1. Xây dựng xã hội đọc nhìn từ hai phía lý luận và thực tiễn trên cơ sở thực trạng đọc và đọc văn học ở Việt Nam hiện nay (*)
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, ở Việt Nam vẫn chưa hình thành xã hội đọc(**). Thậm chí, việc nghiên cứu về văn hóa đọc nói chung và thực tiễn tiếp nhận các tác phẩm văn học nghệ thuật nói riêng chỉ mới được “khởi động” trong thời gian gần đây, nhất là trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (ngày 25/10 - 16/11/1995), UNESCO đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day). Trong hơn mười năm qua, đã có hơn 150 nước, trong đó có Việt Nam, hưởng ứng quyết định này. Theo đó, vấn đề văn hóa đọc ở Việt Nam mới bắt đầu được quan tâm chú ý. Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi đưa ra một vài dẫn chứng cụ thể như sau: Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay Việt Nam có 63 nhà xuất bản (https://ppdvn.gov.vn...). Về thư viện, theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2015 cả nước có 17.022 thư viện công cộng/ phòng đọc sách/ tủ sách với gần 40 triệu bản, phục vụ hơn 21 triệu lượt bạn đọc/năm (http://www.bvhttdl.gov.vn...). Điều này đồng nghĩa với việc, người Việt chưa đọc được 1 quyển sách/năm. Những con số trên đây cho thấy thực trạng đọc sách ở Việt Nam thật sự đáng buồn nếu chúng ta so sánh với hai quốc gia gần gũi là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo kết quả nghiên cứu thuộc Dự án Phát triển tài nguyên giảng dạy và nghiên cứu văn học Hàn Quốc ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Trung ương Hàn Quốc tài trợ, hai tác giả Phan Thị Thu Hiền và Nguyễn Thị Hiền cho biết: Hiện nay, Hàn Quốc có khoảng 1.825 nhà sách (không kể nhà sách quy mô nhỏ). Kyobo Book Centre ra đời từ 1980 là hệ thống nhà sách lớn nhất Hàn Quốc với 24 nhà sách khắp cả nước. Hệ thống này có tới 3,2 triệu thành viên của các câu lạc bộ sách và 180.000 người mua sách online và offline hàng ngày. Năm 2011, Hàn Quốc có 27.202 thư viện lớn nhỏ. Năm 2012, thị trường sách điện tử (không bao gồm sách giáo khoa và tham khảo) đạt doanh thu 55 tỷ won, chiếm 1,3% trên tổng quy mô thị trường xuất bản. Cũng theo kết quả thống kê năm 2012, trung bình một tháng người Hàn Quốc đọc khoảng 4,5 quyển (trong đó 3,1 sách giấy và 1,4 sách điện tử). Sách được yêu thích nhất là ‘sách văn học’ với 25,9%, tiếp theo là sách về ‘sở thích, du lịch, sức khỏe’ với 19,3%. Một con số khá quan trọng là có đến 42,6% nguồn sách là sách tự mua để đọc (Phan Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Hiền, 2014).
Ở Trung Quốc, chương trình “Tuần san văn hóa” của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc CRI thông tin: năm 2012, Viện Nghiên cứu Báo chí và Xuất bản Trung Quốc điều tra tình hình đọc sách của người dân Trung Quốc lần thứ 10, được triển khai ở 48 thành phố của 28 tỉnh thành và khu tự trị, nhận được 18.619 phiếu trả lời đạt yêu cầu. Kết quả cho thấy có ba xu thế mới trong việc đọc sách của người Trung Quốc: tỷ lệ đọc sách giấy và sách điện tử của người dân Trung Quốc đều tăng; người đọc trực tuyến ngày một nhiều, nhưng người sẵn sàng trả phí lại ít đi; thiếu niên và nhi đồng có tỷ lệ đọc sách cao nhất. Năm 2012, bình quân mỗi người Trung Quốc đọc 4,39 cuốn sách giấy, con số này tăng ổn định năm thứ 7 liên tiếp; còn tỷ lệ đọc sách điện tử tăng rõ rệt: năm 2012, bình quân mỗi người Trung Quốc đọc 2,35 cuốn sách điện tử, trong khi đó năm 2011 con số này chỉ là 1,42 cuốn, mức tăng đạt 65,5% (Xem: http://vietnamese.cri.cn...).
Rõ ràng, khi coi văn hóa là nền tảng, động lực phát triển và hội nhập quốc tế thì thực tế đáng buồn về văn hóa đọc ở Việt Nam không khỏi khiến chúng ta phải lo lắng. Vì vậy, việc xây dựng một xã hội đọc ở nước ta hiện nay là yêu cầu cấp thiết, nhìn từ cả hai phía lý luận và thực tiễn.
Trước hết, về mặt lý luận, chúng ta hiểu rằng, để phát triển đất nước trong thời đại tri thức, việc đẩy mạnh văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng vì nó gắn liền với việc nâng cao tố chất con người và tố chất dân tộc. Đọc văn học cũng là một vấn đề quan trọng bởi văn học nghệ thuật có ưu thế đặc biệt trong việc bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn con người, một nhân tố không thể thiếu bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Ưu thế của văn học nằm ở ba phương diện chính: người đọc có thể đọc bất cứ ở đâu (không gian) và đọc bất cứ lúc nào (thời gian); tác động của văn học là ở khả năng cảm hóa thông qua những rung động sâu kín của tâm hồn, có tính cá nhân và có khả năng nhân rộng, lan tỏa đến cộng đồng; mỗi một tác phẩm văn học xuất sắc có thể coi là một bách khoa về cuộc sống, giúp người đọc mở ra những kênh tri thức mới mẻ và sâu sắc. Karl Marx đã từng nói, ông học được nhiều hơn ở các tác phẩm văn học so với các công trình kinh tế Anh thời đó cộng lại.
Ở Việt Nam, ngay sau khi đất nước giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi diệt giặc dốt, nâng cao dân trí. Người cũng đề cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật, coi văn hóa là sự nghiệp quan trọng để kiến thiết và bảo vệ đất nước. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với tư tưởng của Đảng về văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta cũng khẳng định văn hóa “vừa là mục tiêu, vừa là động lực” của phát triển. Do đó, văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế và xã hội; văn hóa phải thẩm thấu vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống. Các nghị quyết về văn học nghệ thuật, đặc biệt là Nghị quyết 23-NQ/TW, Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định những thành tựu to lớn của văn học nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Theo thời gian, tầm quan trọng của văn hóa và vai trò của văn học nghệ thuật đã ngày càng được nhận thức đúng đắn hơn. Tháng 7/2005, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đề xuất Đề án xã hội hóa hoạt động văn hóa, đưa văn hóa ra thị trường, chú ý phát triển công nghiệp văn hóa đã mở ra một hướng mới để chúng ta suy nghĩ về việc hình thành thị trường văn hóa trong đó có thị trường văn học. Đây là những căn cứ lý luận quan trọng để xây dựng xã hội học tập, hình thành nền văn hóa đọc và đọc văn học ở nước ta.
Về mặt thực tiễn, qua khảo sát của chúng tôi, văn hóa đọc không xuống cấp như lâu nay chúng ta vẫn lo lắng(*). Chỉ tính riêng về Internet và mạng di động, Việt Nam thuộc số những nước có tốc độ phát triển hàng đầu Đông Nam Á. Bên cạnh sách văn học nghệ thuật, người đọc còn tìm đến các loại sách khoa học kỹ thuật, sách doanh trí, sách dạy kỹ năng sống,... Rõ ràng, nếu xét về lượng thì số lượng người đọc tăng lên. Hình thức đọc cũng trở nên phong phú hơn: đọc qua Internet, sách báo điện tử, truyện tranh, photocopy,…
Song cũng phải nói rằng, những lo lắng về sự “xuống cấp” của văn hóa đọc là có cơ sở nếu chúng ta không chỉ nhìn vào số lượng và sự đa dạng của xuất bản phẩm, của hệ thống phân phối phát hành,.. mà nhìn vào chất lượng/ chiều sâu của việc đọc. Người đọc hiện nay đọc nhiều nhưng ít đọc kỹ, đọc sâu. Nhiều người chỉ quan tâm đến tính giải trí mà không quan tâm nhiều đến hàm lượng trí tuệ của tác phẩm. Đặc biệt, trong đội ngũ công nhân, nông dân, việc đọc sách chưa trở thành thói quen thường xuyên. Thế hệ trẻ ngày nay cũng ít đọc sách văn học, môn văn trong nhà trường mất dần tầm quan trọng. Đây là những vấn đề hệ trọng đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu, vì hình thành được xã hội đọc hay không sẽ liên quan đến phát triển bền vững.
Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn ấy, ý thức nâng cao văn hóa đọc đã được nhen nhóm từ những người yêu sách và ham thích đọc sách. Nhiều nhà chính trị, nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ đã tạo lập các diễn đàn, kết nối không gian để mở ra các cơ hội tiếp thu và phổ biến tri thức qua sách vở. Trong lễ ra mắt Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh, tháng 1/2007, nhà văn Nguyên Ngọc đã đưa ra một so sánh đáng chú ý: “Bàn về tự do của John Stuart Mill từ lâu đã được coi là kinh điển không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu ở Anh năm 1859. Không đầy 10 năm sau, năm 1868, nó đã được dịch ở Nhật Bản, số phát hành lên đến 2 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản lúc bấy giờ chỉ 36 triệu người”. Song “mãi đến năm 2004 [Bàn về tự do] mới được dịch lần đầu tiên ở ta [Việt Nam], và cũng chỉ in lèo tèo 1.000 bản, tức chậm hơn Nhật Bản một thế kỷ rưỡi và số lượng in ít hơn họ 2.000 lần” (Nguyên Ngọc, 2007). Đây hoàn toàn là những con số biết nói. Cho đến nay, trong khuôn khổ của Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh, tủ sách tinh hoa này mới chỉ xuất bản được khoảng 50 cuốn với số lượng bản in không nhiều, bằng 10% so với mong muốn ban đầu của những người sáng lập.
Xuất bản văn học tinh hoa cũng không có gì sáng sủa hơn, dù nhiều công ty văn hóa truyền thông đã cố gắng xoay xở nhiều phương án cho sự ra đời của loại sách kén khách này. Gần như văn học tinh hoa đã bị chìm nghỉm trong cả một lượng lớn sách giải trí có tính chất nhất thời, đặc biệt là loại sách ngôn tình - dòng văn học phổ thông. Mặc dù sự phát triển của dòng văn học phổ thông là cần thiết, và cần được nghiên cứu, nhưng sự lấn át của nó với văn học tinh hoa như ở Việt Nam hiện nay cũng cần được chú ý nghiên cứu nhiều hơn bởi những tác động trước mắt và lâu dài của nó, nhất là khi các chính sách văn hóa chưa kích thích được sự phát triển của các loại hình văn học tinh hoa làm cơ sở cho những phân hóa về lựa chọn và tiếp nhận. Cá biệt, có lúc xuất bản ở Việt Nam đạt được thành công cả về mặt doanh thương và ý hướng tác động văn hóa. Chẳng hạn, tiểu thuyết Rừng Na Uy của Haruki Murakami khi được xuất bản ở Việt Nam lần thứ hai với sự chuyển ngữ của Trịnh Lữ, số lượng bản in cho đến nay đã lên đến con số hàng triệu, là điều mà chỉ Nhật ký Đặng Thùy Trâm có thể so sánh được. Số lượng sách xuất bản lần đầu và tái bản các lần tiếp theo lên tới con số hàng vạn cũng được duy trì, song chủ yếu thuộc thị trường văn học miền Nam, chẳng hạn các cuốn sách gắn với tên tuổi của Nguyễn Nhật Ánh, Dương Thụy, Nguyễn Ngọc Tư,... Bên cạnh nội dung phù hợp với bạn đọc nhiều lứa tuổi, vùng miền, cần thấy chiến lược gây dựng thương hiệu của các đơn vị xuất bản ở phía Nam là rất đáng ghi nhận. Để kinh doanh văn hóa và thực hành văn hóa, nhiều nhà xuất bản và công ty văn hóa truyền thông đã phải đồng thời đứng trên cả hai chân thị trường và thẩm mỹ để duy trì và phát triển hoạt động xuất bản văn học.
Những phân tích trên đây cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những chính sách thiết thực ngay từ khâu định hướng phát triển cho các nhà xuất bản để kiểm soát nguồn cung. Nếu coi việc đọc sách thực sự đem lại ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao tố chất con người thì Nhà nước phải có trách nhiệm và cam kết đóng góp không vị lợi trong lĩnh vực xuất bản và các chương trình giáo dục bắt buộc.
2. Giải pháp và kiến nghị
Hệ giải pháp
Để hình thành một xã hội đọc và thúc đẩy mạnh mẽ đọc văn học ở nước ta hiện nay, cần chú ý một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về việc đẩy mạnh, quán triệt nhận thức về tầm quan trọng của sách và việc đọc sách. Nhận thức về đọc văn học cũng như tầm quan trọng của văn học đương đại là công việc cấp thiết. Ai cũng nói đến tầm quan trọng của văn học và văn hóa đọc văn học nhưng thực tế lại không diễn ra như thế. Điều này xuất phát từ ba lý do cơ bản. Một là, trong một thời gian dài, chúng ta chủ yếu tập trung phát triển kinh tế mà ít chú ý đến khoa học xã hội và nhân văn. Chỉ đến khi nhận ra những thiếu hụt trong nhân cách cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ chỉ chú ý đến vật chất, thực dụng, tình trạng bạo lực và vô cảm tăng lên,… chúng ta mới bắt đầu quay lại chú ý đến giáo dục các giá trị văn hóa và văn học như là những giá trị có ý nghĩa bồi dưỡng con người về nhận thức, lý tưởng, niềm tin, giá trị. Hai là, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các phương tiện thông tin hiện đại đã làm thị phần văn hóa đọc văn học bị thu hẹp. Ba là, quỹ thời gian của con người hiện đại cũng không còn đủ nhiều để dành cho văn học. Thậm chí trong các khu công nghiệp, công nhân cần ăn, ngủ để bảo đảm sức khỏe hơn là đọc sách. Và các tổ chức công đoàn cũng không quan tâm đến các sinh hoạt tinh thần ngoại trừ một số tiết mục văn nghệ mang tính phong trào. Vấn đề là tại sao ở nhiều quốc gia phát triển, những quốc gia có nền kinh tế thị trường lâu đời vẫn hình thành được xã hội đọc? Để giải đáp câu hỏi này, vấn đề đầu tiên là phải thông suốt trong toàn xã hội về văn hóa đọc, tích cực đẩy mạnh việc đọc văn học cũng như giáo dục con người thông qua văn học. Trong hai cuộc kháng chiến trước đây, văn học đã phát huy được vai trò to lớn của nó trong việc giáo dục, cổ vũ, động viên đồng bào cả nước tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhưng đến thời kỳ đổi mới, thực trạng đọc văn học lại là một vấn đề rất đáng lo ngại khi nhìn vào số liệu thống kê, ví như mỗi đầu sách thường chỉ in khoảng trên dưới 1.000 bản mà vẫn phát hành lay lắt trong một đất nước hơn 90 triệu dân.
Thứ hai, về việc xây dựng mạng lưới phát hành, thư viện: Cần đẩy mạnh việc xây dựng những thư viện công, thúc đẩy sự lớn mạnh của các thư viện tư là một giải pháp khả thi. Mặt khác phải tích cực xã hội hóa việc quảng bá văn học. Hiện nay, các nhà sách đang quá chú ý đến lợi nhuận mà ít chú ý đến hiệu quả xã hội của sách văn học. Nếu các trung tâm phát hành sách có một phần dành cho người nghèo, thanh thiếu niên đọc sách miễn phí thì chắc chắn người đọc thực tế sẽ tăng lên, và cũng sẽ không có chuyện học trò bị nhà sách bắt phạt vì ăn cắp sách do quá ham đọc mà không có tiền mua. Bên cạnh đó, các nhà sách cũng cần tự thấy có trách nhiệm chia sẻ các giá trị văn học với người đọc vì hiệu quả xã hội chứ không đơn thuần là hiệu quả kinh tế. Hệ thống thư viện ít được đầu tư, còn một số thư viện trọng điểm được đầu tư lớn thì chỉ chú ý đến lợi ích có được từ các dịch vụ trong khi thái độ phục vụ lại chưa tận tình, chu đáo. Điều này vô tình ngăn cản ham muốn đọc sách của những người đọc có điều kiện khó khăn, nhất là khi giá thành sách còn khá cao đối với khả năng của trẻ em và cán bộ hưu trí. Thiết nghĩ, đề án xây dựng thư viện đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, có tham khảo cách thức xây dựng hệ thống thư viện ở các nước phát triển trên thế giới và khu vực, điển hình như Hàn Quốc.
Thứ ba, về việc xây dựng nhận thức đúng đắn về môn Văn trong giáo dục nhà trường. Về mặt hình thức, môn Văn vẫn có vị trí quan trọng trong nhà trường. Đó cũng là môn học chính vì liên quan đến thi cử. Nhưng tình trạng chán học văn, ít học sinh lựa chọn thi khối C là điều ai cũng nhận thấy. Ngoài chất lượng giáo viên thì có ba vấn đề đặt ra đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu. Một là, chương trình phải phù hợp, phải tuyển chọn được những tác phẩm thực sự xuất sắc về tư tưởng và nghệ thuật để tăng lực hấp dẫn và tăng hiệu quả giáo dục. Rất nhiều tác phẩm văn học được đưa vào giảng dạy nhưng lại quá ít phẩm tính văn chương. Cần chú ý rằng chức năng giáo dục, nhận thức, chức năng dự báo và giải trí phải được thực hiện qua chức năng thẩm mỹ. Nếu tác phẩm ít tính văn học, học sinh không muốn đọc thì khi ấy chức năng giáo dục khó mà thực hiện được. Hai là, áp dụng công nghệ vào dạy văn là đáng khuyến khích, nhưng không nên lạm dụng vì công nghệ không thay được con người trong truyền dẫn cảm xúc và truyền lửa đam mê. Ba là, dạy văn phải gắn với những tri thức liên ngành về sử học, dân tộc học, sinh thái học nhân văn,… để học trò hiểu văn là người, và câu chuyện văn chương cũng là câu chuyện về đời sống. Mục đích của dạy/ học văn là để con người nhân ái hơn, yêu quê hương đất nước hơn, và biết rung cảm trước cái đẹp. Một khi biết rung cảm trước cái đẹp, con người sẽ không độc ác, sẽ biết yêu cội nguồn, yêu tổ quốc. Tức là cùng với việc tiếp nhận các tri thức khoa học và văn hóa khác, đọc văn học sẽ giúp thế hệ trẻ biết hoàn thiện nhân cách.
Thứ tư, về trách nhiệm của nhà văn và giới nghiên cứu phê bình. Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà văn là phải viết nên những tác phẩm xuất sắc, nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà phê bình là định hướng độc giả để họ có đủ điều kiện, cơ hội thưởng lãm những giá trị văn học xuất sắc. Việc nhà văn chạy theo các sáng tác có tính giải trí, thương mại, nhà phê bình bỏ rơi nhiệm vụ của mình với tư cách là “siêu độc giả” sẽ làm suy giảm chất lượng đọc. Đây cũng là thực tế đã diễn ra trong thời gian qua, làm cho người đọc không phân biệt được sách hay, sách dở, mất tiền mua những quyển sách kém chất lượng. Vài lần như thế, họ sẽ không còn mặn mà với việc mua sách văn học.
Thứ năm, về trách nhiệm của đội ngũ quản lý văn học, nghệ thuật. Nhiệm vụ quan trọng nhất của đội ngũ quản lý không phải là siết chặt hay đề phòng mà quan trọng hơn là những “bà đỡ” để thị trường có những tác phẩm hay, các tranh luận và đối thoại về văn học diễn ra trong môi trường dân chủ. Môi trường văn học sôi động, dân chủ sẽ kích thích môi trường đọc, và khi thị trường xuất hiện nhiều sách hay, quảng bá văn học chính xác, tất yếu những tác phẩm non kém chất lượng sẽ bị đào thải khỏi lựa chọn của người đọc.
Thứ sáu, về chính sách văn hóa văn nghệ. Nhận thức đúng đắn đặc trưng, vai trò, chức năng, giá trị của văn học nghệ thuật, Đảng và Nhà nước cần sớm đổi mới thể chế và quy phạm thực tiễn đời sống cũng như thị trường văn hóa để chủ trương phát triển văn hóa và xây dựng con người nhân văn có nhiều khả năng được thi triển trong thực tế. Nhà nước cần có các dự án hỗ trợ xuất bản văn học nghệ thuật dân tộc, dịch thuật các tác phẩm hay của nước ngoài; số hóa kho văn tự dân tộc vừa để gìn giữ, bảo vệ, vừa phục vụ thiết thực cho việc khai thác và phát huy những giá trị tinh thần vô giá đó;... Có chính sách pháp luật về đầu tư, về thuế phù hợp để khuyến khích các nhà xuất bản, các công ty văn hóa truyền thông tư nhân, các hội nghề nghiệp và cá nhân hoạt động hiệu quả, năng động trong lĩnh vực kinh doanh văn hóa; dùng chính sách hỗ trợ để thúc đẩy những sản phẩm văn hóa phù hợp với chuẩn mực, thuần phong mỹ tục của dân tộc mà xã hội hướng đến.
Một số kiến nghị
- Cần thống nhất ý chí và chú ý đầu tư hiệu quả: Xây dựng xã hội đọc, xã hội học tập, học tập suốt đời phải thực sự trở thành quan niệm phổ biến của toàn quốc dân, phải trở thành ý chí từ lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đến từng gia đình, từng người trong xã hội. Ngày nay, văn hóa được coi là “vốn” phát triển, con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là chủ thể hưởng thụ văn hóa, vì thế, phải coi đọc và đọc văn học như là nhu cầu tự thân. Từ nhận thức đi đến hành động: xây dựng hệ thống thư viện, yêu cầu đọc bắt buộc và khuyến khích đọc theo sở thích.
- Tạo không gian đọc rộng rãi: Chấp nhận việc đọc trong các không gian và các loại hình đọc khác nhau. Hình thành thói quen đọc từ gia đình đến nhà trường và xã hội, trong các tổ chức, đoàn thể, coi đọc như một chỉ số về phát triển con người. Không gian đọc linh hoạt không chỉ góp phần mở rộng số lượng, quy mô đọc mà còn góp phần nâng cao chất lượng đọc. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có định hướng để người đọc hướng đến tinh hoa mà không tìm đến các sản phẩm văn hóa kém cỏi, hời hợt, có tính nhất thời.
- Tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho đội ngũ sáng tác, lý luận, phê bình và dịch thuật văn học. Phải coi đây là lĩnh vực của chủ thể sáng tạo và chủ thể truyền bá văn hóa. Việc tạo điều kiện vật chất và không gian tinh thần cho nghệ sĩ là tối quan trọng, giúp nghệ sĩ toàn tâm, toàn ý sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ưu tú, giúp chủ thể truyền bá văn hóa có điều kiện hoạt động tốt hơn, từ đó phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc.
- Cần có hệ thống chính sách, văn bản pháp luật, pháp quy về an ninh văn hóa đủ thông thoáng để việc sáng tác, xuất bản và tiếp nhận văn học diễn ra thuận lợi. Đầu tư xuất bản những tác phẩm phục vụ các nhiệm vụ chính trị cụ thể, trực tiếp, phổ biến đường lối văn nghệ là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhân rộng những tác phẩm có giá trị nghệ thuật ưu tú, có sức sống lâu dài.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm Đổi mới (1986-2006), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Nguyễn Hữu Giới (2013), Suy nghĩ về sách, văn hóa đọc và thư viện, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
3. Trần Hân (2013), Luận đàm về ngành xuất bản Trung Quốc, Thúy Lan, Thanh Huyền dịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Phan Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Hiền (2014), “Văn hóa đọc ở Hàn Quốc”, tham luận Hội thảo khoa học Văn hóa đọc và thực trạng đọc văn học ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Dự án Điều tra thực trạng đọc văn học (Viện Văn học) và Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 30/9/2014.
5. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (2009), Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Nguyên Ngọc (2007), “Một sự nghiệp lớn và cấp thiết”, bài phát biểu tại lễ ra mắt Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngày 9/1/2007.
7. Nhiều tác giả (2006), Văn hóa thời hội nhập, Tạp chí Tia sáng và Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
8. Nhiều tác giả (2011), Người đọc và công chúng nghệ thuật đương đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
9. Nhiều tác giả (2013), Xuất bản Việt Nam trong những năm đổi mới đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
10. UNDP, The Human Development Report, CD-ROM 1990-1999.
11. https://ppdvn.gov.vn/web/guest/danh-sach-don-vi
12. http://www.bvhttdl.gov.vn/vn/addrepo rt/119/index.html
13. http://vietnamese.cri.cn/561/2013/05/01/1s185887.htm