NGUYỄN HỮU MINH
GS.TS., Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Tóm tắt: Quyền quyết định trong gia đình là một trong những chỉ báo quan trọng đánh giá về mức độ bình đẳng giới. Dựa trên số liệu của Đề tài cấp Quốc gia “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta”, với 2894 đại diện hộ gia đình và 344 cán bộ huyện và xã tại 8 tỉnh, bài viết phân tích quan niệm của người dân và cán bộ dân tộc thiểu số về quyền ra quyết định đối với công việc trong gia đình. Bài viết chỉ ra rằng, khuôn mẫu truyền thống trong việc ra quyết định trong gia đình đã có sự biến đổi ở người dân các dân tộc thiểu số, tuy rằng mức độ bảo lưu có khác nhau tùy theo loại hình công việc. Đại bộ phận người dân ủng hộ phương án hai giới cùng ra quyết định đối với các công việc gia đình. Tỷ lệ cán bộ có quan niệm bình đẳng hơn về quyền quyết định cao hơn so với người dân nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ bảo lưu quan niệm truyền thống. Tùy thuộc vào từng loại hình công việc mà các yếu tố như học vấn, giới tính, tuổi, dân tộc có ảnh hưởng ở mức độ khác nhau đến quan niệm của cán bộ và người dân về quyền ra quyết định(*).
Từ khóa: Phụ nữ; Gia đình; Bình đẳng giới; Dân tộc thiểu số; Quyền quyết định trong gia đình; Yếu tố tác động.
1. Mở đầu
Quyền quyết định trong gia đình là một trong những chỉ báo quan trọng đánh giá về mức độ bình đẳng giới. Cho đến nay, kết luận khá nhất quán từ các nghiên cứu là người chồng thường quyết định những việc được coi là lớn, là quan trọng trong gia đình còn người vợ quyết định những việc thuộc về đời sống hàng ngày (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan khác 2008; Trần Thị Vân Anh, Nguyễn Hữu Minh, 2008; Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Hồng 2019; v.v). Tuy nhiên, cũng theo một số kết quả nghiên cứu nêu trên, tùy thuộc vào loại hình ra quyết định và các đặc điểm cá nhân hay gia đình, cộng đồng mà quan niệm về quyền ra quyết định trong gia đình có khác nhau. Chẳng hạn, đối với các công việc như sản xuất, kinh doanh hộ gia đình; mua bán xây sửa nhà cửa, đất đai, quan hệ trong họ hàng và cộng đồng, v.v. thì nam giới thường được coi là người ra quyết định. Trong khi đó, với những công việc như chi tiêu hàng ngày, việc chăm sóc con cái hay người ốm, đau lại thuộc về quyền quyết định của phụ nữ. Tương tự, quyền ra quyết định thuộc về nam giới hay phụ nữ còn tùy thuộc vào người đó là dân tộc nào, theo chế độ phụ hệ hay mẫu hệ bởi lẽ đặc điểm nổi bật trong quan hệ giới ở các dân tộc theo chế độ phụ hệ là đánh giá nam giới cao hơn phụ nữ (Đỗ Thị Bình, 1999; Nguyễn Quốc Phẩm, Nguyễn Thị Hà, 2014), còn với các dân tộc theo chế độ mẫu hệ, vị trí của phụ nữ cao hơn (Nguyễn Minh Tuấn, 2012).
Quan niệm về việc ai là người nên ra quyết định có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực thi quyền quyết định trong thực tiễn. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có phân tích một cách hệ thống về quyền ra quyết định trong gia đình nói chung và quan niệm về việc ai nên là người ra quyết định trong gia đình nói riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ở các địa phương, cán bộ là người truyền tải và triển khai các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới đến người dân nhưng cũng chưa có những phân tích xem thực sự họ quan niệm như thế nào về vấn đề ai là người ra quyết định trong gia đình. Vì vậy, việc nhận diện quan niệm của cán bộ và người dân vùng dân tộc thiểu số về vấn đề ai nên là người ra quyết định trong gia đình cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến quan niệm đó là cần thiết.
2. Nguồn số liệu, cách tiếp cận và phương pháp phân tích
Nguồn số liệu
Bài viết dựa trên số liệu khảo sát năm 2018-2019 của Đề tài cấp Quốc gia “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta” thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016- 2020 về “Những vấn đề cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”, thông qua việc phỏng vấn bằng bảng hỏi đối với 2.894 đại diện hộ gia đình ở địa bàn nông thôn, 344 cán bộ huyện và xã, tại 8 tỉnh bao gồm Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Thanh Hóa, Thừa Thiên- Huế, Đắk Lắk, Sóc Trăng, đại diện cho 14 nhóm dân tộc thiểu số thuộc các vùng miền núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Số lượng nam giới được phỏng vấn là 1414 người (chiếm 48,9%) và phụ nữ là 1480 (51,1%). Tỷ lệ người trả lời ở các nhóm tuổi khác nhau là: 24,5% cho nhóm 29 tuổi trở xuống; 33,0% cho nhóm 30-39; 23,8% cho nhóm 40-49; 18,7% cho nhóm 50 trở lên.
Cách tiếp cận
Câu hỏi đặt ra là cán bộ và người dân các dân tộc thiểu số hiện nay quan niệm như thế nào về việc ai nên là người ra quyết định trong gia đình, khuôn mẫu quan niệm đó bị tác động bởi những yếu tố nào, liệu người chồng hay người vợ có quyền quyết định khác nhau là dựa trên cơ sở giới tính hay vì một lý do nào khác?
Cách tiếp cận hiện đại hóa (Goode, 1963, 1982, 1987) gợi ra rằng, dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, khuôn mẫu gia đình với cặp vợ chồng là trung tâm (conjugal family) sẽ là xu hướng chủ đạo. Trong các gia đình này, việc phân công lao động và ra quyết định về các công việc gia đình sẽ tiến tới bình đẳng hơn. Các yếu tố gắn liền với quá trình hiện đại hóa chính là học vấn tăng lên, cơ hội hoạt động nghề nghiệp ngoài phạm vi gia đình và có trình độ chuyên môn cao và đô thị hóa. Gợi ý từ cách tiếp cận hiện đại hóa để trả lời câu hỏi nêu trên là những người có học vấn cao sẽ bình đẳng hơn trong các quyết định gia đình. Những người trẻ tuổi được xem là những người đi tiên phong trong việc tiếp nhận cái mới, họ mang những đặc trưng hiện đại hơn và do đó cũng được giả định là sẽ ủng hộ một quan hệ bình đẳng hơn trong việc đưa ra các quyết định gia đình.
Thực tế cho thấy với các quyết định liên quan đến học tập, nghề nghiệp và hôn nhân của con cái thì tiếng nói của phụ nữ trong việc ra quyết định được thể hiện rõ hơn ở nhóm học vấn cao (Lê Ngọc Lân, Nguyễn Phương Thảo, 2006). Về tác động của độ tuổi tới quyết quyết định của người vợ và người chồng trong lĩnh vực sản xuất ở khu vực nông thôn, Phạm Thị Huệ (2008) và Lê Ngọc Văn cùng cộng sự (2002) phát hiện rằng, người phụ nữ ở độ tuổi càng lớn thì tỷ lệ giữ vai trò quyết định càng cao. Tuy nhiên, theo Lê Ngọc Lân (2000), những phụ nữ từ tuổi trung niên (35-49) và lớp trẻ thường năng động hơn và có vị thế cao hơn lớp phụ nữ lớn tuổi trong gia đình. Nghiên cứu của Nguyễn Hữu Minh và Trần Thị Hồng (2019) cũng chỉ ra rằng, những gia đình mà người vợ có độ tuổi trẻ thì làm tăng khả năng cả hai vợ chồng cùng có quyền quyết định nhưng không có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng người chồng có quyền quyết định.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của học vấn hay nghề nghiệp cũng rất khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế - xã hội và nền văn hóa. Nghiên cứu của Nguyễn Hữu Minh và Trần Thị Hồng (2019) gợi ra rằng khi mức độ hiện đại hóa được nâng cao thì tác động của các yếu tố đặc trưng cho mức độ hiện đại hóa có thể sẽ giảm khả năng tác động.
Cách tiếp cận văn hóa đòi hỏi phải quan tâm đến các yếu tố văn hóa khi phân tích một vấn đề cụ thể, trong trường hợp này là khuôn mẫu quyền quyết định trong gia đình ở vùng dân tộc thiểu số. Theo UNESCO (2001), “Văn hóa cần được coi là một tập hợp các đặc trưng về tinh thần, vật chất, trí tuệ và tình cảm của một xã hội hoặc một nhóm người, và rằng bên cạnh nghệ thuật và văn chương, nó còn bao hàm cả lối sống, cách sống trong cộng đồng, hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng”. Nussbaum (1999) chỉ ra rằng, các giá trị và quy tắc văn hóa, xã hội là tầng móng của hệ thống các quyền và luôn có tác động trực tiếp việc thực hiện các quyền của phụ nữ. Đối với phụ nữ, các giá trị và quy tắc văn hóa, xã hội có ý nghĩa lớn hơn nam giới, do hành vi của giới nữ thường bị kiểm soát chặt chẽ hơn bởi dư luận xã hội và gia đình. Leung và Bond (2004) nhấn mạnh rằng, niềm tin, quy tắc, và kỳ vọng đối với các cá nhân trong một xã hội chịu ảnh hưởng bởi văn hoá và có thể ảnh hưởng đến sự tiến bộ của phụ nữ.
Đối với yếu tố văn hoá, điểm nổi bật nhất là định kiến giới truyền thống cho rằng đàn ông như cột cái trong nhà, họ phải là người quyết định mọi việc hay chí ít là quyết định những việc lớn. Thực tế cũng chỉ ra rằng, ở một số xã hội chưa phát triển, quan hệ quyền lực truyền thống có ý nghĩa quyết định chi phối mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình (Chen, 2005; Poortman, Lippe, 2009). Ở Việt Nam, phát hiện của các tác giả Mai Huy Bích và Lê Thị Kim Lan (1999) cho thấy, trong khi người vợ là người đảm nhận hầu hết các công việc, thậm chí họ mang lại thu nhập chính cho gia đình, nhưng trong nhiều gia đình, phần lớn quyền quyết định thuộc về người chồng, người vợ chỉ là người thực thi các quyết định đó. Ở đây, yếu tố văn hoá với quan niệm “trọng nam khinh nữ” có ý nghĩa quan trọng tác động đến vai trò của vợ và chồng trong việc ra quyết định. Quan niệm truyền thống về vai trò, trách nhiệm của người vợ, người chồng, coi nam giới là chủ gia đình khiến các thành viên và cả người vợ cho dù có học vấn hay thu nhập tốt hơn cũng luôn “nhường” quyền quyết định cho nam giới/ người chồng. Nói cách khác, đặc điểm xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số sẽ khiến cho khuôn mẫu quyền ra quyết định trong gia đình và vai trò của các yếu tố hiện đại hóa biểu hiện theo một cách khác so với những gì mà các nghiên cứu đã phát hiện.
Phương pháp phân tích
Từ gợi ý của các cách tiếp cận trên, bài viết sử dụng các biến số phụ thuộc và độc lập sau đây để phân tích quan niệm về quyền ra quyết định trong gia đình và các yếu tố tác động đến quan niệm đó đối với người dân và cán bộ dân tộc thiểu số.
Biến số phụ thuộc:
1) Quan niệm của cán bộ về người quyết định (nam giới, phụ nữ, cả hai) các công việc cụ thể trong gia đình.
2) Quan niệm của người dân về người quyết định (nam giới, phụ nữ, cả hai) các công việc cụ thể trong gia đình.
Trong bảng hỏi có nêu lên bảy nhóm quyết định công việc, bao gồm công việc sản xuất/kinh doanh; việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai; việc mua bán tài sản có giá trị của gia đình; việc phân chia tài sản; các quan hệ trong gia đình và họ hàng; việc học của các thành viên trong gia đình; việc chi tiêu hàng ngày của gia đình. Với mỗi loại hình người trả lời sẽ được hỏi về loại hình công việc đó nên do nam giới hay phụ nữ quyết định. Trong khuôn khổ bài viết này không trình bày hết các kết quả phân tích theo 7 nhóm công việc mà chỉ tập trung vào hai loại hình quyết định có khuôn mẫu truyền thống dành cho nam giới và phụ nữ, đó là: 1) Quyết định mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai; và 2) Quyết định việc chi tiêu hàng ngày.
Biến số độc lập:
Các biến số liên quan đến vai trò của yếu tố hiện đại hóa: Học vấn của người trả lời (nhóm người dân); Độ tuổi của người trả lời (nhóm người dân và nhóm cán bộ); Loại hình công việc của cán bộ (cấp xã, cấp huyện).
Các biến số liên quan đến yếu tố văn hóa: Dân tộc của người trả lời (đối với người dân và cán bộ) là phụ hệ/mẫu hệ; giới tính của người trả lời (đối với người dân và cán bộ).
Phân loại của các biến nêu trên sẽ được trình bày ở bảng kết quả phân tích.
3. Quan niệm của người dân về quyền quyết định công việc trong gia đình và các yếu tố ảnh hưởng
Như đã nêu ở trên, với mỗi loại hình công việc trong gia đình, người trả lời sẽ được hỏi xem ai nên là người ra quyết định, nam giới, phụ nữ hay cả hai. Kết quả cho thấy (Bảng 1) khuôn mẫu quyền ra quyết định của hai loại công việc này thể hiện tương đối rõ mức độ bảo lưu tập quán truyền thống. Đối với việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai tỷ lệ nam giới nên là người ra quyết định (khoảng 1/3 số ý kiến) cao hơn hẳn so với phụ nữ, trong khi đó, với việc chi tiêu hàng ngày thì tỷ lệ phụ nữ nên là người quyết định (khoảng 1/3 số ý kiến) cao hơn hẳn so với nam giới. Điểm chung đáng lưu ý đối với hai loại hình công việc này là tỷ lệ ý kiến cho rằng nên để cả hai giới cùng quyết định là cao nhất (65,8% và 58,4%). Như vậy, về đại thể có thể nhận xét là khuôn mẫu ra quyết định trong gia đình truyền thống đã có sự biến đổi tuy rằng còn mức độ bảo lưu khác nhau tùy theo loại hình công việc.
So sánh theo giới tính, nhóm tuổi, học vấn, trình độ chuyên môn và nhóm dân tộc ở Bảng 1 có thể rút ra một số đặc điểm sau:
* Có một xu hướng khá nhất quán về tỷ lệ cao hơn phụ nữ cho rằng phụ nữ nên là người quyết định các công việc. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tỷ lệ nam giới cho rằng nam giới hoặc cả hai giới nên quyết định việc chi tiêu hàng ngày của gia đình cao hơn so với phụ nữ.
* Nhóm tuổi trẻ (dưới 30) có xu hướng bảo lưu khuôn mẫu truyền thống hơn so với hai nhóm tuổi ở giữa (30-39 và 40-49) đối với việc quyết định các công việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai, theo nghĩa tỷ lệ ủng hộ phương án cả hai giới cùng quyết định thấp hơn. Đối với việc chi tiêu hàng ngày, sự khác biệt giữa các nhóm tuổi không đáng kể.
* Có xu hướng rõ ràng rằng học vấn càng cao thì tỷ lệ ủng hộ cả hai giới cùng ra quyết định đối với công việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai càng cao, tuy nhiên xu hướng này không thể hiện đối với việc chi tiêu hàng ngày.
* Có sự khác biệt giữa ý kiến của người trả lời ở các nhóm dân tộc phụ hệ và mẫu hệ về việc ai nên là người quyết định các công việc, tuy nhiên xu hướng không thật rõ ràng. Đối với công việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai, tỷ lệ người thuộc dân tộc mẫu hệ ủng hộ phương án nam giới nên là người quyết định thấp hơn và phụ nữ là người quyết định cao hơn so với người ở dân tộc phụ hệ. Đối với việc chi tiêu hàng ngày, tỷ lệ rất cao người trả lời ở nhóm mẫu hệ ủng hộ phương án phụ nữ nên là người quyết định, cao khoảng gấp đôi so với người trả lời ở nhóm phụ hệ và tỷ lệ ủng hộ phương án cả hai giới cùng quyết định thấp hơn hẳn.
Bảng 1. Tỷ lệ người trả lời ủng hộ các phương án quyết định về việc mua bán, xây sửa nhà, đất và chi tiêu hàng ngày chia theo các nhóm xã hội
Đặc điểm người
trả lời
|
Mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai
|
Chi tiêu hàng ngày
|
Nam
|
Nữ
|
Cả hai
|
N
|
Nam
|
Nữ
|
Cả hai
|
N
|
Chung
|
32,3
|
1,8
|
65,8
|
2866
|
8,1
|
33,5
|
58,4
|
2887
|
Giới tính
|
***
|
|
|
|
***
|
|
|
|
Nam
|
33,9
|
1,1
|
65,0
|
1398
|
10,1
|
30,0
|
59,9
|
1410
|
Nữ
|
30,9
|
2,6
|
66,6
|
1468
|
6,2
|
36,8
|
57,1
|
1477
|
Nhóm tuổi
|
**
|
|
|
|
|
|
|
|
29 trở xuống
|
35,2
|
2,2
|
62,7
|
697
|
9,4
|
29,7
|
60,9
|
704
|
30-39
|
31,5
|
0,8
|
67,6
|
951
|
7,6
|
34,0
|
58,3
|
955
|
40-49
|
29,9
|
1,8
|
68,4
|
683
|
7,6
|
33,6
|
58,9
|
688
|
50 trở lên
|
33,3
|
3,4
|
63,4
|
535
|
8,0
|
37,2
|
54,8
|
540
|
Học vấn
|
***
|
|
|
|
***
|
|
|
|
Mù chữ
|
42,2
|
2,8
|
55,0
|
469
|
15,3
|
25,5
|
59,2
|
478
|
Tiểu học
|
33,9
|
2,4
|
63,7
|
782
|
9,4
|
35,3
|
55,3
|
785
|
Trung học cơ sở
|
32,7
|
1,9
|
65,4
|
881
|
7,9
|
33,1
|
59,0
|
890
|
Trung học phổ thông trở lên
|
24,0
|
0,5
|
75,5
|
734
|
2,3
|
37,1
|
60,6
|
734
|
Nhóm dân tộc
|
**
|
|
|
|
***
|
|
|
|
Phụ hệ
|
33,6
|
1,2
|
65,2
|
1802
|
10,6
|
24,2
|
65,2
|
1815
|
Mẫu hệ
|
30,3
|
2,9
|
66,8
|
1064
|
3,8
|
49,2
|
47,0
|
1072
|
Mức ý nghĩa thống kê: *p<0,05; ** p< 0,01; *** p< 0,001
Nguồn: Số liệu khảo sát của Đề tài CTDT 21.17, 2018-2019
Để đánh giá rõ hơn các yếu tố ảnh hưởng đến quan niệm về quyền quyết định trong hai loại hình công việc trong gia đình, bài viết tập trung phân tích mô hình cả hai vợ chồng cùng quyết định, đặc trưng cho xu hướng biến đổi tích cực về bình đẳng giới trong quyền quyết định công việc gia đình. Các biến số độc lập đã nêu ở trên sẽ được đưa vào mô hình đa biến.
Kết quả phân tích đa biến sử dụng mô hình logistic (Bảng 2) cho thấy, đối với phương án cả hai cùng quyết định việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai, phụ nữ có khả năng ủng hộ cao hơn nam giới. So sánh theo các nhóm tuổi, điều hết sức quan tâm là nhóm tuổi trẻ nhất lại ít ủng hộ phương án cả hai cùng quyết định hơn so với nhóm 50 tuổi trở lên, trong khi nhóm 40-49 tuổi mức độ ủng hộ phương án này cao hơn. Học vấn tỏ ra là một yếu tố có vai trò quan trọng nhất trong việc làm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới. Học vấn của người trả lời càng cao thì mức độ ủng hộ phương án cả hai giới cùng quyết định càng cao. Đặc điểm nhóm dân tộc không thực sự có ý nghĩa trong việc tạo khác biệt về quan niệm cả hai giới cùng tham gia quyết định công việc quan trọng của gia đình này.
Bảng 2. Mô hình hồi quy logistic các yếu tố ảnh hưởng đến quan niệm cả hai cùng quyết định việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai và việc chi tiêu hàng ngày
Biến số độc lập
|
Mua bán/xây sửa
nhà cửa, đất đai
|
Chi tiêu hàng ngày
|
Tỷ số
chênh lệch
|
Số lượng
|
Tỷ số
chênh lệch
|
Số lượng
|
Giới tính người trả lời
|
|
|
|
|
Nam
|
0,8**
|
1398
|
1,1
|
1410
|
Nữ
|
1
|
1468
|
1
|
1477
|
Tuổi người trả lời
|
|
|
|
|
29 trở xuống
|
0,7*
|
697
|
1,2
|
704
|
30-39
|
1,1
|
951
|
1,1
|
955
|
40-49
|
1,3*
|
683
|
1,2
|
688
|
50 trở lên
|
1
|
535
|
1
|
540
|
Học vấn của người trả lời
|
|
|
|
|
Mù chữ
|
0,3***
|
469
|
0,8
|
478
|
Tiểu học trở xuống
|
0,5***
|
782
|
0,8
|
785
|
Trung học cơ sở
|
0,6***
|
881
|
0,9
|
890
|
Trung học phổ thông trở lên
|
1
|
734
|
1
|
734
|
Dân tộc của người trả lời
|
|
|
|
|
Phụ hệ
|
1,1
|
1802
|
2,1***
|
1815
|
Mẫu hệ
|
1
|
1064
|
1
|
1072
|
Số người trong mẫu
|
|
2866
|
|
2887
|
Mức ý nghĩa thống kê: * p<0,05; ** p< 0,01; ***p< 0,001
Nguồn: Số liệu khảo sát của Đề tài CTDT 21.17, 2018-2019
Ảnh hưởng của các yếu tố đối với việc quyết định chi tiêu hàng ngày của gia đình thể hiện khác với việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai. Yếu tố duy nhất có tác động mạnh đến quan niệm này là nhóm dân tộc. Những người thuộc nhóm dân tộc phụ hệ tỏ ra ủng hộ mạnh mẽ hơn phương án cả hai giới cùng tham gia quyết định.
4. Quan niệm của cán bộ về quyền ra quyết định trong gia đình và các yếu tố tác động
Việc phân tích quan niệm của cán bộ địa phương về việc ai là người nên ra quyết định trong các công việc gia đình tương tự như với câu hỏi đối với người dân nói chung. Có 344 cán bộ tham gia trả lời phiếu hỏi, trong đó có 163 cán bộ huyện và 181 cán bộ xã. Kết quả phân tích được trình bày ở Bảng 3.
Bảng 3. Tỷ lệ ý kiến ủng hộ của cán bộ đối với các phương án tham gia quyết định hai loại hình công việc mua bán/ xây sửa nhà cửa, đất đai và việc chi tiêu hàng ngày (%)
Đặc điểm cán bộ
|
Mua bán/xây sửa nhà cửa,
đất đai
|
Chi tiêu hàng ngày
|
Nam
|
Nữ
|
Cả hai
|
N
|
Nam
|
Nữ
|
Cả hai
|
N
|
Chung
|
13,7
|
0,9
|
85,4
|
342
|
1,8
|
30,1
|
68,1
|
342
|
Giới tính
|
|
**
|
Nam
|
16,5
|
0,5
|
83,0
|
200
|
3,0
|
25,5
|
71,5
|
200
|
Nữ
|
9,9
|
1,4
|
88,7
|
142
|
0,0
|
36,6
|
63,4
|
142
|
Nhóm tuổi
|
|
|
40 trở xuống
|
12,1
|
0,9
|
87,1
|
232
|
1,7
|
27,6
|
70,7
|
232
|
41 trở lên
|
17,4
|
0,9
|
81,7
|
109
|
1,8
|
35,8
|
62,4
|
109
|
Nhóm cán bộ
|
|
*
|
Cán bộ huyện
|
11,8
|
0,0
|
88,2
|
161
|
1,9
|
36,0
|
62,1
|
161
|
Cán bộ xã
|
15,5
|
1,7
|
82,9
|
181
|
1,7
|
24,9
|
73,5
|
181
|
Nhóm dân tộc
|
*
|
|
Phụ hệ
|
14,0
|
0,4
|
85,7
|
272
|
1,8
|
29,0
|
69,1
|
272
|
Mẫu hệ
|
14,8
|
3,3
|
82,0
|
61
|
1,6
|
34,4
|
63,9
|
61
|
Mức ý nghĩa thống kê: * p<0,05; ** p< 0,01; *** p< 0,001
Nguồn: Số liệu khảo sát của Đề tài CTDT 21.17, 2018-2019
Tỷ lệ cán bộ ủng hộ phương án cả hai giới nên cùng quyết định các loại hình công việc đều cao hơn so với tỷ lệ ủng hộ tương ứng của người dân. Như vậy có thể nhận xét là nhận thức của các nhóm cán bộ cao hơn so với người dân. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này cũng khác nhau tùy loại hình công việc. Đối với công việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai, tỷ lệ ủng hộ phương án cả hai giới cùng quyết định cao hơn so với việc chi tiêu hàng ngày (85,4% so với 68,1%), tuy nhiên vẫn còn hơn 10% ủng hộ phương án để nam giới là người quyết định. Đáng quan tâm là, còn khoảng 30% vẫn ủng hộ phương án phụ nữ là người quyết định đối với việc chi tiêu hàng ngày, không khác biệt nhiều so với tỷ lệ ủng hộ của người dân.
Có những khác biệt nhất định giữa các nhóm cán bộ về việc ủng hộ các phương án quyền ra quyết định. Bảng 3 trình bày kết quả phân tích hai biến về quan niệm của các cán bộ về hai loại hình quyết định này.
* Không có sự khác biệt đáng kể giữa cán bộ nam và nữ về các phương án ai là người quyết định mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai. Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm là tỷ lệ ủng hộ của cán bộ nữ đối với việc cả hai giới cùng quyết định việc chi tiêu hàng ngày lại thấp hơn cán bộ nam (63,4% so với 71,5%), trong khi tỷ lệ ủng hộ phụ nữ quyết định vấn đề này cao hơn rõ rệt so với cán bộ nam (36,6% so với 25,5%).
* Sự khác biệt giữa các cán bộ theo nhóm tuổi không thực sự rõ ràng ở hai loại công việc. Chỉ duy nhất có việc chi tiêu hàng ngày, tỷ lệ cán bộ trẻ tuổi (40 trở xuống) ủng hộ phương án cả hai cùng quyết định cao hơn khoảng 8 điểm phần trăm so với cán bộ lớn tuổi (41 trở lên) và tương tự 8 điểm phần trăm thấp hơn cho rằng phụ nữ nên làm việc đó.
* Không có khác biệt cơ bản giữa cán bộ huyện và xã về tỷ lệ ủng hộ phương án cả hai giới cùng quyết định đối với việc mua bán, xây sửa nhà cửa, đất đai. Phát hiện đáng lưu ý là tỷ lệ cán bộ huyện đồng ý phương án cả hai giới cùng quyết định việc chi tiêu gia đình lại thấp hơn so với cán bộ xã (chênh nhau khoảng 11 điểm phần trăm), trong khi tỷ lệ ủng hộ phụ nữ làm việc đó lại cao hơn (cũng khoảng 11 điểm phần trăm chênh lệch).
* Hầu như không có khác biệt đáng kể về quan niệm giữa nhóm cán bộ thuộc nhóm dân tộc phụ hệ và mẫu hệ đối với các phương án quyền quyết định, mặc dù tỷ lệ ủng hộ phương án cả hai giới cùng quyết định ở các cán bộ thuộc nhóm dân tộc phụ hệ có cao hơn một chút so với nhóm dân tộc mẫu hệ ở cả hai loại hình công việc.
Các biến số độc lập nêu trên đã được đưa vào mô hình phân tích đa biến logistic để xác định rõ hơn vai trò của các yếu tố đối với quan niệm của cán bộ về phương án cả hai giới cùng quyết định các công việc gia đình. Biến phụ thuộc là sự đồng ý phương án cả hai giới cùng quyết định công việc gia đình với việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai và việc chi tiêu hàng ngày của gia đình. Kết quả phân tích được trình bày ở Bảng 4.
Kết quả phân tích đa biến cho thấy các đặc điểm của cán bộ không có ý nghĩa quan trọng đối với quan niệm của họ ủng hộ phương án cả hai giới nên cùng quyết định việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai. Nói cách khác, nhận thức của cán bộ về vấn đề này tương đối nhất quán cho dù họ là ai, nam hay nữ, trẻ tuổi hay lớn tuổi, cán bộ cấp nào, thuộc nhóm dân tộc nào. Tuy nhiên đối với việc chi tiêu hàng ngày thì có những khác biệt nhất định giữa nam và nữ cán bộ, mức độ cán bộ nam ủng hộ phương án cả hai cùng quyết định cao gấp rưỡi cán bộ nữ. Ngoài ra, một phát hiện đáng chú ý là cán bộ cấp huyện lại ít khả năng ủng hộ phương án cả hai giới cùng quyết định việc chi tiêu hàng ngày hơn so với cán bộ cấp xã, chỉ bằng khoảng 0,6 lần, sau khi kiểm soát cho các yếu tố khác. Rõ ràng ngay cả các cán bộ cấp huyện cũng chưa hoàn toàn nhận thức rõ đối với vấn đề bình đẳng giới.
Bảng 4. Mô hình hồi quy logistic các yếu tố ảnh hưởng đến quan niệm cán bộ về cả hai cùng quyết định việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai và chi tiêu hàng ngày
Biến số độc lập
|
Mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai
|
Chi tiêu hàng ngày
|
Tỷ số
chênh lệch
|
Số lượng
|
Tỷ số
chênh lệch
|
Số lượng
|
Giới tính người trả lời
|
|
|
|
|
Nam
|
0,7
|
193
|
1,5*
|
193
|
Nữ
|
1
|
139
|
1
|
139
|
Tuổi người trả lời
|
|
|
|
|
40 trở xuống
|
1,5
|
228
|
1,4
|
228
|
41 trở lên
|
1
|
104
|
1
|
104
|
Loại hình cán bộ
|
|
|
|
|
Cấp huyện
|
1,4
|
153
|
0,6*
|
153
|
Cấp xã
|
1
|
179
|
1
|
179
|
Dân tộc của người trả lời
|
|
|
|
|
Phụ hệ
|
1,1
|
271
|
1,5
|
271
|
Mẫu hệ
|
1
|
61
|
1
|
61
|
Số người trong mẫu
|
|
332
|
|
332
|
Mức ý nghĩa thống kê: *p<0,05; **p< 0,01; *** p< 0,001
Nguồn: Số liệu khảo sát của Đề tài CTDT 21.17, 2018-2019
5. Kết luận và thảo luận
Nhìn chung quan niệm của đại bộ phận người dân về quyền quyết định các công việc trong gia đình đã có xu hướng ủng hộ sự tham gia của cả hai giới, một chỉ báo quan trọng trong nhận thức về bình đẳng giới. Tuy nhiên, tùy loại hình công việc mà quan niệm của người dân có khác nhau. Sự bảo lưu truyền thống thể hiện rõ nhất đối với các công việc vốn do nam giới hay phụ nữ quyết định như mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai và với việc chi tiêu hàng ngày. Vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người dân cho rằng nam giới hoặc phụ nữ nên là người quyết định các vấn đề này. Nói cách khác, khuôn mẫu truyền thống trong việc ra quyết định trong gia đình đã có sự biến đổi ở người dân các dân tộc thiểu số, tuy rằng còn mức độ bảo lưu khác nhau tùy theo loại hình công việc.
So với người dân, nhận thức của các cán bộ huyện và xã tại các địa bàn khảo sát về quyền quyết định trong gia đình thể hiện sự bình đẳng hơn. Nhưng cũng như đối với người dân, mức độ thay đổi nhận thức có khác nhau tùy theo loại hình công việc. Tỷ lệ ủng hộ nam giới quyết định trong các công việc truyền thống của nam giới như mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai vẫn còn cao, trong khi tỷ lệ ủng hộ phụ nữ quyết định trong công việc vốn dành cho phụ nữ như việc chi tiêu hàng ngày còn khá lớn.
Vận dụng cách tiếp cận hiện đại hóa và văn hóa, vai trò của các yếu tố về học vấn, độ tuổi, giới tính, dân tộc đã được kiểm chứng trong mô hình phân tích đối với người dân cho hai loại hình công việc ra quyết định. Kết quả cho thấy rằng mỗi nhóm yếu tố đều có vai trò nhất định trong việc ảnh hưởng đến quan niệm của người dân, tuy nhiên vai trò cụ thể thì tùy thuộc vào loại hình ra quyết định. Cụ thể là, đối với phương án cả hai cùng quyết định việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai của gia đình, học vấn của người trả lời càng cao mức độ ủng hộ càng lớn vì học vấn cao sẽ giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với tư tưởng bình đẳng giới hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là nhóm tuổi trẻ nhất lại ít ủng hộ phương án cả hai cùng quyết định hơn so với nhóm 40 tuổi trở lên. Rõ ràng chỉ riêng yếu tố tuổi trẻ chưa thể tự tạo ra một nhận thức mới về bình đẳng giới mà đòi hỏi phải được truyền thông hơn nữa. Như vậy, nếu trình độ hiện đại hóa quá thấp ở vùng dân tộc thiểu số cũng có thể làm cho các yếu tố đặc trưng cho hiện đại hóa không phát huy được vai trò của mình. Về mặt giới tính, phụ nữ có khả năng ủng hộ phương án cả hai giới cùng quyết định cao hơn nam giới. Điều này có thể vì phụ nữ là người mong muốn hơn cả trong việc được ra quyết định một cách bình đẳng trong gia đình.
Đối với việc chi tiêu hàng ngày, tất cả các yếu tố đặc trưng cho hiện đại hóa và đặc điểm giới tính không phát huy tác dụng. Chỉ có tính chất dân tộc phụ hệ hay mẫu hệ có ý nghĩa rất quan trọng tạo sự khác biệt về quan niệm liên quan đến quyền ra quyết định. Những người thuộc nhóm dân tộc mẫu hệ thể hiện sự bảo lưu mạnh mẽ hơn quan niệm truyền thống coi đây là công việc phụ nữ vì vậy phụ nữ phải là người quyết định. Điều này cũng khá trùng hợp với phát hiện về sự khác biệt giữa dân tộc Kinh (theo phụ hệ) và Ê Đê (theo mẫu hệ) trong phân tích của Nguyễn Hữu Minh và Trần Thị Hồng (2019), theo đó, với những người thuộc dân tộc Ê Đê, khả năng cả hai vợ chồng cùng quyết định cuối cùng các công việc quan trọng của gia đình là ít hơn so với người Kinh.
Khác với các kết quả phân tích đối với người dân, đặc điểm của cán bộ không có ý nghĩa quan trọng đối với thái độ của họ ủng hộ phương án cả hai giới nên cùng quyết định việc mua bán/xây sửa nhà cửa, đất đai. Tuy nhiên đối với việc chi tiêu hàng ngày, xét trong tương quan nam-nữ thì sự bảo lưu truyền thống của cán bộ nữ cao hơn so với cán bộ nam. Dường như, đó là công việc mà phụ nữ muốn bảo lưu quyền của mình nhất. Cũng lưu ý rằng, mặc dù cán bộ huyện được giả định có nhận thức tốt hơn cán bộ xã về bình đẳng giới, nhưng kết quả phân tích cho thấy khả năng cán bộ xã ủng hộ phương án cả hai giới cùng quyết định việc chi tiêu hàng ngày cao hơn so với cán bộ huyện. Điều này cho thấy việc truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ vùng dân tộc thiểu số vẫn rất cần thiết hiện nay.
Phân tích này tập trung về các yếu tố tác động đến quan niệm về quyền ra quyết định vì vậy những kết quả có thể khác với những phát hiện trước đây liên quan đến tác động của các yếu tố đến quyền ra quyết định trong thực tế (Nguyễn Hữu Minh, 2016; Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Hồng, 2019). Đồng thời, như phân tích cho thấy, vai trò của các yếu tố cũng sẽ khác nhau đối với từng loại hình quyết định. Những kết quả trên mới dựa trên hai loại hình tương đối đặc trưng cho khuôn mẫu truyền thống nam giới hay phụ nữ quyết định. Với các loại hình công việc khác, sự tác động của các yếu tố có thể được thể hiện khác. Điều này đòi hỏi cần có những phân tích cụ thể hơn về các loại hình công việc.
Với đa số người dân và cán bộ cho rằng việc đưa ra các quyết định trong gia đình nên được thực hiện bởi cả hai vợ chồng và vai trò quan trọng của yếu tố học vấn, có thể nhận xét rằng, khuôn mẫu cả hai giới cùng quyết định các công việc gia đình sẽ tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần hết sức quan tâm đến một số nhóm còn bảo lưu tương đối mạnh khuôn mẫu quyền quyết định đối với một số công việc trong gia đình như nhóm học vấn thấp, nhóm nữ, nhóm trẻ, nhóm người dân tộc mẫu hệ.
Ghi chú:
(*) Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp Quốc gia “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta” thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 về “Những vấn đề cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”, mã số CTDT 21.17/16-20.
Tài liệu trích dẫn
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Unicef. 2008. Kết quả điều tra Gia đình Việt Nam 2006. Hà Nội.
Chen, F. 2005. “Employment transitions and the household division of labour in China”. Social Forces, No.84, 831-851.
Đỗ Thị Bình. 1999. Nghiên cứu về giới tại các cộng đồng người Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng, Báo cáo khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Gia đình và Phụ nữ.
Goode, William. J. 1963. World Revolution and Family Patterns. Glencoe, Free press.
Goode, William. J. 1987. “World Revolution and Family Patterns: A Retrospective View”. Family Forum, The Official Newsletter of the American Sociological Association Family Section.
Goode, William.J. 1982. The Family. Second edition. Prentice-hall Foundations of Modern Sociology Series.
Leung, K., Bond, M. H. 2004. “Social Axioms: A Model for Social Beliefs in Multicultural Perspective”. In M. P. Zanna (Ed.), Advances in experimental social psychology, Vol. 36 (p. 119–197). Elsevier Academic Press. https://doi.org/10.1016/S0065-2601(04)36003-X.
Lê Ngọc Lân, Nguyễn Phương Thảo. 2006. Vai trò giới trong gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Báo cáo Path Canada.
Lê Ngọc Văn, Nguyễn Linh Khiếu, Đỗ Thị Bình, 2002. Số liệu điều tra cơ bản về gia đình Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Mai Huy Bích, Lê Thị Kim Lan, 1999. “Địa vị phụ nữ ngư dân ở một số làng đánh cá miền Trung”. Tạp chí Xã hội học, Số 3&4.
Nussbaum, Martha. 1999. “Women and Equality: the Capabilities Approach”. International Labour Review, Vol. 138 (1999). No. 3.
Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Hồng. 2019. “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyền quyết định của vợ và chồng đối với các công việc quan trọng của gia đình: Những phát hiện mới từ Điều tra Gia đình 2017”. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, Số /2019.
Nguyễn Hữu Minh. 2016. Hôn nhân trong xã hội Việt Nam đương đại. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội.
Nguyễn Minh Tuấn. 2012. “Bình đẳng giới trong gia đình người Ê đê ở Đăk Lăk”, Tạp chí Xã hội học, Số 2/2012.
Nguyễn Quốc Phẩm, Nguyễn Thị Hà. 2014. “Tác động của thiết chế xã hội truyền thống đến sự tham chính của phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc”. Tạp chí Dân tộc, số 166, tháng 10.
Poortman, A.R., Lippe, T. V. D. 2009. “Attitudes Toward Housework and Child Care and the Gendered Division of Labour”. Journal of Marriage and Family, Vol71, 526-541.
Phạm Thị Huệ. 2008. “Quan hệ quyền lực vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp Yên Bái, Tiền Giang và Thừa Thiên Huế”. In T. D. Luân (Ed.), Gia đình nông thôn Việt Nam trong chuyển đổi (pp. tr.369-398). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Trần Thị Vân Anh, Nguyễn Hữu Minh (chủ biên). 2008. Bình đẳng giới ở Việt Nam (phân tích số liệu điều tra). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
UNESCO. 2001. Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa 2001. Được thông qua tại phiên họp toàn thể, kỳ họp 31 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc ngày 2/11/2001.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 1, tr. 3-15