Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Luật Dân sự trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

31/08/2022


Tác giả :
  • TS. Trần Văn Biên (chủ biên)

Địa chỉ liên hệ: Viện Nhà nước và Pháp luật

Năm xuất bản: 2021

Số trang: 335

Lịch sử loài người đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn với những phát minh then chốt làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của toàn nhân loại. Đầu thế kỷ XXI, nhân loại đang bước sang cuộc cách mạng công nghiệp có ảnh hưởng to lớn và toàn diện đến nhiều mặt của cuộc sống, đó là cuộc cách mạng 4.0. Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất các công nghệ, làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi phương thức sống của con người. Những thay đổi đột phá về khoa học và công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn tới sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như hệ thống pháp luật ở mỗi quốc gia.

Luật Dân sự bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa các chủ thể được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Với công nghệ mang tính đột phá, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới, vừa là cơ hội song cũng là thách thức liên quan đến ngành Luật Dân sự, gây sự quan tâm, chú ý của giới Luật học như: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tiền điện tử, tài sản ảo, tiền ảo (tiền mã hóa), hợp đồng điện tử, hợp đồng thông minh… đòi hỏi phải có sự nghiên cứu để làm rõ khung nhận thức lý luận, đồng thời đánh giá thực trạng Luật Dân sự Việt Nam hiện hành đã đáp ứng được các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở mức độ nào, từ đó đưa ra các giải pháp xây dựng và hoàn thiện phù hợp.

Trong bối cảnh đó, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách: Luật Dân sự trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do TS. Trần Văn Biên (chủ biên). Đây là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện Luật Dân sự, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Kết cấu của cuốn sách gồm 03 chương: Chương 1. Khái quát về cuộc cách mạng 4.0 và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới Luật Dân sự; Chương 2. Thực trạng Luật Dân sự trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Chương 3. Hoàn thiện Luật Dân sự nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nội dung cuốn sách mang tính thời sự trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và nghiên cứu xây dựng Chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó góp phần cung cấp luận cứ cho việc hoàn thiện lĩnh vực Luật Dân sự, phục vụ cho việc xây dựng, ban hành Chiến lược pháp luật Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Từ việc cung cấp tri thức khái quát và tác động của cuộc cách mạng 4.0 tới Luật Dân sự, nhóm tác giả đã phân tích mối quan hệ chặt chẽ giữa pháp luật- khoa học và công nghệ để đưa ra các giải pháp hoàn thiện Luật Dân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm các giải pháp sau: (1) Chế định quyền nhân thân (quyền cá nhân về hình ảnh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, dữ liệu cá nhân…); (2) Chế định tài sản (tiền điện tử, tài sản ảo, tiền ảo); (3) Quyền sở hữu trí tuệ; (4) Chế định hợp đồng; (5) Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…

Có thể nói rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến các quan hệ xã hội hay làm phát sinh những vấn đề mới thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự; nhu cầu và sự cần thiết điều chỉnh của Luật dân sự đối với những thay đổi trong các quan hệ xã hội hay những vấn đề mới phát sinh đó. Bên cạnh đó, các giải pháp hoàn thiện Luật Dân sự trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 được nhóm tác giả đưa ra phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời có sự tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định và có thể dự báo trước của hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế. Qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan.

Pháp luật nói chung và Luật dân sự nói riêng không phải là một cơ chế tĩnh tại, bao gồm các nguyên tắc thiếu linh hoạt và các truyền thống cứng nhắc. Trước những thách thức về mặt pháp lý mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra dưới nhiều góc độ khác nhau, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa Luật dân sự và cách mạng công nghiệp 4.0; những vấn đề pháp lý đặt ra đối với lĩnh vực Luật dân sự trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cải cách Luật dân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm. Cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu Luật dân sự phải có sự điều chỉnh kịp thời để đáp ứng những đòi hỏi của xã hội hiện đại. Tính kịp thời trong việc ban hành chính sách pháp luật luôn là một trong các yếu tố quyết định sự thành công.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về Luật Dân sự trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được hình thành trên cơ sở đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Viện Nhà nước và Pháp luật là cơ quan chủ trì. Công trình nghiên cứu có giá trị cao về mặt lý luận và thực tiễn xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật dân sự; đồng thời là tài liệu tham khảo hữu ích cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy Luật Dân sự.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Nguyễn Thu Trang

 


Khoa học xã hội

Các tin đã đưa ngày: