Nguyễn Hà Đông*
Tóm tắt: Bài viết sử dụng dữ liệu nghiên cứu định tính của Đề tài cấp Cơ sở “Tìm hiểu việc thực hiện một số quyền trong Luật Người cao tuổi năm 2009” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2019 nhằm đánh giá về quyền được ưu tiên khi sử dụng một số dịch vụ theo quy định của Luật Người cao tuổi và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc thực thi quyền này đang gặp nhiều trở ngại. Một mặt, nhận thức của người cao tuổi về quyền còn hạn chế. Quá trình thực thi luật cũng còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ. Mặt khác, đối với một số người cao tuổi, việc không sử dụng quyền ưu tiên này là một cách họ đóng góp cho nhà nước. Tâm lý này cũng cần được quan tâm đến trong việc thực thi và ban hành các quyền liên quan đến người cao tuổi[1].
Từ khóa: Người cao tuổi; Luật Người cao tuổi; Quyền của người cao tuổi; Quyền ưu tiên.
1. Đặt vấn đề
Già hóa dân số đang là một thách thức mang tính toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo số liệu Tổng điều tra dân số và Dự báo dân số 2014-2049 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam tăng nhanh từ 7,2% năm 1989 lên 11,7% năm 2019 và dự kiến chiếm 18,6% vào năm 2034. Chỉ số già hóa của dân số Việt Nam tăng mạnh trong 35 năm qua. Nếu như năm 1979, cứ 100 trẻ em dưới 15 tuổi chỉ có 16,5 người từ 60 tuổi trở lên, đến năm 2009, chỉ số này đã tăng gấp đôi lên 35,2 và dự báo năm 2039, chỉ số này sẽ tăng lên 113, nghĩa là lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng người cao tuổi ở Việt Nam sẽ vượt quá số lượng trẻ em (VNCA, UNFPA, 2019). Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số già hóa của Việt Nam (tính ở những người từ 65 tuổi trở lên) chỉ thấp hơn 2 nước Singapore và Thái Lan (GSO, UNFPA, 2016).
Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho nhóm đối tượng đang gia tăng nhanh chóng này, Luật Người cao tuổi đã được ban hành ngày 23/11/2009 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2010. Luật quy định rõ các quyền của người cao tuổi, trong đó có quyền được ưu tiên khi sử dụng một số loại dịch vụ như ưu tiên chỗ ngồi trên các phương tiện giao thông công cộng hay giảm giá vé khi sử dụng phương tiện giao thông hoặc tham quan, du lịch. Quyền này được quy định tại Điều 3 trong Luật Người cao tuổi và được quy định chi tiết trong Điều 4 và Điều 5 của Nghị định 06/2011/NĐ-CP. Cụ thể, Khoản 2, Điều 4 quy định “Trên các phương tiện giao thông công cộng phải có hướng dẫn, có chỗ ngồi ưu tiên cho người cao tuổi và tùy từng loại phương tiện có công cụ hỗ trợ hoặc sự trợ giúp phù hợp với người cao tuổi. Người tham gia giao thông có trách nhiệm hỗ trợ người cao tuổi khi cần thiết”.
Vấn đề giảm giá vé khi sử dụng phương tiện giao thông được quy định chi tiết trong Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 06/2011/NĐ-CP: “Người cao tuổi được giảm ít nhất mười lăm phần trăm (15%) giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng tàu thủy chở khách, tàu hỏa chở khách, máy bay chở khách”. Như vậy, theo quy định này, người cao tuổi sử dụng cả ba loại hình giao thông đường thủy, đường bộ (tàu hỏa) và đường hàng không đều được giảm giá ít nhất 15%. Thông tư số 71/2011 của Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục quy định rõ mức giảm tối thiểu 15% đối với tàu hỏa và tàu thủy. Đặc biệt, thông tư này cũng nêu rõ về quy định giảm giá vé máy bay “Hành khách là người cao tuổi được giảm ít nhất 15% giá vé hạng phổ thông ít có điều kiện hạn chế nhất bán lại lãnh thổ Việt Nam trên các tuyến vận chuyển hàng không nội địa”.
Đối với vấn đề giảm giá vé tham quan, Khoản 2, Điều 5 của Nghị định 06/2011/NĐ-CP quy định: “Người cao tuổi được giảm ít nhất hai mươi phần trăm (20%) giá vé, giá dịch vụ tham quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh”. Cụ thể hơn, Thông tư số 127/2011 của Bộ Tài chính quy định “mức thu phí tham quan di tích văn hoá, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi bằng 50% mức thu phí hiện hành”.
Các quy định về quyền ưu tiên của người cao tuổi khi sử dụng các phương tiện giao thông hay mua vé tham quan được quy định khá chi tiết, cụ thể với khá nhiều ưu đãi cho người cao tuổi. Tuy nhiên, dù được ban hành và có hiệu lực từ năm 2011, tính khả thi của quyền này vẫn không được đánh giá cao vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, tính khả thi của quy định này có thể bị hạn chế hơn khi mức độ và thời điểm thực hiện chính sách còn phụ thuộc vào điều kiện và thậm chí là ý kiến của các đơn vị cung cấp dịch vụ (nhất là các đơn vị thuộc khu vực tư nhân) (Trịnh Duy Luân, 2016). Các quy định này chỉ mang tính “khuyến khích” mà không đưa ra được bất kỳ một chế tài xử phạt nào đối với các đơn vị không tuân thủ theo các quy định này. Ví dụ, quy định về việc giảm giá vé khi sử dụng phương tiện giao thông hay đi tham quan các di tích tuy có vẻ cụ thể, chi tiết (như đã nêu ở trên) nhưng khi áp dụng vào thực tế lại phụ thuộc vào từng đơn vị kinh doanh. “Mức giảm giá vé cụ thể do Thủ trưởng các tổ chức kinh doanh và vận tải căn cứ vào điều kiện thực tế và thời điểm cụ thể xây dựng, công bố thực hiện” (Thông tư 71/2011 của Bộ Giao thông vận tải). Riêng đối với giao thông đường bộ, không có văn bản nào quy định chi tiết về mức giảm giá áp dụng cho người cao tuổi. Ngay cả Thông tư số 71/2011 của Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ dừng lại ở mức “Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải xây dựng phương án miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi và công bố thực hiện trên các tuyến vận tải”. Điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng không thống nhất giữa các địa phương, có nơi thực hiện, có nơi không thực hiện. Mức giảm giá cũng có sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương (Trịnh Duy Luân, Trần Thị Minh Thi, 2017:90-91).
Ngoài ra, các quy định này còn bị đánh giá là không có tính thiết thực và khả năng ứng dụng cao vì người nghèo ít có khả năng đi tham quan, du lịch trong khi đối với người khá giả, các mức miễn giảm này không đáng kể. Hơn nữa, số người được hưởng lợi từ quy định này không nhiều, tập trung chủ yếu vào nhóm đang sống ở đô thị (Trịnh Duy Luân, Trần Thị Minh Thi, 2017:90).
Một số nghiên cứu đánh giá gần đây cũng cho thấy nhận thức về quyền ưu tiên khi sử dụng dịch vụ của người cao tuổi còn gặp nhiều hạn chế. Kết quả đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi cho thấy, có 61,2% người cao tuổi hiểu biết về quyền được ưu tiên khi sử dụng dịch vụ, thấp hơn so với các nhóm quyền cá nhân như “đảm bảo các nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở” (90,5%) hay “được chăm sóc sức khỏe” (87,6%). Đáng lưu ý là khi đi sâu tìm hiểu một số ưu tiên cụ thể, tỷ lệ người hiểu biết về quyền này còn tiếp tục giảm. Trong số các nhóm ưu tiên cho người cao tuổi, ưu tiên về sắp xếp chỗ ngồi khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng được nhiều người biết đến nhất với khoảng ½ số người được hỏi. Chỉ có khoảng 41,7% người biết đến quyền được miễn giảm giá vé khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và 33,2% người biết về quy định ưu tiên được miễn giảm giá vé, giá dịch vụ khi đi tham quan di tích lịch sử, văn hóa (MOLISA, UNFPA, 2016).
Quyền ưu tiên khi sử dụng dịch vụ mới đáp ứng được một phần nhu cầu hiện nay của người cao tuổi. Cụ thể, kết quả đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi cho thấy trong tất cả 12 quyền cá nhân và quyền kinh tế - xã hội được khảo sát, mức độ đáp ứng của quyền này chỉ được đánh giá cao hơn quyền “được tạo điều kiện tham gia các hoạt động thể thao, du lịch”. Chưa đến 1/3 số người cao tuổi được hỏi được hưởng chế độ giảm giá vé, dao động từ 7,3% đến hơn 30%, trong đó, giảm giá vé xe buýt và giảm giá vé tham quan di tích văn hóa, danh thắng là hai hình thức phổ biến nhất (tỷ lệ tương ứng là 30,9% và 32,4%). Tỷ lệ người cao tuổi được ưu tiên chỗ ngồi trên các phương tiện giao thông cũng chưa cao, dao động từ 6,3% (đi tàu thủy) đến 38,9% (đi xe buýt). Điều này cho thấy cần có sự quan tâm hơn nữa để tăng tỷ lệ người cao tuổi được hưởng các ưu tiên này (MOLISA và UNFPA, 2016). Có thể thấy, việc thực thi quyền được ưu tiên khi sử dụng một số dịch vụ của người cao tuổi đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các nghiên cứu về chủ đề này hiện nay chủ yếu cũng đang dừng lại ở các số liệu thống kê hay các phân tích dưới góc độ pháp lý.
Bài viết này sử dụng dữ liệu nghiên cứu định tính của Đề tài cấp Cơ sở “Tìm hiểu việc thực hiện một số quyền trong Luật Người cao tuổi năm 2009” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2019 nhằm đánh giá việc thực thi quyền được ưu tiên khi sử dụng một số dịch vụ của người cao tuổi.
Đề tài đã thực hiện 10 phỏng vấn sâu đối với người cao tuổi ở các nhóm tuổi khác nhau từ 60-70 tuổi, 70-80 tuổi và trên 80 tuổi; 05 phỏng vấn sâu đại diện hộ gia đình và cán bộ chính quyền, đoàn thể tại địa bàn 01 phường tại Hà Nội. Để tìm hiểu việc thực thi quyền được ưu tiên khi sử dụng một số dịch vụ của người cao tuổi, bài viết phân tích dưới hai khía cạnh gồm đánh giá nhận thức về quyền và mức độ thụ hưởng quyền của người cao tuổi đối với chính sách giảm giá và ưu tiên chỗ ngồi khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt và vấn đề giảm giá vé khi đi tham quan, du lịch.
2 . Nhận thức về quyền
2.1. Ưu đãi khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Kết quả nghiên cứu của Đề tài “Tìm hiểu việc thực hiện một số quyền trong Luật Người cao tuổi năm 2009” cho thấy không có nhiều người cao tuổi biết về việc ưu tiên giảm giá vé khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho người cao tuổi. Câu trả lời phổ biến ở những người được hỏi là “hình như”, “nghe nói” hoặc thậm chí là “không biết”.
“Hình như là đi tàu được giảm 60% đúng không? Bà nghe trên tivi thôi chứ bà cũng chưa tìm đọc bao giờ, cũng chưa bao giờ thực hiện được cái đấy” (Nữ, 75 tuổi).
“Tàu hỏa thì hôm trước nghe chú em nói là hình như người cao tuổi được giảm 10% hay sao đấy” (Nữ, 64 tuổi).
“Một số người bảo họ cứ mua cái thẻ xe buýt thì họ được giảm giá. Đấy là chú nghe họ nói còn chú chưa mua nên không biết. Giảm giá vé thì chú không biết là có được giảm hay không” (Nam, 65 tuổi).
Dù Luật Người cao tuổi đã được ban hành và có hiệu lực thi hành gần 10 năm, Nghị định 06/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật cũng có hiệu lực nhiều năm nhưng có người cao tuổi cho rằng những ưu tiên về việc giảm giá vé phương tiện giao thông công cộng gần đây mới có.
“Từ trước đến nay đi tàu đi xe thì chưa được miễn phí cái gì, bây giờ mới có” (Nữ, 71 tuổi).
Có người cao tuổi thậm chí còn không tin rằng ở Hà Nội đã có chế độ giảm giá vé sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cho người cao tuổi mà quy định này mới triển khai ở miền Nam.
“Nghe trên tivi là có nói, cứ mở tivi nói là 60 tuổi trở lên là được miễn giảm giá xe buýt nhưng thực tế đấy là ở trong Nam chứ ngoài Bắc đã thực hiện đâu… Mặc dù nói trên tivi là được ưu tiên vé nhưng ông không tin vì không có bằng chứng” (Nam, 73 tuổi).
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số những người cao tuổi được hỏi nếu có biết về ưu tiên được giảm giá vé khi đi các phương tiện giao thông công cộng thường chỉ biết đến xe buýt. Hầu như không có người hiểu biết đầy đủ và chi tiết về chế độ giảm giá đối với các loại hình phương tiện giao thông công cộng khác nhau. So với ưu đãi về giảm giá vé, ưu tiên về chỗ ngồi được nhiều người cao tuổi biết hơn.
“Bà có biết là người ta cũng ưu tiên cho những người già yếu có chỗ ngồi thôi còn tiền vé thì cũng như nhau, xếp hàng thì cũng chả phải xếp hàng” (Nữ, 78 tuổi).
Có nhiều lý do khiến cho nhiều người cao tuổi không biết đến thông tin về quyền được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt. Điều này phần nào xuất phát từ việc không nhiều người cao tuổi trong địa bàn nghiên cứu thường xuyên sử dụng phương tiện giao thông công cộng này.
“Chỉ có thỉnh thoảng đi về quê đi Gia Lâm chơi thì mới đi xe buýt hoặc là đi khám bệnh từ đây ra Nguyễn Bỉnh Khiêm, lắm lúc thì cũng đi taxi, đi xe ôm, lúc nào con nó không bận thì nó đưa đi, nhưng mà các em nó còn bận đi làm đi học thì bà lại đi xe buýt. Chỉ những người sử dụng vé tháng mới biết đến chế độ giảm giá vé, những người không dùng thường xuyên (thỉnh thoảng dùng hoặc dùng khi đi chơi xa) không biết chính sách này” (Nữ, 78 tuổi).
Như vậy, hiện nay nhận thức của người cao tuổi về quyền được ưu tiên giảm giá khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt còn rất hạn chế. Nhiều người có hiểu biết không chính xác, không đầy đủ và thậm chí là không biết về quyền này.
2.2. Giảm giá vé khi đi tham quan, du lịch
So với hiểu biết về ưu đãi giảm giá vé khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhận thức của người cao tuổi tại Hà Nội về việc giảm giá vé khi đi tham quan, du lịch dành cho người cao tuổi còn hạn chế hơn. Tuy địa bàn nghiên cứu nằm ở khu vực dân trí cao, đại đa số người trả lời là cán bộ hưu trí có trình độ cao đẳng, đại học nhưng rất ít người cao tuổi có hiểu biết tường tận về các quy định giảm giá vé tham quan tại các khu di tích cho người cao tuổi. Những trường hợp này thường rơi vào nhóm tích cực hoạt động hoặc từng có kinh nghiệm làm về tư vấn luật.
“Có chính sách tất cả người cao tuổi được hưởng các dịch vụ công ích với giá thấp hơn, theo quy định là 50%. Bây giờ mà bác đi tham quan những nơi chẳng hạn như Văn Miếu hoặc những nơi tham quan du lịch là họ giảm giá 50% cho người già. Như bác vào đấy chả cần chứng minh thư, người ta nhìn là người ta biết rồi, quên chứng minh người ta vẫn cho vào, vẫn bán cái giá rẻ hơn 50%, vào Văn Miếu chỉ mất 10 nghìn thôi” (Nam, 80 tuổi).
Phần lớn người cao tuổi được hỏi cho biết họ chưa bao giờ nghe nói đến ưu tiên giảm giá vé/dịch vụ khi tham quan, du lịch.
“Bà chưa được thực hiện cái đấy bao giờ (ưu tiên giảm giá vé tham quan), chỉ đi cùng với mọi người thì người ta mua vé thì mình mua vé. Bà chưa nghe thấy cái đoạn giảm giá” (Nữ, 75 tuổi).
Ngay cả những người hiện đang đảm nhận các chức vụ nhất định trong Chi hội Hội Người cao tuổi tại địa bàn nghiên cứu cũng có người không nắm rõ thông tin về việc giảm giá vé tham quan.
“Bác chưa bao giờ nghe nói về việc giảm giá vé tham quan” (Nam, 73 tuổi, tổ trưởng Chi hội Người cao tuổi).
Nếu kết quả tổng kết đánh giá 5 năm thực thi luật Người cao tuổi cho rằng công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách người cao tuổi trong cộng đồng được thực hiện rất tốt với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và với nhiều hình thức phong phú (MOLISA, UNFPA, 2016), thì kết quả nghiên cứu này lại cho thấy chiều hướng ngược lại. Những hiểu biết về quyền hay về chính sách của người cao tuổi chủ yếu thông qua các kênh, mạng lưới xã hội của họ, trong khi chính quyền địa phương hay Hội Người cao tuổi không có vai trò gì: “Hội người cao tuổi không phổ biến luật” (Nam, 73 tuổi). Thậm chí, trong các trường hợp phỏng vấn sâu của nghiên cứu này không ghi nhận được hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chính sách nào trên phạm vi địa bàn nghiên cứu.
3. Mức độ thụ hưởng
3.1. Giảm giá vé và ưu tiên chỗ ngồi khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng
Tuy trong Nghị định 06/2011/NĐ-CP và Thông tư số 71/2011 của Bộ Giao thông Vận tải quy định chi tiết mức miễn giảm giá vé khi sử dụng tàu hỏa, tàu thủy và máy bay cho người cao tuổi, kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng người cao tuổi được hưởng ưu đãi giảm giá vé này hiện nay rất hạn chế, chủ yếu là vé xe buýt hoặc tàu hỏa. Các phương tiện giao thông này đều thuộc các doanh nghiệp vận tải nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần mà nhà nước có vốn lớn, trong khi các doanh nghiệp khác bao gồm doanh nghiệp tư nhân chưa cung cấp ưu đãi này cho người cao tuổi.
“Trước đây bà phải mua vé tháng, bà đi mỗi tháng mất có 100 nghìn thôi. Bà cứ đi từ đây đến Phạm Ngọc Thạch này, rồi đi vào trong viện Thanh Nhàn này, đi có một tuyến thôi cho nên mỗi tháng mất 100 nghìn. Mình ngoài 60 tuổi nên được ưu tiên, mỗi tháng mất có 100 nghìn thôi. Nếu bà đi xe ôm thì mỗi ngày bà mất mấy chục chẳng hạn thế còn đi taxi nữa thì càng chết, tiền đâu ra. Bây giờ ông đang ốm thế bảo là thỉnh thoảng đi đâu thì đã đành, chứ còn đây đi hàng ngày như thế thì làm sao mà được. Mình cũng phải tính kinh tế chứ” (Nữ, 64 tuổi).
“Máy bay thì chưa có chế độ đấy [giảm giá cho người cao tuổi], nó chỉ ở các phương tiện công cộng thông thường kiểu như đi trong thành phố này này. Đi tàu thì bác chưa đi tàu, nhưng phương tiện công cộng là đi trong thành phố này chứ máy bay không gọi là công cộng cái phương tiện đó không phải là công cộng, tham quan với chỗ du lịch mới là công cộng” (Nam, 80 tuổi).
So với ưu đãi giảm giá vé, ưu tiên chỗ ngồi trên các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt được thực hiện rộng rãi hơn. Nhiều người cao tuổi cho biết họ đã được nhường ghế trên các phương tiện giao thông công cộng và đánh giá rất tích cực về điều này.
“Hiện nay các phương tiện giao thông công cộng thì ưu tiên chủ yếu là chỉ thấy trên xe buýt có dành những ghế cho người tàn tật hay là phụ nữ có thai, trẻ em, người già, là trên xe buýt có hình vẽ, có thể hiện ngay trên xe là có thấy, những cái ghế đấy là dành cho người đấy, hoặc là không có người tàn tật thì mình cũng ngồi, hoặc là mình đi đến những cái ghế khác mà có thanh niên người ta đang ngồi thì người ta cũng nhường cho mình” (Nữ, 71 tuổi).
“Đi xe buýt thì các cháu nó lịch sự lắm, có một lần chúng tôi lên là các cháu thanh niên cháu nó thấy nó bảo bà ơi, bà vào cái chỗ này bà ngồi đây, thì bà cũng bảo rất là cám ơn cô. Tôi thấy thanh niên bây giờ họ hiểu biết rất là nhiều” (Nữ, 79 tuổi).
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng nhiều người cao tuổi chưa được hưởng ưu đãi từ việc giảm giá vé các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt. Lý do phổ biến nhất là nhu cầu sử dụng dịch vụ này của người cao tuổi không cao. Việc giảm giá xe buýt chỉ dành cho những người đi vé tháng còn những người đi vé lượt không được giảm giá. Trong khi đó, số lượng người cao tuổi tại địa bàn nghiên cứu thường xuyên sử dụng xe buýt không nhiều do điều kiện bến bãi không thuận tiện.
“Ở đây đi ra bến xe buýt thì phải đi xa. Ví dụ, bà mà muốn đi ra cầu Thăng Long vì bà có người em ở đấy hay phải đi thì bà phải đi ra chỗ cửa Bách Khoa đấy, ra cái cổng vòm Bách Khoa đấy. Đi từ đây ra phải mất già một cây số mới đến bến xe buýt. Mỗi lần đi thì hơi xa vì các cái tuyến xe buýt không ở gần nhà mình. Đi bộ ra, nói chung cũng phải là phấn đấu, trừ trường hợp con cái nó ở nhà thì lúc nào đi nó chở ra đến bến” (Nữ, 71 tuổi).
Đáng lưu ý là, một số người cao tuổi từ chối sử dụng quyền này dù họ biết thông tin mà lý do là lòng tự trọng hay nhu cầu khẳng định bản thân. Họ coi việc không sử dụng quyền này là một cách họ đóng góp cho nhà nước dù không còn tiếp tục công tác. Điều này phản ánh lòng tự trọng rất cao cũng như nhu cầu khẳng định bản thân, khẳng định sự “độc lập” của họ.
“Tôi cũng nghe thấy bảo là được miễn phí cái gì (xe buýt) nhưng cái đó tôi không để ý tới. Mình thôi thì cũng đóng góp cho nhà nước tý, chứ về đã ăn lương lại còn không làm cái gì cũng không mất tiền lấy vé nữa. Những cái gì không mất tiền là tôi không dùng” (Nữ, 79 tuổi).
Đối với gia đình của người cao tuổi, lợi ích từ việc ưu đãi giá khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt là rất nhỏ và không đáng kể so với những lợi ích từ việc sử dụng các phương tiện giao thông khác (Trịnh Duy Luân, Trần Thị Minh Thi, 2017:90). Vì vậy, họ chủ động lựa chọn các phương tiện giao thông khác cho cha mẹ mình dù không được giảm giá.
“Giao thông công cộng đấy phải là người muốn tìm hiểu khám phá hay là đi phải trải nghiệm và thời gian là phải đi nó cảm thấy không sốt ruột, đi chỗ nọ thăm chỗ kia, ví dụ ta đi xe buýt từ đây lên Văn Miếu, ta chơi ở Văn Miếu rồi ta lại đi sang chỗ khác, em cứ tính mà xem nhé ở đây nếu mà mình đi xe đạp hoặc là xe máy từ đây lên Văn Miếu chỉ hết có 15 phút thôi, thế nhưng mình mà đi từ đây bằng xe buýt lên Văn Miếu thì phải hết đến 1 tiếng. Ông bà nhà chị không đi. Thế nên nhà chị cũng không bao giờ sử dụng được hưởng cái miễn phí hoặc là được hưởng những cái mà ông bà được hưởng, chẳng hạn như là được giảm giá nọ kia” (Nữ, 56 tuổi).
Đối với các phương tiện giao thông công cộng khác như tàu hỏa, việc đi xa thường do con cái chi trả nên người cao tuổi cũng không nắm được vấn đề giảm giá vé.
“Tầu xe thì bà không quan tâm nên bà cũng không hỏi, có được giảm giá không thì chúng nó mua mình cũng chẳng hỏi” (Nữ, 78 tuổi).
Một lý do quan trọng khác là các quy định về ưu đãi tuy cụ thể, chi tiết nhưng khi áp dụng vào thực tế lại phụ thuộc vào từng đơn vị kinh doanh và điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của từng địa phương (Trịnh Duy Luân, 2016). Vì vậy, các đơn vị kinh doanh có quyền không ưu đãi giá vé sử dụng phương tiện giao thông cho người cao tuổi mà không chịu bất kỳ ràng buộc từ một chế tài nào.
“Quyền ưu tiên này cũng tùy nơi và ngay cả nhà nước cũng có chính sách là tùy địa phương, nguồn kinh tế xã hội nhiều hay ít có thể trích quỹ cho người già, mức độ khác nhau. Như thành phố Hồ Chí Minh thì cho người già đi miễn phí từ lâu rồi, 80 tuổi là được đi mấy năm nay rồi nhưng ở Hà Nội thì bây giờ mới có, mà hạ luôn xuống 60 thì rõ ràng mức độ quan tâm nó phụ thuộc kinh tế từng địa phương, người ta có đến đâu thì người ta có thể sẽ quan tâm đến đó” (Nam, 80 tuổi).
Tuy nhiên, cùng với việc thi hành Nghị quyết số 7//2019 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, thành phố Hà Nội bắt đầu áp dụng chế độ cho cấp phát thẻ đi xe buýt miễn phí cho người từ 60 tuổi trở nên có hiệu lực từ 1/9/2019 và có giá trị trong vòng 5 năm, tỷ lệ người cao tuổi sử dụng phương tiện giao thông này có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới.
“Bây giờ thấy Nhà nước ưu tiên bán vé cho người già trong 5 năm không mất tiền thì thôi cũng được, bác thấy nhà nước cũng có vẻ quan tâm đến người già hơn một chút. Bác thấy bảo được đi trong 5 năm chứ bác cũng chưa mua mà thấy cô em cô ấy mua cô ấy bảo chỉ phải photo cái chứng minh thư với chụp hai cái ảnh thẻ là ra người ta làm cho. Thẻ đi 5 năm không mất đồng nào. Đây là cái tốt cái ưu tiên dành cho những người già” (Nữ, 64 tuổi).
“Tôi cũng tính là đi làm cái vé, xong rồi gặp đâu đi đó tiện thì đi” (Nam, 79 tuổi).
Có thể thấy, ưu đãi giảm giá vé các phương tiện công cộng cho người cao tuổi hiện nay chủ yếu vẫn tập trung ở các doanh nghiệp cung cấp vận tải nhà nước như xe buýt, tàu hỏa còn đối với các nhà cung cấp dịch vụ khác, người cao tuổi vẫn chưa được hưởng ưu đãi này.
3.2. Giảm giá vé khi đi tham quan, du lịch
Việc giảm giá vé tham quan, du lịch phụ thuộc trực tiếp vào chính sách và quy định của từng nhà cung cấp dịch vụ (Trịnh Duy Luân, 2016). Trong nghiên cứu này, vẫn có nhiều ý kiến của người cao tuổi cho biết hiện nay khi đi tham quan, du lịch họ đều phải mua vé đúng giá mà không được hưởng ưu tiên giảm giá cho người cao tuổi hoặc chỉ được hưởng ưu đãi ở một số địa điểm kinh doanh nhất định.
“Bác thấy con gái bác mua vé cho cả nhà đi chơi thấy có được giảm giá đâu. Có duy nhất một lần về Quảng Bình đi vào thăm cái động Thiên Đường với Phong Nha, Kẻ Bàng là được giảm giá 10%. Hình như được mỗi lần đấy thôi, còn đâu chưa có lần nào cả” (Nữ, 64 tuổi).
“Tôi nhớ là có một lần đi lên đền Quán Thánh, tôi với một bà nữa hai chị em mới vào, đưa tiền mua vé thì cái bác bác mới bảo thôi thôi mời hai bà vào, đấy cách đây mấy năm rồi. Đó là ý thức của họ đối với người già vào vãn cảnh chùa. Còn như năm vừa rồi tôi đưa mấy người nhà ở quê lên đi vào chùa thì vẫn mua vé bình thường như là đi vào đền Ngọc Sơn đấy, tôi đưa tiền mua vé cho cả 5 bà cháu tôi như thế, người ta vẫn lấy. Nói chung tùy từng chỗ. Ngay như Văn Miếu, Quốc Tử Giám cũng thế, người ta không có giảm cái gì cả, chúng tôi đi bao giờ cũng đi một đoàn ở quê ra thì đi bao giờ tôi cũng là người mua vé vì mình chiêu đãi các cháu nó đi xem các nơi, nhưng mà bản thân tôi cũng không được thì thôi, tôi cũng không nói cái gì hết, mua là mua để cho đoàn vào cái đã thì trong đó có cả mình” (Nữ, 79 tuổi).
Đối với việc giảm giá vé khi đi tham quan du lịch, việc đánh giá về mức độ được hưởng dịch vụ này của người cao tuổi gặp khó khăn hơn vì trên thực tế, người cao tuổi thường đi theo đoàn hoặc đi cùng con cháu nên việc có được ưu tiên giảm giá, họ không nắm được.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, để người cao tuổi được hưởng ưu đãi về giảm giá vé khi đi tham quan, du lịch còn phức tạp, phiền hà về thủ tục nên không khuyến khích được người cao tuổi và gia đình họ sử dụng quyền ưu tiên này. Chính gia đình và người cao tuổi chủ động không sử dụng quyền ưu tiên này dù họ biết rõ quy định trong luật. Nói chính xác hơn, việc thực hiện quyền này của người cao tuổi phụ thuộc nhiều vào tính linh hoạt và hiểu biết của người cung cấp dịch vụ.
“Nói chung, mua vé nhà chị cũng mua chứ chị cũng không dùng đến quyền ưu tiên. Tại vì nhiều khi đi, các cháu lớn rồi, nó cứ bảo bố mẹ với ông bà đứng ngoài này chờ, chúng nó tự đi mua vé. Như hôm vào Hoàng thành thì có được giảm 1 nửa, còn lại những chỗ khác thì nhiều khi người ta không hỏi thì các cháu nó cứ mua vé bình thường. Để được giảm là phải đưa chứng minh thư hoặc giấy xác nhận, mình đi thì lúc nào mình cũng có chứng minh thư trong người nhưng ông bà đi thì không sẵn chứng minh thư trong người đâu. Nhưng chị cảm thấy cũng phiền hà. Ví dụ nhé, chị mua 10 vé chẳng hạn, xong rồi là hỏi chứng minh thư của hai ông bà đây nhé, có hai ông bà được giảm giá chẳng hạn, nhưng mà không phải ai bán vé người ta cũng nhìn chứng minh thư là người ta cho mình giảm, có người thì "đâu các cụ đâu" tức là nhìn người. Thế bây giờ nắng nôi chẳng hạn, các cụ ngồi chỗ nào đấy hoặc là cái cửa bán vé như này đến 10 người bâu vào đấy, lại còn bắt trình diện ra nữa thì chả thà thôi mấy chục bạc. Tất nhiên mình thiếu thì thiếu thật đấy nhưng mà nó khó khăn chứ. 10 người bán vé bán theo ca, có khi ca cô này cô bảo chỉ cần có 2 người nhìn chứng minh thư, người ta tính tuổi ra là người ta bán luôn, cũng có người người ta khó khăn chứ đúng không. Thế nên các cụ không thích, nên là nhà chị hầu như không dùng. Riêng ở Hoàng Thành thì không đông, không theo cái kiểu phải xếp hàng chờ, mình đi qua cửa là người ta hỏi “chị ơi nhà chị có ai trên 70 tuổi không”, bảo có ông bà nhà chị thì tự người ta giảm giá luôn” (Nữ, 56 tuổi).
Như vậy, tương tự như ưu đãi giảm giá vé khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, việc áp dụng chế độ ưu đãi về giá vé khi tham quan các di tích đối với người cao tuổi phụ thuộc vào từng đơn vị kinh doanh. Vì vậy, hiện nay, nhiều người cao tuổi vẫn chưa được hưởng ưu đãi này khi sử dụng dịch vụ.
4. Kết luận và thảo luận
Tóm lại, quyền được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ của người cao tuổi dù xem xét ở góc độ thực tiễn hay chính sách đều cho thấy việc thực thi quyền này đang gặp nhiều trở ngại.
Một mặt, nhận thức của người cao tuổi về quyền này hạn chế. Nhiều người thấy “hình như” hoặc chỉ “nghe nói” chưa chính xác và chưa đầy đủ về các quyền này. Nhiều người, thậm chí còn chưa từng nghe thấy quyền này. Rất ít người có hiểu biết tương đối tường tận về các quyền này dù địa bàn nghiên cứu là nơi có dân trí cao với đại đa số là cán bộ hưu trí có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Điều này, một phần cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến về các chính sách, luật pháp liên quan đến người cao tuổi nói chung và đến các quyền của người cao tuổi nói riêng được tiến hành chưa tốt ở cấp cơ sở, thậm chí là chưa có hoạt động này. Những hiểu biết về quyền của người cao tuổi hoàn toàn dựa trên cơ sở mạng lưới xã hội như bạn bè hoặc thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như ti vi, và kết quả này khác với các đánh giá tích cực về việc tuyên truyền các chính sách về người cao tuổi của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UNFPA sau 5 năm thực thi Luật Người cao tuổi (2016). Sự khác biệt này có thể do sự khác biệt trong việc lựa chọn mẫu nghiên cứu và địa bàn nghiên cứu. Tuy nhiên, kết quả này cũng góp phần bổ sung thêm một góc nhìn về việc thực thi tuyên truyền Luật Người cao tuổi, đồng thời cho thấy vấn đề này cần được quan tâm nghiên cứu trong thời gian tới để có những điều chỉnh bổ sung phù hợp với thực tế.
Quan trọng hơn, tình trạng hiểu biết không đầy đủ của người cao tuổi về các quyền lợi dành cho chính họ sau gần 10 năm ban hành và thực thi luật Người cao tuổi và các thông tư hướng dẫn đi kèm cho thấy những lợi ích mà người cao tuổi thu được từ các quyền này không quan trọng và không có quá nhiều ý nghĩa. Những lợi ích từ việc giảm/miễn phí khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hay vé tham quan không mang lại hiệu quả và lợi ích lớn đối với người cao tuổi ở đô thị và gia đình của họ (Trịnh Duy Luân, Trần Thị Minh Thi, 2017). Vì vậy, họ không có nhu cầu cần tìm hiểu thông tin để bảo vệ cho quyền lợi của chính mình.
Quá trình thực thi luật cũng cho thấy nhiều bất cập. Trong khi Nghị định 06/2011/NĐ-CP và Thông tư số 71/2011 của Bộ Giao thông Vận tải quy định chi tiết mức miễn giảm giá vé khi sử dụng tàu hỏa, tàu thủy và máy bay cho người cao tuổi. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay người cao tuổi ở Hà Nội chủ yếu được giảm giá vé tháng xe buýt (từ 1/9/2019 là miễn phí), giảm giá tàu hỏa còn dịch vụ đường hàng không hiện nay chưa có ưu đãi giá vé cho người cao tuổi. Như vậy, việc thực thi quy định giảm giá vé sẽ phụ thuộc trực tiếp vào chính sách của từng đơn vị cung cấp dịch vụ (Trịnh Duy Luân, 2016).
Cũng cần phải lưu ý đến tâm lý của một bộ phận người cao tuổi. Đối với họ việc không sử dụng quyền ưu tiên này là một cách họ đóng góp cho nhà nước, là cách để họ khẳng định sự độc lập, sự tự trọng và hữu ích của họ. Tâm lý này cũng cần được quan tâm đến trong việc thực thi và ban hành các quyền liên quan đến người cao tuổi.
Đồng thời, việc người cao tuổi và gia đình họ có lựa chọn để thụ hưởng chính sách này hay không còn phụ thuộc vào mức độ tiện lợi họ được hưởng và tính linh hoạt của người làm dịch vụ. Như đã nhắc đến ở trên, nghiên cứu được tiến hành tại địa bàn với đại đa số cư dân là công nhân viên chức nghỉ hưu, có điều kiện kinh tế ổn định. Do những lợi ích người cao tuổi và gia đình họ nhận được từ quyền này không lớn nên họ có thể rất dễ dàng từ bỏ không sử dụng các ưu tiên này. Đánh giá nhận thức và việc thực thi quyền này sẽ có góc nhìn đa dạng hơn nếu có thêm quan điểm từ những người cao tuổi ở tại các địa bàn khó khăn hơn hay vùng nông thôn.
Tài liệu trích dẫn
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (MOLISA), UNFPA. 2016. Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện luật Người cao tuổi. Hà Nội.
Tổng cục Thống kê (GSO), UNFPA. 2016. Điều tra Dân số và nhà ở giữa kỳ 2014. Cơ cấu tuổi, giới tính và một số vấn đề kinh tế xã hội ở Việt Nam. Nxb. Thông tấn, Hà Nội.
Trịnh Duy Luân, Trần Thị Minh Thi. 2017. Chăm sóc người cao tuổi trong xã hội Việt Nam đang chuyển đổi: Những chiều cạnh chính sách và cấu trúc. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Trịnh Duy Luân. 2016. “Chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay”. Báo cáo tại Hội thảo quốc tế về Tăng cường sự tham gia xã hội trong chăm sóc người cao tuổi: Đối thoại chính sách và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các cộng đồng địa phương ở Việt Nam, Nhật Bản và Vương quốc Anh do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và The Toyota Foundation tổ chức, 5/2018, Hà Nội.
Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam (VNCA), UNFPA. 2019. Hướng tới chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam.
* ThS., Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[1] Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp Cơ sở “Tìm hiểu việc thực hiện một số quyền trong Luật Người cao tuổi năm 2009” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2019.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới. Quyển 30, số 1, tr. 51-62, 2020.