Khung chính sách liên quan đến chức năng kinh tế của gia đình Việt Nam 1986 – 2016: Thực trạng và vấn đề

Khung chính sách liên quan đến chức năng kinh tế của gia đình Việt Nam 1986 – 2016: Thực trạng và vấn đề

09/03/2017

                                                                               Nguyễn Chiến Thắng

                                                                    Lý Hoàng Mai

(Viện Kinh tế Việt Nam)

Tóm tắt: Bài viết này nhằm đánh giá khung chính sách ảnh hưởng đến chức năng kinh tế của gia đình Việt Nam giai đoạn 1986 – 2016 và nêu lên những quan điểm định hướng chính sách trong giai đoạn tiếp theo. Các chính sách ảnh hưởng đến gia đình nói chung và chức năng kinh tế của gia đình nói riêng của Việt Nam thường nằm rải rác trong các chính sách về xóa đói giảm nghèo, việc làm, tín dụng và nông nghiệp nông thôn, đã giúp đạt được các mục tiêu đề ra của Chính phủ: cải thiện tình trạng đói nghèo, nâng cao phúc lợi cho người nghèo của các hộ gia đình ở nông thôn; tạo ra nhiều việc làm cho xã hội và xuất khẩu lao động; góp phần mở rộng ngành nghề cho các hộ gia đình ở nông thôn. Tuy nhiên các chính sách được cho là vẫn còn những hạn chế cần khắc phục khi chưa tạo được sự gắn kết chung trong mục tiêu giảm nghèo, chưa tập trung đúng mức vào việc giải quyết nguyên nhân của đói nghèo, chưa chú trọng đến chất lượng việc làm, chưa tính đến hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn v.v..

Từ khóa: Chính sách; Gia đình; Chức năng kinh tế; Giai đoạn 1986-2016.

 

Gia đình không chỉ là một tế bào của xã hội mà còn là một đơn vị sản xuất kinh tế trong xã hội. Gia đình có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Aguirre (2006) cho rằng vai trò của gia đình đối với kinh tế thể hiện ở việc sử dụng các nguồn lực sản xuất, các hoạt động kinh tế và cấu trúc kinh tế. Do vậy để gia đình phát huy được chức năng kinh tế của mình một cách hiệu quả thì những chính sách của Chính phủ với gia đình là rất quan trọng. Bài viết này nhằm đánh giá khung chính sách ảnh hưởng đến chức năng kinh tế của gia đình Việt Nam giai đoạn 1986 – 2016 và nêu lên những quan điểm định hướng chính sách trong giai đoạn tiếp theo.

1. Một số quan điểm về chính sách gia đình

Quan niệm về chính sách gia đình nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả trên thế giới. Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Kamerman and Kahn (1978) cho rằng chính sách gia đình được hiểu là: “Mọi thứ mà Chính phủ áp đặt được làm hoặc không được làm đối với gia đình” (Kamerman, Sheile B. và Alfred J. Kahn eds., 1978: pp 3). Zimmerman (1995) kết luận: “Chính sách gia đình bao gồm một tập hợp lựa chọn vừa chung vừa riêng liên quan đến việc giải quyết các vấn đề gia đình phát sinh trong cuộc sống” (Zimmerman, Shirley L., 1995: pp 3). Song, thực tế, khái niệm của Kamerman and Kahn (1997) được sử dụng nhiều hơn cả: “Chính sách gia đình gồm các luật định, qui định và lợi ích, đôi khi là các điều khoản bắt buộc hướng đến đối tượng cụ thể như mỗi cá nhân hoặc cho toàn bộ gia đình nhằm đạt được những mục tiêu nào đó” (Kamerman, Sheile B. và Alfred J. Kahn eds., 1978: pp 3).

Các nghiên cứu của phương Tây sử dụng khái niệm chính sách gia đình liên quan đến đối tượng các gia đình có trẻ em là chủ yếu. Song xét theo bối cảnh ở khu vực Châu Á nhiều tác giả lại đồng thuận rằng cần phải có những chính sách hướng đến những gia đình có người cao tuổi. Thực tế là những gia đình truyền thống ở khu vực Châu Á thường có xu hướng ở cùng và chăm sóc bố mẹ già (Salaff, 1988; Lockhart, 2001; Ikels, 2004)  do vậy cần mở rộng thêm phạm vi và nội hàm của khái niệm. Một cách tiếp cận khác của Gauthier and Hatzius (1997) lại lập luận, các chính sách gia đình cần được nghiên cứu tổng hợp đối với toàn bộ các vấn đề liên quan đến gia đình gồm: vấn đề sức khỏe, thu nhập thấp, việc làm, giáo dục, tội phạm, vốn xã hội, nhân chủng học, quyền con người và các mối quan hệ liên quan về giới.

Trong khi đó Wsoff, Fran và Ian Dey (2000) lại cho rằng chính sách gia đình có thể tiếp cận theo nghĩa rộng hay hẹp, rõ ràng hay không rõ ràng, toàn diện hay lựa chọn, liên kết hay rời rạc, chính sách cho hàng loạt gia đình hay cho một loại hình gia đình nhất định. Đồng nhất với quan điểm này, Kamerman và Kahn (1978) cũng cho rằng chính sách gia đình có thể bao gồm chính sách gia đình rõ ràng (explicit family policy) và chính sách gia đình không rõ ràng (implicit family policy). Chính sách gia đình rõ ràng là các chính sách nhằm vào các chức năng của gia đình như chức năng kinh tế, chức năng sinh đẻ, chức năng nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ con v.v. Chính sách gia đình không rõ ràng là những chính sách và hành động của chính phủ không nhằm vào gia đình nhưng chúng lại ảnh hưởng gián tiếp đến gia đình như chính sách về nhà ở, việc làm, y tế, giáo dục, v.v.

Kamerman và Kahn (1978) khi nghiên cứu chính sách gia đình của 14 nước đã chia chính sách gia đình của các nước này thành 3 loại:

Các nước có chính sách gia đình rõ ràng và toàn diện như Thụy Sỹ, Na Uy, Hungary, Tiệp Khắc và Pháp.

Các nước có chính sách gia đình nhưng lại nằm rải rác ở các chính sách khác nhau bao gồm các nước như Áo, CHLB Đức, Ba Lan, Phần Lan và Đan Mạch.

Các nước có chính sách gia đình không rõ ràng như Anh, Canada, Israel và Mỹ. Tuy nhiên, Kamerman và Kahn cũng cho rằng sự phân biệt này chỉ mang tính tương đối và rất khó để xác định chính sách gia đình nào là rõ ràng hay không rõ ràng, tổng thể hay cục bộ, cân đối hay không cân đối.

Kamerman và Kahn (1997) đã đi đến kết luận về khái niệm chính sách gia đình như sau: Nếu xem xét trên góc độ ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp thì chính sách gia đình là “tất cả những gì mà chính phủ làm đối với và cho gia đình” cho dù trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia có hay không có chữ “chính sách gia đình”.

Việt Nam có một số điểm tương đồng với một số quốc gia trên thế giới như Áo, CHLB Đức, Ba Lan, Phần Lan và Đan Mạch về chính sách gia đình. Trong nhóm những nước này, chính sách gia đình nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau. Các chính sách ảnh hưởng đến gia đình nói chung và chức năng kinh tế của gia đình nói riêng của Việt Nam thường thể hiện trong các chính sách về xóa đói giảm nghèo, việc làm, tín dụng và nông nghiệp nông thôn v.v..

Việt Nam không có những văn bản pháp luật cụ thể quy định chức năng kinh tế của gia đình. Chẳng hạn như, Luật Hôn nhân và Gia đình được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2014 mang tính chất dân sự nhiều hơn tính chất kinh tế. Luật có các quy phạm pháp luật được quy định để giải quyết các mối quan hệ dân sự của gia đình như quan hệ hôn nhân, cấp dưỡng, chế độ tài sản của vợ chồng, vấn đề ly hôn nhưng không có những quy phạm pháp luật quy định về chức năng kinh tế của gia đình.

2.Khung chính sách liên quan đếnchức năng kinh tế của gia đình Việt Nam

Trong số các chính sách về gia đình, chính sách có ảnh hưởng nhiều nhất đến chức năng kinh tế của gia đình Việt Nam là những chính sách về phát triển nông nghiệp nông thôn và chính sách xóa đói giảm nghèo.

- Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn

Đặc thù của Việt Nam là đa số dân cư sống ở nông thôn, sinh kế chính vẫn là các hoạt động sản xuất nông nghiệp nên Nhà nước đã có những chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp cho hơn 11 triệu hộ gia đình ở nông thôn.

Kể từ khi đổi mới kinh tế một trong những chính sách ảnh hưởng nhiều đến các hộ gia đình ở nông thôn là Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý nông nghiệp do Bộ Chính trị ban hành ngày 5/4/1988. Nội dung cơ bản của Nghị quyết 10 là  thực hiện khoán gọn đến hộ nông dân, công nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ. Những quy định trong khoán 10 đã cho phép người nông dân hoàn toàn làm chủ được công việc sản xuất của mình và chỉ phải nộp thuế cho Nhà nước theo luật định. Nghị quyết 10 đã khơi dậy nhiều nguồn lực và tiềm năng để kinh tế hộ gia đình phát triển, người nông dân sử dụng ruộng đất tốt hơn, chủ động đầu tư vốn để thâm canh tăng vụ... Tiếp theo Nghị quyết 10, Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai sửa đổi 2001, 2003 và Luật Đất đai  sửa đổi 2013 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hộ gia đình trong việc sản xuất nông nghiệp.

Luật Đất đai 1993 đã mở rộng quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, khi tham gia vào quan hệ ruộng đất được Nhà nước trao cho 5 quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế và thế chấp. Đến Luật Đất đai sửa đổi 2013, thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình đã tăng từ 20 năm lên 50 năm, Luật cũng cho phép các hộ gia đình, cá nhân được tích tụ đất với diện tích lớn hơn trước.

Một chính sách nữa cũng có tác động nhiều đến chức năng kinh tế của các hộ gia đình sống ở nông thôn là chính sách phát triển kinh tế trang trại. Nghị quyết 03/2000/NQ – CP về phát triển kinh tế trang trại đã khuyến khích phát triển sản xuất quy mô hộ gia đình với các chính sách ưu đãi sau:

+ Ưu đãi thuế trong quá trình mở rộng sản xuất (thuế VAT, thuế thu nhập, Nhà nước xét miễn thuế thu nhập cho các trang trại với thời gian tối đa theo NĐ số 51/1999/NĐ - CP…).

+ Ưu tiên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước theo chính sách khuyến khích đầu tư trong nước.

+ Hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, thuỷ lợi, cơ sở chế biến…

- Chính sách xóa đói giảm nghèo:

Bên cạnh chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, chính sách xóa đói giảm nghèo cũng tác động nhiều đến chức năng kinh tế của các hộ gia đình ở nông thôn. Chính sách giảm nghèo của Việt Nam cho đến nay được chia thành các thời kỳ sau:

+ Thời kỳ 1998 – 2000: Chính phủ đã ban hành QĐ số 133/1998/QĐ – TTg  về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 1998 – 2000. Chương trình gồm nhiều dự án như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề, tín dụng đối với người nghèo… Chương trình còn bao gồm cả công tác định canh, định cư và hỗ trợ các đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi, phù hợp để hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Tổng vốn đầu tư và nguồn vốn của chương trình khoảng 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó Chính phủ còn ban hành Quyết định 135/1998/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Nội dung chủ yếu của Chương trình 135 là: cơ sở hạ tầng thôn xóm và xã; cơ sở hạ tầng liên xã; định cư và định canh cho các cộng đồng thiểu số; khuyến nông và khuyến lâm… Tổng kinh phí cho giai đoạn 1999 – 2004 khoảng 6.795 tỷ đồng.

+ Thời kỳ 2001 – 2005: Chính phủ đã ban hành QĐ số 143/2001/QĐ – TTg  về việc phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001 – 2005. Nguồn vốn huy động của chương trình khoảng 22.580 tỷ đồng. Nội dung của chương trình gồm 2 nội dung: xóa đói giảm nghèo và việc làm.

+ Thời kỳ 2006 – 2010: Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ số 20/2007/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo 2006 – 2010. Các chính sách của Chương trình phân thành 2 nhóm chính sách: 1) nhóm chính sách tạo điều kiện cho các hộ gia đình nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập như chính sách tín dụng, đất đai, dạy nghề; 2) nhóm chính sách tạo cơ hội để các hộ gia đình nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở và nước sinh hoạt, pháp lý.Tổng kinh phí của chương trình khoảng 43.488 tỷ đồng.

+ Thời kỳ 2011 – 2015:Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ số 1489/2012/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2015. Đối tượng của chương trình là người nghèo, hộ nghèo trong đó ưu tiên người nghèo là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em. Tổng kinh phí cho Chương trình khoảng 27.509 tỷ đồng.

- Chính sách việc làm

Chính sách việc làm đối với các hộ gia đình chủ yếu hướng đến mục tiêu khuyến khích tạo việc làm mới, khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và khuyến khích xuất khẩu lao động.

Cơ sở pháp lý của chính sách việc làm có từ năm 1992 qua Chương trình việc làm quốc gia theo Nghị quyết số 120/1992/NQ-HĐBT. Nhà nước có biện pháp hỗ trợ bằng cách lập Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm. Quỹ cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp và hộ gia đình tạo việc làm và xuất khẩu lao động.

Tiếp theo năm 2000, Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quyết  định số 132/2000/QĐ – TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Quyết định 132 ưu tiên đào tạo và sử dụng lao động đối với những hộ gia đình mà Nhà nước thu hồi đất để phát triển ngành nghề, lao động là người địa phương (điều 10).

Bên cạnh chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn Nhà nước có chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động. Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN về việc cho vay đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đã cho người lao động vay thông qua hộ gia đình với mức cho vay tối đa là 20 triệu đồng không phải áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản. Chính Phủ cũng đã hình thành một hệ thống chính sách thúc đẩy việc làm ngoài nước, xây dựng các chương trình trọn gói từ đào tạo, cho vay vốn để hỗ trợ người lao động khi về nước, đặc biệt là người lao động thuộc hộ nghèo như Quyết định số 143/2007/QĐ-TTg ngày 06/7/2007 về việc thành lập, quản lý Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020.

- Chính sách tín dụng

Chính sách tín dụng cho các hộ gia đình chủ yếu là các chính sách ưu đãi cho sản xuất kinh doanh, ưu đãi cho các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số và hỗ trợ trong thời kỳ suy giảm kinh tế từ 2007 đến nay.

Đối với các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nhà nước cho vay vốn để phát triển sản xuất theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg.

Chính sách tín dụng ưu đãi cho các hộ gia đình ở nông thôn được sản xuất kinh doanh được thực hiện theo Nghị định số 41/2010/NĐ - CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định 41 quy định các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh ở nông thôn, các hợp tác xã, chủ trang trại, tổ chức tín dụng được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản với mức vay tối đa lên đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Còn các đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại mức vay tối đa là 500 triệu đồng (điều 8). Mức cho vay này đã được tăng lên trong Nghị định số 55/2015/NĐ – CP, mức cho vay cao nhất đã lên tới 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ (điều 9). Bên cạnh đó, nhiều chương trình hỗ trợ khác được triển khai trong thời kỳ suy giảm kinh tế từ 2007 đến nay nhằm giúp cho nhiều doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn như Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 06/4/2011 về gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

3. Đánh giá chung về khung chính sách liên quan đến chức năng kinh tế của gia đình Việt Nam

- Chính sách xóa đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp nông thôn

Các chính sách xóa đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp nông thôn đã giúp đạt được các mục tiêu đề ra của Chính phủ, cải thiện tình trạng đói nghèo của các hộ gia đình ở nông thôn. Trong giai đoạn 2002-2014, đã có trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong đó có 3,2 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Cùng với xu hướng tỷ lệ hộ nghèo giảm, số đối tượng thụ hưởng cũng giảm dần, năm 2014 số đối tượng được vay chỉ còn bằng chưa đến 50% so với năm 2010 (Nguyễn Bích Ngọc, Phạm Thị Bảo Hà, 2015). Tính trên phạm vị cả nước tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ mức 14,2% năm 2010 xuống còn 9,2% năm 2015, nếu phân theo khu vực thì tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã giảm liên tục trong 5 năm (từ 17,4% năm 2010 đến 2015 đã giảm xuống còn 9,2%).

Hình 1: Tỷ lệ hộ nghèo phân theo thành thị và nông thôn

giai đoạn 2010 – 2015 (%)

Nguồn: Tổng Cục thống kê - Niên giám thống kê 2015, Nhà xuất bản

thống kê 2015, tr 787.

Những chính sách tác động trực tiếp đến người nghèo có ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao phúc lợi cho người nghèo và tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận cao nhất là: miễn giảm chi phí/khám chữa bệnh cho người nghèo (81%); miễn giảm học phí cho người nghèo (50%) và tín dụng ưu đãi với người nghèo (40%) (Nguyễn Ngọc Sơn, 2012).

Tuy nhiên các chính sách xóa đói giảm nghèo vẫn còn những hạn chế khi chưa tạo được sự gắn kết chung trong mục tiêu giảm nghèo. Một số chính sách còn có sự chồng chéo như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo khác như Chương trình 135 giai đoạn II, Nghị quyết 30a...

Chưa có chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ người nghèo, các hộ gia đình nghèo đa dạng hóa sinh kế để giúp họ chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Một số chính sách ban hành mang tính ngắn hạn, tình thế nên chưa tập trung đúng mức vào việc giải quyết nguyên nhân của đói nghèo.

- Chính sách việc làm

Chính sách việc làm đã được ban hành tương đối đồng bộ, đạt được các mục tiêu của Chính phủ là tạo ra nhiều việc làm cho xã hội và xuất khẩu lao động. Năm 2015 cả nước tạo việc làm cho 1.625 nghìn lao động, đạt 101,6% kế hoạch năm, tăng 1,6% so với thực hiện năm 2014 (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (1), 2015). Trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, năm 2014 lần đầu tiên số lao động đi nước ngoài vượt qua mốc 100.000 người. Tính đến thời điểm năm 2015  có trên 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, gửi về nước hàng năm từ 1,6 đến 2 tỷ USD (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2), 2015). Mặc dù đạt được các mục tiêu đề ra trong việc tạo việc làm nhưng chính sách việc làm chủ yếu mới chú trọng đến mục tiêu gia tăng việc làm mà chưa chú trọng đến chất lượng việc làm nên chưa khuyến khích người lao động nâng cao trình độ và tay nghề. Bên cạnh đó các quy định của chính sách việc làm mang tính quy phạm chưa cao, chính sách chủ yếu hướng vào hỗ trợ, khuyến khích nên chưa làm rõ được trách nhiệm của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách.

- Chính sách tín dụng

Chính sách tín dụng đã góp phần mở rộng ngành nghề cho các hộ gia đình ở nông thôn, mức vay ở giai đoạn sau đã tăng cao hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên các chính sách tín dụng chủ yếu hướng đến việc cho vay tiền để hỗ trợ sản xuất chứ chưa tính đến hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn. Vẫn thiếu những chính sách quy định cụ thể việc xử lý nợ vay cho người vay và cho ngân hàng khi gặp rủi ro.

Trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 ban hành theo Quyết định số 629/2012/QĐ-TTg  đã đặt ra mục tiêu: “Nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế…95% trở lên số hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo được cung cấp kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai, khủng hoảng kinh tế…” (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước CHXHCNVN). Để đạt được mục tiêu đề ra thiết nghĩ khung chính sách liên quan đến chức năng kinh tế của gia đình cần điều chỉnh theo các hướng sau:

- Đối với chính sách xóa đói giảm nghèo, nên chú trọng vào việc giải quyết trực tiếp nguyên nhân của đói nghèo, trao cho các hộ gia đình nghèo “cần câu” hơn là “con cá”. Cần chuyển sang phương thức hỗ trợ có điều kiện và hỗ trợ có thu hồi để tránh tâm lý ỷ lại của hộ nghèo. Chính sách xóa đói giảm nghèo nên phối hợp thực hiện cùng với chính sách đa dạng hóa sinh kế, đào tạo, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, phổ biến kiến thức, cách thức sản xuất và chuyển giao kỹ thuật…

- Đối với chính sách việc làm, cần hướng tới giải quyết vấn đề việc làm theo hướng bền vững, tạo ra các “việc làm xanh”. Việc gia tăng số lao động đi xuất khẩu lao động chỉ giải quyết được vấn đề trong ngắn hạn là giải quyết vấn đề thất nghiệp cho các hộ gia đình ở nông thôn và nâng cao thu nhập cho họ. Việt Nam mới chỉ cung ứng được lao động phổ thông còn lực lượnglao động chất lượng cao vẫn còn thiếu. Trong khi xu thế của thị trường lao động thế giới là giảm về lượng và tăng về chất, nhu cầu về lao động phổ thông sẽ dần ít đi thay thế vào đó là lao động có kỹ năng, được đào tạo bài bản.

- Đối với chính sách tín dụng, cần có chính sách để bảo đảm khả năng trả nợ của người vay với sự hỗ trợ của Nhà nước.Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng để nguồn vốn đến được đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả.

 

 

Chú thích: Nghiên cứu này là sản phẩm của đề tài Chức năng kinh tế của gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, mã số KHXH-GĐ/16-19/07

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1.      Aguirre, M.S. 2006. Marriage and the family in economic theory and policy. Ave Maria Review, 316(2006).

2.      Esping Andersen. 1990. The Three Worlds of Welfare Capatilism.  New Jersey: Princeton University Press.

3.      Kamerman, Sheile B.  And Alfred J. Kahn eds. 1978. Family Policy: Government and Families in Fourteen Countries. New York: Columbia University Press.

4.      Kamerman, Sheile B.  And Alfred J. Kahn eds. 1997. Family Change and Family Policies in Great Britain Canada, New Zealand, and the United States. Oxford Clarendo Press.

5.      Ikels, Charlotte (ed).  2004.  Filial Piety: Practice and Discourse in Contemporary Asia. Stanford University Press.

6.      Gauthier and Hatzius. 1997. The State and the Family: A comparative Analysis of Family Polies in Industrialized Countries. Oxford: Clarendon Press.

7.      Lockhart, Charles. 2001. Protecting the Elderly: How Culture Shapes Social Policy. The Pennsylvania State University Press.

8.      Zimmerman, Shirley L. 1995. Understanding Family Policy: Theories & Application. Thousand Oaks. California: Sage Publications.

9.      Wsoff, Fran and Dey, Ian. 2000. Family Policy. East Sussex: The Gildredge Press.

10. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước CHXHCNVN (vanban.chinhphu.vn).

11. Bộ Lao Lao động, Thương binh và Xã hội (1). 2015. Kết quả công tác lao động, người có công và xã hội năm 2015. (www.molisa.gov.vn).

12.  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2). 2015. Giai đoạn 2011 – 2015: An sinh xã hội đạt nhiều mốc mới. (www.molisa.gov.vn).

13. Nguyễn Ngọc Sơn. 2012. Chính sách giảm nghèo ở nước ta hiện nay: Thực trạng và định hướng hoàn thiện. Tạp chí Kinh tế phát triển, số 181 tháng 7 năm 2012, tr 24.

14. Tổng Cục thống kê. 2015. Niên giám thống kê 2015. Nhà xuất bản Thống kê, tr 787.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, 2016, số 5, tr.3-14.

Các tin đã đưa ngày: