Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Fintech và ảnh hưởng của Fintech đến các định chế tài chính ở Việt Nam (Sách chuyên khảo)

08/10/2022


Cơ quan soạn thảo: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tác giả :
  • PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - PGS.TS. Trần Thị Xuân Anh (đồng chủ biên)

Địa chỉ liên hệ: Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Năm xuất bản: 2021

Số trang: 319

Fintech - công nghệ tài chính là sự kết hợp của công nghệ trong lĩnh vực tài chính nhằm mang tới cho khách hàng các sản phẩm tài chính dựa trên công nghệ. Ở thời điểm hiện tại, Fintech gần như đã phủ khắp các hoạt động tài chính chủ đạo như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Người tiêu dùng ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ Fintech và xem Fintech như một phần tiện ích trong cuộc sống và kinh doanh hàng ngày.

Để giúp bạn đọc có nhiều thông tin hơn nữa về Fintech, tháng 9/2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm “Fintech và ảnh hưởng của Fintech đến các định chế tài chính ở Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê và Trần Thị Xuân Anh đồng chủ biên. Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách gồm các chương cụ thể sau đây:

Chương 1: Tổng quan về Fintech

Thông qua việc cung cấp thông tin liên quan đến: Quá trình hình thành và phát triển của Fintech (khái niệm, lịch sử hình thành); Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính; Các dịch vụ của fintech; Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển (sự kỳ vọng và thay đổi hành vi của khách hàng, hiệu quả hoạt động, mô hình cạnh tranh, thay đổi khung pháp lý), nhóm tác giả nhận định những sản phẩm Fintech là rất đa dạng, sự tham gia của Fintech vào lĩnh vực ngành tài chính sẽ làm thay đổi, có thể là hoàn toàn diện mạo, hệ thống cùng các phương thức tài chính truyền thống. Tuy nhiên, cũng như tất cả các lĩnh vực khác, Fintech cũng sẽ có những tác động cả tiêu cực và tích cực với hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế.

Trong thực tế, Fintech đang hiện diện ở khắp các hoạt động tài chính với hai nhóm rõ nét đó là nhóm hỗ trợ và nhóm kinh doanh, hai loại dịch vụ tài chính mang lại thành công lớn cho Fintech đó là cho vay ngang hàng và gọi vốn cộng đồng. Hiện tại Fintech đang đặt kỳ vọng rất lớn vào những yếu tố sau để phát triển đó là kỳ vọng vào sự thay đổi hành vi của khách hàng, vào hiệu quả hoạt động thực tế, vào mô hình cạnh tranh và sự thay đổi trong khung pháp lý. Những yếu tố này đang đặt ra một thách thức đa chiều khác nhau cho các tổ chức tài chính từ các quan điểm công nghệ, vận hành và chiến lược.

Chương 2: Ảnh hưởng của Fintech đến các định chế tài chính

Phần này cung cấp các thông tin liên quan đến: Hệ thống các định chế tài chính trong nền kinh tế; Ảnh hưởng của Fintech đến các định chế tài chinh ở chiều cạnh (khung đánh giá ảnh hưởng và kết luận khung cơ sở lý luận ảnh hưởng của Fintech đến các định chế tài chính của nhóm nghiên cứu). Qua đó nhóm tác giả cho rằng ở thời điểm hiện tại, hoạt động của các công ty Fintech cũng như các sản phẩm dịch vụ cung ứng của những công ty này chưa thực sự làm thay đổi cơ cấu doanh thu, lợi nhuận cũng như hoạt động của các định chế tài chính truyền thống, thậm chí khó có thể cạnh tranh được với các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán là những tổ chức có nền tảng khách hàng, hoạt động và uy tín tốt trên thị trường. Song, về dài hạn mức độ ảnh hưởng sẽ rõ ràng hơn ở những khía cạnh khác nhau bao gồm cả các ảnh hưởng vĩ vô và vi mô như: ảnh hưởng đến việc thiết kế phân phối sản phẩm của các định chế tài chính; đến môi trường pháp lý và đến việc giám sát các định chế tài chính. Ngoài ra Fintech có mức độ ảnh hưởng trung bình đến chiến lược cạnh tranh của các định chế tài chính; đến xu hướng hợp tác phát triển của các định chế tài chính, đến cấu trúc thị trường tài chính ngân hàng và rủi ro của hệ thống tài chính.

Chương 3: Sự phát triển Fintech ở một số nước và bài học cho Việt Nam để phát triển Fintech trong điều kiện đảm bảo ổn định hệ thống tài chính

Qua việc phân tích sự phát triển của Fintech ở một số quốc gia như Trung quốc, Hồng Kông, Ấn Độ; Một số nghiên cứu thực nghiệm về ảnh hưởng của Fintech đến các định chế tài chính và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về phát triển Fintech trong điều kiệm đảm bảo ổn định hệ thống tài chính, nhóm tác giả cho rằng cần phải xác định rõ vị trí và vai trò của Fintech trong hệ thống tài chính và trong mối quan hệ với ngân hàng thương mại. Tại Ấn Độ và Trung Quốc, Fintech đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết hạn chế của hệ thống ngân hàng thông qua cải thiện hiệu quả cung cấp dịch vụ tài chính và góp phần đáng kể trong việc nâng cao mức độ phổ cập tài chính, ở Hồng Kông thì lại khuyến khích phát triển công nghệ tài chính chủ yếu nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí và phát triển dịch vụ khách hàng tiện ích hợp theo nhu cầu, đặc điểm khách hàng.

Do vậy, với vị trí, vai trò khác nhau tại các thị trường khác nhau, định hướng khuyến khích phát triển Fintech cũng sẽ khác nhau ở cả phạm vi và mức độ. Ngoài ra cần phải có chính sách để đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, tránh lan truyền rủi ro hệ thống về thông tin. Ở Việt Nam, Fintech được đánh giá là rất tiềm năng để phát triển với khung khổ pháp luật thuận lợi và nhận thức về tài chính của người dân ngày càng được cải thiện.

Chương 4: Ảnh hưởng của Fintech đến các định chế tài chính tại Việt Nam

Qua các nghiên cứu về thực trạng Fintech tại Việt Nam (hệ thống các dịch vụ ứng dụng, các công ty Fintech, xu hướng phát triển của Fintech trong những năm gần đây); Ảnh hưởng của Fintech đến hệ thống các định chế tài chính Việt Nam (dữ liệu và phương pháp nghiên cứu định lượng, mẫu nghiên cứu, kết quả nghiên cứu); Đánh giá thực trạng ảnh hưởng của Fintech đến các định chế tài chính (mức độ hấp dẫn của Fintech; các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng; cơ hội và thách thức đối với các công ty Fintech; kết luận về ảnh hưởng của Fintech đến các định chế tài chính), nhóm tác giả cho rằng ở thời điểm hiện tại, hoạt động của các công ty Fintech cũng như các sản phẩm dịch vụ cung ứng của các công ty này cũng chưa thực sự làm thay đổi cơ cấu doanh thu, lợi nhuận cũng như hoạt động của các định chế tài chính truyền thống, thậm chí là khó có thể cạnh tranh được với các ngân hàng thương mại. Công ty chứng khóa là những tổ chức có nền tảng khách hàng, hoạt động và uy tín tốt trên thị trường. Song, về mặt dài hạn mức độ ảnh hưởng của các công ty Fintech xét ở cấp độ vi mô thì Fintech có ảnh hưởng đến việc thiết kế phân phối sản phẩm của các định chế tài chính hiện ở mức độ ảnh hưởng cao nhất, còn lại thì đều ở mức trung bình, ở cấp độ vĩ mô thì Fin tech có ảnh hưởng cao đến môi trường pháp lý và ảnh hưởng cao đến việc giám sát các định chế tài chính. Ngoài ra những hạng mục khác như ảnh hưởng đến cáu trúc thị trường tài chính ngân hàng và rủi ro hệ thống tài chính đều dừng lại ở mức độ trung bình.

Chương 5: Bối cảnh và xu thế phát triển của Fintech

Phần này cung cấp các thông tin liên quan đến bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới và ở Việt Nam; Xu thế ứng dụng côn nghệ thông tin trong ngành tài chính; Cơ hội và thách thức cho phát triển Fintech tại Việt Nam. Qua đó nhóm tác giả nhận định: Thói quen tiêu dùng theo xu hướng tiếp cận công nghệ nhiều hơn sẽ gia tăng xác suất người tiêu dùng lựa chọn sử dụng dịch vụ Fintech, khi thói quen tiêu dùng dịch chuyển từ các sản phẩm truyền thống sang Fintech điều này hàm ý rằng việc truyền thông, thay đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm truyền thống có thể tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển của các dịch vụ Fintech không chỉ của các công ty Fintech cung cấp mà còn của các định chế tài chính áp dụng công nghệ số hóa vào việc phân phối các sản phẩm tài chính tới khách hàng.

Qua phân tích, đánh giá mức độ hấp dẫn của các sản phẩm, dịch vụ Fintech đối với khách hàng sử dụng hiện tại có thể tháy được khách hàng Việt Nam đã bước đầu tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ tài chính và có những đánh giá tích cực về việc sử dụng dịch vụ cũng như có nhu cầu sử dụng dịch vụ trong tương lai. Như vậy triển vọng về nhu cầu sử dụng dịch vụ Fintech trong tương lai được coi là thị trường tiềm năng, cung cấp cơ hội phát triển nhanh chóng cho các dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ cũng như các bên tham gia cung cấp các sản phẩm, dịch vụ Fintech.

Chương 6: Các khuyến nghị chính sách nhằm phát triển Fintech, góp phần ổn định hệ thống tài chính ở Việt Nam

Phần này cung cấp các thông tin liên quan đến vấn đề hoàn thiện khung pháp lý cho các hoạt động Fintech, trong đó chú trọng xây dựng và hoàn thiện việc thử nghiệm về Fintech; Xây dựng hệ sinh thái cho hoạt động Fintech; Thành lập và vận hành hiệp hội kinh doanh Fintech; Xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về các hoạt động Fintech đồng bộ với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cá nhân và các giao dịch tài chính; Đa dạng hóa sản phẩm Fintech; Đào tạo nguồn nhân lực; Tăng cường hiểu biết và đẩy mạnh truyền thông về Fintech. Các tác giả nhận định: với số lượng người sử dụng Internet và điện thoại thông minh ở Việt Nam, dịch vụ Fintech đang là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, do sự hiểu biết về dịch vụ còn nhiều hạn chế nên việc tăng cường hiểu biết và truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển dịch vụ Fintech. Do đó, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Fintech cần thúc đẩy truyền thông, nâng cao nhận thức hiểu biết của người dân đối với dịch vụ của mình từ đó thúc đẩy nhu cầu và lòng tin khi sử dụng dịch vụ. Đối với các cơ quan chức năng và Hiệp hội Fintech cần xây dựng các thể chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ cộng đồng, Hiệp hội Fintech có thể tăng cường giáo dục phổ cập kiến thức tại Việt Nam cũng như trên thế giới thông qua các mô hình truyền thông “Ngân hàng không giấy”, “tổ chức tài chính không giấy” được coi là xu hướng phát triển tất yếu của ngành tài chính ngân hàng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đem đến cho khách hàng những mô thức mới trong dịch vụ tài chính, giúp khách hàng trải nghiệm các giao dịch liên quan đến tài chính bởi sự tiện dụng về không gian, thời gian và chi phí.

Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Vĩnh Hà

 


Các tin đã đưa ngày: