Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về Khoa học và công nghệ trong giai đoạn phát triển mới

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về Khoa học và công nghệ trong giai đoạn phát triển mới

12/06/2018

PGS.TS. Nguyễn An Hà

Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Để hoàn thiện hệ quan điểm định hướng cho chính sách hội nhập quốc tế về KH và CN trước hết cần đổi mới tư duy về phát triển, định vị vai trò của KHCN trong chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển mới. Như vậy, định hướng về phát triển và hội nhập quốc tế  KHCN gắn với vai trò, vị thế của KHCN trong tầm nhìn, chiến lược, mô hình, phương thức phát triển của đất nước nói chung, và gắn kết chặt chẽ với chiến lược hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới của Việt Nam. Báo cáo này đưa ra một số điểm nhấn cần ưu tiên trong giai đoạn tới và một số khuyến nghị từ những nghiên cứu kinh nghiệm hội nhập và phát triển khoa học công nghệ của châu Âu và thế giới.

 

Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, làm cho khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất,  chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh[1].

Như vậy so với Nghị quyết  Đại hội XI, vai trò của khoa học và công nghệ đã được nhấn mạnh hơn trong Đại hội XII như “phát triển mạnh mẽ”, “là động lực quan trọng nhất” để đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Văn kiện đã nêu lên 12 mục tiêu trong nhiệm vụ tổng quát[2] như: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Quản lý tốt sự phát triển xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; Bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu; Bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế; Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; Hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo; Quán triệt và xử lý tốt các mối quan hệ lớn trong chiến lược phát triển.

Định hướng mục tiêu tổng thể chiến lược phát triển đất nước của Đại hội XII là hết sức đúng đắn,  gắn bó hữu cơ, biện chứng với nhau, không tách rời nhau và sẽ tiếp tục được cụ thể hóa thành những chính sách cụ thể, có lộ trình triển khai cụ thể. Rõ ràng với vai trò là “động lực quan trọng nhất”, khoa học và công nghệ và đặc biệt là khoa học xã hội sẽ góp phần quan trọng trong việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu này.

Mặt khác với vai trò, nhiệm vụ quan trọng như vậy, để phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển đất nước, cần phải đầu tư phát triển cho “động lực quan trọng nhất” này.  Trong bối cảnh  “khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh mẽ tới quá trình phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia”[3]. Các mục tiêu tổng thể này, như chỉ rõ trong văn kiện, phải được đặt trong bối cảnh “Hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã có và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức[4]

Như vậy, cần gắn phát triển KHCN với nền kinh tế thị trường, hội nhập với quốc tế và khu vực, đưa khoa học công nghệ trở thành động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thị trường hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa khu vực hóa gia tăng, trong xu thế cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, trong ứng phó với những nguy cơ và thách thức mới.   

 Luận giải cụ thể hơn, để thực hiện hài hòa đồng bộ các mục tiêu của phát triển trên, tư duy về phát triển khoa học công nghệ nói chung trong đó có khoa học xã hội cần gắn với:

- Nhận thức về thời đại hay môi trường phát triển: Toàn cầu hóa, sự hình thành các mạng sản xuất toàn cầu, chuỗi giá trị toàn cầu, các phương thức quản trị, hợp tác, cạnh tranh kinh tế thương mại, tài chính đầu tư toàn cầu, việc hình thành các trung tâm quyền lực mới, các mô hình liên kết, vai trò của các định chế toàn cầu, khu vực, của các công ty xuyên quốc gia, v.v..

- Nhận thức về cơ hội và thách thức cho phát triển: tác động tích cực và tiêu cực của toàn cầu hóa, khu vực hóa, an ninh truyền thống, phi truyền thống, v.v…

- Nhận thức về kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội công dân là những giá trị phổ quát cần áp dụng ở tầm quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu.

- Gắn kết khoa học công nghệ với phát huy sức mạnh tổng thể của quốc gia, trong đó hết sức quan trọng và cấp thiết là nâng cao năng lực nội sinh, tự chủ trong an ninh quốc phòng, đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ độc lập thống nhất, chủ quyền quốc gia. Tiếp đó là nhận diện và có những đối sách phù hợp ứng phó với các mối đe dọa tới hệ thống chính trị xã hội, diễn biến hòa bình, xâm hại về văn hóa, truyền thống, hệ giá trị của dân tộc, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống từ môi trường, biến đổi khí hậu tới di dân, thảm họa tự nhiên, an ninh năng lượng, an ninh lương thực v.v..

- Nhận thức về kinh tế tri thức, kinh tế xanh, vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển, tri thức trở thành bộ phận quan trọng của lực lượng sản xuất, và cần thiết phải định hình quan hệ mới, cơ chế mới cho phát triển “lực lượng” này.

- Nhận thức về cách mạng khoa học công nghệ với những thành tựu mới, xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như những động lực quan trọng giúp cho nước ta  có thể vượt lên rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại  hóa, vượt qua bẫy “thu nhập trung bình”, phát triển bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội.

 - Nhận thức và đánh giá khách quan theo quan điểm Macxit, tư tưởng Hồ Chí Minh, duy vật lịch sử và duy vật biện chứng về sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đánh giá phân tích những điểm trội và những điểm cần khắc phục để có thể kết hợp hài hòa nhất, hiệu quả nhất bền vững nhất các động lực phát triển.

- Cần làm gì và làm như thế nào theo các kịch bản, lộ trình tốt nhất để “lấy ngoài phục vụ trong”, tăng cường tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của quá trình hội nhập, của toàn cầu hóa và khu vực hóa.

- Phát triển ngành khoa học gì, sử dụng công nghệ nào để đạt được các mục đích trên.

- Bằng cách nào để có được những thành tựu, sản phẩm khoa học công nghệ đó, nội lực hay ngoại lực, quan hệ song phương hay đa phương, chú trọng quan hệ đối tác chiến  lược với những nước nào, theo cơ chế nào, tham gia thị trường khoa học công nghệ toàn cầu ra sao…

- Gắn kết giữa phát triển khoa học và công nghệ với phát triển nguồn nhân lực, với phát triển kinh tế thị trường như thế nào nhằm tạo nguồn lực cho phát triển, thu hút các nguồn lực từ trong nước và quốc tế, đưa khoa học công nghệ vừa là động lực vừa là mục tiêu cho phát triển hay nói cách khác chính là hình thành nền kinh tế tri thức.

- Mối quan hệ biện chứng giữa hội nhập, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ với quan hệ về chính trị ngoại giao, về kinh tế thương mại với các nước và khu vực trên thế giới, liên quan tới xây dựng “lòng tin”, liên quan tới mức độ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện v.v..

- Luận giải sâu sắc, có lộ trình cụ thể để giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa các cặp phạm trù cần dựa trên những nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng về các lý thuyết, chủ thuyết, về xu thế về mô hình, về kinh nghiệm của quốc tế và khu vực, trên cơ sở kế thừa và phát huy, chắt lọc những bài học tốt, nắm bắt được, phát huy tác động tích cực và giảm thiểu những tác động tiêu cực …

Từ kinh nghiệm của các nước phát triển về phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt, động lực của KHCN, cũng như phát huy các nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, thực sự biến khoa học và công nghệ gắn kết với phát triển kinh tế tri thức, phát triền nguồn nhân lực, thực sự thành động lực sáng tạo và cạnh tranh của các doanh nghiệp, đưa “khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng nhất” cho phát triển, cần xác định vai trò tiên phong, dẫn dắt của khoa học công nghệ trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực. Tăng cường hội nhập quốc tế về KHCN, cần triển khai đồng bộ các nội dung sau:

Thứ nhất, cải cách thể chế, đổi mới hệ thống khoa học công nghệ quốc gia

Đổi mới là mối quan tâm then chốt của nhiều quốc gia mà đang tìm cách duy trì khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả những quốc gia có truyền thống từ lâu về những thành tích khoa học cũng đang ý thức được sự cần thiết phải củng cố các khung khổ đổi mới của mình để đem lại lợi ích kinh tế cao hơn từ các công trình nghiên cứu. Còn ở các quốc gia mới nổi thì nhiệm vụ đổi mới hệ thống khoa học công nghệ luôn được đặt lên hàng đầu.

Cải cách thể chế và đổi mới hệ thống khoa học công nghệ quốc gia là giải pháp quan trọng để các nước đang phát triển đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và hội nhập khoa học công nghệ. Chẳng hạn, hệ thống đổi mới quốc gia của Singapore thể hiện rõ mục đích khuyến khích hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ-công nghiệp-đại học-viện nghiên cứu; lấy nghiên cứu, đổi mới làm chủ lực, tạo môi trường R&D tốt, cung cấp mặt bằng đổi mới có sẵn. Dưới sự chỉ đạo của lý luận đổi mới, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ Singapore đã đề xuất lựa chọn chiến lược của quốc gia lấy tri thức làm cơ sở, đổi mới làm động lực, đã hoàn thiện hệ thống đổi mới quốc gia và giải thích tóm tắt là chiến lược 3C, tức là vốn nhân tài: đào tạo nhân tài bản địa, thu hút nhân tài nước ngoài, nhận thức KH&CN của công chúng; vốn tri thức: tiếp tục đầu tư R&D cao tạo ra quyền sở hữu trí tuệ tự chủ, do đó dẫn xuất cơ chế khuyến khích công ty công nghệ cao, đầu tư cho R&D của doanh nghiệp; vốn công nghiệp: xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học phục vụ doanh nghiệp (bao gồm công viên khoa học, công viên công nghiệp, v.v...), chính sách ủng hộ doanh nghiệp (pro-business) khuyến khích bản địa đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài, biện pháp chính sách đồng bộ khuyến khích đầu tư cho R&D công nghiệp.

Giải pháp để đổi mới bao gồm: 1) Xây dựng, củng cố hệ thống cơ quan quản lý (thành lập cục đổi mới quốc gia; thành lập mới, sáp nhập các cơ quan R&D; Cải cách cơ quan NCKH, xây dựng Viện NCKH hiện đại; cải cách hệ thống quản lý đại học (Nhật Bản, Pháp); Xây dựng và vận hành các Viện nghiên cứu quốc gia, Ủy ban khoa học công nghệ (Pháp, Đài Loan, Brazil); Khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng các trung tâm, viện nghiên cứu (Đài Loan).  2) Xây dựng, củng cố hệ thống luật pháp, kế hoạch, chính sách, cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu và phát triển (củng cố luật pháp, chính sách về khoa học công nghệ như ban hành luật khoa học công nghệ và các văn bản có liên quan; Thực hiện chính sách tiêu chuẩn hóa; thay đổi phương pháp đánh giá R&D; ban hành kế hoạch hành động quốc gia về khoa học và công nghệ; Xây dựng cơ chế đầu tư vào đổi mới KHCN ổn định; Xây dựng cơ chế đánh giá đổi mới của cơ quan nghiên cứu khoa học; Xây dựng cơ chế hợp tác mở cửa của các cơ quan NCKH; Cải cách chế độ khen thưởng thành quả KHCN) 3) Hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ cho ngiên cứu và phát triển (Đầu tư nâng cấp hạ tầng KH&CN) 4) Những giải pháp bổ trợ quan trọng khác (phát triển cụm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; Phát triển nguồn nhân lực KH&CN; Nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của KH&CN; Nâng cao hiệu quả quản lý KH&CN; Ban hành chiến lược công nghiệp quốc gia; Thực hiện chiến lược đổi mới quốc gia.v.v..).

Thứ hai, xây dựng tầm nhìn, xác định công nghệ then chốt, hoạch định lộ trình công nghệ

Tuy có sự rất khác nhau giữa các nước trong việc sử dụng các công cụ định hướng chiến lược phát triển KH&CN nhưng cũng có thể thấy được một số điểm chung là: Hoạch định chiến lược không thể không bao gồm việc đưa ra các tầm nhìn về tương lai, qua đó thể hiện năng lực và thái độ chủ động lựa chọn mục tiêu, đồng thời, lý giải tại sao các mục tiêu chiến lược đó lại được lựa chọn. Tiếp theo, các mục tiêu chiến lược một khi được lựa chọn thì phải được cụ thể hóa và minh chứng tính khả thi bằng cách xác định các công nghệ then chốt và lộ trình công nghệ đi kèm, trong đó có tính đến cả nhu cầu thị trường, năng lực KH&CN và các yếu tố tổ chức khác cần có để hiện thực hóa các công nghệ then chốt đã lựa chọn. Tóm lại, xây dựng tầm nhìn, xác định công nghệ then chốt và các lộ trình công nghệ là 3 công cụ quan trọng trong quá trình định hướng chiến lược phát triển KH&CN mà nhiều nước đã và đang chú trọng áp dụng.

Nhìn chung, kinh nghiệm các nước có khác nhau nhưng đều thể hiện 3 lớp mục tiêu chủ yếu: 1) Các mục tiêu chung theo cách tiếp cận hệ thống đổi mới đặt ra chung cho cả phát triển kinh tế - xã hội và KH&CN; 2) Các mục tiêu cho nghiên cứu cơ bản và các lĩnh vực công nghệ ưu tiên; 3) Các mục tiêu ứng dụng công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm quốc gia.

Thứ ba, hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hướng vào hệ thống đổi mới quốc gia, giải quyết những vấn đề cụ thể của Hệ thống đổi mới quốc gia

“Hệ thống Đổi mới Quốc gia” NIS là một công cụ hàng đầu để liên tục nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm KH&CN nói riêng và của toàn nền kinh tế quốc gia nói chung, chủ yếu thông qua việc đổi mới công nghệ. Đó là một mạng lưới bao gồm tất cả các cơ sở KH&CN, các tổ chức quy hoạch chiến lược, các doanh nghiệp lớn, các tổ chức quản lý KH&CN nối mạng với nhau, cũng là tổng hợp các hệ thống đổi mới của vùng, ngành, doanh nghiệp với sự phối hợp ngang, dọc, trong phạm vi toàn quốc gia. Chỉ có hệ thống đổi mới quốc gia như vậy, mới có điều kiện để các nhà lãnh đạo quốc gia biết được danh mục các mặt hàng chủ yếu, các công nghệ cần phát triển, các bước đi về kinh tế đối ngoại cần tiến hành, sẽ đảm bảo thắng lợi trong thời gian trung hạn trước mắt  và về lâu dài. Có thể nói NIS là động lực phát triển thị trường KH&CN, là kim chỉ nam dẫn dắt sự phát triển của KHCN và quá trình hội nhập quốc tế về KHCN cũng là một bộ phận cấu thành hữu cơ của NIS. Phạm vi của mạng lưới này không chỉ giới hạn trong một quốc gia mà mang tính toàn cầu, tương tự như chuỗi sản xuất hay chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, và các nước cần có chiến lược của riêng mình để hội nhập NIS với mạng toàn cầu, trong đó đi tiên phong là hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, và mối quan hệ giữa hội nhập KHCN, hội nhập NIS và chiến lược hội nhập quốc gia là biện chứng, vừa là mục tiêu vừa là động lực của nhau.

Toàn cầu hóa trong kinh tế và phát triển tất yếu dẫn đến hình thành những chuẩn mực, quy tắc chung chi phối các quan hệ hợp tác, cạnh tranh giữa các quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và KH&CN nói riêng, gián tiếp liên quan đến cả việc hình thành một số chuẩn mực chung trong tư duy, quan niệm và cách tiếp cận hoạch định chiến lược phát triển. Cuộc họp cấp bộ trưởng của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đầu năm 2007 tại Paris (Pháp) đã khuyến cáo các nước thành viên sử dụng cách tiếp cận tổng thể và sử dụng một khung khổ chiến lược, chính sách rộng lớn hơn thay cho các cách tiếp cận bộ phận với từng chính sách riêng rẽ cho từng lĩnh vực trong hoạch định chính sách và chiến lược phát triển. Đây là hệ quả tất yếu của một thực tế là, hầu hết các quốc gia thuộc OECD đã từ bỏ cách tiếp cận bộ phận, chuyển sang áp dụng cách tiếp cận mới ở tầm tổng thể, mang tính chuẩn mực trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả trong hoạt động KH&CN. Sự chuyển đổi này cũng là một xu thế tất yếu xuất phát từ sự hạn chế bởi cách tiếp cận bộ phận khi hoạch định các chiến lược và chính sách phát triển trong khi hiện thực phát triển ngày càng phức tạp. Đồng thời, cũng xuất phát từ nhu cầu khẳng định quyền tự chủ và khai thác khả năng tự liên kết, tự tổ chức, tự quản lý của các chủ thể phát triển trên phạm vi toàn cầu. Việc duy trì luận điểm “kết hợp, gắn kết các chiến lược và chính sách phát triển bộ phận trong những khuôn khổ tư duy và tiếp cận từng phần, hạn hẹp” không phải là một sự đổi mới thực sự, đủ tầm vóc để có thể giải quyết được những bất cập vốn rất nan giải trong năng lực điều phối các chính sách của bất kỳ một chính phủ nào trên thế giới. Trong khi đó, cách tiếp cận và khuôn khổ hệ thống đổi mới đã cho thấy khả năng khắc phục những khuyết tật của các chính phủ và của các hệ thống quản lý phân cấp hành chính theo thứ bậc trong nền kinh tế thị trường.

Thứ tư, hội nhập quốc tế về KH&CN gắn liền với phương diện an ninh quốc gia

Cần gắn đổi mới và hội nhập khoa học công nghệ với phương diện an ninh quốc gia. Đổi mới trong công nghệ lĩnh vực hàng không vũ trụ, quân sự giúp các nước không những bảo vệ tốt chủ quyền an ninh quốc gia mà còn khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Đổi mới trong lĩnh vực. Khoa học công nghệ gắn chặt với an ninh quốc gia được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới của Nga. Do đó các công nghệ ứng dụng liên quan đến quân sự được đặc biệt chú ý. Điều này cũng biến nước Nga thành quốc gia có tiếng nói có tầm ảnh hưởng rõ ràng trên trường quốc tế.

Thứ năm, hợp tác quốc tế trong KHCN gắn với tăng cường đào tạo nhân lực KHCN

Đây là cách tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao, bền vững phục vụ cho nền kinh tế nói chung và cho hội nhập hiệu quả về KHCN. Ở Mỹ người ta đưa ra nhiều biện pháp cụ thể phục vụ nhiệm vụ này bao gồm: Thiết lập Uỷ ban Giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (science, technology, engineering, and mathematics - STEM) trong Văn phòng KH&CN Nhà trắng, tăng cường lãnh đạo và hỗ trợ Chính phủ Liên bang; tăng số lượng nghiên cứu sinh và sinh viên đại học trong STEM, nâng cao mức học bổng; tăng mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển trong khoa học giáo dục, nghiên cứu và mở rộng phương thức thiết lập và giảng dạy giáo trình có hiệu quả; cải cách chính sách nhập cư, thu hút nhân tài ưu tú nhất trên toàn thế giới đến Mỹ định cư. Điều này cũng đang được thực hiện ở Singapo, Nhật Bản.

+ Xây dựng viện nghiên cứu sinh hàng đầu trong lĩnh vực học thuật có lợi thế, đào tạo nhân tài tiến sĩ hàng đầu thế giới;

+ Tăng cường đổi mới từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tế; thực hiện ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin liên lạc, xây dựng mặt bằng thông tin liên lạc tin cậy, sử dụng công nghệ thông tin liên lạc trong các lĩnh vực hành chính, chữa bệnh, giáo dục, xây dựng xã hội “trí tuệ hoá”, như đã triển khai ở nước Anh.

Thứ sáu, định vị lại vai trò của khoa học xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế về khoa  học xã hội

Trong quá trình hội nhập về kinh tế cũng như về khoa học công nghệ có nhiều nguồn lực có thể “nhập khẩu” như vốn, công nghệ, bí quyết, thậm chí cả nguồn nhân lực, tuy nhiên việc thiết lập sự đồng bộ như thế nào giữa kinh tế và chính trị, thiết kế thể chế tạo nên sự “phù hợp” giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là việc mỗi nước phải tự thiết kế tự vận hành, thông qua sự định hướng, dẫn dắt của khoa học xã hội. Thực tiễn cho thấy đây là một quá trình dài và thường trả giá hơn theo chủ nghĩa kinh nghiệm “learning by doing” ở các nước chuyển đổi, nhưng cũng có thể rút ngắn quá trình này bằng cách mạnh dạn đổi mới tư duy. Bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới cho thấy khoa học xã hội chưa đáp ứng được các yêu cầu về lý luận và thực tiễn của phát triển, nguyên nhân chính là  không xác định đúng vị trí của khoa học xã hội trong chiến lược phát triển, dẫn tới sự “không đồng bộ” giữa đổi mới hệ thống chính trị và đổi mới kinh tế, mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội công dân cần được xác lập nhưng dường như còn né tránh vì nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân đến từ chính môi trường hội nhập quốc tế thường được gọi là “diễn biến hòa bình”. Chính không có tư duy khoa học về thực tiễn khách quan nên chúng ta bị xơ cứng, tự mình làm khó mình trong nhiều quan điểm phát triển. Mặc dù đây là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, nhưng cần khẳng định một điểm nhấn trong đổi mới tư duy về phát triển khoa học công nghệ là coi trọng khoa học xã hội, khẳng định vai trò dẫn dắt của khoa học xã hội, nếu không thì vai trò của khoa học công nghệ như là động lực của phát triển, sự gắn kết khoa học công nghệ với đời sống kinh tế sẽ kém hiệu quả, thiếu lan tỏa, không hội nhập hiệu quả được với khu vực và thế giới.

Giai đoạn tới đây, Việt Nam tăng tốc thực sự hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu qua các lộ trình Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định tự do hóa thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, Hiệp định tự do hóa thương mại Việt Nam – EU …Việc cải cách thể chế, hòa hợp pháp luật trong nước với quốc tế, sáng tạo và đổi mới đang đòi hỏi phải hội nhập hơn nữa khoa học công nghệ và trong đó khoa học xã hội phải đi tiên phong là hết sức cần thiết.

Cuối cùng, Việt Nam cần tăng tốc đổi mới đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển dựa trên động lực khoa học công nghệ

Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế và xã hội. Thành tích phát triển kinh tế đã giúp nâng cao thu nhập và giảm nghèo, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người. Nhưng hiện nay Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm trong bối cảnh quốc tế bớt sôi động hơn; Thứ hai, động lực tăng trưởng trước đây đang suy giảm làm tăng nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào việc tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo. Thứ ba, Việt Nam đang trong quá trình tăng tốc lần hai gia tăng mức độ hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và toàn cầu thông qua hàng loạt các Hiệp định tự do hóa thương mại, sẽ tác động to lớn tới việc điều chỉnh chiến lược phát triển, đòi hỏi phải gia tăng tiềm lực, gia tăng khả năng cạnh tranh, đổi mới thể chế, năng lực quản trị v.v...đòi hỏi vai trò động lực quan trọng và dẫn dắt trong cả “phần cứng” và “phần mềm” của tiến trình này. Việc hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ phải đáp ứng tốt các mục tiêu này, và hàm mục tiêu này muốn xác định tốt, lại phải dựa vào khoa học và công nghệ, nói một cách khác, cần thực sự chú trọng hội nhập quốc tế để phát triển KHCN và đến lượt mình KHCN sẽ đóng góp cho quá trình phát triển và hội nhập của đất nước.

Để hội nhập tốt phải phát triển bên trong tốt đáp ứng những yêu cầu của hội nhập và ngược lại, hội nhập tốt sẽ tạo điều kiện để phát triển tốt.

Xây dựng chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên để nghiên cứu định hướng, xây dựng thể chế, cơ chế hình thành thị trường khoa học và công nghệ trong nước mạnh, hoàn thiện hệ thống đổi mới quốc gia, hội nhập sâu vào thị trường khoa học và công nghệ toàn cầu, với một nguồn nhân lực trẻ, thông minh, cần cù học tập, Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút các FDI về công nghệ, trở thành vườn ươm công nghệ, công viên khoa học của khu vực và giúp cho Việt Nam vượt lên rút ngắn quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nếu có được những chính sách tốt.

Văn kiện Đại hội XII đã trình bày một cách toàn diện, đồng bộ các chiến lược, các giải pháp vĩ mô, trong triển khai cần chú trọng tới hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ trong đó khoa học xã hội cần đi tiên phong là một tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển mà Đại hội đề ra cũng như đưa Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội XII;
  2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2013). Sách trắng Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2013. Nxb Khoa học và Kỹ thuật;
  3. Nguyễn Quân, Tăng cường hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, Tạp chí Cộng sản, tháng 9 2015;
  4. Nguyễn Mạnh Quân, Định hướng Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và gợi suy cho Việt Nam, Tạp chí Hoạt động khoa học, số tháng 1/2010;  
  5. UNCSD, (2012), Science and Technology for Sustainable Development, Rio 2012 Issues Briefs, No12, Rio de Janeiro, Brazil;
  6. Benoit Godin, 2007), National Innovation System: the System Approach in Historical Perspective, working paper of project on the history and sociology of STT Statistics, Montreal, Canada;
  7. OECD, (1997), National Innovation Systems, Clearance Centre, Inc., Paris, France;
  8. European comission, (2006), Scenarios for future scientific and technological developments in developing countries 2005-2015, Information and Communication UnitB-1049 Brussels.

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 27.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 77.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 266.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 267.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu. Số 9, 2016.

 

 
Các tin đã đưa ngày: