GS.TS. Đỗ Tiến Sâm
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tóm tắt: Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu có liên quan, trao đổi với các nhà quản lý, các nhà khoa học và đi khảo sát thực tế, bài viết cho rằng việc tìm hiểu nghiên cứu vấn đề hợp tác phát triển bền vững giữa khu vực biên giới tỉnh Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cần đặt trong bối cảnh quốc tế, khu vực, tình hình mỗi nước và quan hệ hai nước; đồng thời đặt định vị chiến lược, quy hoạch phát triển của tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong chiến lược, quy hoạch phát triển quốc gia của mỗi nước. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững khu vực biên giới này.
Từ khóa: Hợp tác Lào Cai - Vân Nam, khu vực biên giới, quan hệ Việt - Trung
Mở đầu
Lào Cai là một trong 7 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam tiếp giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Hai tỉnh có những đặc điểm chung là miền núi, dân tộc và biên giới. Riêng đường biên giới Việt - Trung qua địa bàn Lào Cai dài 253 km. Khu vực biên giới hai tỉnh - nếu lấy đơn vị cấp xã, phường (Việt Nam) hay hương, trấn (Trung Quốc) để xác định cũng tương đối rộng. Vì vậy, việc hợp tác phát triển giữa các địa phương ở khu vực biên giới hai tỉnh cần hướng tới phát triển bền vững, theo đó không chỉ ưu tiên hợp tác phát triển kinh tế, mà cần coi trọng cả hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn …
Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu có liên quan, trao đổi với các nhà quản lý, các nhà khoa học và đi khảo sát thực tế, bài viết nêu lên một số suy nghĩ về cách tiếp cận sau đó đề xuất một số kiến nghị trong hợp tác phát triển bền vững giữa khu vực biên giới Lào Cai (Việt Nam) với Vân Nam (Trung Quốc).
I. CÁCH TIẾP CẬN TRONG HỢP TÁC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHU VỰC BIÊN GIỚI TỈNH LÀO CAI (VIỆT NAM) VỚI TỈNH VÂN NAM (TRUNG QUỐC)
Chúng tôi cho rằng, việc tìm hiểu nghiên cứu vấn đề hợp tác phát triển bền vững giữa khu vực biên giới tỉnh Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cần đặt trong bối cảnh quốc tế, khu vực, tình hình mỗi nước và quan hệ hai nước; đồng thời đặt định vị chiến lược, quy hoạch phát triển của tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong chiến lược, quy hoạch phát triển quốc gia của mỗi nước.
1. Về bối cảnh quốc tế
Mặc dù toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế không thay đổi nhưng với việc nước Anh rời khỏi EU (Brexit) và Tổng thống mới của Mỹ - Donal Trump lên cầm quyền - xu thế chống toàn cầu hóa và bảo hộ mậu dịch đã trỗi dậy. Điều đó sẽ tác động, đưa đến những thách thức mới đối với các nước đang phát triển khi tăng trưởng kinh tế đang chủ yếu dựa vào xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là đối với các nước đang trong quá trình chuyển đổi có độ mở cao như Việt Nam, Trung Quốc.
2. Về tình hình khu vực
Mặc dù trên phạm vi thế giới hòa bình hợp tác phát triển vẫn là một xu thế không thay đổi, nhưng các điểm nóng trong khu vực Đông Á (Đông Bắc Á và Đông Nam Á) như vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn những nhân tố khó xác định, khó dự đoán, đe dọa hòa bình ổn định, an toàn an ninh trong khu vực. Trong các điểm nóng nêu trên, vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan là nơi hội tụ mâu thuẫn giữa các nước lớn, nhất là mâu thuẫn Trung - Mỹ, nếu không được kiểm soát rất dễ diễn biến trở thành xung đột, dù là cường độ thấp cũng sẽ tác động đến cục diện an ninh khu vực.
Đặc biệt, nếu vấn đề Biển Đông không được kiểm soát sẽ làm xói mòn sự tin cậy chính trị giữa hai nước Việt - Trung, ảnh hưởng tiêu cực đến hợp tác giữa hai nước nói chung, khu vực biên giới tỉnh Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng.
3. Về tình hình mỗi nước
Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, Trung Quốc sau gần 40 năm cải cách và mở cửa đều trong giai đoạn then chốt - theo cách nói của phía Trung Quốc là “vùng nước sâu” và “giai đoạn công kiên”, nhiều mâu thuẫn và vấn đề nảy sinh, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước mà còn làm cho sự cầm quyền của mỗi Đảng đứng trước những thách thức và nguy cơ mới khi các nền tảng cầm quyền của hai Đảng (nền tảng tư tưởng và nền tảng giai cấp) chưa bao giờ lung lay như hiện nay. Đây có thể được xem là một trong những nhân tố mới góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa hai Đảng, hai nước nói chung, giữa tỉnh ủy hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) với Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng.
4. Về quan hệ hai nước
Sau 25 năm bình thường hóa (1991-2016), quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng, toàn diện sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, từ năm 2008 đã nâng lên thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, do những vấn đề lịch sử để lại cùng với những vấn đề mới nảy sinh, quan hệ hai nước đang đứng trước những khó khăn thách thức mới như: Sự tin cậy về chính trị suy giảm, hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực còn thấp, v.v… Vì vậy, lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác định tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhằm định hướng chiến lược cùng với nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác đã có để tăng cường sự tin cậy về chính trị, tạo động lực và điểm tăng trưởng mới cho sự hợp tác giữa hai nước.
Điều đáng chú ý là, trước những biến đổi mới của tình hình quốc tế, khu vực, tình hình mỗi nước và quan hệ hai nước, theo đề nghị của phía Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đồng ý thực hiện kết nối chiến lược giữa “hai hành lang một vành đai kinh tế” với ý tưởng chiến lược “một vành đai, một con đường”, trong đó tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác năng lực sản xuất và khu hợp tác kinh tế qua biên giới (phía Trung Quốc gọi là “xuyên biên giới”). Điều này, sẽ tác động đến hợp tác giữa khu vực biên giới Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), trong đó có hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Vân Nam).
5. Về vấn đề định vị chiến lược
Vân Nam là một trong ba tỉnh, khu tự trị của Trung Quốc có đường biên giới tiếp giáp với Việt Nam. Điều đáng chú ý là, Vân Nam là tỉnh có đường biên giới đất liền dài 4060 km, tiếp giáp với 3 nước Đông Nam Á lục địa là Myanmar, Lào và Việt Nam; là tỉnh miền núi có diện tích tương đối lớn với 390.000 km2 đứng thứ 8 trong các tỉnh, khu tự trị của Trung Quốc, trong đó đồi núi chiếm khoảng ¾ tổng diện tích; cùng với dân số tương đối đông với hơn 46 triệu người, đứng thứ 12 của Trung Quốc; là tỉnh đầu nguồn của nhiều con sông lớn chảy trong nội địa Trung Quốc và chảy qua các nước láng giềng trong đó có Việt Nam đổ ra biển; là tỉnh có 26 dân tộc cùng cư trú, trong đó người Hán chiếm tới 67%, người Hồi theo đạo Ixlam khoảng 620.000 với 810 đền thờ nằm rải rác khắp tỉnh.
Những đặc điểm này làm cho Vân Nam là một trong những tỉnh có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của Trung Quốc, được xem là “bình phong an ninh”, “bình phong sinh thái”, “lô cốt đầu cầu” (kiều đầu bảo), địa bàn lan tỏa sang Nam Á (qua Myanmar) và Đông Nam Á. Bản thân Vân Nam, từ năm 2011, đã định ra chiến lược “Hưng thủy cường điền”, nghĩa là lợi dụng nguồn nước phong phú để xây dựng Vân Nam thành tỉnh mạnh về kinh tế. Riêng ưu thế về nguồn nước, Vân Nam đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 14 nhà máy thủy điện, 9 kho giữ nước loại lớn và 139 kho giữ nước loại vừa, để phục vụ chiến lược quốc gia “chuyển điện từ miền Tây sang miền Đông”, “dẫn nước ngọt từ miền Nam lên miền Bắc”. Dung lượng nước ngọt dự trữ tại các kho nước năm 2015 của tỉnh này đã đạt hơn 13,8 tỷ m3, trong đó riêng châu Hồng Hà đã xây dựng 400 kho nước loại nhỏ, 9 nhà máy thủy điện loại lớn và vừa, 149 nhà máy thủy điện loại nhỏ, bước đầu hình thành hệ thống sản nghiệp thủy lợi, thủy điện tương đối đồng bộ.
Còn trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” - một trong ba đại chiến lược của Trung Quốc (Vành đai kinh tế sông Trường Giang, Hiệp đồng phát triển Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và Một vành đai, một con đường), Vân Nam trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 của tỉnh đã xác định: Chủ động phục vụ và tham gia xây dựng “Một vành đai, một con đường” quốc gia với các hoạt động như tích cực thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ, đường hàng không; nhanh chóng thúc đẩy hợp tác chế, tạo trang bị và năng lực sản xuất quốc tế với các nước Nam Á và Đông Nam Á; phát huy tốt vai trò của tỉnh chủ thể trong xây dựng các hành lang kinh tế Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar, hành lang kinh tế Trung Quốc - bán đảo Đông Dương; hỗ trợ chuyển dịch các xí nghiệp và ngành nghề sản xuất dư thừa như xi-măng, sắt thép ra bên ngoài; phát huy đầy đủ ưu thế của người Hoa, Hoa kiều ở nước ngoài về mặt vốn, công nghệ và ảnh hưởng xã hội, khai thác thị trường các nước Nam Á, Đông Nam Á và Tây Á; nhanh chóng xây dựng mạng lưới điện xuyên vùng với các nước láng giềng, dựa vào tài nguyên điện lực ở Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, xây dựng Trung tâm giao dịch điện lực hướng về Nam Á và Đông Nam Á. Trong các hạng mục nêu trên, Vân Nam xác định “Một vành đai, một con đường” là một cơ hội tốt để thủy điện Vân Nam “đi ra ngoài”. Tập đoàn đầu tư năng lượng Vân Nam(1) được ví là người “lính đi đầu” trong chiến lược “đi ra ngoài” nói trên, họ đã sang đầu tư ở Lào, Myanmar, Campuchia …, vốn đầu tư năm 2015 đạt 326 triệu USD, năm 2016 đạt 351 triệu USD, hai năm liền đứng đầu danh sách các nhà đầu tư của Vân Nam ở nước ngoài, chiếm 1/4 tổng vốn FDI của Vân Nam ở nước ngoài.
Riêng với Việt Nam trong bản Quy hoạch 5 năm (2016-2020) của tỉnh Vân Nam đặt vấn đề tranh thủ thực hiện liên thông đường sắt tiêu chuẩn Trung - Việt, xây dựng khu hợp tác kinh tế qua (xuyên) biên giới Hà Khẩu (Trung Quốc hiện đang xây dựng 16 khu hợp tác kinh tế qua biên giới với 7 nước láng giềng, trong đó Vân Nam có 4 khu, 1 khu với Việt Nam), tích cực mở rộng du lịch qua (xuyên) biên giới.
II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Từ cách đặt vấn đề như trên, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị có tính gợi mở trong hợp tác phát triển bền vững giữa khu vực biên giới Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) như sau:
1. Về mặt nhận thức
Theo chúng tôi, có một số vấn đề thuộc về nhận thức cần được làm rõ, nhằm tạo sự đồng thuận:
Một là, hợp tác phát triển bền vững Lào Cai - Vân Nam cần đặt trong định hướng chiến lược phát triển nói chung của hai nước. Trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12-5-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng, chân thành mong muốn phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước Trung Quốc, đây là sự lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Còn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam, mong muốn và sẵn sàng nỗ lực cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam phát triển lành mạnh, ổn định. Theo chúng tôi, đây chính là định hướng chiến lược cho sự hợp tác lâu dài giữa hai Đảng, hai nước nói chung và giữa các địa phương biên giới hai nước nói riêng, trong đó có Lào Cai và Vân Nam.
Hai là, hợp tác phát triển bền vững khu vực biên giới Lào Cai - Vân Nam là cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của người dân hai bên biên giới và yêu cầu phát triển của hai địa phương.
Ba là, cần thống nhất các nguyên tắc trong hợp tác với phía Trung Quốc là: Hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng cùng có lợi và cùng thắng, không xâm phạm lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; nội dung hợp tác cần thiết thực, hiệu quả và bảo đảm cân bằng lợi ích giữa hai bên. Đối với các ban ngành Trung ương và địa phương của Việt Nam cũng cần xác định: Hợp tác góp phần củng cố tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, tăng cường sự tin cậy về chính trị giữa hai nước hai Đảng; Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc phát triển là bình phong về an ninh và bình phong về sinh thái cho cả Việt Nam nói chung và Bắc Bộ Việt Nam nói riêng.
Bốn là, hợp tác là cần thiết nhưng có chọn lọc, tìm điểm chung về lợi ích, đồng thời coi trọng việc tìm kiếm những điểm tăng trưởng mới trong hợp tác sao cho tránh bị phụ thuộc, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
2. Một số kiến nghị cụ thể
Theo chúng tôi, trên cơ sở đồng thuận các nội dung thuộc về nhận thức nêu trên, các biện pháp cụ thể có thể bao gồm:
Một là, hai địa phương Lào Cai, Vân Nam, cần tiếp tục duy trì và làm sâu sắc hơn các cơ chế, nội dung và phương thức hợp tác đã có.
Hai là, các ban, ngành ở Trung ương cần coi Lào Cai là một trong những cửa ngõ quan trọng của Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung thông sang thị trường đại Tây Nam Trung Quốc với khoảng 300 triệu dân có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và gia tăng; từ đó có sự đầu tư tương xứng cả về môi trường cứng (cơ sở hạ tầng, kho tầng, bến bãi…) và môi trường mềm (cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù; thông thoáng…). Theo chúng tôi, trên cơ sở tư vấn của các nhà khoa học, Nhà nước có thể nghiên cứu xây dựng Cảng bảo thuế ở Lào Cai - đối ứng với Khu bảo thuế tổng hợp Hồng Hà.
Ba là, các địa phương thuộc địa bàn Tây Bắc và các tỉnh thành nội địa, cần có sự hợp tác, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, làm lãng phí nguồn lực quốc gia và tiền thuế của dân.
Bốn là, đối với các doanh nghiệp - chủ thể của sự hợp tác, cần tích cực và chủ động trong nắm bắt thông tin về thị trường Trung Quốc; từ đó có định hướng phát triển làm ăn lâu dài ở địa bàn Lào Cai trước hết là trong khu công nghiệp Kim Thành theo tinh thần “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”.
Năm là, đối với các nhà khoa học - trước hết là các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cần đồng hành với địa phương, bám sát địa bàn; một mặt thông tin nhanh về thị trường cùng với những thay đổi về chiến lược, quy hoạch phát triển và cơ chế chính sách của phía Trung Quốc và tỉnh Vân Nam; mặt khác đi sâu nghiên cứu phát hiện sớm những rào cản, những lỗ hổng trong quản lý để địa phương và ban ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ giải quyết. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trên cơ sở hợp tác với tỉnh Lào Cai nên xây dựng một Chương trình nghiên cứu khoa học riêng về hợp tác biên giới trong đó Lào Cai là một trọng điểm với sự tham gia của một số viện như Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Dân tộc học, Viện Phát triển bền vững vùng Bắc Bộ…
Kết luận
Trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế, khu vực, nhất là trước những tác động hay ảnh hưởng xấu từ sự trỗi dậy của trào lưu chống toàn cầu hóa kinh tế và bảo hộ mậu dịch, việc đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương biên giới Việt - Trung nói chung, trong đó có Lào Cai - Vân Nam là cần thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa kịp thời có tính thực tiễn sâu sắc.
Việc hợp tác giữa Lào Cai - Vân Nam cần đặt trong tổng thể quan hệ hai nước, nhưng có tính đến tính chất đặc thù, nhất là có sự bất đối xứng về nguồn lực (cả cứng và mềm) và về ưu thế, lợi thế trong đó phần lợi thế, ưu thế hiện đều nghiêng về phía Vân Nam(2). Vì vậy, để hợp tác mang lại hiệu quả, thiết thực và cân bằng, phía Việt Nam cần có sự thống nhất về nhận thức và hành động, đảm bảo các nguyên tắc và lựa chọn nội dung hợp tác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
* Bài viết thuộc đề tài khoa học cấp Bộ Phát triển bền vững Khu vực biên giới Vân Nam (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam) trong bối cảnh mới.
CHÚ THÍCH:
(1) Tập đoàn này hiện có hơn 10 Văn phòng đại diện ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam; đã đầu tư xây dựng 4 nhà máy thủy điện ở Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An và Bình Định của Việt Nam.
(2) Bất đối xứng được thể hiện rõ về mặt diện tích và dân số: Vân Nam có diện tích 390.000 km2, dân số hơn 46 triệu người; trong đó châu Hồng Hà có diện tích 32.931 km2, dân số hơn 4,4 triệu người. Lào Cai có diện tích 6383,88 km2, dân số hơn 674.000 người.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. “Một số ý kiến của Quốc vụ viện về việc cải tiến công tác cửa khẩu hỗ trợ phát triển mậu dịch đối ngoại”, số 16, công bố ngày 1-4-2015 http:// www.tzel.gov.cn/ztzl/kjjjhzq/201507/t20150703_72753.html.
2. Lý Khắc Cường, Báo cáo công tác Chính phủ năm 2017 (trình bày tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 12 Trung Quốc ngày 5-3-2017) http:// wallstreetcn.com/articles/293369.
3. Cương yếu Quy hoạch 5 năm lần thứ XIII phát triển kinh tế và xã hội quốc dân tỉnh Vân Nam (tháng 4-2016).
4. Ủy ban Cải cách và phát triển tỉnh Vân Nam, “Báo cáo về tình hình chấp hành kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc dân năm 2016 và dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc dân năm 2017 tỉnh Vân Nam” (trình bày tại kỳ họp thứ 5 Đại hội đại biểu nhân dân khóa 12 tỉnh Vân Nam ngày 16-1-2017) http://yn. yunnan. cn/html/2017-02/06/content_4719583_3.htm.
5. Đi sâu thực thi chiến lược “Hưng thủy cường Điền”, thúc đẩy bước phát triển mới “trị thủy hưng thủy” của Vân Nam, Nhật báo Vân Nam, ngày 9-6-2015.
6. Vân Nam thực thi chiến lược“Hưng thủy cường Điền”, Mạng Tân văn Trung Quốc, ngày 19-1-2012.
7. Nắm bắt thời cơ tích cực tranh thủ thúc đẩy xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Hà Khẩu, Nhật báo Hồng Hà, ngày 14-4-2017.
8. Dự án thủy điện lớn nhất nước Lào do doanh nghiệp thuộc Vân Nam đã chính thức khởi động, Mạng Vân Nam, ngày 20-1-2017 http://news.bjx. com.cn/html/20170120/804748.shtml.
9. Châu Hồng Hà thực thi một loạt dự án công trình thủy lợi thủy điện loại lớn và vừa, Mạng Hồng Hà Trung Quốc, ngày 13-3-2015 http://news. bjx.com.cn/html/20150313/597745.shtml.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5 (189) - 2017, tr28-tr33.