Hợp tác quốc phòng Châu Âu: Nhìn từ góc độ địa chính trị

Hợp tác quốc phòng Châu Âu: Nhìn từ góc độ địa chính trị

29/04/2020

ĐOÀN THỊ THU HƯƠNG(*)

 

Tóm tắt: Mặc dù con đường hội nhập tiến tới nhất thể hóa của Liên minh châu Âu (EU) hiện nay gặp nhiều khó khăn song không thể phủ nhận rằng EU là một mô hình hội nhập khu vực tiến bộ nhất trong lịch sử. Quá trình hội nhập của EU phản chiếu các yếu tố địa kinh tế, địa văn hóa và địa chính trị sâu sắc. Sau những thành tựu về hội nhập kinh tế, EU tiếp tục hiện thực hóa ý tưởng hội nhập quốc phòng với sự ra đời của Chính sách Phòng thủ và An ninh chung (CSDP) nhằm mở rộng không gian địa chính trị của Liên minh. Bài viết tập trung xem xét vấn đề hợp tác quốc phòng châu Âu dưới góc nhìn địa chính trị thông qua việc triển khai CSDP nhằm cung cấp cơ sở cho các nghiên cứu và đánh giá sâu hơn về vị thế địa chính trị của EU trong cấu trúc an ninh khu vực và thế giới.

Từ khóa: Chính sách phòng thủ, an ninh, CSDP, EU, địa chính trị, mở rộng, hội nhập khu vực.

EUROPEAN DEFENSE COOPERATION: FROM VIEW ABOUT GEOPOLITICS

Abstract: Although EU’s integration process is facing with difficulties in the recent years, it cannot be denied that the EU is the most advanced regional integration model in the history. EU’s integration process reflected profound geoeconomics, geocultural and geopolitical factors. After the economic achievements, the EU continues to actualise defense integration idea with Common Security and Defense Policy to expand a geopolitical space. The paper focuses on analysing European defense cooperation under the geopolitical views to provide the basis for further research and assessment of its position in the regional and world security stage.

Keywords: Defense policy, security, CSDP, EU, geopolitics, enlargement, regional integration.

 

Mở đầu

Trong lịch sử, châu Âu với nhiều quốc gia và sắc tộc rất đa dạng là một không gian xã hội của các xu thế vận động ngược chiều nhau: chiến tranh và hòa bình, xung đột và hội nhập. Để ngăn ngừa và triệt tiêu nguy cơ chiến tranh và xung đột nổ ra, ý tưởng hội nhập châu Âu đã được hiện thực hóa từng bước sau chiến tranh Thế giới thứ II và đang khiến Liên minh châu Âu (EU) trở thành một mô hình liên kết khu vực điển hình và thành công nhất hiện nay. Động lực thúc đẩy quá trình liên kết ở châu Âu có thể xem xét từ các góc độ địa văn hóa, địa kinh tế và địa chính trị; đặc biệt khi EU đã đạt được các thành tựu liên kết kinh tế đáng kể và ngày càng chú trọng tới các vấn đề chính trị- hội nhập an ninh và quốc phòng thì tính chất địa chính trị trở thành “sợi chỉ đỏ” (roter Fader) xuyên suốt quá trình triển khai Chính sách Phòng thủ và An ninh chung (CSDP).

Khi nhìn từ góc độ địa chính trị, tức là xem xét mối tương tác giữa chính trị và không gian, người ta thấy quá trình liên kết của EU gắn liền với những biến động về hình thái đường biên giới lãnh thổ và nguồn tài nguyên bên trong châu Âu. Cũng từ đó, sự biến đổi lãnh thổ, tài nguyên, đường biên giới của EU sẽ tác động mạnh tới sức mạnh tổng hợp của EU và cục diện chính trị toàn cầu. EU không phải là một chủ thể quan hệ quốc tế có không gian địa lý tĩnh mà là một chủ thể liên quốc gia với không gian địa lý động. Vì thế xem xét quá trình liên kết khu vực châu Âu trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng dưới góc nhìn địa chính trị đòi hỏi dựa trên cứ liệu lịch sử, tức là xem xét sự phát triển địa chính trị theo thời gian chứ không phải chỉ nhìn vào một bản đồ tại một thời điểm và mô tả một khoảng thời gian duy nhất.

Do tiến trình nhất thể hóa chính trị của EU diễn ra hết sức phức tạp và trải dài theo chiều dài lịch sử nên khó có thể phân tích toàn bộ một cách thấu đáo trong phạm vi một bài viết. Do đó, bài viết chỉ tập trung vào một vài đặc điểm chính sau:

(i) Đặc điểm địa lý khu vực EU dưới góc nhìn địa chính trị

(ii) Đặc điểm địa chính trị của việc hình thành EU

(iii) Đặc điểm địa chính trị của quá trình hợp tác quốc phòng của EU với nghiên cứu điển hình là quá trình triển khai Chính sách Phòng thủ và An ninh chung (CSDP).

1.Đặc điểm địa lý của khu vực EU và châu Âu dưới góc nhìn địa chính trị

Hình 1: Bản đồ địa lý tự nhiên châu Âu

Nguồn: http://maps.unomaha.edu/peterson/funda/Maplinks/EuropeOverview/Maps.html

 

Trong khoa học địa lý, ban đầu khái niệm “khu vực” chỉ bao hàm các yếu tố tự nhiên như địa hình, sông ngòi, khí hậu, động thực vật; tuy nhiên, về sau khái niệm này được bổ sung thêm các đặc điểm xã hội- nhân văn theo cảm quan về bản sắc khu vực của các chủ thể tiếp cận. Do đó, khái niệm khu vực bao hàm nhiều cấp độ không gian khác nhau, trong đó hai cấp độ cơ bản của khu vực là cấp quốc gia và cấp khu vực liên quốc gia1. EU chính là một chủ thể thuộc cấp khu vực liên quốc gia thuộc châu Âu, vì thế khi xem xét địa lý EU không thể không đặt nó vào toàn cảnh châu Âu nói chung.

Châu Âu là một châu lục có nhiều đặc điểm địa lý đặc biệt so với các châu lục khác: châu Âu là một phần của đại lục địa Á- Âu, ngăn cách với châu Á bằng đường biên giới tự nhiên là dải Ural; hệ thống các biển và đại dương phân bố đồng đều cả bên trong (Địa Trung Hải, Baltic, Biển Bắc, Biển Đen, Caspean) lẫn bên ngoài (Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương) cùng hệ thống sông ngòi thuận lợi cho phát triển giao thông hàng hải; các đồng bằng và thảo nguyên mênh mông ở khu vực Trung- Đông Âu; khí hậu ôn hòa với lượng mưa cao; nguồn khoáng sản khổng lồ và phong phú thuận lợi cho công nghiệp… Nói riêng về điều kiện để phát triển nông nghiệp, châu Âu không cần những hệ thống thủy lợi (đê đập, kênh đào) tốn kém và những kiểu tổ chức chính trị nặng nề để duy trì- một kiểu tổ chức “đã tạo nên chế độ chuyên quyền chuyên chế như ở các quốc gia phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Lưỡng Hà, Ai Cập và Trung Mỹ”2. Sự kết hợp và phân cắt khá hợp lý của các yếu tố địa lý đã tạo cho châu Âu điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển kinh tế, giao thông, văn hóa và chính trị. Địa hình thuận lợi giúp châu Âu có thể thực hiện tốt cả hai mặt công và thủ: dễ dàng tiến chiếm các khu vực ngoại vi và thuận lợi cho việc phòng thủ đối với bên ngoài.

Tuy nhiên, địa hình châu Âu trên bản đồ cho thấy sự phân chia rõ rệt giữa hai khu vực: châu Âu lục địa (nội Âu) và khu vực tiếp giáp đại dương (ngoại Âu). Trong đó, khu vực ngoại Âu chính là “không gian vành đai” mà nhà địa chính trị người Anh H.Mackinder nêu ra năm 1904. Đặc điểm nổi bật của khu vực ngoại Âu là không gian hải lục tạo ra những quốc gia giàu mạnh nhất châu lục như Pháp, Hà Lan, Tây Đức và Italia, đặc biệt là quần đảo Anh quốc- một thế lực toàn cầu và châu lục.

Dựa trên các yếu tố địa lý thuận lợi, châu Âu nhanh chóng trở thành trung tâm địa- chiến lược đồng thời cũng trở thành trung tâm của xung đột và bất ổn. Lịch sử văn minh thế giới chứng kiến sự ra đời của khái niệm châu Âu trung tâm luận – chủ nghĩa lấy châu Âu làm trung tâm. H. Mackinder cũng từng khẳng định: “Ai chế ngự được Đông Âu sẽ khống chế được miền đất trái tim; Ai chế ngự được miền đất trái tim sẽ khống chế được hòn đảo thế giới (tức lục địa Á- Âu); Ai chế ngự được hòn đảo thế giới sẽ khống chế được cả thế giới”3. Chính vị thế địa chính trị vô cùng đặc biệt đã khiến châu Âu trải qua nhiều xung đột, đứt gãy và mất ổn định. Vì thế giấc mơ của người châu Âu chính là có thể tạo ra một nền phòng thủ chung – ngăn ngừa các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài đảm bảo sự ổn định và hòa bình bền vững cho toàn khu vực.

2.Đặc điểm địa chính trị của việc hình thành Liên minh châu Âu

Ý tưởng biến châu Âu thành một thực thể thống nhất đã xuất hiện rất lâu trong lịch sử và biến động không ngừng từ thời kỳ Đế chế La Mã cổ đại đến Đế chế La Mã thần thánh, thời kỳ Khai Sáng, Cách mạng công nghiệp và lịch sử hiện đại gắn liền với các nhân vật lịch sử như Charlemangne Đại đế thời Trung cổ La Mã (742-814), Napoleon Bonaparte (Thế kỷ XVIII - XIX và A. Hitler (thế kỷ XX).

Từ năm 1310, Pierre Dubois, Cố vấn luật học của vua Philippe le Bel đã đề xuất thành lập nền Cộng hòa của những người theo đạo cơ đốc ở châu Âu với một cơ quan tài phán nội bộ. Vào năm 1693, Wpenn, một chính trị gia người Anh, đã xuất bản cuốn sách với tựa đề “Tham luận vì nền hòa bình hiện tại và vì một tương lai của châu Âu” trong đó đề xuất thiết lập một Nghị viện châu Âu với tiếng Pháp là ngôn ngữ chung của toàn châu Âu. Năm 1816, Napoléon Bonapart khẳng định: “Chức phận của tôi vẫn chưa hoàn thành, tôi muốn hoàn thành cái điều mới chỉ được phác họa, tôi phải làm một bộ luật châu Âu (…) một đồng tiền cũng châu Âu, các đơn vị đo lường, các quy tắc châu Âu. Tôi phải biến các dân tộc ở châu Âu thành một dân tộc và Paris là thủ đô của thế giới”4. Năm 1848, Nam tước người Đức Miklos Wessenleny đã đề nghị thành lập một “Hợp Chủng quốc những người Đức - Hung - người gốc Slavơ - gốc Latinh” tập hợp toàn bộ các dân tộc dọc bờ sông Danube. Tại Đại hội Hòa bình năm 1849, Victor Hugo đã trình bày tham luận với chủ đề “Liên bang châu Âu”. Năm 1867, trong bài viết của mình, Victor Hugo đã tiên đoán rằng vào thế kỷ XX sẽ có một quốc gia lừng danh, giàu có, hùng mạnh, yên bình, thân ái và quốc gia đó có tên là châu Âu. Có thể thấy giai đoạn này, ý tưởng thống nhất châu Âu đã sục sôi nhưng tiếc rằng ý đồ thống nhất châu Âu chỉ thuộc về một số cá nhân và chủ yếu được thực hiện bằng con đường bạo lực, khiến châu Âu càng chìm dần trong hận thù, mà “mối thù Pháp- Đức” chính là minh chứng tiêu biểu. Chỉ đến đầu thế kỷ XX, những điều kiện cho việc hình thành một liên minh châu Âu mới thực sự rõ ràng:

- Trong thế kỷ XIX- XX, quá trình công nghiệp hóa cùng với sự phát triển của mạng lưới đường sắt đã thúc đẩy quá trình khu vực hóa. Daniel Hedrick mô tả mạng lưới đường sắt là công cụ hình thành đế chế cũng như cách mạng hóa địa chính trị ở châu Âu và cũng là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của tư duy địa chính trị dựa trên tính ưu việt của quyền lực đất theo quan điểm của các nhà địa chính trị học H. Mackinder và M. Haushofer năm 19005. Việc xây dựng đường sắt đòi hỏi nguồn tài nguyên như than, thép và điều này đã thay đổi các tính toán chiến lược của châu Âu.

- Sự va chạm của chủ nghĩa dân tộc và khát vọng của các dân tộc để đạt được quyền tự trị là yếu tố then chốt quyết định nền chính trị châu Âu cuối thế kỉ XIX. Những quốc gia bị chia cắt và sáp nhập sau hai cuộc chiến tranh đã tạo nên hàng loạt các đường biên giới quốc gia và biên giới dân tộc không trùng khít. Nhiều dân tộc không còn sinh sống trên mảnh đất quốc gia của dân tộc mình, trái lại nhiều quốc gia lại bao gồm nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống. Người Do Thái và Digan vẫn là các tộc thiểu số thiếu tổ quốc. Sự bất ổn kết hợp với bối cảnh chủ nghĩa quốc gia cực đoan đã khơi lại các hận thù và xung đột cũ về quyền tự quyết. Hai cuộc chiến tranh thế giới khởi phát ở châu Âu cách nhau 20 năm (1919-1939) là minh chứng cho sự thất bại tất yếu của tư tưởng địa chính trị muốn thống nhất và cai trị châu Âu vì lợi ích quốc gia hẹp hòi và bằng công cụ bạo lực.

Nhưng chính hiện thực đau đớn của một châu Âu hoang tàn đổ nát vì chiến tranh đã khiến ý tưởng thống nhất châu Âu trở nên sục sôi. Có thể kể đến phong trào toàn châu Âu do bá tước người Áo Condehove- Kalergi sáng lập (1923); Đề nghị thành lập liên bang châu Âu trong khuôn khổ Hội Quốc Liên của Chính phủ Pháp năm 1929. Tuy nhiên, khi các ý tưởng thống nhất châu Âu chưa được hiện thực hóa thì châu Âu lại phải đối mặt với khủng hoảng chính trị mới – Chiến tranh Lạnh. Sự cạnh tranh về quyền lực và tầm ảnh hưởng của Mỹ và Liên Xô ở châu Âu đã chia châu lục này thành hai nhóm quốc gia đối lập về tư tưởng chính trị, minh chứng rõ nét nhất là “bức tường sắt Berlin”. Để tìm kiếm tiếng nói chung và xua tan “đám mây u ám” lơ lửng ở khu vực, châu Âu đã lựa chọn giải quyết vấn đề địa chính trị bằng địa kinh tế. Và công cụ kinh tế này được khởi đầu với lĩnh vực gắn bó chặt chẽ với không gian địa lý: thành lập cộng đồng than thép châu Âu (ECSC) với sự tham gia của 6 quốc gia nằm ở trung tâm châu Âu mà cơ sở chính là các vùng mỏ nằm trên lưu vực sông Rhine giữa biên giới Pháp- Đức. Mặc dù xuất phát điểm là vấn đề địa kinh tế nhưng EU đã khẳng định rõ ý tưởng địa chính trị của mình khi tuyên bố “ECSC là bước đầu tiên trên con đường dẫn tới liên bang châu Âu và nó sẽ nhanh chóng dẫn chúng ta đến sự thống nhất hoàn toàn về kinh tế và chính trị của châu Âu”6.

Nhìn chung, yếu tố địa chính trị đã tác động rõ rệt tới sự liên kết và hội nhập của EU với các khía cạnh: (i) dùng tài nguyên và các lợi ích kinh tế để xóa bỏ những tranh chấp và nguy cơ xung đột có thể xảy ra giữa hai quốc gia láng giềng vốn chứa đựng lịch sử đầy hận thù ở Tây Âu là Pháp- Đức; (ii) lấy sức mạnh liên kết tập thể để ngăn ngừa sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Đức, có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các quốc gia thành viên EU đều tham gia NATO (Tây Đức gia nhập năm 1955) đã thể hiện rõ ý đồ liên kết địa – chính trị và quân sự của EU;

(iii) hội nhập kinh tế và tiến tới hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng khiến EU trở thành một thực thể có tầm vóc hơn trong cuộc cạnh tranh địa chính trị đối với đối thủ lớn trong khu vực- Liên Xô và cạnh tranh tầm ảnh hưởng toàn cầu với Mỹ.

3.Đặc điểm địa chính trị của việc triển khai Chính sách Phòng thủ và an ninh chung (CSDP)

Việc thiết lập EU của châu Âu đã tạo ra những kết quả địa chính trị to lớn, tạo ra một bản sắc châu Âu với mô hình hội nhập được cho là tiến bộ và duy nhất cho đến hiện nay. EU đã xóa bỏ đường biên giới cứng giữa các quốc gia thành viên để tạo ra “thế giới không biên giới” trong liên kết kinh tế và bắt đầu một kịch bản tương tự trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng với việc hình thành Chính sách Phòng thủ và An ninh chung theo quy định của Hiệp ước Lisbon (12/2007).

CSDP ra đời đáp ứng mục tiêu (i) tăng cường môi trường an ninh của toàn Liên minh và của từng quốc gia thành viên. EU từ trước đến nay vẫn được coi là một thể chế có những thành tựu đáng nể về hợp tác kinh tế- xã hội nhưng lại có nhiều hạn chế trong việc độc lập đảm bảo an ninh. EU gần như vẫn chưa có được một cơ chế phối hợp hiệu quả trong lĩnh vực an ninh, vấn đề an ninh và đảm bảo an ninh của khu vực và các quốc gia thành viên vẫn chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ và bảo hộ của NATO. Năm 1999, sau nhiều nỗ lực nhằm đạt được những tiếng nói chung về vấn đề an ninh, quốc phòng, tại Hội nghị thượng đỉnh Helsinki, Chính sách an ninh quốc phòng châu Âu (ESDP) được đề cập đến như là một phần của CFSP và đặc biệt là sự đổi tên từ Chính sách an ninh quốc phòng châu Âu sang Chính sách Phòng thủ và An ninh chung (CSDP) trong Hiệp ước Lisbon đã khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác về an ninh và quốc phòng trong nội khối EU. (ii) Duy trì hòa bình và đảm bảo an ninh quốc tế: đúng như lời phát biểu của Ngoại trưởng EU Jose Manuel Barroso trong cuộc họp Đại Hội Đồng ngày 12 tháng 9 năm 2012, “Thế giới cần một châu Âu có khả năng triển khai các hoạt động quân sự để hỗ trợ thiết lập hòa bình tại các khu vực khủng hoảng….”7, EU đã cho thấy quyết tâm và mong muốn thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế theo tinh thần của Hiến chương Liên Hợp Quốc - các nước bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, không dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Để khẳng định quyết tâm và hiện thực hóa nghĩa vụ quốc tế của mình, EU đã đề ra các nhiệm vụ Petersberg với các nhiệm vụ ban đầu được nêu lên tại Hiệp ước Amsterdam là “cứu trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình, triển khai lực lượng thực địa với nhiệm vụ quản lý khủng hoảng và kiến tạo hòa bình”. Tuy nhiên, theo điều 28B của Hiệp ước Lisbon, Nhiệm vụ Petersberg đã được mở rộng gồm: “…các hoạt động chung giải trừ quân bị, cứu trợ nhân đạo, cố vấn và hỗ trợ quân sự, ngăn chặn xung đột, gìn giữ hòa bình và ổn định sau khủng hoảng. Tất cả những nhiệm vụ này góp phần chống lại chủ nghĩa khủng bố, gồm cả việc hỗ trợ nước thứ ba trong cuộc chiến chống khủng bố trên lãnh thổ nước đó”.

Với vị trí địa lý chiến lược, thay vì tìm kiếm quyền lực cứng, EU ngày càng cho thấy yếu tố địa chính trị rõ nét trong kịch bản phát triển của quá trình hợp tác quốc phòng trong khu vực, hướng tới xây dựng Liên minh an ninh, quốc phòng. Chiến lược An ninh châu Âu của EU đã chỉ rõ EU sẵn sàng trở thành nhà cung cấp an ninh khu vực và công cụ chính để EU đạt được vị thế đó chính là yếu tố quyền lực mềm gắn liền với các toan tính địa chính trị. Một số hoạt động có thể kể đến như:

EUFOR Tchad/RCA (2008-2009)

Bảng 1: Các thông số của sự kiện EUFOR Tchad/RCA (2008-2009)

Stt

Nội dung

Số liệu

1

Địa bàn hoạt động

Chad và Cộng hòa Trung Phi

2

Trụ sở

Mont-Valérien (Paris), Pháp

3

Ngày khởi động

28/1/2008

4

Ngày kết thúc

15/3/2009

5

Số quân triển khai

3.700

6

Ngân sách

119.6 triệu Euro

7

Các nước tham gia

23 quốc gia thành viên EU và Albania, Croatia, Nga

Nguồn: Cục Hành động đối ngoại châu Âu, 2018

 

Châu Phi là châu lục kết nối và ngăn cách với châu Âu bằng Địa Trung Hải, tuy nhiên, sự cách biệt trong tốc độ phát triển của hai bên bờ Địa Trung Hải đã khiến châu Âu trở thành miền đất hứa. Từ lâu làn sóng di cư và nhập cư trái phép từ châu Phi vào châu Âu qua Địa Trung Hải đã được EU đặc biệt quan tâm, đồng thời việc duy trì tầm ảnh hưởng tại châu lục nghèo đông dân này cũng sẽ nâng cao vị thế và uy tín của EU trên trường quốc tế. Vì thế, EU đã rất nỗ lực hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các khía cạnh khu vực sau khủng hoảng Dafur tại Chad và Cộng hòa Trung Phi. Mục tiêu chủ yếu của nhiệm vụ là góp phần bảo vệ người tị nạn và người di dời, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo; đảm bảo an ninh cho nhân viên Liên Hợp Quốc hoạt động tại địa bàn; thực hiện một số tuần tra kiểm soát và một số nhiệm vụ không quân tầm ngắn và tầm xa.

Nhiệm vụ này đã có những thành công nhất định khi EU đã tạo ra được một phạm vi an ninh an toàn và bình ổn với hơn 2000 cuộc tuần tra tầm ngắn trở lên, 440 cuộc tuần tra tầm xa và các hoạt động quy mô lớn trong các khu vực không có trại tập trung cố định và hủy kích hoạt khoảng 350 vật phẩm chưa nổ; xây dựng và tái thiết lại nhiều khu vực để kêu gọi người di dời trở về làng (ít nhất 10.000 người có thể tự nguyện trở lại); An ninh do EUFOR cung cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của các tổ chức nhân đạo. Hỗ trợ nhân đạo do Ủy ban châu Âu (chương trình ECHO) cung cấp cho người tị nạn, người di dời và cộng đồng ở Chad lên tới 30 triệu Euro vào năm 2008.

EUFOR là nhiệm vụ quân sự đầu tiên được EU thực hiện dưới danh nghĩa của CSDP và cũng được coi là một trong những thành công bước đầu khi khẳng định được “uy tín về năng lực quân sự của Liên minh” và chứng minh EU hoàn toàn có thể trở thành “nhà cung cấp an ninh và gánh vác trách nhiệm an ninh toàn cầu”.

EUNAVFOR - ATLANTA (2008 đến nay)

Với những ưu đãi của thiên nhiên, EU có được hệ thống các biển, đại dương và sông ngòi phân bố đồng đều và vô cùng thuận lợi để phát triển giao thương hàng hải. Tuy nhiên, một vấn nạn toàn cầu hiện nay, đe dọa đến lợi ích kinh tế và an ninh khu vực chính là nạn cướp biển ở Somalia. Trong Chiến lược an ninh được thông qua năm 2003, EU đã khẳng định cướp biển là một khía cạnh mới của tội phạm có tổ chức. Sau đó, trong Báo cáo về triển khai Chiến lược an ninh năm 2008, EU nhấn mạnh hải tặc là một trong những vấn đề chính cần được giải quyết trong nỗ lực xây dựng và thiết lập nền hòa bình ổn định tại khu vực châu Âu. Vì thế, Hội đồng châu Âu đã thông qua Hành động Chung 2008/851/CFSP, trong đó đặt ra các thông số cho hoạt động hàng hải đầu tiên của Liên minh. Nhiệm vụ bắt đầu triển khai từ ngày 8 tháng 12 năm 2008 và dự kiến kéo dài 12 tháng, tuy nhiên, nhiệm vụ vẫn tiếp tục cho đến nay.

Mục tiêu đặt ra cho hoạt động này bao gồm:

(i) Bảo vệ các tàu thuộc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP), Phái đoàn Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM) và các vận chuyển dễ bị tổn thương khác; (ii) Ngăn chặn và trấn áp hải tặc và cướp có vũ trang trên biển; (iii) Giám sát hoạt động đánh bắt ngoài khơi Somalia; (iv) Hỗ trợ các nhiệm vụ khác của EU và các tổ chức quốc tế để tăng cường an ninh và năng lực hàng hải trong khu vực.

Kể từ khi ra mắt Chiến dịch năm 2008, EU NAVFOR - Chiến dịch ATALANTA đã đạt được một số kết quả nhất định: (i) Có tỷ lệ thành công 100% trong việc bảo vệ cho các tàu WFP cung cấp thực phẩm và hàng viện trợ cho người dân Somalia và cho các chuyến hàng quan trọng của AMISOM tạo nên thành công của Liên minh châu Phi ở Somalia; (ii) Đảm bảo bảo vệ các vận chuyển dễ bị tổn thương khác trong khu vực Hành lang quá cảnh quốc tế (IRTC) và Khu vực rủi ro cao; (iii) Góp phần ngăn chặn và trấn áp các hành vi cướp biển và cướp có vũ trang trên biển ngoài khơi Somalia; (iv) Hợp tác chặt chẽ với chính quyền khu vực như Cộng hòa Seychelles, Mauritius và Kenya và đã chuyển những đối tượng tình nghi sang các cơ quan có thẩm quyền để xem xét truy tố và kết án; (v) đặc biệt, EU NAVFOR đã thực hiện và hỗ trợ nhiều nhiệm vụ giải cứu An toàn sinh mạng trên biển (SOLAS) trong khu vực, giúp các tàu đánh cá và thương mại địa phương, khu vực và quốc tế gặp nạn. Nhìn chung, chiến dịch ATLANTA là một nhiệm vụ thành công của EU NAVFOR khi hoạt động trong một khu vực có quy mô rộng lớn gồm phía Nam biển Đỏ, vịnh Aden và một phần Ấn Độ Dương góp phần đảm bảo an toàn con đường vận chuyển và giao thương của châu Âu.

4. Hiệu ứng địa chính trị và triển vọng hội nhập an ninh quốc phòng của EU

Hình 2. Liên minh châu Âu (28 thành viên)

Nguồn: https://www.mapsland.com/europe/map-of-european-union

 

Có thể thấy với 28 quốc gia thành viên, EU chiếm gần như toàn bộ lãnh thổ châu Âu. Tuy nhiên, trên châu lục này vẫn còn một đối thủ đối trọng với EU là Liên bang Nga, do đó, việc hội nhập về an ninh, quốc phòng của EU thực chất là cách thức lợi dụng không gian địa chính trị để cạnh tranh quyền lực và tầm ảnh hưởng. Nếu EU chia rẽ thành từng quốc gia đơn lẻ, vị thế địa chính trị sẽ hoàn toàn thay đổi và các nhà lãnh đạo EU hiểu rõ nguyên tắc này. Chính vì thế trong tiến trình nhất thể hóa chính trị, EU đã không ngại và không ngừng mở rộng với việc kết nạp thêm các nước thành viên. Khi EU mở rộng sang phía đông với việc kết nạp một loạt các quốc gia Trung và Đông Âu đã thể hiện rõ ý đồ chính trị của EU -tiếp cận khu vực các nước SNG và Trung Á, nắm giữ khu vực có nguồn tài nguyên quan trọng (dầu khí) và có ý nghĩa địa chính trị quyết định trên “bàn cờ Á - Âu”. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu EU có thể hình thành một liên minh an ninh, quốc phòng khi mà lĩnh vực an ninh, quốc phòng luôn gắn liền với vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ? Chính sách Phòng thủ và An ninh chung của EU có thực sự là công cụ hoạt động hiệu quả giúp EU đảm bảo sự ổn định và hòa bình khi mà cả Liên bang Nga và Mỹ luôn cố gắng duy trì tầm ảnh hưởng tại châu Âu? Sự nghi ngờ và rạn nứt ngay trong nội khối, đỉnh điểm là sự kiện Brexit liệu có khiến CSDP thất bại?

Kết luận

Tuy vẫn còn nhiều hạn chế và khúc mắc nhưng EU vẫn là chủ thể quốc tế đặc biệt nhất trong lịch sử phát triển – một chủ thể có không gian địa kinh tế, địa văn hóa và địa chính trị độc đáo và duy nhất luôn ở trạng thái động. Khi mà trật tự thế giới đang biến động mạnh với vô số các cường quốc và chuyển dần tới xu hướng đa cực thì CSDP tuy có chững lại nhưng vẫn sẽ tiếp tục là phương tiện để EU khẳng định vị thế một “cực” của mình trên bản đồ chính trị./.

 

______________________________

Ghi chú:

(*) Đoàn Thị Thu Hương - NCS, Đại học KHXH&NV

1 Lương Văn Kế (2011), Nhập môn khu vực học, Nxb ĐHQGHN, tr. 12-15

2 William Anthony Hay, http://fas.org/sgp/crs/row/RS21344.pdf

3 http://etd.lib.metu.edu.tr/upload/12612289/index.pdf

4 Những thách thức toàn cầu đối với châu Âu- Liên minh châu Âu sau khi mở rộng, TTTK Quan hệ quốc tế, tháng 6/2004, tr.35

5 http://fas.org/sgp/crs/row/RS21344.pdf

6 Trung tâm SNG & châu Âu (1997) Châu Âu- ba thách thức năm 2000. Tọa đàm báo “người quan sát mới”, tr.23

7 http://ec.europa.eu/soteu2012/

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Dân (2011), Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 2011.
  2. Telo Mario (ed.) (2010), Liên minh châu Âu và Chủ nghĩa khu vực mới (The EU and new regionalism). Biên dịch: Lương Văn Kế/ Lê Thu Trang, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
  3. Lương Văn Kế (2011), Nhập môn khu vực học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Thông tấn xã Việt Nam (2004), Những thách thức toàn cầu đối với châu Âu - Liên minh châu Âu sau khi mở rộng, Thông tin tham khảo Quan hệ quốc tế, Thông tấn xã Việt Nam tháng 6/2004.
  5. Trung tâm SNG & châu Âu (1997), Châu Âu- ba thách thức năm 2000, Tọa đàm báo “người quan sát mới”.
  6. http://ec.europa.eu/soteu2012/
  7. http://fas.org/sgp/crs/row/RS21344.pdf
  8. http://etd.lib.metu.edu.tr/upload/12612289/index.pdf

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Địa  nhân văn, số 1(24)  Tháng 3/2019

 

 

Các tin đã đưa ngày: