|
Các nhà khoa học Việt Nam và Châu Phi dự Hội thảo về quan hệ Việt Nam - Châu Phi tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đã có nhiều ý kiến trao đổi được thảo luận về khả năng hợp tác giữa hai bên trong thời gian sắp tới, nhận được rất nhiều sự quan tâm theo dõi của toàn thể Hội thảo |
Đánh giá tổng quan mối quan hệ giữa Việt Nam - Châu Phi, ông Nguyễn Quang Khai, Đại sứ Việt Nam tại UAE cho biết: Về quan hệ chính trị: Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 54/55 nước Châu Phi và hiện đang thúc đẩy các thủ tục để sớm thết lập quan hệ với Malawi, Việt Nam hiện có 15 đại sứ quán và đã bổ nhiệm lãnh sự danh sự tại khu vực, ký được 180 hiệp định, thỏa thuận hợp tác, trong đó có 50 Hiệp định khung, 15 Hiệp định bảo hộ đầu tư, 15 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, 10 biên bản thỏa thuận về hợp tác lao động. Có cơ chế hợp tác linh hoạt với sự phối hợp của Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên chính phủ cấp Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng với 22 nước. Bên cạnh đó còn có cơ chế Tham vấn Chính trị cấp Thứ trưởng ngoại giao với 21 nước trong khu vực.
Về quan hệ hệ kinh tế Việt Nam có quan hệ thương mại với tất cả các nước và 11 bộ phận Thương vụ tại đây. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước liên tục tăng. Tính đến hết tháng 8/2021, Việt Nam đã xuất khẩu 5,22 tỷ USD hàng hóa sang khu vực này và nhập khẩu khoảng 5,49 USD hàng hóa, lần lượt đóng góp 2,45% và 2,5% vào kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước, trong đó Việt Nam đạt tỷ lệ xuất siêu gần 5 tỷ USD.
Mặc dù được đánh giá là khu vực tiềm năng cho các dự án hợp tác phát triển, Châu Phi hiện nay đang là khu vực phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, chỉ đứng thứ hai về mức độ nghiêm trọng, sau Bắc cực và Nam cực. Theo báo cáo Chỉ số tổn thương do biến đổi khí hậu năm 2018, trong danh sách 84 trong số 100 thành phố có tốc độ tăng dân số nhanh nhất thế giới đang đứng trước “nguy cơ nghiêm trọng” do tác động của biến đổi khí hậu, có tới 79 thành phố thuộc châu Phi. Ðáng lo ngại hơn, trong tốp 10 thành phố chịu nhiều rủi ro nhất do biến đổi khí hậu, có 8 đại diện đến từ Châu Phi, đứng đầu là thủ đô Bangui của CH Trung Phi, thủ đô Monrovia của Liberia. Thủ đô Kinshasa của CHDC Congo là một mối quan ngại đối với các nhà đầu tư. Thành phố có 13,2 triệu dân này thường xuyên hứng chịu mưa bão, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
|
Nạn dịch Châu Chấu, một trong những nạn dịch thiên nhiên lớn nhất đe doạn nền nông nghiệp các nước Châu Phi trong thời gian gần đây do biến đổi khí hậu |
Nhận định về tính hiệu quả trong hợp tác giữa Việt Nam và Châu Phi, PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cho rằng ngay từ bây giờ, cả Việt Nam và Châu Phi đều phải lên kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bao trùm. Riêng đối với Châu Phi, trước những nguy cơ phải đối mặt về biến đổi khí hậu cũng như sự nóng lên toàn cầu, người Châu Phi cần nhận thức rõ về sự gia tăng khí hậu 2% sẽ là cơ sở cho sự gia tăng lớn về nhiệt độ. Đây là nguyên nhân làm gia tăng các thách thức lớn ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững không chỉ với thiên nhiên mà còn đối với cả chính con người. Bên cạnh đó, về chủ quan, thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn chưa phản ánh hết được những cơ hội và thách thức, triển vọng cũng như tiềm năng lớn của khu vực này, cũng như chưa cung cấp đủ các thông tin cần thiết để các nước trong khu vực hiểu biết một cách đầy đủ hơn về nền kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện các giao dịch với thị trường Châu Phi qua trung gian nước thứ 3 nên lợi nhuận đạt được chưa cao. Vì vậy trong thời gian tới rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành địa phương của cả hai bên để thúc đẩy sự hợp tác nhất là trong việc theo dõi, triển khai thực hiện các cam kết nhất là sau các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của hai bên và triển khai có hiệu quả các kế hoạch trong Đề án Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Châu Phi - Trung Đông giai đoạn 2016-2025.
Phạm Vĩnh Hà