Thành tựu 70 năm nghiên cứu khoa học của Viện Sử học (1953-2023)

Thành tựu 70 năm nghiên cứu khoa học của Viện Sử học (1953-2023)

13/12/2023

PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật*

Từ ban đầu là Tổ Lịch sử trong Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng được thành lập ngày 2-12-1953, đến Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước thành lập ngày 6-2-1960 và ngày nay trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển.

Là tổ chức khoa học và công nghệ công lập, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản, chuyên sâu về những vấn đề lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, 70 năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của Viện Sử học đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1. Nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam và thế giới.

Nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam vừa có ý nghĩa lý luận vừa có giá trị thực tiễn phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong suốt 70 năm qua, Viện Sử học đã tập trung nghiên cứu và xuất bản nhiều công trình khoa học có giá trị trên nhiều lĩnh vực.

1.1. Nghiên cứu về phương pháp luận sử học

Nghiên cứu về phương pháp luận sử học được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viện Sử học. Ngay từ năm 1966, Viện đã có những bài viết trao đổi trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử xung quanh vấn đề phương pháp luận sử học như “Tính Đảng trong khoa học lịch sử”, “Đối tượng của khoa học lịch sử”, “Phương pháp lịch sử và phương pháp logic”… Tuy vậy, mốc đánh dấu cho việc mở đầu và đẩy mạnh nghiên cứu vấn đề này là Hội nghị về phương pháp luận sử học được tổ chức tại Hà Nội trong 4 ngày, từ 28-6 đến 1-7-1966. Đây là hội nghị phương pháp luận sử học đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, có giá trị như là một dấu mốc phát triển mới của nền sử học Việt Nam. Hội nghị đã phân tích, làm rõ những vấn đề cơ bản của phương pháp luận sử học như: Vấn đề đối tượng của sử học; Tính đảng, tính khoa học trong sử học; Chủ nghĩa chủ quan và khách quan trong sử học; Phương pháp lịch sử và phương pháp logic; Vấn đề phân chia các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử… Kết quả Hội nghị đã được in thành sách “Mấy vấn đề về phương pháp luận sử học” được phát hành năm 1966 và tái bản, bổ sung năm 1970.

Sau hội nghị này, vấn đề phương pháp luận sử học tiếp tục được các nhà khoa học của Viện Sử học cũng như các nhà sử học của các cơ quan, trường đại học nghiên cứu, trao đổi trên các diễn đàn khác nhau ở trong nước và quốc tế. Năm 1997, GS. Văn Tạo xuất bản cuốn “Sử học và hiện thực”, trong đó đề cập đến một số vấn đề về phương pháp luận sử học.

1.2. Nghiên cứu các vấn đề lịch sử thời đại Hùng Vương

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về tư liệu lịch sử, phương tiện và kỹ thuật,… Viện Sử học đã đạt được những thành tựu mà giới học giả trong và ngoài nước đánh giá cao. Các công trình nghiên cứu về vấn đề này được thể hiện trong bộ sách Thời đại Hùng Vương: Lịch sử kinh tế, văn hóa, xã hội gồm 4 tập (của Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan). Trong công trình này, các tác giả đã nghiên cứu và bước đầu làm rõ những vấn đề về kinh tế, văn hóa và tổ chức xã hội thời đại Hùng Vương, khẳng định sự hình thành quốc gia-dân tộc Việt Nam.

Gần đây, vào năm 2019, Viện Sử học cùng Hội Khoa học Lịch sử và Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình Lịch sử Việt Nam”. Kết quả Hội thảo đã được xuất bản thành sách do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2023. Những kết quả nghiên cứu về thời đại Hùng Vương đã góp phần khẳng định và tạo niềm tin của nhân dân ta vào cội nguồn và sự thống nhất quốc gia, dân tộc Việt Nam.

1.3. Nghiên cứu về tư tưởng, văn minh, văn hóa Việt Nam

Viện Sử học là cơ quan khởi xướng và tổ chức nghiên cứu về văn hóa - văn minh Việt Nam, coi đây là một trong những chủ đề quan trọng nhằm làm sáng tỏ bản sắc văn hóa dân tộc. Về lĩnh vực này, đã có hàng loạt các công trình nghiên cứu được công bố, đáng chú ý nhất là các công trình: Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám (công trình của GS Trần Văn Giàu, gồm 3 tập, đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I); Giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam (của GS Trần Văn Giàu); Tâm lý, tính cách dân tộc Việt Nam (của GS Nguyễn Hồng Phong); Văn hóa, văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hội và hai đề tài thuộc chương trình cấp Nhà nước do Viện Sử học thực hiện gồm: Văn hóa quản lý (GS Nguyễn Hồng Phong làm Chủ nhiệm), Văn minh Việt Nam trong quá khứ và viễn cảnh (PGS.TS. Trần Đức Cường làm Chủ nhiệm). Một số đề tài khác thuộc chương trình cấp bộ cũng đã được công bố, như: Văn hóa chính trị Việt Nam (của GS Nguyễn Hồng Phong), Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa - Một góc nhìn từ Việt Nam (của GS.TS. Phạm Xuân Nam), Lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam (của PGS.TS. Nguyễn Minh Tường)...

Các công trình trên đã khẳng định giá trị văn hóa, văn minh Việt Nam và làm rõ giá trị của văn hóa-văn minh Việt Nam trong tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1.4. Nghiên cứu các vấn đề về chính trị, xã hội

Nghiên cứu về vấn đề chính trị, xã hội là những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, góp phần làm sáng tỏ những đặc điểm, quy luật và di sản của lịch sử dân tộc và qua đó góp phần nhất định vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Viện Sử học là một trong những cơ quan đi đầu trong việc nghiên cứu, đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ những vấn đề về cải cách ruộng đất, về hợp tác hóa nông nghiệp, về các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam, về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, về đấu tranh thống nhất nước nhà, về chủ quyền quốc gia, dân tộc, về chính sách xã hội,…

Trong việc nghiên cứu về di sản lịch sử và xuất phát điểm của Việt Nam khi đi lên chủ nghĩa xã hội, Viện Sử học được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề Quy luật và đặc điểm lịch sử xã hội Việt Nam - Cái mạnh, cái yếu của Việt Nam do lịch sử để lại khi tiến lên chủ nghĩa xã hội; Những bài học dựng nước, giữ nước đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay; Phương thức sản xuất châu Á - Lý luận Mác - Lênin và thực tiễn Việt Nam, Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Chúng ta kế thừa di sản nào? (của GS Văn Tạo), Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam- Những chứng tích lịch sử (GS. Văn Tạo và GS Furuta Motoo chủ biên),

Viện Sử học được giao thực hiện nhiều chương trình, đề tài cấp nhà nước như: Luận cứ khoa học cho sự đổi mới chính sách xã hội (Chủ nhiệm: GS.TS. Phạm Xuân Nam), Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam; Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (Chủ nhiệm: PGS.TS Trần Đức Cường); Xây dựng và phát triển văn hóa của giai cấp công nhân Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế (Chủ nhiệm: PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật); Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập II (Chủ nhiệm: PGS.TS. Trần Đức Cường); Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập IV (Chủ nhiệm: PGS.TS. Đinh Quang Hải). Các chương trình, đề tài cấp Nhà nước mà Viện Sử học thực hiện đều được đánh giá cao và đã được xuất bản, phổ biến rộng rãi trong xã hội.

Để góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam, Viện Sử học được giao thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như Lịch sử quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, Điều tra tư liệu thư tịch cổ và tư liệu điền dã về vương quốc Thủy Xá, Hỏa Xá, vấn đề của cái gọi là "Nhà nước Đề Ga",  Nhà nước "Khmer Krom trong lịch sử...

Về vấn đề xã hội, đáng chú ý là các công trình Xã thôn Việt Nam; Một số vấn đề hình thái kinh tế - xã hội, văn hóa và phát triển của GS Nguyễn Hồng Phong; Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý-Trần, Vương triều Mạc (nhiều tác giả); Kinh tế, xã hội thời Trần (thế kỷ 13, 14) của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi; Hồ Quý Ly của PGS.TS. Nguyễn Danh Phiệt; Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 của PGS.TS. Dương Kinh Quốc; Cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh, Chính sách đối với các dân tộc thiểu số của nhà nước quân chủ Việt Nam từ năm 939 đến năm 1884; Tổ chức bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX (938-1884) của PGS.TS. Nguyễn Minh Tường; Thiết chế và phương thức tuyển dụng quan lại của chính quyền nhà nước trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, của PGS.TS. Trần Thị Vinh, Chính sách cải lương hương chính ở đồng bằng Bắc Kỳ và tác động của nó đến đời sống làng xã thời Pháp thuộc (trường hợp tỉnh Hà Đông) của TS. Nguyễn Thị Lệ Hà...

Vấn đề giáo dục cũng là lĩnh vực được Viện Sử học quan tâm nghiên cứu, trong đó có nhiều công trình đã được xuất bản như: Giáo dục Việt Nam thời cận đại (Phan Trọng Báu), Giáo dục Pháp - Việt ở Bắc Kỳ (1884-1945), Trường dạy nghề ở Việt Nam thời Pháp thuộc 1898-1945 (TS. Trần Thị Phương Hoa). Trong những năm gần đây, Viện Sử học đã hoàn thành việc nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Giáo dục Việt Nam từ thế kỷ X đến năm 2000 gồm 5 tập: Tập 1: Giáo dục Việt Nam từ thế kỷ X đến năm 1858 (do PGS.TS. Vũ Duy Mền chủ biên); Giáo dục Việt Nam từ 1858 đến năm 1945 (do PGS.TS. Trần Đức Cường làm chủ biên); Giáo dục Việt Nam từ 1945 đến năm 1975 (do PGS.TS. Đinh Quang Hải chủ biên); Giáo dục miền Nam Việt Nam 1954-1975 (do PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật chủ biên);  Giáo dục Việt Nam từ năm 1975 đến năm 2000 (do PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi chủ biên), Làng khoa bảng Nho học ở đồng bằng sông Hồng (TS. Ngô Vũ Hải Hằng và TS. Lê Quang Chắn chủ biên). Một số tập đã được xuất bản, số còn lại sẽ tiếp tục được ấn hành trong thời gian tới.

Đồng thời với việc nghiên cứu và công bố các tác phẩm, Viện Sử học đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia về những cuộc canh tân, cải cách trong lịch sử như cuộc cải cách của Hồ Quý Ly, Nguyễn Trường Tộ; tổ chức các chuyên san về Nhà Mạc, Nhà Hồ, Nhà Nguyễn, các cuộc hội thảo về vấn đề chính trị, văn hóa-xã hội,… nhằm làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về lịch sử dân tộc.

1.5. Nghiên cứu về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc

Nghiên cứu, khai thác những bài học lịch sử về quá trình đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc luôn là nhiệm vụ quan trọng của Viện Sử học. Về chủ đề này, trước hết phải kể đến các công trình: Lịch sử 80 năm chống Pháp (của GS.VS Trần Huy Liệu, đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I), Nhà Đinh dẹp loạn và giữ nước (của PGS.TS. Nguyễn Danh Phiệt), Nguyễn Trãi đánh giặc, Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ (của Nguyễn Lương Bích), Cách mạng Tây Sơn (của GS Văn Tân), Hai mươi năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (của PGS Bùi Đình Thanh), Công cuộc bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân trong những năm 1945-1946 (của TS. Nguyễn Tố Uyên).

Nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Viện Sử học được Bộ Chính trị giao nghiên cứu và xuất bản các công trình: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu Việt Bắc (1945-1954) do PGS.TS Trần Đức Cường làm Chủ nhiệm và Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Khu Tây Bắc (1945-1954) do PGS. Cao Văn Lượng làm Chủ nhiệm.

Phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, trước hết phải kể đến công trình đồ sộ Miền Nam giữ vững thành đồng gồm 5 tập (của GS. Trần Văn Giàu); công trình Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một của nhiều tác giả; Lịch sử cách mạng miền Nam giai đoạn 1954-1960 của PGS Cao Văn Lượng; Tìm hiểu phong trào đồng khởi ở miền Nam Việt Nam của các tác giả Cao Văn Lượng, Phạm Quang Toàn, Trần Quỳnh Cư… Ngoài ra, còn có một số công trình nghiên cứu về cách mạng miền Nam, về đấu tranh thống nhất đất nước đã được Viện Sử học xuất bản trong những năm 1959-1976.

Viện Sử học cũng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia kỷ niệm những ngày lễ lớn như kỷ niệm Chiến thắng Bạch Đằng, Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30-4, kỷ niệm 40 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc... Trong các dịp kỷ niệm lớn này, Viện Sử học đã xuất bản cuốn sách như: Nửa thế kỷ nhìn lại ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/1996); 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới, phát triển đất n­ước (2004); Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại (2014); 40 năm thống nhất đất nước với công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế (30/4/1975 – 30/4/2015)…

Ngoài ra, trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử đã đăng tải nhiều bài về xây dựng lực lượng, về đấu tranh chính trị và vũ trang, về các trận đánh, về các chiến dịch, về nhà nước cách mạng Việt Nam...

1.6. Nghiên cứu về lịch sử kinh tế

Đây cũng là lĩnh vực được Viện Sử học quan tâm nghiên cứu và đã có nhiều công trình được công bố: Tiền cổ Việt Nam của PGS. Đỗ văn Ninh; Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam (1859-1945) của PGS. Vũ Huy Phúc; Lịch sử tín dụng nông nghiệp Việt Nam (1945-1975) của TS. Phạm Quang Trung; Vấn đề trị thủy ở đồng bằng Bắc Bộ dưới thời Nguyễn, thế kỷ XIX của TS. Đỗ Đức Hùng; Công nghiệp than Việt Nam thời kỳ 1888-1945 của PGS.TS. Cao Văn Biền; Kinh tế Việt Nam Cộng hòa dưới tác động của viện trợ Hoa Kỳ (1955-1975) của TS Phạm Thị Hồng Hà…

Thực hiện chương trình nghiên cứu về lịch sử giao thông vận tải, Viện Sử học đã triển khai nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Giao thông vận tải Việt Nam từ thế kỷ X đến nay, bao gồm: Lịch sử Giao thông vận tải Việt Nam từ thế kỷ X đến năm 1884 (PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ chủ nhiệm); Lịch sử Giao thông vận tải Việt Nam từ năm 1884 đến năm 1945 (TS. Nguyễn Lan Dung chủ nhiệm); Lịch sử Giao thông vận tải Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1954 (TS. Lương Thị Hồng chủ nhiệm); Lịch sử Giao thông vận tải Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 (PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật chủ nhiệm); Lịch sử Giao thông vận tải Việt Nam từ năm 1975 đến năm 2006 (TS. Nguyễn Thúy Quỳnh chủ nhiệm). Trong số các nghiên cứu trên, một số đã được xuất bản trong các năm 2020- 2021, số còn lại đang được tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung để xuất bản trong các năm tiếp theo.

1.7. Nghiên cứu về giai cấp công nhân

Đây là những vấn đề được Viện Sử học quan tâm nghiên cứu và đã đạt được những kết quả đáng kể. Ngoài công trình đồ sộ Giai cấp công nhân Việt Nam (của GS Trần Văn Giàu, đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I) và Giai cấp công nhân Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa (công trình hợp tác giữa Viện Sử học Việt Nam và Viện Phương Đông Liên Xô), còn có một số công trình về giai cấp công nhân Việt Nam đã được xuất bản như: Công nhân miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 (của PGS Cao Văn Lượng), Giai cấp công nhân Việt Nam những năm trước khi thành lập Đảng (của PGS Ngô Văn Hòa và PGS.TS Dương Kinh Quốc), Giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ 1939 - 1945 (của PGS Cao Văn Biền), Giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ 1945-1954 (của Nguyễn Hữu Hợp và Phạm Quang Toàn), Giai cấp công nhân miền Bắc Việt Nam 1955-1960 (của GS Văn Tạo và PGS.TS. Đinh Thị Thu Cúc), Công nghiệp hóa - hiện đại hóa và sự phát triển của giai cấp công nhân (do PGS Cao Văn Lượng làm Chủ biên), Về thực trạng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay (TS. Phạm Quang Trung, PGS.TS. Cao Văn Biền, PGS.TS Trần Đức Cường).

Ngoài ra, trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử còn đăng tải nhiều bài viết chuyên về giai cấp công nhân, về vấn đề liên minh công-nông trong cách mạng giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các công trình nghiên cứu trên đã làm rõ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân với tư cách là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

1.8. Nghiên cứu về vấn đề ruộng đất, nông thôn và nông dân

Đây cũng là vấn đề mà Viện Sử học tập trung nghiên cứu và thu được nhiều thành tựu. Nhiều công trình về vấn đề này đã được xuất bản như: Nông thôn Việt Nam trong lịch sử (2 tập của nhiều tác giả); Tìm hiểu xã thôn Việt Nam thời Lý - Trần, (của nhiều tác giả); Nông dân và nông thôn Việt Nam thời cận đại (2 tập của nhiều tác giả), Tìm hiểu vấn đề ruộng đất Việt Nam đầu thế kỷ XIX (của PGS Vũ Huy Phúc); Quá trình biến đổi về chế độ sở hữu ruộng đất và cơ cấu giai cấp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long (1969-1975) (của TS Trần Hữu Đính), Thái ấp điền trang thời Trần (của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi); Đồn điền của người Pháp ở Bắc Kỳ 1884-1918, Việc nhượng đất, khẩn hoang ở Bắc Kỳ từ 1919 đến 1945 (của PGS.TS. Tạ Thị Thúy), Vấn đề trị thủy ở đồng bằng Bắc Bộ dưới triều Nguyễn (của TS. Đỗ Đức Hùng), Hương ước cổ làng xã Đồng bằng Bắc Bộ, Tìm lại làng Việt xưa (của PGS.TS. Vũ Duy Mền), Sông đào Thanh Hóa từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX; Làng nghề thủ công và làng khoa bảng thời phong kiến ở đồng bằng sông Mã của PGS.TS. Hà Mạnh Khoa…

Trong những năm gần đây, Viện Sử học triển khai nghiên cứu đồng bộ về nông thôn Việt Nam trên các vùng miền và qua các thời kỳ như: Nông thôn đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX do PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ chủ nhiệm; Nông thôn đồng bằng Bắc Bộ (1884-1945) do PGS. TS. Nguyễn Ngọc Mão chủ nhiệm; Nông thôn đồng bằng Bắc Bộ (1945- 1954) do PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật chủ nhiệm; Nông thôn đồng bằng sông Cửu Long (1954-1975) do PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật chủ nhiệm; Nông thôn đồng bằng Bắc Bộ (1965-1975) do PGS. TS. Đinh Quang Hải chủ nhiệm; Nông thôn đồng bằng sông Cửu Long (1975-1996) do PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ chủ nhiệm; Nông thôn đồng bằng Bắc Bộ (1996-2006) do PGS. TS. Hà Mạnh Khoa chủ nhiệm; Nông thôn đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1996 đến năm 2006 do PGS. TS. Đinh Quang Hải chủ nhiệm; Nông thôn Trung Kỳ từ năm 1858 đến năm 1945 do TS. Trần Thị Phương Hoa chủ nhiệm; Nông thôn đồng bằng duyên hải miền Trung từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX do PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ chủ nhiệm; Nông thôn đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2006 đến năm 2016 do PGS. TS. Đinh Quang Hải chủ nhiệm; Nông thôn Nam Kỳ từ năm 1858 đến năm 1945 do TS. Trần Thị Phương Hoa chủ nhiệm; Thủy nông Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945 (TS. Bùi Thị Hà chủ nhiệm); Làng xã Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ đất nước từ thế kỷ X đến thế kỷ XV (TS. Lê Thùy Linh chủ nhiệm); Thuỷ lợi miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 (TS. Phạm Thị Hồng Hà chủ nhiệm)… Nhiều đề tài trên sau khi nghiệm thu đã được xuất bản và phổ biến rộng rãi.

Ngoài ra, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử đã công bố hàng trăm bài nghiên cứu về vấn đề ruộng đất, nông nghiệp và phong trào nông dân trong lịch sử.

1.9. Nghiên cứu về lịch sử thế giới và quan hệ quốc tế của Việt Nam

Đi đôi với việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Viện Sử học còn tổ chức nghiên cứu và biên soạn lịch sử thế giới. Hướng nghiên cứu cơ bản chủ yếu tập trung vào phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, lịch sử một số nước lớn trên thế giới và quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Một số công trình về lịch sử thế giới đã được công bố như: Phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ ở châu Mỹ Latinh, Lịch sử cách mạng Cuba (của GS.TS. Phạm Xuân Nam), Lịch sử Indonexia (của Võ Văn Nhung), Chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ và phong trào chống Mỹ ở châu Phi (của Nguyễn Hữu Thùy), Châu Phi vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (của Ngô Phương Bá, Võ Kim Cương, Lê Trung Dũng), Cách mạng tháng Mười và Cách mạng Việt Nam (của nhiều tác giả), Lịch sử Thế giới đại cương (1917 - 1945) (TS. Nguyễn Thị Hồng Vân chủ nhiệm), Đại cương Lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến năm 1991 (PGS. TS. Lê Trung Dũng chủ nhiệm).

 Về quan hệ quốc tế có các công trình: Lịch sử ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc: từ khởi thủy đến cuối thế kỷ XVIII của GS Văn Tân; Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XV- đầu thế kỷ XVI của PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn; Quan hệ Việt- Mỹ trong Cách mạng tháng Tám (TS. Trần Hữu Đính và PGS.TS. Lê Trung Dũng); Việt Nam và châu Phi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc (PGS.TS. Võ Kim Cương); Lịch sử quan hệ biên giới Việt Nam - Trung Quốc từ năm 1945 đến năm 1979 (PGS. TS. Đinh Quang Hải chủ biên); Quá trình hình thành đường biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia (PGS.TS. Lê Trung Dũng chủ biên); Vấn đề biển Đông trong quan hệ Mỹ - Trung - Xô (Nga) từ những năm 70 của thế kỷ XX đến năm 2015 (TS. Vũ Thị Thu Giang chủ nhiệm); Viện trợ nước ngoài cho Việt Nam (đối với giáo dục và đào tạo 1954-1975) của TS Nguyễn Thúy Quỳnh; Hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến 1975 (TS. Lê Văn Phong); Những thay đổi của đường biên giới Việt - Lào trong thế kỷ XIX (TS. Vũ Thị Thu Giang chủ nhiệm)…

2. Nghiên cứu và biên soạn các bộ thông sử

Đi đôi với việc nghiên cứu, biên soạn các công trình chuyên sâu về những vấn đề lịch sử, Viện Sử học còn tổ chức nghiên cứu, biên soạn bộ Thông sử Việt Nam từ khởi thủy cho đến nay. Trước đây, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Sử học, một số nhà sử học trong và ngoài Viện đã thực hiện việc biên soạn và xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam gồm 2 tập.

Trong giai đoạn từ 1986 đến năm 2005, Viện Sử học đã tiến hành nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các bộ Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1975. Tiếp tục thành quả trên, Lãnh đạo Viện Sư học đề xuất với Lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam tiến hành chương trình khoa học cấp bộ nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập, từ khởi thủy đến năm 2000.

Đến năm 2013, bộ thông sử Lịch sử Việt Nam 15 tập từ khởi thủy đến năm 2000 đã hoàn thành và được xuất bản trong năm 2013 và năm 2014 gồm: Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X (PGS.TS. Vũ Duy Mền chủ biên); Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV (PGS.TS. Trần Thị Vinh chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI (do PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVII  đến thế kỷ XVIII (PGS.TS. Trần Thị Vinh chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1802 đến 1858 (TS. Trương Thị Yến chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến năm 1896 (PGS.TS. Võ Kim Cương chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1896 đến 1919, Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1930, Lịch sử Việt Nam từ 1930 đến 1945 (PGS.TS. Tạ Thị Thúy chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1945 đến 1950 (PGS.TS.Đinh Thị Thu Cúc chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1951 đến 1954 (PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1954 đến 1965 (PGS.TS. Trần Đức Cường chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1965 đến 1975 (PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1975 đến 1986 (PGS.TS. Trần Đức Cường chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1986 đến 2000 (PGS.TS. Nguyễn Ngọc Mão chủ biên). Năm 2017, trước yêu cầu của bạn đọc, bộ sách đã được tái bản lần thứ nhất.

Tuy nội dung có thể chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của giới Sử học cũng như của xã hội, song bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử học là bộ thông sử lớn nhất được công bố hiện nay. Các tập thông sử nói trên góp phần vào việc truyền bá, nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Việt Nam ở trong nước cũng như quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Từ năm 2016, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam được Nhà nước giao thực hiện Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam gồm 25 tập và Biên niên Lịch sử Việt Nam gồm 5 tập. Các cán bộ của Viện Sử học được giao Chủ nhiệm 8 tập trong tổng số 30 tập của công trình này. Đến năm 2021, công trình đã được nghiệm thu và đang được hoàn chỉnh để xuất bản.

3. Sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và công bố tư liệu lịch sử, biên soạn các bộ sách công cụ

Cùng với việc nghiên cứu, biên soạn các bộ thông sử, các sách chuyên khảo sâu về các lĩnh vực, Viện Sử học luôn chú trọng nghiên cứu, khai thác các di sản lịch sử của dân tộc. Trong nhiều năm, Viện đã thu thập, giám định, dịch thuật và cho xuất bản các bộ lịch sử cổ bằng chữ Hán mà các thế hệ ông cha để lại, trong số đó đáng chú ý nhất là các bộ như Việt sử thông giám cương mục (20 tập), Đại Việt sử ký toàn thư (4 tập), Đại Nam nhất thống chí (5 tập), Đại Nam thực lục (38 tập), Lịch triều hiến chương loại chí (2 tập), Nguyễn Trãi toàn tập, Lê Quý Đôn toàn tập, Đại Việt thông sử, Quốc triều hình luật, Đại Nam liệt truyện, Lê triều quan chế, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (10 tập), Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt địa dư toàn biên, Sử học bị khảo, Gia Định thành thông chí, Cổ luật Việt Nam. Trong những năm gần đây, Viện Sử học tiếp tục xuất bản và tái bản các bộ sách như: Đại Nam thực lục (10 tập), Đại Nam hội điển sự lệ (tục biên) gồm 10 tập, Việt sử thông giám cương mục khảo lược, Đại Nam quốc cương giới vực biên, Sử học bị khảo, Lê quý kỷ sự,

Do có một đội ngũ cán bộ có trình độ học vấn cao, nên những bộ sách nói trên đã được dịch ra tiếng Việt một cách chuẩn xác, trở thành sách công cụ của giới sử học và là cơ sở cho tất cả những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Đó còn là những di sản vô giá mà ông cha ta để lại giúp chúng ta nghiên cứu, đánh giá những giá trị và bản sắc của văn hóa dân tộc.

Không chỉ tổ chức sưu tầm, thẩm định, dịch thuật và xuất bản các tác phẩm lịch sử do ông cha ta để lại, Viện Sử học đã tổ chức biên soạn, chỉnh lý và công bố các bộ sách về tư liệu lịch sử, như: Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam (12 tập), Cách mạng Tháng Tám (2 tập), Việt Nam - Những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945-2002), Cách mạng Tháng Tám 1945 - Những sự kiện lịch sử…

Đồng thời với việc xuất bản bộ thông sử Việt Nam 15 tập, Viện Sử học biên soạn và xuất bản bộ sách Lịch sử Việt Nam thường thức từ khởi thủy đến năm 2000 gồm 5 tập. Tập 1: Lịch sử Việt Nam thường thức từ khởi thủy đến thế kỷ X (do TS. Hà Mạnh Khoa chủ biên); Tập 2: Lịch sử Việt Nam thường thức từ thế kỷ XX đến 1858 (PGS.TS. Nguyễn Minh Tường chủ biên); Tập 3: Lịch sử Việt Nam thường thức từ 1858 đến 1945 (PGS.TS. Tạ Thị Thúy chủ biên); Tập 4: Lịch sử Việt Nam thường thức từ 1945 đến 1975 (PGS.TS. Đinh Quang Hải chủ biên); Tập 5: Lịch sử Việt Nam thường thức từ 1975 đến năm 2000 (PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ chủ biên). Năm 2018, bộ sách trên đã được chỉnh sửa, bổ sung và xuất bản thành bộ Lịch sử Việt Nam phổ thông gồm 9 tập (từ khởi thủy đến năm 2000).

Cùng với việc biên soạn các công trình chuyên sâu và bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập, Viện Sử học đã tổ chức biên soạn bộ sách về Biên niên lịch sử Việt Nam như: Việt Nam - Những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858); Việt Nam - Những sự kiện lịch sử (1858-1918); Việt Nam - Những sự kiện lịch sử (1919-1945); Việt Nam - Những sự kiện lịch sử (1945-1975); Việt Nam - Những sự kiện lịch sử (1975-2000); Thế giới - những sự kiện lịch sử thế kỷ XX (1901-1945); Thế giới - những sự kiện lịch sử thế kỷ XX (1946-2000); Quan hệ Việt Nam-Liên Xô (1917-1991)-Những sự kiện lịch sử...

Những bộ sách công cụ và tư liệu lịch sử nói trên trở thành nguồn tài liệu tham khảo tin cậy, có giá trị giúp cho việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, được giới sử học cũng như đông đảo bạn đọc hoan nghênh và đánh giá cao.

4. Tham gia thẩm định các chương trình, kế hoạch về văn hóa, khoa học xã hội; hợp tác với các ngành, các địa phương và quốc tế

Với uy tín khoa học cao trong ngành và giới, Viện Sử học cũng như các cán bộ của Viện được Nhà nước và các cơ quan, tổ chức mời tham gia các hội đồng chuyên môn thẩm định và xét duyệt các chương trình, đề tài khoa học như Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Quốc gia UNESCO, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Hải quan Việt Nam, Hội Xuất bản, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban Nhân dân một số tỉnh và thành phố...

Ngay từ khi mới thành lập, Viện Sử học đã xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu trong nước, bao gồm cả hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ. Nhiều công trình hợp tác nghiên cứu có giá trị đã được công bố về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới và phương pháp luận sử học. Viện Sử học đã tổ chức và chủ trì nhiều hội thảo khoa học ở trung ương và các địa phương về các vấn đề hình thành dân tộc, vấn đề ruộng đất và nông dân, vấn đề hình thái kinh tế - xã hội và về việc đánh giá, làm rõ thân thế, sự nghiệp của một số nhân vật lịch sử, quá trình ra đời và phát triển của các địa phương, các ngành. Viện Sử học chủ trì và tham gia biên soạn nhiều công trình lịch sử và địa chí cho các ngành, các địa phương trong cả nước như Lịch sử Chính phủ Việt Nam; Lịch sử Thanh tra Việt Nam; Lịch sử Hải quan Việt Nam; Lịch sử Bộ Nội vụ; Lịch sử thành phố Đà Nẵng; Lịch sử tỉnh Cao Bằng; Lịch sử tỉnh Phú Yên; Lịch sử tỉnh Hải Dương; Lịch sử tỉnh Hưng Yên...; Địa chí Thái Nguyên; Địa chí Ninh Bình; Địa chí Hà Nam; Địa chí Quảng Ninh; Địa chí Hòa Bình; Địa chí Thanh Hóa... và nhiều sách lịch sử về các huyện, xã trong cả nước.

Không chỉ đẩy mạnh việc nghiên cứu lịch sử, Viện Sử học còn góp phần hướng dẫn, bồi dưỡng lý luận và phương pháp biên soạn lịch sử cho các địa phương và các ngành. Nhiều lớp bồi dưỡng về chuyên môn cho các cán bộ lịch sử địa phương và chuyên ngành đã được tổ chức ở cả miền Bắc và miền Nam, đáp ứng một phần yêu cầu của phong trào nghiên cứu và biên soạn lịch sử địa phương và chuyên ngành đang có chiều hướng phát triển.

Về đối ngoại, Viện Sử học xây dựng và tăng cường quan hệ hợp tác với các nhà nghiên cứu, các trường đại học và một số Viện nghiên cứu ở các nước: Liên Xô (trước đây), Nga, Ucraina, Pháp, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia, Thụy Điển, Na Uy, Bungari, Ba Lan, Lào, Campuchia... Viện Sử học phối hợp với Viện Lịch sử Lào bổ sung, chỉnh lý cuốn sách Lịch sử Lào, cùng với Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga biên soạn bộ sách Lịch sử Việt Nam 6 tập. Quan hệ hợp tác quốc tế của Viện Sử học đã góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo cán bộ của Viện, giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân ta; qua đó, nâng cao uy tín của Viện và các nhà nghiên cứu trong Viện.

Trên đây là những đề tài, những công trình mà Viện Sử học đã thực hiện. Hiện nay, Viện Sử học đang tiếp tục chỉnh sửa, biên tập và cho xuất bản các đề tài cấp Bộ, cấp Viện đã được nghiệm thu và đang triển khai tiếp các hệ đề tài về chính sách xã hội, về kinh tế, văn hóa - giáo dục, nông thôn - nông dân trong lịch sử và hiện tại. Thành tựu nghiên cứu của cán bộ Viện Sử học còn được thể hiện phong phú và đa dạng trong các bài viết được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, các tạp chí chuyên ngành khác và trong các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế (có bài viết riêng về những vấn đề này).

Tính đến nay, Viện Sử học đã xuất bản được hơn 500 đầu sách (trong đó, có những đầu sách gồm hàng chục tập), ra được hơn 600 số, trong số đó có 48 số của Tập san Văn Sử Địa và 568 số  Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (tính đến số 8-2023) với gần 5.300 bài viết, trong đó có nhiều công trình góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hình thành quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Với những đóng góp quan trọng như vậy, nhiều nhà khoa học của Viện đã được tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ; Viện Sử học đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới./.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 11 (571) -2023

* PGS.TS. Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

 

Các tin đã đưa ngày: