Tăng trưởng kinh tế và phát triển con người: một số vấn đề thực tiễn ở Việt Nam hiện nay (Phần I: Tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập)

Tăng trưởng kinh tế và phát triển con người: một số vấn đề thực tiễn ở Việt Nam hiện nay (Phần I: Tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập)

30/09/2014

TS. Đào Thị Minh Hương

(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người)

1. Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010, tạo điều kiện gia tăng đầu tư vào mục tiêu xã hội, tiếp tục nâng cao chỉ số phát triển con người.

Trong gần ba thập kỷ qua, Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách vĩ mô về phát triển kinh tế - xã hội, tạo hành lang pháp lý cho phát triển con người. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong xu hướng phát triển bền vững vì mục tiêu phát triển con người. Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi cấu trúc cùng với sự dịch chuyển của lao động từ ngành nông nghiệp sang lao động hưởng lương trong các ngành sản xuất, xây dựng và dịch vụ. Mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam bao gồm khu vực nông nghiệp định hướng xuất khẩu có năng lực cạnh tranh cao, khu vực thâm dụng lao động có định hướng xuất khẩu trong đó doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò quan trọng và khu vực thâm dụng vốn nội địa chủ yếu gồm các doanh nghiệp nhà nước. Khu vực sản xuất nông nghiệp và chế biến công nghiệp thâm dụng lao động chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới vào nửa cuối những năm 1980, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng, có vai trò quan trọng đưa đất nước gia nhập hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010 và đóng góp làm giảm nghèo nhanh chóng (World Bank (WB), 2012). Kết quả này thể hiện qua GDP bình quân tính theo đầu người tăng khoảng 15 lần trong giai đoạn sau Đổi mới đến nay1. Tăng trưởng năng suất này có được từ hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tăng lên và khi lao động di chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang các công việc phi nông nghiệp (công nghiệp hay dịch vụ) có năng suất cao hơn.

 Rõ ràng rằng, tăng trưởng kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội của con người đặt ra trong thực tế. Trong những năm qua, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho phát triển con người ở các lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, tạo việc làm, giảm nghèo, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho y tế, giáo dục tăng cả về quy mô lẫn tỉ trọng. Đến năm 2012, chi cho y tế khoảng trên 8% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm, chi cho giáo dục khoảng 20%, chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia về xã hội dao động từ 2 - 3%,... Cùng với tăng đầu tư của nhà nước cho các mục tiêu xã hội, mọi nguồn lực từ cộng đồng, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và sự hợp tác quốc tế đã được huy động và chiếm khoảng 30% trong tổng chi cho lĩnh vực xã hội. Kết quả, Việt Nam là một trong số hơn 40 nước đang phát triển đạt được những tiến bộ đáng kể về phát triển con người như đã nói ở trên. Chỉ số HDI của Việt Nam được tăng dần thứ hạng qua các năm2. Nếu năm 1991, HDI Việt Nam là 0,472, xếp thứ 115 trong tổng số 160 nước tham gia thì năm 2013, HDI Việt Nam là 0,617, xếp thứ 127 trong tổng số 186 nước. Năm 2011, Việt Nam đứng thứ 127 trong tổng số 187 quốc gia với chỉ số HDI là 0,593 - nằm trong nhóm xếp loại “trung bình” về phát triển con người, mặc dù chỉ số thu nhập của Việt Nam còn tương đối thấp, nhưng chỉ số y tế và giáo dục lại khá cao (so với các nước có cùng chỉ số thu nhập trong cùng kỳ). Mức sống của người dân từng bước được nâng lên. An sinh xã hội được đảm bảo tốt hơn, kể cả trong tình trạng suy giảm kinh tế.

Không chỉ là thay đổi về thứ tự xếp hạng, thành công về tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với việc tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI), trong đó đóng góp chỉ số kinh tế (thu nhập bình quân đầu người) luôn chiếm vị trí quan trọng so với hai chỉ số y tế (tuổi thọ trung bình) và giáo dục (số năm đến trường). Sau gần 15 năm (từ 1999 - 2012), chỉ số HDI tăng trưởng 10,5% từ 0,651 lên 0,752, trong đó tăng trưởng kinh tế đóng góp vào sự thay đổi này 9,4% so với chỉ số tuổi thọ là 4,1% và chỉ số giáo dục là 2,0%. Nếu chỉ xét riêng HDI năm 2012, chỉ số kinh tế đóng góp 60,9%, chỉ số tuổi thọ đóng góp 26,3%, chỉ số giáo dục đóng góp 12,9% (xem Bảng 1).

Bảng 1. Đóng góp tăng trưởng kinh tế vào thay đổi HDI trong giai đoạn 1999 - 2012

 

Toàn quốc gia

 

2012

 

2008

 

2004

 

1999

 

Thay đổi 1999-2012 (%)

 

Đóng góp các chỉ số vào thay đổi (%)

 

Đóng góp các chỉ số thành phần vào HDI

Tuổi thọ trung bình

0,801

0,794

0,782

0,721

11,1%

4,1%

26,3%

Chỉ số

 giáo dục

0,841

0,830

0,826

0,803

4,8%

2,0%

12,8%

Chỉ số thu nhập

0,615

0,559

0,496

0,430

42,0%

9,4%

60,9%

Chỉ số HDI

0,752

0,728

0,701

0,651

15,5%

15,5%

100%

 

Nguồn: Tính toán của Trung tâm phân tích dự báo VASS trình bày tại Hội thảo

Tăng trưởng kinh tế vì tăng trưởng bao trùm, Hà Nội, tháng 5, 2014.

Đối với phát triển con người, thu nhập là một trong những yếu tố quan trọng. Thu nhập bình quân đầu người càng thấp thì khả năng đáp ứng các nhu cầu phát triển của người dân trong cuộc sống lại càng kém. Thu nhập tăng dẫn đến chất lượng sống của dân cư được cải thiện. Trong thời gian gần đây, mặc dù mức tăng trưởng giảm dần nhưng giai đoạn 2006 - 2012, GDP bình quân đầu người tăng bình quân 10.2%/năm (xem bảng 2) nhưng tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người trung bình những năm đổi mới khoảng 15% - 20%. Tăng thu nhập trung bình góp phần giúp cơ cấu tiêu dùng có xu hướng thay đổi tích cực, trong đó giảm tỉ trọng chi cho ăn uống và tăng tỉ trọng chi cho ngoài ăn uống3,người dân được tăng thêm cơ hội hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội có chất lượng. Cơ cấu phân tầng xã hội về mức sống thay đổi theo hướng tích cực. Tỉ lệ người nghèo có xu hướng giảm (năm 2010 là 14,2% và năm 2012 tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 9,6% theo chuẩn nghèo mới áp dụng năm 2011), tầng lớp trung lưu tăng và chiếm khoảng 50%, tỉ lệ người giàu cũng tăng, chiếm khoảng 10%. Tăng tầng lớp trung lưu là yếu tố quan trọng bậc nhất để phát triển kinh tế - xã hội trong kinh tế thị trường bền vững, bảo đảm gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Bảng 2. Thu nhập bình quân đầu người/ tháng trên cả nước

Giá hiện hành                                                                                              Đơn vị tính: 1000 VNĐ

Năm

2002

2004

2006

2008

2010

2012

Cả nước

356.1

484.4

636.5

995.2

1,387.1

1,999.8

Thành thị

622.1

815.4

1,058.4

1,605.2

2,129.5

2,989.1

Nông thôn

275.1

378.1

505.7

762.2

1,07.4

1,479.4

Nguồn: Tổng cục Thống kê (TCTK) (2013), Điều tra mức sống hộ gia đình 2012.

2. Đi cùng với tăng trưởng của Việt Nam là sự gia tăng khoảng cách về bất bình đẳng thu nhập. Chính sự gia tăng chênh lệch về thu nhập trong nội vùng cũng như sự gia tăng chênh lệch thu nhập của các nhóm kinh tế xã hội ở nông thôn là động lực cho việc gia tăng bất bình đẳng thu nhập, chứ không phải sự chênh lệch thu nhập giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị hay tại khu vực thành thị.

Mặc dù tất cả các nhóm thu nhập đều có cải thiện đáng kể trong giai đoạn vừa qua, nhưng tính không đồng đều của mức độ gia tăng cho thấy có sự chênh lệch trong thu nhập trung bình trên đầu người giữa các ngành, thành phần kinh tế, vùng, miền và nhóm xã hội, đó là lí do gia tăng bất bình đẳng về thu nhập ở Việt Nam.

Bất bình đẳng thu nhập giữa các ngành thể hiện qua việc lao động có thu nhập cao chỉ tập trung ở một số ngành sử dụng ít lao động trong cơ cấu lao động xã hội, cònnhững ngành thâm dụng lao động thì lại có mức thu nhập bình quân thấp. Cụ thể, thu nhập bình quân ở các  ngành tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, dầu khí cao gấp hơn 2 lần mức bình quân chung và cao gấp 3,3 lần các ngành có thu nhập thấp nhất (quản lý lao động, hoạt động đoàn thể, hiệp hội, nông nghiệp - lâm nghiệp). Người lao động tại khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm 56,6% trong khoảng 8,3 triệu người lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, nhưng lại là người lao động có mức thu nhập từ tiền lương thấp nhất.

Bất bình đẳng thu nhập giữa các nhóm kinh tế - xã hội thể hiện qua chênh lệch giữa thu nhập trung bình trên đầu người của 20% hộ khá giả nhất với 20% hộ nghèo nhất (mà gần đây được TCTK định nghĩa là “khoảng cách giàu/nghèo” đã tăng từ mức 8,1 lần vào năm 2002 (872,900 đồng/tháng so với 107,700 đồng/tháng) lên 9,4 lần vào năm 2012 (4,785.500 đồng/tháng so với 511,600 đồng/tháng) (TCTK, 2013). Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở các nhóm ngũ phân vị thu nhập khác, và mức độ chênh lệch ngày càng tăng khi ta tập trung vào nhóm các hộ nghèo nhất và giàu nhất.

Bất bình đẳng thu nhập cũng thể hiện qua việc các nhóm dân tộc thiểu số ngày càng bị tụt hậu cả về mức thu nhập bình quân và mức tăng trưởng thu nhập. Khi hai chỉ số này của nhóm 20% và 10% hộ có thu nhập thấp nhất của người dân tộc thiểu số thấp hơn so với các nhóm tương tự của người dân tộc đa số. Tỉ lệ thu nhập của nhóm nghèo nhất của dân tộc thiểu số với nhóm nghèo nhất của dân tộc đa số đã tăng lên từ mức 1,4 lần năm 2004 lên mức 2,1 lần năm 2010. Tỉ lệ thu nhập trung bình của nhóm giàu nhất của dân tộc đa số so với nhóm nghèo nhất người dân tộc thiểu số đã tăng từ 11,4 lần năm 2004 lên 17,5 lần vào năm 2010, trong khi đó tỉ lệ chênh lệch thu nhập giữa nhóm nghèo nhất và giàu nhất trên toàn bộ dân số chỉ tăng từ 8,3 lần vào năm 2002 lên 9,4 lần vào năm 2012 (TCTK, 2013; WB, 2012). Khoảng cách về thu nhập giữa người dân tộc thiểu số và các nhóm còn lại đang tăng lên, phản ánh sự hạn chế về khả năng đa dạng hóa hoạt động, tạo thu nhập cũng như cơ hội tiếp cận nguồn vốn sản xuất, cơ hội việc làm tại khu vực phi nông nghiệp của người dân tộc thiểu số. Việc người dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp với năng suất thấp đã khiến cho khoảng cách trung bình về thu nhập ngày càng giãn rộng. Điều này cho thấy rằng người dân tộc thiểu số có nguy cơ ngày càng chiếm tỉ lệ cao trong tổng số người nghèo so với tỉ lệ về dân số (vấn đề này sẽ đề cập đến ở phần dưới).

Sự khác nhau giữa các vùng miền về tốc độ tăng trưởng cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng bất bình đẳng. Tăng trưởng thu nhập ở Đông Bắc chậm hơn so với các vùng khác trong cả nước, còn tăng trưởng thu nhập ở vùng đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên lại cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân 8%. Mức độ chênh lệch thu nhập người dân giữa các vùng cũng tương đối rõ nét khi Đông Nam Bộ vẫn là vùng có mức tăng trưởng thu nhập cao hơn các vùng khác (khoảng 11%). Chênh lệch thu nhập trung bình giữa các vùng cũng tương đối rõ nét: vùng có thu nhập đầu người tính theo tháng cao nhất hiện nay là Đông Nam Bộ (3.016.400 đồng), gấp 1,5 lần mức thu nhập chung trên toàn quốc (1,999.800 đồng) và gấp hơn 3 lần so với vùng thu nhập thấp nhất là Tây Bắc (999.800 đồng) (TCTK, 2013). Thống kê qua các năm cho thấy, khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa các vùng thay đổi không đáng kể trong suốt giai đoạn 2002 - 2012, nhưng gia tăng bất bình đẳng thu nhập trong nội vùng. Cụ thể, chênh lệch giữa Đông Nam Bộ và Tây Bắc luôn vào khoảng trên dưới 3 lần trong suốt giai đoạn 2002 - 2012; chênh lệch thu nhập giữa Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ luôn xấp xỉ 2,25 lần; Đông Nam Bộ so với Đồng bằng sông Hồng vào khoảng 1,25 lần; Đồng bằng sông Hồng so với Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,25 lần (TCTK, 2013). Số liệu thống kê cho thấy bất bình đẳng về thu nhập đều gia tăng trong nội vùng ở hầu hết 8 vùng trong giai đoạn 2002 - 2012, nhưng có xu hướng gia tăng nhanh ở một số vùng khó khăn và gia tăng chậm hơn, thậm chí giảm đi ở một số vùng có cơ sở hạ tầng, vị trí, điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế, xã hội tốt hơn. Chênh lệch thu nhập giữa nhóm 5 và nhóm 14tại các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ tăng nhanh hơn mức chênh lệch này tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó mức chênh lệch này tại vùng Đông Nam Bộ  giảm từ 9,0 lần vào năm 2002 xuống còn 7,3 lần vào năm 2012 (xem Bảng 3).

Bảng 3. Chênh lệch thu nhập giữa các nhóm giàu nhất và nghèo nhất trong ngũ phân vị phân theo 8 vùng giai đoạn 2002 - 2012

Vùng

Chênh lệch thu nhập giữa nhóm 5 và nhóm 1-

thu nhập cao nhất và thấp nhất

2002

2012

Đồng bằng sông Hồng

6,9

7,7

Đông Bắc

6,2

8,5

Tây Bắc

6,0

7,5

Bắc Trung Bộ

5,8

7,3

Duyên hải Nam Trung Bộ

5,8

7,4

Tây Nguyên

6,4

8,6

Đông Nam Bộ

9,0

7,3

Đồng bằng sông Cửu Long

6,8

7,7

Nguồn: Tác giả tính toán dựa trên số liệu của TCTK qua các năm

Bảng 4: Chênh lệch thu nhập bình quân giữa nông thôn và thành thị, giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất trong ngũ phân vị ở cả nông thôn và thành thị

 

 

 

TT/NT

 

Thành thị: nhóm 5/ nhóm1

 

Nông thôn: nhóm 5/ nhóm1

2002

2.3

8.0

6.0

2004

2.2

8.1

6.4

2006

2.1

8.2

6.5

2008

2.1

8.3

6.9

2010

2.0

7.9

7.5

2012

1.7

7.1

8.0

Nguồn: Tác giả tính toán theo số liệu của TCTK  qua các năm

Bất bình đẳng thu nhập giữa nông thôn và thành thị thể hiện qua việc thu nhập trung bình của người dân đô thị cao khoảng gấp đôi thu nhập của người dân nông thôn, và mức chi tiêu chung của người dân đô thị cũng cao hơn khoảng gấp 2 lần mức chi tiêu chung của khu vực nông thôn giai đoạn 2002 - 2012. Bất bình đẳng thu nhập giữa nông thôn và thành thị có xu hướng giảm trong giai đoạn 200 - 2012. Nếu như mức chênh lệch này năm 2002 là 2,3 lần thì năm 2012 là 1,7 lần (xem Bảng 4). Tương tự, tỉ lệ giữa chi tiêu trung bình tại khu vực thành thị so với nông thôn cũng giảm từ 2,26 lần năm 2004 xuống còn 2,01 lần năm 2010 (WB, 2012). Có thể nói, sự suy giảm chênh lệch trong thu nhập trung bình giữa khu vực nông thôn và thành thị chủ yếu là do chính sách giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đã phát huy được tính năng động và đặc biệt là tạo ra cho người nông dân động lực trong sản xuất. Những điều này đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, với các quy định đất có giá và có thể chuyển nhượng một mặt cũng đã tạo điều kiện để đất đai trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, ổn định xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, mặt khác tạo cơ hội tích tụ đất đai, mở rộng sản xuất cho người nông dân nhanh nhạy và có vốn. Bên cạnh đó, những cải thiện về cơ sở hạ tầng, chuyển hướng hoạt động từ thuần túy nông nghiệp sang phi nông nghiệp và sự chuyển dịch lực lượng lao động từ nông thôn ra thành thị đã góp phần làm giảm khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Nói cách khác, mặc dù nông nghiệp và các hoạt động liên quan tiếp tục đóng vai trò là nguồn thu nhập quan trọng của các hộ ở nông thôn nhưng tỉ trọng đóng góp của các hoạt động này đã giảm từ mức 55% tổng thu nhập vào năm 1998 xuống còn 30 - 35% tổng thu nhập vào năm 2010 (CIEM, DOE, ILSSA, IPSRD, 2011). Chính tỉ trọng đóng góp vào thu nhập nông thôn từ các hoạt động phi nông nghiệp đã làm giảm bất bình đẳng thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Từ góc độ khác, có một nghịch lý là mặc cho sản lượng nông nghiệp tăng cao, tăng trưởng năng suất và sức cạnh tranh của lĩnh vực nông nghiệp cao hơn tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp, nhưng thu nhập của nông dân lại thấp và tăng chậm (vào khoảng 1,5 triệu/ tháng/ người theo giá hiện hành). Theo nhiều nhà khoa học, thu nhập của người làm nông nghiệp thấp do hiệu ứng “cánh kéo giá” khi người nông dân phải chịu sức ép từ việc tăng giá đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, giống,...) và hiệu ứng được mùa mất giá, mất mùa được giá do thụ động trong việc tiêu thụ đầu ra.

Số liệu thống kê cho thấy có sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập trong nội vùng nông thôn giai đoạn 2002 - 2012, trong khi ở thành thị lại có xu hướng giảm. Thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất của ngũ phân vị ở khu vực nông thôn tăng từ 6 lần năm 2002 lên 8,3 lần năm 2012, trong khi đó thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở thành thị giảm từ 8 lần năm 2002 xuống 6,9 lần 2012 (xem Bảng 4). Tương tự, chênh lệch về chi tiêu giữa nhóm thu nhập cao nhất và thấp nhất ở khu vực nông thôn cũng tăng từ 3,1 lần năm 2004 lên 3,5 lần năm 2010. Lần đầu tiên bất bình đẳng ở khu vực thành thị và nông thôn hiện tương đương nhau. Hệ số Gini tại khu vực nông thôn đã tăng từ 0,365 năm 2004 lên 0,413 vào năm 2010, trong khi tại khu vực thành thị hệ số này ổn định ở mức xấp xỉ 0,386 (WB, 2012). Có thể giải thích sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập tại khu vực nông thôn như sau: ngoài khác biệt về điều kiện địa lý, tự nhiên, thì các hộ có điều kiện (có đất, có vốn, trình độ học vấn các thành viên cao hơn) thường có điều kiện đầu tư cho sản xuất lớn, có khả năng tăng năng suất và lợi nhuận từ sự chuyên môn hóa và quy mô sản xuất. Hơn nữa, hộ khá giả ở nông thôn có khả năng kinh doanh trong lĩnh vực phi nông nghiệp và tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ cho nông nghiệp tạo nguồn thu tương đối cao (chiếm 23% thời gian và 24,9% thu nhập) (CIEM, DOE, ILSSA, IPSRD, 2011). Trong khi đó, khác với nhóm hộ giàu, nhóm hộ nghèo (không có đất hoặc ít đất, không có vốn, trình độ học vấn thấp) có thu nhập chủ yếu là từ nông nghiệp (hoạt động chiếm 59,8% thời gian và 58,5% tổng thu nhập), ít có cơ hội kiếm thu nhập từ tiền công hoặc tiền công thấp do kĩ năng thấp và gần như ít tham gia vào doanh nghiệp hộ gia đình (6,7% thời gian và 6,2% thu nhập). Thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp nhưng người nghèo thường ít đất và thiếu vốn nên lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp rất thấp. Những phân tích trên đây hoàn toàn hợp lý khi xem xét xu hướng giảm dần mức độ chênh lệch thu nhập trung bình giữa nông thôn và thành thị trong kết quả điều tra hộ gia đình qua các năm (xem Bảng 4). Bất bình đẳng thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm đi trong những năm gần đây là do những người khá giả hơn, có trình độ học vấn cao hơn tại khu vực nông thôn đã tiếp cận được cơ hội việc làm như những người có đặc điểm tương đương tại khu vực thành thị, chứ không phải do sự bắt kịp của các hộ, cá thể thuộc nhóm đáy của phổ phân phối thu nhập. Những người có học vấn cao ở nông thôn thường nắm bắt được cơ hội phát triển và cơ hội việc làm tốt hơn nhiều những người có học vấn thấp.

Không phủ nhận rằng bất bình đẳng thu nhập giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng vẫn tồn tại dai dẳng, nhưng các phân tích trên cho thấy chính sự chênh lệch về thu nhập trong nội vùng cũng như sự chênh lệch thu nhập của các nhóm kinh tế - xã hội ở nông thôn là động lực cho việc gia tăng bất bình đẳng thu nhập, chứ không phải sự chênh lệch thu nhập giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị hay tại khu vực thành thị. Điều này cho thấy vai trò của năng lực cá nhân, đặc biệt là học vấn trong cải thiện thu nhập nói riêng và phát triển nói chung. Đúng như Vande Uwalle và Cratty (2004) nhận thấy trong trường hợp của Việt Nam, sự tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp có thể là con đường thoát nghèo. Các tác giả xác định một số nhân tố chung trong đó có nhân tố giáo dục có tác động đến sự giàu có, đa dạng hóa hoạt động và đa dạng hóa thu nhập ở nông thôn5. Phần sau của bài viết này sẽ cho thấy tỉ suất sinh lời của giáo dục và lợi thế của người có học vấn cao ở nông thôn trong quá trình phát triển.

Bảng 5: So sánh chỉ số phát triển con người và chỉ số bất bình đẳng thu nhập của một số nước trong khu vực

 

Thứ tự HDI

năm 2010

 

Quốc gia

 

Chỉ số HDI

năm 2010

 

Chỉ số HDI năm 2010 có điều chỉnh hệ số BBĐ (IHDI)

 

Chỉ số thu nhập 2010 có tính đến yếu tố BBĐ

 

Gini

2000 - 2010

11

Nhật Bản

0,84

 

 

0,249

28

Hàn Quốc

0,877

0,731

0.653

0,316

27

Singapo

0,846

 

 

0,425

57

Malaysia

0.744

 

0,488

0,379

89

Trung Quốc

0,663

0,511

0,412

0,415

92

TháiLan

0,654

0,516

0,396

0,425

97

Philipin

0,638

0,518

0,335

0,440

108

Indonesia

0,600

0,494

0,367

0,376

113

Việt Nam

0,572

0,448

0,418

0,378

122

Lào

0,497

0,374

0,345

0,326

124

Campuchia

0,494

0,351

0,295

0,442

Nguồn: UNDP (2010), Báo cáo phát triển con người toàn cầu

Bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng ở Việt Nam, nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với các nước khác trong khu vực. Như được thể hiện ở Bảng 5, trong giai đoạn 2000 - 2010, thu nhập được phân phối bình đẳng hơn ở Việt Nam so với Trung Quốc, Philipin, Thái Lan, Singapo và Campuchia nhưng lại kém bình đẳng hơn so với Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào và tương tự như ở Malaysia và Indonesia. Tuy nhiên có hai lí do cần thận trọng khi giải thích những số liệu này. Thứ nhất, bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam có khả năng được ước tính thấp hơn so với thực tế do mẫu điều tra hộ gia đình ở Việt Nam không bao gồm đại diện hộ gia đình giàu nhất khi tính toán phân phối thu nhập (các hộ giàu không tham gia khảo sát - một vấn đề phổ biến trong những khảo sát như thế này; và nhiều hộ nghèo bị loại ra khảo sát do người nhập cư không phải là đối tượng khảo sát này). Hơn nữa, Việt Nam không có hệ thống dữ liệu như ở các nước phát triển để có thể tính thu nhập của nhóm đối tượng này (Jonahan Pincus và John Sender, 2008). Do đó, mức độ bất bình đẳng thực tế có thể cao hơn số liệu thống kê chính thức phản ánh. Thứ hai, mức độ bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam hiện đã cao hơn hoặc bằng các nước giàu hơn trong khu vực tính theo thu nhập bình quân đầu người. Thông thường, mức độ bất bình đẳng thu nhập sẽ cao lên khi thu nhập tăng lên. Như vậy, tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam hiện nay có thể ở mức tương tự như Thái Lan hoặc thậm chí như Philipin. Các nhà viện trợ quốc tế cho rằng, Việt Nam thường bỏ qua những quan ngại về bất bình đẳng gia tăng mà chú trọng vào thành tích giảm nghèo xuất sắc của đất nước (Harvard Kennedy School, 2012). Tuy nhiên, cách hiểu này chưa đúng. Thái Lan hiện là quốc gia bất bình đẳng thứ 3 châu Á cũng đạt tỉ lệ nghèo tuyệt đối rất thấp6. Bảng 5 cũng cho thấy chỉ số phát triển con người và mức độ bất bình đẳng thu nhập không có quan hệ tuyến tính và quốc gia có chỉ số phát triển con người cao không có nghĩa là quốc gia đó có mức độ bất bình đẳng thu nhập thấp hơn các quốc gia có chỉ số phát triển con người thấp hơn.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             

Theo quy luật phát triển, bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam gia tăng trong thời gian qua một mặt là kết quả của quá trình tăng trưởng, với tác động làm gia tăng nguồn lợi tương đối từ các vốn cá nhân có sẵn, chẳng hạn trình độ học vấn và vốn sản xuất. Mặt khác, trong khuôn khổ phân tích về “mối quan hệ hình chữ U ngược”, được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng để đánh giá về mối quan hệ giữa tăng trưởng và bất bình đẳng cho thấy, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tạo ra sự di chuyển lao động từ khu vực có năng suất thấp (nông nghiệp, nông thôn) với mức thu nhập thấp sang khu vực năng suất cao hơn (đô thị, công nghiệp và dịch vụ) có mức thu nhập cao hơn, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng gia tăng cho tới khi lao động di chuyển phần lớn ra khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn thì bất bình đẳng mới giảm dần, vì vậy, việc gia tăng bất bình đẳng thu nhập hiện nay của Việt Nam là có thể giải thích được. Sự bất bình đẳng gia tăng cảnh báo công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế thành công không tự động cho phép giải quyết vấn đề phân phối thu nhập không công bằng và bất bình đẳng cơ hội phát triển với hậu quả là sự chuyển dịch của cải giữa các giai tầng có thể đe dọa ổn định xã hội.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2010), Báo cáo Quốc gia Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ 2010: “Việt Nam trên con đường hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”, Hà Nội.
  2. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ILO và EU (2011), Xu hướng việc làm tại Việt Nam 2010, Hà Nội. 

 

 

 


1 Thu nhâp bình quân đầu người năm 1986 khoảng 100USD, năm 1992 khoảng 140 USD và đến năm 2003, sau 16 năm đổi mới, GDP bình quân đầu người ở nước ta mới đạt 471 USD/năm (theo giá cố định năm 1993), nhưng đến năm 2010, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt ngưỡng 1000USD/năm (2009 là 1020 USD/năm và năm 2010 là 1100 USD/năm), bắt đầu bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, năm 2012 với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.540 USD/năm, năm 2013 là 1750 USD và dự báo năm 2015 là trên 2000 USD  (Tổng cục Thống kê).

2 HDI năm 1991 là 0,472, xếp thứ 115/160; HDI năm 1995 là 0,560, xếp thứ 122/174; năm 2000 là 0,688, xếp thứ 109/173; năm 2005 là 0,733, xếp thứ 105/177; năm 2010 là 0,728, xếp thứ 113/193 nước; năm 2011 là 0,593, xếp thứ 127/187; năm 2013 là 0,617, xếp thứ 127/186 nước (Báo cáo Phát triển con người toàn cầu qua các năm). Từ năm 2010, UNDP tính chỉ số HDI theo phương pháp mới (IHDI) có tính đến bất bình đẳng qua ba chiều cạnh: tuổi thọ trung bình, số năm đến trường và thu nhập bình quân đầu người, do đó giá trị  HDI của nhiều nước giảm đi so với trước đó, trong đó có Việt Nam.

3 Tỉ trọng chi cho ăn uống trong chi tiêu đời sống là một chỉ tiêu đánh giá mức sống cao hay thấp thì tỉ trọng này có xu hướng thay đổi tích cực (giảm tỉ trọng chi cho ăn uống và tăng tỉ trọng chi cho ngoài ăn uống), trong những năm qua (2004: 53,5%, 2006: 52,8%, 2008: 53%, 2010: 52,9%), nếu so với năm 2002 tỉ trọng này là 56,7% thì đến năm 2010 đã giảm xuống còn 52,9%.

4 Nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất về thu nhập trong ngũ phân vị.

5 Trích theo Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh, Nxb. Thống kê, 2011.

6 Theo UNDP, chưa tới 1% dân số Thái Lan sống dưới ngưỡng 1,25 USD/ ngày (tính theo giá trị ngang bằng sức mua so với Việt Nam 14% năm vào năm 2008).

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Con người (2014), số 3 (72), trang 3-12.

 

 

 

 

Các tin đã đưa ngày: