GS.TS. Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam
Tóm tắt: Bài viết mở đầu với khái niệm xã hội học về tầng lớp trung lưu và các yếu tố cấu thành bao gồm tầng lớp trung lưu “cũ” và “mới”. Sự hình thành những tầng lớp trung lưu mới ở châu Á và khu vực Đông Nam Á có những đặc điểm riêng và đóng những vai trò khác nhau trong đời sống chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa ở mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN đã làm hình thành tầng lớp trung lưu với nòng cốt là nhóm doanh nhân, những chuyên gia trình độ chuyên môn cao và giới quản lý. Điểm luận những nghiên cứu gần đây nhằm nhận diện và “định hình” tầng lớp trung lưu ở Việt Nam hiện nay, bài viết chỉ ra một số vấn phương pháp luận và phương pháp đo lường tầng lớp trung lưu ở Việt Nam hiện nay cần được lưu ý trong những nghiên cứu tiếp theo về chủ đề này.
Từ khóa: tầng lớp trung lưu, giai cấp trung lưu, gia đình trung lưu, Đông Nam Á.
1. Khái niệm
Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu (TLTL) hay (các) giai cấp trung lưu (GCTL) đã được đề cập trên sách báo khoa học xã hội, xã hội học trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Đã có nhiều tranh luận xung quanh nội hàm, phạm vi bao quát của khái niệm này. Bên cạnh đó, các vấn đề như sự xuất hiện, những đặc điểm và vai trò kinh tế, xã hội, chính trị của tầng lớp trung lưu trong các xã hội khác nhau cũng đã và đang được tiếp tục thảo luận trên các diễn đàn khoa học xã hội. Về mặt thuật ngữ, đáng lưu ý là trong sách báo khoa học xã hội bằng tiếng Anh, cụm từ “middle class” (“giai cấp trung lưu”) được sử dụng phổ biến hơn cụm từ “middle stratum” (“tầng lớp trung lưu”). Trong khi ở Việt Nam, chúng ta hầu như chỉ dùng cụm từ “tầng lớp trung lưu” mà hiếm khi gọi đó là “giai cấp trung lưu”2.
Trong Từ điển Xã hội học Oxford (Marshall, 1998: 648-649), trên nhiều phương diện, GCTL là thuật ngữ mà giới học thuật ít hài lòng nhất khi sử dụng với việc cố gắng định nghĩa nó trong một câu ngắn gọn: đó là một giai cấp có chung tình trạng việc làm và thị trường. Trên thực tế, GCTL trong các xã hội công nghiệp hơn một thế kỷ qua đã được mở ra rất rộng, thành một tập hợp người bao gồm từ giám đốc các công ty cho đến những người thư ký của họ - điều mà khó có thể coi là phù hợp.
Trong luận giải thông thường thì tất cả các loại công nhân cổ trắng đều thuộc GCTL, nhưng về mặt xã hội học, csần phân chia giai cấp này thành các nhóm khác nhau theo tiêu chí là họ chia sẻ những công việc, thị trường và vị thế chung. Chẳng hạn, John H. Goldthorpe trong công trình “Social Mobility and Class Structure in Modern Britain” đã phân biệt một giai cấp dịch vụ gồm những nhà quản lý cao cấp và các nhà chuyên môn, với giai cấp dịch vụ trẻ hoặc cấp thấp hơn, thì bao gồm những nhà chuyên môn cấp thấp hơn như giáo viên, các nhà quản lý và quản trị trẻ, nhân viên hành chính, những người làm công việc không phải chân tay, như kế toán, thư ký; và những người sở hữu doanh nghiệp nhỏ (như trước đây vẫn gọi là tiểu tư sản). Tương ứng thì giai cấp dịch vụ được gọi là “GCTLtrên” (upper-middle class), giai cấp dịch vụ trẻ được gọi là “GCTL” (middle class), những nhóm còn lại gọi chung là “GCTL dưới” (lower-middle class). Chẳng hạn, ở Anh, “GCTL trên” bao gồm khoảng 10% dân số, “GCTL” chiếm khoảng 20% và “GCTL thấp” cũng chiếm khoảng 20% nữa. Tính gộp lại, GCTL là giai cấp lớn nhất trong cấu trúc xã hội Anh (Goldthorpe, 1980).
Tuy nhiên, một số nhà xã hội học, đặc biệt là những người theo quan điểm Mác-xít, không chấp nhận việc coi tất cả công nhân cổ trắng đều thuộc GCTL, dựa trên cơ sở là tình trạng việc làm của họ nhìn chung là tương đương (hoặc thậm chí còn kém hơn) so với những thành viên của giai cấp công nhân. Họ thích gọi nhóm này là giai cấp công nhân mới. Đó là quan điểm mà phần lớn công nhân cổ trắng không đồng tình cũng như không có đủ bằng chứng xã hội học. Cũng như vậy, thuật ngữ “GCTL” giờ đây thường được các nhà báo và các nhà chính trị sử dụng (tốt hơn) thay cho cụm từ “số đông/ quần chúng trung lưu” (middle mass), chỉ những người có thu nhập gần với thu nhập trung bình.
Những số liệu từ cuộc nghiên cứu có quy mô quốc gia ở Anh của Marshal Gordon và cộng sự (được công bố trong Social Class in Modern Britain, 1984) cho thấy: người dân có ý kiến khá phân biệt về thành phần của GCTL. Chẳng hạn, 35% người được hỏi cho rằng GCTL bao gồm những nhà chuyên môn; 11% thì chỉ nhắc đến các nhà quản lý; và 7% coi GCTL là tất cả các công nhân cổ trắng.
Ngoài ra, còn có những ý kiến cho rằng có một vài kiểu loại GCTL khác nhau. Chẳng hạn, GCTL được phân chia thành “GCTL mới” (bao gồm các nhà chuyên môn hưởng lương, quản trị kỹ thuật, công nhân cổ trắng làm quản lý - những người có kỹ năng và kinh nghiệm đặc biệt); “GCTL cũ” (bao gồm những người sở hữu nhỏ và những người tự kinh doanh); và “GCTL ngoại biên” (marginal middle class), bao gồm những công nhân hưởng lương làm lao động thô sơ và các công nhân làm dịch vụ cá nhân. Mức độ tái sản xuất vị thế của các nhóm nhỏ này, mức độ cố kết xã hội của họ như một giai cấp/ tầng lớp, và việc họ có một văn hóa giai cấp riêng hay không - là khác nhau giữa các xã hội (Erikson và Goldthorpe, 1992).
2. Sự xuất hiện của (các)3 giai cấp trung lưu ở Châu Á và những đặc điểm của chúng
Các nhà xã hội học châu Á đã có những nghiên cứu bước đầu làm sáng tỏ về cái gọi là GCTL ở châu Á, qua một số quốc gia/ vùng lãnh thổ đại diện. Chỉ đến gần đây mới có những nghiên cứu so sánh và toàn diện để hiểu được những đặc điểm chung cũng như sự đa dạng của các GCTL châu Á từ nhiều cách tiếp cận. Những hiện thực của châu Á được xem như là một bối cảnh khu vực đặc thù mà GCTL lớn lên từ đó, và vì thế ở đây không thể áp dụng các kinh nghiệm và mô hình của phương Tây một cách giản đơn.
Nhìn vào các GCTL từ chiều cạnh vị thế đạt được (status attainment/ achieved status), một số tác giả đã chú ý đến quá trình công nghiệp hóa - như là nhân tố đã thúc đẩy sự cơ động xã hội và biến đổi vị thế trong các cấu trúc phân tầng. Họ thống nhất định nghĩa (các) GCTL là những người xuất hiện do kết quả của sự cơ động xã hội và chiếm được vị thế như vậy (Tunin, 1967; Treiman, 1977). Ngoài ra họ cũng lưu ý rằng hình ảnh về uy tín và vai trò của GCTL giữa các nước ở châu Á là rất khác nhau, và chúng cũng phản ánh những con đường hiện đại hóa khác nhau của các nước này.
Vào đầu những năm 2000, một series các nghiên cứu trên chủ đề “Sự xuất hiện của GCTL ở châu Á và những đặc điểm của chúng” đã được tiến hành tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Các nghiên cứu đã phân tích bối cảnh và nguồn gốc xã hội xuất thân của GCTL, chỉ ra những đặc điểm của (các) GCTL, và từ đây tìm hiểu vai trò xã hội và chính trị mà GCTL chiếm giữ ở mỗi quốc gia / vùng lãnh thổ được nghiên cứu (Xem series các bài viết trên Tạp chí The Developing Economies, XLI-2 (June 2003: 161-284), với các tác giả được trích dẫn dưới đây).
Quá trình hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế ở châu Á cho thấy những đặc điểm rất khác so với những quốc gia phương Tây - nơi hiện đại hóa diễn ra tuần tự, trong vài thế kỷ. Ở châu Á, hiện đại hóa bắt đầu muộn hơn nhưng lại diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hơn dưới hình thức “công nghiệp hóa rút ngắn”. Hơn nữa, trừ hai quốc gia Nhật Bản và Thái Lan, thì các nước được nghiên cứu đều đã từng là thuộc địa của các cường quốc phương Tây. Chế độ thuộc địa đã có những tác động nhất định đến hiện đại hóa, nhưng quá trình này chỉ thực sự hiện hữu từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, khi phần lớn các quốc gia - dân tộc mới giành được độc lập tin rằng tăng trưởng kinh tế có thể là lý do sống còn của họ, đã bắt đầu tiến hành hiện đại hóa. Với những cố gắng nhằm đạt tới mục tiêu tăng trưởng, họ thường xác lập bên trong biên giới của mình cái gọi là những chế độ theo chủ nghĩa phát triển độc tài (Tamura, 2003).
Do quá trình công nghiệp hóa rút ngắn, các dòng di cư nông thôn - đô thị ở châu Á tăng mạnh, kết quả là GCTL đô thị đầu tiên là sự “kết nối/ hòa trộn của rất nhiều nguồn gốc xã hội khác nhau”. Hơn nữa, một thế hệ đặc biệt những cư dân đô thị rời quê hương ra đô thị lập nghiệp, nhưng vẫn để bố mẹ ở lại, vẫn còn bảo lưu mạnh mẽ những giá trị nông thôn của mình. Có thể còn quá sớm để khẳng định họ sẽ gia nhập một giai cấp - gốc đô thị thông qua “hôn nhân nội bộ giai cấp”, nhưng trên thực tế thì hiện nay họ không còn lưu giữ cả ý thức giai cấp lẫn văn hóa giai cấp của riêng mình nữa.
GCTL châu Á hiện nay không có những đặc điểm như GCTL ở châu Âu trước đây, vốn được phân biệt với các giai tầng khác bởi văn hóa và ý thức (Giddens, 1973), cũng không giống với “quần chúng trung lưu mới” ở Nhật Bản, vốn không có bất kỳ vị thế hay biểu trưng đặc biệt nào của riêng họ (Murakami, 1984). Vì thế, GCTL châu Á chỉ có thể được phác họa, ít nhất vào thời gian này, như là một tầng lớp trung gian giữa TLTL dưới và TLTL trên. GCTL châu Á chia sẻ những đặc điểm chung ở một mức độ đáng kể, song hình hài thực tế của GCTL ở mỗi nước lại rất khác khi so với GCTL của một nước khác, tùy thuộc vào nhiều nhân tố. Các nhân tố này bao gồm những tiền đề của hiện đại hóa, quá trình tăng trưởng kinh tế (đặc biệt, tốc độ phát triển và cách thức mà các dòng di cư nông thôn - đô thị diễn ra), các chương trình chính sách mà chính phủ theo đuổi, và những điều kiện môi trường. Vì vậy khi chỉ ra sự xuất hiện và các đặc điểm của họ, ta sẽ đồng thời thấy được cả sự đa dạng của các GCTL ở châu Á.
Nghiên cứu trường hợp của Hàn Quốc, Arita Shin (2003) cho thấy GCTL ở đây đã lớn lên trong bối cảnh của các dòng di cư lao động ồ ạt từ nông thôn ra đô thị cùng với quá trình công nghiệp hóa rút ngắn, với sự phát triển rất nhanh của giáo dục. Tất cả những điều kiện này đã thúc đẩy quá trình cơ động xã hội, được đặc trưng rất rõ bởi sự liên kết xã hội những con người có nguồn gốc xã hội rất khác nhau. Những sự liên kết này tạo ra một cấu trúc phân tầng khác thường bởi những kênh quan trọng để di động đi lên, bao gồm không chỉ sự di động từ GCTL cũ thành GCTL mới, mà còn từ công nhân và nông dân trở thành GCTL cũ (dưới hình thức cơ động bên trong thế hệ hoặc giữa các thế hệ). Hơn nữa, việc ít có những rào cản đối với di động đi lên dường như cũng phần nào giải thích vì sao GCTL Hàn Quốc khó có thể nuôi dưỡng một văn hóa riêng của họ.
Hồng Kông, Singapore và Malaysia thì rất khác với Hàn Quốc. Để hiểu về GCTL của các nước hay vùng lãnh thổ này cần phải tính đến những tiền đề cho công cuộc hiện đại hóa của họ, bao gồm nền độc lập và những biến đổi chính trị đi kèm, cũng như đặc điểm của họ như những nhà nước - dân tộc hay những thành phố thuộc địa cũ.
Theo Tai-Lok Lui (2003), sự xuất hiện của GCTL mới trong lịch sử của Hồng Kông từ một thành phố thuộc địa đến khi trở về với Trung Quốc, đã là một tiền đề khiến GCTL Hồng Kông có phần miễn cưỡng khi phải có những hành động chính trị dựa trên sáng kiến riêng của mình. Ở Hồng Kông không có nền nông nghiệp nên GCTL mới thường xuất hiện từ những người nhập cư nhanh chóng thành đạt và đi lên. Những người thuộc GTCL mới của Hồng Kông được phác họa như là những người khát khao theo đuổi các lợi ích kinh tế và thờ ơ với chính trị đến mức họ phải viện đến chiến lược tháo chạy khỏi Hồng Kông.
Ở Singapore, theo Keiko Tamura (2003), sự thờ ơ về chính trị của GCTL diễn ra trong một nhà nước - đô thị, không có nông nghiệp, gần giống như Hồng Kông. Ở Singapore, hệ thống chính trị do chính phủ nắm giữ và thực thi các chính sách nhằm nuôi dưỡng một GCTL tinh hoa. Điều này được xem như là nguyên nhân chính tạo ra sự xa lánh về chính trị của GCTL. Dễ hiểu là, để bảo đảm cho sự tồn tại và ổn định chính trị của một quốc gia - đô thị nhỏ như Singapore, chế độ chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Hành động Nhân dân đã tích cực theo đuổi những chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách giáo dục nhằm nuôi dưỡng một GCTL mới với rất nhiều ưu đãi. Được một chính phủ mạnh hỗ trợ như vậy, GCTL Singapore đến nay vẫn hết sức ủng hộ chính phủ trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bảo đảm các phúc lợi vật chất, tuy nhiên, họ cũng rất hoài nghi về triển vọng dân chủ hóa đất nước.
Trong một quốc gia đa sắc tộc như Malaysia, nét nổi bật của GCTL Malaysia xuất phát từ những sáng kiến mạnh mẽ của chính phủ trong việc nuôi dưỡng một nhóm sắc tộc đặc biệt, nhóm người Malay. Trong khi đa dạng hóa các chính sách kinh tế của mình, chính phủ Malaysia coi GCTL người Malay như là những đại diện chủ yếu của phát triển kinh tế, cho dù định nghĩa về các GCTL và nội dung của các chính sách nuôi dưỡng chúng đều thay đổi theo thời gian. Do GCTL Malaysia luôn nhận được sự hỗ trợ chủ yếu của chính phủ, nên có lẽ vì thế cho đến 1999, họ vẫn mang tính bảo thủ về chính trị (Torii, 2003).
Vương quốc Thái Lan, với khu vực nông nghiệp rộng lớn, di cư nông thôn - đô thị mang tính tuần hoàn, người di cư từ nông thôn vẫn khó định cư ở đô thị và thường phải quay về nơi xuất cư. GCTL Thái Lan đã xuất hiện trong môi trường kinh tế xã hội như vậy, nơi mà có sự tập trung nhiều cơ hội (như có được học vấn/ giáo dục) cho sự di động đi lên /thăng tiến ở các thành phố, đặc biệt là ở thủ đô Bangkok. Họ thường có nguồn gốc từ các tầng lớp xã hội thấp ở đô thị. Đồng thời, mặc dù đã trải qua sự kết nối các nhóm có nguồn gốc xã hội khác nhau, GCTL Thái Lan về cơ bản vẫn còn khá đồng nhất theo nghĩa là tập hợp những người có học vấn (Funatsu và Kagoya, 2003).
Tại Philippines, quá trình hiện đại hóa đất nước lại diễn ra khá chậm chạp, bởi tỷ lệ tăng trưởng của khu vực kinh tế hiện đại không đủ mạnh để có thể tuyển chọn được nhiều lao động hơn. Điều này đã ảnh hưởng đến đặc điểm của GCTL Philippines và những vai trò chính trị của nó, với số lượng tương đối nhỏ cùng với mức độ cố kết xã hội còn thấp. Mặc dù họ đang ở một vị trí có thể thách thức nền chính trị truyền thống qua việc đưa ra những mô hình mới trong tham gia chính trị, song mức độ cố kết xã hội thấp đã khiến họ thường phải tham gia vào những trò chơi liên kết hay tổ chức lại, mà kết quả thường là sự thất bại và không gây dựng được cho mình những ảnh hưởng chính trị đủ mạnh (Kimura, 2003).
Nhìn chung, GCTL của châu Á ra đời trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa thông qua sự cơ động xã hội đi lên trong cơ cấu phân tầng xã hội và có nguồn gốc xã hội rất đa dạng. Những khác biệt giữa các nước về các tiền đề cho phát triển và các chính sách phát triển, về cơ cấu xã hội trước đó, đang có những ảnh hưởng sâu rộng đến đặc điểm của GCTL, thậm chí ảnh hưởng cả đến thái độ chính trị của họ. GCTL châu Á đang chiếm giữ những vai trò nhất định trong quan hệ với nhà nước, đặc biệt trong tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy dân chủ hóa xã hội, tham gia chính trị ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm phát triển của mỗi nước (Tamura, 2003).
3. Sự xuất hiện tầng lớp trung lưu ở Việt Nam
Trong ba thập niên Đổi mới vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế và xã hội. Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là những tác nhân quan trọng tạo ra những biến đổi trong cấu trúc xã hội, được thể hiện một cách điển hình trong hiện tượng phân tầng xã hội các nhóm dân cư.
Kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ và năng động của các loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh đã tạo ra nhiều cơ may, vận hội cho nhiều cá nhân, nhiều nhóm xã hội di động đi lên thành các nhóm giàu có, khá giả. Sự phát triển của họ có thể làm doãng rộng khoảng cách giàu nghèo, nhưng đồng thời cũng góp phần tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Cùng với thời gian, các nhóm xã hội mới này được khẳng định vị trí và vai trò trong cơ cấu kinh tế - xã hội. Có thể kể tên những tầng lớp mới như doanh nhân (đặc biệt là doanh nhân khu vực tư nhân), giới chuyên gia quản lý và khoa học kỹ thuật, những nhân viên có trình độ cao trong các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ hiện đại như viễn thông, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, ….
Tuy vậy, hầu hết các nghiên cứu còn chưa hướng vào “tầng lớp trung lưu” như là đối tượng nghiên cứu trực tiếp trong các phân tích và khảo sát của mình. Một vài công trình nếu có đề cập đến thì mới chỉ là những dự phóng (dự báo) về TLTL mà chưa thực sự nghiên cứu, kiểm định cụ thể từ thực tiễn. Giới khoa học xã hội cũng thường có dự cảm dường như xã hội Việt Nam qua Đổi mới đã hội đủ các điều kiện cho sự xuất hiện của một TLTL trên cơ sở các “nhóm xã hội vượt trội”, và vì thế đã có những khuyến cáo về sự cần thiết phải nghiên cứu hiện tượng này, nhóm xã hội này một cách căn bản.
Câu hỏi thường được đặt ra là: xã hội Việt Nam sau 30 năm Đổi mới, dưới tác động của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển sang kinh tế thị trường đã hội đủ những điều kiện để hình thành một tầng lớp trung lưu hay chưa? Và nếu có thì họ đã và đang hình thành từ những con đường nào, từ những nguồn gốc xã hội xuất thân nào (trước đó)? Và xa hơn, họ đang hoặc sẽ chiếm giữ những vai trò nào trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước? (Trịnh Duy Luân, 2006).
Đây quả thật là các câu hỏi phản ánh những đòi hỏi bức thiết về mặt lý luận và thực tiễn trong việc nghiên cứu và hoạch định các chính sách có liên quan đến sự phát triển của TLTL ở Việt Nam hiện nay. Và đây là chủ đề cần có nhiều nghiên cứu nghiêm túc, dài hơi mới có thể được làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn.
Tiếp theo sự xuất hiện và phát triển của tầng lớp doanh nhân, sự xuất hiện của TLTL là một bước phát triển mới của cấu trúc xã hội giai tầng ở nước ta trong thời kỳ Đổi mới. Có thể thấy rằng TLTL đang là lực lượng kinh tế - xã hội có khả năng to lớn đóng góp cho sự phát triển kinh tế, cả trong sản xuất và tiêu dùng, cả cung và cầu, trong mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, và đi đầu trong việc hình thành một lối sống mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa - hay nói gọn lại - một lối sống của xã hội phát triển theo hướng hiện đại hóa. Trên thực tế, nếu những biến đổi của cấu trúc xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam có dẫn đến những hệ quả tích cực nào đó, thì có lẽ trước hết phải kể đến sự xuất hiện của các yếu tố mới như tầng lớp doanh nhân, TLTL và vai trò của chúng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và phát triển xã hội trong hiện tại và tương lai. Vì thế, cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa, để chỉ ra được quy mô, những đặc điểm, vị thế và vai trò kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của TLTL Việt Nam, như nhiều nghiên cứu đã có về TLTL châu Á đã được phân tích ở trên. Tuy vậy, các nhà xã hội học mới chỉ bắt đầu đề cập đến sự hiện diện của TLTL mà chưa thực sự định hình được nó.
4. Một vài nghiên cứu gần đây về tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện nay
Từ phía các học giả nước ngoài, từ năm 2008, có thể nhắc đến tác giả Victor T. King (2008a). Công trình “The middle class in Southeast Asia: diversities, identities, comparisons and the Vietnamese case” (Tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á: sự đa dạng, bản sắc, so sánh và trường hợp Việt Nam) của ông đặt ra nhiều vấn đề về nội dung và phương pháp khi nghiên cứu về TLTL ở Đông Nam Á, trong đó có việc xác định TLTL dựa trên hai chỉ báo: học vấn và tiêu dùng, những khó khăn khi phải so sánh TLTL châu Á với TLTL ở phương Tây, việc phải sử dụng ở thể số nhiều (“các” TLTL) để phản ánh sự đa dạng trong bản sắc và vai trò của “các” TLTL ở các quốc gia châu Á…
TLTL Việt Nam được đề cập trong công trình này, và trong một bài viết biến thể khác với 2 đồng tác giả Việt Nam (King và cộng sự, 2008). "Professional middle class youth in post-reform Vietnam: identity, continuity and change" (Giới chuyên môn trẻ trong TLTL ở Việt Nam sau Đổi mới: bản sắc, sự liên tục và biến đổi), được phân tích trên một mẫu gồm 226 người (cả nam và nữ thuộc nhóm tuổi từ 19-25) tại 4 đô thị lớn của Việt Nam là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng. Mẫu này lại được lấy từ mẫu của cuộc Điều tra SAVY 1 (2003-2004 ) với 2 chỉ báo xác định TLTL là: học vấn và tiêu dùng. Vì vậy, thực chất bài viết chỉ đề cập đến một nhóm rất nhỏ của TLTL trẻ (thanh niên) đô thị Việt Nam. Một nhận định lý thú của nghiên cứu là: cho đến thời điểm điều tra (2004), có rất ít bằng chứng cho thấy nhóm TLTL trẻ này đang phát triển một bản sắc chính trị riêng của họ. Lý do có thể là do họ vẫn tiếp tục gắn bó với lĩnh vực việc làm và giáo dục thuộc khu vực nhà nước, cũng giống như thế hệ cha anh họ trước đây đã từng gắn bó.
Cuốn sách “The Reinvention of Distinction: Modernity and the Middle Class in Urban Vietnam” (Phát hiện lại nét độc đáo: Hiện đại và tầng lớp trung lưu ở các đô thị Việt Nam) là series các bài viết khá lý thú của nhóm học giả quốc tế (Nguyen-Marshall, Drummond, Bélanger, 2012) về tầng lớp trung lưu đô thị Việt Nam trong quá khứ thuộc địa (đầu thế kỷ 20), của những năm 1960 ở Sài Gòn, và ở thành phố Hà Nội thời kỳ Đổi mới và hội nhập hiện nay, từ cách tiếp cận liên ngành (sử học, văn học nghệ thuật, kinh tế, xã hội học, kiến trúc và quy hoạch đô thị). Về TLTL ở Hà Nội hiện nay, bài viết của Lisa Drummond: "Middle class Landscapes in a Transforming City: Hanoi in the 21st Century" trong cuốn sách là khá lý thú từ góc nhìn của quy hoạch và xã hội học đô thị. Tác giả sử dụng thuật ngữ “cảnh quan” của quy hoạch đô thị để miêu tả sự xuất hiện của TLTL ở Hà Nội qua các quan sát thường ngày: Đó là sự nở rộ các tòa nhà cao tầng với các căn hộ cao cấp, các “thành phố tư nhân khép kín” (gated community- như Khu Đô thị mới Ciputra), các siêu thị hay trung tâm mua sắm (shopping mall), sân golf và các tiện nghi giải trí, sự gia tăng ô tô cá nhân, phổ biến của điều hòa nhiệt độ, những kỳ nghỉ / du lịch, đặc biệt là các chuyến du lịch nước ngoài, các trào lưu “hàng hiệu” theo chuẩn khu vực và toàn cầu,… tất cả đều mang xu hướng lối sống của một TLTL đặc trưng. “Cảnh quan” này cho thấy “tính trung lưu” rõ nét của một bộ phận đáng kể dân cư thành phố, mà theo tác giả “đã bị các nhà quản lý và hoạch định chính sách “bỏ qua một cách thành công”, và vì vậy, cũng còn ít được giới nghiên cứu trong và ngoài nước chú ý.
Năm 2014, Viện Nghiên cứu Châu Á của Bắc Âu (Nordic Institute of Asian Studies - NIAS) ở Copenhagen, Đan Mạch đã xuất bản cuốn sách của tác giả Catherine Earl (2014) dưới tiêu đề “Vietnam’s New Middle Classes: Gender, Career, City” (Tầng lớp trung lưu mới ở Việt Nam: Giới, Công việc, Thành phố). Công trình chủ yếu dựa trên cách tiếp cận nhân học, với các tư liệu lịch sử - đất nước học và “câu chuyên đường đời” (life history) để phác họa hình ảnh một số nhân vật đại diện cho cái gọi là “tầng lớp trung lưu mới” ở thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ “sau Đổi mới”. Hơn nữa, tiêu điểm của cuốn sách là ở những chiều cạnh “giới, công việc và thành phố” như tiêu đề của cuốn sách. Tuy nhiên, nó cũng cung cấp cho độc giả Việt Nam một hình dung về những nhân vật thuộc cái gọi là “tầng lớp trung lưu mới” ở đô thị Việt Nam dưới góc nhìn của một học giả nước ngoài.
Định nghĩa và xác định vai trò của TLTL qua chỉ báo tiêu dùng, Nguyen Van Thinh và cộng sự (2010) trong bài viết “The emerging middle class in Vietnam transitional economy: identification, measurement and consumption behavior respect to economic growth” (Tầng lớp trung lưu đang xuất hiện trong nền kinh tế chuyển đổi ở Việt Nam: nhận dạng, đo lường và hành vi tiêu dùng đối với tăng trưởng kinh tế) đã tiến hành ước lượng quy mô TTTL Việt Nam theo mức tiêu dùng và cấu trúc tiêu dùng của cá nhân. Các tác giả đã sử dụng các lý thuyết và mô hình kinh tế lượng để dự báo. Lý thú là họ sử dụng cận dưới mức chi tiêu dùng theo chỉ báo tuyệt đối của World Bank (từ 3-10$ PPP/ngày/ người), từ đây ước lượng được tỷ lệ TLTL ở Việt Nam năm 2010 là 40%, dự báo 2015 là 60% (so vói 5% năm 1992). Các tác giả nghiên cứu cũng thừa nhận là họ mới chỉ đề cập tới hành vi tiêu dùng của TLTL mà chưa thể tính đến vai trò của hành vi tiết kiệm và đầu tư, và càng chưa thể tính đến các vai trò chính trị, xã hội và văn hóa của TLTL Việt Nam trong 30 năm qua.
Liên quan đến chỉ báo tiêu dùng, trên các phương tiện truyền thông gần đây, các Tập đoàn Maketing quốc tế đã đưa ra những dự báo về quy mô TLTL mới ở đô thị Việt Nam (theo những tiêu chí xác định riêng của họ). Đó là những con số đầy lạc quan, dựa trên mức tiêu dùng và để dự báo nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm thương hiệu nước ngoài, như hai đoạn trích dưới đây:
Theo khảo sát mới nhất của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu và giàu có mạnh nhất Đông Nam Á, dự kiến lên 33 triệu người vào năm 2020.
(Vnexpress, ngày 20/1/2014)
Ngân hàng ANZ phối hợp với Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Roy Morgan ước tính mỗi năm, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 2 triệu người tiêu dùng gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Đây chính là động lực nội địa quan trọng thúc đầy tăng trưởng kinh tế.
(Vnexpress, ngày 13/7/2014)
Ở trong nước, những năm gần đây, đã có một số công trình nghiên cứu trực tiếp về TLTL Việt Nam.
Đề tài NCKH cấp nhà nước “Tầng lớp trung lưu trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam” (Mã số KX.02.16/11-15) do Đoàn Minh Huấn và Trần Thị Minh Ngọc (2015) làm chủ nhiệm là một nghiên cứu có tiêu đề và nội dung rất hấp dẫn giới nghiên cứu có quan tâm. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ trọng tâm là chỉ ra vai trò của TLTL nói chung trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, đề tài đã chưa xử lý những cơ sở phương pháp luận và phương pháp hệ trong việc xác định và đo lường TLTL ở Việt Nam, trong khi đây là một yêu cầu then chốt để từ đó có thể “định hình” quy mô, cấu trúc của TLTLvà đo lường vai trò của nó trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa… ở Việt Nam, cùng các yếu tố tác động phức tạp, đa chiều tới những vai trò này.
Bùi Đại Dũng (2014) trong bài viết "Quy mô tầng lớp trung lưu tại Việt Nam theo tiêu chí thu nhập" đề cập đến phương pháp xác định quy mô TLTL theo tiêu chí thu nhập, giới thiệu cách tiếp cận xác định quy mô TLTL ở Mỹ (theo chỉ số tương đối: từ 60% đến 200% trung vị thu nhập theo đầu người) và thí điểm áp dụng tính toán trên nền số liệu Điều tra mức sống dân cư 2010 để xác định quy mô TLTL tại 60 tỉnh thành của Việt Nam.
Gần đây, Bùi Thế Cường, Phạm Thị Dung và Tô Đức Tú (2015) với bài viết “Tầng lớp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh: Cơ cấu và đặc điểm nhân khẩu” đã trình bày một nghiên cứu đáng chú ý cả về nội dung và phương pháp. Dựa trên mẫu gồm 383 người được trích xuất từ một mẫu lớn hơn (661 người đang làm việc trong 1.080 hộ được khảo sát) các tác giả đã tính ra quy mô TLTL của thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm khảo sát (năm 2010) là 57,9%. Về phương pháp, đáng chú ý là các tác giả không sử dụng tiêu chí thu nhập hay chi tiêu mà sử dụng khung phân nhóm nghề nghiệp của Tổng cục Tống kê, có điều chỉnh và bổ sung, để phân loại và khẳng định 5 nhóm nghề nghiệp được xếp vào TLTL của thành phố. Đó là các nhóm: (1) Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội, cơ quan hành chính sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể; (2) Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư nhân; (3) Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp; (4) Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại; (5) Nông dân lớp trên. Phương pháp này đã tránh được việc xác định các chỉ báo thu nhập và chi tiêu - vốn rất khó thu thập đầy đủ và chính xác trên thực địa. Tuy nhiên, trên thực tế thì các thành viên của mỗi nhóm (đặc biệt là các thành viên của nhóm 4) thường bị phân tầng trong nội bộ theo các đặc điểm cá nhân và gia đình, nên không phải tất cả các thành viên của nhóm đều có đủ điều kiện (chẳng hạn về thu nhập) để được xếp vào TLTL.
Lê Kim Sa (2015) có nghiên cứu “Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam: quan điểm tiếp cận, thực tiễn phát triển và các kiến nghị chính sách”. Có lẽ đây là nghiên cứu định lượng đầu tiên về TLTL ở Việt Nam dựa trên bộ số liệu của 5 cuộc Điều tra Mức sống Dân cư Việt Nam (VLSS) trong các năm 2004, 2006, 2008, 2010 và 2012. Nghiên cứu đã xác định quy mô của TLTL Việt Nam theo tiếp cận đa chiều, với 3 chỉ báo cơ bản. Đó là chỉ báo thu nhập (được xác định ở mức trên 2 lần ngưỡng nghèo); chỉ báo giáo dục (được xác định bởi học vấn của của ít nhất 1 thành viên hộ gia đình phải từ Trung học phổ thông trở lên); và chỉ báo nghề nghiệp (được xác định bởi ít nhất có 1 thành viên hộ gia đình làm nghề phi giản đơn). Từ đó, nghiên cứu đã ước lượng quy mô TLTL Việt Nam (theo tiếp cận đa chiều), hiện chiếm khoảng 31,5% dân số đất nước (Lê Kim Sa, 2015). Đây có lẽ là những con số đầu tiên về quy mô của TLTL ở Việt Nam theo tiếp cận đa chiều. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nghiên cứu này đã thử nghiệm và gợi ra nhiều vấn đề về phương pháp nghiên cứu và phương pháp đo lường đa chiều đối với TLTL ở Việt Nam. Phương pháp này mang tính “co dãn” nhiều “nghiệm số” về quy mô TLTL thông qua các “bộ lọc”, trong bối cảnh nhiều nghiên cứu đã đưa ra những con số rất khác nhau về quy mô TLTL dựa trên tiếp cận đơn chiều (thu nhập, chi tiêu hay nhóm nghề nghiệp).
Một tổng quan sơ bộ trên đây cho thấy hình ảnh của TLTL đang xuất hiện ở Việt Nam và nhu cầu nghiên cứu về tầng lớp này đang khá sôi nổi, với những yêu cầu khắt khe về cơ sở lý luận, phương pháp luận và phương pháp hệ một cách chặt chẽ. Bên cạnh khái niệm TLTL bao gồm các cá nhân cấu thành TLTL, còn có một chủ đề khác rất đnags chú ý. Đó là khái niệm “gia đình trung lưu” - nơi lưu giữ các khuôn mẫu lối sống của những đơn vị xã hội quan trọng của TLTL, và vai trò của chúng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước hiện nay và trong những thập niên tới. Những vấn đề phương pháp xác định và đo lường quy mô, cấu trúc, vai trò của các gia đình trung lưu Việt Nam hiện nay cũng là những vấn đề đòi hỏi nhiều tìm tòi, phát hiện và vận dụng trong nghiên cứu. Chúng tôi sẽ có dịp đề cập đến những vấn đề cụ thể hơn những vấn đềcủa TLTL và Gia đình trung lưu Việt Nam trong những nghiên cứu mới sắp tới.
Tài liệu tham khảo
Arita, Shin. 2003. The growth of Korean middle class and its social consciousness. The Developing Economies, XLI-2 (June 2003):201-220.
Bùi Đại Dũng. 2014. Quy mô tầng lớp trung lưu tại Việt Nam theo tiêu chí thu nhập. Tạp chí Kinh tế và Chính trị Thế giới, Số 6 (218).
Bùi Thế Cường, Phạm Thị Dung và Tô Đức Tú. 2015. Tầng lớp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh: Cơ cấu và đặc điểm nhân khẩu. Tạp chí Nghiên cứu phát triển, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Số 12(2): 73-79.
Đoàn Minh Huấn và Trần Thị Minh Ngọc. 2015. Báo cáo Tổng kết Đề tài NCKH cấp nhà nước KX.02.16/11-15: Tầng lớp trung lưu trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam.
Earl, Catherine. 2014. Vietnam’s New Misdle Classes. Gender, Career, City. NIAS, Copenhagen.
Funatsu, Tsuruyo and Kazuhiro Kagoya. 2003. The middle class in Thailand: the rise of the urban intellectual elite and their social consciousness. The Developing Economies, Vol 41(2): 243-263.
Giddens, Anthony. 1973. The Class Structure of the Advanced Societies. London: Hutchinson.
Hattori, Tamio, Tsuruyo Fonatsu. 2003. The emergence of the asian middle classes and their characteristics. The Developing Economies, XLI-2 (June 2003): 140-160.
Kimura, Masataka. 2003. The emergence of the middle classes and political change in the Philippines. The Developing Economies, XLI-2 (June 2003): 164- 284.
King, T, Victor. 2008a. The middle class in Southeast Asia: diversities, identities, comparisons and the Vietnamese case. International Journal of Asia-Pacific Studies, Vol. 4, pp. 73-109.
King, T. Victor, Phuong An Nguyen and Nguyen Huu Minh. 2008b. Professional middle class youth in post-reform Vietnam: identity, continuity and change. Modern Asian Studies, Vol. 42(4):783-813, Cambridge University Press.
Lê Kim Sa. 2015. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam: Quan điểm tiếp cận, thực tiễn phát triển và các kiến nghị chính sách. Báo cáo tổng kết Đề tài cấp Bộ. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Lui, Tai-Lok. 2003. Rearguard politics: Hong Kong’s middle class. The Developing Economies, XLI-2 (June 2003): 161183.
Marshall, Gordon. 1998. Oxford Dictionary of Sociology. Second Edition. Oxford University Press.
Nguyen Van Thinh, Tran Thuy Duong et al. 2010. The emerging middle class in Vietnam transitional economy: identification, measurement and consumption behavior respect to economic growth. (http://ueb.vnu.edu.vn/Uploads/file/lethuydzung@gmail.com/2010/09/10/UEB%20-%20middle%20class_gpac2010.pdf)
Nguyen-Marshall, Van, Lisa B. Welch Drummond, Daniéle Bélanger (eds.). 2012. The Reinvention of Distinction: Modernity and the Middle Class in Urban Vietnam. Springer. (http://www.springer.com/gp/book/9789400723054).
Torii, Takashi. 2003. The mechanism for state-led creation of Malaysia’s middle classes. The Developing Economies, XLI-2 (June): 221-242.
Tamura, T. Keiko. 2003. The Emergence and Political Consciousness of the middle Class in Singapore. The Developing Economies, XLI-2 (June 2003): 161- 284.
Trịnh Duy Luân. 2006. Biến đổi xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa (qua nghiên cứu Nhóm Doanh nhân). Báo cáo Nhiệm vụ cấp Bộ, Viện Xã hội học, Hà Nội.
1 Bài viết trong khuôn khổ đề tài: Gia đình trung lưu ở Việt Nam với các quá trình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, Mã số: KHXH-GĐ/16-19/12 thuộc Chương trình NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế”. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
2 Vì thế, từ đây về sau, cụm từ “giai cấp trung lưu” (GCTL) sẽ được chúng tôi sử dụng khi nói về nghiên cứu của các tác giả nước ngoài, còn cụm từ TLTL sẽ được sử dụng khi nói về các nghiên cứu ở Việt Nam.
3 Cụm từ GCTL và các GCTL có nghĩa khác nhau. Khi sử dụng nó ở số ít, là để nhắc đến GCTL trong xã hội phương Tây, còn ở thể số nhiều (các GCTL) là để chỉ phức hợp các giai cấp xã hội khác nhau, đang xuất hiện ở các quốc gia châu Á hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Xã hội học, số 8, năm 2017