Cục diện chính trị và kinh tế châu Á hiện nay

Cục diện chính trị và kinh tế châu Á hiện nay

15/06/2015

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng


Lời giới thiệu:

Trong khuôn khổ Chương trình nói chuyện của những nhân vật kiệt xuất Ấn Độ - ASEAN (ASEAN-India Eminent Person’s Lecture Series), theo lời mời của Tổ chức Thông tin và Nghiên cứu về các nước đang phát triển (Research and Information System for Developing Countries), ngày 13/08/2014, tại Trung tâm Rabindranath Tagore thuộc Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ, thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có buổi nói chuyện với các học giả, các nhà hoạt động xã hội và cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ với chủ đề “Cục diện chính trị và kinh tế mới ở châu Á”. Bài nói chuyện đã được dư luận Ấn Độ và quốc tế đánh giá cao[1].

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

(Tiêu đề bài do chúng tôi đặt).

Thưa ngài Shri Salman, Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ!

Thưa  các quý vị và các bạn!

Tôi xúc động khi bước vào khán phòng này. Đây là lần đầu tiên tôi thực sự đến Kolkata cho dù đã 7 lần tôi đi ngang qua đây hơn 20 năm trước, trên đường sang Moscow làm nghiên cứu sinh ở Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga. Tôi xúc động vì trong thành phố Kolkata rộng lớn, chúng tôi đã đến được những địa danh, mang nhiều ký ức gắn với cuộc đời của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Năm 1911, Người đã đến đây trên con đường tìm đường cứu nước. Năm 1946, Người trở lại nơi này với tư cách là Nguyên thủ của một quốc gia mới giành được độc lập. Năm 1958, Người  đến thăm Kolkata trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang trong thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nói chuyện với các học giả, các nhà hoạt động xã hội và cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ

Cách đây hơn một tiếng đồng hồ, tôi có cuộc gặp với Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam trong không khí ấm áp tình bạn bè. Tôi hiểu, Ấn Độ nói chung và người dân Kolkata nói riêng, luôn dành cho Việt Nam một tình cảm đặc biệt và sâu sắc. Thêm nữa, đến với khán phòng này, tôi lại được đặt chân trên con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đối với tôi là vô cũng có ý nghĩa; tôi cảm nhận được tình cảm gần gũi của các bạn. Chúng ta có thể chia sẻ được với nhau trên nhiều quan điểm, về thế giới, về khu vực và về quan hệ đối tác Việt Nam - Ấn Độ vì sự phát triển của mỗi nước và của cộng đồng thế giới.

Bài nói chuyện của tôi hôm nay bắt đầu từ cảm nhận cách đây 20 năm khi tôi làm việc tại Viện Kinh tế thế giới, một trong những viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Lúc đó tôi đã thấy rất thú vị với mô hình phát triển của Ấn Độ, đặc biệt mô hình thay thế nhập khẩu và cuộc cách mạng xanh của Ấn Độ. Bước vào thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, dường như Ấn Độ đã có sự thay đổi rất ấn tượng. Trong điều kiện lúc đó các bạn còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân chưa cao, người nghèo (tính theo mức thu nhập 2 USD/người) còn chiếm tỉ lệ lớn trong dân cư, nhưng các bạn đã không phát triển tuần tự theo con đường mà các nước khác đã đi. Các bạn lựa chọn phát triển theo hướng thích ứng với yêu cầu của toàn cầu hóa, phát huy lợi thế so sánh của Ấn Độ, đặt ra cho mình những ưu tiên phát triển đột phá. Tôi biết, từ đó nhiều ngành công nghệ, kỹ thuật mới đã ra đời ở Ấn Độ.

Ngay từ năm 1995, ngành công nghệ thông tin (IT) của Ấn Độ đã xuất khẩu được 50 tỷ USD và điều này cho thấy việc sớm chú ý để phát triển IT là sáng suốt đến chừng nào. Cùng với phát triển IT, Ấn Độ đã trở thành Trung tâm xử lý dữ liệu của thế giới, và được coi là “văn phòng” của thế giới. Sự phát triển của Bangalore, Mumbai, Kolkata và rất nhiều thành phố khác ở Ấn Độ cho thấy điều này. Ấn Độ cũng là một nước có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển, đáp ứng nhu cầu trong nước và nhu cầu của nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Ngành công nghiệp giải trí của Ấn Độ khá nổi tiếng. Bollywood hiện nay là một trong những trung tâm sản xuất điện ảnh lớn và người dân Việt Nam được xem rất nhiều phim hay của Ấn Độ.

Tôi điểm một vài nội dung như vậy để muốn nói rằng trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, với những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới, tư duy tiếp cận đổi mới, việc lựa chọn phương thức phát triển hợp lý và thông minh sẽ quyết định sự thành bại của các quốc gia.

Tôi muốn nói một chút về Việt Nam. Năm 1975, Việt Nam thống nhất đất nước. Lúc đó, nền kinh tế Việt Nam phát triển theo mô hình kế hoạch hóa tập trung. Hệ quả là đất nước chúng tôi dù có rất nhiều tiềm năng về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và con người nhưng vẫn không phát triển được. Thời kỳ đó nạn thiếu lương thực kéo dài nhiều năm ở Việt Nam. Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu đổi mới, thay đổi tư duy phát triển theo hướng chuyển sang nền kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Chúng tôi coi kinh tế thị trường là sản phẩm văn minh của nhân loại và hiểu rằng mọi quốc gia, mọi chế độ chính trị đều có thể sử dụng kinh tế thị trường để thực hiện các mục tiêu của mình.

Kinh tế thị trường của chúng tôi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), hướng vào con người, vì con người, và đó chính là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội để xây dựng một đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chúng tôi sử dụng cơ chế thị trường để huy động và phân bổ nguồn lực; coi thị trường Việt Nam là một phần của thị trường thế giới. Kể từ chính sách đầu tiên là khoán sản phẩm trong nông nghiệp, đến nay, Việt Nam đã trở thành là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Việt Nam đã trở thành thành viên của ASEAN, WTO, nhiều định chế toàn cầu, khu vực và mở rộng quan hệ hợp tác song phương.

Như các bạn biết, Việt Nam cũng là một nước được Liên hợp quốc đánh giá là có chính sách giảm nghèo rất ấn tượng. Theo chuẩn nghèo mới thì tỉ lệ nghèo hiện nay ở Việt Nam chỉ còn dưới 10% và Việt Nam đã bước vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp với GDP bình quân đầu người đạt khoảng vài nghìn USD đầu người năm

Như vậy, trong một thế giới thay đổi rất nhanh thì tư duy phát triển phải bắt kịp với những thay đổi đó. Có lẽ các bạn ngồi đây đều đã đọc tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói”. Tôi đã có dịp gặp một trong hai tác giả của cuốn sách đó là GS. James A. Robinson ở Đại học Harvard. Ông cho rằng, mặc dù tài nguyên có vai trò quan trọng cho sự phát triển, nhưng có nhiều quốc gia giàu tài nguyên vẫn nghèo, kể cả đó là những nước sản xuất và xuất khẩu dầu lửa; đồng thời cũng có không ít quốc gia có nền văn hóa lâu đời nhưng vẫn phát triển trì trệ. Tài nguyên văn hóa có vai trò rất quan trọng song nó sẽ không tự mang lại giá trị đối với phát triển. Cần phải chuyển hóa những giá trị văn hóa đó thành giá trị phát triển. Mọi giới hạn cho sự phát triển đều phụ thuộc vào con người, từ cách thức tổ chức, những nguyên tắc vận hành các định chế cho đến xây dựng cơ chế triển khai những công việc đó. Điều đó cho thấy rằng vai trò của sự thay đổi thể chế, tư duy và nhận thức luôn là nhân tố quyết định sự thành bại của các quốc gia.

Với tình hình thế giới hiện nay, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã để lại hệ lụy sâu sắc, có thể so sánh với cuộc khủng hoảng 1929-1933. Nếu chúng ta chỉ nhìn nhận nó như là một cuộc khủng hoảng chu kỳ thì không thể đánh giá hết ảnh hưởng của nó. Có người đã coi đây là cuộc khủng hoảng về thể chế. Khi các quá trình sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng đã vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia, đòi hỏi phải có những định chế quản trị trên phạm vi toàn cầu, nhưng thực tế các quá trình này lại vẫn phải chịu sự chế định của các thể chế quốc gia.

Khủng hoảng đã làm lộ ra nhiều vấn đề trong mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Đã có lúc người ta nói về vấn đề thị trường lớn và nhà nước nhỏ và khi xảy ra sự đổ vỡ của các ngân hàng thì người ta lại nghĩ là vai trò nhà nước phải lớn hơn. Những thay đổi này phải chăng là vì chúng ta chưa có những định chế thật sự có hiệu quả để quản trị các quá trình phát triển. Vì vậy, các hội nghị G7, G20 bàn rất nhiều về đổi mới hệ thống tài chính quốc tế. Sự xoắn kết nhiều hướng, đa chiều, đa dạng phức tạp trong hệ thống kinh tế toàn cầu sẽ yêu cầu các định chế tài chính phải cấu trúc lại. Hiện nay, mỗi ngày trên mạng tài chính toàn cầu có khoảng 30.000 tỷ USD chu chuyển, nên nếu đổ vỡ một khâu thì nó sẽ tạo ra tác động mang tính chất domino đối với cả hệ thống kinh tế, tài chính toàn cầu.

Thách thức thứ hai cũng rất lớn, có nguyên nhân do con người chứ không phải hoàn toàn thuộc về tự nhiên. Đó là vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam có bờ biển dài hơn 3200km. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam là một trong 15 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng. Chúng tôi hiểu rằng, con người phải tự kiểm soát hành động của mình trong quá trình phát triển để bảo vệ môi trường, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam đã hợp tác với Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, thế giới hiện đang trong một thời kỳ có nhiều bất ổn. Chúng ta luôn mong muốn phải giữ được môi trường hòa bình, hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như các vấn đề của mỗi quốc gia. Nhưng những xung đột liên quan đến tôn giáo, sắc tộc, an ninh phát triển… đang đặt thế giới trước tình huống khó đoán định. Tình hình nghiêm trọng hơn từ sau sự kiện 11/9 ở Mỹ. Gần đây lại nổi lên vấn đề lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông, các tranh giành tài nguyên chiến lược, đặc biệt là tranh chấp trên biển. Có thể khó xảy ra một cuộc chiến tranh lớn, nhưng tình trạng tranh chấp, xung đột cục bộ, hiện đã không còn đơn lẻ. Đây là thách thức đặt ra cho các thể chế toàn cầu trước yêu cầu giải quyết những vấn đề này.

Trong quan hệ quốc tế, hiện nay người ta nói nhiều đến sự tương đồng về lợi ích mà ít nói về những điểm tương đồng về văn hóa. Vấn đề là các quốc gia phải phối hợp chia sẻ lợi ích, hợp tác vì lợi ích chung, vì sự phát triển của cộng đồng thế giới. Mỗi quốc gia phải có trách nhiệm xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác và cùng với các quốc gia khác phát triển. Trong hội nhập quốc tế, các cuộc thương lượng thường để bàn thảo nhằm đảm bảo lợi ích của các bên và thực hiện được các nguyên tắc của các định chế khu vực và toàn cầu mà nước đó đã ký kết. Rất khó phát triển quan hệ đối ngoại nếu một nước đòi hỏi nước khác phải mở cửa thị trường trong khi mình thực hiện chính sách bảo hộ. Song cũng rất phi lý nếu một nước khi tham gia đàm phán gia nhập các định chế kinh tế quốc tế lại phải thỏa mãn điều kiện của một vài nước đề xuất đàm phán song phương trong khi thật ra họ không hề có quan hệ về thương mại, đầu tư với nước này. Ví dụ, khi Việt Nam tham gia WTO đã phải tiến hành đàm phán song phương với một vài nước không hề có quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam nhưng lại đặt yêu cầu đòi Việt Nam phải đàm phán song phương. Ngoài ra, có một thực tế nữa là có nước đã sử dụng các xung đột gây căng thẳng với bên ngoài để hướng dư luận trong nước ra ngoài, tập trung giải quyết các vấn đề bên trong của họ.

Việc sử dụng sức mạnh mềm cũng đang trở thành chiến lược của các nước lớn. Hiện tại, nhiều sản phẩm văn hóa của các nước Đông Á tràn ngập thị trường khu vực trong khi văn hóa Ấn Độ rất khó tiếp cận khu vực này. Đây không phải là vấn đề chất lượng, mức độ hấp dẫn của phim hay các sản phẩm nghe nhìn, mà người ta đã sử dụng các sản phẩm văn hóa, các sự kiện và dịch vụ văn hóa như là hình thức xâm lăng văn hóa. Sẽ không thể lý giải được những vấn đề này nếu chúng ta chỉ thâm nhập thị trường dựa trên những quan điểm tiếp cận về quan hệ quốc tế như trước.

Trong bối cảnh đó, các nước trong khu vực cần thấy được tương quan về sức mạnh giữa các quốc gia đang có sự hoán chuyển.

Sau khủng hoảng năm 2008 – 2009, Tổng thống B. Obama đã đặt ra rất nhiều việc trong đó có hai việc liên quan đến vấn đề đối ngoại. Thứ nhất, là chủ trương “xoay trục” trở lại Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều học giả Hoa Kỳ đều nói rằng không phải là Mỹ “trở lại” Châu Á vì thực ra Mỹ chưa bao giờ rút khỏi Châu Á. Song trong thời gian qua, sự quan tâm của Mỹ đối với châu Á có phần sao lãng. Thứ hai, về mặt kinh tế, chính quyền của Tổng thống B. Obama đưa ra mục tiêu trong 5 năm, từ 2010 đến 2015, tăng xuất khẩu gấp đôi đồng thời khởi động tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Như vậy, có thể thấy rằng nước Mỹ đã cố gắng điều chỉnh, tạo ra sự cân bằng mới trong phát triển, không chỉ dựa vào thị trường trong nước mà còn dựa cả vào thị trường nước ngoài. Trong một thời gian dài, khoảng ¾ tăng trưởng kinh tế của Mỹ dựa vào tiêu dùng trong nước. Đây là điều kiện thuận lợi cho các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế Đông Á, thúc đẩy xuất khẩu. Hiện nay, hàng năm Việt Nam xuất khẩu gần 15 tỷ USD vào thị trường Mỹ và tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn; còn giá trị nhập khẩu từ Mỹ chỉ trên 1 tỷ USD. Dĩ nhiên, xuất khẩu của Việt Nam không chỉ dựa vào thị trường Mỹ.

Một đặc điểm nổi bật mà các nước trong khu vực rất quan tâm là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc luôn cho rằng Trung Quốc trỗi dậy hòa bình và không có cái gọi là “mối đe dọa” từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn trong thực tiễn, sự trỗi dậy đó là như thế nào?

Thứ nhất, hiện nay Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”. Cách Trung Quốc phát triển là chú trọng dựa trên đầu tư, lấy thị trường của thế giới làm định hướng cho việc triển khai trở thành công xưởng thế giới. Giai đoạn đầu, Trung Quốc chỉ quan tâm đến việc làm sao thu hút được nhiều nhất các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mà chưa chú trọng nhiều tới chất lượng. Về sau, Trung Quốc chuyển dần sang chú trọng vào chất lượng của các dự án. Cho đến nay, có đến gần 80% trong số 500 tập đoàn lớn nhất của thế giới đã có mặt tại Trung Quốc. Trung Quốc đã tiếp nhận và phát triển lý thuyết “Đàn nhạn bay” ở Đông Á theo cách của mình. Đầu tiên là mô phỏng công nghệ, thậm chí là sao chép vi phạm cả nguyên tắc quyền sở hữu trí tuệ. Khi có đủ tiềm năng thì Trung Quốc chuyển sang sáng tạo công nghệ, nâng cao chất lượng và hiệu quả cạnh tranh, phát triển.

Thứ hai là thực hiện chính sách giá rẻ, thậm chí có bảo trợ của chính phủ cho các nhà đầu tư nên hàng hóa của Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi. Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Đến tháng 7/2014, GDP của Trung Quốc là khoảng 10.200 tỷ USD. Trong khi đó cách đây 10 năm, GDP của nước Mỹ là 11.500 tỷ USD nhưng hiện tại vẫn chưa vượt con số 14.000 tỷ USD. Như vậy, cho dù Mỹ có sức mạnh hàng đầu nhưng đã giảm tương đối trong quan hệ so sánh với các quốc gia khác đặc biệt là với Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc còn có Ấn Độ. Ấn Độ là quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời. Sự phát triển gần đây của Ấn Độ đã được thế giới nể trọng. Cạnh tranh toàn cầu bây giờ phải dựa trên công nghệ, tri thức, nguồn nhân lực chất lượng cao chứ không phải là phát triển dàn trải tất cả các lĩnh vực. Nhiều dự đoán đến giữa thế kỷ này, Ấn độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới. Ngoài ra còn phải kể đến một số quốc gia khác như Nga và Brazil. Hiện tại Brazil đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế thứ 6 thế giới.

Sự phát triển của một nước, ngày nay, là cơ hội cho sự phát triển của các nước khác. Thị trường rộng lớn của Trung Quốc, Ấn Độ chính là điều kiện cho sự phát triển của các quốc gia. Tính đa dạng của các thị trường này chính là cơ hội cho rất nhiều nước xuất khẩu sản phẩm. Tuy  nhiên, từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, Trung Quốc đã có chủ trương thay đổi phương thức phát triển. Họ cho rằng không thể phát triển những ngành dựa nhiều vào tài nguyên, vốn và lao động mà phải phát triển nhiều hơn những ngành dựa trên công nghệ và trí thức. Điều đó đặt ra câu hỏi, vậy những ngành truyền thống và những ngành sử dụng nhiều lao động đã góp phần làm cho Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, sẽ di chuyển đi đâu?

Tôi đã có cuộc trao đổi với Ủy ban Cải cách và Phát triển của tỉnh Quảng Tây thì được biết các tỉnh của Trung Quốc không tiếp nhận những ngành nghề lạc hậu; dòng dịch chuyển đó đã và sẽ ra các nước láng giềng xung quanh. Do nhu cầu về vốn, yêu cầu lấp đầy các khu công nghiệp, một số nước đã tiếp nhận một cách không có chọn lọc, không quan tâm đến các tiêu chuẩn về công nghệ, tiêu chuẩn về môi trường và tiêu chuẩn về lao động kỹ năng. Điều này có nghĩa là sự phát triển của Trung Quốc vừa đem lại các cơ hội rất lớn, vừa đem lại nhiều hệ lụy không nhỏ cho các nước láng giềng.  

Văn bản chính thức chưa cho thấy Trung Quốc đưa ra một chiến lược toàn cầu, nhưng sau 2012, thì người ta thấy Trung Quốc bàn nhiều về “Giấc mộng Trung Hoa” với tham vọng phục hưng dân tộc Trung Hoa. Trung Quốc đã coi kỷ nguyên của thế kỷ XXI là kỷ nguyên của đại dương, đưa vấn đề biển và đại dương trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển của mình theo một lộ trình chuẩn bị rất bài bản.

Ngay từ sau chính sách cải cách và “Khai phóng” những năm 1980, Trung Quốc chủ trương phát triển 14 thành phố ven biển nhằm phát triển phía Đông để chấn hưng phía Tây. Với đất nước rộng lớn như vậy, Trung Quốc tập trung phát triển theo lộ trình, đầu tiên là xây dựng cực tăng trưởng Thiên Tân - Bắc Kinh; đến Thượng Hải - lưu vực sông Trường Giang; Thâm Quyến - Quảng Đông - lưu vực sông Châu Giang; và gần đây nhất là khai phát Vịnh Bắc Bộ - Quảng Tây để chấn hưng Đại Tây Nam (vùng Vân Nam, Thiểm Tây, Tây Tạng), tiếp tục khai phát Vịnh Bột Hải, chấn hưng Đông Bắc gồm Tân Cương, Cáp Nhĩ Tân...

Vịnh Bắc Bộ - Quảng Tây là tuyến chủ yếu nằm trong chiến lược “Một trục, hai cánh” của Trung Quốc. Với cánh trên bộ, Trung Quốc quan tâm phát triển Tiểu vùng Mêkông, với cơ chế là hợp tác của một tỉnh Trung Quốc với các quốc gia thuộc Tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS), tức là lấy một tỉnh của Trung Quốc làm đầu mối hợp tác với các quốc gia xung quanh. Vân Nam được chọn để hợp tác với các nước tiểu vùng; thông qua tiểu vùng Mêkông để mở cửa cho Tây Nam của Trung Quốc (nơi không có biển) ra thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang xây dựng đường ống dẫn dầu từ cảng biển Myanmar vào Vân Nam.

Ngày 18/1/2006, Trung Quốc chính thức tuyên bố khai phát Vịnh Bắc Bộ mở rộng, lấy Vịnh Bắc Bộ - Quảng Tây làm đại bản doanh gắn với tỉnh Quảng Đông cũng như đảo Hải Nam của Trung Quốc để mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN. Trung Quốc cho rằng Nam Ninh có thể trở thành phố trung tâm của Đông Á. Nếu nhìn lên bản đồ, có thể thấy một bố cục phát triển mở ra phía biển theo hình nan quạt, với Nam Ninh là hạt nhân kết hợp với ba thành phố cảng biển  là Bắc Hải, Khâm Châu và Phòng Thành.

Nếu như ở Nam Ninh phát triển mạnh các ngành công nghệ thông tin, các ngành công nghệ mới thì thành phố Khâm Châu phát triển nhiệt điện và hóa dầu (nhiệt điện là 1000 MW/năm, hóa dầu là 20 triệu tấn/năm). Phòng Thành là thành phố cảng biển, có chiều dài cầu cảng 21km. Đây là cảng container rời, tàu 200 ngàn đến 300 ngàn tấn có thể cập cảng. Đến năm 2010, tổng lượng hàng hóa được vận chuyển qua Phòng Thành là hơn 100 triệu tấn. Bắc Hải là thành phố du lịch ven biển, đồng thời là nơi sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Mục tiêu của Trung Quốc là biến Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ - Quảng Tây để nối với các quốc gia liền kề trên biển thành trung tâm của sản xuất, cung ứng dịch vụ vận tải biển của khu vực...

Đề xuất khai phát Vịnh Bắc bộ mở rộng của Trung Quốc có ba mục tiêu chính:

Thứ nhất là vấn đề vận tải biển. Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng của mình trên Biển Đông (chúng tôi gọi là Biển Đông, còn Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa). Đây là tuyến vận tải chủ yếu của Trung Quốc. Trong số 39 tuyến vận tải của Trung Quốc ra thế giới, có 21 tuyến qua Biển Đông, nơi có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng lượng hàng hóa của Trung Quốc.

Thứ hai là vấn đề tài nguyên chiến lược biển. Trung Quốc quan tâm nhiều đến dầu lửa. Trung Quốc đã chuẩn bị hai nhà máy lọc dầu lớn (Khâm Châu và nhà máy Dương Phủ đặt trên đảo Hải Nam). Hiện nay, các nhà máy lọc dầu này hoạt động chủ yếu dựa vào nhập khẩu dầu từ Bắc Phi và Trung Đông; họ đã ký hợp đồng 10 tỷ USD với Iran. Sự chuẩn bị các nhà máy lọc dầu tại đây là hướng tới tranh giành tài nguyên chiến lược trên Biển Đông.

Thứ ba là vấn đề an ninh quốc phòng. Ở phía xa trên Thái Bình Dương, Mỹ đã thiết lập một chuỗi phòng thủ từ đảo Guam và thông qua các đồng minh chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Trung Quốc muốn thiết lập một chuỗi đảo từ biển Hoàng Hải sang biển Đông. Hiện nay Trung Quốc đang tích cực xây dựng hệ thống phòng thủ với việc xây dựng các khu đóng quân, các cơ sở hậu cần trên các đảo đá ngầm, thậm chí Trung Quốc đã ngang nhiên cải tạo nhiều bãi đá (chiếm của Việt Nam) với quy mô lớn và dường như đang muốn xây dựng sân bay trên một vài bãi đá mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988. Trung Quốc không chỉ tranh chấp đảo với một số nước ở Đông Á và Đông Nam Á mà còn thiết lập nhận diện phòng không trên biển Hoàng Hải. Điều tương tự, đang được Trung Quốc toan tính làm trên Biển Đông.

Vài tháng trước (tháng 5/2014), Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Dư luận thế giới phản đối kịch liệt. Đồng ý với nhiều dự đoán, phân tích của học giả quốc tế, chúng tôi ý thức rất rõ rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, chuyện tìm dầu lửa ở độ sâu 2000m chắc chắn là rất khó khăn và chưa phải là chuyện lúc này. Không chỉ vì lý do dầu lửa, đây chính là bước đi trong chủ trương độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Họ tự vẽ bản đồ với đường lưỡi bò đứt đoạn kéo dài xuống phía nam để chiếm gần như trọn biển Đông, sát với vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực. Đây là những toan tính và đòi hỏi hoàn toàn vô căn cứ.

Các chứng cứ pháp lý cũng như lịch sử đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể chối cãi. Các bản đồ cổ, thư tịch tiếng Hán, tiếng Nôm, tiếng Pháp và tiếng Anh đã cho thấy sự hiện diện của người Việt Nam trên các quần đảo này từ thế kỷ XVI. Các bản đồ cổ, thư tịch của các triều đại Trung Quốc cho đến thế kỷ XX đều khẳng định cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Vậy mà, Trung Quốc vẫn ngang nhiên đặt giàn khoan nằm ngay trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các bạn đều biết, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, lúc đó đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam kiểm soát. Năm 1988 Trung Quốc lại dùng vũ lực chiếm nhiều bãi đá của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, trong đó có Gạc Ma (Johnson South Reef) làm nhiều chiến sỹ và sỹ quan của quân đội Việt Nam hy sinh.

Hiện nay, Trung Quốc luôn nói rằng tranh chấp trên biển Đông là vấn đề của hai nước nên chỉ giải quyết song phương. Nhưng thực tế đây không phải là vấn đề của hai nước mà liên quan đến tự do hàng hải, tài nguyên chiến lược, phòng thủ chiến lược và là vấn đề của cả khu vực và thế giới. Vấn đề này liên quan không chỉ riêng với Việt Nam, mà còn với cả Phillipines và các nước khác. Trung Quốc luôn đòi hỏi không đưa ra tòa án quốc tế, để giải quyết song phương, không đa phương hóa. Liệu chỉ đừng như vậy có bảo đảm được môi trường hòa bình, không xung đột trên biển Đông và trong toàn khu vực? Tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 47 của các nước ASEAN, trong đó có sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ...v.v., các nước đều tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, hướng tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử COC. Chúng ta kỳ vọng vào sự điều chỉnh của Trung Quốc. Nhưng theo chúng tôi, Trung Quốc không hề thay đổi mục tiêu, chiến lược của họ. Tôi cho rằng giải quyết vấn đề Biển Đông không phải là trách nhiệm đơn lẻ của quốc gia nào mà đòi hỏi phải có hành động của quốc tế. Điều đáng tiếc là chúng ta vẫn chưa xây dựng được các thể chế quốc tế phù hợp giúp xử lý những vấn đề xung đột, bất đồng, khác biệt để hướng tới một thế giới hòa bình.

Trong Liên hợp quốc, quyền của các Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc quá lớn. Chẳng hạn, năm 2003, bất chấp nghị quyết 1441 của Liên hợp quốc phản đối Mỹ tấn công Iraq, Mỹ đã tiến hành tấn công Iraq. Các nước hoàn toàn có thể đệ trình báo cáo về các vấn đề xảy ra, nhưng Liên hợp quốc vẫn không có một cơ chế xử lý cụ thể nào về những vấn đề các bên tranh chấp. Nếu đổi mới các định chế quốc tế thì phải bắt đầu từ Liên hợp quốc. Tại sao không tăng số lượng các Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cho phép những nước lớn khác, ví dụ như Ấn Độ có thể tham gia, mà cố định chỉ có 5 thành viên. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta phải hành động để có một cơ chế mới công bằng, rộng rãi hơn trong xử lý vấn đề toàn cầu.

Cũng cần nói rằng, quan hệ với Trung Quốc chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Mối quan hệ Việt – Trung là mối quan hệ có vị trí cực kỳ quan trọng từ xa xưa trong lịch sử. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, cả thời kỳ chống Pháp cũng như trong thời kỳ chống Mỹ, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất có hiệu quả. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ đó. Sự thủy chung, hữu nghị, đặc biệt với láng giềng chính là tư tưởng nhân văn truyền thống của Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Trung Quốc rất yêu chuộng hòa bình. Trên kênh đối ngoại nhân dân, chúng tôi luôn tăng cường mối quan hệ hữu nghị thông qua nhiều hoạt động để tăng cường quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước, tổ chức nhiều diễn đàn học giả giữa hai bên để trao đổi, làm rõ những vướng mắc, thiện chí giải quyết các mâu thuẫn. Do đó, luận điểm cho rằng Việt Nam dựa vào nước này, nước khác để chống Trung Quốc là hoàn toàn không đúng. Chúng tôi chỉ mong muốn hòa bình, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, mong muốn có một môi trường hòa bình, hợp tác để phát triển. Sự phát triển của Việt Nam cũng đồng thời là sự phát triển của khu vực.

Bởi vậy, Việt Nam khẳng định rằng tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện với Trung Quốc. Đây là lẽ tự nhiên trong hội nhập vào các thị trường, các nền kinh tế có sự tương tác, bổ sung cho nhau. Chúng tôi là thành viên đầy đủ của ASEAN, tham gia Hiệp định Mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN, cùng nỗ lực để thúc đẩy quá trình này. Tuy nhiên, trong hợp tác phải lựa chọn các ưu tiên, nhất là về thu hút đầu tư hoặc thiết lập các quan hệ thương mại. Chúng tôi chú trọng đa dạng hóa và mở rộng thị trường, thu hút đầu tư từ các nước, đặc biệt là nước có công nghệ, kỹ thuật cao, và luôn quan tâm đến các tiêu chí tối ưu để lựa chọn các dự án đầu tư.

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống. Hai nước đã có một quá trình hữu nghị dài lâu và ngày càng hiểu biết lẫn nhau sâu sắc dựa trên nền móng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Neru đã xây dựng. Là một trong những quốc gia khởi xướng Phong trào Không liên kết, Ấn Độ đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ấn Độ luôn đứng về Việt Nam trong các cuộc kháng chiến. Chúng ta cũng đã có những biểu trưng thiêng liêng cho quan hệ đoàn kết hữu nghị của hai quốc gia như tượng đài Indira Gandhi ở Hà Nội và tượng đài Hồ Chí Minh ở Kolkata.

Ấn Độ đã mở rộng quan hệ đầu tư và hợp tác với Việt Nam, mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mới đạt 7 tỷ USD. Tôi tin tưởng vào chính sách của chính phủ mới của Ấn Độ hiện nay và quan điểm tiếp cận mới về kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Mục tiêu nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 20 tỷ USD chỉ còn là vấn đề thời gian. Chúng ta ý thức sâu sắc rằng, trong thế giới hội nhập phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm dựa trên lợi thế so sánh của từng nước.

Việt Nam đang trông đợi đầu tư từ Ấn Độ vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin, dược phẩm và các công nghệ hiện đại khác. Tôi rất quan tâm đến việc đào tạo các chuyên gia về công nghệ thông tin. Người Việt Nam rất có khả năng tiếp nhận những công nghệ này. Đồng thời thị trường của Ấn Độ rất tiềm năng cho việc xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam hiện nay đang giữ vị trí hàng đầu thế giới. Ấn Độ có thể là một thị trường lý tưởng cho Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng dệt may và nhập khẩu sợi, nhuộm  và các linh kiện phục vụ cho dệt may. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới và Ấn Độ với quy mô trên 1 tỷ dân, sẽ là thị trường lý tưởng cho gạo Việt Nam. Ngoài ra, quan hệ thương mại giữa hai nước có thể tính đến các mặt hàng cao su, hạt điều, hạt tiêu, các sản phẩm về chăn nuôi, điện tử... Du lịch cũng là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn trong quan hệ giữa hai nước. Nhiều người Việt Nam rất muốn đến thăm Ấn Độ và chắc chắn nhiều người Ấn Độ cũng muốn đến Việt Nam. Việc thiết lập đường bay thẳng giữa thành phố Hồ Chí Minh với các thành phố lớn của Ấn Độ như Delhi và Mumbai trong một vài tháng tới sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương giữa hai nước. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư để tiếp tục mở ra những cơ hội kinh doanh mới, tạo ra những bước đột phá trong quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam. 

Đứng trước những thách thức mới về an ninh khu vực, Ấn Độ sẽ là một đối tác đặc biệt tham gia vào vấn đề cân bằng chiến lược trong khu vực. Tôi đánh giá rất cao chính sách “Hướng đông” của Ấn Độ. Năm 2015, khi Cộng đồng ASEAN hoàn tất quá trình thương lượng để đi vào hoạt động, chính sách này sẽ mở ra triển vọng mới trong hợp tác Ấn Độ - ASEAN và Ấn Độ - Việt Nam.

Trong hợp tác quốc phòng, bất chấp thái độ của một vài nước, tàu chiến hiện đại nhất của quân đội Ấn Độ vẫn nhiều lần đến thăm viếng và giao lưu với Việt Nam. Ấn Độ vẫn hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí trong khi một số nước rút khỏi các dự án đã lên kế hoạch. Gần đây các bạn đã cam kết hợp tác xây dựng lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam. Tôi đánh giá cao thiện chí, tầm nhìn xa của những chính sách rất tích cực này.

Chúng ta, giới nghiên cứu, các học giả, những nhà hoạt động xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đều hiểu rất rõ rằng chính sách muốn hợp lý, muốn tối ưu đều phải dựa trên các luận cứ khoa học tin cậy. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu triển khai, đặc biệt là trong khoa học xã hội và nhân văn vì sự phát triển của hai nước Ấn Độ và Việt Nam.

Với một số điểm như vậy, tôi muốn nói để chúng ta thấy rằng, sự hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, nền tảng là vững chắc, tiềm năng là to lớn, sự tin cậy là sâu sắc và triển vọng là tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn!

 


[1]. Xem: India, Vietnam and Japan should have better cooperation on. http://www.business-standard.com/article/pti-stories/india-vietnam-and-japan-should-have-better-cooperation-on-114081300938_1.html // Vietnam keen on friendly relations. http://www.thehindu.com/news/cities/kolkata/vietnam-keen-on-friendly-relations/article6316473.ece // VASS president talks about Asia’s new economic order in India. http://www.vietnambreakingnews.com/2014/08/vass-president-talks-about-asias-new-economic-order-in-india/ // ASEAN-India Eminent Person’s Lecture Series.

 http://aic.ris.org.in/asean-india-eminent-lecture-series-13-august-2014kolkata/

 

Các tin đã đưa ngày: