Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Tác động của chính sách quản lý rừng đến mức sống dân cư nông thôn tỉnh Quảng Bình

06/07/2022


Tác giả :
  • TS. Trần Thị Tuyết (chủ biên)
  • TS. Đào Hoàng Tuấn
  • TS. Hà Huy Ngọc
  • TS. Trần Thị Xuân
  • ThS. Phạm Mạnh Hà
  • ThS. Lê Thu Quỳnh
  • CN. Đỗ Thị Duyên

Năm xuất bản: 2021

Số trang: 368

 

Tại Việt Nam, lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân cũng như an sinh xã hội và môi trường sinh thái. Trong những năm gần đây, ngành lâm nghiệp đang có những bước tăng trưởng đáng kể và tương đối toàn diện. Việc gia tăng giá trị từ rừng góp phần quan trọng cho tiến trình nâng cao mức sống dân cư. Nhận thức rõ vai trò, xu thế của phát triển lâm nghiệp, nước ta đã sớm ban hành các văn bản hướng dẫn huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia quản lý bảo vệ phát triển rừng gắn với sinh kế bền vững và an nnh môi trường quốc gia, đồng thời lồng ghép cam kết quốc tế để từng bước hội nhập với nền lâm nghiệp thế giới.

Là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn, với gần 80% diện tích hành chính nhưng việc đảm bảo sinh kế cho người dân sống dựa vào rừng ở tỉnh Quảng Bình chưa được cải thiện nhiều như mục tiêu đề ra. Nguyên nhân được cho là do sức ép từ quá trình tăng trưởng kinh tế - xã hội, gia tăng dân số, nhiều chính sách quản lý rừng còn thiếu tính khả thi, bất cập đã tạo áp lực cho công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng.

Để có cái nhìn tổng quan về vấn đề này, năm 2021, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn “Tác động của chính sách quản lý rừng đến mức sống dân cư nông thôn tỉnh Quảng Bình” do TS. Trần Thị Tuyết làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu cấp Bộ cùng tên do Viện Địa lý nhân văn chủ trì thực hiện. Mục tiêu của cuốn sách nhằm phân tích tính hữu hiệu của chính sách quản lý rừng và những ảnh hưởng của nó đến mức sống dân cư, nhất là sinh kế người dân ở vùng lâm nghiệp trong quá trình triển khai đề án tái cơ cấu ngành, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững lâm nghiệp.

Ngoài Lời giới thiệu và phần Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 3  chương:

Chương 1. Những vấn đề chung về tác động của chính sách quản lý rừng đến mức sống dân cư nông thôn

Cùng với việc làm rõ một số khái niệm cơ bản liên quan đến vấn đề nghiên cứu như: “Mức sống dân cư”, “sinh kế”, “thu nhập”, “chính sách quản lý rừng”,”dân cư nông thôn”, nhóm tác giả đã giới thiệu hai nhóm chỉ tiêu đánh giá tác động của chính sách quản lý rừng đến mức sống dân cư. Phân tích những tác động của chính sách quản lý rừng, nghiên cứu khẳng định, chính sách giao đất, giao rừng được minh chứng là công cụ quản lý rừng hiệu quả, đảm bảo việc duy trì, khôi phục độ che phủ rừng và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học…. đồng thời cải thiện nguồn vốn sinh kế, thu nhập của người dân sinh sống bằng nghề rừng. Khi người dân và các tổ chức được trao quyền và bảo đảm quyền sở hữu, sử dụng rừng, họ sẽ có trách nhiệm, nghĩa vụ sử dụng hiệu quả tài sản của mình. Điểm nhấn của chương này, các tác giả đã chia sẻ kinh nghiệm của một số tổ chức trên thế giới và địa phương về chính sách giao đất giao rừng, phân quyền trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, sử dụng các công cụ quản lý rừng…từ đó rút ra một số bài học cho Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Chương 2. Thực trạng tác động của chính sách quản lý rừng đến mức sống dân cư nông thôn tỉnh Quảng Bình

Trên cơ sở khái quát đặc điểm chung về tỉnh Quảng Bình cũng như chỉ ra thực trạng chính sách quản lý rừng và mức sống dân cư nông thôn ở tỉnh này, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích tác động của chính sách quản lý rừng đến mức sống dân cư nông thôn tỉnh Quảng Bình và khẳng định: (i) Việc giao đất giao rừng trêm địa bàn tỉnh đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, tuân thủ theo các văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với bối cảnh từng lãnh thổ góp phần quan trọng và cải thiện điều kiện sống dân cư, nhất là nâng cao mức thu nhập và đa dạng nguồn thu nhập; (ii) Hộ gia đình nhận đất đã chủ động phát huy các giá trị của đất lâm nghiệp, thay đổi phương thức sản xuất trên diện tích đất có quyền sử dụng hợp pháp để phát triển kinh tế cũng như bảo vệ được các giá trị môi trường, cải thiện cuộc sống; (iii) Việc giao đất lầm nghiệp còn có ý nghĩa trong thu hút lao động, tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ dân.

Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra một số vấn đề trong việc thực hiện mục tiêu của chính sách quản lý liên quan đến cải thiện mức sống dân cư nông thôn và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân của tình trạng phá rừng diễn ra phức tạp, khó kiểm soát diễn ra thời gian qua.

Chương 3. Giải pháp hoàn thiện việc thực hiện chính sách quản lý rừng nhằm nâng cao mức sống dân cư nông thôn tỉnh Quảng Bình

Để thực hiện mục tiêu xây dựng vốn rừng gắn với cải thiện mức sống dân cư theo quan điểm phát triển bền vững rừng, tái cơ cấu lâm nghiệp, thúc đẩy kinh tế hợp tác, theo các tác giả, cần có những điều chỉnh toàn diện về định hướng phát triển ngành nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện huy động năng lực tổng hợp của toàn xã hội để đẩy nhanh tốc độ gia tăng giá trị hàng hóa lâm sản, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên. Các giải pháp tăng cường việc thực hiện chính sách quản lý rừng nhằm nâng cao mức sống dân cư nông thôn tại tỉnh Quảng Bình được nhóm nghiên cứu gợi mở gồm: Thứ nhất, nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách quản lý rừng; Thứ hai, nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý rừng; Thứ ba, nhóm giải pháp về tạo lập các điều kiện bảo đảm thực thi chính sách quản lý rừng nhằm nâng cao mức sống dân cư nông thôn. Cuối cùng nghiên cứ khẳng định, để thực hiện được tổng hòa các giải pháp trên đòi hỏi phải thay đổi tư duy của các nhà quản lý theo hướng tránh trông chờ vào Nhà nước, tận dụng tối đa các quy định của văn bản pháp luật để cụ thể hóa phù hợp với tình hình địa phương sao cho thu được hiệu quả các giá trị của rừng, phát triển các mô hình lấy lâm nghiệp làm trung tâm và ưu tiên phát triển bền vững sản phẩm theo nhu cầu của thị trường gắn với định hướng phát triển lãnh thổ bền vững, cải thiện mức sống dân cư…

Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, bằng các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành, cuốn sách đã tổng hợp phân tích nhiều chiều cạnh về các vấn đề liên quan đến chính sách quản lý rừng cũng như tác động của nó đến mức sống của dân cư nông thôn ở tỉnh Quảng Bình. Hy vọng với những nội dung trên, cuốn sách sẽ đáp ứng được nhu cầu của độc giả quan tâm.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Nguyễn Minh Hồng


Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Các tin đã đưa ngày: