉnh, thành phố chưa thành công trong việc nhân rộng và triển khai đại trà, trên cơ sở quy định của Luật BVMT 2020, bài báo đưa ra một số giải pháp và khuyến nghị như sau:
Thứ nhất: Nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng
Ý thức về phân loại rác tại nguồn của người dân có thể là chưa cao, chưa nhận thức được lợi ích to lớn về phân loại rác tại nguồn mang lại. Nhưng làm thế nào để người dân dễ dàng thống nhất thực hiện lại là trách nhiệm của chính quyền.
Tham khảo ý kiến từ rất nhiều gia đình, họ đều có ý thức phân loại rác, nộp phí vệ sinh nhưng luôn đòi hỏi phải kèm theo quy định rõ ràng. Nếu chính quyền có cách tổ chức tốt, người dân sẽ ủng hộ.
Thứ hai, cần có hướng dẫn chi tiết khi triển khai quy định trong thực tế
Luật quy định CTR phải phân loại để tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm nên ủ để làm phân bón... Vậy cái nào là CTR có thể tái chế, tái sử dụng, cái nào là chất thải thực phẩm? Nếu không có hướng dẫn chi tiết các loại chất thải dễ dẫn đến tranh cãi. Hướng dẫn cụ thể hơn là gì?
Nếu suy từ Luật và Nghị định ra, có rất nhiều chi tiết cần làm rõ: Giá xác định đối với chủ nguồn thải được tính theo khối lượng và thể tích ra sao? Túi để đo thể tích và công cụ để xác định cân nặng thế nào? Tài chính để trang bị túi, thùng phân loại ở đâu? Phụ cấp cho lực lượng tuyên truyền, lực lượng giám sát là từ nguồn nào? Không gian cho các điểm đặt thùng thu gom, trung chuyển?
Thứ ba, xây dựng hướng dẫn đối với công nhân thu gom
Quy định công nhân môi trường được từ chối thu gom nếu người dân không phân loại rác tại nguồn cũng phải có hướng dẫn. Phân loại, thu gom như thế nào, nếu không hợp tác thì bị phạt ra sao? Việc này còn phải tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, phối hợp thực hiện chứ không chỉ áp dụng mức phạt tiền là xong.
Bên cạnh đó, cần cải thiện công tác thu gom thông qua ứng dụng trạm trung chuyển hoặc các cơ sở xử lý trung gian. Đồng thời, thay đổi quy trình tác nghiệp của người công nhân để tập trung hơn vào hướng dẫn người dân...
Thứ tư, cần thiết lập mạng lưới thu gom, phương tiện thu gom đảm bảo
Lâu nay có một số ý kiến cho rằng, người phân loại cứ phân thành 2, 3; cơ sở thu gom lại dồn thành 1. Điều này có nhưng do khách quan đưa lại. Bởi nếu không dồn chung xe thì 3 loại rác phải có 3 loại xe chuyên chở khác nhau, gây áp lực cho giao thông. Còn tích hợp loại xe 3 trong 1 cũng phải có thời gian chuẩn bị và kinh phí đầu tư. Quan trọng, đơn vị thu gom cũng chờ thông tư hướng dẫn chung và hướng dẫn của địa phương để triển khai. Khi chưa có hướng dẫn, sẽ rất khó cho việc “chuyển mình” từ phía đơn vị thu gom.
Do vậy, trong thời gian tới, các cơ qua chức năng cần đưa ra các hướng dẫn, quy định chuẩn hóa phương tiện thu gom, nếu phương tiện đạt chuẩn, người thu gom kiên quyết không thu gom của những người không phân loại thì 2, 3 ngày người dân sẽ tự giác phân loại. Trước tiên phải đầu tư trang thiết bị thu gom rác phù hợp với việc triển khai phân loại rác, đồng thời thiết lập quy trình thu gom, ví dụ thu gom rác hữu cơ ngày nào, vô cơ ngày nào đồng bộ trên toàn địa bàn.
Thứ năm, áp dụng triệt để nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” thông qua phương thức thu phí
Phí thu gom CTRSH hiện do HĐND cấp tỉnh tự quyết định. Ví dụ, như HĐND TP Hà Nội quy định mức phí thu gom 6 nghìn đồng/người/tháng, đối tượng xả nhiều hay ít cũng trả chừng ấy tiền. Số này chỉ đủ cho việc thu gom từ hộ gia đình đến điểm trung chuyển. Còn vận chuyển và xử lý rác sau đó hoàn toàn do Nhà nước chi trả. Như vậy, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền mà Luật BVMT quy định chưa được áp dụng trong xử lý rác thải hiện nay.
Do vậy, muốn phân loại rác tại nguồn cần có các loại túi rác phù hợp, mầu sắc và kích thước của túi rác cũng cần quy định cụ thể để phân loại thuận tiện. Hiện nay có một số thiết bị có thể cân được rác bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, chỉ quẹt thẻ là máy tự động cân, hiện lên số lượng trừ tiền vào thẻ. Nhưng ở Việt Nam chưa thể áp dụng được, nên phổ biến là sử dụng các túi rác có dung tích xê dịch từ 3-5 đến 10 lít... Người dân dùng các túi ấy để phân loại rác và chuyển về nơi xử lý. Như vậy, họ đã trả đầy đủ các loại phí: phí túi, phí thu gom, phí vận chuyển và phí xử lý rác.
4. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn trên phạm vi toàn quốc đã được thực hiện ở một số địa phương từ nhiều năm trước. Tuy vậy, hiệu quả thu về còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do CTRSH tái chế thường được các hộ gia đình, người đi thu gom ve chai nhặt và bán trước khi đơn vị cung ứng dịch vụ có thể thu hồi; thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển chưa phù hợp với CTRSH được phân loại; nhiều nơi áp dụng một phương pháp xử lý cho tất cả CTRSH được thu gom; kinh phí thực hiện cho phân loại CTRSH tại nguồn cao; chưa nhận được sự hưởng ứng của chính quyền địa phương và thiếu chương trình truyền thông mang tính tổng thể về phân loại CTRSH tại nguồn.
Luật BVMT năm 2020 cũng đã quy định trách nhiệm phân loại của hộ gia đình, cá nhân thay vì khuyến khích việc phân loại như trước đây. Thời hạn phải áp dụng quy định này chậm nhất là ngày 1/1/2025. Căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí, lựa chọn hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, giám sát việc thực thi, phổ biến tuyên truyền cho người dân về phân loại rác. Ngoài ra, các địa phương sẽ quy định chi tiết về giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Việc làm đầu tiên và quan trọng nhất là việc nâng cao ý thức và nhận thức cho tất cả người dân đặc biệt là thế hệ trẻ, phải được tiến hành toàn diện, trong một thời gian dài, phát huy tối đa tính tiếp cận của phương tiện truyền thông, báo chí. Cùng đi đôi với việc nâng cao nhận thức là phải cung cấp cho người dân cách thức và phương tiện để phân loại rác một cách dễ dàng nhất (thùng rác, nơi đổ rác…). Việc đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, thu gom, đặc biệt là xử lý tái chế CTRSH là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của phân loại rác tại nguồn.
Tài liệu tham khảo
1- Bộ TN&MT (2021). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
2- Bộ TN&MT (2022). Báo cáo tổng kết công tác BVMT giai đoạn 2016 - 2022 và định hướng giai đoạn 2022 - 2025. Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V, năm 2022.
3- GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng (2022). Thực trạng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và công nghệ tái chế rác thải tại Việt Nam. Tạp chí Môi trường và Đô thị, số tháng 11/2022.
4- Hàn Trần Việt (2022). Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH ở Việt Nam. Báo cáo tổng hợp đề tài KHCN cấp Bộ, TNMT.2020.04.04.
5- Huyền Nga, Quang Ánh, Bảo Nguyên (2022). Phân loại rác tại nguồn để tối ưu hóa nguồn tài nguyên rác thải. Nhân Dân hàng tháng, số tháng 6/2022.
6- Minh Minh (2022). Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, số tháng 8/2022.
7- Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (2018). Hiện trạng quản lý CTRSH đô thị và nông thôn.
8- Nguyễn Danh Sơn (2022). Xã hội hóa quản lý CTRSH đô thị từ góc nhìn lợi ích kinh tế. Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn, số 3/2022
9- Nguyễn Đình Đáp (2021). Hiện trạng và giải pháp phát triển hợp tác xã dịch vụ môi trường. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, số tháng 9/2021.
10- Nguyễn Đình Đáp (2024). Điều tra, khảo sát hiện trạng và đề xuất mô hình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng tại một số đảo lớn ở nước ta. Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ BVMT của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
11- Nguyễn Trung Thắng (2020). Tổng quan về quản lý CTR trên thế giới và một số giải pháp cho Việt Nam. Tạp chí Môi trường, số 10/2020.
12- Trần Hiếu Nhuệ (2022), Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Báo cáo tổng hợp đề tài KHCN cấp Bộ, TNMT.2019.04.05.
13- Vụ Quản lý chất thải - Tổng cục Môi trường (2022), Báo cáo chuyên đề quản lý chất thải. Hội nghị môi trường toàn quốc năm 2022.
Nguồn: Tác giả