Tích tụ đất đai ở Trung Quốc: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Hồ Nam

Tích tụ đất đai ở Trung Quốc: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Hồ Nam

19/06/2020

GS.TS. ĐỖ HOÀI NAM, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

TS. HOÀNG THẾ ANH, Viện Nghiên cứu Trung Quốc

 

Tóm tắt: Bài viết nhìn lại quá trình  cải cách thể chế ruộng đất ở nông thôn Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa (1978) đến nay, trong đó tập trung phân tích cách thức và những thử nghiệm ở tỉnh Hồ Nam, một tỉnh nông nghiệp lớn, có tính đại diện về lưu chuyển, tích tụ đất đai cho việc sản xuất, kinh doanh quy mô ở nông thôn Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc (2012) tới nay, với một số mô hình như: Mô hình ruộng cổ phần ở thành phố Lưu Dương, mô hình lưu chuyển đất phát triển kinh tế tập thể ở thôn Khai Tuệ, mô hình hợp tác phát triển ngành nghề giữa các chủ thể khác nhau ở huyện Trường Sa và mô hình quy hoạch đất đai hỗn hợp ở thôn Tầm Long Hà. Từ đó đưa ra một số gợi mở về kinh nghiệm tích tụ đất đai ở Trung Quốc.

Từ khóa: Trung Quốc, Hồ Nam, nông thôn, lưu chuyển đất đai, tích tụ đất đai

 

 

Cùng với tiến trình cải cách mở cửa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, thị trường hóa, dịch vụ hóa ở Trung Quốc, thể chế đất đai ở nông thôn cũng từng bước được thay đổi, tạo nguồn lực cho sự phát triển kinh tế ở nước này. Trong bối cảnh chung đó, Hồ Nam đã trở thành một tỉnh nông nghiệp tương đối phát triển ở miền Trung của Trung Quốc có tính đại diện cho quá trình cải cách thể chế đất đai ở nông thôn, đặc biệt có nhiều địa phương đã thử nghiệm, đi đầu trong việc lưu chuyển đất khoán nông nghiệp, góp phần tích tụ đất đai thực hiện mục đích sản xuất, kinh doanh quy mô có hiệu quả ngành nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn Trung Quốc, cụ thể như sau:

1. Lưu chuyển quyền khoán, quyền kinh doanh để tích tụ đất đai ở Trung Quốc

Từ những năm 1960, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã quy định đất đai nông thôn thuộc chế độ sở hữu tập thể. Từ đó cho đến nay, hàng trăm triệu nông dân Trung Quốc không có quyền sở hữu tư hữu về đất đai (Epochtimes, 2016). Sau cải cách mở cửa, Trung Quốc đã tiến hành khoán trách nhiệm đến hộ gia đình, phân tách giữa quyền sở hữu tập thể với quyền khoán đất đai, đó là quyền sở hữu thuộc về tập thể, quyền sử dụng đất khoán thuộc về hộ nông dân. Đây là “lần thứ nhất Trung Quốc cải cách thể chế quản lý đất đai ở nông thôn” (陈晓华, 2016). Từ sau Đại hội XVIII năm 2012, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, lượng lớn người lao động ở nông thôn chuyển vào thành phố làm việc, kinh doanh, vì vậy đã xuất hiện tình trạng lưu chuyển quyền khoán và quyền kinh doanh đất đai ở nông thôn. Trước thực trạng này, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo kéo dài thời gian khoán đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân được lưu chuyển quyền khoán, quyền kinh doanh, góp phần tập trung, tích tụ đất đai ở nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh, như: Tháng 11-2014, đã ban hành “Ý kiến của Văn phòng Trung ương ĐCS và Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc về việc hướng dẫn lưu chuyển có trật tự quyền kinh doanh đất đai ở nông thôn để phát triển kinh doanh nông nghiệp với quy mô thích hợp”; tháng 10-2016, Văn phòng Trung ương ĐCS và Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về biện pháp hoàn thiện phân tách quyền sở hữu, quyền khoán, quyền kinh doanh đất đai ở nông thôn”. Báo cáo Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc đề ra việc tiếp tục kéo dài thời hạn khoán đất ở nông thôn thêm 30 năm (Xinhuanet, 2017). Gần đây, tháng 11-2019, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đưa ra cam kết bằng việc ban hành “Ý kiến của Trung ương ĐCS Trung Quốc và Quốc vụ viện về việc bảo đảm ổn định và lâu dài không thay đổi quan hệ khoán đất”.

Với các văn bản này, giới quan sát Trung Quốc cho rằng, đây là “lần cải cách thể chế đất đai thứ hai từ sau cải cách mở cửa đến nay” với những nội hàm chủ yếu là: Tách quyền khoán đất đai thành 2 quyền là quyền khoán và quyền kinh doanh. Như vậy, quyền sở hữu và sử dụng đất đai ở nông thôn Trung Quốc được chính thức xác định có 3 loại quyền, đó là: i) quyền sở hữu tập thể đất đai; ii) quyền khoán đất đai; iii) quyền kinh doanh đất khoán (Gov.cn, 2019). Khác biệt trong lần sáng tạo thể chế đất đai lần thứ hai so với lần thứ nhất là ở chỗ cho người nông dân có thêm quyền kinh doanh đất khoán nông nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là theo chỉ đạo và quy định liên quan của Đảng và Chính phủ Trung Quốc hiện nay, cải cách chính sách đất đai là trao cho người nông dân quyền lưu chuyển quyền khoán đất đai, đất đai nông thôn vẫn thuộc sở hữu tập thể; mục đích của việc lưu chuyển là nhằm kinh doanh nông nghiệp với quy mô hóa thích hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; không được thay đổi mục đích sử dụng đất đai. Bởi vì, hiện nay ở Trung Quốc, ngoài việc có những điều chỉnh chính sách để thúc đẩy phát triển cân bằng giữa nông thôn và thành thị, hướng tới nhất thể hóa giữa thành thị và nông thôn, Đảng và Chính phủ Trung Quốc còn chú trọng đến bảo đảm an ninh lương thực và bảo đảm diện tích đất canh tác nhất định, như việc đặt ra giới hạn đỏ giữ lại 1,8 tỷ mẫu đất canh tác để làm nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực trên phạm vi cả nước. Đây là con số bất di bất dịch trong nhiều năm lại đây và đẩy nhanh việc quy hoạch đất nông nghiệp (canh tác) cơ bản lâu dài (Moa.gov, 2017). Nếu quá trình đô thị hoá và phát triển ngành nghề ảnh hưởng tới quỹ đất này, Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách chuyển đổi, cân bằng và điều chỉnh giữa các địa phương để giữ cho tổng quỹ đất canh tác và bảo đảm cho an ninh lương thực  không thay đổi. Tuy nhiên, không phải đất nào cũng có thể chuyển đổi thành đất canh tác, do vậy, chỉ có thể quy hoạch lại. Vấn đề quy hoạch này do Bộ Đất đai nhà nước và Sở Đất đai (hiện nay đổi tên thành Sở Tài nguyên tự nhiên) của các tỉnh thực hiện (Kết quả nghiên cứu, khảo sát, 2019).

Từ những văn bản này, nhiều địa phương ở Trung Quốc đang triển khai thí điểm cải cách về phân tách quyền khoán và quyền kinh doanh đất đai, thúc đẩy quy mô hóa, kinh doanh thâm canh đất đai với mục đích có lợi cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả lao động sản xuất, có lợi cho việc phát triển các loại hình chủ thể kinh doanh mới. Tuy nhiên, trong những năm qua, thực tế ở nhiều địa phương Trung Quốc, sau khi nhận đất khoán lần 1, người nông dân thường cho người khác thuê để canh tác trên đất khoán của mình. Theo số liệu của nhà nước Trung Quốc, năm 2017 ở nông thôn Trung Quốc có khoảng 30% đất khoán đã được các hộ nông dân lưu chuyển, với tổng diện tích lưu chuyển là 479 triệu mẫu(颜丹,2017). Theo “Báo cáo về thị trường lưu chuyển đất đai” ở Trung Quốc trong thời gian từ năm 2015 - 2017, giao dịch (lưu chuyển) đất nông nghiệp gồm nhiều hình thức như: chuyển khoán, cho thuê, đổi lẫn nhau, chuyển nhượng, tham gia cổ phần, hợp tác, nhưng chủ yếu là cho thuê và chuyển nhượng đất khoán, trong đó chuyển khoán là 7%, cho thuê 36%, đổi lẫn nhau 1%, chuyển nhượng 51%, tham gia cổ phần 1% và hợp tác là 4% trong tổng số đất lưu chuyển(土流网, 2018).

Thực tiễn lưu chuyển để tích tụ đất đai hiện nay ở Trung Quốc cũng tạo ra nhiều ý kiến và tranh luận liên quan đến những vấn đề phi đất đai. Theo ông Trần Tích Văn (2017), chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về vấn đề tam nông, Trung Quốc muốn thúc đẩy lưu chuyển đất đai, phát triển kinh doanh quy mô, trước tiên phải giải quyết tốt vấn đề đầu ra cho người nông dân. Muốn thay đổi phương thức kinh doanh phân tán của người nông dân thì phải sáng tạo ra 3 điều kiện: i) Thúc đẩy đô thị hóa kiểu mới, chuyển dịch dân số nông thôn; ii) Đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến biện pháp sản xuất nông nghiệp; iii) Phát triển mạnh mẽ hệ thống dịch vụ xã hội hóa nông nghiệp. Có đầy đủ 3 điều kiện này, việc lưu chuyển đất đai để tích tụ đất kinh doanh quy mô tự nhiên hình thành(陈锡文,2017). Ngoài ra, về vấn đề làm thế nào để tạo việc làm mới cho người nông dân, ông Trần Tích Văn (2017) cho rằng, hiện đại hóa nông nghiệp là cần phải giảm số dân làm nông nghiệp, đô thị hóa chủ thể người nông dân. Tại thời điểm năm 2017, ở Trung Quốc, số lượng nông dân vào thành phố làm việc khoảng hơn 280 triệu người(1), đây là những người đã rời đồng ruộng vào thành phố làm việc trong những ngành nghề phi nông nghiệp, điều này làm cho tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp bắt đầu có điều kiện phát triển. Nhưng từ sau năm 2010, số lượng nông dân vào thành phố làm việc có xu hướng giảm dần, từ đó một câu hỏi được đặt ra: người nông dân muốn rời đồng ruộng nhưng không vào được thành phố thì làm thế nào? Câu trả lời là, cần phải tạo ra không gian việc làm mới cho người nông dân. Việc làm mới này không phải dựa vào canh tác, mà là phát triển ngành nghề mới. Do vậy, yêu cầu giảm số lượng nông dân, thực hiện kinh doanh quy mô, phát triển các ngành nghề mới, thúc đẩy kết hợp phát triển cùng lúc nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ là những vấn đề quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh tổng hợp của ngành nông nghiệp(陈锡文,2017).

Như vậy, muốn tập trung, tích tụ đất đai phục vụ nâng cao sức sản xuất quy mô, không chỉ là tích tụ đất đai ở nông thôn một cách cơ học, mà cần có những biện pháp đồng bộ khác để giải quyết bài toán công ăn việc làm, thu nhập đảm bảo đời sống, môi trường sống của người nông dân. 

2. Một số mô hình tích tụ đất đai ở tỉnh Hồ Nam

2.1. Khái quát về tỉnh Hồ Nam

Tỉnh Hồ Nam có tổng diện tích là 211.800 km2, chiếm 2,2% tổng diện tích toàn Trung Quốc, có diện tích lớn thứ 10 trong số các tỉnh thành của cả nước Trung Quốc và là tỉnh có diện tích lớn nhất khu vực miền Trung. Tính đến cuối năm 2019, dân số thường trú của tỉnh là 69,184 triệu người (Hunan.gov, 2020).

Toàn tỉnh Hồ Nam có 4.148.800 ha đất canh tác, chiếm 3,1% diện tích đất canh tác cả nước (Hunan.gov, 2018). Mức độ đô thị hoá của Hồ Nam năm 2018 đạt 56,4%, kém mức trung bình của cả nước khoảng 4%. Toàn tỉnh có 4 vùng kinh tế: Vùng kinh tế phía Đông gồm 3 thành phố lớn, vùng kinh tế phía Nam có 3 thành phố, vùng kinh tế phía Tây có 4 thành phố, vùng kinh tế phía Bắc có 3 thành phố. Trong đó, Trường Sa là thủ phủ của tỉnh với 12% tổng dân số của tỉnh và kinh tế chiếm 1/3 GDP của tỉnh. Việc chia các vùng kinh tế này dựa trên cả vị trí địa lý và chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, như khu xoá đói giảm nghèo, khu loại hình xã hội tiết kiệm tài nguyên và khu loại hình xã hội sinh thái, khu phát triển tổng hợp các ngành kinh tế. Quy hoạch này do tỉnh Hồ Nam đề ra ý tưởng và trình lên Chính phủ Trung ương Trung Quốc và Chính phủ Trung ương tiến hành phê chuẩn (Kết quả nghiên cứu, khảo sát, 2019).

Tỉnh Hồ Nam có ít đất canh tác, bình quân chỉ khoảng 0,06 ha/người, chủ yếu là đồi núi. Do vậy, vấn đề tích tụ ruộng đất là vô cùng quan trọng. Do điều kiện tự nhiên, nên tỉnh Hồ Nam thích hợp với việc trồng lúa, năm 2018, sản lượng lương thực của cả tỉnh đạt 30 triệu tấn, trong đó 80% sản lượng là lúa gạo, đứng thứ 2 trong cả nước, sau tỉnh Hắc Long Giang. Một số sản phẩm nông nghiệp khác đạt sản lượng lớn như: cam, chè, rau xanh… Hiện nay, tỉnh phát triển nông nghiệp theo hướng tổng hợp các ngành nghề, trong đó đang tập trung phát triển các ngành nông nghiệp có sản lượng lớn như: lúa gạo, cam, chè, rau, hoa quả, cá nước ngọt... Bên cạnh sản xuất, tỉnh cũng chú trọng ngành gia công các sản phẩm nông nghiệp. Năm 2018, giá trị tạo ra từ ngành gia công các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt 1600 tỷ NDT (Kết quả nghiên cứu, khảo sát, 2019).

2.2. Về lưu chuyển để tích tụ đất đai ở Hồ Nam

Hồ Nam là một tỉnh nông nghiệp lớn của Trung Quốc, việc tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô ở đây được cho là mang tính đại diện cho toàn Trung Quốc (Kết quả nghiên cứu, khảo sát, 2019). Hồ Nam cũng như các tỉnh khác ở Trung Quốc, chế độ sở hữu đất đai ở nông thôn thuộc chế độ sở hữu tập thể, do vậy người nông dân, các hộ gia đình ở nông thôn không có quyền sở hữu. Người nông dân và hộ gia đình ở nông thôn có 3 quyền đối với ruộng đất: quyền sử dụng, quyền khoán và quyền kinh doanh. Trong những năm gần đây, ở nông thôn tỉnh Hồ Nam, tình trạng lưu chuyển, tích tụ đất canh tác diễn ra nhanh chóng, diện tích đất đai lưu chuyển năm sau nhiều hơn năm trước. Từ năm 2013 - 2015, diện tích đất canh tác lưu chuyển lần lượt là: 13,79 triệu mẫu, 14,49 triệu mẫu, 18,9404 triệu mẫu. Năm 2016, diện tích đất canh tác lưu chuyển là 21,3726 triệu mẫu, chiếm 41,71% tổng diện tích đất khoán của tỉnh. Trong đó có 451 lần lưu chuyển quyền kinh doanh đất khoán diện tích trên 2000 mẫu, 3014 lần lưu chuyển có diện tích từ 1000 - 2000 mẫu, 5125 lần lưu chuyển có diện tích 500 - 1000 mẫu, 30475 lần lưu chuyển có diện tích từ 100 - 500 mẫu (Tuliu, 2017).

Hiện nay, chuyển khoán ruộng đất ở tỉnh Hồ Nam chủ yếu tồn tại dưới 3 hình thức: Thứ nhất, là hình thức lưu chuyển (chuyển khoán) giữa các hộ gia đình với nhau, chiếm khoảng 45%; thứ hai, là hình thức lưu chuyển (chuyển khoán) cho các hợp tác xã chuyên doanh chiếm khoảng 33%; thứ ba, là hình thức lưu chuyển (chuyển khoán) cho doanh nghiệp chỉ khoảng 13% (Tuliu, 2017). Giá lưu chuyển quyền kinh doanh, quyền khoán ruộng đất không giống nhau, phụ thuộc vào vị trí từng khu vực ruộng đất. Việc quyết định giá lưu chuyển đất là do Chính phủ đưa ra (dựa vào thị trường để đưa ra giá cơ bản thông qua các trạm lưu chuyển tại các hương, thôn), nhưng thực chất vẫn là do thị trường và thoả thuận của các bên. Giá lưu chuyển đất của Hồ Nam cao hơn trung bình cả nước. Bình quân cả nước hiện nay khoảng 800 NDT/ mẫu/năm, trong khi đó tại những vị trí đẹp ở Hồ Nam giao động từ 800-1300 NDT/mẫu/năm, còn ở những khu xa xôi, hẻo lánh, giá chuyển khoán khoảng 200 NDT/năm/mẫu. Ngoài giá thành cho thuê cao, cộng thêm giá thành trong quá trình vận hành, canh tác cũng khá cao, lên tới 1000 NDT/mẫu/năm, trong đó bao gồm cả: phun thuốc, phân bón…, chưa kể nếu gặp thiên tai thì sẽ bị lỗ vốn, do vậy việc kinh doanh trồng lương thực còn nhiều vấn đề, người thuê buộc phải chuyển sang trồng hoa màu. Việc chuyển khoán đất trồng lương thực hiện nay cũng chỉ đạt 45%, số còn lại là trồng các loại cây khác… Đối với một tỉnh nông nghiệp như Hồ Nam, mà chủ yếu là trồng lương thực, thì việc chuyển đổi loại cây trồng sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực (Kết quả nghiên cứu, khảo sát, 2019). 

Đối với doanh nghiệp, có một số hình thức được doanh nghiệp sử dụng trong quá trình tích tụ ruộng đất: i) Doanh nghiệp trực tiếp thuê lại của người nông dân; ii) Doanh nghiệp thông qua hợp tác xã chuyên doanh để thuê lại ruộng đất của nông dân và sau đó hợp tác xã sẽ tham gia vào cổ phần của doanh nghiệp; iii) Chuyển khoán toàn bộ ruộng đất của một thôn cho doanh nghiệp thuê, sau đó doanh nghiệp lại mời chính những người nông dân đó tham gia vào quá trình sản xuất, gia công cho các sản phẩm nông nghiệp. Ở Hồ Nam, các doanh nghiệp tích tụ ruộng đất chủ yếu thông qua thôn. Đối với vấn đề chuyển quyền kinh doanh thành cổ phần của công ty, Chính phủ Trung Quốc, chính quyền địa phương các cấp rất khuyến khích mô hình này, nhưng doanh nghiệp lại không thích hình thức này, bởi nó khá phức tạp khi người nông dân có quyền can thiệp vào các hoạt động của công ty (Kết quả nghiên cứu, khảo sát, 2019).

Theo quy định của Nhà nước Trung Quốc, thời hạn cho quyền sử dụng ruộng đất là 30 năm và như trên đã nêu, Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc đã cho phép nông dân được kéo dài tiếp thời hạn khoán đất thêm 30 năm. Nhưng nếu gia đình đó rời khỏi thôn và định cư trong thành phố thì phải trả lại đất khoán cho tập thể. Nên đất khoán ở nông thôn chia cho hộ dân ở nông thôn vẫn có thay đổi khi hết thời hạn sử dụng hoặc có quy hoạch mới. Tuy nhiên, nếu hộ dân ở nông thôn không chuyển toàn bộ gia đình khỏi thôn thì thành viên còn lại trong gia đình vẫn có quyền sử dụng ruộng đất (Kết quả nghiên cứu, khảo sát, 2019).

Về chính sách của Chính phủ, chủ yếu là hướng dẫn và khuyến khích, có thể hỗ trợ thêm về tài chính cho việc lưu chuyển đất đai. Chính phủ cũng yêu cầu thành lập các trạm lưu chuyển đất đai tại các hương (tương đương với xã của Việt Nam), các thôn để kiểm tra và giám sát vấn đề tích tụ ruộng đất. Nhiệm vụ của các trạm này là hướng dẫn, làm chứng và giám sát kiểm tra, bao gồm giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan trong quá trình lưu chuyển quyền sử dụng đất (Kết quả nghiên cứu, khảo sát, 2019).

Trong quá trình thực hiện lưu chuyển, tích tụ đất đai, Hồ Nam cũng gặp một số vấn đề khó khăn. Thứ nhất, tính ổn định trong tích tụ ruộng đất chưa được đảm bảo. Tâm lý người nông dân còn nhiều lo lắng về việc có thể bị thu hồi quyền sử dụng đất sau khi lưu chuyển đất khoán cho người khác. Chính vì vậy, nhiều hộ nông dân chấp nhận để không ruộng đất, chứ không chuyển quyền kinh doanh hoặc cho người khác thuê. Thứ hai, người nông dân cũng cho rằng, giá đất thay đổi rất nhanh nên không muốn cho thuê. Chính vì vậy, người nông dân thường cho thuê với thời hạn ngắn, một hình thức khác là cho người khác đến sử dụng miễn phí ruộng đất, không có hợp đồng ràng buộc và họ có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Điều này cũng ảnh hưởng đến diện tích đất tích tụ. Thứ ba, hiện nay, ở Hồ Nam cũng xuất hiện vấn đề kinh doanh giả tích tụ ruộng đất, tạo lập hồ sơ giả để lừa đảo chứ không phải thuê đất để canh tác và kinh doanh. Vì vậy, Chính quyền tỉnh Hồ Nam đang có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tình trạng này (Kết quả nghiên cứu, khảo sát, 2019).

2.3. Mô hình ruộng cổ phần ở thành phố Lưu Dương

Đây là mô hình được thực hiện thử nghiệm ở một số địa phương tại Trung Quốc vào đầu những năm 2000, cách làm xuất hiện dưới tiền đề chế độ sở hữu tập thể, quyền khoán của hộ gia đình, dựa trên tinh thần tự nguyện, người nông dân đã lấy quyền kinh doanh đất đai của mình để góp cổ phần. Việc góp cổ phần này do các hộ kinh doanh lớn, tổ chức kinh tế đoàn thể, hoặc doanh nghiệp công thương phát động theo hình thức tự nguyện “có lợi cùng hưởng, rủi ro cùng chịu” (马若龙,刘轶杰,陈艳,2018).

Lưu Dương là một thành phố cấp huyện thuộc tỉnh Hồ Nam, năm 2005 bắt đầu triển khai lưu chuyển chế độ “ruộng cổ phần”. Câu chuyện bắt đầu từ thôn Kim Điền, thị trấn Trấn Đầu, nằm ở phía Tây thành phố Lưu Dương. Theo kết quả điều tra nghiên cứu của chính quyền thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam (Changsha.gov, 2007), khi đó thị trấn Trấn Đầu có tổng dân số là 54.900 người, có 13 thôn, tổng diện tích 158 km2, diện tích đất canh tác 42.300 mẫu, diện tích núi rừng 130.000 mẫu. Vào thời điểm giữa những năm 2000, cùng với sự nâng cao sức sản xuất ở nông thôn, ngày càng có nhiều sức lao động dư thừa từng bước chuyển dịch và thoát khỏi sản xuất nông nghiệp truyền thống, có bộ phận chuyển vào thành phố, có bộ phận chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ tại chỗ. Do vậy, dẫn đến tình trạng dư thừa một lượng lớn đất nông nghiệp. Trước thực trạng này, thôn tổ chức các hộ lại bàn chuyện lưu chuyển đất nông nghiệp có bồi thường (Changsha.gov, 2017). Bắt đầu từ đó, mô hình này lan tỏa sang các thôn khác và phát triển có hiệu quả, hình thành nên các thôn trồng rau và trồng giống cây hoa nổi tiếng trên toàn quốc, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, thu nhập người dân tăng lên (马若龙,刘轶杰,陈艳,2018).

Cách làm chủ yếu theo các bước như sau: Một là, dựa trên thực tiễn mới ở địa phương khi đó, chính quyền địa phương thành lập Tổ lãnh đạo công tác lưu chuyển đất nông nghiệp của thị trấn, gồm đại diện lãnh đạo Chính quyền, Cơ quan quản lý đất đai, Văn phòng nông nghiệp, Trạm lâm nghiệp, Trạm quản lý kinh doanh, Trạm quản lý xây dựng, thành lập Trung tâm lưu chuyển đất đai tại Trạm quản lý kinh doanh. Hai là, Trạm quản lý kinh doanh tổ chức, đề ra quy định, đôn đốc ký kết hợp đồng lưu chuyển đất đai phù hợp với trình tự pháp luật. Ba là, thống nhất mức giá lưu chuyển đất trong phạm vi toàn thị trấn, như giá thuê ruộng trồng lương thực là 600NDT/mẫu, 3 năm một lần tăng giá thuê 10%. Ngoài ra, căn cứ vào sự khác biệt về môi trường khu vực và độ phì nhiêu của thổ nhưỡng khác nhau, tiến hành định giá dựa trên hợp đồng giữa hai bên, nhưng mức tăng giá vẫn không đổi 3 năm một lần 10%. Bốn là, tổ chức sắp xếp có hiệu quả việc làm đối với nông dân mất đất, cụ thể là xem xét giải quyết vấn đề việc làm cho người nông dân tại chỗ từ 3 phương diện: i) Xí nghiệp hương trấn ưu tiên xem xét việc làm của nông dân mất đất; ii) Doanh nghiệp thuê hoặc trưng thu đất ưu tiên xem xét việc làm của nông dân mất đất; iii) Người thuê đất ưu tiên xem xét việc làm của người nông dân mất đất theo hình thức lương công nhật. Năm là, tiến hành xác định rõ việc cải tạo đất. Xác định rõ vấn đề khôi phục đất sau khi đất được lưu chuyển không thay đổi tính chất sử dụng, doanh nghiệp và người thuê đất nộp tiền bảo đảm sử dụng đất theo mức 300 NDT/mẫu, số tiền này dùng để khôi phục đất sau khi hết thời hạn cho thuê. Sáu là, từng bước xây dựng và hoàn thiện các loại chế độ ở thôn. Trước hết, xác định rõ trách nhiệm hành chính của người tổng phụ trách lưu chuyển đất ở các thôn, đưa công tác lưu chuyển đất vào trong phạm vi công việc hàng ngày của ủy ban thôn. Sau đó, xây dựng và hoàn thiện chế độ báo cáo, chế độ ký kết hợp đồng, chế độ giải quyết tranh chấp trong quá trình lưu chuyển đất, đầu tiên là người dân trong thôn báo cáo lên ủy ban thôn, ủy ban thôn chịu trách nhiệm ký hợp đồng lưu chuyển đất, sau đó ủy ban thôn báo cáo lên chính quyền thị trấn (Changsha.gov, 2017).

Trong quá trình lưu chuyển đất “ruộng cổ phần” ở Lưu Dương, bất kể là doanh nghiệp hay hộ cá thể, đều phải tuân theo nguyên tắc tự nguyện cùng có lợi, bình đẳng, dựa theo luật pháp tiến hành lưu chuyển theo chế độ cổ phần. Khi họp hành bàn bạc, quyết định dựa vào quan điểm cổ phần như nhau, có quyền như nhau, tôn trọng dân ý, khuyến khích các thành viên tự do phát biểu, kiến nghị chính sách (马若龙,刘轶杰,陈艳, 2018). Kết quả, điển hình nhất là tại thôn Kim Điền đã xây dựng được hình thức lưu chuyển đất theo chế độ cổ phần đầu tiên trong toàn tỉnh Hồ Nam, với mô hình công ty “ruộng cổ phần”: Công ty + hộ nông dân có đất, từ đó biến Thiên Tuyền thành Cơ sở sản xuất và Công ty liên hợp kiểu mẫu ngành trồng các loại hoa trên cánh đồng ngàn mẫu (Changsha.gov, 2017). Vào năm 2005, Công ty khai phát khoa học kỹ thuật sinh thái Thiên Tuyền - Hồ Nam (gọi tắt là Thiên Tuyền, tại thôn Kim Điền, trấn Trấn Đầu, thành phố Lưu Dương) gồm 7 hộ nông dân góp ruộng thành cổ đông (theo kế hoạch của Công ty khi đó, cho phép 10 - 20% nông dân tham gia cổ phần Thiên Tuyền) của dự án liên hợp sản xuất, chính thức đăng ký với Cục Công thương, mỗi hộ có 1% quyền cổ phần trong công ty (Finance.sina, 2005).

Mặc dù vậy, nguyên nhân mô hình Công ty Thiên Tuyền thành công được cho là do có chính quyền địa phương đứng sau. Sự thành bại của Công ty này liên quan đến hình tượng của quan chức địa phương, nên chính quyền địa phương các cấp đã cố gắng thúc đẩy dự án. Đặc biệt với hơn 20.000 m2 của dự án khi đó, để hỗ trợ  đầu ra cho sản phẩm của Công ty,  Công ty được độc quyền cung cấp các loại hoa tươi, cây cảnh cho sân golf, đường cao tốc, các nơi công cộng ở Hồ Nam. Do vậy, mô hình “ruộng cổ phần” Thiên Tuyền là mô hình thí điểm vận hành dưới “cái ô” của chính quyền địa phương chứ không phải là dựa vào cơ chế thị trường đơn thuần (Finance.sina, 2005).

2.4. Mô hình lưu chuyển đất đai phát triển kinh tế tập thể ở thôn Khai Tuệ

Năm 2013, thôn Khai Tuệ (trấn Khai Tuệ, huyện Trường Sa, tỉnh Hồ Nam) thành lập hợp tác xã, nhằm thúc đẩy việc lưu chuyển, tích tụ ruộng, đất đai và núi cho hợp tác xã này kinh doanh, tìm tòi con đường phát triển kinh tế tập thể kiểu mới (khác với kinh tế tập thể thời kỳ trước cải cách).

Mô hình thực hiện chế độ “5 loại tiền” để kích thích tính tích cực của người dân nông thôn. Đó là vào hợp tác xã thì được hưởng tiền bảo đảm mức tối thiểu, tiền bồi thường thu được từ khai phát, tiền thù lao việc làm, bổ sung thêm tiền dưỡng lão cho những người trên 60 tuổi, tiền phân chia lợi tức cổ phần do làm ăn có hiệu quả. Người nông dân trong thôn vào hợp tác xã, đồng nghĩa với việc lưu chuyển đất cho hợp tác xã. Khi mà chưa khai phát, người nông dân tự mình trồng trọt, canh tác cũng được hưởng tiền bảo đảm mức tối thiểu (mỗi mẫu ruộng 100 NDT/năm, mỗi mẫu rừng 100 NDT/năm). Khi khai phát kinh doanh đất đai, xã viên được nhận bồi thường (đất canh tác mỗi mẫu nhận 300 kg thóc/năm, mỗi mẫu rừng nhận 100 NDT/năm, đồng thời xã viên có thể được đưa vào làm việc trong doanh nghiệp, như vậy hàng tháng được nhận tiền lương. Sau 5 năm gia nhập hợp tác xã, xã viên đến 60 tuổi được phát mỗi tháng 100 NDT tệ tiền dưỡng lão; gia nhập hợp tác xã 10 năm thì mỗi tháng được phát 300 NDT. Đồng thời xã viên được hưởng tiền lợi tức theo cổ phần của tập thể theo tỷ lệ góp quy định: 1 mẫu ruộng là 1 suất, 2 mẫu rừng là 1 suất. Vào thời điểm năm 2015 đã có 96% nông dân trong thôn vào hợp tác xã, ký kết hợp đồng lưu chuyển đất, khắc phục được tình trạng lưu chuyển đất đai riêng lẻ, mỗi hộ nông dân trong thôn tự làm quy mô nhỏ, doanh nghiệp bên ngoài cũng không vào được (邓献忠 张尚武,2015).

Trên cơ sở lưu chuyển đất, thôn Khai Tuệ đã liên tục thành lập các hợp tác xã chuyên nghiệp (hợp tác xã lúa gạo, nuôi lợn, hoa quả, rau tươi), tổ chức cho người nông dân sản xuất, tìm kiếm thị trường, đồng thời các hợp tác xã còn cung cấp nhiều dịch vụ như: kỹ thuật, vốn cho nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy kinh doanh có quy mô. Đồng thời, hợp tác xã còn thu hút Công ty khoa học kỹ thuật nông nghiệp Tuệ Hương làm quy hoạch phát triển nông nghiệp sinh thái trong toàn thôn, khởi động các dự án trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh doanh của đất đai. Ngoài ra, nhờ có Nhà kỷ niệm Dương Khai Tuệ(2), thuộc khu phong cảnh du lịch cấp AAAA quốc gia ở địa phương, hợp tác xã  đã chú trọng phát triển du lịch đỏ, khai phát du lịch trải nghiệm, thu hút thêm các dự án ngành phim ảnh, đào tạo thanh thiếu niên, thúc đẩy kết hợp ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Với cách làm này trong những năm gần đây, mỗi năm có hơn 1,8 triệu người đến thôn du lịch nghỉ dưỡng (长沙市统计局, 2019).

2.5. Mô hình hợp tác giữa các chủ thể khác nhau nhằm phát triển ngành nghề ở huyện Trường Sa

Từ năm 2012 đến nay, 3 thôn ở huyện Trường Sa thuộc thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam là thôn Phiêu Phong Sơn, thôn Tích Phúc, thôn Tương Phong đã từng bước hợp tác với Công ty hữu hạn khoa học kỹ thuật nông nghiệp Tuệ Nhuận - Hồ Nam (gọi tắt là Tuệ Nhuận) phát triển nông nghiệp hiện đại, du lịch hương thôn và kinh tế homestay (K.sina.com, 2019).

Mấu chốt của mô hình Tuệ Nhuận là thu hút doanh nghiệp hiện đại có thực lực kinh tế và năng lực kinh doanh trên thị trường, xây dựng thành cơ chế mới thu hút tập thể thôn, doanh nghiệp, hộ nông dân nhiều bên tham gia. Trong đó tập thể thôn phụ trách việc liên hệ, trao đổi giữa doanh nghiệp với hộ nông dân; doanh nghiệp đầu tư vốn đồng bộ vào việc lưu chuyển đất đai, hộ nông dân đầu tư số ít kinh phí cải tạo khu cư dân, tham gia kinh doanh trở thành người thu hút, dẫn khách trong thôn, huy động nguồn lực nhàn rỗi hợp tác với Công ty Tuệ Nhuận, hình thành mô hình hợp tác kiểu mới “doanh nghiệp + Ủy ban thôn + hộ nông dân”(长沙市统计局,2019).

Với cách làm này, trong những năm gần đây, thôn Phiêu Phong Sơn đã trở thành địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, mỗi năm đạt doanh thu 10 triệu NDT, lượng khách tiếp đón đạt trên 200.000 người/năm, lôi kéo gần 100 hộ nông dân làm nghề kinh doanh liên quan đến ngành du lịch hương thôn. Thôn Tích Phúc đã hình thành 3 khu homestay lớn là Dụ Gia Động, Đại Minh Hồ, Tân Đào Nguyên, với 21 homestay, đạt tổng cộng doanh thu là 3 triệu NDT. Còn thôn Tương Phong đã xây dựng được 10 khách sạn lều, 21 khách sạn hương thôn, 1 nhà ăn cỡ lớn, doanh thu mỗi năm đạt 2 triệu NDT, đón tiếp khoảng 100.000 lượt người/năm, trở thành dự án mẫu của ngành du lịch nghỉ dưỡng, từ đó tạo sự liên kết giữa ngành nông nghiệp với ngành dịch vụ. Trong vài năm vừa qua, người dân trong thôn đã thông qua mạng Internet bán những hàng đặc sản, sản phẩm du lịch, đạt hơn 8 triệu NDT(长沙市统计局, 2019).

Vai trò của Công ty Tuệ Nhuận không chỉ là đầu tư vốn tích tụ đất đai mà còn cung cấp phương án thiết kế chỉnh sửa tổng thể, giúp người dân cải tạo nơi ở thành các homestay đặc sắc, mang nhiều phong vị truyền thống có sức lôi cuốn du khách. Đồng thời, Công ty Tuệ Nhuận còn thiết kế, làm thay đổi diện mạo của cả thôn. Cụ thể như, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến của Úc để lắp đặt hệ thống xử lý chất thải ở nhiều địa điểm, tiến hành xử lý nước thải sinh hoạt, phân bón, thuốc trừ sâu, rác sinh hoạt…; tiến hành làm xanh, làm đẹp diện tích đất tích tụ, hình thành chuỗi ngành phát triển ngành du lịch nghỉ dưỡng mô hình homestay bằng cách không phá núi, không làm sông, không phá ruộng, không phá bỏ di dời các kiến trúc lớn, kết hợp hài hòa giữa nơi ở truyền thống với homstay hiện đại, thúc đẩy phát triển nhịp nhàng giữa kinh tế homestay với văn minh sinh thái (K.sina.com, 2019). Mô hình Tuệ Nhuận đã lôi kéo du lịch hương thôn phát triển, từ đó thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, mô hình này được mệnh danh là “cơ sở làm mẫu thu hút khách du lịch hương thôn Trung Quốc”, “điểm làm mẫu nông nghiệp nghỉ dưỡng và du lịch hương thôn toàn quốc”, “doanh nghiệp đầu tàu sản nghiệp hóa (ngành nghề hóa) nông nghiệp thành phố Trường Sa”, “khu du lịch hương thôn khách sạn 5 sao Hồ Nam”… (K.sina.com, 2019).

2.6. Mô hình quy hoạch đất đai hỗn hợp ở Tầm Long Hà

Tầm Long Hà nằm ở phía Đông Bắc thành phố Trường Sa, mười năm trước đây, Tầm Long Hà là một thôn nghèo khó cấp tỉnh, thuộc diện vùng núi “nghèo khó kinh điển”: “7 phần núi, 2 phần nước và 1 phần ruộng”. Trong những năm gần đây, thực hiện việc xác định quyền đất đai và lưu chuyển, tích tụ đất đai, thu hút vốn công thương… đã làm sống dậy các nguồn lực sẵn có của địa phương như đồi núi, đất đai, nguồn nước và nguồn nhân lực, khiến thôn này trở thành một trong những thôn phát triển điển hình ở tỉnh Hồ Nam, hướng tới đáp ứng yêu cầu tổng thể Chiến lược chấn hưng hương thôn được Báo cáo Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc nêu ra: “Sản nghiệp phát triển, sinh thái tươi đẹp, tác phong văn minh, quản trị hiệu quả, đời sống sung túc”, đặc biệt là đã có sự khởi sắc, phát triển trên các lĩnh vực giáo dục, việc làm, thu nhập, thoát nghèo, y tế, nhà ở…(Banyuetan, 2018). Đặc biệt, mô hình Tầm Long Hà đã trở thành thương hiệu và đang được từng bước nhân rộng ra các địa phương khác ở Trung Quốc và được Tân Hoa xã của Trung Quốc ca ngợi là Dân sinh vi thượng (cuộc sống của người dân trên hết): Con đường vận hành của thương hiệu “Tầm Long Hà” thị trấn nhỏ đặc sắc. Nét đặc sắc đó là, Tầm Long Hà đã giải quyết vấn đề phát triển của người nông dân dựa vào đất đai nhưng không phụ thuộc vào đất đai, giải quyết vấn đề phát triển của người nông dân dựa vào nông nghiệp nhưng không phụ thuộc vào nông nghiệp (Xinhuanet, 2018).

Câu chuyện ở Tầm Long Hà bắt đầu từ 10 năm trước, từ một doanh nghiệp địa phương ra ngoài làm ăn, kinh doanh thành đạt, sau đó trở về quê hương, dẫn dắt địa phương phát triển. Đó là ông Liễu Trung Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty hữu hạn cổ phần đầu tư Tầm Long Hà - Hồ Nam (thành lập vào tháng 5-2014), đồng thời cũng được cơ sở tại thôn Tầm Long Hà bầu làm Bí thư thứ nhất chi bộ thôn với 100 số phiếu bầu và là “người lãnh đạo đường lối” của thôn (Banyuetan, 2018), người “phát ngôn” của thôn (Xinhuanet, 2018).

Nhằm quy hoạch lại đất đai trong thôn, Ủy ban thôn đã lập ra Tổ điều tra sản quyền đất đai (quyền tài sản đất đai), từ tháng 3 đến tháng 5-2010 đã tiến hành điều tra làm rõ: i) Đất nào là đất khoán, người nông dân và hộ nông dân có quyền kinh doanh; ii) Đất nào là đất thuộc sở hữu tập thể; iii) Đất nào là đất được phép xây dựng nhà ở; iv) Thực trạng sử dụng cụ thể của từng loại đất như diện tích, vị trí, điều kiện sản xuất, giá thành sản xuất, tồn tại vấn đề trong kinh doanh (吴金明、柳中辉、刘红峰,2018: 088-090). Sau khi nắm được quyền tài sản và tình trạng đất đai, Tầm Long Hà bắt đầu triển khai lưu chuyển đất đai theo nguyên tắc dựa vào luật pháp, bình đẳng, tự nguyện, người dân trong thôn lưu chuyển (giao đất) cho tập thể thôn, tập thể thôn thống nhất lưu chuyển (giao đất) cho doanh nghiệp tiến hành kinh doanh nông nghiệp hiện đại. Theo tính toán của thôn, thu nhập bình quân đầu người từ tiền lưu chuyển đất canh tác nông nghiệp loại này là 2090 NDT/năm (吴金明、柳中辉、刘红峰,2018: 253).

Thôn Tầm Long Hà được tỉnh Hồ Nam xác định là nơi thí điểm giao dịch đất xây dựng mang tính kinh doanh tập thể của tỉnh. Thôn đã quy hoạch 300 mẫu đất xây dựng kinh doanh tập thể thành dự án để tham gia vào các dự án có thể kinh doanh theo phương thức tập thể thôn tham gia cổ phần (được định giá 600.000 NDT/mẫu, tổng giá trị 180 triệu NDT), như siêu thị thương mại, trường học dân doanh, bệnh viện, trạm xăng dầu, trung tâm văn hóa thể thao. Việc phân chia lợi nhuận cổ phẩn cho người dân trong thôn theo tỷ lệ cổ phần trong hợp tác xã.

Đối với đất ở, thôn Tầm Long Hà áp dụng chính sách quy hoạch lại, phá bỏ nhà cũ, thu hồi đất, rồi dồn lại quy hoạch một khu tập trung, xây khu nhà liền kề cho người dân toàn thôn, đất thừa ra dùng vào việc kinh doanh. Cụ thể là mỗi hộ đều được bồi thường từ 500.000 - 600.000 NDT. Ngoài ra, mỗi hộ từ 3 người trở lên đều được mua 1 ngôi nhà liền kề 210m2, nếu hộ nào tăng thêm 1 người thì được mua thêm căn rộng hơn 70m2, tính bình quân 70m2/người. Nhà tầng 1 được bán với giá 1300 NDT/m2, tầng 2 và tầng 3 là 800 NDT/m2. Các hộ dân sau khi mua nhà mới, còn thừa ra 1 khoản tiền để làm vốn làm ăn. Thông qua việc trao đổi như vậy, người nông dân được ở trong các ngôi biệt thự mới xây có khoảng không trước cửa nhà, có vườn hoa, chỗ để xe, có sân chơi, được sử dụng những thiết bị, cơ sở hạ tầng đồng bộ tương đương với người dân thành thị (吴金明、柳中辉、刘红峰,2018: 253).

Với cách làm này, cả thôn đã hình thành nên mô hình kinh doanh đất đai hỗn hợp, cụ thể là với tổng diện tích đất 14.700 mẫu đất các loại, trong đó có 14.500 mẫu được quy hoạch lại thành: i) Đất dùng cho nông nghiệp là 10.000 mẫu, loại này không được thay đổi mục đích sử dụng của đất, tiến hành lưu chuyển, tích tụ để trồng các loại cây lương thực như lúa, rau xanh, cải dầu; ii) Đất xây dựng 4500 mẫu, trong đó chuyển nhượng cho doanh nghiệp 3500 mẫu để xây dựng nhà máy gia công nông sản phẩm, khu nghỉ dưỡng hương thôn… Còn lại 1000 mẫu là đất xây dựng của tập thể là nơi nhà ở, công trình dân sinh công cộng trong thôn và cơ sở hạ tầng công ích (gồm đường xá quảng trường, công viên, bệnh viện, trường học, trạm xăng dầu, siêu thị…) (吴金明、柳中辉、刘红峰,2018: 254).

Cách quy hoạch lại đất đai kiểu này đã giúp người dân ở thôn Tầm Long Hà đa dạng hóa được nguồn thu nhập, như thu nhập từ kinh tế tập thể chia thành 4 loại: i) Tiền tích tụ ruộng đất, uỷ ban thôn dân là người giữ quỹ này; ii) Kinh doanh các dịch vụ công cộng, như bãi giữ xe của thôn; iii) Thu lợi tức từ cổ phẩn kinh doanh các nhà nghỉ, trạm đổ xăng - người dân có thể tham gia cổ phần; iv) Dành một mảnh đất để xây dựng kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, chia lợi nhuận cho người dân. Đây là những ngành nghề, lĩnh vực ít rủi ro, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Còn các ngành khác sẽ do doanh nghiệp bỏ vốn và chịu rủi ro. Ngoài ra, các nguồn thu nhập khác của người dân thôn Tầm Long Hà gồm: Thu nhập từ quyền thuê khoán đất, trước khi xây dựng quy hoạch, mỗi người dân có 2 mẫu đất và thu nhập từ 2 mẫu này là 300 NDT/năm. Hiện nay, lợi nhuận được phân chia theo cổ phần, tính theo giá đất mỗi năm để trả cho người dân. Do vậy, có thể nói thu nhập của người dân thôn Tầm Long Hà hiện nay rất đa dạng (Kết quả nghiên cứu, khảo sát, 2019).

Để làm được những việc trên, vai trò của ông Liễu Trung Huy,  Bí thư Chi bộ, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty mang tính quyết định. Ông chia sẻ với đoàn nghiên cứu, khảo sát thuộc Đề tài cấp Nhà nước của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam rằng: i) Điều tiên quyết là địa phương có người lãnh đạo dám đột phá, có trải nghiệm, có tầm nhìn quốc tế; ii) Bên cạnh đó là sự thuận tiện về giao thông của Tầm Long Hà, môi trường sạch đẹp, người dân cần cù và có những nét đặc sắc văn hoá riêng; iii) Đặc biệt là cần phải có vốn xã hội của doanh nghiệp, cũng phải là những người dám đầu tư, vừa có tâm, vừa có tầm (thực tế ở Tầm Long Hà đã có các doanh nghiệp vào thuê đất rừng xây dựng các nhà nghỉ cuối tuần gần với thiên nhiên, các khu nhà nghỉ dưỡng lão cao cấp…) (Kết quả nghiên cứu, khảo sát, 2019).

Khi được đoàn công tác hỏi về nguyên nhân khiến thôn Tầm Long Hà phát triển như ngày nay, ông Liễu Trung Huy đã chia sẻ kinh nghiệm như sau: i) Sáng tạo về chính sách: phá vỡ được rào cản chính sách, sáng tạo được cơ chế đầu tư, đa dạng hoá các nguồn đầu tư. Ba chủ thể chính: Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sẽ tham gia vào quá trình xây dựng này. Chính phủ phải tập trung vào các hạng mục dân sinh, doanh nghiệp tập trung vào các ngành nghề, uỷ ban thôn dân phải chịu trách nhiệm vấn đề tích tụ ruộng đất, tìm được cho người dân chỗ ở mới; ii) Sáng tạo về quy hoạch: Tầm Long Hà đã đưa ra quy hoạch gồm: Quy hoạch sinh thái và không gian; quy hoạch rừng; quy hoạch đất đai; quy hoạch ngành nghề. Đây là cách làm ngược với cách làm của nhiều địa phương ở Trung Quốc. Đó là, thôn này đã đặt quy hoạch không gian trước, chứ không phải là quy hoạch ngành nghề trước; iii) Sáng tạo về chính sách đất đai: đi đầu trong cả nước, quá trình này được thực hiện từ 10 năm trước, lưu chuyển quyền kinh doanh của người nông dân, hình thành nên quyền sở hữu kinh doanh hỗn hợp giữa đất nông nghiệp và đất xây dựng. Bộ Tài nguyên môi trường Trung Quốc đã đến Tầm Long Hà khảo sát để chuẩn bị ra chính sách thực hiện hỗn hợp sử dụng đất nông nghiệp, đất xây dựng và đất nhà ở; iv) Vận dụng nhiều biện pháp cải cách: Trung Quốc đang thí điểm nhiều dạng cải cách và Tầm Long Hà vận dụng xây dựng nông thôn mới với đô thị hoá, Trung ương ĐCS Trung Quốc cho đây là phương pháp phát triển dung hòa hướng tới nhất thể hóa giữa thành thị và nông thôn (Kết quả nghiên cứu, khảo sát, 2019).

3. Một số gợi mở

Từ nghiên cứu cách thức tích tụ đất đai ở Trung Quốc - trường hợp tỉnh Hồ Nam nêu trên, chúng tôi có một số gợi mở có thể tham khảo như sau:

Một là, về tổng thể quy hoạch đất đai quốc gia, trước tiên nên xuất phát từ mục tiêu phát triển, quy hoạch phát triển tổng thể, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của từng khu vực hay vùng kinh tế có đặc thù riêng để tính toán tích tụ đất đai. Đặc biệt, ngoài chú ý phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bằng nhiều hình thức, nhiều ngành nghề, còn phải chú ý đến việc duy trì, bảo đảm quỹ đất để phục vụ cho an ninh lương thực.

Hai là, về vấn đề quy hoạch cụ thể ở từng địa phương, trước khi tích tụ đất đai sản xuất quy mô, nhà nước (chính quyền địa phương), doanh nghiệp, hộ nông dân đều phải có quy hoạch không gian trước, rồi sắp xếp lộ trình, mục tiêu sử dụng đất đai nông nghiệp, tránh tình trạng quy hoạch ngành nghề, tích tụ đất rồi mới quy hoạch không gian, dễ dẫn đến lãng phí hoặc sử dụng không hiệu quả nguồn đất tích tụ. Sự thành công của việc tích tụ đất đai là phải làm cho đất đai sinh ra lợi nhuận, thế nên luôn phải tính toán được việc sử dụng đất đai vào ngành nghề gì.

Ba là, về các chủ thể tham gia, mấu chốt dẫn đến thành công trong việc tích tụ đất đai, kinh doanh quy mô, kinh nghiệm của một số nơi ở tỉnh Hồ Nam cho thấy, vai trò của các chủ thể tham gia vào lưu chuyển, tích tụ đất đai là chính quyền các cấp, cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức tự quản ở nông thôn dẫn dắt sự tham gia của người nông dân, hộ nông dân. Cụ thể là: chính quyền các cấp hỗ trợ về chủ trương đường lối, tạo điều kiện; người đứng đầu doanh nghiệp có tầm nhìn, có uy tín quy tụ người dân, có trải nghiệm, kinh nghiệm trong kinh doanh, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo về thể chế; tổ chức tự quản ở nông thôn phát huy vai trò điều phối, liên hệ, làm đại diện tập hợp đất đai của người nông dân, làm cầu nối và liên lạc trao đổi giữa người nông dân và doanh nghiệp.

Bốn là, về phân chia lợi ích, trong quá trình lưu chuyển, tích tụ đất đai luôn phải tính toán đến lợi ích của các bên, như người nông dân, doanh nghiệp, địa phương và các chủ thể liên quan khác. Đối với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, ngoài việc tính toán thu lợi cho mình, còn phải chú ý phân chia lợi ích cho người nông dân. Đặc biệt phải đảm bảo được quyền lợi của người nông dân bằng cách tạo cho họ nơi ở, việc làm, các loại phúc lợi xã hội và nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Từ đó tạo niềm tin cho người dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, tránh được những mâu thuẫn trong quá trình lưu chuyển, tích tụ đất và kinh doanh quy mô, bền vững.

Năm là, về cách thức thực hiện tích tụ đất đai, có nhiều cách tích tụ đất đai, ví dụ như biến đất canh tác của người nông dân thành cổ phần trong công ty, biến đất thành cổ phần trong hợp tác xã, biến nhiều loại đất thành sử dụng hỗn hợp rồi tính toán tổng thể… để phát triển các loại ngành nghề phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương. Trong quá tích tụ, các bên cần phải kiên trì đàm phán dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, bình đẳng, tự nguyện, cùng có lợi, thỏa thuận định giá đất hợp lý theo thị trường, có tham chiếu giá cả chung của cả nước và các địa phương khác.

 

 

* Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp Nhà nước “Giải pháp thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới” (Mã số KHCN – TNB.ĐT/14-19/X17) thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ (mã số KHCN-TNB.ĐT/ 14-19).

 

CHÚ THÍCH:

(1) Tính đến cuối năm 2019, cả nước Trung Quốc có 288 triệu người nông dân vào thành phố làm việc và kinh doanh (Gov.cn, 2019).

(2) Dương Khai Tuệ (1901-1930): Đảng viên ĐCS Trung Quốc, người vợ thứ hai của Mao Trạch Đông.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Banyuetan, 2018,【浔龙河】从寻龙河到浔龙河,08-09,http://www.banyuetan.org/ ppgs/detail/20180809/1000200033137571533798484270100842_1.html, truy cập ngày 20-02-2020.

2. Changsha.gov, 2007,关于浏阳市镇头镇农村土地流转的调查与思考, 11-03,http://fgw.changsha.gov.cn/fzgg/tzgg/201512/t20151230_867545.html, truy cập ngày 21-02-2020.

3. Changsha.gov, 2017,关于浏阳市镇头镇农村土地流转的调查与思考,11-03  ,   http://fgw.changsha.gov.cn/fzgg/tzgg/201512/t20151230_867545.html, truy cập ngày 21-02-2020.

3. 长沙市统计局, 2019, 长沙市农村土地流转与新型农业经营主体发展研究,http://tjj.hunan.gov.cn/tjfx/sxfx/zss/201812/t20181228_5271191.html, truy cập ngày,    16-03-2020.

5. 陈晓华, 2016, 引导农村土地经营权有序流转 促进农业适度规模经营健康发展, http://theory.people.com.cn/n1/2016/0310/c40531-28187340.html, truy cập ngày 16-03-2020.

6. 陈锡文,2017,农业规模经营不是土地的问题,要害是土地上的人怎么办?, http://rdi.cssn.cn/mtjj/201708/t20170830_3625079.shtml, truy cập ngày 18-02-2020.

7. 邓献忠 张尚武, 2015,长沙县开慧村探路“强富美”, https://hn.rednet.cn/c/2015/ 03/02/4070504.htm, truy cập ngày 26-03-2020.

8. Epochtimes, 2016,大陆农村土地将“三权分置”的背后, 09-03, https://www. com/gb/16/9/3/n8264906.htm, truy cập ngày 15-03-2020.

9. Finance.sina, 2005, 湖南天泉股田制实验:市委书记亲自出任总顾问, http:// finance.sina.com.cn/g/20050125/02241318297.shtml, truy cập ngày

10. Gov.cn, 2019, 农村土地承包:“两不变、一稳定”, http://www.gov.cn/zhengce/ 2019-11/29/content_5456885.htm, truy cập ngày 15-02-2020.

11. Hunan.gov, 2018,  自然资源, http:// www.hunan.gov.cn/hnszf/jxxx/hngk/zrdl/201803/t20180322_4977107.html, truy cập ngày 25-03-2020.

12. Hunan.gov, 2020,湖南人民政府:湖南概况,http://www.hunan.gov.cn/hnszf/jxxx/ hngk/hngk.html, truy cập ngày 30-03-2020.

13. Kết quả nghiên cứu, khảo sát tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc của Đoàn công tác thuộc Đề tài Đề tài cấp Nhà nước “Giải pháp thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới” (Mã số KHCN-TNB.ĐT/14-19/X17) thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ (mã số KHCN-TNB.ĐT/14-19), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, (gọi tắt là Báo cáo nghiên cứu, khảo sát), từ ngày 17 đến ngày 23-11-2019.

14. K.sina.com, 2019,新旅游·新场景|慧润模式:乡亲们成了“合伙人”, 07月08日,https://k.sina.com.cn/article_2288064900_8861198402000n2ea.html?from=travel, truy cập ngày 24-03-2020.

15.  Moa.gov, 2017, 中国人的饭碗牢牢端在

自己手里——党的十八大以来粮食 生产稳定发展综述, http://www.moa.gov.cn/ztzl/ xy19d/fzcj/201709/t20170928_5830312.htm, truy cập ngày 06-03-2020.

16. 马若龙,刘轶杰,陈艳, 2018, 湖南省农村土地经营权流转模式比较分析, http://m.fx361.com/news/2018/0130/2810961.html, truy cập ngày 05-03-2020.

17. Tuliu, 2017, 2016年湖南省农村土地流转情况调查, 20-03, https://www.tuliu. com/ read-53019.html, truy cập ngày 25-02-2020.

18. 土流网, 2018,《土地流转市场报告》,全面解读农村土地流转市场趋势,25/04,https://zhuanlan.zhihu.com/p/36082937, truy cập ngày 28-02-2020.

19. 吴金明、柳中辉、刘红峰,2018,  蝶变· 浔龙河——中国城市近郊型乡村振兴的“星”路历程,湖南人民出版社.

20. Xinhuanet,2017,中国共产党第十九次全国代表大会上的报告,27-10,http://news.xinhuanet.com/politics/19cpcnc/2017-10/27/c_1121867529.htm, truy cập ngày 02-04-2020.

21. Xinhuanet, 2018, 民生为上:特色小镇“浔龙河”品牌的运营之道, http://www. xinhuanet.com/travel/2018-06/04/c_11229339 27.htm, truy cập ngày 27-03-2020.

22. 颜丹,2017, 承包再延三十年”与“三权分置, https://www.epochtimes.com/ gb/17/11/4/n9805980.htm, truy cập ngày 08-03-2020.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 5 (225), năm 2020, trang 3-19.

Các tin đã đưa ngày: