Tăng trưởng kinh tế và phát triển con người: một số vấn đề thực tiễn ở Việt Nam hiện nay (Phần II: Tăng trưởng kinh tế, đảm bảo sinh kế và giảm nghèo)
TS. Đào Minh Hương
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người)
3. Tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa bền vững; đầu tư chưa hiệu quả, vẫn là tập trung đầu tư vốn tài chính chứ không phải là con người; chất lượng tăng trưởng còn thấp thể hiện qua năng suất lao động thấp và kéo theo là thu nhập thấp.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tỉ suất thu hồi vốn đầu tư cho phát triển kinh tế của Việt Nam ở mức thấp hơn so với các nước khác trong khu vực. Mức đầu tư hàng năm rất cao để đạt được tăng trưởng GDP cho thấy đầu tư hiện nay không hiệu quả, tập trung đầu tư vốn tài chính (gọi chung là vốn) chứ không phải là con người. Hệ số ICOR đã tăng lên đến 7,27 trong giai đoạn từ năm 2008 - 2010, cao hơn đáng kể so với mức 5,48 của giai đoạn từ năm 2001 - 2005 và 4,89 của giai đoạn từ năm 2006 - 2007 (ước tính của các chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2013). Hệ số ICOR trong công nghiệp cao hơn rất nhiều so với trong nông nghiệp2 (IPSARD, 2009). Yếu tố vốn tham gia vào tăng trưởng kinh tế cao nhất so với yếu tố lao động và năng suất tổng hợp trong suốt giai đọạn từ năm 2000 - 2012, chiếm 54,1% so với 26,7% và 19,2% là tỉ lệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của yếu tố lao động và năng suất tổng hợp. Hơn nữa, sự đóng góp yếu tố vốn theo xu hướng tăng lên gần 60% giai đoạn từ năm 2006 - 2010 so với hơn 50% giai đoạn từ năm 2001 - 2005 và giảm xuống 55% giai đọan từ năm 2011 - 2012. Trong khi đó yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) tham gia vào tăng trưởng thấp nhất so với yếu tố vốn và lao động trong toàn bộ giai đoạn từ năm 2000 - 2012 và có xu hướng giảm từ khoảng 22% giai đoạn từ năm 2001 - 2005 xuống còn hơn 15% giai đoạn từ năm 2006 - 2010 (xem Bảng 2) và tăng lên hơn 19% giai đoạn từ năm 2011 - 2012. Bản thân TFP tăng trưởng rất chậm, nếu giai đoạn từ năm 2000 - 2008 TFP tăng trung bình 2,07%/năm thì đến giai đoạn từ năm 2008 - 2010 chỉ tăng trung bình 0,73%/năm. Yếu tố lao động không có nhiều thay đổi trong tỉ lệ tham gia vào tăng trưởng kinh tế, từ gần 25% giai đoạn từ năm 2000 - 2005 tăng lên 26% giai đoạn từ năm 2006 - 2010 và quay trở về 25% giai đoạn từ năm 2011 - 2012.
Bảng 5: Đóng góp của vốn, lao động và năng suất vào tăng trưởng
|
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (TTKT) bình quân năm %
|
Tỉ trọng đóng góp vào TTKT %
|
Trữ lượng vốn (K)
|
Lao động đang làm việc (L)
|
Năng suất tổng hợp (TFP)
|
Giai đoạn từ năm 2000 - 2012
|
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (VASS)
|
6,96
|
54,1
|
26,7
|
19,2
|
Giai đoạn từ năm 2001-2005
|
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (VASS)
|
7,51
|
51,7
|
24,9
|
23,4
|
Trung tâm năng suất Việt Nam (VPC), Viện Khoa học Thống kê
|
7,51
|
53,8
|
24,4
|
21,8
|
Giai đoạn từ năm 2006 - 2010
|
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (VASS)
|
7,02
|
58,5
|
26,1
|
15,4
|
Trung tâm năng suất Việt Nam (VPC), Viện Khoa học Thống kê
|
7,02
|
57,6
|
26,0
|
16,4
|
Giai đoạn từ năm 2011 - 2012
|
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (VASS)
|
5,49
|
48,5
|
31,4
|
20,1
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2013); Trung tâm năng suất Việt Nam (2011); Nguyễn Cao Đức (2013); Viện Quản lý kinh tế Trung ương và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (2011).
Điều này có nghĩa là tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay ít dựa trên tăng năng suất mà chủ yếu dựa trên tăng vốn và thâm dụng lao động thiếu kĩ năng3. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), từ năm 2008 đến nay, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam khoảng 3,3%/năm. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, bằng 1/15 năng suất lao động của Singapo, 1/11 so với năng suất lao động của Nhật Bản, 1/5 so với năng suất lao động của Malaysia.
Điều này dẫn đến việc mặc dù kinh tế có tăng trưởng nhưng thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam hiện nay còn thấp, vào khoảng 2 triệu đồng/tháng/người vào năm 20124. Khi so sánh tiền lương tối thiểu của Việt Nam với các nước trong khu vực thì Việt Nam thấp hơn khoảng 40% - 60%. Cụ thể: Việt Nam - 49 USD, Indonexia - 82 USD, Trung Quốc - 117 USD, Thái Lan - 156 USD, Philipin - 167 USD), chỉ cao hơn Campuchia 47 USD (Philippines Department of Labor and Employment, 2010). Trên thực tế, mức lương tối thiểu được công bố luôn thấp hơn nhu cầu tối thiểu khoảng 30%5. Sự chênh lệch đáng kể giữa lương tối thiếu và mức chi trả cho nhu cầu cuộc sống của người lao động như vậy, rõ ràng đang hạn chế cơ hội phát triển của họ. Với thu nhập thấp, người lao động chỉ có thể chi trả một cách tiết kiệm nhất những nhu cầu tối cần thiết như ăn, mặc, ở, đi lại, còn các khoản chi khác cho sinh hoạt văn hóa, học tập, chăm sóc sức khỏe, đầu tư cho nghề nghiệp là rất hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Rõ ràng rằng năng suất cao hơn là nguồn gốc căn bản để tăng thu nhập, giảm nghèo và cải thiện năng lực cạnh tranh. Nếu nền kinh tế không đạt được năng suất cao hơn thì sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng bền vững, và mức sống của người dân sẽ không được cải thiện. Nói cách khác, mặc dù Việt Nam có mức tăng trưởng cao trong thời gian qua, nhưng chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng còn thấp, chưa gắn chặt với phát triển con người. Tăng năng suất và đầu tư có hiệu quả vào vốn con người là gợi ý chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, Việt Nam cần ưu tiên phát triển con người và đầu tư vào con người để đạt được mục tiêu này, qua đó chuyển sang một nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tri thức và lao động có kĩ năng.
4. Thu nhập gia tăng nhưng sinh kế của người dân vẫn thiếu bền vững
Việt Nam là quốc gia có dân số cao, với tốc độ tăng dân số hiện khoảng 1,5%/năm. Năm 2012, dân số trung bình của cả nước đạt 88,8 triệu người, trong đó lực lượng lao động (LLLĐ) với số lượng là gần 52,4 triệu người, chiếm 59% dân số. Giai đoạn từ năm 2002 -2012, tốc độ tăng LLLĐ bình quân năm đạt 2,5%, chính vì vậy hàng năm, Việt Nam có thêm khoảng gần một triệu lao động và thường xuyên chịu áp lực không nhỏ về việc làm. Tuy nhiên, số việc làm tạo ra liên tục tăng, trung bình 2,2% cho nên tỉ lệ thất nghiệp không cao, luôn dưới 3% toàn LLLĐ. Đã có rất nhiều tranh luận về khả năng khác biệt giữa tỉ lệ thất nghiệp được công bố chính thức và tỉ lệ thất nghiệp trong thực tế. Có lý giải được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận về tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam khá thấp, kể cả trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế, đó là do việc làm trong khu vực phi chính thức, nông nghiệp còn rất lớn, trở thành khu vực “đệm, giá đỡ, hay túi chứa” lao động khi họ không tìm được việc làm trong khu vực chính thức.
Hình 1: Tăng trưởng kinh tế và việc làm giai đoạn từ năm 2000 - 2009
Nguồn: Tính toán theo số liệu của Tổng cục Thống kê (năm 2000 - 2009)
Ngay cả trong hai năm 2011 và 2012, khi số việc làm tăng theo năm chậm lại dưới tác động của suy giảm tăng trưởng kinh tế, chỉ vào khoảng 1,5%/năm, thì tỉ lệ thất nghiệp chung cho toàn quốc là 2,02% và 1,77% (ILSSA, 2013). Bên cạnh những người thất nghiệp, phải kể đến lượng người lao động thiếu việc làm, chiếm khoảng 2,96% vào năm 2011. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị luôn cao hơn khu vực nông thôn, và ngược lại tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn thường cao hơn thành thị và là nét đặc thù của thị trường lao động nước ta trong thời gian gần đây (Bộ Kế hoạch đầu tư và Tổng cục Thống kê (BKHĐT và TCTK, 2012). Một điểm đáng lưu ý là trong các nhóm tuổi, thanh niên có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng lên trong các năm. Tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên (từ 15 - 29 tuổi) luôn chiếm hơn 50%. Một số nghiên cứu về di cư hiện nay cũng cho thấy có tới hơn 60% người lao động di cư vì mưu sinh ở độ tuổi từ 15 - 29 do thiếu việc làm tại các vùng nông thôn đang đổ về các thành phố và khu công nghiệp. Có thể nói việc đảm bảo sinh kế bền vững của lao động nông thôn, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động trẻ tuổi, những nhóm lao động dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các biến động trên thị trường lao động còn khó khăn và vẫn là một thách thức đặt ra cho nền kinh tế6.
Đối với đất nước có đến gần 70% dân số sống ở nông thôn và khoảng 50% người lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Việt Nam thì đất đai là một nguồn lực tự nhiên quan trọng bậc nhất đối với sinh kế. Có một mối quan hệ mật thiết và trực tiếp giữa tiếp cận đất đai và sinh kế, theo đó “tiếp cận tốt hơn với đất đai có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết bốn thách thức lớn của phát triển là đảm bảo tăng trưởng nhanh hơn, giải quyết bất bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tăng cường tính di động” (DFID, 2007:50). Những đổi mới về thể chế đất đai với việc phân định ba loại quyền đất đai cơ bản do các thực thể khác nhau nắm giữ: quyền sở hữu thuộc về toàn dân, quyền quản lý của nhà nước và quyền sử dụng được giao cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức và cộng đồng trong những năm qua đã mang lại những thành quả to lớn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, thiếu việc làm và sinh kế thiếu bền vững của người dân sau khi bị thu hồi đất là những biểu hiện của bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực7. Đề cập đến bất bình đẳng trong việc sử dụng đất, Liên minh Đất Quốc tế (ILC)8 nhận định, những giao dịch đất đai quy mô lớn có thể mang lại những cơ hội phát triển, song chúng cũng gây ra nhiều vấn đề đối với những cộng đồng nghèo ở nông thôn, đặc biệt là không tạo ra đủ công ăn việc làm cho các nông dân nghèo bị thu hồi đất, khiến họ bị thua thiệt (Ward Anseeuww, Liz Alden Wily, Loeno Cotula, Michael Taylor, 2012). Tại Việt Nam, trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động mất việc làm, và mỗi hecta đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ lấy đi cơ hội làm việc của 13 lao động ở nông thôn. Chẳng hạn, thu hồi đất nông nghiệp trong giai đọan từ năm 2003 - 2008 đã tác động đến đời sống của trên 627 ngàn hộ gia đình với khoảng 950 ngàn lao động và 2,5 triệu nhân khẩu nông nghiệp, trong số này có tới 25 - 30% mất việc làm hoặc không có việc làm ổn định, 53% có thu nhập giảm so với trước đây (Hội Khoa học đất Việt Nam, 2009, Bộ TN&MT, 2011). Nghiên cứu lực lượng lao động ở những vùng đất bị thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng cho thấy, 70% người lao động không có chuyên môn kỹ thuật và gần 50% là nông dân với nguồn sinh kế chủ yếu là nông nghiệp. Sau khi bị thu hồi đất và buộc phải chuyển đổi công ăn việc làm do không còn tư liệu sản xuất thì rất nhiều hộ gia đình đã gặp khó khăn trong việc tìm sinh kế mới. Thực trạng này có một số nguyên nhân, trong đó thứ nhất phải kể đến việc thiếu định hướng đào tạo nghề hoặc đào tạo không đúng nhu cầu thị trường của địa phương và các bên có trách nhiệm đối với người dân bị thu hồi đất; thứ hai, thiếu các công việc bền vững từ các khu vực phi nông nghiệp có khả năng thu hút lao động dôi dư từ nông thôn; thứ ba, từ sự thiếu chủ động của chính người dân. Những nguyên nhân này có thể đẩy hàng trăm ngàn lao động nông nghiệp bị mất sinh kế cũng như rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm dài hạn. Có thể nói, bên cạnh bất cập về giá và quy trình đền bù đất bị thu hồi, hỗ trợ, tái định cư, lao động việc làm đang là vấn đề nổi cộm trong việc sử dụng tài nguyên từ góc độ bình đẳng xã hội và quyền tiếp cận đất đai (Đào Thị Minh Hương, 2012).
Sinh kế không bền vững không chỉ nhận thấy ở những người nông dân bị mất đất mà còn thấy rõ ở cộng đồng người di cư từ nông thôn ra thành thị để tìm việc làm. Hầu hết nhóm lao động này không có tay nghề và kỹ năng, định hướng nghề nghiệp thấp nên thường làm việc tại khu vực phi chính thức, dịch vụ tư nhân, khu công nghiệp và là những người đầu tiên bị cắt giảm giờ làm việc hoặc cho thôi việc trong giai đoạn kinh tế khó khăn,… Họ chấp nhận các công việc nặng nhọc với tiền công thấp và không được đảm bảo an sinh xã hội. Những khó khăn mà họ phải đối mặt là rất phức tạp, như: không hộ khẩu, nhà ở, khó tiếp cận dịch vụ công,... Lương thấp, điều kiện ăn ở khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của chính họ và của thế hệ tiếp theo9. Theo điều tra của Bộ LĐTBXH, trong tổng số 1,5 triệu người lao động (NLĐ) đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), trung bình có 60% là người ngoại tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2012 - 2013, việc có hàng loạt doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động hay thu hẹp sản xuất khiến cho cuộc sống của lao động ngoại tỉnh càng trở nên khốn đốn. Có thể nói giải quyết việc làm, chuyển đổi sinh kế cho bộ phận lao động đặc thù như dân cư nông thôn không có đất do bị thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng, người khuyết tật, lao động bị mất việc làm hàng loạt do khủng hoảng kinh tế còn chưa thực sự hiệu quả dẫn đến một bộ phận đáng kể người lao động không tìm được việc làm mới, hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập bấp bênh,10…
Bên cạnh việc không đủ tư liệu sản xuất, thiếu việc làm bền vững, ô nhiễm môi trường dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa cũng là yếu tố tác động tiêu cực đến đảm bảo sinh kế bền vững của người dân. Công nghiệp hóa của Việt Nam trong thời gian qua, một mặt đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống người dân, mặt khác dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Những tác động về môi trường tới đời sống của người dân chưa được quan tâm đúng mức khi 80% cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ của những năm 1980, 90% cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý ô nhiễm, có tới 70% trong số hơn 2.000 làng nghề đang có tình trạng ô nhiễm. Thực tế cho thấy, hi sinh môi trường để tăng trưởng có xu hướng gia tăng. Hàng loạt các công ty ở Việt Nam bị phát hiện đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như nhà máy Vedan, Miwon hay trường hợp công ty Hyundai Vinashin,... Nếu tính cả những tổn thất về môi trường thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt ở mức 3 - 4% thay vì 6 - 7% như công bố. Trong bảng xếp hạng về an toàn môi trường, Việt Nam xếp cuối cùng trong các nước ASEAN và thứ 98 trong 117 nước đang phát triển.
Các chất gây ô nhiễm cao hơn nhiều lần mức cho phép đã gây ô nhiễm nặng cả nguồn nước mặt lẫn nguồn nước ngầm, đồng thời làm thoái hóa đất. Hầu hết các con sông, hồ ao, kênh rạch ở khu vực quanh khu công nghiệp bị ô nhiễm, không bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt, nước tưới tiêu. Theo tài liệu của các tổ chức bảo vệ môi trường, hiện nay Việt Nam có tới 70% các dòng sông, 45% vùng ngập nước, 40% bãi biển đã bị ô nhiễm và bắt đầu chuyển thành suy thoái. Môi trường sinh thái suy thoái, dẫn đến suy giảm sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là người nghèo, ít có cơ hội để thay đổi công việc, thay đổi chỗ ở.11
Nếu coi môi trường là một trong những nguồn lực tham gia hoạt động sản xuất, thì ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí nói riêng đã và đang là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến sinh kế bền vững của người dân.
Trong giai đoạn hiện nay, dưới tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề bền vững sinh kế càng trở nên là thách thức đối với Việt Nam. Việc làm ở các khu công nghiệp và các làng nghề thủ công bị thu hẹp khiến nhiều công nhân nhập cư thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Công việc không ổn định, thu nhập thấp đã ảnh hưởng tới nhiều hộ gia đình, trong khi giá cả thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác vẫn ở mức cao. Nhiều hộ gia đình đã cắt giảm chi tiêu cho giáo dục và y tế, thậm chí cả chi tiêu thực phẩm và do đó có tác động tới sức khỏe và dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em (UBND Tp. Hà Nội và Tp. HCM, 2010: Điều tra về nghèo thành thị ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, UNDP).
5. Đi cùng với tăng trưởng là thành tựu của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua, nhưng vẫn còn khoảng cách xa trong việc giảm nghèo đói giữa các dân tộc; tốc độ giảm nghèo chậm; khả năng tái nghèo cao do cú sốc về kinh tế và sức khỏe.
Với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đã thực hiện khá hiệu quả Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo, tỉ lệ nghèo trong những năm qua giảm xuống song hành với sự gia tăng của tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thành tựu giảm nghèo là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: hiệu quả công bằng hơn của tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm và tăng thu nhập; chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội; phát triển kết cấu hạ tầng xã nghèo và quan trọng nhất là nỗ lực thoát nghèo của chính người nghèo. Đặc biệt trong thập kỷ qua, trình độ dân trí tăng cùng với đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp là động lực mạnh mẽ thúc đẩy giảm nghèo ở Việt Nam. Số liệu từ các cuộc điều tra mức sống dân cư của Việt Nam những năm qua cho thấy tỉ lệ giảm nghèo ở nước ta là khá ấn tượng. Việt Nam đã hoàn thành vượt mức MDGs trước 10 năm về giảm nghèo (từ 58.1% năm 1993 xuống còn 24.1% năm 2004) theo chuẩn nghèo quốc tế12. Tỉ lệ hộ nghèo (tính theo chuẩn quốc gia từ năm 2001 - 2005) giảm từ 17% (năm 2000) xuống còn 8.3% (năm 2004) và 7% (năm 2005). Tỉ lệ nghèo tiếp tục giảm nhanh theo chuẩn quốc gia. Năm 2005, theo chuẩn nghèo mới, tỉ lệ nghèo của Việt Nam theo chuẩn quốc gia là 20.2%, đến năm 2007 giảm xuống còn 14.8%. Năm 2008 do ảnh hưởng của lạm phát và thiên tai nên tỉ lệ hộ nghèo giảm chậm lại còn khoảng 13.8%, dưới 11% vào năm 2009 và xuống còn dưới 10% năm 2010. Theo chuẩn mới áp dụng cho giai đoạn từ năm 2011 - 2015, tỉ lệ người nghèo ở mức 14,2% năm 2010 và 2012 là 9,6%. Tuy nhiên, tỉ lệ đói nghèo đa chiều (không chỉ về thu nhập, chi tiêu, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản mà cả vốn xã hội, vốn văn hóa, tiếng nói và sự tham gia) luôn cao hơn tỉ lệ đói nghèo dựa trên thu nhập.13 Tốc độ giảm nghèo ở mức 6.8%/năm nhưng chững lại trong giai đoạn từ năm 2010 - 2012 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Tỉ lệ nghèo tăng lên tại một số tỉnh miền núi cùng với hiện tượng tái nghèo gần 50% từ nhóm cận nghèo.
Giảm nghèo diễn ra ở tất cả các nhóm dân cư, thành thị, nông thôn, nhóm người Kinh, nhóm dân tộc thiểu số và các vùng địa lý14. Tuy vậy, bản đồ nghèo đói có mối tương quan mạnh với vị trí địa lý và dân tộc cũng như với những thiếu hụt phi tiền tệ như mức sống thấp hơn và tình trạng y tế và giáo dục kém hơn. Tỉ lệ nghèo cao nhất là ở vùng trung du và miền núi phía Bắc và thấp nhất là ở vùng Đông Nam Bộ. Tỉ lệ giảm nghèo diễn ra nhanh hơn ở khu vực đô thị, ở nhóm người Kinh cũng như vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ so với nhóm dân tộc thiểu số (UNDP, 2011). Nghèo trong các nhóm dân tộc thiểu số thành một thách thức khi mà 68% người nghèo cùng cực và 47% tổng số nghèo năm 2010 là người dân tộc thiểu số, trong khi dân tộc thiểu số chỉ chiếm 15% dân số cả nước15. Nguyên nhân chính là do người dân tộc thiểu số thường tập trung ở những nơi có điều kiện địa lý không thuận lợi như miền núi, cao nguyên với cơ sở hạ tầng và các điều kiện kinh tế - xã hội còn khá nghèo nàn và lạc hậu, trình độ học vấn thấp và hạn chế cơ hội tiếp cận việc làm. Mặt khác, các chương trình giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số hoạt động chưa thực sự hiệu quả do thiết kế chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm xã hội, văn hóa dân tộc, chưa tạo được động lực để người nghèo thoát nghèo.
Có thể nói xóa đói giảm nghèo đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý nhưng nhiệm vụ giảm nghèo của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Hàng chục triệu hộ gia đình Việt Nam đã thoát nghèo trong thập kỷ qua, nhưng rất nhiều hộ trong số đó có thu nhập sát chuẩn nghèo và rất dễ tái nghèo do cú sốc đặc thù (chi trả khoản lớn cho y tế) hoặc do các cú sốc có liên quan đến kinh tế như hạn hán, lũ lụt, tác động dịch cúm ở người và động vật hay ảnh hưởng từ việc mất việc làm do khủng khoảng kinh tế. Tốc độ giảm nghèo chậm đi do những người nghèo còn lại là những người nghèo dai dẳng, họ phải đối mặt với những khó khăn triền miên, như: trình độ học vấn thấp, sống cô lập, không tài sản, sức khỏe yếu. Bức tranh nghèo cho thấy rất nhiều nhân tố đặc trưng của người nghèo ở thập kỷ 90 vẫn tiếp tục là đặc trưng cho người nghèo trong giai đoạn hiện nay, đó là: trình độ học vấn thấp, hạn chế về kỹ năng làm việc, phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp; cô lập về địa lý và xã hội, chịu những đặc thù mang tính dân tộc; hứng chịu nhiều thiên tai, rủi ro; không có tài sản và tư liệu sản xuất, người già cô đơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có mối quan hệ chặt chẽ giữa việc đi học và tình trạng đói nghèo ở Việt Nam. Không được đi học vẫn là yếu tố quyết định tình trạng nghèo ở Việt Nam. Năm 2010, 46% hộ nghèo và 58% hộ nghèo cùng cực có chủ hộ chưa học xong tiểu học, trên một phần tư nhóm nghèo nhất chưa hoàn thành tiểu học vào năm 2010 (WB, 2012). Không được đi học hay bỏ học dẫn đến việc mất đi cơ hội trong tương lai về tăng nhận thức, việc làm, thu nhập, vị thế xã hội và cũng có thể góp phần kéo dài chu kỳ đói nghèo giữa các thế hệ.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2010), Báo cáo Quốc gia Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ 2010: “Việt Nam trên con đường hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”, Hà Nội.
2. Bộ LĐTBXH, ILO và EU (2011), Xu hướng việc làm tại Việt Nam 2010, Hà Nội, ILO.
3. Bộ TN&MT (2011), Báo cáo môi trường quốc gia 2010, Hà Nội.
4. Bùi Chí Bửu (2010), “Bàn về chuyển dịch và sử dụng đất nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa ở nước ta”, Tạp chí Cộng sản, Số 8.
5. Harvard Kennedy School (2012), Cải cách cơ cấu vì mục tiêu tăng trưởng, công bằng và chủ quyền quốc gia, Hà Nội.
6. CIEM, DOE, ILSSA, IPSARD (2011), Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam 2010, Nxb. Thống kê.
7. Chính phủ Việt Nam (2010), Báo cáo Quốc gia về các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2010: “Việt Nam 2/3 chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ hướng tới 2015”, Bộ KHĐT, Hà Nội.
8. Đào Thị Minh Hương (2012), “Tiếp cận đất đai như quyền con người: cơ sở pháp lý và thực tiễn ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Con người, Số 5, 6.
9. DFID (Department for International Development) (2007), Linking Poverty Reduction and Environmental Management: Policy Challenges and Opportunities, Washington, DC: World Bank.
10. ILSSA-Viện Khoa học lao động và xã hội (2013), Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế, Nxb. Lao động, Hà Nội.
11. IPSARD - Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp, Phát triển nông thôn (2009), Kích cầu nông nghiệp - Đòn bẩy quan trọng thúc đẩy kinh tế, Hà Nội.
12. Jonahan Pincus và John Sender (2008), “Định lượng nghèo ở Việt Nam: Ai được tính”, Journal of Vietnamese Studies, 3:1.
13. McCaig. Benjiamin và Brandt (2009), “Sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam 1993 - 2006”, Bài nghiên cứu, Đại học Quốc gia Úc (NAU).
14. Nguyễn Cao Đức (2014), “Bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và phát triển con người ở Việt Nam”, Bài viết cho Hội thảo Đề tài KX-03-08/2011- 2016, Hà Nội.
15. The Conference Board Total Economy Database (2011).
16. TCTK (2010), “Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009: Các kết quả chủ yếu”, Hà Nội.
17. TCTK (2011, 2012, 2013), Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2010, 2011, 2012, Hà Nội.
18. TCTK (2012), Điều tra mức sống hộ gia đình 2010, Hà Nội.
19. TCTK (2013), Điều tra mức sống hộ gia đình 2012, Hà Nội.
20. TCTK (2013), Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2013.
21. Trung tâm năng suất Việt Nam (2011), “Báo cáo năng suất Việt Nam 2010”, Hà Nội.
22. UNDP (2010), “Báo cáo phát triển con người toàn cầu: The Real Wealth of Nations: Pathways to Human Developmen”, UNDP, New York.
23. UNDP (2010), “Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người”, UNDP, Hà Nội.
24. Viện Quản lý kinh tế Trung ương và Học Viện Năng lực cạnh tranh châu Á (2011), Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010.
25. World Bank (2012), “Khởi đầu tốt nhưng chưa phải đã hoàn thành. Thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong giảm nghèo và những thách thức mới”.
Chú thích:
1. TS.; Viện Nghiên cứu Con người , Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Xem phần I ở Tạp chí Nghiên cứu Con người, Số 3(72) 2014.
2 1PSARD (2009) chỉ ra rằng đầu tư vào nông nghiệp với số tiền tương đương 1% GDP sẽ làm tăng GDP thêm 1,2 điểm phần trăm, trong khi cùng số tiền đó đầu tư cho công nghiệp và dịch vụ chỉ làm GDP tăng thêm tương ứng là 0,64 điểm phần trăm và 0,94 điểm phần trăm. Kích cầu giá trị 1% GDP vào nông nghiệp sẽ tạo thêm 1 triệu việc làm mới, trong khi chỉ tạo ra 200.000 đến 370.000 việc làm cho khu vực công nghiệp hay dịch vụ.
3 Năm 2012, bình quân mỗi lao động tạo ra 11,9 triệu đồng (giá so sánh năm 1994). Giai đoạn từ năm 2002 - 2012, năng suất lao động bình quân tăng khoảng 4,3% và có sự khác nhau giữa các ngành. Năng suất lao động có xu hướng tăng trong giai đoạn từ năm 2002 - 2007, giảm vào năm 2008, và phục hồi trở lại vào thời kỳ 2009 - 2012 (ILISSA, 2012).
4 Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát tiền lương của công nhân tại 10 tỉnh, thành phố vào tháng 6 và 7/2012 cho thấy, tổng thu nhập trung bình của người lao động là 3,623 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập thực tế của người lao động tại vùng 1 (các thành phố lớn) là 4,232 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 3,787 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,495 triệu đồng/tháng và vùng 4 kém phát triển nhất là 3,001 triệu đồng/tháng.
5 Mức lương tối thiểu chung theo quy định tại Điều 56, Bộ luật Lao động lại là căn cứ để các doanh nghiệp tính các mức lương cho các loại lao động khác, cho nên phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lấy mức lương tối thiểu mà nhà nước quy định để làm gốc tham chiếu trả lương cho người lao động mà không dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động. Theo tính toán của Viện Khoa học lao động và xã hội, mức lương tối thiểu bảo đảm chi phí cho nhu cầu tối thiểu của người lao động có nuôi con trong quy định tại Điều 56, Bộ luật Lao động: năm 2006 là 679.000 đồng, năm 2008 là 792.000 đồng, năm 2010 là 924.000 đồng. Trong khi đó thực tế mức lương tối thiểu chung đã được công bố và thực hiện như sau: năm 2006 là 450.000 đồng, bằng 66,27%; năm 2008 là 540.000 đồng, bằng 68,18%; năm 2010 là 730.000 đồng, bằng 79,00% so với mức lương tối thiểu bảo đảm chi phí cho nhu cầu tối thiểu của người lao động có nuôi con. Từ ngày 1/5/2012, mức lương tối thiểu đã được quyết định tăng lên mức 1.050.000 đồng/tháng. Đây là mức lương tối thiểu áp dụng cho người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, còn đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì mức lương tối thiểu hiện nay là 1.560.000 đồng.
6 Người thiếu việc làm là những người trong độ tuổi lao động đang có việc làm, nhưng trong tuần lễ tham khảo làm việc dưới 40 giờ (5 công) và có nhu cầu làm thêm hoặc trong tuần lễ tham khảo không có việc làm, nhưng 4 tuần trước đó có việc làm và làm dưới 160 giờ (20 công) và có nhu cầu làm thêm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐTBXH).
7 Bình quân mỗi năm khoảng 74,000 ha đất sản xuất chuyển mục đích cho việc phát triển các khu công nghiệp, đô thị và kết cấu hạ tầng. Nếu như vào năm 2000, diện tích đất trồng lúa cả nước là 4.467.770 ha thì đến năm 2010 đã giảm đi 378,7 ngàn ha, và tiếp tục giảm trong các năm sau (Bùi Chí Bửu, 2010).
8 Liên minh Đất Quốc tế (ILC) là một liên minh toàn cầu của 116 các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức của nông dân, các viện nghiên cứu, các cơ quan chính phủ và liên chính phủ có liên quan từ hơn 50 quốc gia nhằm thúc đẩy và đảm bảo tính công bằng trong việc tiếp cận đất đai của các cộng đồng nghèo thông qua vận động chính sách, đối thoại, chia sẻ kiến thức và xây dựng năng lực, ủng hộ, xác nhận quyền về tài nguyên của các cộng đồng nghèo, giúp những thành viên và đối tác của họ cùng nhau hợp tác, nỗ lực hướng tới việc thực thi một chương trình nghị sự về đất đai lấy con người làm trung tâm.
9 Trong một nghiên cứu về lao động di cư của Viện Nghiên cứu Thanh niên, kết quả thực hiện 10.000 cuộc phỏng vấn cho thấy, hơn 50% dân di cư phải di chuyển là do không có việc làm ở nơi ở cũ; 47% trả lời “di chuyển để cải thiện điều kiện sống”. Hơn 47% số dân di cư nam và 44% dân di cư nữ gặp nhiều khó khăn trong nơi ở hiện tại. Hơn 81% dân di cư đến Tây Nguyên gặp khó khăn thực sự. Nhìn chung, dân di cư gặp khó khăn chủ yếu về nhà ở và tìm việc làm.
10 Theo số liệu của Hội Khoa học đất Việt Nam (2009), bình quân mỗi năm khoảng 74,000 ha đất sản xuất chuyển mục đích cho việc phát triển các khu công nghiệp, đô thị và kết cấu hạ tầng. Nếu như vào năm 2000, diện tích đất trồng lúa cả nước là 4.467.770 ha thì đến năm 2010 đã giảm đi 378,7 ngàn ha, và tiếp tục giảm trong các năm sau (Bùi Chí Bửu, 2010). Các vùng kinh tế trọng điểm có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm khoảng 50% tổng diện tích đất bị thu hồi trên toàn quốc.
11 Thông thường, nước thải chứa các chất hữu cơ vượt quá giới hạn cho phép sẽ gây ra hiện tượng phú dưỡng làm cho đất bị thừa hữu cơ, không có khả năng gieo trồng; giảm lượng oxy trong nước, làm cho các loại thủy sinh suy thoái về chủng loại và số lượng. Đặc biệt là các độc tố như dầu mỡ, kim loại, các loại hóa chất,… ngấm vào thức ăn của các loài sinh vật và qua chúng ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ô nhiễm đất do chế phẩm hóa học (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học,...), chất thải chăn nuôi, rác thải độc hại khó phân hủy từ các hoạt động sản xuất của làng nghề, chất thải công nghiệp đã dẫn đến hiện tượng đất bị thoái hóa không sản xuất được hoặc nếu có thì dẫn đến giảm năng suất cây trồng và chất lượng nông sản.
12 Với chuẩn nghèo 62.500đ/người/tháng, năm 1993, tỉ lệ dân số thuộc diện nghèo chiếm 58.1%, trong đó, tỉ lệ này ở đô thị là 25.1% và nông thôn là 66.4%.
13Chuẩn nghèo mới (theo TCTK - Ngân hàng thế giới (World Bank) thì năm 2010 là 635.000đ/ người/tháng (2,26 USD/người/ngày, theo ngang giá sức mua năm 2005), cao hơn nhiều so với chuẩn nghèo ban đầu của TCTK - WB và cao so với chuẩn nghèo mới chính thức công bố tháng 9/2010 là 400.000đ/người/tháng ở nông thôn và 500.000đ/người/tháng ở thành thị. Theo phương pháp và chuẩn mới của TCTK - WB, 20,7% dân số Việt Nam vẫn thuộc diện nghèo vào năm 2010, bao gồm 27% ở khu vực nông thôn và 6% ở khu vực thành thị và 8% dân số vẫn ở dạng cực nghèo. Đây là con số lớn hơn rất nhiều so với con số 14,2% vốn được xác định theo các chuẩn nghèo chính thức trong giai đoạn 2011 - 2016 (WB, 2012).
14 Tỉ lệ nghèo ở khu vực thành thị giảm từ 25,1% xuống 3,3% trong thời kỳ 1993 - 2008, tỉ lệ nghèo ở khu vực nông thôn giảm từ 66,4% xuống còn 18,7% trong cùng kỳ. Nhóm dân tộc thiểu số cũng đạt được những thành tựu đáng kể về giảm nghèo với tỉ lệ nghèo giảm từ 86,4% năm 1993 xuống 50,3% năm 2008.
15 Dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm 15% dân số cả nước nhưng chiếm tới 68% người nghèo cùng cực, 47% tổng số người nghèo vào năm 2010 so với 29% vào năm 1998 và 20% vào năm 1993. Năm 2008, tỉ lệ nghèo của người Kinh là 8,9% so với 50,3% ở người dân tộc thiểu số và nếu theo chuẩn mới trong năm 2010 là 66,3% người dân tộc thiểu số được phân loại nghèo, so với 12,9% ở người Kinh và 37,4% người nghèo dân tộc thiểu số thuộc diện cùng cực, so với tỉ lệ này ở người Kinh là 2,9%.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Con người (2014), số 4 (73), trang 12-22.
|
|