Phát huy vai trò của vốn xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy vai trò của vốn xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn

26/11/2024

Vốn xã hội là một khái niệm tương đối mới mẻ trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam vai trò của vốn xã hội đến với tăng trưởng kinh tế đang được quan tâm, chú trọng. Ở lĩnh vực nghiên cứu, vốn xã hội được coi là một hướng tiếp cận liên ngành có tính chất thời sự, góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra trong tiến trình phát triển xã hội nông thôn nói riêng cũng như phát triển kinh tế xã hội ở nước ta nói chung.

Vốn xã hội (VXH) là khái niệm mới nổi trong đời sống quốc tế và đang được quan tâm tìm hiểu, vận dụng nhiều hơn trước. Ở Việt Nam, vai trò của VXH đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội cũng đang được lưu tâm, chú trọng hơn. Trong quá trình nước ta đang đổi mới về thể chế kinh tế – chính trị, mô hình phát triển kinh tế – xã hội, hệ thống thị trường và hệ thống luật pháp chưa kiện toàn nên vai trò điều tiết của chúng không phải lúc nào cũng hiệu quả và kịp thời đối với đời sống kinh tế, VXH có thể giúp khỏa lấp những khoảng trống, bù đắp những bất cập nảy sinh từ tình hình trên.

Theo các nghiên cứu mới nhất, vốn xã hội là một khái niệm bao gồm các thể chế, mối quan hệ và các giá trị như lòng tin, quy tắc, hành xử… chi phối sự tương tác giữa con người với con người đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nói chung và phát triển kinh tế nói riêng.

Việc phát triển VXH góp phần gia tăng yếu tố tín nhiệm xã hội đối với việc xây dựng một môi trường xã hội tích cực, góp phần hóa giải các mâu thuẫn xã hội, hài hòa các lợi ích xã hội, cải thiện mạng lưới các quan hệ xã hội ngày càng đa nguyên và đan xen phức tạp. Về tổng thể, góp phần thúc đẩy hình thành một trật tự, một đời sống xã hội lành mạnh, hài hòa và nhân văn hơn. Như vậy, nghiên cứu VXH và các khía cạnh kinh tế – xã hội của nguồn vốn này đối với sự phát triển của một quốc gia là điều cần thiết.

Phát huy vốn xã hội trong phát triển kinh tế

Trong những thập niên gần đây, các nhà nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế đã chuyển sự quan tâm sang các tác nhân tăng trưởng mới trong đó có vốn xã hội. Theo các nghiên cứu mới nhất do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện thì ở các cộng đồng có vốn xã hội cao, vốn xã hội sẽ thúc đẩy giảm nghèo, hòa nhập xã hội từ đó có ảnh hưởng đến hiệu suất giáo dục, cải thiện các cơ sở chăm sóc sức khỏe và phúc lợi cá nhân, tăng sự tham gia của công dân, giảm tham nhũng và giảm tỷ lệ tội phạm.

Vốn xã hội từ lâu đã trở thành trọng tâm nghiên cứu trong ngành xã hội học, các nhà xã hội học coi vốn xã hội là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành bối cảnh xã hội từ đó góp phần vào phát triển kinh tế. Người ta dễ dàng nhìn thấy sự thịnh vượng về kinh tế, sự phát triển xã hội của một quốc gia, một địa phương qua sự biểu hiện của các nguồn vốn hữu hình (như đóng góp GDP, thu nhập, giá trị tiền tệ, trình độ dân trí, chất lượng cuộc sống…). Đối với vốn xã hội, các yếu tố đo lường lại là những yếu tố vô hình, khó để có thể cân, đo, đong, đếm, khó nhìn thấy trực tiếp được. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều yếu tố đo lường khác nhau nhưng có thể tổng hợp 3 yếu tố chính đó là: Sự tin cậy; Sự trao đổi, hợp tác; Mạng lưới xã hội.

Mặc dù khái niệm vốn xã hội được du nhập vào Việt Nam chưa lâu nhưng thực tế phát triển xã hội ở Việt Nam với sự tồn tại của nhiều hình thức tổ chức xã hội như hội, phường, họ… đã chứa đựng những nguồn vốn xã hội quan trọng và trong thực tế người ta đã biết sử dụng nguồn lực này để hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong nhiều hoạt động kinh tế – xã hội khác nhau.

Nhận định về vai trò của VXH trong phát triển kinh tế, nhất là đối với người dân ở miền Tây nghệ An, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê (Viện Nghiên cứu Con người) cho biết: việc nghiên cứu về VXH tại vùng miền Tây tỉnh Nghệ An là một đại diện khá đặc thù cho vùng nông thôn ở Việt Nam với nhiều nhóm dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là địa phương có nhiều xã đang thuộc diện khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao. Việc làm rõ vai trò của VXH trong phát triển kinh tế có ý nghĩa quan trọng, nếu được phát huy tốt nó sẽ trở thành bài học cho các địa phương khác học tập để rút kinh nghiệm. Từ đó có thể tận dụng được các nguồn nội lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết được các bài toán đang đặt ra tại địa phương mình trong tiến trình phát triển ngắn, trung và dài hạn.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê: Miền Tây Nghệ An được biết đến là khu vực có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nhưng cũng chính vì vậy mà nơi đây cũng tạo ra nhiều sản vật ngon, lạ, người dân nơi đây có tính cố kết cộng đồng rất cao, các mối quan hệ láng giềng, huyết tộc, họ hàng, thông gia thường quyện chặt vào nhau, tạo nên sự cố kết bền vững giữa các thành viên trong làng bản, giữa các làng bản. mối liên kết này nếu được phát huy tốt sẽ là một trong các yếu tố tạo nên VXH bền vững, có ý nghĩa hỗ trợ người dân trong việc nắm bắt các cơ hội sản xuất, kinh doanh, phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao sinh kế - xã hội[1].

Sự cần thiết phải nghiên cứu vốn xã hội ở nông thôn Việt Nam

Với khoảng 70% dân số đang sống tại 9 nghìn xã, khu vực “tam nông”, Việt Nam đã xác định được chiến lược phát triển toàn diện, phù hợp - chiến lược xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thông mới như: quy hoạch; xây dựng và phát triển hạ tầng; đầu tư vốn; phát triển thị trường; phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm phát huy vai trò của vốn xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn...

Khẳng định mức độ cần thiết phải nghiên cứu VXH, GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh (Khoa XHH, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết: Việc nghiên cứu về VXH ở khu vực nông thôn sẽ giúp nhận ra vai trò tích cực của “loại vốn” này trong giai đoạn Đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay.
Hiện nay các nghiên cứu về VXH ở Việt Nam mới chỉ tập trung tìm hiểu VXH trong phạm vi nhỏ, phạm vi nghiên cứu còn hạn chế ở quy mô làng, xã. Vì vậy, rất cần thiết phải có thêm các nghiên cứu ở mức độ rộng lớn hơn. Điều này sẽ giúp mang lại sự hiểu biết cụ thể hơn về tác dụng tích cực của VXH ở khu vực nông thôn. Cũng cần phải hiểu rằng, bên cạnh những mặt tích cực, VXH cũng bao gồm cả những điểm tiêu cực. Một số câu hỏi đang được các nhà khoa học quan tâm đó là: với cơ chế thị trường và bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc sử dụng VXH ở nông thôn có tạo ra những giới hạn đối với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, VXH giữa những người nông dân ở cùng địa bàn cư trú có dựng nên rào cản ngăn họ hợp tác làm ăn với những người bên ngoài, làng, địa phương của họ hay không? Thêm nữa, tác động trái chiều của VXH có gây nên sự mất đoàn kết, mất dân chủ, thiếu minh bạch trong thực tiễn cuộc sống ở khu vực nông thôn hay không? Đây là những câu hỏi được cho là vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo trên cơ sở nghiên cứu thực nghiệm, đã và đang đặt ra một khoảng cách có thực giữa hoạt động khoa học và đời sống thực tiễn của đất nước.

TS. Tuấn nhận định thêm: Những nghiên cứu thực nghiệm về việc khai thác và sử dụng VXH của người nông dân sẽ góp phần xóa dần đi khoảng cách giữa khoa học và thực tiễn, đưa khoa học đến gần và vào cuộc sống. Mặt khác, các nghiên cứu về lĩnh vực này sẽ cho phép khái quát hóa về mặt lý thuyết của sự vận động lẫn vai trò của VXH trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn, giải quyết tốt các vấn đề đang đặt ra trong tiến trình phát triển xã hội nông thôn nói riêng cũng như phát triển xã hội nói chung ở nước ta trong những năm sắp tới. Đồng thời, cung cấp thêm các luận cứ khoa học cần thiết cho các nhà quản lý trong việc hoạch định chính sách và biện pháp nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nhất là các chính sách liên quan đến tích tụ ruộng đất, đổi  mới sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tín dụng, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và mở rộng dân chủ cơ sở[2].

Phạm Vĩnh Hà (tổng hợp)

 


[1] Báo cáo tham luận đề tài trọng điểm cấp Bộ “Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương” của Viện Nghiên cứu Con người (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) hợp tác với Trung tâm KHXH&NV – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An thực hiện

[2]Trích tham luận “Vốn xã hội và sự cần thiết nghiên cứu vốn xã hội ở nông thôn Việt Nam hiện nay do GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh trình bày tại Hội thảo quốc tế “Đóng góp của KHXH-NV trong phát triển kinh tế xã hội”

 

Các tin đã đưa ngày: