Pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay: Một số kiến nghị hoàn thiện

Pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay: Một số kiến nghị hoàn thiện

06/01/2020

Lê Việt Nga**, Bùi Thị Hường**

 

Tóm tắt: Trong thời gian qua, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD) ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc gây hoang mang, bức xúc cho các gia đình và dư luận xã hội. Dựa trên tài liệu sẵn có và các văn bản pháp luật về phòng chống XHTD trẻ em trong nước và quốc tế, bài viết tập trung phân tích, đánh giá những quy định chung về phòng, chống XHTD trẻ em trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, hạn chế những hành vi đáng tiếc xảy ra. Các khái niệm về XHTD trẻ em ở các nước trên thế giới và nghĩa vụ quốc gia được phân tích cụ thể và đối chiếu với văn bản pháp luật của Việt Nam chỉ ra những điểm tương đồng, đồng thời, rà soát việc thực hiện phòng chống XHTD trẻ em trong Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể(1).

Từ khóa: Xâm hại tình dục trẻ em; Pháp luật về trẻ em; Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

 

1. Khái niệm và quy định về phòng, chống XHTD trẻ em trong pháp luật quốc tế

Trên thế giới hiện có bốn hình thức xâm hại được thừa nhận bao gồm: xâm hại thể xác, XHTD, xâm hại tâm lý/tình cảm và sao nhãng. Xâm hại tình dục là một trong 4 hình thức của xâm hại trẻ em.

Theo nhà nghiên cứu Finkelhor, xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) là “toàn bộ hành vi phạm tội về tình dục mà trẻ em dưới 17 tuổi là nạn nhân” (David Finkelhor , 2009).

Định nghĩa về lạm dụng (xâm hại/ ngược đãi) trẻ em của Tổ chức y tế thế giới 2006 ghi nhận như sau: “Tất cả các hình thức ngược đãi về tình cảm hoặc thân thể, lạm dụng tình dục, sao nhãng hoặc đối xử lơ đãng hoặc khai thác vì mục đích thương mại hoặc khai thác dẫn đến tổn hại hoặc có nguy cơ dẫn đến tổn hại tới sức khỏe, sự sống còn, sự phát triển hoặc nhân phẩm của trẻ trong bối cảnh có liên quan đến trách nhiệm, sự tin cậy hoặc quyền lực” (WHO, 2016: 75).

Tiếp đó Unicef đã định nghĩa như sau: “XHTD trẻ em là mọi hành vi lôi kéo trẻ vào các hoạt động liên quan đến tình dục, mà trẻ không đủ khả năng (hoặc không hiểu), hoặc không đủ tâm thế để đưa ra quyết định đối với các hành vi này, hoặc các hành vi đó vi phạm đến luật pháp hay các giá trị văn hóa của cộng đồng sở tại” (Australian AID, 2010).

Pháp luật mỗi nước cũng có những khái niệm khác nhau về XHTDTE, ví dụ: Luật bảo vệ và hỗ trợ trẻ em bị bạo hành của Mỹ định nghĩa: XHTDTE bao gồm những hành vi sau: “sử dụng, thuyết phục, lôi kéo hoặc sử dụng áp lực để bắt trẻ em tham gia vào hoặc hỗ trợ người khác tham gia vào thực hiện hành vi tình dục hoặc hành vi gợi tình…” (CAPTA, 2010).

Tại Úc, các hành vi XHTD trẻ em được liệt kê: những người quen biết hoặc không quen biết với trẻ sử dụng lôi kéo hoặc bạo lực để bắt trẻ thực hiện hành vi tình dục thông qua nhiều hình thức: trực tiếp hoặc gián tiếp” (CFCA, 2018).

Như vậy, về mặt pháp lý khái niệm XHTDTE là một thuật ngữ rộng, bao gồm những hành vi vi phạm cả luật dân sự và hình sự, hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em được xác định là “hành vi sử dụng các từ và cụm từ khiêu dâm, sự đụng chạm không phù hợp, sử dụng bạo lực hoặc đe dọa sử dụng vì tình dục và quan hệ tình dục đầy đủ với trẻ em” (NSPCC, 2019).

Những hành vi xâm hại trẻ em nói chung, XHTD trẻ em nói riêng là hành vi xâm phạm vào nhóm quyền được bảo vệ của trẻ, trực tiếp đó là quyền bất khả xâm phạm về thân thể.

Tựu trung lại các định nghĩa về XHTD trẻ em có thể khác nhau và tùy từng nền văn hóa nhưng nhìn chung đều chung một số nội dung: đó là hành vi xảy ra khi một ai đó sử dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự tin tưởng của trẻ để lôi kéo trẻ vào hoạt động tình dục. XHTD trẻ em bao gồm tất cả các hành vi tình dục không mong muốn, có thể bao gồm cả hành vi xâm hại có tiếp xúc hay hành vi xâm hại không tiếp xúc. XHTD trẻ em bao gồm: Làm những hình ảnh, video có tính chất xâm hại trẻ em; Ép buộc trẻ em xem hay tham gia các hoạt động tình dục; Ép buộc trẻ em quan hệ tình dục hoặc lôi kéo trẻ em vào các hành vi tình dục với trẻ em khác hoặc với người lớn... (Australian AID, 2010).

Để bảo vệ trẻ em tránh khỏi những hành vi xâm hại này, Công ước quốc tế về quyền trẻ em tại Điều 19 quy định (Unicef, 2018):

Các Quốc gia thành viên phải thực hiện mọi biện pháp thích hợp về lập pháp, hành pháp, xã hội và giáo dục để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị đánh đập hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc sao nhãng chăm sóc, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả sự xâm phạm tình dục, trong khi trẻ em vẫn nằm trong vòng tay chăm sóc của cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, của một hay nhiều người giám hộ pháp lý, hoặc của bất kỳ người nào khác được giao việc chăm sóc trẻ em.

Điều 34 ghi nhận: Các quốc gia thành viên cam kết bảo vệ trẻ em trước mọi hình thức bóc lột và lạm dụng tình dục. Vì mục đích này, các Quốc gia thành viên phải đặc biệt thực hiện mọi biện pháp thích hợp ở cấp quốc gia, song phương và đa phương để ngăn ngừa:

1. Việc xúi giục hay ép buộc trẻ em tham gia bất kỳ hoạt động tình dục trái pháp luật nào;

2. Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong hoạt động mại dâm hay các hoạt động tình dục trái pháp luật khác;

Việc phục hồi cho nạn nhận bị XHTD là việc làm cần thiết, nội dung này được quy định tại Điều 39 Công ước, theo đó: “Các quốc gia thành viên phải tiến hành mọi biện pháp thích hợp để thúc đẩy sự phục hồi về thể chất, tâm lý và tái hòa nhập xã hội của trẻ em là nạn nhân của bất kỳ hình thức bỏ mặc, bóc lột hay lạm dụng nào…”.

Như vậy, để bảo đảm quyền trẻ em, tránh khỏi những lạm dụng, XHTD, pháp luật quốc tế yêu cầu các quốc gia tiến hành đầy đủ các bước ghi nhận (tôn trọng), thực hiện, bảo vệ quyền trẻ em trong pháp luật của mỗi quốc gia.

2. Pháp luật Việt Nam về phòng, chống XHTD trẻ em và một số kiến nghị

2.1. Pháp luật Việt Nam về phòng, chống XHTD trẻ em

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (QTE) vào ngày 20/02/1990 (Unicef, 2018). Cụ thể hóa Công ước, chúng ta đã có một hệ thống các văn bản liên quan đến quyền trẻ em: Hiến pháp 2013, Luật Trẻ em 2016, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình...

Về mặt luật pháp, đối với vấn đề phòng, chống xâm  hại tình dục trẻ em, chúng ta đã thể hiện ở việc phê chuẩn Công ước quốc tế quyền trẻ em, phê chuẩn nghị định thư không bắt buộc về buôn bán, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em vào năm 2000, điều đó thể hiện sự nhất quán trong quy định của pháp luật Việt Nam trong việc phòng, chống bảo vệ trẻ em trước những hành vi XHTD.

Pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định việc phòng, chống XHTD trẻ em trong Luật Trẻ em 2016, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau:

Thứ nhất, Luật Trẻ em (Công báo chính phủ, 2018) đã có khái niệm XHTD trẻ em. Điều 4 phần giải thích từ ngữ đã ghi nhận: “XHTD trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”. Đồng thời hành vi XHTD đối với trẻ là hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 6, Luật Trẻ em.

Cụ thể hóa nội dung này, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trong đó nêu rõ tại Điều 13: “Trẻ em bị XHTD bao gồm các hành vi: 1. Trẻ em bị hiếp dâm. 2. Trẻ em bị cưỡng dâm. 3. Trẻ em bị giao cấu. 4. Trẻ em bị dâm ô. 5. Trẻ em bị sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức” (Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, 2019).

Luật Trẻ em quy định trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục (Điều 25).

Để thực hiện, bảo đảm quyền này của trẻ em, pháp luật ghi nhận các cách thức để phòng, chống XHTD trẻ em: Chiếu theo quy định của Luật Trẻ em, chúng ta có ba cấp độ bảo vệ trẻ em: cấp độ phòng ngừa (Điều 48), cấp hỗ trợ (Điều 49), cấp can thiệp (Điều 50).

Ngoài ra, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em cũng có các nội dung cụ thể về các kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, tại mục 3 từ Điều 27 đến Điều 32.

Để thực hiện Luật về phòng, chống XHTD trẻ em, Luật Trẻ em cũng quy định về vai trò của Nhà nước trong việc phòng, chống XHTDTE tại Điều 88 theo đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và cơ quan bảo vệ pháp luật hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi XHTD trẻ em.

Thứ hai, Bộ luật Hình sự (Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, 2019) quy định các hành vi XHTD trẻ em là những hành vi phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm 5 tội: tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm người đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146), đồng thời Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi đã có tăng thêm một điều luật mới (Điều 147) quy định về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm, là những quy định hợp lý trong điều kiện có rất nhiều hành vi XHTD mới xảy ra rất tinh vi và khó lường: xâm hại tình dục qua mạng, mua trinh người chưa thành niên…

Nếu hành vi XHTD chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong Bộ luật Hình sự thì sẽ được xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, về cơ bản dưới góc độ ghi nhận pháp luật chúng ta cũng đã ghi nhận khá đầy đủ các khái niệm, liệt kê các hành vi XHTD cũng như các cấp độ để bảo vệ trẻ em trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Bên cạnh những điểm tiến bộ thì hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn bộc lộ một số điểm hạn chế cần phải nghiên cứu bổ sung:

+ Về khái niệm XHTD, chiểu theo các quy định của pháp luật quốc tế và khái niệm XHTD trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, chúng ta nhận thấy quy định của pháp luật Việt Nam đang theo hướng liệt kê các hành vi XHTD mà chưa bao quát hết các hành vi XHTD trẻ em là “tất cả các hành vi tình dục không mong muốn, có thể bao gồm cả hành vi xâm hại có tiếp xúc hay hành vi xâm hại không tiếp xúc” (Australian AID, 2010). Quy định theo hướng liệt kê nên chưa thể dự liệu được các hành vi XHTD mới sẽ xuất hiện trong tương lai.

Luật Trẻ em chỉ liệt kê tên gọi các hành vi XHTD trẻ em, còn để hiểu cụ thể và thống nhất từng hành vi XHTD trẻ em thì chúng ta cần phải tìm trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) và các văn bản hướng dẫn thi hành (Thư viện Pháp luật, 2017). Tuy nhiên, cho đến nay chưa có văn bản dưới Luật nào đưa ra khái niệm đầy đủ, định nghĩa nhìn thẳng thắn vào các hành vi XHTD là gì. Ví dụ: tội dâm ô trẻ em quy định “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…”. Điều luật không quy định cụ thể thế nào là “hành vi dâm ô”, trong khi đó trong đời sống tình dục lại có muôn vàn sắc thái: vuốt má, cưỡng hôn… gây ra tình trạng khó kết tội trạng thỏa đáng đối với hành vi XHTD trẻ em.

Gần đây, Tòa án nhân dân Tối cao đang xây dựng Dự thảo và xin ý kiến đóng góp cho Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự  về việc xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Theo Dự thảo nghị quyết (Dự thảo 4), “Xâm hại tình dục trẻ em là hoạt động tình dục xâm hại trẻ em hoặc dụ dỗ, tổ chức cho trẻ em tham gia hoạt động tình dục. Độ tuổi xác định trẻ em là dưới 16 tuổi. Hoạt động xâm hại tình dục trẻ em được thực hiện do đồng thuận với trẻ em dưới 13 tuổi; do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ…” (Điều 2) và có liệt kê các Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau đây: a) Hành vi quan hệ tình dục của người cùng giới tính; b) Hành vi quan hệ tình dục của người khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục tiếp xúc về thể chất với cơ thể trẻ em nhưng không có mục đích giao cấu; c) Hành vi quan hệ tình dục của những người khác giới tính thuộc một trong các trường hợp: sử dụng bộ phận sinh dục xâm nhập vào bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể; sử dụng bộ phận khác trên cơ thể xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm; sử dụng dụng cụ tình dục, dụng cụ khác xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể” (Tòa án nhân dân tối cao, 2019). Tuy nhiên, đến thời điểm này Nghị quyết chưa được thông qua khiến các cơ quan pháp luật không biết căn cứ vào đâu để xử lý.

+ Để xử lý các hành vi XHTD đối với trẻ em, chúng ta phải theo một quy trình tố tụng nghiêm ngặt được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Thư viện Pháp luật, 2015) và cần có đầy đủ các chứng cứ chứng minh. Tuy nhiên, để xác định các hành vi XHTD đặc biệt là các hành vi dâm ô với trẻ em, thực tế rất khó để xác định vì nhiều vụ dâm ô thường diễn ra ở nơi vắng vẻ, chỉ có lời kể của trẻ nên việc đòi hỏi phải có chứng cứ vật chất là rất khó. Một ví dụ điển hình gần đây đó là vụ ông Nguyễn Hữu Linh 61 tuổi có hành vi dâm ô với cháu bé trong thang máy, nếu không có camera ghi hình và sự phẫn nộ của cộng đồng xã hội thì khó có thể kết tội đối với ông ta (Hải Duyên, 2019). Đó cũng là vấn đề đặt ra để chúng ta cùng suy nghĩ về phạm vi áp dụng đối với tội dâm ô trẻ em.

+ Vấn đề xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi XHTD hiện nay đang được áp dụng theo Nghị định số 167/2013 NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Thư viện Pháp luật, 2013). Theo đó, những người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu gẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác thì bị xử phạt với mức phạt là 100-300.000 đồng (Điều 5). Nghị định này dùng để áp dụng, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi XHTD: chọc ghẹo, vuốt má, xoa lưng, nói lời yêu đương... chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự và áp dụng chung không có phân loại nhóm đối tượng là trẻ em hay người lớn, cũng là vấn đề bất cập hiện nay. Ngoài ra, Nghị định này ra đời từ năm 2013, tức là nó đã có độ lùi, trễ rất lớn về mặt thời gian và không có sự tương thích với tình hình xã hội hiện nay, vì trên thực tế có rất nhiều hành vi quấy rối tình dục nói chung và quấy rối tình dục với trẻ em nói riêng xảy ra nhưng chưa được ghi nhận trong Luật Trẻ em cũng như Bộ luật Hình sự cũng là vấn đề chúng ta cần nghiên cứu thêm.

Từ khi phê chuẩn công ước QTE đến nay hoạt động phòng, chống XHTD trẻ em luôn được Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Chúng ta, đã tiến hành nhiều chương trình, tập huấn, hướng dẫn phòng, chống XHTD trẻ em trong cộng đồng, nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua tình hình các hành vi XHTD trẻ em vẫn gia tăng, các tội phạm XHTD trẻ em có chiều hướng tăng về tính chất và mức độ nghiêm trọng. Các hành vi hiếp dâm, giao cấu và dâm ô với trẻ em xảy ra còn nhiều và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của trẻ em, trong đó nhiều vụ án gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Theo thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em, giảm 2,8% so với năm 2017. Trong đó, số vụ án XHTD trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Trong đó: Hiếp dâm trẻ em: 425 vụ, 411 đối tượng, xâm hại 391 em; Cưỡng dâm trẻ em: 06 vụ, 06 đối tượng, xâm hại 06 em; Giao cấu với trẻ em : 606 vụ, 591 đối tượng, xâm hại 531 em; Dâm ô với trẻ em: 232 vụ, 225 đối tượng, xâm hại 213 em (Tùng Dương, 2018).

Nhưng những số liệu thống kê này chỉ là “bề nổi của tảng băng” khi mà phần lớn hành vi xâm hại trẻ em chủ yếu xảy ra ở những nơi kín đáo hoặc ít ngờ tới, như trong nhà, ở trường học, thang máy. Người thực hiện đa phần là người thân quen của trẻ và trẻ thường lo sợ, dấu diếm. Chính điều này đã gây ra sự hoang mang trong dư luận xã hội. Trên thực tế, trẻ có thể bị xâm hại tình dục dưới nhiều hình thức khác nhau trong đó phổ biến là xâm hại bằng cách đụng chạm và không đụng chạm. Xâm hại tình dục trẻ em bằng cách đụng chạm bộc lộ qua một số hành vi như hôn hít hoặc ôm trẻ theo kiểu tình dục, sờ mó vào bộ phận sinh dục của trẻ, hoặc bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người lớn hoặc của một đứa trẻ lớn hơn, ép trẻ thực hiện hành vi mại dâm… Xâm hại tình dục trẻ em bằng cách không đụng chạm là những hành vi như dùng lời nói hoặc tranh ảnh khiêu dâm để làm cho trẻ sốc, hoặc cho trẻ xem sách báo khiêu dâm…

Chúng ta đã tiến hành đồng thời các hình thức để phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với các hành vi XHTD trẻ em như: lồng ghép các chương trình giới tính, XHTD trong nhà trường, gia đình, xã hội, công tác tuyên truyền kiến thức về phòng, chống XHTD trẻ em trong thời gian qua đã được triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau: trực tiếp tại nhà trường, tổ dân phố, làng xóm... gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng.. bởi các cơ quan, tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và chính bản thân trẻ em còn thiếu kiến thức pháp luật cơ bản về quyền trẻ em và các kiến thức về phòng, chống XHTD với trẻ em.

2.2. Một số kiến nghị hệ thống pháp luật về phòng, chống XHTD trẻ em

Như vậy, mặc dù quy định pháp luật đã có nhưng thực tế các hành vi XHTD với trẻ em vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, nó xảy ra với bất kỳ em bé nào dù ở thành thị hay nông thôn, người gây ra hành vi XHTD có thể là người thân lẫn người xa lạ. Do đó, để phòng, chống XHTD trẻ em chúng ta phải tiến hành đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, việc tổ chức thực hiện phòng ngừa hành vi XHTD với trẻ em cần:

+ Tăng cường hơn nữa các chương trình giáo dục giới tính cho chính các em từ khi các em 4-5 tuổi.

+ Tiến hành tuyên truyền, phổ biến cho tất cả mọi người hiểu về XHTDTE là gì, đồng thời cung cấp cho chính bố mẹ những thông tin pháp luật về phòng, chống XHTDTE cũng như trang bị cho bố mẹ những hiểu biết về giới tính để từ đó họ chính là người hướng dẫn, giúp các con của họ tránh những nguy cơ bị XHTD, đồng thời, phát hiện ra những thay đổi của con trẻ nếu không may con bị XHTD để có những xử trí kịp thời. Hơn thế nữa, cần phải trang bị cho cha mẹ những kỹ năng, kiến thức để đồng hành cùng con khi không may con mình là nạn nhân của các vụ xâm hại, tránh những lời nói đổ lỗi…

+ Học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới về việc lựa chọn những người thường xuyên tiếp xúc và làm việc với trẻ, những người này phải là những người có tiêu chuẩn đạo đức và có điều kiện về lý lịch tư pháp tốt (lý lịch này phải được giám sát kiểm tra thường xuyên).

Thứ hai, về mặt pháp luật, chúng ta cần có chỉnh sửa cho phù hợp hơn ở các khía cạnh sau:

+ Các định nghĩa, cách giải thích, cách hiểu về XHTD trẻ em trong Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em hiện nay không vênh so với pháp luật quốc tế, nhưng chỉ mang tính liệt kê, chưa dự liệu được các hành vi XHTD trẻ em sẽ có thể xuất hiện, do đó, để tránh bỏ lọt những hành vi xâm hại tình dục trẻ em như phần trên đã phân tích thì Tòa án nhân dân Tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn thống nhất cách hiểu đối với các tội XHTD nói chung và XHTDTE nói riêng.

+ Bên cạnh đó, Nghị định số 167/2013 NĐ-CP của Chính phủ (Thư viện Pháp luật, 2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội cần nghiên cứu sửa đổi để đáp ứng được sự thay đổi của thực tiễn đời sống để xử phạt với các hành vi quấy rối tình dục nói chung và quấy rối tình dục đối với trẻ em nói riêng nếu hành vi quấy rối tình dục chưa được coi là tội phạm.

Xâm hại tình dục trẻ em trong những năm gần đây tại Việt Nam trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội. Hậu quả của vấn đề này hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ, do đó, Luật cần cụ thể hóa hơn nữa vai trò của Nhà nước cũng như sự phối hợp giữa các ban ngành chức năng, truyền thông báo chí, cũng như gia đình trong phòng, chống XHTDTE để giảm thiểu đến mức thấp nhất những hành vi xâm hại xảy ra.

Công tác giám sát thực thi pháp luật về phòng, chống XHTD trẻ em cần thực hiện tốt, đồng thời, cần khẩn trương tiến hành rà soát và giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống XHTDTE để có những con số thống kê xác định được nguyên nhân và diễn biến của tội phạm XHTDTE, từ đó tìm ra căn nguyên phạm tội, đặc điểm tội phạm sẽ giúp chúng ta phòng ngừa tội phạm đạt kết quả cao hơn và sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật tốt hơn.n

 

Chú thích

(1) Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học cấp cơ sở “Thực hiện Luật Trẻ em: Nhận thức của cha mẹ về xâm hại tình dục đối với trẻ em” năm 2019 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

 

Tài liệu trích dẫn

Australian AID. 2010. Cẩm nang của chương trình tài trợ về phòng ngừa xâm phạm tình dục trẻ em.

CAPTA. 2010. Definitions of child abuse and neglect in Federal Law. https://www.childwelfare.gov/topics/can/defining/federal/.

Công báo chính phủ. 2018. Luật Trẻ em. Công báo  số 839 + 840 ngày 06/08/2018.

Cổng thông tin điện tử Chính Phủ. 2019. Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính Phủ: Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=189758.

Cổng thông tin điện tử Chính Phủ. 2019. Luật số 100/2015/QH13 của Quốc Hội: Bộ luật Hình sự. http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=183216.

CFCA Resource Sheet. 2018. What is child abuse and neglect. https://aifs.gov.au/cfca/publications/what-child-abuse-and-neglect.

David Finkelhor. 2009.  The prevention of Childhood Sexual Abuse – The Future of Children. pp. 169-194.

Hải Duyên. 2019. Nguyễn Hữu Linh bị tuyên án 1 năm 6 tháng tù. https://vnexpress.net/phap-luat/nguyen-huu-linh-bi-tuyen-an-1-nam-6-thang-tu-3971482.html.

Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân (CRIGHTS). 2011. Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương. Nxb. Lao động- Xã hội.

NSPCC. 2019. Protecting children from harmful sexual beheviour. https://learning.nspcc.org.uk/child-abuse-and-neglect/harmful-sexual-behaviour/.

Thư viện Pháp luật. 2017. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100.2015/QH13. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/ Luat-sua-doi-Bo-luat-Hinh-su-2017-354053.aspx.

Thư viện Pháp luật. 2015. Bộ luật Tố tụng Hình sự. Luật số 101/2015/QH13. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-hinh-su-2015-296884.aspx.

Thư viện Pháp luật. 2013. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP: Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/vi-pham-hanh-chinh/Nghi-dinh-167-2013-ND-CP-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-an-ninh-an-toan-xa-hoi-phong-chua-chay-213552.aspx

Tòa án nhân dân tối cao. 2019. Dự thảo 04 : Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em. https://vbpq.toaan.gov.vn/ webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName= TAND079022.

Tùng Dương. 2018. Hơn 1.500 trẻ em bị xâm hại trong năm 2018,  https://petrotimes.vn/hon-1500-tre-em-bi-xam-hai-trong-nam-2018-526194.html  ngày 16/01/2019, truy cập ngày 15/8/2019.

Unicef. 2018. Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em. https://www.unicef.org/vietnam/sites/unicef.org.vietnam/files/2018-08/03_-_Cong_uoc_LHQ_ve_quyen_tre_em_1989.pdf.

WHO. 2016. Guidelines for medico-legal care for victims of sexual violence. https://www.who.int/violence_injury_prevention/resources/publications/en/guidelines_chap7.pdf.

 

 

 


Ghi chú:

* ThS., Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.   

** ThS., Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu  Gia đình và Giới, Số 5 – 2019

Các tin đã đưa ngày: