Nguy cơ “biến mất” của Nhật Bản sau khi trở thành nước có thu nhập rất cao: Nguyên nhân và hậu quả kinh tế, văn hóa, xã hội

Nguy cơ “biến mất” của Nhật Bản sau khi trở thành nước có thu nhập rất cao: Nguyên nhân và hậu quả kinh tế, văn hóa, xã hội

22/12/2023

Nguyễn Thiện Nhân*

Tóm tắt: Chỉ trong vòng 35 năm, 1960-1995, Nhật Bản từ một nước thu nhập trung bình đã trở thành một nước thu nhập rất cao. GDP/người của Nhật Bản năm 1995 là 44.200 USD, gấp 1,5 của Mỹ (28.700 USD). Tuy nhiên chính các nhà khoa học Nhật Bản và quốc tế từ khoảng 20 năm nay đã đề cập đến nguy cơ tự tiêu vong của Nhật Bản (dân số suy giảm từ hơn 120 triệu người còn 10 triệu người sau 200 năm và còn 1 triệu người sau 300 năm) do tổng tỉ suất sinh của Nhật Bản thấp dưới mức tỉ suất sinh thay thế đã hơn 50 năm và dự báo sẽ thấp trong 100 năm (1974-2070). Mặc dù liên tục từ 1990 đến nay chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích lập gia đình và sinh con, để nâng tổng tỉ suất sinh về mức tỉ suất sinh thay thế, song không có kết quả. Nghiên cứu sau đây sử dụng một phương pháp tiếp cận, phương pháp phân tích mới, chưa từng được áp dụng trong các nghiên cứu đã công bố, để góp phần lý giải hiện tượng Nhật Bản: sau khi trở thành nước thu nhập rất cao lại đối diện với nguy cơ tự tiêu vong. Cốt lõi của phương pháp tiếp cận mới là làm rõ triệt để các nguyên nhân và hậu quả của việc tổng tỉ suất sinh thấp dưới tỉ suất sinh thay thế và phân tích đồng thời các quá trình xã hội và quá trình kinh tế liên quan. Kết quả mới này là cơ sở cho thiết kế hệ thống 8 nhóm giải pháp đồng bộ, khả thi để ngăn chặn nguy cơ tự tiêu vong.

Từ khóa: Tổng tỉ suất sinh thấp; Mô hình quan hệ nhân quả; Nguyên nhân xã hội, Nguyên nhân kinh tế, Nguyên nhân chính sách; Hậu quả xã hội, Hậu quả kinh tế, Hậu quả chính sách; Phao Tổng tỉ suất sinh; Ngăn chặn nguy cơ tự tiêu vong.

Phân loại ngành: Kinh tế học, Dân số học/Dân số và phát triển; Gia đình; Giới.

Ngày nhận bài: 05/10/2023; ngày chỉnh sửa: 14/11/2023; ngày duyệt đăng: 04/12/2023.

 

1. Sự tích thần kỳ kinh tế Nhật Bản 35 năm

Trước chiến tranh Thế giới thứ 2, Nhật Bản đã là một nước công nghiệp phát triển. Do hậu quả chiến tranh nặng nề, sau 15 năm khôi phục kinh tế, GDP/người của Nhật Bản năm 1960 là 480 USD, thuộc nước thu nhập trung bình (Hình 1). Tuy nhiên đến 1977, GDP/người của Nhật Bản đã đạt 6.340 USD, trở thành nước thu nhập cao (theo phân loại của Ngân hàng Thế giới năm 1987 là 6.000 USD/người). Và chỉ 18 năm sau, 1995, GDP/người đã đạt 44.200 USD, gấp 4,7 lần ngưỡng nước thu nhập cao năm 1995 (9.385 USD) gấp hơn 92 lần 35 năm trước đó (480 USD năm 1960). Từ năm 1995 Nhật Bản đã là nước thu nhập rất cao. Năm 1960, GDP/người của Mỹ là 3.000 USD, gấp 6,4 lần của Nhật Bản (470 USD). Năm 1985, GDP/người của Mỹ là 18.200 USD, gấp 1,5 lần GDP/người của Nhật Bản (11.600 USD, Hình 1).

Hình 1. Tổng tỉ suất sinh và GDP/người của Nhật Bản (1950-2022)

Nguồn: World Bank.

Nhưng chỉ 10 năm sau, năm 1995 GDP/người của Nhật Bản là 44.200 USD, gấp 1,5 lần của Mỹ (28.700 USD). Có thể thấy trong 35 năm, 1960-1995, tăng trưởng kinh tế của Nhật đã qua 3 giai đoạn (Hình 1) như sau:

  • 1960-1970: Tăng trưởng kinh tế tương đối chậm, GDP/người tăng bình quân 1 năm là 158 USD.
  • 1970-1985: Tăng trưởng kinh tế nhanh, GDP/người tăng bình quân một năm là 636 USD, gấp hơn 4 lần mức tăng giai đoạn 1960-1970.
  • 1985-1995: Tăng trưởng kinh tế rất nhanh, GDP/người tăng bình quân một năm là 3.260 USD, gấp hơn 5 lần mức tăng giai đoạn 1970-1995 và gấp hơn 20 lần mức tăng giai đoạn 1960-1970.

Sau 10 năm, 2005, GDP/người của Mỹ (44.100 USD) mới bằng Nhật Bản năm 1995 (44.200 USD). Đây chính là kỳ tích kinh tế của Nhật Bản mà không nước nào khác đạt được sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

2. Trì trệ kinh tế xuất hiện ngay sau khi đạt đỉnh cao tăng trưởng kinh tế và kéo dài gần 30 năm (1996-2023)

Tuy nhiên thần kỳ kinh tế (1960-1995) đã ngay lập tức chấm dứt ở đỉnh cao 1995 (Hình 1). Số liệu ở Hình 1 cho thấy vào năm 1996, GDP/người đã giảm từ 44.200 USD năm 1995 xuống còn 39.150 USD tức giảm 11,4%. Trong 10 năm, 1996-2005, GDP/người bình quân chỉ là 36.160 USD, bằng 82% mức năm 1995. Lúc đó giới học giả gọi là thập niên mất mát (lost decade). Trong suốt gần 30 năm sau 1995, 1996-2022, GDP/người của Nhật Bản trì trệ, nằm trong khoảng 32.400 USD và 49.150 USD, bình quân 1996-2022 là 37.200 USD, bằng 84% năm 1995. GDP/người năm 2022 là 32.800 USD chỉ bằng 74,2% năm 1995. Năm 2022, GDP/người của Mỹ là 63.500 USD, gấp hơn 1,9 lần của Nhật Bản (32.800 USD). GDP/người năm 2023 ước là 35.400 USD, bằng 80% năm 1995. GDP của Nhật Bản năm 1995 là 5.546 tỉ USD, song năm 1998 là 4.100 tỉ USD, bình quân giai đoạn 1996-2022 là 4.920 tỉ USD, bằng 89% năm 1995 (Hình 3). Tức là thực tế không chỉ diễn ra một thập niên mất mát sau 1995 mà đến nay đã là gần 3 thập niên mất mát (28 năm).

Hai câu hỏi đặt ra là:

  1. Vì sao Nhật Bản năm 1995 là một trong các nước giàu nhất trên thế giới, GDP/ người gấp hơn 1,5 lần Mỹ, có khoa học và công nghệ tiên tiến, song 30 năm sau đó lại phát triển trì trệ, GDP/người năm 2022 là 32.800 USD, chỉ bằng 74% mức GDP/người năm 1995 (44.200 USD) và bằng 52% của Mỹ.
  2. Bao giờ thì sự trì trệ kinh tế này sẽ chấm dứt, các thập niên mất mát sẽ kết thúc và Nhật Bản sẽ bước vào một thời kỳ tăng trưởng mới?

Cho đến nay chúng tôi chưa thấy các nhà khoa học và chính phủ Nhật Bản nêu ý kiến về hai câu hỏi này. Sau đây chúng ta sẽ: (1) Hệ thống hóa các kết quả nghiên cứu chủ yếu đã công bố về hiện tượng tổng tỉ suất sinh thấp dưới tỉ suất sinh thay thế đã kéo dài 50 năm, dân số giảm, xuất hiện nguy cơ tự tiêu vong sau 300 năm; (2) Thử lý giải nguyên nhân của tình hình trên và việc kinh tế Nhật Bản trì trệ gần 30 năm (1996-2023); và (3) Chỉ ra 8 nhóm giải pháp để khắc phục tình hình này.

3. Tổng tỉ suất sinh thấp dưới tỉ suất sinh thay thế đã 50 năm, lao động giảm, dân số giảm, nguy cơ tự tiêu vong xuất hiện

Từ hơn 20 năm nay giới khoa học Nhật Bản và quốc tế đã thể hiện sự lo lắng về hậu quả của tổng tỉ suất sinh rất thấp, kéo dài của Nhật Bản. Bình quân từ 1995 đến 2022 chỉ là 1,366 và năm 2022 đã xuống mức thấp nhất lịch sử là 1,26 (Hình 1).

Năm 1999, Bộ Sức khỏe và An sinh Nhật Bản đã dự báo: Nếu tổng tỉ suất sinh và chính sách nhập cư tiếp tục như hiện nay thì đến năm 3000 (sau 1000 năm) dân số Nhật Bản chỉ còn 500 người (Anthony Browne, Richard Reeves, 1999). Năm 2012, Viện Quốc gia về Dân số và Nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản đã đưa ra dự báo: Dân số năm 2100 là 50 triệu, năm 2200 là 10 triệu, năm 2350 là 1 triệu và năm 3000 là 62 người (Thor Svanholm, 2023).

Với các thống kê về dân số Nhật Bản trước năm 1900 và các dự báo trên, chúng tôi xây dựng Tháp dân số Nhật Bản 2000 năm, Hình 2. Nhật Bản cần 1010 năm, từ năm 1000 đến 2010, dân số tăng từ 4,5 triệu người lên 128 triệu người. Song chỉ cần khoảng 250 năm (2010-2260) dân số giảm rất mạnh chỉ còn 4,5 triệu người. Sự sụp đổ Tháp dân số Nhật Bản, (Hình 2), là cảnh báo mà các nhà nghiên cứu Nhật Bản và nước ngoài đều thống nhất, cho dù con số cụ thể dự báo dân số vào các mốc thời gian cụ thể có thể khác nhau chút ít.

Hình 2. Tháp dân số Nhật Bản 2000 năm (năm 1000 đến năm 3000)

Nguồn: Số liệu từ Demographic history of Japan[1]. Resonate, 2016.

Lịch sử tổng tỉ suất sinh (TTSS) ở Nhật Bản giảm dưới tổng tỉ suất sinh thay thế (2,1) đã qua 50 năm (1974-2023) (Hình 1). Từ 1974 (TTSS = 2,06), TTSS đã liên tục giảm 32 năm, năm 2005 TTSS = 1,26 là mức thấp nhất. 10 năm sau, 2006-2015, TTSS có tăng nhẹ, có lẽ là do các chính sách khuyến khích sinh con của chính phủ, lên đỉnh TTSS = 1,45 năm 2015. Sau đó TTSS lại tiếp tục giảm và đạt đáy mới TTSS = 1,26 năm 2022. Bình quân TTSS 28 năm, 1995-2022, là 1,366 (Hình 1).

Việc tổng tỉ suất sinh giảm từ 1975 tất yếu dẫn đến hậu quả là lao động giảm sau khoảng 15-20 năm (trẻ sinh ra đến tuổi lao động). Thực tế là từ 1995 đến nay, dân số tuổi lao động của Nhật Bản giảm liên tục (Hình 3).

Hình 3. Dân số tuổi lao động và GDP của Nhật Bản 52 năm (1970-2022)

Nguồn: FRED, Economic Data (10.8.2023): Working Age Population, for Japan World Bank.

Khi lao động giảm liên tục, từ 86,89 triệu người trong tuổi lao động năm 1995 xuống 73,98 triệu năm 2022, tức giảm 15%, trong bối cảnh năng suất lao động của Nhật Bản sau giai đoạn tăng mạnh từ 1970-1995 thì lại trì trệ từ 1996 và xu hướng 1996-2022 là giảm nhẹ (Hình 6) và do Nhật Bản không có chính sách nhập cư để bù đắp thiếu hụt lao động thì GDP của Nhật Bản trì trệ gần 30 năm là hậu quả tất yếu. GDP năm 1995 là 5.546 tỉ USD, năm 2022 là 4.231 tỉ USD, chỉ bằng 76,3% năm 1995, bình quân 1996-2022 là 4.920 tỉ USD bằng 88,7% năm 1995 (Hình 3). GDP năm 2023 ước là 4.400 tỉ USD bằng 79,3% năm 1995. Điều này lại dẫn đến hậu quả là thu ngân sách của Nhật Bản trì trệ: 31 năm liên tục, từ 1991-2021, thu ngân sách hàng năm thấp hơn thu ngân sách 1990, (Hình 4), trong khi chi ngân sách không ngừng tăng lên.

Từ năm 1990, sau khi TTSS giảm tới mức 1,57 vào 1989, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các sáng kiến và chương trình hỗ trợ gia đình để khắc phục sự suy giảm TTSS, gồm 3 lĩnh vực (Noriko O. Tsuya, 2017).

  • Trợ cấp tiền cho nuôi trẻ từ lúc sinh đến học hết trung học cơ sở (100 USD/tháng đến 150 USD/tháng).
  • Nghỉ để nuôi con và được trả 50% mức lương trước khi nghỉ.
  • Xây dựng thêm các nhà trẻ và khuyến khích các doanh nghiệp có môi trường làm việc thân thiện với gia đình.

Hình 4. Thu, chi ngân sách và nợ công của Nhật Bản (1980-2021)

Nguồn: Ministry of Finance Japan (2022).

Sau 2015 chính phủ Nhật Bản tiếp tục thực hiện các biện pháp khuyến khích kết hôn và sinh con, song diễn biến TTSS 16 năm, 2006-2022 cho thấy, các chính sách này không thay đổi được thực chất tình hình: Mất 10 năm, 2005-2015, TTSS tăng từ 1,26 lên 1,45, song chỉ cần 7 năm tiếp theo, TTSS đã giảm xuống còn 1,26, bằng mức thấp nhất 1,26 của 2005 (Hình 1).

Theo đánh giá của Giáo sư Nhật Bản Noriko O.Tsuya năm 2017 (Noriko O. Tsuya, 2017), “Mặc dù có các chương trình của chính phủ, chính sách gia đình của Nhật Bản đã thể hiện về tổng thể là không hiệu quả”. Một lý do quan trọng của tình trạng này là chính phủ thiếu nguồn lực tài chính do kinh tế tăng trưởng trì trệ. GDP/người năm 2022 (32.800 USD) chỉ bằng 74% GDP/người năm 1995 (44.200 USD). Thu ngân sách hàng năm 31 năm liên tục, 1991-2021 thấp hơn năm 1990 (Hình 4). Một nghiên cứu của The Economist Intelligence Unit năm 2018 đánh giá: “Sự hỗ trợ về tài chính để mở rộng chăm sóc trẻ nhỏ là nửa vời” (The Economist Intelligence Unit, 2018). Mức hỗ trợ 100-150 USD/tháng cho một trẻ em, tức 3,3-5 USD/ngày rõ ràng không giúp các gia đình Nhật Bản giảm gánh nặng chi tiêu để nuôi con, cho con đi học, khám chữa bệnh là bao nhiêu. Chi phí của chính phủ Nhật Bản cho tất cả các chính sách hỗ trợ gia đình, nuôi dạy con để tăng TTSS chiếm 1,49% GDP, trong khi chi phí này các nước OECD bình quân là 2,43% GDP và ở Pháp là 3,65% (gấp hơn 2,4 lần của Nhật Bản). Viện Quốc gia về Dân số và Nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản năm 2017 đã dự báo TTSS năm 2065 là 1,44, nhưng sau 5 năm, năm 2023 đã điều chỉnh dự báo TTSS năm 2070 là 1,36. Năm 2000 TTSS là 1,36 (Hình 1), bình quân 1995-2022 là 1,366 và dự báo 2070 là 1,36.

Tức là sau 30 năm (1970-2000), TTSS giảm từ 2,1 xuống 1,36, Hình 1, thì mặc dù đã có nhiều chương trình khuyến khích tăng TTSS của chính phủ, TTSS 70 năm sau, 2000-2070, vẫn thấp bền vững, bình quân chỉ nằm trong khoảng 1,37-1,36. Theo một điều tra xã hội do Hãng truyền thông Reuters News thực hiện, 90% các doanh nghiệp Nhật Bản cảm nhận có khủng hoảng về giảm tỉ suất sinh (DW, 2023).

Tháng 6.2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida công bố sẽ triển khai một gói giải pháp trị giá 25 tỉ USD mỗi năm, để đảo ngược xu thế tỉ suất sinh thấp bền vững nói trên mà không đòi hỏi người dân phải chịu thêm gánh nặng (tài chính) nào. Tuy nhiên chính phủ đã vấp phải sự phê phán là không chỉ ra được nguồn tài chính nào, ở đâu để thực hiện gói giải pháp này mà lại không phải cắt giảm các khoản chi đang có cho người dân (DW, 2023).

Năm 2021, GDP của Nhật giảm 100 tỉ USD so với 2020. GDP năm 2022 giảm 700 tỉ USD so với 2021. Trong bối cảnh này, chi thêm 25 tỉ USD từ ngân sách mà không cắt giảm các khoản chi khác là không khả thi. Theo dự báo của Viện Quốc gia về Dân số và Nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản năm 2023, thì tới 2070, nước Nhật đã trải qua 100 năm TTSS dưới TTSS thay thế (1974-2070), trong đó 70 năm (2000-2070) chỉ ở mức bình quân 1,36. Khi đó lớp thanh niên bước vào tuổi lao động thời kỳ 2070-2100 sẽ có quan niệm về gia đình và sinh con rất khác với các thế hệ ông bà cách đó hơn 100 năm (1960-1970).

Một nghiên cứu của Bảo hiểm nhân thọ Meiji Yasuda năm 2016 cho thấy: ở nhóm tuổi 20-29 năm 2013 có 33% đàn ông độc thân không có ý định lấy vợ, song đến năm 2016 tỉ lệ này tăng đến 61%. Còn ở phụ nữ độc thân cùng nhóm tuổi, tỉ lệ này tăng từ 18% lên 41%. Điều tra của Viện Quốc gia về Dân số và Nghiên cứu an ninh xã hội năm 2021 cho thấy: năm 1982 có 2,3% đàn ông độc thân trong nhóm tuổi 18 đến 34 không có ý định lấy vợ, thì năm 2021 đã tăng lên là 17,3%, tức là gấp 7,5 lần. Còn ở phụ nữ độc thân cùng nhóm tuổi tỉ lệ này đã tăng từ 4,1% lên 14,6% (gấp 3,5 lần). Năm 2022, từ kết quả điều tra xã hội học, chính phủ Nhật Bản đã có một báo cáo cho biết: trong số đàn ông tuổi 20 đến 29 có 19% không có ý định lấy vợ, còn trong số đàn ông tuổi 30 đến 39 có đến 26,8% như vậy. Còn trong số phụ nữ tuổi 20 đến 29 có 14% không có ý định lấy chồng, nhưng ở tuổi 30 đến 39 có đến 25,4% không có ý định lấy chồng (Julian Ryall, 2022).

Lý do những phụ nữ này nêu ra cho quyết định của họ là: Họ có được sự tự do, có con đường phát triển nghề nghiệp, không muốn mang gánh nặng của người vợ truyền thống (việc nhà, nuôi dạy con, chăm sóc cha mẹ lớn tuổi). Còn lý do những người đàn ông không muốn lấy vợ là: Họ có được tự do cá nhân, lo lắng về việc làm không ổn định, không có khả năng kiếm đủ tiền để duy trì một gia đình.

Báo cáo của Chính phủ kết luận: “Suy nghĩ về gia đình của người Nhật đã thay đổi và lập gia đình không còn được coi là một lưới an toàn đảm bảo một cuộc sống ổn định” (Julian Ryall, 2022). Đây chính là một nguyên nhân sâu xa, cơ bản nhất của tình hình TTSS ở Nhật Bản giảm dưới TTSS thay thế sẽ tiếp tục ở giai đoạn 2023-2070, sau khi đã sụt giảm dưới TTSS thay thế 50 năm (1974-2022). Khi có gia đình, có con không được coi là cần thiết, là hạnh phúc cho chính mình, mà trở thành sự cản trở tự do cá nhân, sự phiền toái trong cuộc sống (nhất là với phụ nữ vì gánh nặng làm vợ, làm mẹ, làm con dâu), là gánh nặng tài chính (nhất là đối với người chồng) đã trở thành quan điểm, triết lý sống của một bộ phận ngày càng lớn hơn trong xã hội thì số người độc thân sẽ ngày một tăng, số gia đình không con và chỉ có 1 con sẽ ngày một tăng, số trẻ sinh ra sẽ ngày một giảm. Lúc đó sự sụp đổ của tháp dân số Nhật Bản, Hình 2, sẽ khó tránh khỏi.

Sau 35 năm tạo nên kỳ tích kinh tế Nhật Bản (1960-1995), đến nay gần 30 năm tiếp theo (1996-2023) là trì trệ kinh tế (GDP và GDP/người không tăng mà xu hướng là giảm, thu ngân sách giảm), tổng tỉ suất sinh 50 năm dưới TTSS thay thế, bình quân 1995-2022 TTSS là 1,366. Chính phủ Nhật Bản chưa tìm ra và thực thi được hệ thống các giải pháp để tăng được cơ bản TTSS, Nhật Bản dự báo TTSS 2070 là 1,36. Tức là xã hội Nhật Bản sẽ trải qua 100 năm TTSS dưới TTSS thay thế, trong đó 70 năm cuối ở mức bình quân 1,36. Giáo sư Noriko O. Tsuya, Đại học Keio, Tokyo, chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về tỉ suất sinh, dân số và gia đình, năm 2017 đã nhận định: Tỉ suất sinh thấp ở Nhật Bản không thấy khả năng kết thúc (Noriko O. Tsuya, 2017). Nhật Bản đang đối diện nguy cơ tự tiêu vong sau 300 năm sau khi đạt dân số cao nhất 128 triệu người năm 2010. Dự báo của Nhật Bản: dân số năm 2350 là 1 triệu người (giảm 99,2% so với 2010) và năm 3000 là 62 người, Hình 2 (Thor Svanholm, 2023).

4. Thử tìm nguyên nhân tổng tỉ suất sinh dưới tỉ suất sinh thay thế 50 năm (1974-2023), trì trệ kinh tế gần 30 năm (1996-2023) và nguy cơ tự tiêu vong sau 300 năm

Làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của nguyên nhân tình trạng nói trên chỉ có các nhà khoa học Nhật Bản là phù hợp nhất. Tuy nhiên, đến nay mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu ở Nhật Bản và nước ngoài về nguyên nhân của việc tổng tỉ suất sinh thấp dưới TTSS thay thế nhiều năm và mặc dù chính phủ Nhật Bản hơn 30 năm qua đã triển khai các chương trình khuyến khích sinh để tăng mạnh TTSS, song kết quả thực tế không đáng kể, hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu. Nguyên Thủ tướng Shinzo Abe năm 2018 đã tuyên bố sẽ dành 20 tỉ USD mỗi năm để nâng TTSS lên mức 1,8 (The Economist, 2018). Song khi ông kết thúc nhiệm kì, 2020, TTSS = 1,34. Năm 2022, TTSS = 1,26. Viện Quốc gia về Dân số và Nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản năm 2023 đã dự báo: TTSS năm 2070 là 1,36.

Việc hơn 30 năm (1990-2023) các chương trình, chính sách khuyến khích lập gia đình và sinh con ở Nhật Bản không đem lại kết quả mong muốn, chứng tỏ việc phân tích nguyên nhân của hiện tượng TTSS thấp 100 năm là chưa hoàn chỉnh, chưa đầy đủ. Hầu hết các nghiên cứu về nguyên nhân TTSS thấp, kéo dài ở Nhật Bản đi theo hướng liệt kê các yếu tố là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến TTSS, theo dạng: nếu tồn tại yếu tố A, yếu tố B (nguyên nhân) thì dẫn tới kết quả là tổng tỉ suất sinh thấp:

Theo đó các tác giả đã liệt kê các nguyên nhân như: lao động dài ngày ở các công ty; thiếu nhà trẻ; chi phí nhà, giáo dục và y tế cao; sự không chia sẻ của chồng trong việc dành thời gian làm việc nhà, chăm lo con cái; việc làm bấp bênh của chồng; lương tăng rất chậm; chi phí điều trị bị vô sinh cao; chi của chính phủ để hỗ trợ các gia đình và trẻ em chưa đủ mạnh; các phương tiện tránh thai phổ biến và dễ tiếp cận; trình độ văn hóa và nghề nghiệp của phụ nữ tăng, v.v. (Noriko O. Tsuya, 2017; The Economist Intelligence Unit, 2018; Julian Ryall, 2022; The Economist, 2018; Chris Lau, Junko Fukutome, 2023; Noriko O. Tsuya, Minja Kim Choe và Feng Wang, 2019).

Cách tiếp cận của chúng tôi để tìm nguyên nhân tổng tỉ suất sinh thấp, kéo dài 50 năm ở Nhật Bản và được Nhật Bản dự báo là kéo dài đến 2070, tức 100 năm, không đi theo hướng trên mà theo quan điểm: Truy đến cùng các quan hệ nhân quả dẫn tới TTSS thấp (nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp - nguyên nhân của nguyên nhân) và truy đến cùng hậu quả của việc TTSS thấp, kéo dài (hậu quả của hậu quả).

Với cách tiếp cận này, chúng ta có Mô hình quan hệ nhân quả tổng quát của tình trạng tổng tỉ suất sinh thấp 50 năm, kinh tế trì trệ 30 năm và xuất hiện nguy cơ tự tiêu vong sau 300 năm ở Nhật Bản (Hình 5). Qua đó chúng ta thấy rõ một hiện tượng rất đặc biệt của nguyên nhân TTSS thấp dưới TTSS thay thế. Trong khi TTSS giảm là hậu quả của một số nguyên nhân trực tiếp thì đến lượt TTSS thấp lại là nguyên nhân dẫn đến các hậu quả khác (hậu quả kinh tế, hậu quả xã hội và hậu quả chính sách) và các hậu quả mới này trở thành nguyên nhân mới, khác các nguyên nhân trực tiếp ban đầu, làm cho TTSS tiếp tục giảm. Tức là xuất hiện hiệu ứng tự duy trì TTSS thấp. Chính điều này làm cho tác dụng tăng TTSS của các chương trình hỗ trợ gia đình và trẻ em của chính phủ bị giảm và TTSS thấp được duy trì một cách bền vững.

Theo đó nguyên nhân của “Tổng tỉ suất sinh dưới TTSS thay thế, diễn ra từ 1974 đến 2023 và còn tiếp diễn” (Hình 5), có nguyên nhân trực tiếp là “Giảm sút mong muốn kết hôn và có con”, từ 1974 đến 2023 và còn tiếp diễn (Hình 5). Nguyên nhân này là hậu quả xã hội của 8 yếu tố tác động, Hậu quả xã hội 1 (Hình 5).

Hình 5. Mô hình quan hệ nhân quả tổng quát của tình trạng tổng tỉ suất sinh thấp 50 năm, kinh tế trì trệ 30 năm và nguy cơ tự tiêu vong sau 300 năm

 

Trong giai đoạn đầu, 1960-1995, năm áp lực và xung đột khi làm việc và duy trì gia đình sau đây là nguyên nhân xã hội trực tiếp, chủ yếu của tình trạng giảm sút mong muốn kết hôn và có con (Nguyên nhân xã hội 1, Hình 5).

  1. Việc làm việc cường độ cao, thời gian có thể rất dài trong ngày, vượt xa quy định của luật (40 giờ/tuần), ở nhiều công ty đến 50-60 giờ/tuần, thậm chí hơn 70 giờ/tuần (10-15 giờ/ngày) làm cho người lao động kiệt sức và nhất là không còn thời gian cho việc hẹn hò để kết hôn, hoặc chăm sóc gia đình, nhất là con cái (Resonate, 2016; Chris Lau, Junko Fukutome, 2023). Ngoài ra nhiều công ty còn quy định sau giờ lao động, các công nhân phải tiếp tục các hoạt động tập thể với nhau như ăn tối hàng ngày (Noriko O. Tsuya, 2017).
  2. Nhìn chung luôn thiếu các nhà trẻ, mẫu giáo. Các cơ sở giữ trẻ tư thục thì tốn kém. Có thể một lý do của tình trạng bất hợp lý kéo dài này là do các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo không thuộc quản lý của ngành giáo dục mà là của ngành y tế.
  3. Chi phí để duy trì sinh hoạt gia đình, nhất là khi có con cao, là một trở ngại cho các cặp vợ chồng tương lai (tiền nhà, nhất là ở các thành phố lớn, tiền học, tiền sinh hoạt hàng ngày, tiền khám chữa bệnh...).
  4. Vai trò người vợ “truyền thống” Nhật Bản đòi hỏi người phụ nữ vừa là vợ, là mẹ, là con dâu, phải dành rất nhiều thời gian cho việc này (gấp 9 lần thời gian chồng dành cho chăm sóc gia đình) (Noriko O. Tsuya, 2017).
  5. Môi trường làm việc của phụ nữ ở doanh nghiệp không thân thiện với người có gia đình (nghỉ khi có thai và sau sinh, cơ hội việc làm sau khi sinh giảm sút, thời gian làm việc cứng nhắc).

Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân xã hội nữa là tỉ lệ phụ nữ đi làm tăng mạnh (Nguyên nhân xã hội 2, Hình 5). Khi tỉ lệ phụ nữ được đi học và trình độ giáo dục phổ thông của phụ nữ tăng, cơ hội học nghề và đại học tăng, thì số phụ nữ muốn đi làm, có thu nhập, độc lập về kinh tế tăng mạnh (Nguyên nhân xã hội 5, Hình 5) trong thời kì kinh tế tăng trưởng nhanh và thiếu lao động ngày càng nhiều. Năm 1960 tỉ lệ phụ nữ trẻ đi làm là 50% đến năm 2010 đã tăng lên 72% (Noriko O. Tsuya, 2017). Khi đó đi làm cùng với các áp lực công việc và gia đình (Nguyên nhân xã hội 2), sẽ buộc họ phải cân nhắc giữa giữ được việc làm, thăng tiến nghề nghiệp và kết hôn, có con. Một bộ phận phụ nữ sẽ chọn không lập gia đình, hoặc không có con, chỉ một con để giữ được việc làm, thu nhập và thăng tiến nghề nghiệp. Điều này sẽ làm cho Hậu quả xã hội 1 (giảm mong muốn kết hôn và có con) trầm trọng thêm và duy trì Hậu quả xã hội 2 (TTSS dưới TTSS thay thế), Hình 5.

Thực tế ở giai đoạn thu nhập thấp và trung bình thấp, các phương pháp và phương tiện tránh thai còn hạn chế, khó tiếp cận. Vì vậy có nhiều trường hợp sinh con là ngoài mong muốn. Tuy nhiên khi thu nhập đã cao, điều kiện xã hội thay đổi (sau 1977 tại Nhật Bản), việc tiếp cận và sử dụng các phương pháp, phương tiện tránh thai rất dễ dàng, làm giảm hẳn việc sinh con ngoài mong muốn. Điều này góp phần làm giảm TTSS xã hội, là Nguyên nhân xã hội 6, Hình 5.

Ở thời kì sau 1995, khi tăng trưởng kinh tế giảm sút, trì trệ (Hình 1 và 3), thì việc làm của người lao động nói chung ở các doanh nghiệp, nhất là của nam giới nói riêng, bấp bênh. Chỉ khoảng 50% có việc làm cố định lâu dài. Tiền lương bình quân hàng năm của người Nhật từ 1991 đến 2021 (30 năm) chỉ tăng 5%, tức là mức tăng lương bình quân hàng năm là: 0,16%/năm (trong khi ở Pháp, Đức mức tăng bình quân gấp 6,8 lần của Nhật Bản) (Chris Lau, Junko Fukutome, 2023). Lương hầu như không tăng và việc làm bấp bênh là hai áp lực rất lớn với lao động nam ở Nhật Bản khi họ nghĩ tới việc kết hôn và sinh con sau này.

Tức là từ 1996 trở đi, ngoài tác động của các Nguyên nhân xã hội 1 và 2 nói trên đã tác động từ 1960, xuất hiện Nguyên nhân kinh tế 2 (tạo ra hai áp lực nói trên) làm cho việc mong muốn kết hôn và sinh con giảm, Hình 5.

Mặc dù ý thức xã hội truyền thống về gia đình: “Gia đình là có ích cho bản thân, là quan trọng, có gia đình và có con là hạnh phúc” đã tồn tại hàng nghìn năm, vẫn tiếp tục chi phối xã hội Nhật Bản giai đoạn tăng tốc phát triển kinh tế, 1970-1995, Hình 1 và Hình 5, song các áp lực xã hội nêu trên đã làm cho mong muốn kết hôn và có con giảm ngay khi kinh tế tăng trưởng mạnh nhất, tạo nên thần kì kinh tế Nhật Bản và kết quả là TTSS đã giảm từ 1974 xuống dưới TTSS thay thế và năm 1995, TTSS = 1,42 (Noriko O. Tsuya, 2017). Có thể nói ý thức xã hội truyền thống về sự hữu ích và cần thiết của gia đình và có con với đời sống mỗi người luôn tạo ra lực đẩy lên trên, làm cho TTSS không giảm hoặc có thể tăng trở lại sau khi giảm, song 5 áp lực xã hội (Nguyên nhân xã hội 1) và 2 áp lực kinh tế (Nguyên nhân kinh tế 2) đã tạo ra lực đẩy TTSS xuống quá lớn, thắng lực đẩy lên của ý thức xã hội truyền thống về gia đình và có con, làm cho TTSS giảm mạnh, từ 2,1 năm 1970 xuống còn 1,42 năm 1995 và 1,26 năm 2005, Hình 1 và Hình 5.

Khi TTSS giảm dưới TTSS thay thế từ 1974 thì sau đó khoảng 20 năm, khi trẻ sinh ra vào 1974 đến tuổi đi làm, thực tế số lao động được bổ sung vào nền kinh tế sẽ giảm làm cho tổng số người ở tuổi lao động giảm. Thực tế của Nhật Bản là từ 1996 tổng số lao động đã giảm liên lục. Năm 1995 có gần 87 triệu người ở tuổi lao động, năm 2022 chỉ còn gần 74 triệu, giảm 13 triệu, tương đương 15% (Hình 3). Do đặc điểm văn hóa mà chính phủ Nhật Bản không thực hiện chính sách sử dụng người nhập cư để bù đắp số lao động bị giảm (Nguyên nhân chính sách 3, Hình 5). Hậu quả này của việc TTSS dưới TTSS thay thế, là cung lao động giảm (Nguyên nhân kinh tế 1, Hình 5).

Giai đoạn 1960-1980, số người cao tuổi còn ít (1960: 5,4 triệu, 1970: 7,4 triệu, 1980: 10,86 triệu - chỉ chiếm 9,3% dân số), kinh tế tăng trưởng mạnh, các chính sách chăm lo người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) được thiết kế bao phủ toàn diện và có chất lượng, là một điều kiện quan trọng làm cho tuổi thọ người Nhật ngày càng cao, đứng đầu thế giới và chưa gây áp lực lớn về chi ngân sách.

Tuy nhiên từ sau 1980 trở đi, số người cao tuổi tăng nhanh (1990: 13 triệu, 2000: 22,5 triệu, 2010: 30,2 triệu, 2020: 37,3 triệu - chiếm 29,58% dân số) (Nguyên nhân xã hội 4, Hình 5), làm tăng rất mạnh ngân sách để chăm lo người cao tuổi. Trong hoàn cảnh thu ngân sách từ sau 1990 không tăng, Hình 4, và nhu cầu chi để chăm lo người cao tuổi tăng mạnh chính phủ không có nguồn để tăng chi cho giáo dục, khoa học công nghệ, công trình công cộng (Hậu quả kinh tế 1, Hình 5). Năm 1990 chi ngân sách cho giáo dục, khoa học công nghệ và công trình công cộng là 11,3 ngàn tỉ Yên, sau 31 năm, năm 2021 là 11,5 ngàn tỉ Yên (tăng danh nghĩa gần 1,8%). Một hậu quả của việc này là sau 1995, năng suất lao động trì trệ, Hình 6. Năng suất lao động bình quân 25 năm, 1996-2020 là 73.600 USD/lao động, chỉ bằng 89% năng suất lao động 83.000 USD/lao động năm 1995 (Hình 6). Đây là Hậu quả kinh tế 2, Hình 5.

Hình 6. Năng suất lao động của Nhật Bản 50 năm

Nguồn: Statista (2020).

Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) năm 2022 trong 10 nước dẫn đầu xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu không có Nhật Bản, Trung Quốc xếp thứ 11. Mỹ và Trung Quốc mỗi nước có 100 cụm khoa học công nghệ hàng đầu, Đức có 10 cụm, Nhật Bản có 5 cụm (WIPO, 2022). Trong 7 nước G7, năng suất lao động của Nhật Bản luôn thấp nhất suốt 50 năm qua và năm 2022 đứng thứ 23 trong số 36 nước OECD. Năm 2000 năng suất lao động của Nhật Bản bằng 70% của Mỹ, năm 2010 bằng 65% và 2020 bằng 60%[2]. Ngoài việc phụ thuộc vào đầu tư của nhà nước cho giáo dục, khoa học công nghệ, các công trình công cộng, năng suất lao động còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu ứng dụng và nâng cao trình độ người lao động tại doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học và đào tạo, sự năng động và hỗ trợ của chính quyền địa phương cho hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó, đầu tư của nhà nước vừa là nền tảng rất quan trọng, vừa có vai trò dẫn dắt đầu tư của tư nhân để nâng cao năng suất lao động.

Năng suất lao động trì trệ và cung lao động giảm dẫn đến Hậu quả kinh tế 3, Hình 5: GDP, GDP/người trì trệ, Hình 1 và Hình 3, thu ngân sách giảm, Hình 4, làm mất cân đối thu-chi ngân sách càng tăng, ngân sách không có nguồn để tăng chi hỗ trợ gia đình và trẻ em, làm cho các chương trình của chính phủ nhằm tăng TTSS kém hiệu quả kéo dài (Nguyên nhân chính sách 4, Hình 5) và buộc chính phủ phải vay nợ công để chi trả, Hình 4. Năm 1991 tỉ lệ nợ công của Nhật Bản là 62% GDP (của Mỹ là 58% GDP), năm 2000 là 135% (vượt 100% GDP, của Mỹ là 55% GDP), năm 2010 là 205% (vượt 200% GDP, của Mỹ là 90% GDP), năm 2020 vượt 250% GDP (của Mỹ là 129% GDP), Hình 4. Nhật Bản là nước có tỉ lệ nợ công cao nhất trong các nước phát triển trên thế giới. Việc GDP và GDP/người từ 1996 trì trệ, xu hướng là giảm, Hình 1 và 3, vừa có nguyên nhân trực tiếp là Nguyên nhân kinh tế 1 (cung lao động giảm), vừa có nguyên nhân gián tiếp là Nguyên nhân xã hội 4 (số người cao tuổi tăng nhanh) gây ra Hậu quả kinh tế 1 và 2, Hình 5. Nguyên nhân gián tiếp của 2 hiện tượng này là 2 Nguyên nhân chính sách: không chấp nhận người nhập cư để bù đắp thiếu lao động (Nguyên nhân chính sách 3) và chính sách chăm lo người cao tuổi rất tốt (Nguyên nhân chính sách 2, Hình 5), gây tốn kém ngân sách lớn khi số người cao tuổi tăng nhanh 1980-2020.

Nguyên nhân chính sách 4, Hình 5, làm cho mong muốn kết hôn và có con trong xã hội ngày càng giảm, từ đó làm cho số trẻ được sinh ra hàng năm càng giảm, TTSS không thể tăng mà xu hướng là giảm và ổn định ở mức rất thấp, Hậu quả xã hội 1 và 2, Hình 5.

Nếu như ở giai đoạn đầu, 1960-1995, khi kinh tế tăng trưởng ngày càng cao, Hình 1, song các áp lực công việc và duy trì gia đình (Nguyên nhân xã hội 1) và tỉ lệ phụ nữ đi làm gia tăng (Nguyên nhân xã hội 2), Hình 5, đã làm TTSS giảm, từ 2,1 năm 1970 xuống còn 1,42 năm 1995, thì từ sau 1995, khi kinh tế trì trệ, số người già ngày càng tăng đã xuất hiện thêm Nguyên nhân kinh tế 1 và Nguyên nhân chính sách 4, Hình 5, tạo thêm sức ép làm cho mong muốn lập gia đình và có con tiếp tục giảm (Hậu quả xã hội 1). Nguyên nhân kinh tế 1 và Nguyên nhân chính sách 4 làm giảm sút mong muốn kết hôn, có con, làm TTSS giảm bền vững suy cho cùng lại xuất phát chính từ hậu quả của TTSS thấp kéo dài như đã phân tích ở trên (Hậu quả xã hội 2, Hình 5). Tức là TTSS thấp, kéo dài tự nó sẽ gây ra các hậu quả có tác dụng là các nguyên nhân mới, Nguyên nhân kinh tế 1 và 2 và Nguyên nhân chính sách 4, tiếp tục tạo áp lực làm cho TTSS thấp bền vững. TTSS năm 1995 là 1,42, năm 2022 là 1,26, và Nhật Bản đã dự báo TTSS năm 2070 là 1,36. Chính ba nguyên nhân mới này làm cho các nỗ lực của chính phủ tăng TTSS càng thêm khó khăn, kém hiệu quả. Năm 2021 nước Nhật có 501.116 cuộc kết hôn được đăng ký, chỉ bằng 50% số kết hôn hàng năm thời kì 1970-1979. Khi xu hướng không muốn kết hôn tăng, số người độc thân tăng, thì thị trường ở Nhật Bản đã phản ứng “tích cực” với nhu cầu mới này: Xuất hiện các căn hộ siêu nhỏ để cho người độc thân ở, xuất hiện dịch vụ cung cấp thức ăn nhanh đóng gói hợp lý cho người độc thân, các cửa hàng và thị trường dụng cụ tình dục phát triển và được dự báo tăng với tốc độ hơn 10%/năm (trong khi dân số giảm và ngày càng già) và giá trị mua bán ở thị trường này tăng gần 900 triệu USD từ 2022-2027 (Technavio, 2023). Những dịch vụ được thị trường thúc đẩy này có tác dụng “khuyến khích” sống độc thân, chừng mực nào đó cũng có thể coi là nguyên nhân kinh tế làm giảm mong muốn kết hôn (Nguyên nhân kinh tế 3, Hình 5).

Khi xu hướng gia đình 2 con trở lên ngày càng giảm, gia đình một con và không có con tăng, thì trẻ sinh ra trong các gia đình một con (chiếm khoảng 50% số trẻ mới sinh) sẽ thiếu giao tiếp với trẻ cùng tuổi khác giới. Hậu quả là khi trưởng thành, kĩ năng giao tiếp hạn chế, cần tìm bạn đời để kết hôn, chúng khá lúng túng, vì vậy ngại tìm hiểu, tiếp xúc với người khác giới. Điều này lại giảm mong muốn kết hôn và có con (Nguyên nhân xã hội 3, Hình 5). Xu hướng này dần phổ biến đến mức hiện nay, không phải người ở tuổi kết hôn sử dụng các dịch vụ tiếp xúc, kết nối để tìm bạn đời mà chính cha mẹ của họ sử dụng dịch vụ này để tìm bạn đời cho con họ (Chris Lau, Junko Fukutome, 2023).

Năm áp lực khi làm việc và duy trì gia đình (Nguyên nhân xã hội 1) dẫn tới giảm sút mong muốn kết hôn và có con (Hậu quả xã hội 1), Hình 5, bắt nguồn từ Nguyên nhân chính sách và Nguyên nhân văn hóa truyền thống về gia đình. Có thể nhận thấy, trong giai đoạn tăng tốc phát triển kinh tế 1960-1995, đưa nước Nhật trở lại một cường quốc kinh tế, hoạt động của chính phủ và bầu không khí xã hội là “tất cả vì tăng trưởng kinh tế đất nước và lợi nhuận của doanh nghiệp”, việc bảo vệ và phát triển gia đình không phải là mục tiêu (cao nhất), Nguyên nhân chính sách 1, Hình 5. Do đó năm áp lực khi làm việc và duy trì gia đình ngày càng tăng, làm cho mong muốn kết hôn và có con giảm, TTSS giảm mạnh. Quan niệm truyền thống về gia đình và có con (là cần thiết, là hạnh phúc) có tác dụng thúc đẩy kết hôn và sinh con, song quan niệm truyền thống về vai trò người vợ là người chăm sóc chủ yếu con cái, người làm việc nhà chủ yếu, người chăm sóc cha mẹ chồng, còn người chồng phải làm việc ngoài gia đình đã ảnh hưởng tiêu cực đến mong muốn lập gia đình và có con. Đây là Nguyên nhân văn hóa truyền thống về gia đình, Hình 5.

Khi TTSS thấp dưới TTSS thay thế hơn 25 năm (1974-2000-2023) sẽ dẫn tới hậu quả xã hội là tỉ lệ người trẻ trong xã hội giảm, tỉ lệ người cao tuổi tăng, thì thành phần các cơ quan lập pháp sẽ giảm số người trẻ và tăng số người cao tuổi, Hình 5 (The Economist Intelligence Unit, 2018). Điều này dẫn đến hậu quả chính sách là các vấn đề liên quan đến lợi ích của người trẻ, tương lai lâu dài của đất nước như kết hôn, gia đình, nuôi dạy con, nguy cơ dân số đất nước teo lại và tự tiêu vong, ít được quan tâm đúng mức trong các thảo luận và nghị quyết, luật mà các cơ quan lập pháp trung ương và địa phương thông qua, còn việc chăm lo cho người cao tuổi được bảo vệ mạnh mẽ (Hậu quả chính sách 2, Hình 5).

Cũng như ở các nước thu nhập cao ở Châu Âu và Mỹ, ở Nhật Bản việc kết hôn và có con được coi là tự do cá nhân, không liên quan đến trách nhiệm xã hội của công dân. Đây chính là một nguyên nhân chính sách dẫn đến người dân không thấy trách nhiệm của mình với tồn vong của dân tộc: Nếu phụ nữ không sinh bình quân đủ 2,1 con thì dân tộc sẽ tự tiêu vong, Nguyên nhân chính sách 6, Hình 5.

Thực tế 50 năm TTSS dưới TTSS thay thế ở Nhật Bản (1974-2023), dự báo TTSS đến 2070 là 1,36 và kết quả dự báo của các nhà khoa học Nhật Bản là dân số năm 2100 giảm còn khoảng 50 triệu người, năm 2200 còn khoảng 10 triệu người, năm 2350 còn khoảng 1 triệu người và năm 3000 chỉ còn 62 người đã làm rõ một sự thật: Việc kết hôn và sinh con sẽ quyết định sự tồn vong của đất nước. Số con mà các gia đình lựa chọn sẽ không còn chỉ là quyền riêng tư mà sẽ quyết định sự tiêu vong của dân tộc, dù ở Châu Á, Châu Âu hay Châu Mỹ.

Theo các kết quả điều tra xã hội học ở Nhật Bản cho thấy ý thức xã hội truyền thống về gia đình từ 2015 đến nay đang có thay đổi cơ bản: Từ quan niệm truyền thống hàng ngàn năm “gia đình là có ích cho bản thân, là quan trọng, có gia đình và có con là hạnh phúc” đã trở thành “gia đình gây phiền toái, bất lợi cho bản thân, gia đình và có con không quan trọng” trong một bộ phận ngày càng gia tăng của người dân, như chính phủ Nhật Bản đã nhận định năm 2022 (Julian Ryall, 2022), Nguyên nhân ý thức xã hội về gia đình thay đổi, Hình 5. Theo thời gian (giai đoạn 2020-2100) nguyên nhân này sẽ kéo giảm ngày càng mạnh mong muốn kết hôn và có con trong xã hội.

Ngoài Nguyên nhân chính sách 6, Hình 5, một nguyên nhân khác của việc hình thành quan niệm thay đổi như vậy về gia đình và có con hiện nay là sự kém hiệu quả của các chương trình hỗ trợ gia đình và trẻ em của chính phủ kéo dài đã hơn 20 năm (2000-2023), thu ngân sách không tăng hơn 30 năm, nợ công tăng cao, vượt ngưỡng 100% GDP đã 25 năm, làm cho người dân không còn niềm tin là chính phủ có thể đưa ra các chương trình hỗ trợ gia đình và trẻ em mới, có tác dụng hơn hẳn các chương trình trước. Đây chính là Hậu quả chính sách 1, Hình 5. Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa của việc thay đổi quan niệm xã hội về gia đình và sinh con là do chính phủ Nhật Bản đã không đề cập kịp thời, đúng mức nguy cơ dân tộc tự tiêu vong khi TTSS thấp kéo dài 100 năm dưới TTSS thay thế, Nguyên nhân chính sách 5, Hình 5, làm cho người dân không thấy tầm quan trọng của việc mỗi phụ nữ sinh đủ hai con với tồn vong của đất nước.

Từ Mô hình quan hệ nhân quả tổng quát của tình trạng TTSS thấp 50 năm, kinh tế trì trệ 30 năm và nguy cơ tự tiêu vong sau 300 năm, Hình 5, ta rút ra được sơ đồ các yếu tố thúc đẩy tăng và kéo giảm tổng tỉ suất sinh ở Nhật Bản trong 100 năm 1970-2070, Hình 7.

Theo đó “Ý thức xã hội gia đình là có ích, là quan trọng, có gia đình và có con là hạnh phúc “và” Các chương trình, chính sách của chính phủ hỗ trợ gia đình và trẻ em” là hai yếu tố có tác dụng trực tiếp thúc đẩy mong muốn kết hôn và có con, từ đó làm Tổng tỉ suất sinh tăng. Còn bảy yếu tố khác có tác dụng làm giảm mong muốn kết hôn và có con, kéo giảm TTSS lâu dài. Bảy yếu tố này không xuất hiện và tác dụng cùng lúc ngay từ đầu.

Giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, 1960-1980, áp lực công việc và duy trì cuộc sống gia đình (Nguyên nhân xã hội 1) và việc phụ nữ đi làm nhiều hơn trong bối cảnh này (Nguyên nhân xã hội 2) là hai nguyên nhân làm giảm mong muốn kết hôn và có con, Hình 5 và Hình 7, dẫn đến TTSS đã giảm từ 2,1 năm 1970 xuống còn 1,76 năm 1985. Cũng trong thời kì này, các phương pháp và phương tiện tránh thai trở nên phổ biến, dễ tiếp cận, nên giảm số trường hợp có thai không mong muốn, qua đó cũng làm giảm tổng tỉ suất sinh (Nguyên nhân xã hội 6, Hình 5 và Hình 7), song sau năm 1985, yếu tố này không có tác dụng làm giảm số trẻ được sinh ra vì về cơ bản số trẻ sinh ra là do mong muốn có con của người mẹ quyết định.

Từ 1996 trở đi, khi kinh tế trì trệ kéo theo tiền lương trì trệ và việc làm bấp bênh, tạo ra áp lực kinh tế làm giảm mong muốn có con và giảm tổng tỉ suất sinh (Nguyên nhân kinh tế 2, Hình 5 và Hình 7).

Cũng từ thời kì này, các chương trình, chính sách hỗ trợ gia đình và trẻ em từ 1990 ít tác dụng, làm giảm mong muốn kết hôn và có con, làm TTSS giảm (Nguyên nhân chính sách 4, Hình 5 và Hình 7). Kết quả là cùng với Nguyên nhân xã hội 1 và Nguyên nhân xã hội 2 đã có từ 1985, Hình 5 và Hình 7, TTSS đã giảm xuống còn 1,36 năm 2000, Hình 7.

Từ năm 2000, xuất hiện thêm hai yếu tố mới làm giảm TTSS. Sau 25 năm TTSS dưới TTSS thay thế (1974) số trẻ là con một trong các gia đình ngày càng tăng, khi ở tuổi trưởng thành kỹ năng giao tiếp với người khác giới bị hạn chế, nên ngại lập gia đình (Nguyên nhân xã hội 3, Hình 5 và Hình 7). Sự ra đời của thị trường các dịch vụ phục vụ người độc thân, từ năm 2000, có tác dụng tiêu cực đến việc thúc đẩy kết hôn và sinh con (Nguyên nhân kinh tế 3, Hình 5 và Hình 7). Hai yếu tố mới này cùng với bốn yếu tố khác đã có tác dụng từ trước, làm TTSS tiếp tục giảm, năm 2005 TTSS = 1,26 (Hình 7).

Đến giai đoạn sau 2015, sự tồn tại hơn 10 năm của tất cả 6 yếu tố trực tiếp cản trở kết hôn, có con nói trên, sự không hiệu quả của các chương trình, chính sách hỗ trợ của chính phủ hơn 30 năm (từ 1990) và trì trệ kinh tế hơn 25 năm (từ 1996) đã dẫn đến sự ra đời yếu tố cản trở kết hôn và sinh con mới. Ý thức xã hội về gia đình thay đổi ở một bộ phận người dân: gia đình không có ích cho bản thân, gia đình và có con là không quan trọng. Sự thay đổi ý thức này có tác dụng mạnh đến việc làm TTSS giảm một cách bền vững. Mặc dù trong 10 năm, 2005-2015, TTSS có tăng nhẹ từ 1,26 lên 1,45 (Hình 1), dưới tác động của các chương trình, chính sách hỗ trợ gia đình và trẻ em mới của chính phủ, song 7 năm sau, TTSS lại giảm về mức thấp nhất 1,26 của năm 2005 (Hình 1 và Hình 7). Có thể hình dung TTSS như một cái phao trên mặt nước TTSS = 2,1 (Hình 7). Năm 1970, tác dụng thúc đẩy tăng TTSS của hai yếu tố “Ý thức xã hội về gia đình và Các chương trình, chính sách hỗ trợ của chính phủ” và tác dụng giảm TTSS của ba yếu tố Nguyên nhân xã hội 1, Nguyên nhân xã hội 2 và Nguyên nhân xã hội 6 ở trạng thái cân bằng, nên TTSS = 2,1 (Hình 7). Tuy nhiên sau 1970, ba yếu tố làm giảm TTSS tiếp tục gia tăng về cường độ, làm mất cân bằng với hai yếu tố thúc đẩy tăng TTSS. Kết quả là TTSS giảm và năm 1985 TTSS = 1,76 (Hình 7). Phao TTSS đã bị kéo chìm sâu dưới TTSS thay thế.

Hình 7. Các yếu tố thúc đẩy tăng và kéo giảm tổng tỉ suất sinh ở Nhật Bản 1970-2070 (dự báo 2070: TTSS = 1,36)

(Mô hình Phao Tổng tỉ suất sinh với 2 quả bóng bay và 7 quả tạ của Nhật Bản)

Từ sau đỉnh cao tăng trưởng kinh tế năm 1995, người dân lại chịu thêm áp lực kinh tế (GDP trì trệ, tiền lương tăng rất ít, việc làm bấp bênh) - Nguyên nhân kinh tế 2 (Hình 5 và Hình 7) có tác dụng kéo giảm TTSS, cùng với việc các chương trình hỗ trợ gia đình và trẻ em của chính phủ từ sau 1990 ít hoặc không có tác dụng (Nguyên nhân chính sách 4) làm cho TTSS năm 2000 chỉ còn 1,36 (Hình 7). Đến giai đoạn sau năm 2000 xuất hiện thêm hai nhóm yếu tố mới, tiếp tục kéo giảm TTSS (Nguyên nhân xã hội 3 và Nguyên nhân kinh tế 3, Hình 5 và Hình 7), làm TTSS năm 2005 thấp kỷ lục là 1,26 (Hình 1 và Hình 7). Và đến giai đoạn sau 2015 xuất hiện thêm một yếu tố mới làm giảm TTSS, đó là sự thay đổi ý thức xã hội về gia đình: gia đình không có ích cho bản thân, gia đình và có con là không quan trọng (Hình 5 và Hình 7). Kết quả là năm 2022 TTSS = 1,26, bằng mức thấp kỷ lục năm 2005, Hình 1 và Hình 7. Phao TTSS tiếp tục bị giữ chìm sâu dưới mức TTSS thay thế.

Như vậy trong hơn 60 năm, 1960-2022, chỉ có hai yếu tố thúc đẩy tăng TTSS, Hình 6, như 2 quả bóng bay kéo TTSS lên. Nhưng quả bóng bay “Các chương trình, chính sách của chính phủ hỗ trợ gia đình và trẻ em” ngày càng kém tác dụng vì nguồn ngân sách của chính phủ Nhật chi cho mục đích này quá thấp (tính theo tỉ lệ % GDP thì chỉ bằng 61% mức chi bình quân của các nước OECD và chỉ bằng 41% mức chi của Pháp) và quả bóng bay “Ý thức xã hội gia đình có ích, là quan trọng, có gia đình và có con là hạnh phúc” thì ngày càng yếu đi, thậm chí sau 2015 một bộ phận người dân đã thay đổi mạnh ý thức xã hội này (gia đình không có ích cho bản thân, có gia đình và có con là không quan trọng). Còn các yếu tố khác làm giảm TTSS, Hình 7, như những quả tạ kéo phao TTSS chìm xuống, mà theo thời gian, số lượng các quả tạ này lại tăng thêm: Trước năm 1995 có 2 quả tạ (Nguyên nhân xã hội 1 và 2), sau năm 1995 thêm 2 quả tạ (Nguyên nhân kinh tế 2 và nguyên nhân chính sách 4), sau năm 2000 thêm 2 quả tạ (Nguyên nhân xã hội 3 và Nguyên nhân kinh tế 3) và sau năm 2015 thêm một quả tạ nữa (Ý thức xã hội về gia đình thay đổi), Hình 7. Tức là từ 2015 trở đi (20 năm sau khi tăng trưởng kinh tế đạt đỉnh cao) thì luôn tồn tại 7 quả tạ kéo TTSS giảm, trong khi 2 quả bóng bay kéo TTSS lên thì ngày càng yếu (Mô hình Phao TTSS với 2 quả bóng bay và 7 quả tạ, Hình 7). Kết quả là phao TTSS bị kéo giữ ở mức rất thấp, bình quân giai đoạn 1995-2022 TTSS là 1,366, năm 2022 là 1,26, Hình 1 và Hình 7. Đáng lưu ý là trong khi ban đầu, 1960-1975-1995, chỉ có hai Nguyên nhân xã hội 1 và 2, Hình 5 và Hình 7, là 2 quả tạ làm giảm mong muốn kết hôn và sinh con, kéo TTSS xuống dưới TTSS thay thế (giai đoạn 1960-1985 còn có Nguyên nhân xã hội 6, Hình 5 và Hình 7), thì khi TTSS đã thấp dưới TTSS thay thế đủ lâu, hơn 20 năm (1974-1995), thì nó lại gây ra các hậu quả khác: thiếu lao động (Nguyên nhân kinh tế 1), thanh niên là con một thiếu kĩ năng giao tiếp với người khác giới cùng độ tuổi (Nguyên nhân xã hội 3), tỉ lệ người trẻ trong các cơ quan lập pháp thấp (Hậu quả xã hội 3), Hình 5. Các hậu quả này đến lượt nó lại là nguyên nhân gây ra các hậu quả khác: tiền lương trì trệ, việc làm bấp bênh (Nguyên nhân kinh tế 2), các chương trình hỗ trợ gia đình và trẻ em của chính phủ ít hoặc không tác dụng (Nguyên nhân chính sách 4), thị trường dịch vụ độc thân phát triển (Nguyên nhân kinh tế 3) và ý thức xã hội về gia đình thay đổi, Hình 5.

Tức là 2 quả tạ xã hội ban đầu (Nguyên nhân xã hội 1 và 2), khi phát huy tác dụng đủ lâu (TTSS dưới TTSS thay thế hơn 20 năm) đã tạo ra 5 quả tạ khác:

  • 2 quả tạ kinh tế (Nguyên nhân kinh tế 2 và 3)
  • 2 quả tạ xã hội (Nguyên nhân xã hội 3 và ý thức xã hội về gia đình thay đổi)
  • 1 quả tạ chính sách (Nguyên nhân chính sách 4), Hình 5 và Hình 7.

Đây chính là cơ chế rất đặc biệt: Cơ chế xã hội - kinh tế - chính sách của hiện tượng TTSS thấp bền vững ở Nhật Bản đã 50 năm (1974-2020), mặc dù Chính phủ đã hơn 30 năm thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con (1990-2020) song TTSS được dự báo sẽ thấp bền vững 50 năm nữa (2020-2070).

Nếu không có các giải pháp chính sách đột phá và có sự đồng thuận xã hội cao để thực hiện các chính sách đột phá này thì hai quả bóng bay “bị xì hơi” không thể thắng được lực kéo xuống của 7 quả tạ. Không thể nâng được TTSS một cách đáng kể, bền vững như Viện Nghiên cứu Dân số và Chính sách an ninh xã hội Nhật Bản đã dự báo: năm 2070 TTSS sẽ khoảng 1,36 và như Giáo sư Noribo O. Tsuya, Đại học Keio, Tokyo năm 2017 đã nhận định: “Tỉ suất sinh thấp ở Nhật Bản - không thấy khả năng chấm dứt”. Viện Tính toán và Đánh giá sức khỏe, thuộc Đại học Washington, Seattle, Mỹ, năm 2020 đã dự báo: TTSS của Nhật Bản năm 2100 là 1,32 (The Lancet, 2020). Tức là TTSS dưới TTSS thay thế của Nhật Bản sẽ kéo dài 126 năm (1974-2100). Nguy cơ nước Nhật tự tiêu vong sau 300 năm khó tránh khỏi, Hình 2.

Với Mô hình quan hệ nhân quả tổng quát tình trạng TTSS thấp 50 năm, kinh tế trì trệ 30 năm và nguy cơ tự tiêu vong sau 300 năm (Hình 5) và Mô hình Phao TTSS với 2 quả bóng bay và 7 quả tạ của Nhật Bản, Hình 7, chúng ta có thể thiết kế hệ thống các giải pháp cần thực hiện từ 2025 để phục hồi tăng trưởng kinh tế sau 2030, tăng đáng kể TTSS sau 2070 và tránh được sự sụp đổ Tháp dân số Nhật Bản sau 100 năm (dân số 2020 là 126 triệu, dự báo 2120 là 40 triệu), là tiền đề để ngăn chặn nguy cơ tự tiêu vong (Hình 2). Tám nhóm giải pháp để có thể đạt được các mục tiêu này là: thay đổi một cách căn bản các nội dung của các Nguyên nhân chính sách 1, 3, 4, 5, 6 và quan niệm văn hóa truyền thống về vai trò của vợ và chồng cũng như quyết liệt khắc phục Hậu quả xã hội 3 và Hậu quả chính sách 2 (Hình 5). Đây là điều kiện tiên quyết để có thể tạo ra sự thay đổi có tính cách mạng cho giai đoạn 2025-2070. Điều này đòi hỏi một sự tự đánh giá sâu sắc, thẳng thắn và sự đồng thuận toàn xã hội của chính phủ, các doanh nghiệp và người dân.

 

Nguồn: Nghiên cứu Gia đình và Giới. Quyển 33, số 4, tr. 3-25

 

 

Tài liệu trích dẫn

Anthony Browne, Richard Reeves. 1999. “Just 500 Japanese. An empty Europe. The world is dying out”. The Guardian, 8.9.1999.

Noriko O. Tsuya. 2017. “Low Fertility in Japan-No End in Sight”. Asia Pacific Issues, June 2017.

The Economist Intelligence Unit. 2018. Fertile ground: How can Japan raise its fertility rate? https://www.eiu.com/graphics/marketing/pdf/Fertility-in-Japan-EIU.pdf.

Deutsche Welle (DW). 2023. “Japan to channel billions of dollars into raising birth rate”. 1.6.2023. https://www.dw.com/en/japan-to-channel-billions-of-dollars-into-raising-birth-rate/a-65797259.

Resonate. 2016. “Doomsday clock shows when Japan will become extinct”. 9.9.2016. https://www.weareresonate.com/2016/09/doomsday-clock-shows-japan-will-become-extinct/.

Julian Ryall. 2022. “Why are young Japanese rejecting marriage”. DW, 24.6.2022. https://www.dw.com/en/why-are-young-japanese-rejecting-marriage/a-2248097.

The Economist. 2023. “Global fertility has collapsed, with profound economic consequences”. 1.6.2023. https://www.economist.com/leaders/2023/06/01/ global-fertility-has-collapsed-with-profound-economic-consequences.

The Economist. 2018. “A small town in Japan doubles its fertility rate”. 9.1.2018. https://www.economist.com/asia/2018/01/09/a-small-town-in-japan-doubles-its-fertility-rate.

Yosuka, E. 2019. “Inside the Japanese town that pays cash for births”. CNN Business, 3.2.2019. https://edition.cnn.com/2018/12/27/health/japan-fertility-birth-rate-children-intl/index.html.

Chris Lau, Junko Fukutome. 2023. “In Japan, the young find dating so hard their parents are doing it for them”. CNN World, 3.9.2023. https://edition.cnn.com/ 2023/09/02/asia/japan-speed-dating-parents-low-fertility-intl-hnk/index.html.

Technavio. 2023. “Sex Toys Market in Japan to Grow by USD 896.56 million from 2022 to 2027”. www.prnewswire.com/news-releases.

Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO). 2022. “GII 2022 results”. www.wipo.int.

Noriko O.Tsuya, Minja Kim Choe and Feng Wang. 2019. Convergence to Very Low Fertility in East Asia: Processes, Causes, and Implications. Springer, 2019.

“Japan's Productivity Ranks Lowest Among G7 Nations for 50 Straight Years”. www.nippon.com, 6.1.2022.

The Lancet. 2020. The world population likely to shrink after mid-century, forecasting major shifts in global population and economic power. The Institute for Health Metrics and Evaluation at University of Washington, Seattle, USA. The Lancet 14.7.2020.

Thor Svanholm. 2023. “A world without youth”. Farsight, April 28, 2023.

 


* Giáo sư, tiến sĩ, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[2] Japan's Productivity Ranks Lowest Among G7 Nations for 50 Straight Years, 2022. www.nippon.com.

 

Các tin đã đưa ngày: