Theo Công ước RAMSAR, đất ngập nước (ĐNN) bao gồm: “Vùng đầm lầy; đầm lầy than bùn; những vực nước bất kể là tự nhiên hay nhân tạo; những vùng ngập nước tạm thời hay thường xuyên; những vực nước đứng hay chảy, là nước ngọt, nước lợ hay nước mặn, kể cả những vực nước biển có độ sâu không quá 6m khi thủy triều thấp”. ĐNN chiếm khoảng 7-9 triệu km2, chiếm khoảng 4-6% bề mặt đất, và vùng ĐNN chỉ chiếm 0.75% lượng nước ngọt thế giới nhưng lại trực tiếp cấp nước cho các hoạt động của con người, đảm bảo nguồn cấp nước cho thế giới thông qua quá trình thu giữ và lưu trữ nước mưa, bổ sung vào các tầng chứa nước ngầm, điều tiết lượng nước, giữ cho lưu vực đầu nguồn trong lành, cung cấp nước uống an toàn một cách tự nhiên; giúp các đô thị, làng mạc được bảo vệ trước sự phá hủy của các cơn bão, bởi vậy ĐNN có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống trên hành tinh chúng ta.
Việt Nam có khoảng 12 triệu hécta ĐNN phân bố rộng khắp các vùng sinh thái, trong đó hai vùng là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng có diện tích ĐNN lớn nhất. Nhiều vùng ĐNN được xác định có giá trị bảo tồn cao, cung cấp các dịch vụ sinh thái thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Với 5 tỉnh ven biển trong tổng số 11 tỉnh, đồng bằng sông Hồng được đánh giá có mức đa dạng sinh học cao thể hiện ở sự đa dạng kiểu ĐNN, đặc biệt rừng ngập mặn, bãi triều và vùng nước cửa sông là các hệ sinh thái đặc thù, quan trọng của địa phương và quốc gia… Tuy nhiên, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý, sử dụng, bảo tồn ĐNN và đe dọa môi trường sinh thái ven biển. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu cũng đã tác động tiêu cực đến hệ sinh thái ĐNN làm suy giảm đa dạng sinh học… Bởi thế, nếu không kịp thời có những giải pháp để quản lý ĐNN vùng ven biển đồng bằng sông Hồng thì các hệ sinh thái ĐNN ven biển có thể sẽ bị suy thoái, kèm theo đó là các loại sinh vật nguy cấp, có giá trị khoa học và giá trị kinh tế bị suy giảm và khó có khả năng phục hội.
Để tìm hiểu rõ hơn về ĐNN ở vùng đồng bằng sông Hồng cũng như thực trạng quản lý ĐNN ở khu vực này gắn với phát triển kinh tế -xã hội trong bối cảnh hiện nay, năm 2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Quản lý đất ngập nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đồng bằng sông Hồng” do TS. Nguyễn Song Tùng làm chủ biên. Nội dung cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Quản lý đất ngập nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng” do TS. Nguyễn Song Tùng làm chủ nhiệm.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và kiến nghị, nội dung cuốn sách được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về quản lý đất ngập nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển
Chương này, nhóm tác giả đưa ra một số khái niệm liên quan đến ĐNN và tập trung phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý ĐNN gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Nghiên cứu khẳng định việc phát triển các khu công nghiệp ven biển đã mang lại giá trị tích cực, tạo công ăn việc làm cho người dân ven biển, tuy nhiên để xây dựng các cụm công nghiệp không trách khỏi việc quai đê lấn biển, thu hẹp diện tích đất nông nghiệp và mặt nước dẫn đến làm mất rừng ngập mặt và nguy cơ phá hủy đa dạng sinh học rất cao, ngoài ra, việc cải tạo đất thành các ao nuôi trồng thủy sản dẫn đến suy giảm chất lượng nước, tăng trầm tích do làm giảm tốc độ dòng chảy và dẫn đến giảm khả năng hòa tan của nước. Việc gia tăng dân số đã gây áp lực lên khai thác tài nguyên, nhu cầu đất ở, đất cho các hoạt động sản xuất tăng cao làm suy giảm diện tích ĐNN…Chia sẻ về một số mô hình quản lý đất ngập nước vùng ven biển trên thế giới nhóm tác giả đề cập tới vùng ven biển phía nam Sonora – Mexico, quản lý ĐNN tại vùng La Segua – Ecuado, rừng ngập mặn ở Kalibo- Philippin; tại Việt Nam có khu rừng nước mặn Cần Giờ- thành phố Hồ Chí Minh, khu ĐNN tại vườn quốc gia Xuân Thủy - Nam Định, vườn quốc gia Tràm Chim, phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước thuộc vùng ĐNN Cẩm Thanh- Hội An. Mỗi mô hình, mỗi địa phương đều có cách làm và cách tiếp cận khác nhau để giải quyết các vấn đề, tuy nhiên điểm then chốt trong hầu hết các mô hình này là huy động được sự tham gia, hỗ trợ của các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương và có cơ chế phù hợp. Trên cơ sở phân tích các vấn đề lý luận về quản lý ĐNN gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình quản lý ĐNN, nhóm nghiên cứu rút ra một số bài học cho quản lý ĐNN gắn với pát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng.
Chương 2.Thực trạng quản lý đất ngập nước và mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội vung ven biển đồng bằng sông Hồng
Qua khảo sát 5 tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng, bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, đây là những tỉnh được xác định là có vai trò quan trọng và thường được quản lý khá chặt chẽ trong mối quan hệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, nhóm tác giả phân tích hiện trạng sử dụng và quản lý ĐNN gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế của các vùng này đang dịch chuyển theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ nên ngành nông nghiệp của các địa phương đang thực hiện việc tái cơ cấu và chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đối với rừng ngập mặn, trong những năm gần đây đã và đang bị phá hủy nhiều, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do khai thác tài nguyên rừng ngâp mặn, chuyển đổi sang nuôi trồng hải sản do hiệu quả kinh tế cao, mặc dù nhà nước đã có những biện pháp cố gắng giữ gìn bảo vệ và bổ sung hàng năm nhưng diện tích rừng ngập mặn vẫn liên tục biến đổi theo xu hướng giảm dần. Trong công tác quản lý, nhóm tác giả đã hệ thống tổ chức quản lý đất ngập nước cũng như đánh giá vai trò của các bên liên quan như: cấp trung ương và địa phương, trong đó bao gồm các sở ban ngành. Thông qua kết quả khảo sát về đặc điểm, vai trò và sự tham gia của từng nhóm, các bên liên quan được đánh giá theo các mức độ khác nhau. Việc đánh giá này là cơ sở để đưa ra các nhận định, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm huy động tối đa sự tham gia của các bên liên quan trong bảo tồn ĐNN.
Trong phần cuối của chương, các tác giả nêu lên một số kết quả trong quản lý ĐNN gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng, trong đó đề cập tới vai trò của hệ thống văn bản pháp lý, sự tham gia của các tổ chức và cơ quan vào quản lý ngày càng nhiều và giúp kiểm soát tốt đồng thời hạn chế các hoạt động khai thác trái phép; nhiều sáng kiến và mô hình được áp dụng trong quản lý mang lại kết quả tích cực.
Chương 3. Giải pháp tăng cường quản lý đất ngập nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng
Trong chương này, trên cơ sở làm rõ hai nội dung: (i) Bối cảnh ảnh hưởng đến quản lý ĐNN vùng ven biển đồng bằng sông Hồng; (ii) Quan điểm về quản lý ĐNN gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển sông Hồng, các tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp và kiến nghị nhằm quản lý đất ngập nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng một cách hiệu quả: Thứ nhất, có chính sách kiểm kê và đánh giá dầy đủ hiện trạng, các giá trị của các vùng ĐNN ven biển đồng bằng sông Hồng; Thứ hai, tích hợp và lồng ghép các chính sách quản lý ĐNN trong quá trình xây dựng kế hoạch khai thác sử dụng và bảo tồn ĐNN cho phát triển kinh tế - xã hội; Thứ ba, quản lý ĐNN trên cơ sở tiếp cận liên ngành và sử dụng khôn khéo các vùng ĐNN; Thứ tư, xây dựng các chính sách quản lý ĐNN trên cơ sở tiếp cận các dịch vụ của hệ sinh thái; Thứ năm, các chính sách quản lý, khai thác và bảo tồn ĐNN được dựa vào cộng đồng; Thứ sáu, đẩy mạnh truyền thông và giáo dục môi trường về bảo vệ các vùng đất ngập nước.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu và tâm huyết của tập thể tác giả về ĐNN vùng ven biển đồng bằng sông Hồng. Bằng các phương pháp nghiên cứu chuyên sâu, các phương pháp phân tích định tính, định lượng… cùng với 66 trang tài liệu phụ lục mô tả chi tiết các luật và chính sách liên quan đến quản lý ĐNN giúp cho người đọc tiếp cận vấn đề một cách hệ thống và lôgic. Hy vọng với những nội dung trên, cuốn sách sẽ là nguồn tư liệu quý dành cho độc giả quan tâm tới vùng ĐNN ở Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Hồng nói riêng, trong đó tập trung vào vấn đề quản lý gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội