Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) bao gồm các quốc gia thành viên cũ (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgystan, Moldova, Azerbaijan, Tajikistan và Uzbekistan) thuộc Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, được hình thành thông qua Hiệp định thành lập ký ngày 08/12/1991. Trước bối cảnh mới của tình hình thế giới đã gây tác động không nhỏ đến bàn cờ chính trị, an ninh thế giới và các nước SNG cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Điển hình như cuộc khủng hoảng Ukraina năm 2014 đã làm biến đổi không gian chính trị - an ninh ở khu vực, gây nên những chia rẽ nội bộ khối cũng như làm chậm lại các tiến trình hội nhập, đặc biệt là về hội nhập kinh tế. Vai trò của Nga cũng phần nhieefu bị giảm sút, khả năng kết nối các thành viên trong Cộng đồng không còn mạnh mẽ như trước nữa…
Đối với Việt Nam, với đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” trên cơ sở “bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ với 189/193 thành viên của Liên hợp Quốc và chú trọng đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia ngày càng tích cực vào các khu mậu dịch tự do cũng như các hình thức hội nhập kinh tế quốc tế khác. Mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước SNG mặc dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, song đến nay vẫn liên tục được củng cố và tăng cường trên nhiều hình thức khác nhau. Do đó việc nghiên cứu quan hệ Việt Nam với các nước thuộc SNG trong những năm gần đây có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trước lộ trình hội nhập ngày càng sâu rộng ở khu vực và phạm vi toàn cầu. Với mục tiêu cung cấp thông tin chuyên sâu về mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập từ đó phân tích triển vọng và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước SNG, năm 2021, Nhà xuất bản khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Quan hệ giữa Việt Nam với các nước thuộc cộng đồng các quốc gia đọc lập trong những năm gần đây” do TS. Vũ Thụy Trang làm chủ biên.
Cùng với phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1. Bối cảnh thế giới, khu vực tác động đến quan hệ Việt Nam với các nước thuộc cộng đồng các quốc gia độc lập
Chương này, nhóm tác giả làm rõ một số nội dung cơ bản sau: (i) Bối cảnh thế giới, khu vực; (ii) Đặc điểm phát triển của SNG và Việt Nam; (iii) Vị trí của Việt Nam và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập trong chính sách đối ngoại của mỗi bên; (iv) Khái quát quan hệ Việt Nam với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập giai đoạn trước năm 2014. Theo đánh giá của nhóm tác giả, trong những năm qua, thế giới đã chứng kiến nhiều biến động to lớn trên tất cả các bình diện chính trị, kinh tế và an ninh. Dưới tác động của nhiều nhân tố đã tạo nên diện mạo mới cho cục diện thế giới trong giai đoạn hiện nay và ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết. Nghiên cứu khẳng định, quan hệ giữa Việt Nam với các nước thuộc SNG giai đoạn trước 2014 nhìn chung phát triển tốt đẹp, ổn định và ngày càng được củng cố. Liên bang Xô Viết nói chung và các nước thuộc SNG có ý nghĩa và ảnh hưởng vô cùng to lớn. Nhờ sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của nhân dân các nước an hem về mọi mặt vật chất và tinh thần đã giúp Việt Nam đứng vững và tiếp tục đánh thắng các đế quốc lớn như Pháp, Mỹ, thu giang sơn về một mối. Bên cạnh đó, các quốc gia này còn giúp Việt Nam sớm khắc phục hậu quả chiến tranh. Tuy nhiên, do Việt Nam ở trong khu vực xa xôi về địa lý với các nước thuộc SNG nên mặc dù quan hệ này được củng cố suốt chiều dài lịch sự, xong cũng không vì thế mà nằm ngoài những tác động từ bối cảnh chung của thế giới và khu vực trong giai đoạn gần đây.
Chương 2. Thực trạng quan hệ Việt Nam với các nước thuộc cộng đồng các quốc gia độc lập từ năm 2014 đến năm 2020
Phân tích thực trạng quan hệ giữa Việt Nam với các nước thuộc SNG từ năm 2014 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu đã chia thành ba nhóm đối tượng nghiên cứu sau: (i) Quan hệ Việt Nam với Liên bang Nga; (ii) Quan hệ Việt Nam với các đối tác thuộc Liên minh Kinh tế Á – Âu; (iii) Quan hệ Việt Nam với các nước khác trong Cộng đồng các quốc gia độc lập. Mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thuộc SNG thời gian qua đã có sự khác biệt tương đối lớn về chất. Với Liên bang Nga, một đối tác đặc biệt quan trọng và ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, thì hợp tác Việt – Nga phát triển đồng đều, đa dạng, tích cực ở mọi góc độ. Đối với các nước khác còn lại trong Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) đã có được sự gắn kết chặt chẽ hơn thông qua ký kết và triển khai FTA VN-EAEU. Mức độ ưu tiên dành cho Việt Nam với các nước cũng lớn hơn so với các quốc gia khác như: Moldova, Uzbekistan, Tajikistan hay Azerbaijan. Quan hệ của Việt Nam với bốn đối tác này còn rất khiêm tốn, chưa có những đột phá và tạo được bước chuyển mang tính quyết định, Chính sách đối ngoại của các quốc gia này thường đặt mục tiêu phát triển quan hệ với các quốc gia lân cận ở Trung Á, với Trung Quốc hoặc hướng tới Mỹ và các nước phương Tây, còn khu vực Đông Nam Á thì rất xa mới có được vị trí quan trọng.
Chương 3. Triển vọng và giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước thành viên của cộng đồng các quốc gia độc lập hiện nay đến năm 2030
Trong chương này, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam với các nước thuộc Cộng đồng SNG đến năm 2030 trên cơ sở đánh giá các nhân tố tác động đến triển vọng phát triển cũng như dự báo các kịch bản phát triển quan hệ Việt Nam với các nước thuộc SNG đến năm 2030. Kịch bản thứ nhất, hợp tác giữa Việt Nam với các nước thuộc SNG phát triển hiệu quả hơn, dự báo này xuất phát từ việc các bên đều tôn trọng các mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và lâu đời. Lãnh đạo các bên đều bày tỏ mong muốn phát triển mối quan hệ lên tầm cao mới, đều nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để tăng cường quan hệ trong thời gian tới; Kịch bản thứ hai, quan hệ giữa Việt Nam với các nước thuộc SNG không đạt được hiệu quả như mong đợi. Với kịch bản này, nhóm tác giả cũng chỉ ra một số nguyên nhân liên quan như: Quan hệ Việt Nam và Nga cho đến thời điểm này chưa khẳng định được tinh thần “đối tác chiến lược toàn diện”; đồng rúp của Nga mất giá dẫn tới việc xuất khẩu sang Nga giảm bớt lợi nhuận; Việc thanh toán giữa doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống chuyển đổi đồng rúp và đồng Việt Nam chưa thuận tiện; Hợp tác quốc phòng chưa đáp ứng được mong muốn và nguyện vọng của nhau…
Trên cơ sở những đánh giá, phân tích ở chương 1 và 2 cũng như đánh giá triển vọng quan hệ Việt Nam với các nước thành viên SNG trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp thúc đẩy mối quan hệ này đến năm 2030. Thứ nhất, cần nhận thức và đánh giá một cách đúng đắn, khách quan vị trí của Việt Nam trong các ưu tiên của các nước thuộc SNG trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay; Thứ hai, cần tăng cường công tác thông tin đối ngoại, tạo dự nhận thức đúng đắn, chính xác tình hình Việt Nam cho nhân dân và giới hữu trách các nước thuộc SNG, coi trọng thúc đẩy hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam với các nước thuộc SNG; Thứ ba, tăng cường các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa các bên ở cấp cao cũng như giữa các cơ quan, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, khoa học công nghệ và giáo dục.
Có thể thấy với những nội dung đầy đủ, manh tính khái quát và cụ thể cuốn sách đã cho độc giả thấy bức tranh toàn cảnh về thực trạng cũng như triển vọng quan hệ giữa Việt Nam với các các nước thuộc SNG trong những năm gần đây và cả những đoán định về mối quan hệ này trong thời gian tới.
Hy vọng với những nội dung trên, cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho độc giả quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội