Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, hầu hết các nước Đông Nam Á đều có nền văn hóa riêng biệt xuất phát từ cội nguồn văn hóa – văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Từ cội nguồn văn hóa này, khi gặp gỡ với các nền văn minh lớn, các nền văn hóa bản địa đã tiếp thu, chọn lọc những giá trị văn hóa phù hợp, làm cho văn hóa khu vực Đông Nam Á trở nên phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc song không kém phần độc đáo. Đây chính là sự giao lưu – tiếp biến văn hóa giữa Đông Nam Á với thế giới bên ngoài. Trên nền tảng của cơ tầng văn hóa bản địa, các yếu tố ngoại sinh từng bước được bản địa hóa, dân tộc hóa và trở thành tài sản riêng, tạo nên bản sắc văn hóa khu vực.
Là quốc gia có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, nền văn minh Ấn Độ như một dòng chảy liên tục và tồn tại cho đến tận ngày nay có sức làn tỏa ra toàn bộ khu vực châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng. Trong quá trình giao lưu ấy, tiếp biến văn hóa với Ấn Độ là một trong những con đường sáng tạo làm giàu thêm nền văn hóa bản địa độc đáo của các quốc gia Đông Nam Á nói chung, Đông Nam Á hải đảo nói riêng – trong đó có Indonesia và Malaysia. Việc tìm hiểu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tại Đông Nam Á vì thế góp phần hiểu thêm về chính bản thân các nước Đông Nam Á, đồng thời, việc nghiên cứu, tìm hiểu quan hệ văn hóa Ấn Độ - Đông Nam Á có ý nghĩa tăng cường tình hữu nghị, hợp tác, hiểu biết lẫn nhau giữa Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á hiện tại. Trước thực tế trên, năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề Ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ tới các quốc gia Đông Nam Á hải đảo (trường hợp Indonesi và Malaysia) do TS. Phạm Thanh Tịnh làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu từ đề tài cấp Bộ Ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ tới các quốc gia Đông Nam Á hải đảo (trường hợp Indonesi và Malaysia) do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á chủ trì, TS. Phạm Thanh Tịnh làm chủ nhiệm.
Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1. Văn hóa bản địa Đông Nam Á hải đảo và sự du nhập văn hóa Ấn Độ ở khu vực
Chương này, nhóm tác giả khái quát bối cảnh văn hóa bản địa Đông Nam Á hải đảo, trong đó tập trung vào quốc gia Indonesia và Malaysia trước khi có sự du nhập văn hóa Ấn Độ, đồng thời làm rõ quá trình du nhập văn hóa Ấn Độ ở khu vực làm nền tảng cho việc triển khai các công việc nghiên cứu tiếp theo của cuốn sách. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trước khi tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á hải đảo đã có một nền văn hóa bản địa khá đặc sắc với nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Ở Đông Nam Á có đến hàng trăm dân tộc khác nhau, vì thế phong tục, tập quán rất đa dạng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cùng sinh ra và lớn lên trong một khu vực địa lý, và cùng chịu ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước nên văn hóa, tín ngưỡng các nước Đông Nam Á hải đảo dù rất đa dạng nhưng vẫn có nét chung, đó là: tín ngưỡng sùng bái, tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực và tín ngưỡng thờ cúng người đã mất…
Chương 2. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tới Indonesia và Malaysia trên những lĩnh vực cụ thể
Chương này, các tác giả đi sâu nghiên cứu, phân tích ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tới các quốc gia Đông Nam Á hải đảo ở những lĩnh vực mà sự hiện diện của nó, sự lan tỏa của nó không chỉ có trong quá khứ mà còn tiếp tục duy trì tới tận ngày nay, cụ thể: (i) Ảnh hưởng về xây dựng nhà nước và hệ tư tưởng quốc gia; (ii) Ảnh hưởng về ngôn ngữ, chữ viết; (iii) Ảnh hưởng về văn học; (iv) Ảnh hưởng về tôn giáo; (v) Ảnh hưởng trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa; (vi) Ảnh hưởng trong lễ hội, ẩm thực. Những dấu tích ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến ngày nay vẫn còn hằn nổi trên các công trình kiến trúc, điêu khắc và các loại nghệ thuật khác nhau của khu vực Đông Nam Á. Cùng với sự du nhập của Ấn Độ giáo và Phật giáo vào khu vực Đông Nam Á thì ngôn ngữ và văn tự cũng đi theo những tôn giáo này. Một nền văn học phong phú mang ảnh hưởng rõ nét của Ấn Độ giáo và Phật giáo cũng xuất hiện. Cả hai tôn giáo đều xâm nhập một cách hòa bình vào Đông Nam Á, đã được cư dân Đông Nam Á đón nhận và chính cư dân Đông Nam Á đã góp phần đưa hai tôn giáo này phát triển đến đỉnh cao.
Chương 3. Một số nhận xét và đánh giá ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ ở các quốc gia Đông Nam Á hải đảo
Qua các nghiên cứu, phân tích ở chương 1 và 2, nhóm tác giả rút ra một số nhận xét và đánh giá về ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tới các quốc gia Đông Nam Á hải đảo trên hai khía cạnh: chủ thể trao nhận và chủ thể tiếp nhận. Nghiên cứu khẳng định, văn hóa Ấn Độ khi du nhập vào các quốc gia Đông Nam Á hải đảo đã để lại nhiều dấu ấn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là sự đóng góp vào việc hình thành và phát triển các nhà nước cổ đại Đông Nam Á hải đảo; là sự du nhập, vay mượn, giao thoa ngôn ngữ, chữ viết Ấn Độ cổ đại, tạo tiền đề cho sự hình thành ngôn ngữ và chữ viết các quốc gia Đông Nam Á hải đảo cũng như sự ra đời của nền văn học. Tuy nhiên có một số tồn tại và hạn chế khi nghiên cứu những ảnh hưởng của văn hóa hóa Ấn Độ khi du nhập vào các quốc gia Đông Nam Á hải đảo, đó là hạn chế trong trong mô hình thiết chế nhà nước kiểu Ấn Độ Mandala, sự lỏng lẻo của mô hình là tiền đề lớn cho sự tan rã nhanh chóng của các nhà nước sơ khai ở các quốc gia Đông Nam Á cổ đại.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, góp phần vào việc nghiên cứu, tìm hiểu đặc trưng văn hóa khu vực Đông Nam Á, đặc biệt có những đóng góp vào việc xác lập lý luận văn hóa về mối quan hệ quốc gia – khu vực – quốc tế, một vấn đề rất được quan tâm trong những năm gần đây khi chúng ta đang chú ý tới vấn đề hội nhập văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa, đa dạng văn hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Với những nội dung trên, chắc chắn đây là cuốn sách hữu ích dành cho độc giả quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội