Trong quá trình tồn tại và phát triển của các ngân hàng, vấn đề an toàn, hiệu quả và bền vững là mục tiêu mà mọi ngân hàng đều hướng tới. Tuy nhiên, rủi ro ngân hàng có thể xuất hiện tại tất cả các nghiệp vụ của ngân hàng như: thanh toán, tín dụng, tiền gửi, ngoại tệ, đầu tư....do đó một trong những vấn đề bức thiết của quản trị ngân hàng hiện nay là – quản trị rủi ro - sử dụng các biện pháp khác nhau để xác định mức độ rủi ro dự báo có thể xảy ra trong hoạt động và đưa ra được các giải pháp để giảm thiểu mức độ của từng loại rủi ro. Khi đó ngân hàng sẽ hoạt động tốt hơn nếu mức rủi ro mà ngân hàng gách chịu là hợp lý và kiểm soát được, đồng thời nằm trong phạm vi khă năng nguồn lực tài chính và năng lực tín dụng của ngân hàng. Cùng với việc quản trị rủi ro tốt, ngân hàng sẽ minh bạch hơn, có giá trị cao hơn và tạo điều kiện giám sát hiệu quả hơn.
Trong những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng phát triển về số lượng, quy mô hoạt động, song song với nó là nghiệp vụ ngân hàng cũng phong phú và phức tạp hơn. Thực tiễn phát triển của hệ thống ngân hàng đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, theo đó cần có các mô hình quản trị rủi ro, các công cụ và phương pháp quản trị rủi ro hiện đại và thích hợp với thực tiễn Việt Nam để đảm bảo an toàn hệ thống. Để kịp thời nắm bắt những cơ hội và sẵn sàng ứng phó với những thách thức trong bối cảnh tái cơ cấu và hội nhập sâu rộng, cần tăng cường quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Vì vậy, vấn đề rủi ro tại các ngân hàng nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng luôn được các học giả đặc biệt chú trọng nghiên cứu, phân tích, thậm chí ngay cả khi nền kinh tế đang rất ổn định.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, đặc biệt là nắm bắt xu hướng hệ thống tài chính – tiền tệ trong trong nước và quốc tế trong thời gian tới làm sơ sở đề xuất những giải pháp tăng cường quản trị rủi ro tại các ngân hàng, năm 2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại Việt Nam trong trong bối cảnh hội nhập quốc tế” của tác giả Tô Thị Ánh Dương.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận về quản trị rủi ro của ngân hàng thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Chương này, tác giả tập trung hệ thống hóa cơ sở lý luận về quản trị rủi ro của ngân hàng mương mại trong điều kiện hội nhập quốc tế: (i) Rủi ro trong hoạt động ngân hàng thương mại; (ii) Quản trị rủi ro trong hoạt động của ngân hàng thương mại; (iii) Hội nhập quốc tế trong khu vực ngân hàng. Xuất phát từ lý thuyết về ngân hàng thương mại, nghiên cứu chỉ ra bản chất, vai trò và các nguyên tắc quản trị rủi ro trong ngân hàng thương mại, đồng thời đi sâu phân tích về khung quản trị rủi ro trong ngân hàng thương mại với các nhân tố chủ yếu là bộ máy tổ chức chịu trách nhiệm quản lý rủi ro và các chính sách và quy trình quản trị rủi ro. Tác giả nhấn mạnh đến sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng, đây mà một trong những nhân tốt quyết định sự ổn định kinh tế vĩ mô, đến tăng trưởng và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Do đó, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực ngân hàng cần tuân thủ theo các tiêu chuẩn của Hiệp ước Basel nhằm đảm bảo tính an toàn trong hoạt động. Một trong những điểm nhấn trong chương này là tác giả tập trung phân tích sự khác biệt giữa Hiệp ước vốn Basel I, II, III đồng thời đi sâu vào ba trụ cột chính của Basel II. Đề cập đến vấn đề hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng, tác giả tập trung phân tích cơ hội và thách thức của ngân hàng thương mại trong bối cảnh hội nhập; chỉ rõ các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững của khu vực ngân hàng, từ đó luận giải sự cần thiết của quản trị rủi ro đối với sự phát triển bền vững khu vực ngân hàng trong điều kiện hội nhập quốc tế….
Chương 2. Thực trạng áp dụng quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Chương này, tác giả phân tích một số nội dung sau: (i) Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh tái cơ cấu và hội nhập quốc tế sâu rộng; (ii) Khuôn khổ pháp lý về quản trị rủi ro và triển khai áp dụng Basel II trong ngành ngân hàng Việt Nam; (iii) Thực trạng áp dụng Base II trong quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng; (iv) Thực trạng áp dụng mô hình và các công cụ quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế tại các ngân hàng thương mại Việt Nam; (v) Đánh giá về quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế tại các ngân hàng Việt Nam. Nghiên cứu chỉ rõ mức độ chênh lệch thực tế thực hiện theo Basel II trong quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam so với yêu cầu của Basel II theo các nội dung như: cơ cấu, quản lý và quản trị rủi ro đối với các rủi ro cơ bản; quản lý dữ liệu đối với rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro thanh khoản; đo lường rủi ro đối với các rủi ro cơ bản; hạ tầng công nghệ thông tin đối với các rủi ro cơ bản; yêu cầu về vốn đối với các loại rủi ro cơ bản. Cuối chương, tác giả đã chỉ ra 10 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự chênh lệch về mức độ áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và quản trị rủi ro tại ngân hàng thương mại Việt Nam so với thông lệ quốc tế như xuất phát điểm của ngân hàng Việt Nam, quy mô, năng lực tài chính, quy định pháp lý về quản trị rủi ro ở Việt Nam còn thiếu và chưa phù hợp, tiến trình tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn chưa đạt được tiến độ như kỳ vọng….
Chương 3. Xu hướng hệ thống tài chính – tiền tệ toàn cầu và Việt Nam đến năm 2030 và giải pháp tăng cường quản trị rủi ro tại ngân hàng thương mại Việt Nam theo thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng
Trên cơ sở phân tích xu hướng hệ thống tài chính - tiền tệ toàn cầu và Việt Nam đến năm 2030 và xu hướng hướng quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế tại các ngân hàng thương mại trong chiến lược phát triển ngân hàng đến năm 2030, tác giả đề xuất một số kiến nghị và giải pháp chung nhằm tăng cường quản trị rủi ro tại ngân hàng thương mại Việt Nam theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0. Các nhóm giải pháp được tác giả đề xuất bao gồm: Thứ nhất, tái cơ cấu hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý rủi ro; Thứ hai, xây dựng hệ thống khẩu vị rủi ro trong ngân hàng; Thứ ba, phát triển văn hóa quan trị rủi ro trong toàn hệ thống ngân hàng; Thứ tư, nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực quản lý rủi ro; Thứ năm, phát triển công nghệ, cơ sở thông tin – dữ liệu; Thứ sáu, thực hiện kiểm tra sức chịu đựng đối với các rủi ro trọng yếu và tỷ lệ an toàn vốn; Thứ bảy, gia tăng quy mô vốn của các ngân hàng thương mại; Thứ tám, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu và tâm huyết của tác giả về quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại. Đây là một chủ đề rộng và phức tạp, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy biến động, đòi hỏi mỗi quốc gia nói chung, mỗi ngân hàng nói riêng phải thường xuyên cập nhật, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Với cách phân tích của tác giả được thể hiện qua bố cục mạch lạc, khoa học cùng với việc sâu chuỗi từng vấn đề một cách logic đã giúp người đọc dễ dàng trong việc tiếp cận vấn đề.
Hy vọng với những nội dung trên sẽ đáp ứng nhu cầu của độc giả quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội