Một số vấn đề lý luận cơ bản trong nghiên cứu địa lí văn hóa

Một số vấn đề lý luận cơ bản trong nghiên cứu địa lí văn hóa

23/04/2020

Đinh Trọng Thu, Lê Hồng Ngọc

 

Tóm tắt: Địa lí văn hóa là một trong những phân ngành phát triển mạnh mẽ nhất thuộc ngành khoa học địa lí ở các nước phương Tây và cũng là phân ngành phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực địa lí nhân văn tại Việt Nam. Sự phát triển toàn diện của địa lí văn hóa cũng như nhiều chủ đề nghiên cứu cụ thể của phân ngành này thường bắt nguồn từ những tranh luận học thuật về cách tiếp cận, nội hàm và phương pháp nghiên cứu địa lí văn hóa. Bài viết này cung cấp một hệ thống các vấn đề lý luận trong nghiên cứu địa lí văn hóa nhằm cung cấp những hiểu biết cơ bản về địa lí văn hóa cũng như tính ứng dụng thực tiễn của nghiên cứu địa lí văn hóa trên thế giới.

Từ khóa: địa lí văn hóa.

 

BASIC THEORETICAL ISSUES IN RESEARCH ON CULTURAL GEOGRAPHY 

Abstract: A cultural geography is among the most strongly developed sub-fields of geography sciences in Western countries and also a rapidly growing sub-sector of human geography in Vietnam. The comprehensive development of cultural geography as well as many specific research topics of this subdivision often rises from scholar debates on the approach, the connotations and methodology of the cultural geographic research. This article provides a system of theoretical issues to supply basic understandings of the cultural geography as well as its practical application in the world.

Keywords: Cultural geography.

 

1. Địa  văn hóa  một bộ phận của địa lí nhân văn

Địa  văn hóa là một trong những phân ngành phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ nhất trong ngành địa lí học của các nước phương Tây (các nước sử dụng tiếng Anh) trong vòng hơn một thế kỷ qua. Địa lí văn hóa đã là một cấu thành nền tảng của ngành địa lí nhân văn ngay từ khi ngành này được xây dựng từ thế kỷ XIX. Địa lí văn hóa mang tính chất của một phân ngành địa lí học do cách mà các nhà địa lí văn hóa nghiên cứu về địa điểm và không gian trong mối quan hệ giữa không gian, cảnh quan và các tiến trình xã hội, tiến trình văn hóa.

Các đóng góp về địa lí văn hóa của các nhà địa lí nhân văn bao gồm việc phân tích các mô hình không gian và lãnh thổ đặt trong bối cảnh con người có sự tương tác, tác động và biến đổi các cảnh quan tự nhiên; xem xét cách thức mà các cảnh quan này được hình thành bởi các mô thức xã hội và cách thức chúng tạo ra các mô thức xã hội; giải quyết các vấn đề văn hóa, cảnh quan và tự nhiên của thế giới xung quanh trong quá khứ và hiện tại.

Tại  Việt  Nam,  theo  quan  điểm  của  nhà nghiên cứu Vũ Tự Lập (1991), địa lí học có đặc thù bao gồm hai thành phần cấu trúc địa lí tự nhiên và địa lí kinh tế - xã hội tạo nên một hệ thống khoa học địa lí hoàn chỉnh; trong đó, địa lí văn hóa là một bộ phận của địa lí học. Các nhà địa lí học từ góc độ của địa lí văn hóa đã tiến hành “nghiên cứu sự phân hóa trong không gian của văn hóa”, đặt trọng tâm nghiên cứu vào mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và văn hóa.

Về bản chất, nhà nghiên cứu cho rằng nghiên cứu địa lí văn hóa chính là phân vùng văn hóa thông qua việc cắt nghĩa sự phân hóa không gian của văn hóa, tìm hiểu các cảnh quan văn hóa do con người tạo ra, xác định các nguồn gốc hình thành và quá trình lan truyền của văn hóa...

Thông thường, đối tượng nghiên cứu chính của địa lí văn hóa là cảnh quan văn hóa. Định nghĩa cổ điển, lâu đời nhất và phổ biến nhất về cảnh quan văn hóa được nhà địa lí học Carl Ortwin Sauer (1889 - 1975) đưa ra: Cảnh quan văn hóa được tạo ra từ một cảnh quan tự nhiên bởi một nhóm văn hóa cụ thể; trong đó, văn hóa là tác nhân, khu vực tự nhiên là môi trường trung gian và cảnh quan văn hóa là sản phẩm. Dưới các tác động của nhóm văn hóa đó và quá trình tự chuyển biến nội tại, cảnh quan đó thay đổi theo thời gian, trải qua các giai đoạn phát triển và đạt đến điểm  cuối của chu kỳ phát triển (Sauer C.O., 1963). Nhà nghiên cứu Vũ Tự Lập (2004) cho rằng cảnh quan văn hóa được tiếp cận theo hai điểm xuất phát: Địa lí tự nhiên và Địa lí kinh tế - xã hội. Trong khi các nhà địa lí tự nhiên xuất phát từ các đặc điểm tự nhiên vốn có của cảnh quan để chồng xếp các dạng văn hóa lên trên các dạng tự nhiên nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa tự nhiên và con người. Các nhà địa lí kinh tế - xã hội lại xuất phát từ chính các dạng văn hóa đang tồn tại để chồng xếp các dạng tự nhiên lên trên các dạng văn hóa. Tuy nhiên, hai cách tiếp cận này không hề mâu thuẫn mà mang tính bổ sung và hoàn thiện lẫn nhau, củng cố tính toàn diện và đồng bộ cho nghiên cứu cảnh quan học, tăng tính ứng dụng của nghiên cứu cảnh quan văn hóa vào phục vụ mục đích phát triển của quốc gia.

Cho đến nay, địa lí văn hóa đã được thừa nhận như một phân ngành chính của địa lí nhân văn. Tuy nhiên, ranh giới giữa địa lí nhân văn với tư cách là một ngành khoa học và địa lí văn hóa với tư cách là một phân ngành ngày càng bị xóa mờ; khiến cho trong một số khía cạnh, các nhà nghiên cứu đã đồng nhất địa lí văn hóa với địa lí nhân văn (Johnson N.C. và cộng sự, 2013). So với các công trình nghiên cứu địa lí văn hóa cổ điển, các công trình hiện đại đã vượt ra khỏi ranh giới địa lí văn hóa và tiếp cận gần hơn đến các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, lịch sử, môi trường... nhằm củng cố mối quan hệ liên ngành của địa lí văn hóa trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, gắn kết với các lý thuyết và cách tiếp cận xã hội khác. Nói cách khác, các nhà địa lí văn hóa hiện đại nghiên cứu gần như mọi khía cạnh của địa lí nhân văn, qua đó củng cố vị trí của phân ngành này trong khoa học địa lí.

2. Một số cách tiếp cận địa lí văn hóa 

2.1. Tiếp cận địa lí văn hóa trên thế giới

* Giai đoạn thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX

Trong suốt tiến trình phát triển của địa lí học nói chung và địa lí nhân văn nói riêng, có nhiều trường phái địa lí văn hóa cổ điển và hiện đại với những cách tiếp cận và lý thuyết khác nhau. Theo Gregogy D. và cộng sự (2009), xuyên suốt gần như toàn bộ thế kỷ XX, địa lí văn hóa tồn tại như một phân ngành truyền thống của địa lí học với nhiệm vụ “nghiên cứu sự tồn tại của những cảnh quan đa dạng gắn với những nhóm người khác nhau trong quá trình thích nghi với môi trường sống trực tiếp của họ”. Tiêu biểu cho thời kỳ này là hai trường phái cổ điển với hai cách tiếp cận địa lí văn hóa:

Trường phái Berkeley tại Bắc Mỹ ra đời từ những năm 1920 và là điểm khởi đầu của các trường phái địa lí văn hóa cổ điển. Quan điểm khởi nguồn, truyền thống và chủ đạo của trường phái này được đưa ra bởi nhà địa lí học Carl Ortwin Sauer. Ông tập trung vào nghiên cứu cảnh quan văn hóa và đưa ra cách tiếp cận địa lí văn hóa dựa trên quan điểm: Văn hóa có sự gắn kết với các cảnh quan tự nhiên và cảnh quan văn hóa, khi một nhóm người với những đặc điểm đa dạng về quy mô dân số, mật độ, phong tục xã hội, tập quán sản xuất nông nghiệp... nói cách khác là có văn hóa, đã tác động và làm biến đổi các cảnh quan tự nhiên bằng việc tạo ra và phát triển những cảnh quan văn hóa. Cảnh quan văn hóa khi đó đóng vai trò là một trung gian và là cảnh quan môi trường của con người.

Trong nhiều thập kỷ sau đó, cách tiếp cận của Sauer vẫn rất phổ biến đối với các nhà nghiên cứu địa lí văn hóa khi họ tập trung khái quát hóa nguồn gốc hình thành và sự khuếch tán văn hóa từ những cái nôi văn hóa trên thế giới. Bất chấp những tranh cãi thực nghiệm về các quá trình khuếch tán văn hóa này, các nghiên cứu địa lí văn hóa theo trường phái Berkeley có khuynh hướng nghiên cứu một cảnh quan văn hóa đơn lẻ của một  nhóm  người  cụ  thể.  Các chủ  đề thường gặp gồm có sự khuếch tán của các thực tiễn canh tác nông thôn, các mô hình đời sống nông nghiệp, sự phân bố và mô thức của các sản phẩm văn hóa vật chất và các thực tiễn sử dụng đất có chịu tác động từ văn hóa.

Trường phái Annales tại Pháp tồn tại trong cùng  giai  đoạn  phát  triển  với  trường  phái Berkeley. Các nhà địa lí văn hóa ở châu Âu lại chủ yếu tập trung vào nghiên cứu lĩnh vực địa lí văn hóa xã hội và địa lí lịch sử. Trường phái Annales ra đời ở Pháp, bắt nguồn từ những tư tưởng trong nghiên cứu lịch sử, xã hội học, nhân học và địa lí nhân văn. Nhân vật tiêu biểu của trường phái này là nhà địa lí học Paul Vidal de la Blache (1845 - 1918) với những nghiên cứu về mối liên hệ giữa con người và môi trường sống của họ thông qua những khía cạnh của cuộc sống thường ngày, cụ thể hơn là những cách thức vận hành của cuộc sống thường ngày. Các công trình thuộc trường phái này đã đặt trọng tâm vào các nền văn hóa dân gian và cuộc sống bình dân đặt trong bối cảnh lịch sử bấy giờ ở các nước châu Âu. Điểm đặc biệt của các công trình nghiên cứu địa lí văn hóa thời kỳ này là việc sử dụng cách tiếp cận nhấn mạnh vào các cấu trúc văn hóa có tiến trình lịch sử kéo dài thay vì chỉ tập trung vào sự phân tích các khoảng thời gian của những giai đoạn khác nhau trong lịch sử của đối tượng.

Bên cạnh đó, một số trường phái địa lí văn hóa khác cũng có những cách tiếp cận và chủ đề nghiên cứu khác nhau. Ví dụ, trường phái tiếp cận địa lí văn hóa tại Anh có các tư tưởng bắt nguồn từ các nghiên cứu khu vực của nhà địa lí học Alfred Hettner (1859 - 1941) và có sự tương đồng với cách tiếp cận phân bố địa lí của các nhà địa lí học Thụy Điển. Các công trình theo xu hướng này nghiên cứu nền văn hóa vật chất từ khía cạnh nhân học, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực ngôn ngữ như một tiêu chí xác định các vùng văn hóa, mở rộng đến các chủ đề như sự định cư và thích ứng của văn hóa nhân văn đối với các điều kiện bản địa.

Nhìn chung, những tư tưởng cổ điển này đều tập trung làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp giữa các cấu trúc hữu hình và văn hóa - thông qua việc lựa chọn một số yếu tố như các chỉ số xác định của một nền văn hóa. Tuy nhiên do bối cảnh lịch sử và chính trị thời bấy giờ, các nghiên cứu địa lí văn hóa cổ điển lại chỉ tập trung vào sự tương đồng trong cảnh quan và các hình thức nông thôn, lịch sử hoặc truyền thống đối với những nhóm người cụ thể mà thiếu hụt về trọng tâm và quy mô nghiên cứu đối với các chủ thể và hành động mang tính chất cá nhân.

* Giai đoạn cuối thế kỷ XX đến nay

Trong những năm cuối của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu địa lí văn hóa đã có những bước ngoặt về học thuật với hai xu hướng đặc trưng: Nghiên cứu địa lí văn hóa trong sự thích ứng với phát triển của khoa học xã hội (địa lí nhân văn và xã hội học); và nghiên cứu địa lí văn hóa xuất phát từ những thành tựu cấp tiến về khoa học nhân văn và nghệ thuật.

Đối với xu hướng thứ nhất, các tư tưởng địa lí văn hóa bắt nguồn từ lĩnh vực địa lí hành vi, chịu tác động từ các quan điểm dân tộc học và xã hội  học đô  thị  của  trường phái  Chicago. Những công trình nghiên cứu địa lí văn hóa theo xu hướng này tập trung nghiên cứu về các khía cạnh văn hóa và tiểu văn hóa đô thị của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên do đặt trong bối cảnh các nước phương Tây, nhiều nghiên cứu địa lí văn hóa chịu ảnh hưởng từ bối cảnh chính trị. Vì vậy, văn hóa không còn được coi là một đặc tính tự nhiên của một nhóm người mà thay vào đó là một phương tiện quyền lực, áp bức, phản đối và kháng cự. Các nhà địa lí văn hóa đương đại tìm kiếm vai trò của văn hóa trong việc bảo tồn và duy trì sự lãnh đạo của các giai cấp thống trị, qua đó thúc đẩy một cấu trúc văn hóa của các khía cạnh xã hội và mối quan hệ của những loại hình này đối với các khía cạnh của cuộc sống.

Xu hướng thứ hai có sự khác biệt không nhiều về mặt chủ đề với xu hướng thứ nhất, nhưng lại có sự khác biệt lớn về mặt phương pháp do tiếp cận từ khía cạnh nghệ thuật và nhân văn. Thay vì sử dụng những hình thức văn hóa với tư cách là các nguồn dữ liệu về những sự kiện diễn ra tại các địa điểm hoặc không gian khác nhau, các nhà địa lí văn hóa tạo ra những giới hạn mới cho các không gian vật thể để nghiên cứu cách thức chúng hình thành và đại diện cho các nền văn hóa. Bên cạnh đó, các công trình địa lí văn hóa cũng cung cấp những bức tranh hiện thực và phân tích chúng không chỉ về khía cạnh nội dung mà cả cách thức mà chúng được tạo ra; xem xét các cấu trúc văn hóa hữu hình dưới những dạng thức mà các cấu trúc này có thể được diễn giải và tìm ra những ý nghĩa ẩn dấu. Những công trình sau này cũng tạo cảm hứng cho các nghiên cứu về khái niệm văn hóa và sự khác biệt văn hóa, với trọng tâm nghiên cứu là cách thức những cấu trúc văn hóa hữu hình đã không được xem xét đến với tư cách là các chỉ số đánh giá tài sản văn hóa từ phía các nhà nghiên cứu, mà lại được sử dụng như những đặc tính biểu tượng bởi thực tiễn cuộc sống thường ngày của con người.

Hai cách tiếp cận này thường có sự hợp nhất và chồng chéo: thay vì nghiên cứu sự phân bố của các nền văn hóa như là những thực thể rời rạc có liên quan ít nhiều đến các không gian và lãnh thổ, địa lí văn hóa nghiên cứu những sự kết nối, cách thức phát triển và chu kỳ những yếu tố xuyên quốc gia và sự khuếch tán, phân tán của các nền văn hóa trong thế giới hiện đại. Đây thường được xem là những hình thức tiêu biểu của sự lai tạo và quá trình khuếch tán văn hóa, bao gồm sự loại trừ và lấn át của các nền văn hóa bản gốc trong việc duy trì sự kết nối của một nhóm người với không gian, lãnh thổ mà họ sinh sống.

Ngoài các trường phái địa lí văn hóa phương Tây, một số tư tưởng và lý thuyết khác cũng đóng góp vào sự phát triển của phân ngành này. Tiêu biểu có lý thuyết về vùng văn hóa gắn liền với trường phái dân tộc học Liên Xô: vùng văn hóa là một vùng địa lí có sự phát triển kinh tế - xã hội mà trong quá trình phát triển đó diễn ra sự giao lưu, ảnh hưởng qua lại hình thành những đặc trưng văn hóa chung về vật chất và tinh thần. Quan niệm cơ bản của địa lí văn hóa theo xu hướng này coi tính tương đối đồng nhất về địa lí cảnh quan đã ảnh hưởng đến các đặc trưng văn hóa và tâm lí của con người; và chính quá trình giao lưu, tác động qua lại giữa các dân tộc trong một khu vực đã hình thành nên khu vực văn hóa chung. Đây là lý thuyết khoa học cơ sở có ảnh hưởng rất lớn đến các nghiên cứu về địa lí nhân văn nói chung và địa lí văn hóa nói riêng ở Việt Nam.

Các nghiên cứu địa lí văn hóa đương đại đã cho thấy nhiều khía cạnh đa dạng của sự định danh văn hóa vốn dĩ có sự kết nối và chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện của môi trường bản địa, hoặc tìm kiếm sự lưu thông và tính cố định của những khía cạnh này trong quá trình biến đổi các điều kiện của môi trường bản địa. Trong thực tiễn, bên cạnh các khía cạnh như tính bản sắc dân  tộc,  địa  lí  văn  hóa  cũng  chuyển  hướng nghiên cứu những khía cạnh khác. Điển hình như chính trị và tiêu dùng là những xu hướng nghiên cứu nổi bật trong địa lí văn hóa trong những năm cuối thế kỷ XX và kéo dài cho đến nay. Ngoài ra, các nghiên cứu về địa lí văn hóa đô thị cũng ngày càng trở nên phổ biến, liên quan đến các vấn đề khác biệt và nhân dạng cũng như địa lí đô thị của các nền văn hóa, địa lí chính trị… Các nghiên cứu này sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong phân tích và luận giải các vấn đề nghiên cứu.

2.2. Tiếp cận địa lí văn hóa tại Việt Nam

Địa lí văn hóa tiếp cận văn hóa dưới góc độ không gian thông qua việc nghiên cứu văn hóa trong mối tương quan với các điều kiện địa lí và môi trường tự nhiên, làm nổi bật mối quan hệ giữa môi trường sống và các đặc trưng văn hóa, phản ánh thái độ ứng xử của con người đối với thế giới tự nhiên thông qua những dấu ấn văn hóa. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá (2015), việc nhận diện văn hóa không chỉ là việc vạch ra các đặc điểm bản chất, mà còn là xác định sự hiện diện của nền văn hóa đó trong không gian và con người. Văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra trong những hoàn cảnh tự nhiên và xã hội nhất định, có sự khác biệt giữa các khu vực tự nhiên - xã hội khác nhau. Vì vậy để hiểu biết đầy đủ về văn hóa, tất yếu phải nhận diện văn hóa theo thời gian và không gian. Khi nghiên cứu về đặc trưng và sắc thái văn hóa ở Việt Nam, nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm: Quá trình hình thành những đặc trưng và sắc thái văn hóa vùng miền của Việt Nam xuất phát từ chính những điều kiện tự nhiên và xã hội của từng địa phương, với những tác động từ hoàn cảnh lịch sử và bản sắc văn hóa của cộng đồng đa dân tộc.

Một hiện tượng văn hóa đều chịu tác động của hai nhân tố cơ bản là không gian và thời gian; trong đó, yếu tố không gian cho thấy một hiện tượng văn hóa ra đời và tồn tại trong một không gian địa lí nhất định. Không gian văn hóa là một không gian địa lí xác định mà ở đó, một hiện tượng hay tổ hợp hiện tượng văn hóa nảy sinh, tồn tại, biến đổi và liên kết tạo thành một hệ thống (Ngô Đức Thịnh, 2015). Thuật ngữ này còn có thể được hiểu là vị trí địa lí của một hiện tượng hay tổ hợp hiện tượng văn hóa.

Do đó để nhận diện văn hóa từ góc độ không gian (tiếp cận địa lí văn hóa), nhà nghiên cứu phải phân vùng văn hóa. Bản chất của phân vùng văn hóa là phân loại các loại hình văn hóa, mà mỗi loại hình văn hóa lại tồn tại trong một không gian nhất định (mặc dù việc xác định ranh giới giữa các vùng rất khó). Nhìn chung, đa phần các nhà nghiên cứu địa lí nhân văn của Việt Nam tiếp cận địa lí văn hóa dưới góc độ phân vùng văn hóa, sử dụng đặc trưng văn hóa vùng như một tiêu chí để phân vùng, chỉ ra những đặc trưng văn hóa vùng miền dưới góc độ không gian trong phạm vi lãnh thổ quốc gia dân tộc, nhằm khai thác những tiềm năng và lợi thế về văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

3. Tính ứng dụng thực tiễn của nghiên cứu địa lí văn hóa

Địa lí văn hóa ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới: Nhiều trường đại học đã giới thiệu những khóa học về địa lí văn hóa cho sinh viên, nhiều công trình nghiên cứu địa lí văn hóa đã được xuất bản và nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành về địa lí văn hóa đã được công nhận và xếp hạng trong danh mục có chỉ số (như tạp chí Cultural   Geographies,   Social   and   Cultural Georaphy,   Environment   and   Planning   D: Society and Space...). Theo đánh giá của Blunt A. và cộng sự (2003), địa lí văn hóa là một lĩnh vực rất rộng lớn và đa dạng liên quan đến những cách hiểu khác nhau về “văn hóa”. Do đó, có rất nhiều cách thức để nghiên cứu địa lí văn hóa và mỗi nhà nghiên cứu khác nhau lại có những cách liên kết địa lí văn hóa với các lĩnh vực nghiên cứu khác như văn hóa, nghệ thuật, nhân học và xã hội học... khi nghiên cứu về các tầng lớp xã hội, giới và chủng tộc, bản sắc, dân tộc và quyền lực... bên cạnh việc nghiên cứu mối quan hệ giữa không gian, địa điểm và cảnh quan, qua đó đã làm xóa mờ đi ranh giới của địa lí văn hóa. Nhóm  nghiên  cứu  Gregogy  D.  và  cộng  sự (2009) cũng đã chỉ ra rằng, việc nghiên cứu các khía cạnh văn hóa trong các nhánh nghiên cứu của địa lí học dễ dàng hơn so với việc làm rõ một lĩnh vực “địa lí văn hóa” cụ thể; vì vậy, không phải lúc nào địa lí văn hóa cũng lấy văn hóa làm vấn đề trọng tâm trong nghiên cứu cũng như giới hạn, khoanh vùng phạm vi lĩnh vực và cách tiếp cận của phân ngành này.

Nhóm tác giả Blunt A. và cộng sự đã chỉ ra vấn đề chính cũng là rào cản trong việc nghiên cứu và ứng dụng các nghiên cứu địa lí văn hóa vào thực tiễn - đó chính là vấn đề hệ thống phương pháp luận nghiên cứu địa lí văn hóa. Không khó để có thể tìm thấy những công trình nghiên cứu về địa lí văn hóa; mặc dù vậy, những công trình này lại không cho người đọc thấy được một “mạch” phương pháp luận hoàn chỉnh. Theo nhóm tác giả, mặc dù có rất nhiều xuất bản phẩm đề cập đến phương pháp luận và những kỹ thuật nghiên cứu được sử dụng trong nghiên cứu, nhưng chỉ có một số ít những phương pháp thường xuyên được đề cập mà bỏ qua những phương pháp khác. Thông thường, các nghiên cứu địa lí học thường đặt trọng tâm nghiên cứu khoa học xã hội nhằm mô tả đối tượng hơn là nghiên cứu khoa học nhân văn với việc đi sâu tìm hiểu về thực tiễn, bối cảnh, những biểu hiện và ý nghĩa của đối tượng. Như đã đề cập ở trên, với hai xu hướng phát triển của các nghiên cứu địa lí văn hóa xuất phát từ khoa học xã hội và từ khoa học nhân văn từ cuối thế kỷ XX cho đến nay, việc kết hợp đồng thời các phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu từ hai lĩnh vực khoa học này mặc dù đóng vai trò rất quan trọng nhưng lại thường xuyên bị bỏ qua.

Bên cạnh đó, những lý thuyết vận dụng các phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu này đã được đề cập rất nhiều; tuy nhiên, cách thức mà chúng được vận dụng như thế nào trong các thực tiễn cụ thể thì lại không được nói đến. Các công trình nghiên cứu địa lí văn hóa mới chỉ đem đến cho người đọc những bức tranh phản ánh hiện thực công khai mà không lý giải được nguyên nhân, cách thức, quá trình hình thành và ý nghĩa ẩn sâu trong những bức tranh đó. Nói cách khác, một nghiên cứu địa lí văn hóa phải chỉ ra được rằng thông qua những quan sát mô tả bên ngoài của đối tượng, đối tượng nghiên cứu của địa lí văn hóa sẽ được hiểu, được luận giải như thế nào? Chính vì vậy, trong thực tế có thể thấy được các chủ đề nghiên cứu của địa lí văn hóa rất đa dạng và phong phú nhưng chúng lại rất phức tạp và rối rắm, khó có thể phân loại hay sắp xếp thành hệ thống các mảng hay chủ đề cụ thể.

Nhóm nghiên cứu Johnson N.C và cộng sự (2013) cho rằng mặc dù rất khó có thể đưa ra được một (hoặc một số) từ khóa và/hoặc chủ đề cụ thể trong nghiên cứu địa lí văn hóa hiện nay mà không có sự kết nối liên ngành với các phân ngành khoa học khác, nhưng đây là một điểm tích cực. Trong bối cảnh nghiên cứu địa lí nhân văn đương đại, nhóm tác giả cho rằng sự đóng góp lớn của các nhà địa lí văn hóa hiện đại nằm ở chỗ các công trình địa lí văn hóa không chỉ bó hẹp trong một vài đối tượng nghiên cứu truyền thống như cảnh quan văn hóa hay mối quan hệ giữa không gian với văn hóa, mà mở rộng ra cả những  đặc  tính  không  gian  của  cuộc  sống thường ngày, của thế giới vật chất và thế giới nhân văn, của các thực thể như chính trị hay nhận thức luận... Trong bối cảnh hiện đại, các trọng tâm và đối tượng nghiên cứu của địa lí văn hóa không ngừng được mở rộng và có sự chuyển giao với các phân ngành khác của địa lí học.

Điển hình như các nghiên cứu về địa lí văn hóa đô thị và địa lí đô thị của các nền văn hóa cũng ngày càng trở nên phổ biến. Không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam, nhà nghiên cứu Vũ Tự Lập đã đánh giá rằng, cảnh quan văn hóa đặc biệt nhất là các đô thị, do tại nơi đây các cảnh quan tự nhiên đã bị biến đổi nhiều hoặc biến đổi hoàn toàn “tận gốc” dưới các tác động của con người. Đối với dạng cảnh quan văn hóa này, tồn tại cùng lúc mối quan hệ hai chiều: Con người tác động làm thay đổi các điều kiện môi trường tự nhiên (xây nhà, làm đường...), ngược lại, tự nhiên có tác động phản hồi lại môi trường và các điều kiện sống của con người (ngập lụt đường phố sau cơn mưa, ô nhiễm không khí, sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức...). Khía cạnh địa lí văn hóa đô thị được thể hiện thông qua nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa dân gian, cổ truyền với văn hóa hiện đại trong một nền văn hóa đô thị hiện đại, công nghiệp hóa; nhằm mục đích giữ gìn những nét đẹp văn hóa cổ truyền và góp phần xây dựng một nền văn hóa mới đáp ứng được nhu cầu đương đại của con người.

Tương tự, khu vực nông thôn cũng có những cảnh quan văn hóa riêng, do đó việc nghiên cứu địa lí văn hóa nông thôn cũng có những giá trị thực tiễn riêng. Vì vậy, dựa trên cơ sở cảnh quan tự nhiên mang dấu vết của nền văn hóa đã tạo ra nó thông qua các hiện tượng văn hóa như ngôn ngữ, bản sắc dân tộc, tôn giáo, chính trị, kinh tế... giá trị thực tiễn của nghiên cứu địa lí văn hóa không nằm ngoài mục đích khai thác hiệu quả và bền vững nhất các điều kiện môi trường tự nhiên vì lợi ích phát triển của con người trong một bối cảnh không gian, thời gian cụ thể.

Kết luận

Địa lí văn hóa đã được thừa nhận như một phân ngành chính của địa lí nhân văn và là một bộ phận của khoa học địa lí. Phân ngành này có sự kết nối không chỉ với các phân ngành khác của địa lí nhân văn mà còn mở rộng ra các lĩnh vực khác như nhân học hay dân tộc học... Trong suốt lịch sử hình thành từ thế kỷ XIX đến nay, địa lí văn hóa đã không ngừng phát triển với rất nhiều trường phái và lý thuyết từ cổ điển đến hiện đại; không ngừng mở rộng trọng tâm và đối tượng, các chủ đề nghiên cứu từ cảnh quan văn hóa truyền thống cho đến mọi khía cạnh cuộc sống của con người đặt trong sự tương tác với môi trường sinh sống tự nhiên của họ. Mặc dù là một lĩnh vực ngày càng trở nên phổ biến, nhưng trên thế giới và ngay tại Việt Nam vẫn còn tồn tại những tranh luận học thuật về cách tiếp cận và phương pháp luận, phạm vi và đối tượng nghiên cứu của địa lí văn hóa. Đây chính là tiền đề để phân ngành địa lí văn hóa tiếp tục phát triển toàn diện hơn nữa trong tương lai và mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu khoa học địa lí nhân văn cho các nhà địa lí học Việt Nam và thế giới./.

 

__________________________

Thông tin tác giả:

Đinh Trọng Thu, Lê Hồng Ngọc - Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Huỳnh Công Bá (2015), Đặc trưng  sắc thái văn hóa vùng - tiểu vùng  Việt Nam, Nhà xuất bản Thuận Hóa.

2.   Ngô Đức Thịnh (2015), Phân hóa vùng  phân vùng văn hóa  Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

3.   Vũ Tự Lập chủ biên (1991), Văn hóa   dân Đồng bằng sông Hồng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

4.   Vũ Tự Lập (2004), Sự phát triển của khoa học địa  trong thế kỷ XX, Nhà xuất bản Giáo dục.

5.   Blunt A. et al (2003), Cultural Geography in Practice, Edward Arnold Publishers Ltd.

6.   Gregory D. et al (2009), The Dictionary of Human Geography, 5th edition. Blackwell Publishing Ltd.

7.   Johnson N.C. et al (2013), The Wiley - Blackwell Companion to Cultural Geography, John Wiley & Sons Ltd.

8.   Sauer C.O. (1963), The morphology of landscapes, reprinted in: J. Leighly, ed., Land and life: selections from the writings of Carl Ortwin Sauer, University of California Press.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Địa  nhân văn, số 1(24)  Tháng 3/2019

 

 

 

Các tin đã đưa ngày: