Các yếu tố ảnh hưởng đến quyền quyết định của vợ và chồng đối với các công việc quan trọng của gia đình: Những phát hiện mới từ Điều tra Gia đình 2017

Các yếu tố ảnh hưởng đến quyền quyết định của vợ và chồng đối với các công việc quan trọng của gia đình: Những phát hiện mới từ Điều tra Gia đình 2017

12/03/2020

Nguyễn Hữu Minh*, Trần Thị Hồng*

 

Tóm tắt: Vận dụng các cách tiếp cận hiện đại hóa, phân bổ nguồn lực tương đối và văn hóa và phương pháp phân tích đa biến bài viết kiểm chứng ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế-xã hội, văn hóa đến quyền quyết định của người vợ và người chồng đối với các công việc quan trọng của gia đình dựa trên số liệu khảo sát 2007 đại diện hộ gia đình ở 10 xã/phường thuộc 7 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng kinh tế-xã hội năm 2017 của Đề tài cấp Bộ “Xu hướng biến đổi của đặc điểm gia đình Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế” thuộc Chương trình “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”. Kết quả phân tích cho thấy, người vợ có trình độ chuyên môn cao thì làm tăng khả năng cả hai vợ chồng đều có quyền quyết định và giảm khả năng người chồng có quyền quyết định cuối cùng; Các gia đình sống ở đô thị có nhiều khả năng cả hai vợ chồng cùng có quyền quyết định hơn, nhưng giảm khả năng người chồng có quyền quyết định; Những khác biệt về vị thế kinh tế giữa vợ và chồng có vai trò quan trọng hơn các khác biệt về vị thế xã hội đối với quyền ra quyết định trong gia đình; Quan niệm truyền thống coi nam giới là người nên chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra các quyết định quan trọng của gia đình có ý nghĩa quan trọng trong định hướng các khuôn mẫu ra quyết định trong thực tế (1).

Từ khóa: Hôn nhân - Gia đình; Quan hệ vợ chồng, Quyền quyết định; Bình đẳng giới trong gia đình.

 

1. Mở đầu

Phân tích về quyền quyết định là một trong những nội dung trọng tâm trong nghiên cứu bình đẳng giới trong gia đình ở Việt Nam. Dù thực hiện ở các quy mô và địa bàn khác nhau, kết luận khá phổ biến từ các nghiên cứu là người chồng thường quyết định những việc được coi là lớn, là quan trọng trong gia đình còn người vợ quyết định những việc thuộc về đời sống hàng ngày (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan khác, 2008; Lê Thái Thị Băng Tâm, 2008).

Câu hỏi đặt ra là mô hình quyền quyết định trong gia đình như hiện nay bị tác động bởi những yếu tố nào, liệu quyền quyết định khác nhau của người chồng hay người vợ được dựa trên cơ sở giới tính hay vì một lý do nào khác. Thực tế cho thấy các yếu tố liên quan đến việc phụ nữ hay nam giới có quyền quyết định cao hơn ở từng lĩnh vực cụ thể rất khác nhau. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất/kinh doanh, quyền quyết định của người chồng trong sản xuất phụ thuộc rất ít và hầu như không liên quan nhiều đến đóng góp của họ cho kinh tế gia đình. Tuy nhiên, quyền quyết định của người vợ trong sản xuất tăng lên đáng kể khi đóng góp của họ cho kinh tế gia đình tăng (Phạm Thị Huệ, 2008). Về tác động của độ tuổi tới quyết quyết định của người vợ và người chồng trong lĩnh vực sản xuất ở khu vực nông thôn, Phạm Thị Huệ (2008) và Lê Ngọc Văn cùng cộng sự (2002) phát hiện rằng, người phụ nữ ở độ tuổi càng lớn thì tỷ lệ giữ vai trò quyết định càng cao. Tuy nhiên, theo Lê Ngọc Lân (2000), những phụ nữ từ tuổi trung niên (35-49) và lớp trẻ thường năng động hơn và có vị thế cao hơn lớp phụ nữ lớn tuổi trong gia đình. Đối với các quyết định liên quan đến học tập, nghề nghiệp và hôn nhân của con cái thì phụ nữ thành thị có quyền quyết định cao hơn trong gia đình. Tiếng nói của phụ nữ trong việc ra quyết định cũng được thể hiện rõ hơn ở nhóm học vấn cao và có nghề nghiệp phi nông nghiệp (Lê Ngọc Lân, Nguyễn Phương Thảo, 2006),v.v.

Vì vậy, ngoài việc đánh giá mức độ khác biệt giữa các nhóm xã hội đối với từng lĩnh vực thì cần căn cứ vào đánh giá chung về mức độ bình đẳng giới trong việc ra quyết định. Câu hỏi chung có thể là ai là người có quyền quyết định cuối cùng các vấn đề quan trọng/lớn của gia đình và tiếp theo sẽ là những yếu tố nào có liên quan đến khả năng có quyền quyết định đó. Vấn đề này còn ít được nghiên cứu ở Việt Nam. Ngoài ra, một điểm hạn chế đối với các phân tích về quyền quyết định giữa vợ và chồng trong gia đình ở Việt Nam là chủ yếu dừng ở các phân tích tương quan 2 biến về mối quan hệ giữa quyền quyết định và một số đặc điểm hộ gia đình và cá nhân. Những phân tích hai biến hàm chứa khả năng đưa ra nhận định sai lầm về mối quan hệ giữa các yếu tố với quyền quyết định, bởi lẽ trong mỗi yếu tố đều có đặc điểm của các yếu tố khác mà cách phân tích này không cho phép bóc tách được vai trò của từng yếu tố (Nguyễn Hữu Minh, 2016). Bài viết này dựa trên số liệu mới, có quy mô lớn sẽ tập trung phân tích về các yếu tố tác động đến mô hình quyền quyết định những công việc quan trọng trong gia đình giữa vợ và chồng trong giai đoạn hiện nay.

2. Nguồn số liệu, lý thuyết và phương pháp phân tích

Bài viết dựa trên số liệu khảo sát năm 2017 của Đề tài cấp Bộ “Xu hướng biến đổi của đặc điểm gia đình Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế” thuộc Chương trình “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Điều tra Gia đình 2017). Dung lượng mẫu khảo sát là khá lớn, với 2007 đại diện hộ gia đình ở 10 xã/phường (khoảng 200 đại diện hộ ở mỗi xã/phường), thuộc 7 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng kinh tế-xã hội, gồm Hà Nội, Nam Định, Yên Bái, Thừa Thiên-Huế, Đắc Lắc, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Số lượng nam giới được phỏng vấn là 942 người (chiếm 46,9%) và phụ nữ là 1065 (53,1%). Tỷ lệ người trả lời ở các nhóm tuổi khác nhau là: 8,2% cho nhóm 29 tuổi trở xuống; 28,0% cho nhóm 30-39; 28,7% cho nhóm 40-49; 24,1% cho nhóm 50-59; và 11,0% cho nhóm 60-71.

 Bài viết vận dụng các cách tiếp cận hiện đại hóa, phân bổ nguồn lực tương đối và văn hóa để kiểm chứng ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế-xã hội, văn hóa. Lý thuyết Hiện đại hóa (Goode 1963, 1982, 1987) chỉ rõ rằng, quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa tác động đến tất cả các xã hội và làm biến chuyển các gia đình hướng tới khuôn mẫu gia đình với cặp vợ chồng là trung tâm (conjugal family). Trong quan hệ giữa vợ và chồng, xu hướng chung sẽ là bình đẳng hơn trong phân công lao động và việc ra các quyết định gia đình. Các yếu tố gắn liền với quá trình hiện đại hóa chính là trình độ học vấn tăng lên, cơ hội hoạt động nghề nghiệp ngoài phạm vi gia đình và có trình độ chuyên môn cao và đô thị hóa. Giả thuyết thực nghiệm đặt ra từ lý thuyết này là những người sống ở đô thị, học vấn cao, có nghề nghiệp ngoài gia đình với trình độ chuyên môn cao hơn sẽ bình đẳng hơn trong các quyết định gia đình. Những người trẻ tuổi được xem là những người đi tiên phong trong việc tiếp nhận cái mới, họ mang những đặc trưng hiện đại hơn và do đó cũng được giả định là sẽ chấp nhận một quan hệ bình đẳng hơn trong việc đưa ra các quyết định gia đình. Theo Lý thuyết phân bổ nguồn lực tương đối (Blood, Wolfe, 1978), người có nhiều nguồn lực hơn sẽ bình đẳng với vợ/chồng hơn trong việc quyết định các công việc gia đình. Thu nhập, ưu thế nghề nghiệp và trình độ học vấn chính là 3 nguồn lực quan trọng quyết định cán cân quyền lực của vợ và chồng trong gia đình. Người nào có ưu thế nghề nghiệp, học vấn cao hoặc thu nhập cao hơn sẽ có khả năng có quyền quyết định cao hơn đối với các vấn đề của gia đình (dẫn theo Phạm Thị Huệ, 2008:370).

Tuy nhiên, ảnh hưởng của thu nhập, học vấn hay nghề nghiệp cũng rất khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế-xã hội và nền văn hóa. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự đóng góp về mặt kinh tế là rất quan trọng đối với việc nâng cao vị thế và quyền lực trong gia đình, nhưng bên cạnh đó, ở một số xã hội chưa phát triển, quan hệ quyền lực truyền thống lại có ý nghĩa quyết định chi phối mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình (Bhanot & Senn, 2007; Chen, 2005; Phạm Thị Huệ, 2008; Poortman & Lippe, 2009). Ở Việt Nam, các tác giả Mai Huy Bích và Lê Thị Kim Lan (1999) chỉ ra rằng ở nhiều gia đình, trong khi người vợ là người đảm nhận hầu hết các công việc, thậm chí họ mang lại thu nhập chính cho gia đình, phần lớn quyền quyết định thuộc về người chồng, người vợ chỉ là người thực thi các quyết định đó. Ở đây cho thấy, yếu tố văn hoá với quan niệm “trọng nam khinh nữ” có ý nghĩa quan trọng tác động đến vai trò của vợ và chồng trong việc ra quyết định. Như vậy, cần thiết phải tính đến yếu tố văn hóa, trong trường hợp này chính là quan niệm của người dân về ai nên là người có quyền quyết định.

Từ gợi ý của các kết quả trên, bài viết sử dụng các biến số phụ thuộc và độc lập sau đây để đánh giá tác động của các yếu tố:

Biến số phụ thuộc:

1) Người chồng là người quyết định cuối cùng các công việc quan trọng của gia đình (0-không; 1-có).

2) Cả hai vợ chồng là người quyết định cuối cùng các công việc quan trọng của gia đình (0-không; 1-có)

Biến số độc lập:

1) Các biến số liên quan đến vai trò của yếu tố hiện đại hóa: Học vấn của người vợ; Nghề nghiệp của người vợ; Nơi cư trú (đô thị/nông thôn); Độ tuổi của người vợ(2);

2) Các biến số liên quan đến yếu tố văn hóa: Dân tộc của người vợ; Quan niệm về người chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra các quyết định quan trọng của gia đình;

3) Các biến số liên quan đến quan hệ tương đối về nguồn lực cá nhân của người vợ và người chồng: So sánh trình độ học vấn của người vợ và người chồng (Các bậc học vấn được so sánh gồm: Trung cấp trở lên, Trung học phổ thông, Trung học cơ sở trở xuống); So sánh nghề nghiệp chính của người vợ và người chồng (Các bậc vị thế nghề được so sánh gồm: Cao cấp, Trung cấp, Sơ cấp+Nhân viên kỹ thuật; Lao động giản đơn+Không làm việc); So sánh thu nhập của người vợ và người chồng; So sánh tuổi của hai vợ chồng với giả định rằng người nào hơn tuổi thì sẽ có nhiều khả năng có quyền quyết định hơn vì họ có thể có hiểu biết hơn, từng trải hơn. Để bảo đảm đo lường sự từng trải hơn, người chồng phải nhiều hơn vợ ít nhất 5 tuổi.

Phân loại của các biến phạm trù trên sẽ được trình bày ở bảng kết quả phân tích. Để đảm bảo việc phân tích chính xác mối quan hệ giữa vợ và chồng, chỉ có những trường hợp có hai vợ chồng đang sống chung được sử dụng trong phân tích. Tổng số mẫu cho phân tích là 1888 trường hợp với 46,8% là nam và 53,2% là nữ.

3. Mô hình quyền quyết định các công việc quan trọng của gia đình giữa người vợ và người chồng hiện nay

Người quyết định chính các công việc cụ thể của gia đình

Các công việc quan trọng của gia đình được nhận diện bao gồm: đầu tư sản xuất kinh doanh hộ gia đình; mua bán nhà cửa đất đai; mua sắm đồ dùng, trang thiết bị, tài sản đắt tiền; tổ chức ma chay, cưới xin; định hướng việc làm của vợ chồng, con cái; việc sinh con. Khuôn mẫu quyền quyết định thể hiện rất rõ ràng (xem Bảng 1), đối với công việc chăm sóc con cái, vốn là liên quan nhiều đến vai trò người mẹ từ trong truyền thống, và các việc tổ chức giỗ, tết và ma chay, cưới xin (liên quan đến cỗ, bàn), tỷ lệ người vợ là người quyết định chính luôn cao hơn người chồng. Các việc như đầu tư sản xuất/kinh doanh, định hướng việc làm, mua sắm tài sản đắt tiền hay xây sửa nhà cửa, tỷ lệ người chồng là người quyết định chính luôn cao hơn người vợ. Đối với việc sinh con, tỷ lệ cao nhất thuộc về cả hai vợ chồng, gần 90%. Có thể nói, về cơ bản, khuôn mẫu về người quyết định chính các công việc quan trọng của gia đình là tương đồng với những phát hiện của các nghiên cứu trước.

Nếu so sánh với kết quả Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và cơ quan khác, 2008) đối với một số công việc cùng được đo lường, có thể thấy một xu hướng biến đổi tích cực về mối quan hệ giữa nam giới và phụ nữ trong vấn đề ra quyết định (xem Biểu đồ 1). Đối với một số công việc quan trọng trong gia đình vốn do người chồng quyết định là chủ yếu như đầu tư sản xuất/ kinh doanh, mua sắm đồ đắt tiền, mua bán/xây sửa nhà cửa, tỷ lệ do người chồng quyết định giảm đi, tuy nhiên, không phải để dồn cho người vợ quyết định mà là tăng tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng quyết định một cách rõ rệt.

Bảng 1. Người quyết định chính các công việc quan trọng của gia đình (%)

Công việc

Người quyết định chính

Người vợ

Người chồng

Cả hai vợ chồng

Người khác

Đầu tư sản xuất/ kinh doanh của hộ gia đình

19,4

41,4

35,4

4,1

Định hướng việc làm của vợ/ chồng, con cái

7,9

16,4

72,3

3,4

Việc học hành của các thành viên gia đình

20,9

10,1

64,1

4,9

Mua sắm đồ dùng, trang thiết bị, tài sản đắt tiền

9,4

27,5

57,8

5,4

Mua bán/ xây sửa nhà cửa, đất đai

5,6

37,5

51,6

5,3

Tổ chức giỗ, tết

36,2

10,9

47,1

5,8

Tổ chức ma chay, cưới xin

20,9

11,8

59,5

7,7

Việc sinh con

7,1

5,4

87,1

0,4

 

Biểu đồ 1. Tỷ lệ người chồng hoặc cả hai vợ chồng quyết định
các công việc gia đình (%)

Nguồn: Kết quả tính toán từ số liệu Điều tra Gia đình 2017 và Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan khác, 2008).

 

Quyền quyết định cuối cùng các vấn đề quan trọng của gia đình

Như phân tích ở Bảng 1, quyền quyết định các công việc trong gia đình được thể hiện theo từng loại việc cụ thể. Câu hỏi tiếp theo là xét một cách chung nhất, ai là người có quyền quyết định cuối cùng các vấn đề quan trọng/lớn của gia đình. Câu hỏi này được đặt ra trong Điều tra Gia đình 2017.

Kết quả cho thấy, hiện nay người chồng vẫn đang là người quyết định cuối cùng các công việc quan trọng ở đa số các gia đình (49,1%). Tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng tham gia quyết định là 32,6%, chiếm khoảng 1/3 số hộ gia đình được hỏi. Có 12,9% gia đình người vợ là người quyết định cuối cùng các công việc quan trọng của gia đình và 5,5% là do người khác. Như vậy, nam giới vẫn giữ vị trí quan trọng trong gia đình, cho dù địa vị, vai trò của người phụ nữ ngày nay đã có cải thiện đáng kể.

Cũng lưu ý rằng việc quyết định cuối cùng các công việc quan trọng của gia đình là một quá trình. Ở nhiều gia đình, mặc dù người chồng là người quyết định cuối cùng nhưng việc quyết định các công việc gia đình bao gồm cả sự thảo luận, thuyết phục chứ không phải luôn là sự quyết định bất chấp ý kiến của những thành viên khác trong gia đình.

4. Các yếu tố tác động đến quyền quyết định cuối cùng các công việc gia đình

Để góp phần lý giải các yếu tố ảnh hưởng đến quyền quyết định trong các công việc quan trọng của gia đình, bài viết tập trung phân tích hai mô hình, đó là mô hình người chồng có quyền quyết định, mô hình tương đối phổ biến hiện nay, và mô hình cả hai vợ chồng cùng quyết định, đặc trưng cho xu hướng biến đổi tích cực về bình đẳng giới trong quyền quyết định công việc gia đình. Trong các mô hình đa biến, chỉ những trường hợp quyền quyết định thuộc về cá nhân người vợ/chồng hoặc cả hai vợ chồng mới được đưa vào phân tích. Ngoài ra, do đặc điểm trình độ chuyên môn của nhóm nghề “lực lượng vũ trang” không thể hiện rõ trong khảo sát nên các trường hợp người vợ hay người chồng làm trong lực lượng vũ trang không đưa vào phân tích đa biến (do số lượng này nhỏ, không làm ảnh hưởng đến kết quả phân tích). Tổng số mẫu được phân tích là 1827 trường hợp.

Mô hình người chồng quyết định cuối cùng các công việc quan trọng

Mô hình phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới việc người chồng là người quyết định cuối cùng các công việc gia đình được xây dựng dựa trên các tiếp cận lý thuyết như đã trình bày ở trên. Biến số phụ thuộc là: Người chồng là người quyết định cuối cùng công việc quan trọng của gia đình (0-không; 1-có).

Bảng 2. Mô hình hồi quy logistic các yếu tố ảnh hưởng đến việc người chồng là quyết định cuối cùng các công việc của gia đình (Điều tra Gia đình 2017)

 

Biến số độc lập

Tỷ số chênh lệch

Số lượng

Tuổi người vợ

29 trở xuống

1

163

30-39

1,13

528

40-49

1,15

540

50-59

1,26

435

60-71

1,04

161

Học vấn của người vợ

Tiểu học trở xuống

1

430

THCS

1,13

721

THPT

1,28

368

Trung cấp trở lên

1,17

308

Nghề nghiệp chính của người vợ

Cao cấp

1

98

Trung cấp

1,32

106

Sơ cấp+ Nhân viên kỹ thuật

1,94*

235

Lao động giản đơn+Không làm việc

2,05*

1388

Dân tộc của người vợ

Kinh

1

1558

Ê đê

1,45

108

Khác

1,35

161

So sánh tuổi vợ và chồng

Chồng hơn vợ 4 tuổi trở xuống, bằng hoặc ít hơn

1

1319

Chồng hơn vợ ít nhất 5 tuổi

1,06

508

So sánh học vấn vợ và chồng

 Chồng hơn

1

276

 Vợ hơn

0,79

186

 Bằng nhau

0,95

1365

So sánh việc làm của vợ và chồng

Chồng hơn

1

333

Vợ hơn

0,99

152

Bằng nhau

0,93

1342

Người có thu nhập nhiều nhất

Người vợ

1

316

Người chồng

1,46**

910

Vợ chồng ngang nhau

1,19

601

Người nên chịu trách nhiệm chính trong đưa ra các quyết định quan trọng

Người vợ

1

128

Người chồng

6,42***

720

Cả hai vợ chồng

1,96***

979

Khu vực sinh sống

Thành thị

1

704

Nông thôn

1,5***

1123

Số người trong mẫu

 

1827

 

Mức ý nghĩa thống kê: *p<0,05  **p<0,01 ***p<0,001

 

Kết quả phân tích mô hình Logistic (xem Bảng 2) cho thấy, trong số các yếu tố đặc trưng cho chỉ báo hiện đại hóa, nơi ở và nghề nghiệp chính của người vợ có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng người chồng có quyền quyết định cuối cùng các công việc trong gia đình. Những người chồng sống ở nông thôn có nhiều khả năng gấp rưỡi so với người sống ở đô thị về quyền quyết định cuối cùng các việc quan trọng của gia đình. Điều này có thể được lý giải bởi đặc trưng văn hóa cũng như mức độ cải thiện về vị thế của phụ nữ ở từng khu vực. So với khu vực thành thị, những thay đổi về văn hóa, lối sống cũng như mức độ cải thiện về vị thế phụ nữ ở khu vực nông thôn diễn ra chậm hơn.

Trong những gia đình người vợ không làm việc/là lao động giản đơn hoặc có trình độ sơ cấp/nhân viên kỹ thuật thì khả năng người chồng là người quyết định cuối cùng gấp khoảng 2 lần so với những trường hợp người vợ làm nghề có trình độ cao cấp. Các yếu tố tuổi và học vấn không có tác động đáng kể đến khả năng người chồng có quyền quyết định cuối cùng.

Với các yếu tố đặc trưng cho chiều cạnh văn hóa, điểm nổi bật là mối quan hệ chặt chẽ giữa quan niệm ai nên chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra các quyết định quan trọng của gia đình và thực tiễn việc ra quyết định của gia đình đó. Những gia đình có người vợ hoặc chồng cho rằng người chồng nên là người chịu trách nhiệm chính trong gia đình thì sẽ có nhiều khả năng người chồng là người quyết định cuối cùng các công việc quan trọng trong gia đình đó. Yếu tố dân tộc không tạo nên sự khác biệt đáng kể về khả năng người chồng có quyền quyết định trong gia đình.

Chia sẻ của một người vợ là nữ hộ sinh và có trình độ học vấn cao hơn so với người chồng cho thấy quan niệm nam giới là người làm chủ gia đình đã ăn sâu vào tiềm thức, suy nghĩ của thành viên gia đình và định hướng hành vi của họ:

“Vẫn phải là đàn ông làm chủ, đến mình rồi mới đến các con chứ, nhà ai chả vậy. Phải có người trụ cột gia đình, phải là người đàn ông, kể cả nhiều người ốm đau, nằm một chỗ… nhưng vẫn là trụ cột mình mới làm được ra tiền, còn không có thì cũng không ra gì... Mình đàn bà nói vậy chứ không nhìn xa trông rộng bằng người ta” (Nữ, 1964, nữ hộ sinh, học vấn 12/12, học vấn của chồng 7/10, đi biển, Nam Định).

Không chỉ phụ nữ tự ti về bản thân mà người chồng cũng có định kiến về năng lực của phụ nữ: “Vì người phụ nữ không bao giờ làm được hết phần của con trai, đàn ông được nên việc to, lớn là do đàn ông quyết hết” (Nam, Kinh, 1973, Phi nông nghiệp, Yên Bái).

Trong số các biến số đo lường tính tương đối về nguồn lực giữa vợ và chồng, sự khác biệt về tuổi tác, học vấn hay nghề nghiệp không làm tăng hay giảm đáng kể khả năng người chồng có quyền quyết định trong gia đình. Yếu tố nổi bật nhất tạo nên sự khác biệt về khả năng có quyền quyết định của người chồng là so sánh thu nhập giữa vợ và chồng. Người chồng có thu nhập nhiều nhất trong hộ gia đình làm tăng gấp rưỡi khả năng họ trở thành người quyết định chính các công việc gia đình so với nhóm gia đình mà người có thu nhập nhiều nhất là người vợ. Như vậy, vị thế chuyên môn hay học vấn cao hơn của người chồng không đủ sức mạnh để làm tăng khả năng họ ra quyết định mà điều quan trọng là kết quả cuối cùng của hoạt động nghề nghiệp hay hiểu biết của họ, tức là thông qua yếu tố thu nhập. Trả lời của một phụ nữ trẻ có thể minh họa phần nào mối quan hệ giữa việc có nguồn lực hơn về kinh tế với quyền quyết định trong gia đình.

“Anh ý biết nhiều việc hơn em, việc buôn bán là anh ý chủ động, gần như người làm ra nhiều tiền hơn là người chủ động, quyết định mọi việc” (Nữ, 1983, công giáo, cao đẳng, giáo viên, học vấn lớp 9, Nam Định).

Lý giải nguyên nhân vì sao người chồng hay người vợ là người quyết định cuối cùng các công việc quan trọng trong gia đình, đa số các ý kiến trả lời cho rằng yếu tố cơ bản là người đó có khả năng đưa ra các quyết định quan trọng (67,3% đối với người chồng và 72,4% đối với người vợ) hay là người gương mẫu, có trách nhiệm (55,2% đối với người chồng và 51,8% đối với người vợ). Tuy nhiên, một tỷ lệ khá lớn cho rằng vì người đó là nam giới (39,0%) thể hiện rõ ràng như một chỉ báo về tác động của yếu tố văn hóa, các yếu tố thu nhập cao hơn (16,8% đối với người chồng và 14,8% với người vợ), lớn tuổi hơn (9,8% và 6,6%) cũng có vai trò không kém phần quan trọng so với các yếu tố về trình độ hiểu biết (16,2% và 14,0%) hay uy tín xã hội (13,0% và 12,1%).

Mô hình cả hai vợ chồng cùng quyết định các công việc gia đình

Trong mô hình phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng cả hai vợ chồng cùng là người quyết định cuối cùng các công việc gia đình, với biến số phụ thuộc là: Người vợ và chồng là người quyết định cuối cùng các công việc gia đình (0-không; 1-có). Hệ biến số độc lập gồm có các biến số như đã được xây dựng ở mô hình trước.

 

Bảng 3. Mô hình hồi quy logistic các yếu tố ảnh hưởng đến việc cả hai vợ chồng là quyết định cuối cùng các công việc của gia đình (Điều tra Gia đình 2017)

 

Biến số độc lập

Tỷ số chênh lệch

Số lượng

Tuổi người vợ

29 trở xuống

1

163

30-39

0,89

528

40-49

0,88

540

50-59

0,68*

435

60-71

0,56*

161

Học vấn của người vợ

Tiểu học trở xuống

1

430

THCS

0,85

721

THPT

0,90

368

Trung cấp trở lên

0,96

308

Nghề nghiệp chính của người vợ

Cao cấp

1

98

Trung cấp

0,93

106

Sơ cấp+ Nhân viên kỹ thuật

0,54*

235

Lao động giản đơn+Không làm việc

0,47**

1388

Dân tộc của người vợ

Kinh

1

1558

Ê đê

0,61*

108

Khác

0,76

161

So sánh tuổi vợ và chồng

Chồng hơn vợ 4 tuổi trở xuống, bằng hoặc ít hơn

1

1319

Chồng hơn vợ ít nhất 5 tuổi

0,93

508

So sánh học vấn vợ và chồng

 Chồng hơn

1

276

 Vợ hơn

1,23

186

 Bằng nhau

0,94

1365

So sánh việc làm của vợ và chồng

Chồng hơn

1

333

Vợ hơn

0,73

152

 Bằng nhau

0,94

1342

Người có thu nhập nhiều nhất

Người vợ

1

316

Người chồng

1,11

910

Vợ chồng ngang nhau

1,26

601

Người nên chịu trách nhiệm chính trong đưa ra các quyết định quan trọng

Người vợ

1

128

Người chồng

0,62*

720

Cả hai vợ chồng

2,10***

979

Khu vực sinh sống

Thành thị

1

704

Nông thôn

0,79*

1123

Số người trong mẫu

 

1827

 

Mức ý nghĩa thống kê: *p<0,05 **p<0,01 ***p<0,001

 

Kết quả phân tích được trình bày ở Bảng 3 cho thấy, khuôn mẫu tác động của các yếu tố hiện đại hóa đến khả năng cả hai vợ chồng cùng quyết định khá tương đồng với trường hợp người chồng là người quyết định. Những gia đình sống ở khu vực đô thị có khả năng cả hai vợ chồng cùng quyết định cao hơn đáng kể so với ở nông thôn. Những gia đình có người vợ làm nhân viên sơ cấp/nhân viên kỹ thuật và các công việc giản đơn/không làm việc thì khả năng cả hai vợ chồng cùng có quyền quyết định chỉ bằng khoảng một nửa so với gia đình có người vợ trình độ chuyên môn cao. Ngoài ra, ở các nhóm tuổi người vợ trẻ hơn thì khả năng cả hai vợ chồng đều có quyền quyết định cao hơn đáng kể so với các gia đình mà người vợ lớn tuổi hơn (đặc biệt từ 50 trở lên). Điều này phần nào phản ánh sự ảnh hưởng tích cực của các giải pháp chính sách nâng cao bình đẳng giới ở Việt Nam trong khoảng hai thập niên qua, đặc biệt từ khi có Luật Bình đẳng giới (2006). Trong khi yếu tố học vấn không có tác động đáng kể trong trường hợp phân tích khả năng cả hai vợ chồng đều có quyền quyết định.

Khả năng cả hai vợ chồng cùng là người quyết định cuối cùng cũng cao hơn ở những gia đình mà người trả lời cho rằng cả hai vợ chồng cùng nên là người quyết định công việc gia đình so với người cho rằng người vợ nên là người quyết định chính, đồng thời thấp hơn trong trường hợp cho rằng người chồng nên là người quyết định chính. Trong gia đình người dân tộc Ê đê, khả năng cả hai vợ chồng đều có quyền quyết định là thấp nhất, thấp hơn đáng kể so với dân tộc Kinh.

Việc phân tích các biến số đo lường vị thế tương đối giữa vợ và chồng không cho thấy có sự tác động đáng kể của các yếu tố này đến khả năng cả hai vợ chồng cùng có quyền quyết định.

5. Thảo luận

Như vậy, với hai mô hình phân tích khác nhau cho hai khuôn mẫu về quyền quyết định có thể thấy rằng vai trò của các yếu tố ảnh hưởng cũng khác nhau. Các yếu tố mang đặc trưng hiện đại có tác động rõ nhất đến khả năng người chồng có quyền quyết định hay cả hai vợ chồng có quyền quyết định là trình độ chuyên môn trong việc làm của người vợ. Người vợ có trình độ chuyên môn cao thì làm tăng khả năng cả hai vợ chồng đều có quyền quyết định và giảm khả năng người chồng có quyền quyết định cuối cùng. Tương tự các gia đình sống ở đô thị có nhiều khả năng cả hai vợ chồng cùng có quyền quyết định hơn, nhưng giảm khả năng người chồng có quyền quyết định. Những gia đình mà người vợ có độ tuổi trẻ thì làm tăng khả năng cả hai vợ chồng cùng có quyền quyết định nhưng không có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng người chồng có quyền quyết định. Các giả thuyết rút ra từ cách tiếp cận hiện đại hóa không được xác nhận hoàn toàn theo số liệu Điều tra Gia đình 2017 và điều đó gợi ra rằng khi mức độ hiện đại hóa được nâng cao thì tác động của các yếu tố đặc trưng cho hiện đại hóa có thể sẽ giảm khả năng tác động.

So sánh vị thế kinh tế - xã hội giữa vợ và chồng cho thấy, chỉ có sự khác biệt thu nhập có tác động quan trọng đến khả năng có quyền quyết định của người chồng. Những khác biệt tương đối khác về học vấn, nghề nghiệp, tuổi, hầu như không có vai trò quan trọng. Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, những khác biệt về vị thế kinh tế giữa vợ và chồng có vai trò quan trọng hơn các khác biệt về vị thế xã hội đối với quyền ra quyết định trong gia đình. Nghiên cứu này lần đầu tiên kiểm chứng tác động của các nguồn lực tương đối đến quyền ra quyết định giữa vợ và chồng trong gia đình ở Việt Nam. Phát hiện này gợi ra rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn về vai trò của các khác biệt vị thế kinh tế - xã hội đối với bình đẳng giới trong gia đình, trong đó việc xây dựng các biến số đo lường sự khác biệt tương đối về vị thế kinh tế - xã hội là rất quan trọng.

Quan niệm truyền thống coi nam giới là người nên chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra các quyết định quan trọng của gia đình có ý nghĩa quan trọng trong định hướng các khuôn mẫu ra quyết định trong thực tế. Trong khi đó, số liệu Điều tra Gia đình 2017 cho thấy, trong tương quan hiện nay giữa người vợ và người chồng thì người chồng vẫn được mong đợi là người chịu trách nhiệm chính, đưa ra các quyết đinh quan trọng của gia đình cao hơn so với người vợ (39,1% so với 7,0%). Sự duy trì quan niệm truyền thống này cho thấy việc đấu tranh đạt được bình đẳng giới trong việc ra quyết định tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nhiều người dân (53,9%, và tỷ lệ cao hơn ở nhóm tuổi từ 39 trở xuống và nhóm có học vấn từ trung cấp, cao đẳng trở lên), lại cho rằng việc đưa ra các quyết định quan trọng của gia đình nên được thực hiện bởi cả hai vợ chồng, có thể cho phép đưa ra nhận xét tích cực rằng, trong thời gian tới tỷ lệ các gia đình thực hiện mô hình cả hai vợ chồng cùng ra quyết định sẽ còn tiếp tục tăng lên. Cùng với đó là các hoạt động động truyền thông thay đổi nhận thức, và những biến đổi xã hội, chắc chắn những định kiến về vai trò giới sẽ ngày càng giảm đi. Những thay đổi tích cực về văn hóa ảnh hưởng tới khả năng hai vợ chồng cùng là người quyết định, xóa bỏ rào cản chỉ nam giới là người quyết định các công việc trong gia đình. Trong thời gian tới, dự báo sẽ giảm dần quan điểm chỉ người vợ hoặc chỉ người chồng là người quyết định, đồng thời tăng tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng quyết định công việc gia đình ở nhóm người trẻ tuổi. Mặc dù vậy, xu hướng bất bình đẳng giới trong quyền quyết định sẽ vẫn còn tồn tại ở một số nhóm xã hội hạn chế hơn về nguồn lực như nhóm học vấn thấp, sống ở khu vực nông thôn.

Trong nhiều năm qua cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mang lại cho cả phụ nữ và nam giới những nguồn lực kinh tế xã hội quan trọng như sự gia tăng về trình độ học vấn, thu nhập. Đồng thời, những nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam qua các cam kết quốc tế cũng như các văn bản pháp luật cấp quốc gia sẽ là những yếu tố thúc đẩy quan hệ giới trong gia đình ngày càng bình đẳng hơn. Vai trò của những yếu tố này chưa được đo lường đầy đủ qua các chỉ báo thực nghiệm và cần được quan tâm hơn trong những nghiên cứu sắp tới.n

 

Chú thích

* Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới

 (1) Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp Bộ trọng điểm "Xu hướng biến đổi của đặc điểm gia đình Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế" (Mã số: KHXH-GĐ/16-19/01). Đề tài thuộc Chương trình “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

(2) Các yếu tố học vấn người chồng, nghề nghiệp của người chồng, độ tuổi của người chồng, dân tộc của người chồng có tương quan chặt chẽ với các đặc điểm tương ứng của người vợ. Ngoài ra, việc sử dụng đặc điểm của người vợ được xác định là có vai trò quan trọng đối với ứng xử của họ trong quan hệ giữa vợ và chồng. Vì vậy bài viết chỉ trình bày kết quả đối với đặc điểm của người vợ. Các phân tích tương ứng đối với đặc điểm của cả người chồng cũng đã được tiến hành và kết quả cho thấy không làm thay đổi phát hiện chung.

 

Tài liệu trích dẫn

Bhanot, S., & Senn, C. Y. 2007. “Attitudes Towards Violence Against Women in Men of South Asian Ancestry: Are Acculturation and Gender Role Attitudes Important Factors?”. Journal of Family Violence, 22, tr. 25-31.

Blood, Robert. B., Wolfe, Donald. M. 1978. Husbands & Wives: the Dynamics of Married Living. Westport: Greenwood Press.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, Unicef. 2008. Kết quả điều tra Gia đình Việt Nam 2006. Hà Nội.

Chen, F. 2005. Employment transitions and the household division of labour in China. Social Forces, No.84, 831-851.

Goode, William J. 1963. World Revolution and Family Patterns. Glencoe, Free press.

Goode, William J. 1982. The Family. Second edition. Prentice-hall Foundations of Modern Sociology Series.

Goode, William J. 1987. “World Revolution and Family Patterns: A Retrospective View”. Family Forum, The Official Newsletter of the American Sociological Association Family Section.

Lê Ngọc Lân. 2000. Thực trạng cơ cấu lao động - nghề nghiệp của hộ gia đình nông thôn hiện nay và vai trò của phụ nữ (Qua nghiên cứu tại 2 xã Cẩm Vũ và Mỹ Luông). Luận văn thạc sĩ.

Lê Ngọc Lân, Nguyễn Phương Thảo. 2006. Vai trò giới trong gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Báo cáo Path Canada.

Lê Ngọc Văn, Nguyễn Linh Khiếu, Đỗ Thị Bình. 2002. Số liệu điều tra cơ bản về gia  đình Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

Lê Thái Thị Băng Tâm. 2008. “Phân công lao động và ra quyết định trong gia đình”. Trong Trần Thị Vân Anh và Nguyễn Hữu Minh (chủ biên). Bình đẳng giới ở Việt Nam (Phân tích số liệu điều tra). Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, Chương 5, tr. 142-173.

Mai Huy Bích, Lê Thị Kim Lan, 1999. “Địa vị phụ nữ ngư dân ở một số làng đánh cá miền Trung”. Tạp chí Xã hội học, Số 3&4.

Nguyễn Hữu Minh. 2016. Hôn nhân trong xã hội Việt Nam đương đại. Chương III. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội.

Poortman, A.-R., Lippe, T. V. D. 2009. “Attitudes Toward Housework and Child Care and the Gendered Division of Labour”. Journal of Marriage and Family, Vol71, p.526-541.

Phạm Thị Huệ. 2008. “Quan hệ quyền lực vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp Yên Bái, Tiền Giang và Thừa Thiên Huế”. Trong Trịnh Duy Luân (Chủ biên), Gia đình nông thôn Việt Nam trong chuyển đổi. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội. tr.369-398.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 1, tr. 3-17, năm 2019

 

Các tin đã đưa ngày: