Vai trò giám sát xã hội của các tổ chức xã hội đối với các vấn đề về quyền con người

Vai trò giám sát xã hội của các tổ chức xã hội đối với các vấn đề về quyền con người

10/01/2020

Nguyễn Như Phát*

 

Tóm tắt: Trong một xã hội dân chủ, khu vực thứ ba trong tam giác phát triển luôn có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của Nhà nước và toàn xã hội. Chủ nghĩa hợp hiến và chủ quyền nhân dân luôn cần đến vai trò giám sát của các tổ chức xã hội nhằm đưa những giá trị tốt đẹp vào các quy định của Hiến pháp mà trước hết là về quyền con người – quyền mà nhân dân giao cho Nhà nước trách nhiệm bảo vệ và đảm bảo thực hiện. Bài viết giới thiệu về vai trò, thực trạng pháp luật và thực thi pháp luật liên quan đến giám sát của các tổ chức xã hội đối với các vấn đề về quyền con người.

Abstract: In a democratic society, the third sector within the development triangle always plays an important role in the development of the State and entire society. Constitutionalism and popular sovereignty demand oversight from social organizations with the purposes to promote good values and Constitutional provisions, primarily human rights, those of people assigned to the State for the protection and promotion. The article gives introduction of the role of, law and its implementation relating to social organizations’ oversight of human rights issues.

 

1. Khái niệm về tổ chức xã hội

Khái niệm tổ chức xã hội được dùng với nhiều nghĩa trong các ngành khoa học khác nhau và trong tư duy đời thường. Tổ chức xã hội có thể được hiểu hoặc là một thành tố của cơ cấu xã hội, hoặc là một dạng hoạt động, hay là mức độ trật tự nội tại, sự hài hòa giữa các thành phần của một chỉnh thể với ý nghĩa là một thành tố của cơ cấu xã hội; tổ chức xã hội chính là một hệ thống các quan hệ, tập hợp liên kết cá nhân nào đó để đạt được một mục đích nhất định[1]. Hiểu theo nghĩa này thì mọi tổ chức, thiết chế hiện hữu trong xã hội, bao gồm mọi cơ quan, tổ chức, với những vị trí và chức năng khác nhau cơ cấu xã hội đều được coi là tổ chức xã hội.

Tuy nhiên, thông thường, khi nói đến tổ chức xã hội, người ta thường nhắc tới những thiết chế (chính thức và phi chính thức) hiện diện trong một khu vực thuộc cơ cấu xã hội. Trong mỗi quốc gia, cấu trúc xã hội bao gồm chủ yếu 3 thành phần là: Nhà nước, thị trường và xã hội (một trong ba khu vực của cơ cấu xã hội – khu vực nằm giữa/đan xen với Nhà nước và thị trường). Đó là cơ cấu của “tam giác phát triển” mà mỗi đỉnh của nó đều có vai trò và vị trí nhất định trong sự phát triển chung của các quốc gia – là đối tác của các quan hệ quyền lực, chính trị ở các quốc gia cũng như trên phạm vi quốc tế.

Phát biểu tại Diễn đàn thế giới về xã hội thông tin tổ chức tại Tunisia từ ngày 16-18/10/2005, Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Anan đã khẳng định: “Liên hợp quốc trước kia chỉ quan hệ chính thức với các chính phủ. Nhưng giờ đây chúng tôi hiểu rằng hoà bình và thịnh vượng không thể đạt được mà không có đóng góp của các đối tác, bao gồm các chính phủ, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội dân sự. Trong thế giới ngày nay, chúng tôi tin cậy vào vai trò của từng đối tác”[2].

Không chỉ đến nay, tầm quan trọng của khu vực xã hội, của các tổ chức xã hội mới được khẳng định. Các Mác đã từng khái quát vai trò của khu vực ”thứ ba” này là: “Trung tâm thực sự, vũ đài thực sự của toàn bộ lịch sử”[3]. Ý nghĩa của nhận định này là ở chỗ, giai cấp nào, lực lượng xã hội nào, đảng chính trị nào muốn chiến thắng đều phải chiến thắng ở khu vực xã hội dân sự. Vì vậy, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân nhất định phải lấy khu vực xã hội và các tổ chức xã hội của họ là chỗ dựa, là đối tác và là nơi để kiểm nghiệm các chính sách và pháp luật, trong đó có những chính sách và pháp luật liên quan đến quyền con người.

Như thế, các tổ chức xã hội cũng có thể được hiểu là các tổ chức được thành lập dựa trên sáng kiến, tinh thần tự nguyện và tự chủ của nhân dân nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và các giá trị chung mà các thành viên cùng theo đuổi. Về mặt lịch sử, các hội, nhóm của những người cùng quan tâm đến một lĩnh vực, hội, nhóm nghề nghiệp ra đời từ rất lâu, từ thời Hy Lạp cổ đại. Song nhìn chung việc ra đời của các tổ chức xã hội gắn với quá trình dân chủ hóa mới được bắt đầu từ đầu thế XIX[4]. Khi các cá nhân chia sẻ những lợi ích chung và tập hợp với nhau lại thành một nhóm thì họ có những sức mạnh về kinh tế, xã hội và chính trị nhất định. Điều này giúp cho các hội nhóm trở thành một thành tố quan trọng trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia. Các tổ chức xã hội dạng này xuất hiện khá sớm ở châu Âu và hiện nay phát triển ở khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, các tổ chức này được thành lập với mô hình các tổ chức phi chính phủ, các hội, nhóm, các tổ chức từ thiện, tình nguyện[5]

Với các tiếp cận như vậy, có thể thấy, các tổ chức xã hội là những thiết chế có những dấu hiệu cơ bản là:

- Là các tổ chức ngoài nhà nước/thị trường (phi quan phương);

- Tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, hoạt động theo điều lệ riêng;

- Tự chủ, độc lập về tài chính (tự trang trải), không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận;

- Có quy mô, hình thức tồn tại, thiết chế tổ chức đa dạng;

- Lấy sự phát triển của cộng đồng làm mục tiêu hoạt động;

- Hoạt động độc lập, không nhân danh Nhà nước hay bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

2. Vai trò giám sát xã hội của các tổ chức xã hội trong chính sách phát triển nói chung và trong các vấn đề về quyền con người nói riêng

Để có một xã hội dân chủ đúng nghĩa, sự tương tác giữa các công dân với nhau và giữa công dân với Nhà nước là một yêu cầu bắt buộc. Quá trình tương tác này chính là lúc mở ra không gian cho nền dân chủ và là chất xúc tác cho nền dân chủ vận hành. Sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quản lý nhà nước là một thành tố tạo nên nền dân chủ, thể hiện rõ trong những vai trò sau:

  • Vai trò tăng cường sức mạnh chính trị cho người dân. Với tư cách là một cá nhân đơn lẻ, người dân thường thiếu tự tin, thiếu năng động và ít tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là vào các hoạt động chính trị. Nói cách khác, nếu chỉ là một cá nhân đơn lẻ, mỗi người hầu như khó có nhiều ảnh hưởng đến xã hội. Tuy nhiên, khi gặp gỡ nhau, khi liên kết thành một tổ chức họ sẽ có những sức mạnh nhất định và bắt buộc các chủ thể chính trị phải chú ý đến. Theo cách này, các tổ chức, hiệp hội đã tăng quyền lực cho các cá nhân trong những bối cảnh chính trị cụ thể, và điều này buộc những chủ thể chính trị phải tìm cách thích nghi.

Vai trò tăng cường hiểu biết, trách nhiệm chính trị cho mỗi người dân. Đối với một nền dân chủ, không có một sự đe dọa nào lớn hơn sự dửng dưng và tính thụ động của người dân. Một chế độ quân chủ hay chế độ chuyên quyền có thể làm được chỉ ở một số ít đối tượng, các nền cộng hòa dân chủ không thể tồn tại nếu thiếu công dân. Xu hướng công dân thờ ơ với chính trị là một xu thế gia tăng ở khắp nơi trên thế giới, đặt ra yêu cầu cấp thiết về vấn đề tổ chức xã hội và vai trò của nó trong nền văn minh dân chủ[6].

Đặc tính tự nguyện của các tổ chức xã hội không những giúp cho các thành viên có cơ hội để chia sẻ ý kiến, suy nghĩ mà còn giúp thực hành các nguyên tắc về lãnh đạo dân chủ. Những thực tập này giúp cho các thành viên ngày một phát triển thêm ý thức trách nhiệm của mình đối với tập thể chung và chuẩn bị cho họ, qua những sinh hoạt điều hành nội bộ như tranh cử, bầu cử… để tham gia vào các sinh hoạt chính trị ở phạm vi toàn xã hội. Nói một cách khác, tổ chức xã hội là nơi tập hợp của các con người dân chủ trong các diện khác nhau của xã hội như nhân quyền, giáo dục, y tế, nghề nghiệp… Điều kiện cần thiết cho sự hình thành của tổ chức xã hội chính là từ sự nhận thức của mỗi cá nhân về vai trò và trách nhiệm của họ trong xã hội nói chung và thúc đẩy họ tham gia vào các sinh hoạt của xã hội. Sinh hoạt trong các tổ chức tự nguyện, mỗi cá nhân có cơ hội phát huy đặc tính của nhân cách dân chủ. Nhân cách dân chủ càng được nảy nở thì tổ chức xã hội càng phát triển và ngược lại. Một tổ chức xã hội năng động sẽ cung cấp năng lượng cho sự vận hành của cả xã hội, nhất là về phương diện chính trị và chính sách phản ánh các mối quan tâm của mọi thành viên trong xã hội[7].

- Giám sát chính sách là công tác hết sức quan trọng đối với bất kỳ Nhà nước nào trên thế giới. Việc giám sát xã hội vừa đảm bảo tính dân chủ vừa đồng thời mang tính xây dựng, góp phần hạn chế các sai sót, khuyết điểm của Nhà nước trong quá trình vận hành, giúp xây dựng Nhà nước ngày càng lớn mạnh, xã hội ngày càng phát triển, văn minh. Giám sát xã hội chính là giám sát của nhân dân đối với Nhà nước, nó không phải là việc bên ngoài áp đặt vào quyền lực nhà nước mà chính là yêu cầu khách quan, là thành tố của nhà nước pháp quyền. Việc giám sát chính sách được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau nhưng các tổ chức xã hội chính là một trong những kênh quan trọng. Các tổ chức xã hội chính là những nơi cung cấp thông tin và chất liệu cho các cuộc thảo luận chính trị. Thông qua các cuộc thảo luận này, các vấn đề được mổ xẻ, xới xáo và tìm ra các giải pháp tối ưu cho hoạt động Nhà nước. Có thể thấy, nếu tiếng nói giám sát mà đến từ một công dân riêng lẻ thì nó hầu như không có sức mạnh chính trị và hầu như khó làm cho Nhà nước quan tâm và lắng nghe. Nhưng nếu hoạt động giám sát được đưa ra từ một tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức có uy tín thì nhất định nó sẽ có những sức nặng chính trị và buộc Nhà nước phải quan tâm và giải quyết[8].

Sẽ không thể có những không gian giám sát xã hội đúng nghĩa, cũng như Nhà nước sẽ khó nắm bắt thông tin, nguyện vọng của nhân dân nếu như những nguyện vọng đó lại chỉ được thể hiện thông qua các phát biểu của một số cá nhân riêng lẻ. Tiếng nói của các hội thông qua không gian xã hội phát triển sẽ hơn bao giờ hết luôn là những tiếng nói tiêu biểu cho nhiều tầng lớp công chúng khác nhau. Sẽ chỉ có nhà nước pháp quyền một cách đúng nghĩa nếu như người dân thực sự trở thành một đối tác chính trị của Nhà nước. Bản thân mỗi người dân không đủ sức để làm việc này, nhưng nếu có các hội đoàn xã hội đại diện cho tiếng nói nhân dân bên cạnh tiếng nói của các cá nhân uy tín thì mối quan hệ hai chiều này sẽ được giải quyết hiệu quả. Vì vậy, các tổ chức xã hội đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giám sát chính sách.

Giám sát xã hội là một hình thức thực hiện quyền chính trị của công dân, là nhân tố quan trọng của việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xét về bản chất chính trị - pháp lý thì giám sát là một quyền tự do được xây dựng trên cơ sở quyền tự do ngôn luận và qua đó, nhân dân nói tiếng nói của mình[9]. Trong khi đó, phản biện xã hội là một hình thức thực hiện các quyền dân chủ của cá nhân được Việt Nam cam kết thực hiện trong các Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Điều 25)[10], Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Điều 7). Tại Điều 25, Công ước này quy định mọi công dân đều có quyền và cơ hội để tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện được họ tự do lựa chọn. Với tư cách là thành viên tham gia Công ước, Việt Nam đã "cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước". Thực hiện cam kết đó, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận…”. Điều 28 Hiến pháp quy định: "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” và một trong những nội dung của việc “tham gia quản lý nhà nước chính là việc nhân dân tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật. Giám sát xã hội chính là bước phát triển cao của hình thức nhân dân chủ động tham gia giám sát, góp ý trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách mà Việt Nam đã và đang cam kết thực hiện.

Giám sát xã hội có mối liên hệ chặt chẽ và tác động tích cực đến việc xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nơi có sự vận hành của xã hội dân sự, một xã hội đặc trưng bởi tính tự giác và ý thức trách nhiệm của các thành viên, các bộ phận cấu thành[11]. Bên cạnh các đặc trưng cơ bản, một tiêu chí của Nhà nước pháp quyền Việt Nam được nhấn mạnh là Nhà nước cần được đặt dưới sự giám sát xã hội của nhân dân, trong đó có các tổ chức xã hội của họ, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

3. Thực trạng cơ chế giám sát xã hội của các tổ chức xã hội và những vấn đề đặt ra

Văn kiện Đại hội Đảng XI nhấn mạnh việc “Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước, nhất là các chính sách kinh tế, xã hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển quan trọng[12] và “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”[13]. Một bước tiến gần đây đó là sự ra đời của Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (chỉ hai tuần sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013). Việc ban hành Quy chế này đã tạo ra cơ hội mở để người dân bằng các hình thức trực tiếp và gián tiếp có điều kiện tham gia góp ý, giám sát xây dựng chính sách pháp luật của Nhà nước đảm bảo khi chính sách, pháp luật ban hành có tính khả thi, phù hợp với lòng dân.

Bên cạnh các văn kiện của Đảng, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa và củng cố hầu hết các vấn đề liên quan đến quyền giám sát và phản biện xã hội đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận vấn đề này như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”[14]. Như vậy, mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân; trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng đối với Nhân dân; vai trò và trách nhiệm của Nhân dân đối với hoạt động của Đảng đã được làm rõ.

Về quyền giám sát xã hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và một số văn bản luật khác như Luật Công đoàn năm 2012, Luật Thanh niên năm 2005, Luật Bình đẳng giới năm 2006… cũng đã quy định quyền, trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong việc tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật. Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cũng đã đưa ra cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động của chính quyền, cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, một số luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Thanh tra năm 2010, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi 2012)... cũng quy định cán bộ, công chức nhà nước, đại biểu Quốc hội phải có nghĩa vụ tôn trọng và chịu sự giám sát của nhân dân.

Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn với hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, tham khảo ý kiến nhân dân trước khi quyết định các vấn đề quan trọng; Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4//2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội,... đã ghi nhận quyền tham gia góp ý, xây dựng chính sách, pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã chú trọng thủ tục lấy ý kiến nhân dân, cá nhân, tổ chức về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tạo ra cơ chế mở để nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học có thể chủ động tham gia vào quy trình xây dựng chính sách, pháp luật ngay từ giai đoạn ban đầu như: Đề xuất xây dựng luật, góp ý cho các dự án, dự thảo, phản biện chính sách...

Hoạt động giám sát của các tổ chức xã hội trong thời gian qua có thể nói là khá sôi nổi. Ý thức được vai trò của mình, nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hoạt động ở Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động bảo vệ quyền con người, bảo hộ quyền công dân. Điển hình nhất là sự đóng góp ý kiến sôi nổi của các tổ chức xã hội cho các báo cáo về nhân quyền của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền và các Ủy ban công ước Liên hợp quốc. Nếu như đối với báo cáo kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) đầu tiên tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc năm 2009 của Việt Nam, hầu như các tổ chức xã hội còn chưa biết đến thông tin và chưa có kỹ năng để tham gia thì từ vòng thứ hai năm 2014, đã có rất nhiều các tổ chức xã hội ở Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến cho Bộ Ngoại Giao là cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo. Nhiều tổ chức xã hội cũng đã làm các báo cáo bóng (shadow report) để gửi đến Hội đồng Nhân quyền trong quá trình Việt Nam bảo vệ UPR lần hai. Nhiều ý kiến đóng góp từ các tổ chức xã hội cũng đã được ban soạn thảo các báo cáo trong nước đánh giá cao và tiếp thu, thực hiện.

Đồng thời, chính các tổ chức xã hội là các đối tượng theo dõi chính trong suốt quá trình Việt Nam thực hiện các cam kết về nhân quyền quốc tế. Các báo cáo giữa kỳ, việc phê chuẩn các Công ước quốc tế về nhân quyền như Công ước Chống tra tấn, Công ước về quyền của người khuyết tật đều được các tổ chức xã hội dân sự theo dõi sát sao. Ngoài ra, các ý kiến đóng góp của các tổ chức xã hội dân sự trong quá trình xây dựng các luật, Bộ luật quan trọng cũng luôn được đánh giá cao. Đây có thể xem là các dấu hiệu tích cực trong hoạt động giám sát của các tổ chức xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so sánh với hoạt động cùng loại ở các nước trong khu vực và trên thế giới thì hoạt động của các tổ chức xã hội của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Hạn chế này chủ yếu là do cơ chế pháp lý chưa cởi mở cho hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự chứ không phải do các tổ chức xã hội dân sự chưa đủ năng lực[15].

Do hạn chế về mặt thể chế nên hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc thời gian qua còn bị giới hạn, chưa hướng vào những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc. Mặt trận Tổ quốc là một số ít trong số các chủ thể có cơ chế pháp lý giám sát xã hội khá rõ ràng, phạm vi giám sát bao trùm hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, nhiều nội dung giám sát rất thiết yếu lại thiếu quy định về mặt pháp lý nên không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, tình trạng chung hiện nay, các tổ chức thực hiện giám sát xã hội thiếu các chuyên gia nghiên cứu độc lập và các nghiên cứu đủ sức thuyết phục để có thể tác động tích cực đối với đối tượng chịu sự giám sát xã hội. Ngay cả đối với Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam - nơi tập hợp tri thức của các nhà khoa học trong cả nước, nhưng lại chưa huy động được trí tuệ của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, tri thức thuộc hệ thống cũng như bên ngoài tham gia vào hoạt động giám định, tư vấn xã hội… Đối với Mặt trận tổ quốc, năng lực cán bộ Mặt trận cũng chưa đủ mạnh và chuyên nghiệp để tham gia giám sát, phản biện xã hội. Hoạt động giám sát của Mặt trận trong thực tế còn hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao, chủ yếu mới thể hiện qua các phát hiện, nêu “ý kiến nhẹ nhàng” tại các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng giám sát, chưa có phương thức giám sát đúng nghĩa, chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Với Hiệp hội doanh nghiệp, chất lượng đóng góp ý kiến, kiến nghị, phản biện cơ chế, chính sách, luật pháp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp, của đất nước trong quá trình hội nhập và đổi mới, của quá trình chuyển giao nhiều chức năng quản lý từ Nhà nước sang các tổ chức phi nhà nước “Tiếng nói của hiệp hội đôi khi chưa đủ trọng lượng, mà một phần quan trọng là do chính bản thân hiệp hội”[16].

Tóm lại, mặc dù đã được ghi nhận thành chủ trương, định hướng của Đảng, cũng như đã có những quy định chung về quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp nhưng phải khẳng định lại rằng, hiện nay tại Việt Nam vẫn thiếu một cơ chế pháp lý đồng bộ để bảo đảm việc thực hiện các hoạt động giám sát xã hội một cách rộng rãi, chất lượng và có hiệu quả. Điều này thể hiện qua một số điểm sau đây:

Thứ nhất, các quy định pháp luật về giám sát xã hội hiện nay còn nằm rải rác trong nhiều văn bản với mức độ và hiệu lực pháp lý khác nhau.

Thứ hai, chưa có những quy định cụ thể tạo ra cơ chế pháp lý đồng bộ để hoạt động giám sát xã hội được thực hiện đúng bản chất vốn có của nó. Với cá nhân công dân, cùng với các tổ chức xã hội của quyền giám sát chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở quyền tham gia góp ý, kiến nghị xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước mà chưa được thừa nhận ở mức độ mạnh mẽ như tính chất vốn có của nó.

Thứ ba, vẫn còn thiếu vắng một số thể chế pháp lý mang tính chất nền tảng tạo cơ sở bảo đảm cho việc vận hành hoạt động giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả như Luật về Hội…

Thứ tư, thiếu những quy định rõ ràng và cụ thể về cơ chế tiếp nhận, phản hồi ý kiến và chế tài đối với việc không tiếp nhận ý kiến giám sát xã hội. Hiệu quả của hoạt động giám sát xã hội phụ thuộc rất nhiều vào khâu tiếp nhận xử lý kết quả giám sát của các chủ thể có thẩm quyền.

Hiện nay, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các tổ chức xã hội chưa hoàn thiện. Luật về Hội đã dự thảo nhiều lần nhưng vẫn bị đánh giá là “đóng” nhiều hơn “mở”. Đồng thời, khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động về tự do báo chí, tự do ngôn luận cũng chưa thực sự ủng hộ cho không gian xã hội phát triển. Tất cả những điều này đã hạn chế khả năng giám sát xã hội của các tổ chức xã hội trong những vấn đề về quyền con người. Về tư duy và nội dung điều chỉnh, còn có một số hạn chế như sau:

+ Do nhận thức chưa rõ ràng về khái niệm và bản chất của tổ chức xã hội; chưa phân biệt được tổ chức xã hội với các tổ chức phản động, chống lại chế độ nhà nước pháp quyền hợp hiến nên chưa thấy hết giá trị và cần phải huy động sức mạnh tiềm tàng của khu vực xã hội vì mục tiêu đóng góp cho phát triển.

+ Tư duy quản lý, xin cho, ngăn cản thúc đẩy quyền con người (cả theo công ước quốc tế) còn nặng nề (Hội là cánh tay nối dài của Nhà nước); coi khu vực xã hội này là khu vực “nhạy cảm” cần phải cảnh giác... thậm chí không được cổ súy.

Kết luận

Bộ máy nhà nước Việt Nam hiện hành đang phải chấp nhận sức ép về giám sát và phản biện ngày càng gia tăng của xã hội, của giới báo chí và truyền thông. Điều đó hiển nhiên là một nhu cầu từ phía Nhà nước và đó là những thành tựu không thể phủ nhận của quá trình cởi mở, dân chủ hóa đất nước.

Tuy nhiên, thành tựu của giám sát từ khu vực xã hội ở Việt Nam hiện nay là chưa bền vững. Các nền móng pháp lý đảm bảo tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do lập hội và bày tỏ quan điểm, nhất là các phản biện chính sách một cách công khai, cơ hội tham gia trưng cầu dân ý và các hình thức dân chủ trực tiếp khác vẫn chưa chắc chắn. Nền hành chính công vẫn giữ quyền can thiệp rộng rãi và chưa minh bạch đối với hoạt động báo chí, truyền thông và khu vực xã hội ngoài Nhà nước.

Nếu sự nghi kỵ và thiếu thiện cảm đối với tự do báo chí và khu vực xã hội tăng lên, khi ấy công dân mất dần lòng nhiệt tình tham gia chính trị. Một khi công dân thờ ơ với chính trị, xã hội thiếu cạnh tranh công khai về chính trị; quyền và khả năng giám sát của xã hội đối với Nhà nước không đảm bảo, khi đó tính minh bạch, dân chủ và trách nhiệm giải trình của Nhà nước trước xã hội sẽ suy yếu.

 


Ghi chú:

* PGS.TS., Viện Nhà nước và Pháp luật.

[1] Bùi Thế Cường (15/7/2010). Các tổ chức xã hội ở Việt Nam”, Học liệu Mở Việt Nam, Bản gốc lưu trữ 15/7/2010.

[2] KofiAnan - Tổng thư ký liên hiệp quốc (2005), Bài phát biểu tại Diễn đàn thế giới về xã hội thông tin (The World Summit on the Information Society) tổ chức tại Tunisia từ ngày 16-18/10/2005: http://www.un.org/issues/civilsociety/

[3] C.Mác-Ph.Ăngghen (1980), Tuyển tập, Tập I, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.299.

[4] Nguyễn Linh Giang, “Vai trò của các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy sự tham gia của người dân”, Tham luận Hội thảo quốc tế, Viện Nhà nước và Pháp luật, Hà Nội, 6/2018.

[5] Nguyễn Linh Giang, tlđd.

[6] Bronislaw Geremek, Civil Society and the Present Age, http://nationalhumanitiescenter.org/publications /civilsoc/geremek.htm, truy cập ngày 12/2/2017.

[7] Nông Duy Tường, Con người dân chủ và xã hội dân sự, http://icevn.org/vi/node/276, truy cập ngày 1/12/2016.

[8] Nguyễn Linh Giang, tlđd.

[9] Xem: Nguyễn Trần Bạt, Phản biện xã hội, nguồn: Tạp chí The Journal of Global Issues & Solutions, Nxb. "Bibliotheque: World Wide International Publishers", 2007.

[10] Điều 25, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị quy định: “Mọi công dân đều có quyền và cơ hội để tham gia các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do lựa chọn”.

[11] Xem: PGS,TS. Đoàn Minh Huấn, “Vai trò của giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền”, nguồn: http://www. hanhchinh.com.vn/forum/f82/vai-tro-cua-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-doi-voi-viec-xay-dung-nha-nuo c-phap-quyen-21761.html&hl=vi&gl=vn&strip=1, truy cập ngày 16/8/2018.

[12] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 145.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tlđd.

[14] Khoản 2, 3 Điều 4 của Hiến pháp năm 2013.

[15] Nguyễn Như Phát (Chủ nhiệm) “Cơ chế bảo vệ quyền con người, cơ chế bảo hộ quyền cơ bản của công dân theo yêu cầu của Hiến pháp”, Đề tài cấp bộ, Viện Nghiên cứu lập pháp, 2014-2016, Báo cáo tổng hợp, tr.122.

[16]. Xem: Vũ Quốc Tuấn, “Nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng pháp luật”, Tham luận tại hội thảo của Hiệp hội Doanh nghiệp, Hà Nội, ngày 18-5-2006.

 

Nguồn: TẠP CHÍ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT, số 11, năm 2018

 

 

Các tin đã đưa ngày: