Từ khi Đổi mới đất nước năm 1986 đến nay, đã hơn 30 năm trôi qua, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo tín ngưỡng của đồng bào Dao nói chung và nhóm Dao Tiền nói riêng đã biến đổi nhanh chóng do ảnh hưởng trực tiếp từ những “cái mới” du nhập vào. Để tìm hiểu sâu hơn về những tiếp biến trong đời sống nhằm bảo tồn các yếu tố truyền thống tốt đẹp của người Dao ở Việt Nam hiện nay, tháng 9/2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm “Người Dao Tiền ở Việt Nam” (Sách chuyên khảo) do tác giả Lý Hành Sơn, Viện Dân tộc học (chủ biên). Ngoài phần mở đầu và kết luận, cuốn sách được chia thành 5 chương sau đây:
Chương 1: Tổng luận các nghiên cứu về người Dao ở Việt Nam, tên gọi, các nhóm Dao và địa bàn cư trú
Thông qua 3 vấn đề chính là: 1). Tổng luận các nghiên cứu về người Dao ở Việt Nam (trước năm 1986, từ 1986 đến nay và từ những nghiên cứu về người Dao Tiền ở Việt Nam); 2). Tên gọi, các nhóm Dao và địa bàn cư trú; 3). Khái quát về nguồn gốc lịch sử, tác giả nhận định: Tộc người Dao ở Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau và nhiều nhóm địa phương khác nhau. Trong đó tên gọi Dao hoặc Yao là chính thức. Nhiều nhóm địa phương được nhiều nhà khoa học công nhận là Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần Chẹt và Dao Lô Giang thuộc phương ngữ Miền; Còn các nhóm Dao Quần Trắng, Dao Tuyển và Dao Thanh Y thuộc phương ngữ Mùn. Riêng nhóm Dao Tiền, phụ nữ mặc váy hở in hoa văn hình sóng biển màu xanh lơ, tại cổ áo phía sau gáy có đính mấy đồng tiền xu bằng kim loại, có dân số khoảng 1/3 tổng dân số tộc người Dao, sinh sống chủ yếu ở miền núi phía Bắc (Đông Bắc và Tây Bắc). Ở Đông Bắc, họ sinh sống phân tán tại các huyên: Nguyên Bình (Tỉnh Cao Bằng), Ngân Sơn, Ba Bể, Bạc Thông, chợ Đồn (Bắc Kạn), Nà Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn (Tuyên Quang), Bắc Quang (Hà Giang)… Ở Tây Bắc, người Dao Tiền có mặt ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn (Phú Thọ), Đà Bắc, Mai Châu (Hòa Bình), Phù Yên, Mộc Châu (Sơn La)… Sau năm 1990, họ còn di cư vào Tây Nguyên và sống khá tập trung tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đắk, Lắk).
Tại miền núi phía Bắc, người Dao Tiền trước kia chủ yếu canh tác nương rẫy kết hợp chăn nuôi thả rông, khai thác các nguồn lợi tự nhiên trong rừng, dưới nước, trao đổi mua bán để đáp ứng nhu cầu về kinh tế tự cấp. Vì thế, đặc điểm văn hóa chủ yếu của người Dao Tiền nói riêng và nhóm người Dao nói chung là văn hóa nương rẫy, săn bắt, hái lượm… liên quan tới môi trường nơi cư trú của họ. Từ sau năm 1960 đến nay, người Dao Tiền tuy đã nhiều năm sinh sống định canh, định cư nhưng vẫn duy trì hầu hết các đặc trưng văn hóa tiêu biểu của mình mặc dù có “biến tiếp” văn hóa mới do ảnh hưởng của các tộc người láng giềng là: Tày, Nùng, Thái, Mường…đặc biệt là người Kinh trong những năm gần đây.
Chương 2: Hoạt động kinh tế
Thông qua nghiên cứu ở các góc tiếp cận như: Trồng trọt, chăn nuôi; Thủ công gia đình; Khai thác nguồn lợi tự nhiên và hoạt động lâm nghiệp; Hoạt động buôn bán và sự chuyển đỏi cơ cấu kinh tế hiện nay; Việc quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tác giả cho rằng với sự đa dạng nhóm địa phương và phong phú về văn hóa, từ khi Đổi mới đến nay có thể thấy, so với thời kỳ bao cấp, người Dao Tiền nói riêng và nhóm người Dao ở Việt Nam đã có sự biến đổi nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực đặc biệt là kinh tế.
Từ nguồn thu nhập chính là canh tác nương rẫy người Dao Tiền đã chuyển sang thu nhập từ làm ruộng bậc thang kết hợp với trồng cây công nghiệp và phát triển rừng, chăn nuôi theo hướng phát triển hàng hóa…Hiện nay, người Dao Tiền đã đa dạng được hoạt động sinh kế, biến đổi hoạt động kinh tế để thích ứng với vị trí ngày càng nâng cao cơ chế tự chủ của mỗi hộ gia đình để thoát nghèo và hướng tới làm giàu. Một trong những điểm nổi bật từ sau năm 1986 là nhóm người Dao đã tăng cường mở rộng diện tích ruộng nước từ việc khai phá thêm ruộng bậc thang tại những bãi đất ven sông, suối, đất ven đồi núi và bất kể nơi nào có điều kiện về nước tưới. Sự thay đổi này đã giúp người Dao định cư ổn định. Từ chỗ được cho là nhóm tộc người chuyên phá rừng, họ đã trở thành những người bảo vệ rừng và trồng được một số cây công nghiệp có giá trị. Gần đây, người Dao Tiền còn tích cực tham gia vào các hoạt động mua bán tại địa phương và bán thuốc nam đi khắp các tỉnh thành, con em họ còn cho đi lao động xuất khẩu, làm công nhân tại các khu công nghiệp, thoát ly địa phương đi làm trong vùng kinh tế mới, khai thác gỗ, khoáng sản ngày càng gia tăng đã khiến đời sống sinh kế ngày càng đa dạng và nhờ đó đời sống được cải thiện và nâng cao hơn rất nhiều so với trước năm 1986.
Chương 3: Tổ chức xã hội tộc người
Thông qua việc cung cấp các thông tin liên quan đến các tổ chức xã hội như: Làng (tên gọi, ranh giới, đặc điểm, việc thành lập làng, chế độ sở hữu, thiết chế quản lý và mối quan hệ trong làng, tập quán tương trợ); Dòng họ (cấu trúc và đặc điểm, mối quan hệ trong dòng họ); Gia đình (cấu trúc, mối quan hệ, tục nhận nuôi trong gia đình); Phong tục tập quán trong đời sống (sinh đẻ và nuôi con, lễ cấp sắc, hôn nhân và cưới xin, tang lễ), tác giả cho rằng: các thôn, làng người Dao Tiền hiện nay không những đông đúc hơn mà còn được phân bổ cư trú xen kẽ giữa các dân tộc khác nhất là xen kẽ với người Kinh ngày càng tăng (tại những nơi thuận tiện giao thông); họ có xu hướng mở rộng hoạt động thương mại, phát triển du lịch và các dịch vụ phi nông nghiệp. Vì thế, đây cũng là nguyên nhân khiến cho mô hình cư trú của người Dao nói chung đang biến đổi, làm thay đổi các mối quan hệ cố kết cộng đồng đồng tộc, chuyển dịch sang quan hệ đa phương, đa tộc nhất là trong hoạt động kinh tế và giao lưu tiếp thu văn hóa. Điều này cũng có nghĩa, đời sống kinh tế và lợi ích của mỗi hộ gia đình người Dao Tiền hiện nay đang ngày càng được khẳng định so với trước kia chủ yếu là dựa vào dòng họ và cộng đồng thôn, làng (tức mối quan hệ gắn kết giữa gia đình lớn của chi họ hoặc tông tộc với các gia đình nhỏ đang có xu hướng giảm trong hoạt động kinh tế, nuôi dậy con cái…). Tuy nhiên, tổ chức dòng tộc vẫn có vị trí quan trọng trong việc tiến hành một số nghi lễ như: cấp sắc, cưới xin, ma chay… của các gia đình thành viên.
Chương 4: Văn hóa vật chất
Phần này cung cấp các thông tin về ẩm thực (lương thực, thực phẩm, món ăn và cách chế biến, đồ uống, thức uống, ăn trầu, cách tổ chức ăn uống, cách bảo quản lương thực thực phẩm); Trang phục (nữ, nam phục, lễ phục, y phục trẻ em, trang sức); Nhà ở (tập quán bố trí nhà ở, cấu trúc, mặt bằng sinh hoạt trong nhà, một số tín ngưỡng liên quan đến nhà ở); Công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt và vận chuyển (công cụ sản xuất, đồ dùng, phương tiên). Qua đó, tác giả khẳng định: Văn hóa vật chất của người Dao Tiền đang biển đổi nhanh dưới các tác động của xu thế đô thị hóa và toàn cầu hóa. Hiện nay, người Dao đang từng bước hội nhập với các tộc người láng giềng, nhất là với người Kinh trên nhiều khía cạnh như: ăn uống, trang phục, văn hóa ở. Sự biến đổi cho thấy cuộc sống của đồng bào đã no đủ hơn, các bữa ăn hàng ngày đã có thêm nhiều món, thậm chí có cả dịch vụ chế biến món ăn sẵn, bữa ăn sáng cũng tùy sở thích, không còn ăn chung như trước, bữa cỗ trong gia đình và cộng đồng đã dần theo xu hướng chung của các tộc người trong vùng. Trang phục truyền thống cũng không còn mặc thường xuyên và được đầy đủ các công đoạn may vá như trước kia, nhà ở dần được thay thế bằng những ngôi nhà mái vừa truyền thống vừa cách tân, có tính kiên cố và khang trang hơn. Các nghi lễ liên quan đến xây dựng và cư trú tuy vẫn còn được duy trì nhưng không còn được thực hiện nghiêm ngặt và đầy đủ các bước như trước mà tùy theo từng mức đô thị hóa ở từng địa phương và các mối quan hệ đồng tộc mà có sự thay đổi ít nhiều…
Chương 5: Văn hóa tinh thần
Phần này cung cấp các thông tin liên quan đến tiếng nói và chữ viết (đặc điểm tiếng nói, chữ viết, sự biến đổi ngôn ngữ của tộc người Dao và người Dao Tiền qua một số công trình nghiên cứu); Tín ngưỡng, tôn giáo (khái quát chung, một số tín ngưỡng thờ cúng trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, nghi lễ liên quan tới nông nghiệp và chăn nuôi, lễ tiết trong năm); văn học, nghệ thuật dân gian (văn học, nghệ thuật); Nhạc cụ và trò chơi dân gian; Tri thức dân gian (tri thức trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tri thức về thời gian và thời tiết, tri thức về y học dân gian). Qua đó, tác giả cho rằng: văn hóa tinh thần của người Dao Tiền vẫn bảo lưu được nhiều yếu tố truyền thống có giá trị. Tuy nhiên, trong đó mảng văn học nghệ thuật đang bị mai một dần. Trong khi hiện tượng song ngữ và đa ngữ đang ngày một phổ biến ở không ít địa phương thì các nghi lễ liên quan đến nhu cầu tín ngưỡng trong phạm vi gia đình và cộng đồng thôn làng lại được phục hồi. Trong đó, phải kể đến tục thờ cúng tổ tiên và ma bản làng ngày càng được chú trọng nhất là lễ cấp sắc cho con trai trong gia đình luôn được các bậc cha mẹ quan tâm thực hiện chu đáo. Ngược lại, con cái cũng cố gắng lo đám tang cha mẹ sao cho đúng với tập quán dân tộc để cầu mong cho người đã khuất phù hộ cho mình vừa khỏi mang tiếng với dân làng.
Gần đây, tuy các nghi lễ đã được rút ngắn về thời gian thực hiện, nhưng bản chất và vị trí, vai trò của chúng vẫn không thay đổi. Đội ngũ thầy cúng của người Dao Tiền với sự hiểu biết và kinh nghiệm được cho là nhân tố không chỉ đóng vai trò chủ đạo khi thực hành các nghi lễ mà còn quyết định đến việc tồn tại và duy trì các nghi lễ ấy. Sự phục hồi của các nghi lễ trong cầu sức khỏe, chữa bệnh, xem ngày và tổ chức cúng khi khởi đầu những công việc hệ trọng ngày càng có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại. Tác giả nhận định, đây là xu hướng chính đáng của người Dao nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng trong xu hướng phát triển mới. Nếu có kế hoạch duy trì tín ngưỡng bền vững, định hướng phát huy những yếu tố tích cực thì các nghi lễ sẽ góp phần xứng đáng vào việc bảo tồn các đặc trưng văn hóa của người Dao Tiền.
Có thể nói cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Vĩnh Hà