 |
|
Công giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVI bởi các nhà truyền giáo phương Tây, mặc dù muộn hơn Phật giáo và Đạo giáo rất nhiều nhưng cộng đồng Công giáo đã hình thành một bản sắc riêng, thể hiện qua đức tin, niềm tin, các giá trị đạo đức được đề cao. Theo số liệu thống kê của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hiện nay Việt Nam có 47 Giám mục, gần 6000 linh mục; khoảng 200 dòng tu, với hơn 31.000 nam nữ tu sĩ, trên 7 triệu tín hữu Công giáo, hơn 10.000 nhà thờ thuộc về ba Giáo tỉnh là Hà Nội, Huế, và Sài Gòn. Nhiều năm trước đây, cộng đồng Công giáo nhất là cộng đồng Công giáo ở nông thôn, thường sống khép kín, trẻ em được sinh ra và lớn lên trong gia đình Công giáo, từ nhỏ đã hấp thu những yếu tố văn hóa mang sắc thái riêng của cộng đồng mình. Hết tuổi thiếu nhi, họ bắt đầu bước vào giai đoạn mà Giáo hội Công giáo gọi là “giới trẻ”. Quyết định trở thành sinh viên đồng nghĩa với việc họ phải di chuyển khỏi môi trường sống vốn đã quen thuộc để đến môi trường sống mới. Điều này đã đặt ra không ít khó khăn và thách thức đối với sinh viên Công giáo ngoại tỉnh về sự hòa nhập với cuộc sống mới, môi trường mới, những người bạn mới cùng đức tin và không cùng đức tin.
Để hiểu rõ những thanh niên, sinh viên Công giáo đã phải đối mặt với những khó khăn này ra sao cũng như cách giải quyết những vướng mắc của họ để thích nghi ở môi trường mới như thế nào, năm 2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã cho ra mắt cuốn sách chuyên khảo với nhan đề “Sinh viên công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội: Sự hòa nhập xã hội và thực hành đức tin” của TS. Vũ Thị Hà.
Ngoài Lời mở đầu, Kết luận và Kiến nghị, cuốn sách được kết cấu thành 5 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, sự hòa nhập của đạo Công giáo trong quá trình du nhập vào Việt Nam
Trong chương này, tác giả tập trung làm rõ một số khái niệm liên quan như: “Giới trẻ Công giáo”, “Sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội”, “Xã hội”, “Hòa nhập và hòa nhập xã hội”, “Giữ đạo và Sống đạo”. Trên cơ sở tổng quan tình hình nghiên cứu, tác giả nhận thấy nếp sống của cộng đồng Công giáo đã được đề cập với nhiều khía cạnh như giáo dục về đức tín cho tín đồ, các hoạt động hay sinh hoạt liên quan đến đức tin. Một số nghiên cứu trực tiếp về sinh viên Công giáo mới chỉ dừng lại ở việc xác định giới hạn về độ tuổi, vai trò của họ trong Giáo hội hay phác họa cách họ thực hành và giao tiếp với xã hội. Bên cạnh đó, nội dung chương này cũng dành phần lớn dung lượng để phân tích sự hòa nhập của đạo Công giáo trong quá trình du nhập vào Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến những ảnh hưởng của các xung đột đến sự hòa nhập xã hội (các sinh hoạt tôn giáo hay mối quan hệ với cộng đồng không Công giáo) của người Công giáo.
Chương 2. Đặc điểm của giới trẻ Công giáo và sinh viên công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội
Trên cơ sở điều tra, phỏng vấn kết hợp với các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, tác giả đã chỉ ra những đặc điểm của giới trẻ Công giáo cũng như sinh viên Công giáo ngoại tỉnh Hà Nội. Giới trẻ Công giáo được giáo dục đức tin từ nhỏ thông qua các nghi thức tôn giáo, các lớp giáo lý, sinh hoạt hội đoàn và hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao. Bên cạnh đó, giới trẻ Công giáo được nuôi dưỡng và trưởng thành trong môi trường tôn giáo như trong gia đình, nhà thờ. Đối với sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội, họ luôn thể hiện sự cởi mở, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt về tôn giáo và lối sống khác mình của cả cộng đồng Công giáo và không Công giáo. Những sinh viên Công giáo này có nền tảng giáo lý vững chắc, đa số tham dự thánh lễ hằng ngày thể hiện mức độ đức tin chiếm vị trí hết sức quan trọng. Ngoài ra, đặc điểm về điều kiện kinh tế, động cơ học tập và quan hệ xã hội của sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội cũng được tác giả phân tích chi tiết trong chương này. Nghiên cứu khẳng định, sinh viên Công giáo ngoại tỉnh đã hình thành một nếp sống đạo và nên tảng đức tin ổn định trước khi đến Hà Nội học tập. Đức tin, giáo lý và sự giáo dục của cộng đồng Công giáo đã chi phối nhân cách cũng như giúp sinh viên Công giáo ngoại tỉnh hình thành những đức tính tốt.
Chương 3. Sự hòa nhập xã hội của sinh viên Công giáo trong môi trường sống mới
Chương này, tác giả tập trung phân tích sự hòa nhập của sinh viên Công giáo trong môi trường sống mới như môi trường cư trú, môi trường học tập và môi trường xã hội. Việc lựa chọn nơi ở và người ở trọ cùng có sự linh hoạt hơn so với mong muốn và mường tượng của họ. Những sinh viên Công giáo ngoại tỉnh luôn mong muốn lan tỏa hình ảnh của Thiên Chúa và những đức tính tốt đẹp của người Công giáo. Trong quá trình hòa nhập vào môi trường học tập, sinh viên Công giáo ngoại tỉnh coi trọng việc mở rộng quan hệ xã hội với cả bạn bè đồng đạo và ngoại đạo. Nếu trong mối quan hệ xã hội với bạn bè đồng đạo, sinh viên Công giáo ưu tiên như một nhu cầu tự nhiên để được thúc đẩy và nâng đỡ về đức tin thì khi thiết lập mối quan hệ xã hội với bạn bè ngoại đạo, mỗi sinh viên Công giáo ngoại tỉnh lại có chiến lược sống riêng. Để hòa nhập vào môi trường xã hội, tác giả nhận thấy, việc thiết lập và duy trì mối quan hệ thường xuyên với cộng đồng đồng đạo vẫn là dòng mạch chủ đạo và nổi bật nhất, bao gồm việc tìm đến, gia nhập các hội đoàn của sinh viên Công giáo tại Hà Nội và tham gia vào các hoạt động hay những sự kiện của giới trẻ Công giáo nói chung và sinh viên Công giáo nói riêng.

Sinh viên Công giáo làm thiện nguyện tại nghĩa trang Đồi Cốc (giáo họ Bến Cốc, Hà Nội), 2013
Nguồn: TS. Vũ Thị Hà
Chương 4. Thực hành đức tin của sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội
Trong chương này, tác giả đề cập đến hoạt động thực hành đức tin của sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội, trong đó nhấn mạnh đến những điều chỉnh về nề nếp, thói quen so với thời gian khi còn ở quê để thích ứng với cuộc sống mới: (i) Thay đổi thói quen và dịch chuyển mục đích tham dự thánh lễ; (ii) Lựa chọn tâm thế “giữ đạo”- “sống đạo” thể hiện chiến lược sống; (iii) Vi phạm giáo luật trong sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội. Nếu như việc thay đổi thói quen đi lễ của sinh viên Công giáo ngoại tỉnh chỉ mang tính cơ học và liên quan đến việc sắp xếp thời gian một cách hợp lý thì sự dịch chuyển mục đích tham dự thánh lễ lại thể hiện sự chuyển biến về chất của hoạt động tham dự thánh lễ. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trong khi những sinh viên lựa chọn tâm thế “giữ đạo” cố gắng thực hành đầy đủ những quy định của giáo luật, tránh phạm lỗi, hòa nhập “cầm chừng” vào môi trường sống mới thì những sinh viên lựa chọn tâm thế “sống đạo” lại thể hiện quan niệm và cách thực hành đức tin một cách phong phú, nhiệt huyết “dấn thân” để tìm ra ý nghĩa của đức tin trong cuộc sống. Sinh viên Công giáo ngoại tỉnh, dù được giáo dục giáo lý cả thời thơ ấu nhưng họ vẫn vi phạm giáo luật, thậm chí mắc vào trọng tội, tuy nhiên bản thân họ lại có những lý lẽ để giải thích, biện giải cho hành động của mình. Nhưng trên hết, họ đã tìm thấy ở tôn giáo của mình sự cứu cánh, một chỗ dựa tinh thần để khi mắc sai lầm, khi mắc tội với Thiên Chúa, họ vẫn được bao dung, che chở và đón nhận “trở về”.
Chương 5. Một số vấn đề về sự hòa nhập xã hội của sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội
Phân tích về những yếu tố tác động trong sự hòa nhập xã hội của sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội, nghiên cứu chỉ ra rằng, yếu tố môi trường xã hội là tác nhân thúc đẩy mỗi sinh viên kiến tạo cho mình chiến lược sống và hành động, Chủ trương của Giáo hội đối với giới trẻ Công giáo là yếu tố bao trùm và mang tính định hướng cho việc thực hành đức tin, và cộng đồng đồng đạo có vai trò giám sát hành vi và giáo luật, trong đó có lương tâm Công giáo là cơ chế giám sát tự thân cao nhất đối với mỗi sinh viên Công giáo ngoại tỉnh. Đối với sinh viên Công giáo ngoại tỉnh, đây chính là cơ hội để họ nhìn nhận và xác định ý nghĩa của đức tin trong cuộc sống của họ, kể cả trong những trường hợp mắc tội trọng khi vi phạm giáo luật. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, trong sự hòa nhập xã hội của sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội còn có một số vấn đề đặt ra: Thứ nhất, giữ đạo là một lựa chọn an toàn với đa số sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội; Thứ hai, sinh viên Công giáo ngoại tỉnh chủ yếu hòa nhập với cộng đồng đồng đạo có nguồn gốc nông thôn di cư đến Hà Nội; Thứ ba, sự tập trung thái quá vào các hội đoàn Công giáo khiến cho hầu hết sinh viên Công giáo ngoại tỉnh thờ ơ với các hoạt động của thanh niên, sinh viên nói chung. Trên cơ sở phân tích trên, tác giả bước đầu đề xuất một số kiến nghị đối với sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội nói riêng, các đoàn thể trong trường học các cấp nói chung nhằm giúp sinh viên Công giáo ngoại tỉnh vừa có thể hòa nhập xã hội để học tập vừa tiếp tục thực hành đức tin và góp phần tạo ra sự hiểu biết, tôn trọng và đoàn kết giữa các cộng đồng tôn giáo trên đất nước Việt Nam.
Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tác giả thể hiện qua các cuộc phỏng vấn chuyên sâu, tiếp cận văn kiện Công giáo và hơn 60 ảnh được tác giả lưu lại qua những chuyến khảo sát thực tế. Cuốn sách như một thước phim quay chậm, giúp người đọc hiểu thêm quá trình thanh niên, sinh viên Công giáo đã tự ứng xử và giải quyết những thách thức, cách họ suy nghĩ và thực hành đức tin khi bước vào cánh cổng đại học, để hòa nhập và trở thành một cư dân tri thức trong thời đại mới.
Hy vọng với những nội dung trên, cuốn sách đáp ứng được nhu cầu của đọc giả quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội