Hoàng Thế Anh1
Tóm tắt: Bài viết nhìn lại 40 năm phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội ở Trung Quốc trong quá trình cải cách mở cửa cho thấy, giai đoạn đầu cải cách mở cửa đến đầu những năm 2000, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã chú trọng ưu tiên tăng trưởng, phát triển kinh tế bằng mọi giá, coi nhẹ phát triển xã hội. Giai đoạn từ đầu những năm 2000 lại đây, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã chú trọng vừa phát triển kinh tế vừa phát triển xã hội. Tuy nhiên, để giải quyết được những vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường XHCN Trung Quốc2, tiến tới cùng giàu có là một quá trình lâu dài và gian nan.
Từ khóa: Trung Quốc, cải cách mở cửa, kinh tế thị trường XHCN Trung Quốc, phát triển kinh tế, phát triển xã hội.
Phân loại ngành: Lịch sử
1. Mở đầu
Dựa trên chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế và xã hội thể hiện trong các phát biểu của lãnh đạo, văn kiện qua các kỳ đại hội ĐCS Trung Quốc và Báo cáo của Chính phủ Trung Quốc từ khi nước này cải cách mở cửa đến nay, bài viết3 trình bày về mối quan hệ giữa tăng trưởng phát triển kinh tế và phát triển xã hội cho thấy, mối quan hệ này được thể hiện qua hai giai đoạn dưới đây4.
2. Giai đoạn chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế
Nhìn lại tiến trình cải cách mở cửa, phát triển kinh tế và xã hội ở Trung Quốc, có thể nhận thấy giai đoạn đầu cải cách mở cửa, Đảng và Chính phủ Trung Quốc xác định phải giải quyết vấn đề mâu thuẫn xã hội cơ bản là: “Trình độ phát triển sức sản xuất của Trung Quốc rất thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và của quốc gia”. Tiếp đến Hội nghị Trung ương 6 khóa XI ĐCS Trung Quốc ngày 27-6-1981 đã chỉ ra: “Mâu thuẫn chủ yếu nước ta (Trung Quốc) cần giải quyết là mâu thuẫn giữa nhu cầu vật chất văn hóa của người dân ngày càng tăng lên với sức sản xuất xã hội lạc hậu” [4]. Do vậy, đối mặt với nghèo nàn lạc hậu, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã đề ra: “Lấy phát triển kinh tế làm trung tâm”, “phát triển là đạo lý cứng” [5].
Điều này cũng có nghĩa là chú trọng ưu tiên phát triển kinh tế trước, sau đó từng bước đồng thời chú trọng cả phát triển kinh tế lẫn xã hội theo tư duy của Đặng Tiểu Bình: “Một bộ phận khu vực, một bộ phận người dân có thể giàu lên trước, lôi kéo và giúp đỡ những khu vực khác, người khác từng bước cùng giàu có” [6]. Với chủ trương này, kinh tế phát triển nhanh chóng trở thành vấn đề xã hội cần ưu tiên giải quyết. Quan điểm tăng trưởng kinh tế làm cho “cái bánh to ra” đã trở thành nhận thức chung, ý chí chung của toàn xã hội. Ưu tiên phát triển kinh tế trở thành cương lĩnh chính sách của Đảng và Chính phủ Trung Quốc, do vậy đã hình thành chiến lược phát triển ưu tiên kinh tế [7]. Nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế, trong quá trình cải cách mở cửa, phát triển kinh tế Trung Quốc thực hiện phân cấp quản lý tài chính đã kích thích chính quyền địa phương các cấp chạy theo thành tích tăng trưởng GDP thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng. Tăng trưởng GDP đã trở thành thành tích của quan chức địa phương ở các tỉnh, thành Trung Quốc. Tư duy phát triển kinh tế trước, giải quyết vấn đề môi trường sau cũng là phổ biến trong những năm đầu cải cách mở cửa, phát triển kinh tế ở nước này.
Cùng với quá trình chuyển dịch từ kinh tế kế hoạch sang phát triển kinh tế thị trường XHCN Trung Quốc, chủ thể lợi ích trong xã hội Trung Quốc cũng có nhiều thay đổi. Quy mô việc làm của người dân, nguồn thu nhập của người dân cũng thay đổi và đa dạng hóa. Kinh tế đa nguyên hóa tác động làm cho xã hội Trung Quốc đa nguyên hóa, giai đoạn trước cải cách mở cửa xã hội phổ biến là hai giai cấp, một giai tầng (giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp tri thức), nhưng sau hơn 20 năm cải cách mở cửa, xã hội Trung Quốc đã xuất hiện 10 giai tầng. Chênh lệch phát triển giữa các vùng miền ở Trung Quốc vượt xa so với các nước khác trên thế giới và đối mặt với thực trạng một Trung Quốc, nhưng bốn thế giới [8, tr.91]. “Thế giới thứ nhất” là một khu vực phát triển có thu nhập cao như Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến; “Thế giới thứ hai” là một thành phố lớn, trung bình và một khu vực ven biển; “Thế giới thứ ba” là khu vực thu nhập trung bình thấp; “Thế giới thứ tư” là khu vực nghèo khó miền Trung và miền Tây [9].
Kinh tế thị trường XHCN Trung Quốc tạo cho người dân Trung Quốc có được không gian phát triển, tự do lựa chọn cách thức phát triển, tuy nhiên cũng phải trả cái giá là phải tự chịu trách nhiệm với những rủi ro, như thất nghiệp, bệnh tật, tuổi già v.v… Kinh tế thị trường XHCN Trung Quốc làm cho một bộ phận người dân may mắn sống như thiên đường, còn bộ phận người dân không may và yếu thế sống như địa ngục [8, tr.91]. Mâu thuẫn nổi lên trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt là việc thu hồi đất, cơ chế bồi thường chưa hoàn thiện, lợi ích của người dân mất đất không được bảo đảm, khiến cho nhiều người dân bất mãn, khiếu kiện; trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường XHCN Trung Quốc, phúc lợi xã hội của người dân di cư vào thành phố không được bảo đảm v.v…[2, tr.57-61].
Đồng thời, kinh tế phát triển, nhưng môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, mô hình kinh tế phát triển của Trung Quốc sau hơn 20 năm cải cách mở cửa được khái quát là “ba cao một thấp” (ô nhiễm cao, xả thải cao, tiêu hao năng lượng cao và hiệu quả thấp”, rõ ràng mô hình này được cho là diễn lại mô hình “ô nhiễm trước, xử lý sau” trong quá trình tích lũy tư bản nguyên thủy của các nước phương Tây đã trải qua [10]. Như vậy có thể nói rằng, cái giá phải trả cho ưu tiên phát triển kinh tế ở Trung Quốc trong giai đoạn đầu cải cách mở cửa là rất lớn.
3. Giai đoạn vừa chú trọng phát triển kinh tế vừa chú trọng phát triển xã hội
Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, kinh tế Trung Quốc đã giành được những thành quả nhất định, tuy nhiên do phiến diện theo đuổi tăng trưởng kinh tế nên nảy sinh nhiều vấn đề trong xã hội, sức ép xã hội rất lớn như đã nêu trên đây. Đảng và Chính phủ Trung Quốc bắt đầu nhận thức được những thách thức nổi lên do ưu tiên phát triển kinh tế. Sau Đại hội XVI ĐCS Trung Quốc (tháng 11-2002), quan điểm điểm phát triển khoa học từng bước được hình thành, đến Đại hội XVII (tháng 10-2007), quan điểm này đã trở thành chủ thuyết phát triển của ĐCS Trung Quốc và được đưa vào Báo cáo Đại hội XVII. Nội dung cơ bản của quan điểm phát triển khoa học liên quan đến giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội là không chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà còn chú trọng cả phát triển xã hội; kinh tế và xã hội phát triển nhịp nhàng. Không coi nhẹ môi trường, mà ngược lại coi môi trường là điều kiện sống của nhân loại; chú trọng phát triển nhịp nhàng giữa thành thị và nông thôn; chú trọng đến cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và hài hòa quan hệ xã hội…[7].
Cùng với quan điểm phát triển khoa học, Đảng và Chính phủ Trung Quốc cũng đã nêu ra nhiều chủ trương đường lối vừa phát triển kinh tế vừa giải quyết những vấn đề xã hội, như: xây dựng xã hội hài hòa (được nêu ra vào tháng 9-2004) và được Hội nghị Trung ương 6 khóa XVI ĐCS Trung Quốc (tháng 10-2006) tập trung thảo luận và trở thành nghị quyết. Với mục đích hướng tới phát triển nhịp nhàng, cân bằng giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, giữa tăng trưởng kinh tế với môi trường, vừa phát triển kinh tế vừa chú trọng đến công bằng xã hội, chú trọng đến phân phối lợi ích cho mọi tầng lớp trong xã hội để người dân được hưởng những thành quả của cải cách mở cửa, trong đó đặc biệt chú ý đến tầng lớp yếu thế [2, tr.11].
Tiếp đến năm 2007, nhằm giải quyết vấn đề phát triển bền vững, theo hướng phát triển xanh, ít cacbon, tuần hoàn, Trung ương ĐCS Trung Quốc phê chuẩn khu thử nghiệm cải cách đồng bộ tổng hợp xây dựng “hai loại hình xã hội” (là xã hội tiết kiệm tài nguyên, xã hội có môi trường tốt đẹp) ở cụm thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc và cụm thành phố Trường Sa – Chu Châu – Tương Đàm thuộc tỉnh Hồ Nam [11].
Đến Đại hội XVII ĐCS Trung Quốc (tháng 10/2007), xây dựng xã hội gắn với vấn đề dân sinh trở thành điểm mới trong Báo cáo tại Đại hội với tiêu đề “Xây dựng xã hội với cải thiện dân sinh là trọng điểm”. Trong đó: i) Nhấn mạnh đến “công bằng”, “bình đẳng” làm cho tầng lớp yếu thế, thiệt thòi được hưởng cơ hội công bằng, bình đẳng trong giáo dục; ii) Hoàn thiện tư duy về hệ thống an sinh xã hội đa tầng nấc lấy bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội, phúc lợi xã hội làm cơ sở, lấy bảo hiểm dưỡng lão, y tế làm cơ bản, chế độ bảo hiểm mức sống tối thiểu làm trọng điểm, lấy sự nghiệp từ thiện, bảo hiểm thương nghiệp làm bổ sung; iii) Giải quyết vấn đề khó khăn của tầng lớp yếu thế trong xã hội như kiện toàn hệ thống thuê nhà giá rẻ, giải quyết khó khăn về nhà ở cho những gia đình có thu nhập thấp trong thành phố [1].
Cùng với việc chú trọng đến vấn đề dân sinh, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã từng bước thay đổi chức năng của Chính phủ, từ vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế sang hướng tới xây dựng mô hình chính phủ phục vụ. Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (tháng 9-2013) nhấn mạnh chức trách và vai trò của chính phủ chủ yếu là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường và làm tốt dịch vụ công… xây dựng chính phủ pháp trị và chính phủ theo mô hình phục vụ. Trước đó, ngày 19-7-2012, Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên đã công bố Quy hoạch dịch vụ công cơ bản, nhằm thay đổi cục diện mất cân bằng nghiêm trọng giữa trình độ phát triển dịch vụ công cơ bản với phát triển kinh tế, để cải thiện dân sinh, kích thích tiêu dùng, bảo vệ công bằng chính nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng bền vững kinh tế xã hội. Quy hoạch này xác định đưa 8 lĩnh vực gồm giáo dục công, dịch vụ việc làm, bảo hiểm xã hội, dịch vụ xã hội, y tế, sinh kế của người dân, bảo đảm nhà ở, văn hóa thể dục thể thao công vào trong phạm vi xây dựng hệ thống dịch vụ công cơ bản, xác định thời gian biểu thực hiện ngang bằng dịch vụ công cơ bản. Đó là từ năm 2011 đến năm 2015, hệ thống dịch vụ công cơ bản bao phủ lên cư dân thành thị và nông thôn từng bước hoàn thiện; đến năm 2020 khoảng cách chênh lệch về dịch vụ công cơ bản giữa thành thị và nông thôn thu hẹp rõ rệt [3]. Đồng thời ở một số địa phương cũng đã thử nghiệm mô hình chính phủ cung cấp dịch vụ công [3].
Sau 15 năm triển khai đường lối vừa phát triển kinh tế vừa chú trọng phát triển xã hội, so với thời điểm đầu những năm 2000, từ mức GDP bình quân đầu người năm 2003 lần đầu tiên vượt 1000 USD, đạt 1090 USD [12] đến năm 2017 đạt 8800 USD [13]. Đời sống người dân Trung Quốc được nâng cao rõ rệt, tiệm cận ranh giới hàng ngũ quốc gia có thu nhập trung bình cao5.
Trình độ phát triển cả kinh tế lẫn xã hội của Trung Quốc đã có tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là trong những năm gần đây, theo thống kê của Cục thống kê của Nhà nước Trung Quốc, mức thu nhập khả dụng của cư dân cả nước là 23821 NDT năm 2016, tăng 44,3% so với năm 2012, trừ đi nhân tố giá cả thực tế tăng 33,3%, bình quân năm tăng trưởng thực tế là 7,4%, cao hơn mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 0,8 điểm %. Đồng thời, khoảng cách chênh lệch thu nhập tiếp tục được thu hẹp. Nhìn từ góc độ từ chênh lệch mức thu nhập thành thị nông thôn, thì từ năm 2012 – 2016, thu nhập khả dụng bình quân năm của người dân ở nông thôn tăng nhanh hơn 1,5 điểm % so với thu nhập của cư dân thành thị. Từ góc độ thu hẹp chênh lệch phát triển vùng miền mà nói, chênh lệch thu nhập giữa miền Đông với miền Tây, giữa miền Trung với miền Tây, giữa khu vực Đông Bắc với miền Tây năm 2016 so với 2012 lần lượt thu hẹp khoảng cách 0,06, 0,02 và 0,08 lần [14].
Tuy nhiên, tại thời điểm Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc (tháng 10-2017), mặc dù kinh tế Trung Quốc có quy mô lớn thứ hai trên thế giới, ở Trung Quốc đã hình thành tầng lớp người có thu nhập với mức trung bình lớn nhất thế giới [15], nhưng Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải về phát triển xã hội như Báo cáo Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc nêu: “…phát triển không cân bằng, không đầy đủ chưa được giải quyết, chất lượng và hiệu quả phát triển vẫn chưa cao, năng lực sáng tạo chưa đủ mạnh, nhiệm vụ bảo vệ môi trường còn lâu dài và nặng nề; lĩnh vực dân sinh còn không ít hạn chế, nhiệm vụ thoát nghèo còn gian nan, chênh lệch phát triển giữa thành thị - nông thôn và phân phối thu nhập vẫn tương đối lớn, những phương diện liên quan đến quần chúng nhân dân như việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, dưỡng lão gặp không ít vấn đề…” [16].
Do vậy, Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định kiên trì phương châm “phát triển là mấu chốt và cơ sở giải quyết tất cả vấn đề”. Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thực hiện đường lối vừa chú trọng tăng trưởng, phát triển kinh tế và vừa chú trọng phát triển xã hội. Đồng thời, điều chỉnh chủ trương chú trọng “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm” sang phát triển kinh tế “lấy nhân dân làm trung tâm”, cùng với việc phát triển kinh tế, chú trọng đến giải quyết những vấn đề nảy sinh trong xã hội để tiến tới “cùng giàu có”. Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc cũng chỉ ra sự thay đổi trong nhận thức về mâu thuẫn trong xã hội so với thời kỳ đầu cải cách mở cửa như đã nêu trên và xác định mâu thuẫn mới trong giai đoạn hiện nay là: “Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội nước ta (Trung Quốc) đã chuyển thành mâu thuẫn giữa nhu cầu cuộc sống tốt đẹp của người dân ngày càng tăng với phát triển không cân bằng, không đầy đủ” [16]. Như vậy, trước đây còn nghèo nàn lạc hậu, chủ yếu chú trọng phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề ăn no mặc ấm, đến nay đã phát triển kinh tế đến một trình độ nhất định, thì tập trung giải quyết vấn đề phát triển nghiêng lệch, không cân bằng, không đầy đủ, giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa chất lượng phát triển với nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc đã kế thừa đường lối chủ trương của ĐCS Trung Quốc ở các kỳ đại hội trước và đưa ra một số chủ trương vừa phát triển kinh tế và vừa giải quyết những vấn đề xã hội như: “Kiên trì tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm,không ngừng thúc đẩy phát triển toàn diện con người, toàn thể nhân dân cùng giàu có”, “làm cho thành quả cải cách mở cửa đến với toàn thể nhân dân công bằng hơn…, không ngừng thúc đẩy xã hội công bằng chính nghĩa”,… [16] Nhằm thực hiện chủ trương, đường lối này, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, về nâng cao mức thu nhập của người dân. Nhằm gắn kết sự tăng trưởng kinh tế với nâng cao thu nhập, Báo cáo Đại hội XIX đã chỉ ra “kiên trì tăng trưởng kinh tế đồng thời với thực hiện sự tăng trưởng đồng bộ thu nhập của người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất đồng thời với thực hiện đồng bộ nâng cao thù lao lao động” [16]. Chủ trương này được chuyên gia kinh tế Trung Quốc giải thích là, Báo cáo Đại hội XIX đã nhấn mạnh sự “đồng thời” và “đồng bộ” giữa tăng trưởng kinh tế với thu nhập người dân, giữa thù lao lao động với hiệu quả lao động sản xuất. Điều này cũng có nghĩa là, vừa ngăn chặn tình trạng tăng trưởng thu nhập của người dân không theo kịp mức tăng trưởng kinh tế, việc nâng cao thù lao lao động chậm hơn mức nâng cao hiệu quả lao động sản xuất. Đồng thời, cũng ngăn chặn tình trạng ngược lại đó là tăng trưởng thu nhập quá nhanh so với mức tăng trưởng kinh tế và thù lao lao động tách rời với nâng cao hiệu quả lao động sản xuất [17] . Hệ quả là dẫn đến sự phát triển không bền vững giữa kinh tế với xã hội.
Hai là, về giải pháp việc làm. Báo cáo Đại hội XIX ĐCS đã lần đầu tiên nêu ra cụm từ “quy mô lớn”, “toàn phương vị” và “người người” để nhấn mạnh đến sự bao phủ của chính sách việc làm ở mức độ lớn, phạm vi rộng và người người thụ hưởng cơ hội phát triển, như: “Triển khai đào tạo kỹ năng nghề nghiệp quy mô lớn; cung cấp dịch vụ việc làm công toàn phương vị; làm cho người người đều có cơ hội thông qua lao động vất vả để phát triển bản thân” [16]. Đồng thời, Báo cáo Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc còn đưa ra một số giải pháp như: “Xóa bỏ những căn bệnh của cơ chế, thể chế gây cản trở đối với việc lưu thông sức lao động, nhân tài trong xã hội; thúc đẩy tạo ra nhiều kênh việc làm cho thanh niên tốt nghiệp đại học, người nông dân vào thành phố làm việc” [16] . Ở nông thôn, ĐCS Trung Quốc đề ra việc thực thi Chiến lược chấn hưng hương thôn (đây là chiến lược mới, Đại hội XIX lần đầu tiên trong Văn kiện đề ra Chiến lược chấn hưng hương thôn) [18]. Trong đó, đề ra giải pháp: “Thúc đẩy phát triển dung hợp các ngành nghề trong nông nghiệp, công nghiệp (và công nghiệp), dịch vụ ở nông thôn, hỗ trợ và khuyến khích nông dân sáng tạo lập nghiệp, mở rộng kênh tăng thu nhập” [16].
Trong những năm gần đây, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã rất chú trọng đến thúc đẩy “sáng tạo”, “lập nghiệp”. Trong lĩnh vực kinh tế gắn với phát triển xã hội, Báo cáo Đại hội XIX đã coi “sáng tạo là động lực số một của phát triển”, “khuyến khích và bảo vệ tinh thần doanh nghiệp, khuyến khích ngày càng nhiều chủ thể xã hội đầu tư lập nghiệp sáng tạo. Xây dựng đội quân lao động theo loại hình tri thức, kỹ năng, sáng tạo…” [16]. Sáng tạo trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển, tạo ra những ngành nghề mới trong xã hội Trung Quốc, như: Mạng lưới đường sắt cao tốc, thương mại điện tử, thanh toán qua mạng, kinh tế chia sẻ, v.v… Đặc biệt là Internet đã thâm nhập vào nhiều ngành nghề. Ví dụ như kim ngạch thương mại điện tử trong những năm gần đây ở Trung Quốc phát triển nhanh chóng, năm sau đều tăng hơn năm trước. Năm 2017, tổng lượng giao dịch thương mại điện tử đạt 29.160 tỷ NDT, tăng 11,7% so với năm 2016 [19]. Người dân lập nghiệp, sáng tạo phát triển nhanh chóng, tạo ra cục diện tăng trưởng kinh tế mới, thay đổi phương thức sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trong 5 năm qua mức độ mở doanh nghiệp mới của người dân tăng từ bình quân mỗi ngày hơn 5000 hộ lên đến hơn 16.000 hộ [15]. Từ đó, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội Trung Quốc tiếp tục phát triển.
Ba là, về thoát nghèo. Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc đã coi “thoát nghèo” là một trong ba “trận chiến công kiên” cần làm tốt trong những năm tới và trở thành cam kết của ĐCS Trung Quốc: “Kiên quyết đánh thắng trận chiến công kiên thoát nghèo, làm cho những người nghèo khó và những khu vực khó khăn cùng cả nước bước vào xã hội khá giả là lời hứa nghiêm túc của đảng ta (ĐCS Trung Quốc)” [16]. Giải pháp cụ thể được đưa ra là: “Huy động lực lượng toàn đảng, toàn quốc, toàn xã hội, kiên trì hỗ trợ nghèo chuẩn xác, thoát nghèo chuẩn xác, kiên trì cơ chế công tác Trung ương trù tính chung, tỉnh phụ trách, thành phố, huyện thực hiện, tăng cường chế độ trách nhiệm người đứng đầu Đảng, chính quyền tổng phụ trách… chú trọng kết hợp giữa hỗ trợ nghèo khó với bồi dưỡng ý trí, trí tuệ, thực hiện sự liên kết hỗ trợ nghèo khó giữa khu vực miền Đông với miền Tây, nhiệm vụ trọng điểm giải quyết thoát nghèo cho những khu vực quá khó khăn…” [16]. Trong 5 năm sau Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc, Trung Quốc đã giảm được hơn 68 triệu người nghèo, được Ngân hàng thế giới ca ngợi là thành tích quan trọng [20]. Tuy nhiên, vấn đề thoát nghèo của Trung Quốc hiện cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục từng bước giải quyết.
Bốn là, kiện toàn hệ thống an sinh xã hội. Từ khi Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa, xây dựng, phát triển thể chế kinh tế thị trường XHCN đến nay, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã từng bước xây dựng hệ thống an sinh xã hội thích ứng với trình độ phát triển kinh tế qua từng giai đoạn. Tuy nhiên, GS. Trịnh Công Thành, chuyên gia nghiên cứu về an sinh xã hội Trung Quốc cho rằng thực tiễn cho thấy, từ khi cải cách mở cửa đến trước Đại hội XIX, với tư tưởng chỉ đạo phát triển “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”, cải cách an sinh xã hội được định vị đồng bộ về cơ chế với cải cách doanh nghiệp nhà nước, hay được giới định là một bộ phận tổ thành của hệ thống kinh tế thị trường XHCN Trung Quốc, chỉ đóng vai trò mang tính công cụ hoặc biện pháp phục vụ tăng trưởng kinh tế, chủ thể, mục tiêu của chế độ an sinh xã hội không rõ ràng. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng chế độ an sinh xã hội Trung Quốc ở vào tình trạng thử nghiệm cải cách trong thời gian dài [21]. Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc xác định tiếp tục kiên trì phương hướng “lấy nhân dân làm trung tâm”, tăng cường xây dựng hệ thống an sinh xã hội với các giải pháp như: “Thực hiện chế độ bảo hiểm dưỡng lão, y tế cho cư dân thành thị và nông thôn với phạm vi bao phủ rộng hơn và công bằng hơn, hoàn thiện hệ thống dịch vụ công cơ bản xã hội rộng rãi hơn. Thông qua chính sách đất đai, tài chính để thực hiện chiến lược chấn hưng hương thôn; tăng thêm đầu tư cho giáo dục đại học và kỹ năng nghề nghiệp, cung cấp nhà ở mà người dân có khả năng lo liệu được. Đối với ruộng đất khoán ở nông thôn, thời gian khoán khoảng 10 năm sau đến hạn, tiếp tục kéo dài thêm 30 năm nữa” [22].
Theo Báo cáo Chính phủ Trung Quốc năm 2018, đánh giá về kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội 5 năm qua cho thấy, hiện nay bảo hiểm dưỡng lão xã hội bao phủ hơn 900 triệu người, bảo hiểm y tế cơ bản bao phủ đến 1,35 tỷ người, hình thành mạng lưới an sinh xã hội lớn nhất thế giới. Tuổi thọ dự kiến bình quân 76,7 tuổi… [15].
Như vậy, với thực trạng và chủ trương giải pháp nêu trên, có thể thấy rằng trong giai đoạn hiện nay, hệ thống an sinh xã hội vẫn còn đang ở giai đoạn đầu, cơ bản hình thành. Theo đánh giá của GS.Trịnh Công Thành, thì còn tồn tại rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Ví dụ như: kết cấu mất cân bằng, phát triển chưa đầy đủ, mâu thuẫn vẫn là chủ yếu. Mặc dù bước đầu giải quyết được độ bao phủ, nhưng chưa giải quyết được vấn đề công bằng… [21].
Năm là, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Cùng với tiến trình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thực tiễn cho thấy, Trung Quốc đã hy sinh môi trường sinh thái để đổi lấy sự tăng trưởng kinh tế. Trong nhiều năm Trung Quốc cũng đã có nhiều chủ trương chính sách bảo vệ môi trường, trong 5 năm qua (2013-2017) cũng đã đạt được một số kết quả như: Trọng điểm xử lý không khí ô nhiễm nặng, nồng độ hạt mịn trung bình (PM2,5) ở các vùng trọng điểm giảm hơn 30%. Trên 71% các tổ máy điện đốt than đạt được lượng phát thải cực thấp. Tối ưu hóa cấu trúc năng lượng, tỷ lệ tiêu thụ than giảm 8,1 điểm phần trăm và tỷ lệ tiêu thụ năng lượng sạch tăng 6,3 điểm phần trăm. Cải thiện chất lượng nhiên liệu và loại bỏ hơn 20 triệu xe ô tô cũ và gây ô nhiễm nặng… Mức tăng trưởng sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu là bằng không phần trăm [15].
Tuy nhiên, tại thời điểm Đại hội XIX, vấn đề ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc vẫn còn rất nghiêm trọng, do vậy ĐCS Trung Quốc tiếp tục chú trọng và nhấn mạnh đến việc bảo vệ môi trường và xác định là nhiệm vụ nặng nề, lâu dài. Hiện nay, việc bảo vệ môi trường ở Trung Quốc đang diễn ra trong bối cảnh khác với trước đây là nước này đang chuyển đổi từ giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao sang chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Báo cáo Đại hội XIX đã coi “con người và tự nhiên là cùng chung vận mệnh, … nhân loại làm tổn thương đến tự nhiên cuối cùng cũng làm tổn thương đến chính mình” [16]. Đồng thời, nhấn mạnh đến việc nhanh chóng cải cách thể chế văn minh sinh thái, xây dựng Trung Quốc tươi đẹp với việc kiên trì phương châm “ưu tiên tiết kiệm, ưu tiên bảo vệ, khôi phục tự nhiên là chính” [16], chứ không phải phát triển trước, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường sau như trong giai đoạn trước đây.
4. Kết luận
Có thể nói rằng, quá trình phát triển kinh tế - xã hội từ nghèo nàn, lạc hậu đến cùng giàu có trong tiến trình cải cách mở cửa, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường XHCN Trung Quốc là quá trình lâu dài. Những vấn đề phát triển chênh lệch, thiếu công bằng, thiếu bền vững ở giai đoạn đầu phát triển là điều khách quan, rất khó tránh khỏi. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, việc lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cùng lúc thực hiện cả tăng trưởng, phát triển kinh tế với phát triển xã hội là điều khó khăn, liên quan đến nhiều chính sách đồng bộ và cần phải có nguồn lực để thực hiện như khẩu hiệu Trung Quốc đã nêu ra “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”, “phát triển là đạo lý cứng” và “phát triển là mấu chốt và cơ sở giải quyết tất cả vấn đề”. Do vậy, tham khảo kinh nghiệm Trung Quốc để từ đó sớm ý thức được điều này và điều chỉnh chủ trương, đường lối phát triển phù hợp với trình độ phát triển ở mỗi nước trong từng giai đoạn là điều cần thiết. Đặc biệt là làm thế nào để vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn giữa được ổn định xã hội, từng bước hướng tới phát triển bền vững, bao trùm là vấn đề luôn đặt ra với các nước có nền kinh tế chuyển đổi hiện nay.
Chú thích
1 TS., Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
2 Theo lý giải của chuyên gia kinh tế Trung Quốc, đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường XHCN ở Trung Quốc là kiên trì chế độ công hữu làm chủ thể, kế hoạch (quy hoạch) của nhà nước là chỉ đạo, cùng giàu có là mục tiêu [24]. Mặc dù trong văn kiện của Đảng, Chính phủ Trung Quốc, giới truyền thông và giới chuyên gia Trung Quốc sử dụng cụm từ “nền kinh tế thị trường XHCN”, nhưng cho đến tháng 1 năm 2019 mới có 81 quốc gia công nhận địa vị kinh tế thị trường đầy đủ của Trung Quốc, hiện nay EU, Mỹ và Nhật Bản vẫn chưa công nhận địa vị kinh tế thị trường đầy đủ của Trung Quốc [25].
3 Bài viết đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 10 năm 2018.
4 Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Bộ “Bốn mươi năm cải cách mở cửa ở Trung Quốc và một số gợi mởi đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Trung Quốc chủ trì.
5 Theo định nghĩa mới của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2017, GDP bình quân đầu người từ 1006 USD đến 3955 USD là nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, từ 3956 đến 12235 là nền kinh tế có thu nhập trung bình cao, vượt ngưỡng 12236 USD là quốc gia có thu nhập cao [23].
Tài liệu tham khảo
[1] Hoàng Thế Anh (2007), “Báo cáo Chính trị Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ XVII: Xây dựng xã hội với cải thiện dân sinh là trọng điểm”, Nghiên cứu Trung Quốc, số 9.
[2] Hoàng Thế Anh (Chủ biên) (2009), Vấn đề xây dựng xã hội hài hòa xã hội Chủ nghĩa của Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2009.
[3] Hoàng Thế Anh (2015), “Cải cách quản lý xã hội ở Trung Quốc: Hướng tới quản trị xã hội”, Nghiên cứu Trung Quốc, số 6.
[4] 中国共产党对我国社会主要矛盾的认识过程, http://news.gmw.cn/2018-06/06/content_ 29146 336.htm (Truy cập ngày 25/7/2018)
[5] 杨英杰, 发展是解决一切问题的基础和关键, http://theory.people.com.cn/n1/2017/0616 /c40531-29343042.html (Truy cập ngày 25/7/2018)
[6] 邓小平:让一部分人先富起来, http://cpc.people.com.cn/GB/34136/2569304.html (Truy cập ngày 25/7/2018)
[7] 王思斌, 社会政策视角下的城乡协调发展与和谐社会建设, http://www.cssn.cn/shx/shx_zhyj/201310/t20131025_578976.shtml (Truy cập ngày 26/7/2018)
[8] 王绍光,胡鞍钢, 周建明, 第二代改革战略:积极推进国家制度建设, 战略与管理, 2003, 2。
[9] “一个中国 四个世界” 析地区发展差距, http://finance.sina.com.cn/d/53140.html (Truy cập ngày 26/7/2018)
[10] 中国高速发展的环境代价 (第一部分), https://www.chinadialogue.net/article/show/single/ch/684-The-terrible-cost-of-China-s-growth-part-one- (Truy cập ngày 26/7/2018)
[11] 陈晓红, 以体制机制改革创新推进“两型社会”建设, http://theory.people. com.cn/n/2012/1101/c40531-19459218.html (Truy cập ngày 27/7/2018)
[12] 人均GDP超1000美元 我国综合国力跻身世界前列, http://www.gov.cn/ztzl/2005-10/11/content_75980.htm (Truy cập ngày 28/7/2018)
[13] 2017中国人均GDP超8800美元 2022年望进入高收入国家, http://finance.sina.com.cn/china/gncj/2018-03-01/doc-ifwnpcns5007546.shtml (Truy cập ngày 28/7/2018)
[14] 让人民有更多获得感 收入分配改革等仍是下一步发力重点, http://jingji. cctv.com/2017/10/21/ARTIX0lNJDI2qal5yVPmY0sM171021.shtml (Truy cập ngày 28/7/2018)
[15] 李克强, 政府工作报告, http://www.cppcc.gov.cn/zxww/2018/03/23/ARTI1521774834125783.shtml (Truy cập ngày 28/7/2018)
[16] 习近平:决胜全面建成小康社会夺取新时代中国特色社会主义伟大胜利-在中国共产党第十九次全国代表大会上的报告, http://news.xinhuanet.com/politics/ 19cpcnc/2017- (Truy cập ngày 11/6/2018)
[17] 蔡昉, 十九大报告中的提高人民收入 水平http://politics.people.com.cn/n1/2017/ 1101/c1001-29620278.html (Truy cập ngày 11/6/2018)
[18] 乡村振兴战略背后的历史发展规律, http://www.qstheory.cn/zhuanqu/qsft/2018-03/16/c_1122546453.htm (Truy cập 12/6/2018)
[19] 2017年中国电子商务交易额超29万亿元, http://www.chinanews.com/cj/2018/05-29/8525535.shtml (Truy cập ngày 12/6/2018)
[20] 国 际 社会 积 极 评 价 中 国 脱 贫 攻 坚成就:为世界树立典范, http:// industry.people.com.cn/n1/2018/0312/c413883-29862342.html (Truy cập ngày 31/7/2018)
[21] 郑功成, 全面理解党的十九大报告与中国特色社会保障体系建设, http://theory.people.com.cn/n1/2018/0116/c40531-29767488.html (Truy cập ngày 31/7/2018)
[22] 十九大经济政策要点解读, http://opinion.caixin.com/2017-10-18/1011581 72.html (Truy cập ngày 31/7/2018)
[23] 中国有能力迈过“中等收入陷阱”, http://www.xinhuanet.com/politics/2018-01/29/c_1122330259.htm (Truy cập ngày 28/7/2018)
[24] 与吴敬琏先生讨论:社会主义市场经济是什么模式?——评吴敬琏的四大误读, http://www.cwzg.cn/theory/201810/45261.html (Truy cập ngày 25/3/2019)
[25] 已有多少个国家承认中国完全市场经济地位?, http://www.wssys.net/g/73858.html (Truy cập ngày 25/3/2019).
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 10 năm 2018.