Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay

20/10/2022


Tác giả :
  • PGS.TS. Chu Văn Tuấn (Chủ biên)
  • ThS. Trần Anh Đào
  • TS. Nguyễn Thị Quế Hương
  • TS. Ngô Quốc Đông
  • TS. Vũ Thị Thu Hà
  • TS. Hoàng Văn Chung
  • TS. Nguyễn Bình
  • ThS. Phạm Quang Tùng

Năm xuất bản: 2021

Số trang: 376

 

Trong vài thập kỷ gần đây, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới nói chung có những diễn biến phức tạp. Việt Nam là quốc gia có nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo, có tôn giáo du nhập từ bên ngoài vào, có tôn giáo nội sinh. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với khu vực và quốc tế, diễn biến của tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới cũng có những ảnh hưởng đến tình hình tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Không những thế, ngay chính bản thân tôn giáo ở Việt Nam, cũng với những phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, cũng đang có những chuyển biến rõ rệt.

Nhìn lại chặng đường đổi mới toàn diện của Đảng ta, trong đó đổi mới trong lĩnh vực tôn giáo được thể hiện tại Nghị quyết 24/NQ-TW cũng như các Nghị quyết văn bản của Đảng cụ thể hóa Nghị quyết 24 mà đời sống tôn giáo Việt Nam đã có những bước chuyển biến hết sức quan trọng, tạo nên diện mạo phong phú, đa dạng như hiện nay. Đã hơn 30 năm kể từ khi Nghị quyết 24/NQ-TW được ban hành, đời sống tôn giáo Việt Nam đã có những chuyển biến lớn và đạt được nhiều thành tựu mang tính căn bản. Tuy nhiên, bên canh những thành tựu đó, đời sống tôn giáo ở Việt Nam nói chung, công tác tôn giáo nói riêng vẫn còn có những hạn chế. Đó là xu hướng mê tín, mù quáng niềm tin, xu hướng thương mại hóa tôn giáo; xu hướng lợi dụng tôn giáo để trục lợi; xu hướng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận nhà tu hành; xu hướng chuyển đổi tôn giáo…Đó là những vấn đề nổi bật trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay. Những vấn đề đang đặt ra chúng ta nhiều yêu cầu cần phải giải quyết.

Với mong muốn tổng kết, đánh giá một cách khách quan về những thành tựu, hạn chế, những chuyển biến quan rọng của đời sống tôn giáo ở Việt Nam trong vòng 30 năm qua, để từ đó có thể rút ra bài học và đề ra những định hướng chính sách tôn giáo trong giai đoạn mới, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay” do PGS.TS. Chu Văn Tuấn làm chủ biên. Với cách tiếp cận tôn giáo hiện đại, tiếp cận triết học và một số cách tiếp cận liên ngành… cuốn sách khái quát bức tranh đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay và tập trung phân tích những chuyển biến quan trọng trong niềm tin, thực hành, cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài Lời mở đầu, Dẫn nhập và Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành 3 chương:

Chương 1. Đời sống tôn giáo và những điều kiện, tiền đề cho sự chuyển biến của đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay

Trên cơ sở khái lược cơ bản về lý luận đời sống tôn giáo, nhóm nghiên cứu làm rõ bối cảnh quốc tế và trong nước về sự chuyển biến đời sống tôn giáo ở Việt Nam, đồng chỉ ra sự đổi mới trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo. Các tác giả khẳng định, đời sống tôn giáo bao gồm rất nhiều yếu tố, nhưng 3 yếu tố Niềm tin tôn giáo, Thực hành tôn giáo và Cộng đồng tôn giáo sẽ chi phối đến các yếu tố khác. Có được chủ trương, chính sách tôn giáo đúng là “điều kiện cần”, để đưa chính sách vào cuộc sống, tổ chức tốt việc thực hiện chủ chương, chính sách là “điều kiện đủ” nhằm hiện thực hóa những mục tiêu mà chính sách đề ra. Chính sách và việc thực thi chính sách pháp luật về tôn giáo là những yếu tố, cơ sở, nền tảng hết sức quan trọng tác động đến đời sống tôn giáo, nhất là tạo ra những chuyển biến quan trọng trong đời sống tôn giáo.

Chương 2. Những chuyển biến quan trọng của đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay

Chương này, nhóm tác giả tập trung tổng kết, đánh giá những chuyển biến quan trọng của đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay qua tiếp cận, phân tích trên ba phương diện: niềm tin, thực hành và cộng đồng tôn giáo. Đồng thời chỉ ra những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế đó. Nghiên cứu khẳng định, một trong những sự chuyển biến lớn của đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay chính là sự chuyển biến trong cách thức thực hành tôn giáo. Các tôn giáo không chỉ chú trọng đến những hoạt động thuần túy hay các sinh hoạt tôn giáo theo giáo lý, giáo luật, hiến chương của các tổ chức tôn giáo, mà còn rất chú trọng đến các hoạt động xã hội, hay những hoạt động hướng đến xã hội, phục vụ xã hội. Những chuyển biến to lớn của đời sống tôn giáo ở Việt Nam trong những năm qua đã cho thấy vai trò, vị trí của các tôn giáo ngày càng được nâng cao trong đời sống xã hội. Nhận thức về tôn giáo của xã hội đã có sự chuyển biến một cách căn bản, được nhìn nhận như một thực thể xã hội, một lực lượng xã hội và là một nguồn lực xã hội góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Chương 3. Xu hướng chuyển biến của đời sống tôn giáo ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra

Trong chương này, nhóm tác giả tiến hành so sánh sự khác biệt giữa đời sống tôn giáo ở Việt Nam trước và sau năm 1990 trên một số phương diện: (i) Số lượng tín đồ, tôn giáo và tổ chức tôn giáo; (ii) Niềm tin tôn giáo; (iii) Hoạt động tôn giáo thuần túy và các hoạt động tôn giáo hướng đến xã hội; (iv) Quan hệ quốc tế của các tôn giáo ở Việt Nam; (v) Sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh việc dự báo một số xu hướng chuyển biến mới của đời sống tôn giáo Việt Nam, các tác giả đánh giá chung về những chuyển biến của đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990.

Từ những kết quả nghiên cứu về đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay, nhất là trước những hạn chế, những vấn đề phức tạp, những xu hướng tiêu cực, đồng thời, để xây dựng đời sống tôn giáo ổn định, khắc phục được những hạn chế, phát huy được những yếu tố tích cực, nhóm nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả về đời sống tôn giáo ở Việt Nam, với những cách tiếp cận tôn giáo học và tiếp cận liên ngành – đa ngành khoa học xã hội, cách tiếp cận từ chính trị học về tôn giáo… đã cung cấp cho độc giả những thông tin bổ ích và có giá trị. Hy vọng, với những nội dung của cuốn sách sẽ đáp ứng nhu cầu của độc giả quan tâm, đặc biệt là các nhà hoạch định, điều chỉnh chính sách và công tác tôn giáo trong thời gian tới.

Trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Minh Hồng

 


Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Các tin đã đưa ngày: