Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Thích ứng của các quốc gia Đông Nam Á hải đảo trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc từ sau đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc

10/06/2022


Tác giả :
  • PGS.TS. Dương Văn Huy (chủ biên)
  • TS. Hoàng Thị Giang
  • ThS. Trịnh Hải Tuyến
  • TS. Nguyễn Tuấn Anh
  • TS. Trương Quang Hoàn
  • ThS. Trần Phương Thảo
  • TS. Trần Thị Hải Yến
  • TS. Trần Thu Minh
  • TS. Nguyễn Trung Kiên
  • ThS. Vũ Hải Nam
  • TS. Nguyễn Trường Sơn

Năm xuất bản: 2021

Số trang: 424

 

Đông Nam Á là khu vực có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, từ lâu đã trở thành đối tượng tiếp cận và tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn trên thế giới. Trên thực tế, nhân tố các nước lớn, ít nhất trong lịch sử cận – hiện đại, đã chi phối hầu hết các xu hướng phát triển của Đông Nam Á.

Thời gian gần đây, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong bối cảnh suy giảm tương đối vị thế của Mỹ và Nhật Bản tại Đông Nam Á cũng kéo theo sự điều chỉnh chiến lược, chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực. Với việc điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của mình từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, vai trò vị trí của Đông Nam Á ngày càng quan trọng đối với Trung Quốc. Tiếp đó, ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (từ ngày 18-24/10/2017), chiến lược khu vực của Trung Quốc được đẩy lên mức cao hơn, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của lãnh đạo nước này. Đại hội XIX là dấu mốc quan trọng đánh dấu việc Trung Quốc bước vào “kỷ nguyên mới”, chính thức thông qua việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào điều lệ Đảng. Đại hội cũng khẳng định, tiếp tục cải cách và mở cửa theo chiều sâu. Đáp lại, các quốc gia Đông Nam Á hải đảo, ở những mức độ khác nhau, cũng đã có sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình nhằm gia tăng khai thác lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời coi Trung Quốc là nhân tố quan trọng trong chiến lược ngoại giao cân bằng nước lớn của mình nhằm gia tăng tầm quan trọng về mặt “địa chính trị” trong khu vực.

Trước sự gia tăng ngày càng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, các quốc gia Đông Nam Á/ ASEAN cũng đã nhanh chóng điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình nhằm thích ứng tốt hơn đối với cục diện mới… Điều này sẽ tác động mạnh mẽ tới cục diện khu vực, sự phát triển của ASEAN trong thời gian tới và nhất là đối với Việt Nam trong đó có vấn đề Biển Đông. Bởi vậy, việc nghiên cứu sự thích ứng của các quốc gia Đông Nam Á hải đảo trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong điều kiện hiện nay và những tác động mạnh mẽ của tình hình khu vực đến quá trình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hiện nay vì thế có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn “Thích ứng của các quốc gia Đông Nam Á hải đảo trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc từ sau đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc” do PGS.TS. Dương Văn Huy làm chủ biên. Đây là kết quả của Đề tài nghiên cứu cấp Bộ do PGS.TS. Dương Văn Huy làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam là cơ quan chủ trì.

Ngoài Lời nói đầu và phần Kết luân, nội dung của cuốn sách được kết cấu thành 4 chương:

Chương 1. Nhân tố tác động đối với sự thích ứng của các quốc gia Đông Nam Á hải đảo trước sự ảnh hưởng của Trung Quốc

Trong chương này, nhóm tác giả tập trung làm rõ hai vấn đề chính sau: Thứ nhất, các nhân tố bên trong của Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á hải đảo: Một số chuyển biến tình hình chính trị đối nội và đối ngoại Trung Quốc tư sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc; Quan hệ giữa Trung Quốc với Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore trước Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc và những chuyển biến chính sách đối ngoại của các quốc gia này. Vấn đề tập trung quyền lực trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà cụ thể là việc củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình được thể hiện thông qua các thay đổi nhân sự, cải cách thể chế, tổ chức và chiến dịch chống tham nhũng. Nghiên cứu cho rằng, với các cách tiếp cận này, ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc củng cố cơ sở quyền lực trong Đảng, quyền lực của Tổng Bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đẩy lên một mức cao với vai trò là “hạt nhân” trong Đảng…; Thứ hai, phân tích sự chuyển biến môi trường quốc tế và khu vực trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc còn những điểm yếu song những thành tựu của nước này đã làm thay đổi cán cân thế giới. Các tác giả khẳng định, Trung Quốc đã có sức ảnh hưởng lớn đối với các thể chế tài chính, các thể chế xây dựng các chuẩn mực và thậm chí trong các hoạt động giữ gìn hòa bình. Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn còn biểu hiện ở cạnh tranh về mặt cường quốc biển với sự gia tăng sự cạnh tranh giữa các cường quốc biển cũ và các cường quốc biển mới nổi, nhất là sự trỗi dậy trở thành cường quốc biển của những quốc gia mới nổi đang vẽ lại cấu trúc hợp tác toàn cầu.

Chương 2. Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á

Để hiểu rõ hơn về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á từ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhóm tác giả làm rõ mục tiêu chiến thuật và chiến lược của Trung Quốc đối với Đông Nam Á cũng như cách thức và công cụ gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này: (i) Trung Quốc đẩy mạnh chính sách “ngoại giao xung quanh”; (ii) Trung Quốc gia tăng việc sử dụng công cụ kinh tế, đẩy mạnh chiến lược “Một vàng đai một con đường” trong đó Đông Nam Á là khu vực then chốt và chiến lươc này có vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, nó được coi là sự mở rộng của “giấc mơ Trung Hoa”. Nghiên cứu khẳng định, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc trên cả phương diện song phương và đa phương đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và đối với các quốc gia Đông Nam Á hải đảo nói riêng nhằm phục vụ cho các đại chiến lược của Trung Quốc hiện nay. Chính sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong bối cảnh suy giảm tương đối vị thế của Mỹ và Nhật Bản tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đã kéo theo sự điều chỉnh chiến lược, chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực. Sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế đối với khu vực Đông Nam Á được thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch. Bên cạnh những cơ hội, thì sự gia tang ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc cũng mang lại những lo ngại cho khu vực Đông Nam Á những nguy cơ đáng báo động liên quan đến tính liên kết trong khu vực, kinh tế và chính sách ngoại giao…

Chương 3. Nội dung và cách thức thích ứng của các quốc gia Đông Nam Á hải đảo đối với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc

Trong chương này, nhóm nghiên cứu làm rõ cách thức ứng của 4 quốc gia (Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore) trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên các lĩnh vực như: kinh tế, an ninh – quốc phòng, gia tăng ảnh hưởng mềm của Trung Quốc và vấn đề Biển Đông. Bước đầu, các tác giả cho rằng, các nước thực hiện chính sách ngoại giao phòng ngừa trong quan hệ với Trung Quốc nhằm gia tăng khai thác lợi ích kinh tế và ngăn ngừa rủi ro về mặt an ninh. Indonesia là quốc gia có tiếng nói trọng lượng nhất trong ASEAN, từ sau Đại hội XVIII và nhất là sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, quan hệ hai bên có xu hướng ngày càng thắt chặt hơn, Indonesia có xu hướng mềm dẻo và linh hoạt hơn trong việc tiếp cận với Trung Quốc. Đối với Malaysia, nước này đang thực hiện chính sách “im lặng” trong quan hệ với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, mặc dù Malaysia và Trung Quốc đều là những bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, tuy nhiên Malaysia dường như vẫn tiếp tục giữ lập trường mềm dẻo đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Với Philippines, dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, việc Tổng thống Duterte xoay trục sang Trung Quốc được nhìn nhận là bước đi khéo léo nhằm hóa giải căng thẳng quan hệ giữa hai nước, tận dụng cơ hội phát triển tử Trung Quốc, đồng thời còn là động thái giúp cho Philippines thoát khỏi “thân phận” là công cụ cho các nước lớn trong chiến lược khu vực; Đối với Singapore, chính sách cân bằng nước lớn là nguyên tắc ngoại giao của quốc đảo này, nên trước sự gia tăng mạnh mẽ tầm ảnh ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực cũng như sự nóng lên về vấn đề Biển Đông cũng đang tạo ra thách thức lớn đối với Singapore.

Chương 4. Tác động và xu thế thích ứng của các quốc gia Đông Nam Á hải đảo đối với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc

Trên cơ sở tập trung phân tích tác động từ sự thích ứng của các quốc gia Đông Nam Á hải đảo trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, các tác giả đã đánh giá so sánh cách thức thích ứng của các quốc gia Đông Nam Á hải đảo và khẳng định, tuy các quốc gia này đều thực hiện chính sách “ngoại giao phòng bị nước đôi” với Trung Quốc nhưng lại ở những cấp độ khác nhau và sự thành công mang lại với mỗi quốc gia cũng khác nhau. Với Việt Nam, sự gia tăng ảnh hưởng này của Trung Quốc đã tác động mạnh mẽ đối với Việt Nam trên nhiều chiều kích khác nhau bao gồm cả cơ hội lẫn thách thức, những tác động trực tiếp và gián tiếp. Mặc dù vậy, xét về tổng thể cho đến thời điểm này, các quốc gia Đông Nam Á hải đảo đang tương đối thành công trong việc thích ứng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc với cách thức vừa tận dụng cơ hội tiếp cận nguồn vốn và thị trường khổng lồ của Trung Quốc nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước, mặt khác vẫn luôn đấu tranh mạnh mẽ với các nguy cơ an ninh đến từ Trung Quốc.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc của tập thể tác giả. Nội dung nghiên cứu tập trung chủ yếu vào giai đoạn từ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mang đến cho độc giả cái nhìn đa chiều và sâu sắc đối với việc thích ứng của các quốc gia Đông Nam Á hải đảo trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Mặc dù đây là vấn đề khó tiếp cận bởi sự liên kết đa chiều, có tầm ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trong khu vực, nhưng với  bố cục của cuốn sách được thể hiện khoa học cùng với khối lượng tài liệu tham khảo phong phú, đáng tin cậy (80 tài liệu tiếng Việt, 160 tài liệu tiếng Anh, 90 tài liệu tiếng Trung Quốc), đặc biệt là với những đánh giá, phân tích sắc bén đã làm nên giá trị khoa học của cuốn sách.

Với những nội dung trên, hy vọng cuốn sách đáp ứng nhu cầu của độc giả quan tâm.

Trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Minh Hồng


Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Các tin đã đưa ngày: